Saturday, August 26, 2017

Sống với Ô Nhiểm Độc Tố: Không khí ô nhiễm, biển cả ô uế, đất liền độc hại. 


Phan Văn Song


1/ Từ ô nhiễm bằng món ăn đến ô nhiễm bằng khủng bố:

Suốt tuần qua và cả đến những ngày gần đây, thời sự Pháp vẫn cứ lay hoay chung quanh vấn đề trứng gà nhiễm chất fipronil. Một « phong trào » nhơn danh cẩn thận đành phải phung phí vứt bỏ, tiêu hủy chẳng những cả triệu trứng, làm thiệt hại không biết bao nhiêu vạn euros cho các nhà sản xuất! Còn cẩn thận hơn, phải vứt thêm tất cả những tương quan, dính líu, phải vứt bỏ, tiêu hủy tất cả các phó phẩm có chứa trứng gà… bánh gaufres-kẹp, bánh bisquit khô, cả mì có trứng…Mặc dù y khoa đã nói cái độc hại rất tương đối, không đáng kể, và chứng minh khoa học rằng một người cân nặng 65 kilô phải ăn 7 quả trứng một ngày mới nhiễm độc. (Dân Việt mình mới cân nhẹ 65 kilô, chứ như cái thằng tui đây ốm nhách cũng trên 70 kí rồi! Có thằng tây nào 65 kí lô đâu?) Thế mà, cũng nhơn danh cẩn thận! Thật là cái xứ giàu có khác (nhà giàu đứt tay bằng nhà nghèo đổ ruột). Âu châu thừa thãi phung phí, nhưng suốt ngày cứ than nghèo.

Mỗi cuối tuần suốt hai tháng 7 và 8 nắng ấm, là kẹt xe, nhứt là Paris. Chiều thứ sáu, bạn thử ra cửa Paris-Dourdan để đi về hướng Nam xem, phải đi trước 15 giờ hay sau 00 giờ mới gọi là thoải mái, không thì chờ vì kẹt xe cả giờ… Nhưng vẫn khóc về nghèo, vẫn than vì giá xăng lên, giá điện lên … Nghề than là nghề của chàng Pháp.

Tuần qua, vì bọn khủng bố hồi giáo cuồng tín đánh ở Tây ba Nha, đánh ở Phần lan, đánh ở Đức, đánh ở Nga, sáng thứ hai nầy đánh cả vào Pháp vào thành phố Marseille… cũng bằng xe lao vào đánh đông, cũng bằng dao găm …Tình hình khủng bố cũng làm hạ bớt tình hình than thở…Có lẽ các thành phố lớn ở Âu châu mai nầy, chắc phải sống như Sài gòn của chúng ta, những năm trước 75, trước những sự khủng bố của bọn cuồng tín Việt Cộng. Trước ngõ các cửa hàng đều có lưới chống lựu đạn. Các lề đường có bao cát, có bực đá to chống xe ủi, chống lựu đạn…Xứ Do Thái sống như vậy suốt bao năm nay, riết rồi cũng quen đi!

Các bà con, chắc còn nhớ khi xưa, ở Sài gòn ta, tối đến, dân chúng bà con ta vẫn mạnh dạn tấp nập ra đường hóng mát, trên vĩa hè bờ sông Sài gòn, bạn hàng tấp nập kẻ bán người mua ăn uống, nào hột vịt lộn, nào bò bía, ladze, nước ngọt, đây nước trái cây ép, kìa nước mía ép, đây xin xa hột lựu, nọ chè bắp chè chuối… ăn uống vui vẽ, sung túc …các nhà hàng khiêu vũ vần đầy khách, nào Tự Do, Queen bee, Kim Sơn, nào La Cabane, Maxime, Đêm mầu hồng … đầy dân đi nhót… không ngán thằng Việt Cộng nào đâu, mà cũng chẳng sợ có chết thằng ma nào đâu? Việt Cộng quăng lựu đan? Phe ta ai bị thương, ai bị chết… phe ta nghiến răng băng bó người bị thương, phe ta căm hờn chôn người chết ... và phe ta, người sống vẫn tà tà đi nhót… người cụt giò, cụt cẳng, chống gậy, đi nghe nhạc, bị thương tay, treo tay đi nhót. Còn những rạp cinê nữa! Dân Sài gòn ta mê cinê, ghiền cinê ... ; tuổi nhỏ, hổng có ai là không một lần cúp cua, trốn học đi cinê ; lớn lên, có bạn, cùng bạn, có đào đèo đào, dắt nhau đi cinê ào ào, phim chưởng, phim tây, cao bồi, tình yêu …rạp nào cũng vẫn đầy người… Nào Rex, nào Eden, Đại Nam… và các rạp cải lương? hay hát bộ…Nghèo chơi theo nghèo, giàu chơi theo giàu…Ngày mai âu châu chắc cũng sẽ vậy…

Khủng bố là một ô nhiễm cho đời sống ngày mai…Rồi cũng phải cách giải quyết! Trị ô nhiễm khủng bố, sẽ tạo một cuộc sống đầy đấu tranh, bớt ích kỷ, cộng đồng hơn, quốc gia hơn! Mong lắm!

2/ Thiên hạ nói nhiều về thuốc trừ sâu rầy xài cho nông nghiệp. Nhưng không nói độc hại thuốc trừ sâu rầy xài trong nội thất:

Con người bị nhiểm độc tố nhiều do tai hại dùng hóa học làm thuốc tẩy sạch để làm sạch, làm thơm nhà cửa, bàn ghế, giường nệm. Nhà càng sạch, càng thơm, càng ô nhiểm, càng độc hại!

Vừa qua, cơ quan EFSA – European Food Security Authority – Cơ quan Thẩm quyền An ninh Thực phẩm Âu châu, tuyên bố một câu xanh dờn, rùng rợn: « Hơn 97% thực phẩm chúng ta đang tiêu thụ đều có vết tích thuốc trị sâu rầy nông nghiệp (pesticides) »! Hoảng chưa, báo chí truyền thông âu châu được thế, la hoảng tạo một cơn chấn động. Làm sao đây?

Sau khi hút bụi nhà cửa, sau khi dọn dẹp, ai ai cũng dùng ống thơm « xịt » đều, « xịt » thơm, tất cả dụng cụ làm thơm nhà đều dùng các « ống xịt », hoặc gắn đèn tỏa thơm. Nhà cầu, đi vệ sanh xong, giựt nước sạch (có khi hai lần, toàn xài nút lớn, mặc dầu « đi nhỏ » cho chắc ăn - mặc kệ báo chí truyền thông tử tế bảo phải tiết kiệm nước – và tất cả chúng ta đều « tử tế » khuyên bà con bạn bè tiết kiệm nước, nhưng vì « ở nhà tui, tiền tui, tui xài » nên nhà tui phải cho sạch, cho thơm!

Thế nhưng! No star where, chả sao cả, đó là báo chí la hoảng đó thôi! Thật sự, đấy là bản báo cáo cuối lục cá nguyệt của cơ quan EFSA nói rõ rằng: « Hơn 97% thực phẩm chúng ta dùng đều có vết tích thuốc trừ sâu rầy trong một tỷ lệ hợp lệ » Thì ra thế! Câu đây là một báo cáo khoa học, còn câu trên là một tiếng chuông báo động! Báo cáo nầy còn nói rõ hơn nữa: 97% thực phẩm đều tôn trọng mức độ an toàn, và chỉ có 2,6% vượt mức thôi! Làm báo nói láo! Phóng sự giựt gân …

Thế nhưng! Chúng ta thử đọc kỹ bài báo cáo, và thử lý luận. Nếu như 54,6% thực phẩm chúng ta tiêu thụ không có một vết tích gì của thuốc sâu rầy nông nghiệp, thì 45,4% có vết, tức là có chứa độc tố, mặc dù với một số lượng nhỏ xíu nhưng vẫn đo lường được! Và biết rằng một số rất lớn thuốc trừ sâu rầy bị đưa vào bảng phong thần là có tác dụng tác hại các tế bào thân thể con người (perturbateurs endocriniens) tuy dù với một số lượng rất nhỏ! Do đó …

Qua sự tiếp xúc hằng ngày:

Nước dùng công cộng đều bị nhiểm độc tố thuốc trừ sâu rầy, qua hệ thống sông ngòi, mạch nước ngầm… Đúng! Nước vòi gia đình tương đối có thể uống được, vì được hệ thống phân phối lọc lại và tẩy sạch, nhưng phải trả một giá khá cao! Do đó tạm thời có thể nói, vài vùng, ở Pháp, nước vòi trong nhà có thể uống được! Và các cơ quan phân phối nước của Pháp bảo quản vệ sanh khá tốt. Và chúng ta cũng không phải mang những giòng nước độc ấy vào nhà. Nhưng trong nhà chúng ta, hằng ngày, chúng ta đã tự mang chất độc vào nhà rồi: một cây kiểng héo cần chút phân bón (hóa học), một chú chó, chú mèo gải tai, gải thân thể (thuốc hóa học trừ chí rận), hút bụi một tấm thảm, chưa kể cả những con vi khuẩn mà chúng ta muốn trừ bỏ, con chí mà cậu con trai, cô con gái mang ở trường học về…hay những ngọn đèn cắm điện tỏa chất chống muỗi chống ruồi, chống những con acariens, thuốc xịt, bơm, chống những con mối đục phá những vật dụng bằng gỗ, « xịt » những đàn kiến chúng ta muốn dẹp, những đàn chuột chúng ta muốn trừ… tất cả đều có thuốc trừ cả, trừ dán, trừ muỗi, trừ ruồi, trừ chuột, trừ kiến …Và chúng ta đều có muôn ngàn lý do để mang thuốc trừ sâu rầy vào nhà, nghĩ rằng không xài đến thuốc trừ sâu rầy nông nghiệp đầy độc hại!

Chỉ cần thay tên đổi họ chất hóa học thôi!

Thật tình mà nói, cái nầy là xía vào nghề của anh bạn thân Mai Thanh Truyết tui đây! Xin lỗi bồ nhé!

Rằng khi một chất hóa đổi nghề, không dùng trong nông nghiệp nữa, nó không còn gọi là thuốc trừ sâu rầy nữa (pesticides). Cũng cùng một gia đình hóa chất, ở Pháp, khi ra khỏi phạm vi nông nghiệp, chúng được gọi chung với họ thủ ngữ là phyto (đến từ hylạp cổ phuton = mầm mọc, cây cỏ, thực vật, phyto-sanitaires = săn sóc cho cây cỏ, hay phyto-pharmaceutiques thuốc (dược) cho cây cỏ. Nhắc lại từ pesticide = giết độc tố do là tiếng anh pest = cây xấu (nhắc lại từ pháp = la peste bệnh dịch tả, đều đến bằng từ gốc latinh pestis = độc hại) và cide (do từ latinh cida, đến từ động từ latinh caedo = giết).

Tóm lại hóa chất cùng một gia đình, mang nhiều họ khác nhau tùy theo công dụng, tùy nghiệp vụ, nông nghiệp, vườn nhà, trong nhà (bio-cides), súc vật (vétérinaire) hay người (pharmacie). Thế nhưng, dù đổi họ đổi tên, thuốc trừ sâu rầy, như việt cộng vậy, gốc độc hại vẫn là độc hại!
Tùy theo luật lệ, với cái tên gọi chung mới là « biocides », với một định nghĩa là gom lại tất cả những thuốc có tác dụng tiêu hủy những bio-vật lý có hại, có tác dụng ngăn chận, hay chống lại bằng một phản kháng hóa học, hay bio-vật lý. Mặc dù  tác dụng là đánh thẳng vào những sinh vật có độc tố, những chất biocides, vẫn ít nhiều có tác dụng cụ thể ảnh hưởng đến con người, súc vật hay cả môi trường.

May quá, từ mấy năm nay, luật lệ âu châu chống chất độc đã được áp dụng chặt chẽ. Trên 956 chất biocides có mặt từ năm 2000, nay chỉ còn 374 vào năm 2007, trong kỳ kiểm kê lần cuối. Các nhà kỹ nghệ gia cũng đã tự ý vứt bỏ một lô những biocides đang bị mang tiếng, trước khi các nhà khoa học nói tới. Thí dụ, những hột « lông nảo » của thời Sài gòn ta, dùng để chống mối để trong tủ áo, gồm chất paradichlorobenzène, hay naphtalène (ta thường gọi sai bằng tên hiệu naphtaline), hay những thuốc xịt chlorpyrifos hay dichlorvos nay không tìm ra nữa. Kiểm kê nầy rất tốt cho sức khỏe người tiêu thụ. Chương trình nhắm phải xong vào năm nay 2017, nhưng đã bị dời đến năm 2024! Những chất biocides trên thị trường ngày hôm đang trong tình trạng « đang chờ… ». Lo lắng! Thật ra, vào năm 2013, đã một báo cáo đã quyết định phải loại bỏ một lô chất biocides « có hại » rồi! Nhưng vẫn có những « chần chờ » đến ngày nay! Nhờ có những chấn động-scandales tày trời vừa qua, như với những dép nhựt made in china, làm lở chơn khi mang vào, những ghế da ngồi vào bị nổi mụn, củng do Tàu sản xuất, lý do vì dùng những biocides chống nấm mốc trên da, trên quay cao-su (moississures), vì dùng chất diméthylfumarate, một biocides bị cấm sử dụng tại Liên ÂuCũng như chất fipronil vừa qua bị cấm ở Liên Âu vậy! Và trong lúc chờ đợi những luật lệ rõ ràng cho toàn cầu, dân chúng âu châu ham của rẻ cũng phải lãnh vài cái búa, vài cái scandales, không đến nổi chết người, cũng mang vài cái thẹo!

Thật sự mà nói, nếu chúng ta không phải nhà nông chúng ta cũng chẳng phải lo lắng cho lắm!  Trong một bảng nghiên cứu về « Tình hình dân chúng Pháp trước ảnh hưởng những độc tố hóa học trong môi sanh » nghiên cứu của Viện canh giữ Y tế (Institut de veille sanitaire) năm 2013: Trong cuộc thử nước tiểu của 400 người Pháp trưởng thành, các nhà nghiên cứu so sánh, người Pháp bị nhiễm độc nhiều hơn người Đức, người Mỹ, người Canada bằng chất pyréthrinoïdes. Lý do, người Pháp ăn lúa mạch (bánh mì cứng), ăn cà chua không lột vỏ, và sử dụng thuốc trừ muỗi mòng nhiều. Đặc biệt người Pháp, sử dụng thuốc trừ rận chí cho chó và mèo, dùng thuốc trừ sâu rầy cho vườn ăn trái-potager, và dùng nhửng cái đèn điện tỏa chất thơm trong nhà. Ở vùng miền Bắc, Pas de Calais, chẳng hạn, bảng nghiên cứu đo một vùng nằm cạnh vùng canh tác nông nghiệp, xem thử những bụi bặm hóa chất nông nghiệp có tác dụng nhiều đến nhà ở hay không? Nghiên cứu trên 31 chất hóa học. Kết luận có, nhưng rất tương đối, thật sự nhà cửa, nội thất bị nhiễm hóa học do hóa chất tẩy rửa, làm thơm sạch nhà cửa. Tỷ lệ nhiễm độctrong nhà nhiều hơn ở ngoài, và 31 hóa chất nông nghiệp cũng ít có mặt trong nhà.

Một bảng nghiên cứu khác do cơ quan Inserm (Institut National de Recherche médicales - Viện nghiên cứu Y tế quốc Gia Pháp) và Trường Đại học Rennes theo dõi chỉ riêng với hóa chất pyréthrinoïde, một hóa chất diệt sâu bọ (insecticide) rất thông dụng, bán đầy ở Pháp, có mặt trong khắp mọi gia đình xứ Tây. Nổi tiếng không độc hại cho con người, nên thay thế mọi hóa chất gọi là có độc, do đó rất thịnh hành, vì nó chỉ đánh vào hệ thống thần kinh của sâu bọ. Bảng nghiên cứu tự đặt câu hỏi, thế đối với người? Nghiên cứu nhắm vào con trẻ. Trẻ con, thấp nhỏ, chơi sát mặt đất, bụi bặm, tay dơ, bỏ vào miệng, chưa kể mùa chí, các con trẻ Pháp đều ‘bị gội đầu bằng thuốc chống chí rận’. Jean- François Viel và Cécile Chévrier hai nghiên cứu sanh, cho biết vào tháng 6 năm 2015, trên 3500 cặp mẹ-con được nghiên cứu, theo dõi từ năm 2002, với 300 bà mẹ mang thai, rút thăm (không lựa chọn) và được theo dõi sau sanh sản với đứa con. Đến 6 tuổi, các con ấy đều được test, thử xem về hiểu biết, về trí nhớ. Những cách biệt, dị biệt về thành phần xã hội, và môi trường gia đình đều ghi nhận, để tạo điều kiện công bằng. Xong thử nước tiểu các bà mẹ để xem tỷ lệ chất pyréthrinoïde, trong thời gian thụ thai, và của con vào 6 tuổi để so sánh? Kết quả, không có ảnh hưởng giữa tỷ lệ hóa chất trên của bà mẹ lúc thụ thai và đứa con lúc 6 tuổi. Trái lại, những đứa con do các mẹ nầy, hay những đứa trẻ khác trong vùng đều có chất métabolites de pyréthrinoïdes, một biến thể của hóa chất do sức đề kháng thân thể tạo thành. Con trẻ có chất nầy nhiều, kém phát triển trí nhớ, trí hiểu biết, phát triển chậm chạp hơn con trẻ ít có chất đề kháng nhiễm độc hơn. Kết quả đáng lo lắng hơn, là tất cả các căn nhà nơi vùng nghiên cứu đếu nhiễm chất perméthrine, một chất thuộc gia đình pyréthrinoïde nguy hiểm. Chất nầy đã bị cấm lâu trong ngành nông nghiệp đã trên 15 năm nay rồi, tại sao có ở đây? Đổi tên? đổi họ chăng? Hay ăn gian…      

Để Kết Luận:

Bài viết hôm nay, đặc biệt cho người tỵ nạn chúng ta ở hải ngoại để coi chừng, nhưng đó là chuyện nhà giàu. Nhưng bất công với người Việt trong nước. Người Việt trong nước đang sống trong một môi trường đầy độc đầu ô nhiễm, đầy thuốc độc, đầy hóa chất độc. Độc hại từ thằng tàu, độc hại từ thằng lãnh đạo cộng sản. Chánh thể độc hại, môi trường độc hại, chánh trị độc hại, kinh tế độc hại, biển bị đầu độc, cá bị đầu độc, gạo giả, trái cây đầy hóa chất…

Biết đâu, nhờ vậy dân Việt Nam ta ngày mai sẽ được miễn hóa chất hóa, có giặc nguyên tử đi nữa chúng ta nhờ ăn độc, sống độc, ở độc không sợ phóng xạ, sống phây phây, trường tồn bất tử. Giống như Vua Mithridate của xứ Hy lạp xưa kia, vì sợ bị đầu độc, ông uống hằng ngày một tý độc duợc. Riết thân thể ông quen với thuốc độc ông lúc muốn chết bằng tự tử thuốc độc, không có thuốc độc để tự tử, tự giết ông. Rút cuộc ông phải năn nĩ thằng cận vệ dùng gươm giúp ông tự tử.

Hồi Nhơn Sơn, cuối tháng tám
Phan Văn Song

No comments:

Blog Archive