Viên Ngọc Bali
Côn Lôn mờ mịt mấy ngàn,
Thầy đi để lại một đàn con thơ.
Rán nuôi dưỡng làm ngơ nuốt thảm,
Gánh gia đình đâu dám từ nan,
Dẹp buồn thảm nén than van,
Đêm ngày con mẹ bẽ bàng cùng nhau.
Nào những lúc trước sân dưới gác….
Đạm Phương nữ sĩ (cháu nội vua Minh Mạng)
Bận bịu với cái ba-lô mang sau lưng và túi computer xách tay lỉnh kỉnh tuột lên tuột xuống trên vai, Tuấn thở phào khi đẩy được cái va-li nhập vào đoàn người đang sắp hàng vô cửa. Sao người ta đi chơi cả tuần mà ai cũng hành lý gọn nhẹ, phụ nữ chỉ có bóp đầm hay túi xách nhỏ, đàn ông thì quá rảnh tay, có thể nói là không mang gì hết. Hình như có gì không ổn đây. Tuấn cười làm thân với người đi sau:
‘Trông ông thong thả quá vậy?’
‘Ông giao hành lý đằng kia, chỗ nầy chỉ xếp hàng vào làm thủ tục lên tàu, không cần mang hành lý nặng theo làm gì.’ Người kia đưa cặp mắt xanh như da trời nhìn anh. ‘Chỉ những gì có thể xách theo người thôi, rồi người ta sẽ chuyển hành lý cá nhân tới trước cửa phòng cho mình.’ Ông ta mỉm cười cuối câu để giúp Tuấn khỏi lúng túng.
‘Tiện qua ha! Vậy mà tôi không để ý.’ Tuấn nhanh nhẩu chữa thẹn rồi chào tạm biệt.
Vậy là mới bắt đầu cuộc hải trình đã bị xộ nặng. Rõ ràng là chân quê.
Lại hì hục đẩy hành lý xếp vào hàng mới. Phải chi có Hồng ở đây thì chắc là không bị quê độ kiểu nầy, cô ta quan sát hay lắm và nhanh nhẹn ứng phó với hoàn cảnh. Nhớ tới Hồng, Tuấn giận ngang, người gì mà làm cho mình bực tức hoài, bao nhiêu năm vẫn ngang bướng, chứng nào tật nấy khiến gia đình không còn hòa khí, chẳng lúc nào vui. Ly dị có thể là giải pháp tốt nhất để tránh gánh nặng. Biết buông bỏ, biết xả trừ phải chăng là trường hợp nầy? Càng nhẫn nhịn, càng cố ôm giữ để còn nguyên vẹn cái gia đình đã bị ám đen hằn học thì càng khổ tâm hai người và cả cho đứa con bởi vì ai nấy đều phải ôm mang hành trang quá nặng do sự giận hờn đeo đẳng thường xuyên trong tâm.
Thủ tục gỡi hành lý rồi cũng xong. Tuấn vào hàng cũ, nhích lần lần vào tiền sảnh để làm thẻ nhận phòng. Xong xuôi Tuấn thở phào nhẹ nhõm, tìm chỗ ngồi nghỉ, bâng quơ quan sát hàng người mới đến tiếp tục xếp dài, dài thiệt dài. Nhìn đoàn người trước mặt ai dám nói dân xứ nầy thất nghiệp nhiều, ai nói kinh tế Mỹ đang trì trệ? Họ du lịch đông đảo, xài tiền không mấy đắn đó. Như là càng thất nghiệp người ta càng tiêu tiền sợ rằng khi có công ăn việc làm sẽ chẳng còn thời giờ cho riêng mình nữa chăng?
Tất cả mọi thứ đều lạ lẫm với Tuấn. Những chiếc tàu du hành chiếc nào chiếc nấy như một tòa nhà mười mấy từng, cao chót vót, đứng gần, ngước mắt lên từng trên cùng nghễnh thiếu điều trật cổ. Khách du hành quá đông, tới mấy ngàn người, tràn ngập khu đại sảnh và đầy đặt sân trước, sân sau, lớp nầy vừa lên tàu lớp kia đã tiếp theo đến, liên tục, liên tục. Tuấn đưa mắt vòng quanh tìm người Việt để làm quen nhưng không thấy, chỉ bắt gặp đôi mắt đẹp tròn của một phụ nữ Á Châu bới tóc theo kiểu người Miến, Nam Dương hay Thái Lan gì đó, búi tóc hơi to khổ, dẹp, không tròn như của phụ nữ Việt vùng quê Hậu Giang mấy chục năm trước. Thấy Tuấn nhìn mình hơi lâu, người phụ nữ trẻ mĩm cười xã giao rồi tiếp tục đầy hành lý theo một lối đi đặc biệt dành cho nhân viên. Tuấn chép miệng: ‘Ước gì đôi mắt ‘giết người’ kia là đôi mắt Việt Nam! Dáng dấp nọ thì chắc là không phải rồi, phụ nữ Việt cỡ tuổi nầy mảnh mai hơn, không mạnh mẽ như vậy.’ Tuấn chợt mỉm cười tự hỏi không biết tại sao bỗng nhiên mình lại phân tích nầy nọ về một bóng dáng phụ nữ vừa mới thoáng qua dưới mắt. Bậy quá! Bậy quá!
***
Hai ngày ở trên tàu, Tuấn mở lòng ra để ôm hết vẻ đẹp đẽ sang trọng của của con tàu, sự phục vụ chu đáo của toàn thể nhân viên cũng như sự tổ chức hoàn chỉnh từng chi tiết và lịch sự. Gió biển mát lạnh, bầu trời xanh trong, thiên nhiên bao la, con tàu trở nên nhỏ bé nhưng vẫn ngang nhiên lướt sóng trùng dương. Trạm đầu tiên, thủ phủ của Alaska, Juneau êm đềm thơ mộng, rồi thành phố lớn nhất Anchorage với vùng êm ấm cây cối bao trùm, núi rừng trùng điệp, đất nhiều người ít với thời gian ban ngày dài hơn ban đêm cả mấy tiếng đồng hồ.
Du khách khi lên bờ được chào mời tận tình tham dự tour nầy tour nọ quanh quẩn gần đó để biết thêm vùng đất mà mình mới đến lần đầu, Tuấn nhập vô đoàn người đi sang biên giới nước láng giềng, đến tỉnh địa đầu Yukon mà lòng đang buồn nên dửng dưng như đá. Nếu có Hồng đi bên cạnh thì cuộc hải trình và lâm du nầy mang nhiều ý nghĩa hơn. Tới nơi, xuống xe, anh móc điện thoại định bấm số cho Hồng nhưng lại thôi, mở máy rồi tắt máy. Có cần thiết để đón nhận những chuỗi dài trách móc nặng nhẹ không? Có đáng để kéo dài cuộc đời với trái tim bị thắt chặt bằng những càu nhàu quá đáng và vô lý không?
Bỏ máy vô túi lại, Tuấn đi theo đoàn người vô coi chó kéo xe chở du khách. Ôi tội nghiệp những con chó, khi bậm chân há mõ thè lưỡi ráng sức để có cái lực kéo ban đầu. Sao mà tội tình, sao mà bất nhẫn! Tuấn xin chụp hình cô gái quê làm việc săn sóc tắm rửa đàn chó. Cô gái mạnh khỏe và yêu đời, có cái đẹp thiên nhiên dung dị của người đồng quê dầu sống ở xứ văn minh giàu có. Cô mỉm cười thiệt tươi và tự nhiên trước ống kính của Tuấn với câu nói như chữa thẹn:
‘Sao lại chụp hình một phụ nữ nhà quê?’
’Tôi muốn giữ hình ảnh của cô như một kỷ niệm về xứ nầy.’ Tuấn cười nheo mắt. ‘Hình cô sẽ được treo làm đẹp phòng khách nhà tôi. Cô biết đó, khó mà có được lần thứ hai đến đây, càng khó hơn để lại được gặp cô.’
‘Ông từ đâu đến vùng nghèo nầy?’
‘Victorville, California!’
‘Yukon, tỉnh nhỏ của Canada xin chào người đến từ California, Mỹ Quốc!’ Nói rồi người thiếu nữ xách hai tay hai cái cái xô nặng trĩu, thoăn thoắt đi về phía mấy con chó đương sủa vang vì đói.
Lại nhớ tới Hồng, nụ cười kia tươi tắn và trong suốt như những lần đầu gặp nhau ở quê nhà mười năm trước. Nụ cười đã biến dạng vài ba năm gần đây. Giá mà có thể kéo lại thời gian, giá mà con người ít bị hoàn cảnh tác dụng nhiều như vậy. Giá mà và giá mà… Tuấn bỏ đám đông ra chỗ vắng, nơi chưng bày những vật dụng của người ngày xưa đãi vàng: máng lắng cát, những dụng cụ sàn, đãi, cái giếng lộ thiên, cây roi, yên ngựa, những vật dụng sinh sống thường nhật của người sống trong rừng núi thiếu thốn như nồi, niêu, chảo, ấm… Tất cả đều mẻ sứt, cũ kỹ nghèo nàn của thời khó khăn khi mới lập quốc.
Tuấn chép miệng: Giống như mình trong những năm Kinh Tế Mới trên rừng. Chỉ có điều là họ tự nguyện và tự nhìn thấy viễn tượng huy hoàng chẳng cần ai phác họa, vẽ vời, mê hoặc.
Buổi chiều về lại tàu, Tuấn uể oải, chỉ muốn nằm dài trên boong tầng 12 lắng nghe máy tàu trổi nhịp đều đều bất tận khi rẽ sóng, nhìn ráng chiều ửng vàng khe núi và ngắm hoàng hôn tan dần giữa các áng mây, những dãy núi trùng điệp hùng vĩ như sáng lên trong màu tuyết phủ, hình như đêm không muốn hiện diện nên về rất chậm ở đây.
***
Đang nằm lơ mơ thì có tiếng gỏ cửa phòng, rụt rè, nho nhỏ. Chắc người dọn giường, Tuấn nghĩ thầm và khoác vội cái áo ra mở cửa. Giống như trong truyện cổ tích có cô Tấm hiện ra, nàng Bali đứng đó làm Tuấn bất ngờ, mái tóc dài bỏ xõa một bên ngực, bồng bềnh quyến rũ, gương mặt trang điểm thanh thoát nhẹ nhàng, cử chỉ ngập ngừng e ấp, tay ôm một cái giỏ xách ý chừng là quần áo hay khăn choàng để đi tắm nắng chiều. Tuấn hỏi bằng mắt vừa đưa tay bắt với nụ cười thân thiện, người con gái cũng im lặng, nhưng lách mình bước mau vô phòng, cánh cửa được khép nhẹ sau lưng.
‘Sao lại không mời khách vào?’
‘Bàng hoàng còn hồn đâu để mời mọc nữa!’ Tuấn thiệt tình.
‘Ngồi xuống được không?’
‘Cô có thể ngồi bất cứ ở đâu trong phòng nầy!’
‘Có chuyện rất dài cần giải bày với anh. Tôi có thể mất việc vì đến đây, nhưng quan hệ quái gì chuyện đó.’ Cô gái Bali ngó nghiêng qua phòng tắm và bước vào đó, thái độ mạnh dạn cả quyết làm Tuấn không đoán được nàng muốn gì. Chuyện lãng mạn khó gặp trong đời hay bẫy rập được bủa giăng? Tuấn ngồi thừ thắc mắc. Hơn mười phút sau, một nàng tiên bước ra. Tóc đen huyền, đẩm ướt, xõa xuống hai bên ngực he hé trắng ngần choàng ơ hờ bằng cái khăn lông lớn. Đôi vai trần rộng hớ hênh phía dưói đôi chút vẫn còn lấm tấm những giọt nước may mắn long lanh. Hình như chỉ có thế thôi. Tuấn nhích mình nhường thêm chỗ, cô gái ngồi lên giường, một tay nắm nhẹ hai mép khăn, một tay vói lấy gối. Tuấn vội chồm tới đưa ra hai cái gối lớn, chỉ giữ cho mình hai cái gối nhỏ. Người đẹp Bali ngã người thoải mái, kéo mền lên trùm tới cổ và vỗ vỗ chỗ trống kế bên. Tuấn vô cùng bối rồi, chưa biết làm gì cho đúng…
Tiếng leng keng của máy đánh bạc tạo nên một bản nhạc không ngừng nghỉ nhưng hấp dẫn lôi kéo bước chân của Tuấn. Anh đi vòng quanh từ hàng nầy qua hàng kia, mắt liếc xem những con số xanh xanh ghi lượng credit khách thắng để tìm xem người nào có con số lớn. Cũng là cái thú, ké vào sự hồi hộp thắng thua canh bạc thiên hạ đặt, mình tham dự khỏi tốn tiền, khỏi xót xa.
Có cảm giác như ai đó nhìn mình từ phía sau, Tuấn quay lại. Ồ! Đôi mắt Á Châu hôm nọ. Theo dõi cái chớp mắt hơi bối rối của người đối diện, Tuấn biết người kia cũng nhận ra mình, anh mỉm cười chào rồi rảo bước lại một bàn chơi blackjack cạnh nàng, ngồi xuống. Thì ra cô ta là floorwoman của sòng bạc. Ngon ha! Phụ nữ Á Châu lại làm chức nầy trên một chiếc tàu hải du. Nàng tiến đến trước mặt Tuấn hỏi thẻ phòng để làm thẻ sòng bài. Bỗng nhiên Tuấn buột miệng:
‘Cô là người xứ nào vậy? Tôi ước ao cô là người Việt Nam.’
‘Tôi sanh ở đảo Bali. Indonesia.’
‘Cô biết không, sau chuyến đi nầy công ty sẽ đổi tên tàu, không còn là Viên Ngọc Bắc Âu nữa mà là Viên Ngọc Bali.’ Tuấn tán.
Nụ cười nửa miệng nở ra trên môi:
‘Cám ơn ông. Ông là người Việt Nam?’
‘Vâng. Và tôi ao ước được vẽ chân dung cô! Hôm nào xin phép được mời cô xuống phòng tranh, tôi sẽ tìm dịp vẽ khuôn mặt đặc biệt của cô, nhất là đôi mắt.’
Chỉ có nụ cười xã giao mà không có câu trả lời hay câu hỏi thắc mắc.
Tuấn móc bóp và móc bóp. Khi có bài xấu, không biết rút hay ngừng, để trấn tỉnh mình Tuấn ngâm nho nhỏ: Côn Lôn mờ mịt mấy ngàn. Thầy đi để lại một đàn con thơ…. Người dealer chia bài hỏi với nụ cười hóm hỉnh: Anh đọc bùa ấy à? Cô gái đến gần bàn bài đở lời: Ông ta ngâm thơ Việt Nam đó. Tuấn đưa mắt cám ơn. Những tờ giấy trăm lần lượt bay ra và biến mất trên bàn… Mỗi lần đưa thẻ cho cô gái ghi điểm, Tuấn thoáng thấy ánh mắt như tiếc tiền, như trách móc, ánh mắt của người vợ không bằng lòng chồng bài bạc. Tuấn áy náy đứng lên nói nhỏ vào tai nàng Bali: ‘Không rành đánh bài, chỉ muốn được dịp nói chuyện với cô thôi.’ Lại nụ cười và ánh mắt chào nhau quyện cuốn không khí trong phòng, tự dưng Tuấn nghĩ là mình đang thắng đậm.
Vẫn thứ tiếng Anh lưu loát như từ trước tới giờ:
‘Tôi hiểu hai câu thơ anh ngâm nga hôm qua. Bà ngoại tôi thường ru tôi ngủ khi tôi còn rất nhỏ. Nghe ru vài lần là hai bà cháu đều chìm trong giấc ngủ. Bài đó dài lắm, tôi nhớ lõm bõm thôi nhưng không tự mình nói ra được.’
Tuấn vặn nhỏ cái TV, cô gái nhích vào trong như nhường chỗ bên cạnh, Tuấn lấy hết can đảm giở mền chun vô. Đôi mắt tham lam của đàn ông nhân dịp nhìn những gì có thể nhìn được. Mạnh mẽ, tuyệt trần. Màu trắng mặn mà của chút da bánh mật. Tim Tuấn đập mạnh liên hồi. Ngày xưa quen Hồng cả hai năm, bao nhiêu là hứa hẹn cũng chưa được cơ hội nầy, bây giờ không dưng tiên lại hiện xuống trần gian, trước mặt Tuấn là cả một không gian đầy bí ẩn và lãng mạn. Một Giáng Kiều bước từ trong tranh ra nằm bên cạnh Tú Uyên nói chuyện kiếp tiên của mình!
Vẫn nụ cười và ánh mắt sâu thẳm dịu dàng:
‘Tối nay nghỉ làm, trưa mai mới có ca, mình còn nhiều thời giờ hàn huyên tâm sự. Không cần biết anh làm nghề gì, hiện sống ở đâu, tôi chỉ muốn nói chuyện đời mình cho anh nghe thôi. Và anh là người duy nhất có bữa gặp gỡ hôm nay cũng như câu chuyện anh sẽ nghe.’
Tuấn nằm im, dường như anh sợ cử động thì người đối diện sẽ biến mất, anh thử chứng nghiệm thật-ảo bằng cách ghi nhận cảm giác của cánh tay mình khi va chạm với cái hông mềm mát của người con gái lạ lùng nằm kế bên. Không khí gian phòng tỏa khí lạnh dịu hơn bình thường, như là mùi thơm da thịt có thể bay xuyên qua chăn để quyện trong không gian.
‘…Bà ngoại tôi là người Việt Nam lai Bali. Tôi sống với bà từ nhỏ nên hiểu được tiếng Việt dầu không nói được thành câu. Ông cố tôi là người Vĩnh Long, chống thực dân Pháp nên bị đày chung thân ra Côn Lôn đâu từ đầu thế kỷ 20. Ở đó chừng 10 năm thì ông cùng một số bạn vượt ngục thả bè rời đảo. Tôi không biết số phận những bạn bè của ông cùng đi trên chiếc bè đó. Tôi chỉ biết ông đến đảo Bali trong tình trạng gần như tuyệt vọng, cái chết cận kề vì đói khát và cơ thể mất nước quá nhiều. Ông được một gia đình thổ dân giúp đỡ săn sóc. Ông lấy lại sức, sau đó yêu và kết duyên với người con gái đã săn sóc mình.
Bà Ngoại tôi là kết quả của mối tình viễn xứ đó. Bà được cha dạy tiếng Việt và chữ Việt, dạy về nguồn gốc của mình, dạy về thi ca Việt Nam mà ông biết, ông nhớ. Và tôi được bà Ngoại dạy lại, nhưng khi đó bà cũng đã già, tôi thì còn quá nhỏ để hiểu được ngôn ngữ Việt. Bài thơ có hai câu ông đọc là của vợ một người bạn tù gởi cho chồng mà ông cố tôi đã thuộc khi còn bị giam ở Côn Lôn…
Cuộc sống ở đảo, chút xíu văn hóa Việt của tổ tiên rơi rớt nơi quê người ươm mầm trong tâm hồn tôi không có dịp phát triển, càng ngày càng tàn rụi. Kỷ niệm với bà cũng lờ mờ, chỉ nhớ được câu dặn dò khi bà gần lìa đời rằng ‘Lớn lên con nên lấy chồng người Việt Nam.’ Tôi chẳng hiểu gì, cũng chẳng thấy lý do chánh đáng trong lời yêu cầu nhưng ánh mắt bà lúc đó tha thiết quá nên tôi đã nhè nhẹ gật đầu cho bà vui.
Cuộc sống ở đảo, chút xíu văn hóa Việt của tổ tiên rơi rớt nơi quê người ươm mầm trong tâm hồn tôi không có dịp phát triển, càng ngày càng tàn rụi. Kỷ niệm với bà cũng lờ mờ, chỉ nhớ được câu dặn dò khi bà gần lìa đời rằng ‘Lớn lên con nên lấy chồng người Việt Nam.’ Tôi chẳng hiểu gì, cũng chẳng thấy lý do chánh đáng trong lời yêu cầu nhưng ánh mắt bà lúc đó tha thiết quá nên tôi đã nhè nhẹ gật đầu cho bà vui.
‘Làm sao được! Đâu cần phải như vậy! Hôn nhân phải bắt nguồn bằng tình yêu! Dân tộc nào cũng thế thôi, quan trọng là con người cụ thể.’ Tuấn nhận xét, giọng phản đối.
‘…Vậy nên cách đây chừng 5 năm tôi đi thăm Việt Nam, có tìm đến Vĩnh Long nữa! Chỉ muốn ghi thật sâu vào tâm trí quê hương của ông tổ chính khí của mình thôi. Và tôi thất vọng, tôi bị giựt bóp, bị giựt máy ảnh, mất Giấy Thông Hành, té trầy mặt, lỗ đầu. Không ai giúp tôi. Người ta chỉ đứng ngó, có người còn cười. Vào chỗ khai báo thì chẳng ai hiểu tôi nói gì. Họ như không muốn tiếp mình. Lạnh nhạt. Sau cùng họ bắt tôi viết trên một tờ giấy khai báo sự việc, biểu một tuần trở lại với giấy tờ chứng minh rằng máy ảnh khai mất là của tôi. Làm sao tôi có thể ở đó thêm ngày nào nữa chớ?
Tôi trông đợi một người nào nói rằng tôi hơi giống Việt Nam để có dịp bày tỏ về nguồn cội xa xưa của mình mà tôi hằng hãnh diện. Chẳng ai nói, người ta chỉ chăm chăm trên những món nữ trang tôi đeo trên mình…. Cái Giấy Thông Hành sau đó có người gọi điện thoại đến khách sạn nói là anh ta lượm được và xin tôi đền ơn một số tiền lớn!’ Người kể chuyện ngừng nói, Tuấn nhắm mắt nhưng nghe được tiếng cười mũi, anh thấy đau nhói trong tim.
‘Tôi thông cảm với cô. Lòng thôi thúc được tiếp xúc với chút gì đó liên hệ xa gần với quê hương của ông tổ hào hùng lại bị thất vọng vì nhiều thứ khi đi vào thực tế.’
‘Tôi đến đây với nhiều lý do, khó phân tích rạch ròi. Một sức đẩy từ bên trong lòng mình thì đúng hơn. Nhất là hai câu thơ anh ngâm nga khi đánh bài.’ Tiếng kể ngừng lại, ánh mắt dò hỏi quay qua, lướt trên mặt Tuấn.
‘Anh nói sẽ vẽ chân dung tôi, nhưng mình không còn thời gian nữa, ngày mai tàu cặp bến rồi. Viên ngọc Bali của anh sẽ trôi theo dòng đời, ngoài tầm tay của anh mãi mãi.’ Giọng cô gái xúc động. Tuấn làm gan choàng qua ôm và hôn tới tấp lên đôi mắt đẹp. Người con gái nhắm mắt, đáp ứng. Cả hai đều lấy làm lạ là loạt hôn cuồng bão phần ngon ngọt của tình quê hương thuần khiết nhiều hơn phần thân xác gái trai.
Một chập sau, có bàn tay mát rượi đưa lên vai Tuấn, ở đó một chút rồi đẩy nhẹ ra, Tuấn buông mình về vị thế cũ.
‘Nói chuyện viên ngọc mới nhớ lại lời bà Ngoại dặn ngày xưa: Ở đời có hai thứ ngọc. Thứ mọi người đều quí chuộng, trao đổi để chiếm hữu bằng tiền. Loại nầy tồn tại theo thời gian và thay đổi chủ nhân luôn, nó chẳng chung thủy với ai cả. Ai cũng biết đó là kim cương, ngọc thạch, ngọc bích… Loại ngọc khác chỉ quí với cá nhân nào biết giá trị của nó thôi, nó có đời sống vật lý rất ngắn ngủi nhưng trụ với chủ nhân mãi mãi, trung thành, ở luôn trong tâm hồn người chủ, tiền tài không làm nó đổi chủ về với ai khác hay bỏ đi nơi khác …’
Cô gái Bali ngừng nói, day qua hôn lên môi Tuấn thật nồng nàn, trong cơn chếnh choáng, anh đưa chưn mình gác vào nơi không thể gác. Nghe từng cơn sóng gợn giông bão trong hồn. Một ngón tay đưa lên môi Tuấn như lời cấm đoán. Tuấn trở mình.
‘.. . Thứ ngọc đó chủ nhân phải có tâm hồn nhạy bén để đón nhận, nó là vạt nắng chiều trên tàng cây, cơn gió nhẹ buổi sớm tinh mơ, tiếng dế kêu trong bụi cỏ, giọng ễnh ương cạnh bờ ao, hạt sương long lanh trên đuôi lá, giọt nước mắt chảy trên má người vợ, cái nhìn tình tứ của người yêu, câu nói chí tình của người mình không quen biết lắm, một bờ vai tựa khi thất vọng não nề, nụ hôn thuần khiết ngoài xung động của thân xác… Nói tóm lại những viên ngọc nầy đầy rẫy trong đời sống hằng ngày nhưng phải tinh tế lắm mới cảm nhận được. Và lúc ấy tâm hồn người cảm nhận trở thành lớn hơn, đáng quí hơn nhiều.’
Im lặng thiệt lâu, Tuấn nghe được văng vẳng thông báo gì đó của tàu, anh nằm mơ màng để thấm thía từng lời nói vừa rồi. Ngọc ngà thế gian là trang sức bên ngoài cơ thể và ngà ngọc tỏa sáng trong tâm hồn con người mới là bảo vật để trang điểm đời sống của từng người mà ai cũng có thể có.
Người con gái nắm tay Tuấn lay lay:
‘Đêm nay em sẽ ngủ lại đây, trong vòng tay anh ấm áp. Kể chuyện đời mình xong em thấy nhẹ nhõm lòng. Lời hứa với Ngoại coi như đương thực hiện. Anh có quyền…Tùy ý. Nhưng em muốn nghe lại mấy câu thơ kia thiệt nhiều lần, để nhớ lời ru ngọt ngào của Ngoại ngày xưa mà từ khi bà mất đi em không còn được nghe nữa.’
Má môi người nói hồng lên rực rỡ, Tuấn có cảm giác như đủ chiếu rọi vệt sáng long lanh trên tường. Tuấn xoa lên đôi vai trần mát rượi màu tuyết dưới nắng tà.
‘Xin tuân lệnh! Ru em ngàn lần nghe….!’
***
Tuấn thức dậy mới biết rằng mình ru chưa đủ ngàn lần đã ngủ quên trong êm ấm mật ngọt. Cô gái giống như người kỳ nữ trong truyện liêu trai, hiện ra bất ngờ và biến mất như sương khói. Vậy là mình có một đêm ngủ chay bên viên ngọc Bali to lớn, hấp dẫn. Tuấn nghĩ thầm lòng mà lòng tỉnh táo, vui vui, không cảm thấy tiếc rẻ gì hết. Bài học được ban cho quí giá hơn thực phẩm bình thường của trần gian thập bội. Anh nhớ tới ánh mắt tha thiết ngày xưa của Hồng, những lời thủ thỉ dịu dàng tình tứ khi hai đứa mới yêu nhau, nhớ tới những giọt nước mắt ướt đẫm trên gương mặt giận hờn của vợ gần đây, những viên ngọc trong tầm tay anh, có tì vết chút đỉnh nhưng vẫn là vật trân quí của riêng mình. Hạnh phúc chính là cái hiện tại mình đang nắm trong tay, cái mình tự tạo.
Tuấn mở máy, gọi số, nói giọng thiệt ngọt ngào từ trong tim mình, đầu dây kia có tiếng khóc thúc thít, Tuấn chảy nước mắt vì sung sướng.
Cám ơn người đẹp Bali. Cám ơn viên ngọc Việt lạc loài xứ lạ.
Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, June 10, 2010
(một tuần sau chuyến hải du trên tàu Norwegian Pearl)
No comments:
Post a Comment