Cờ Đỏ, Cờ Vàng.
(Thơ gửi một người bạn đồng môn)
Nguyễn V.V là một người bạn học Y Khoa của tôi hồi thập niên 60. Lớp chúng tôi còn nhiều nhân tài như GS N.Đ.Đ nổi tiếng bên Mỹ với những cuộc giải phẫu thay thận, thay tụy tạng, như T.Đ.A, sau này ở lại VN, trở thành đảng viên đảng CS, dân biểu quốc hội Việt Công, thành danh từ ngày mổ tách rời 2 em bé Việt và Đức (tên đặt cho cập song sinh dính liền trong bụng mẹ), như N.T.V, thầy thuốc của dòng sông Cửu Long, còn nhiều nhân tài nữa, không tiện nói ra.
Ngày trước, N.V.V là một người rất thông minh, nhưng cũng rất thực tế, không viển vông với những thành tích học giỏi hay lý tưởng Y Khoa cao đẹp gì. Anh cũng ở trong ngành quân Y, nhưng sau khi được Quân Y cho đi học thêm ở Mỹ, anh không trở về Việt Nam mà tìm cách ở lại Mỹ. Vì lý do đó, sau khi Miền Nam sụp đổ, anh đã có bằng ở Mỹ, làm việc tại Mỹ và trở thành công dân Mỹ từ lâu rồi.Sau 1975, chúng tôi mỗi người mỗi số phận: N.V.V yên thân tại Mỹ, không trải qua một khổ nạn nào vì quốc biến. Tôi và T.Đ.A ở lại, bị đi học tập cải tạo. Học tập cải tạo xong, tôi về, nín thở qua sông rồi sau đó vượt biên, đến nay đã 40 năm. T.Đ.A sau khi ra tù, xoay chiều 180 độ, trở thành người ca tụng CS tuyệt luân. Anh ta được trở thành đảng viên, rồi dân biểu, rồi GS Y Khoa nổi tiếng trong nước, một loại Y Si mà nhà nước CS đánh bóng thành một danh y, không kém Hải Thượng Lãn Ông. Tôi rất phục anh ở điểm này, về phương diện nghề nghiệp.
Ngày hôm nay, cả 3 chúng tôi về già. Tôi không bao giờ liên lạc với T.Đ.A, tuy ngày còn sửa soạn thi nội trú, chúng tôi học với nhau nhiều tháng trời.
N.V.V thì bặt tin mấy chục năm, chỉ mới liên lạc lại với nhau gần đây thôi. Anh rất dễ thương, nhưng có điều khi viết e mail cho nhau, anh viết toàn tiếng Mỹ, tôi tự hỏi không biết anh còn viết được tiếng Việt hay không. Bởi vậy tuần qua, tôi rất ngạc nhiên khi nhận được một email anh gửi cho bạn bè, lần này viết bằng tiếng Việt tuy phía dưới có dịch lại bằng tiếng Anh. Bức thư ngắn, nhưng rất rõ ràng. Nội dung lá thư chỉ để nêu một vấn đề, một câu hỏi. Anh viết :
Hiện tại, người Việt Nam nào cũng mang một giấc mộng là trở thành người Mỹ. Người trong nước khá giả, cố gửi con cái sang Mỹ học để một ngày nào bảo trợ cho gia đình sang Mỹ. Chúng ta nhờ may mắn, đã trở thành người Mỹ từ lâu. Nhờ ai ?? Chính là nhờ CS với lá cờ đỏ của chúng. Vậy tôi hỏi các anh, tại sao các anh chống đối cờ đỏ một cách mãnh liệt đến thế. Nếu không có CS, nếu không có cờ đỏ, liệu các anh và con cái có được như ngày nay hay không ???
Lá thư này là một số mấy người bạn thân viết cho nhau, nhưng vấn đề khá thích thú nên tôi mạn phép công bố nhưng tên các bạn thì tôi viết tắt, nếu người đọc có đoán ra, thì không phải lỗi ở tôi. Tôi viết những hàng chữ này để trả lời anh V.
Thưa anh V.
Cám ơn anh đã thành thực nêu ra câu hỏi. Anh vẫn là thần tượng của tôi về cách sống thực tiễn và cái nhìn xa, trông rộng. Kiến thức của anh đã giúp anh tránh được rất nhiều chông gai mà cuộc sống dành cho chúng ta. Đúng như anh viết, nếu không có biến cố 30 tháng tư, tôi và anh không thể có được đời sống như ngày hôm nay.
Tuần vứa qua, những người Haitiens khăn gói bồng bế nhau tại biên giới Mỹ và Canada vì ông TT Trump không chịu gia hạn cho họ có thể ở lại dù tạm bợ trên nước Mỹ. Sáng hôm qua, tại một tiệm ăn Gà Ken Tucky, tôi sốt ruột vì phải chờ lâu một bà da đen order các món ăn cho bà và 3 đứa trẻ, 2 gái một trai, nhưng khi nhìn thấy mấy cái valises mà bà kéo theo, tôi chợt biết là gia đình này vừa từ Mỹ sang, gia sản sự nghiệp chỉ có bấy nhiêu. Tôi chợt thấy lại trong lòng nỗi thương cảm ngày nào tại một trại Tỵ Nạn trên Mã Lai. Lúc đó, tôi mới thấy được cái việc trở thành công dân Mỹ, như anh, hoặc công dân Canada, như tôi, nó quý đến thế nào. Những người da đen tỵ nạn, nếu muốn được ở lại Mỹ, Canada, phải chứng minh được yếu tố tỵ nạn của họ. Nói khác đi, họ cần có một cái lá cờ tương tự như lá cờ đỏ sao vàng đối với người Việt Nam.
Bởi vậy nên anh hoàn toàn có lý khi nói là nhờ có sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng, mà anh trở thành Mỹ và tôi trở thành canadien, tuy là chỉ là Mỹ giấy, canadien giấy.Anh lại hỏi: ngày nay đời sống chúng ta ổn định, tương lai vững vàng, con cháu thành đạt, có cần phải chống cờ đỏ nữa hay không, có cần phức tạp đời sống như vậy hay không khi vào tuỗi già, mọi stress đều chỉ có hại cho sức khỏe.
Thưa anh.
Anh hoàn toàn có lý. Lý luận của anh rõ như 2+2=4
Tuy nhiên trước khi trả lời anh, tôi xin có được một vài phút tâm sự với anh. Anh cũng biết hiện nay chúng ta già rồi. Khác với anh đã về hưu gần 10 năm nay khi anh thấy mình có đủ tài chánh trong quỹ hưu bổng, tôi vẫn còn đang làm việc tuy không toàn thời gian. Làm Y Sỹ, nhất là Y Sỹ Gia Đình như tôi, không phải cứ muốn về hưu lúc nào là về. Phải kiếm được một người y sỹ thay mình để tiếp tục săn sóc sức khỏe cho các người bệnh đã tin cậy mình gần 40 năm nay. Việc kiếm người thay thế mình rất là khó tại Montréal trong thời điểm này. Không biết ví lý do gì, các y sỹ trẻ mới ra trường không thích làm việc như thời chúng tôi. Bởi thế cho nên tôi rất vui khi kiếm được một anh y sỹ trẻ người Somalie vào làm với tôi. Tôi tưởng rằng mùa hè này sẽ có thể đi đây đi đó, thăm bạn bè chơi, nhưng sự việc không như ý muốn.Mùa hè năm nay, tôi vẫn phải tiếp tục làm việc tại Montréal vì anh bạn trẻ người Somalie nhất định làm thiện nguyện tại Phi Châu, cho tổ chức Médecins sans frontières thì phải. Anh ta mới ra trường, lẽ ra phải cần cù đi làm lấy tiền, nhưng anh ta không nghĩ như vậy, và nhất quyết lên đường. Thế là tôi lại phải thay đổi kế hoạch về hưu của mình để chờ ngày anh ta trở lại Montréal.
Tôi có nhiều bệnh nhân mà tôi săn sóc về sức khoẻ trong nhiều năm nay, trong đó có nhiều thế hệ. Một bà bệnh nhân có một cậu con trai ngày nào khi bị trái rạ đến tôi chỉ là một đứa bé 9, 10 tuổi. Thời gian qua nhanh, đứa bé lớn lên và rất thích thể thao, du lịch. Bà mẹ nhiều khi kể cho tôi là con bà chỉ thích leo núi và đang luyện để có thể leo lên đỉnh núi Everett một ngày gần đây. Rồi cuối mùa Xuân năm ấy, tôi gặp lại người mẹ. Bà ta già đi rất nhiều và coi như mất hồn. Hỏi lại kỹ càng thì ra con bà đã tử nạn trong một cuộc leo núi xứ Népal, trong một mùa đông khắc nghiệt.
Anh V thân mến.
Tại sao có người Y Sỹ Somalie hy sinh nhiều tháng trời để làm thiện nguyện tại Phi Châu?
Tại sao có người thanh niên Canadien đang sống yên lành tại Montréal lại khổ thân sang xứ Népal để rồi bỏ mạng chỉ vì muốn chinh phục ngọn núi Everett ??
Có nhiều câu hỏi mà không bao giờ chúng ta có thể trả lời như 2+2=4.
Nói tới những câu hỏi, lại nhớ tới một câu hóc búa mà một người bạn tại Montreal hỏi tôi mới đây. Họ hỏi tôi nghĩ sao khi tại Montréal có một tổ chức thanh niên trẻ tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam nhưng nhất quyết không dùng lá cờ Vàng hay những hình ảnh liên quan đến lá cờ ấy cho tổ chức của mình.
Nghĩ sao bây giờ ??Tại một xứ Tư Do như Canada, mọi khuynh hướng, mọi tư tưởng đều đáng tôn trọng. Các bạn trẻ đó có một lý tưởng để tranh đấu. Chúng ta phải tôn trọng họ và những gì họ chủ trương. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại, Thế Giới chỉ nhìn về Việt Nam qua hình ảnh lá cờ Đỏ. Tranh đấu cho nhân quyền, dân quyền tại Việt Nam mà không có một lá cờ khác, thì sẽ lẫn trong những cá nhân, những tổ chức lẻ tẻ trong nước, mà nhiều năm qua chưa đạt được thành quả gì. Vì những lẽ đó mà có những phong trào dùng một lá cờ khác, như ta đã thấy.
Sống tại Hải Ngoại mà không xử dụng đến cái vị trí thuận lợi của mình, thì phong trào tranh đấu cho nhân quyền của giới trẻ tại Canada, tại Montréal, nếu không khéo léo, nếu không dũng cảm dấn thân, thì e có ngày đi vào ngõ cụt, cũng tàn lụi mà thôi. Tuy nhiên, không có lý do gì mà không khuyến khích, hỗ trợ các em.
Anh V thân mến.
Ba đứa chúng ta, anh, tôi và T.Đ.A sống trong cùng một hoàn cảnh, một đất nước trong một thời nhiễu nhương.
Anh vẫn sung sướng, về già có về thăm VN rồi lại trở ra.T.D.A cũng sung sướng và có danh vọng nhưng ở lại VN, nghe đâu cũng có sang Canada một lần nhưng không dám gặp ai. Con anh ta được gửi ra ngoại quốc học (Sau cùng, chúng ta làm như nhau!!!).
Tôi ở Canada cũng không khổ sở gì, nhưng không bao giờ đặt chân lại Việt Nam.
Ba chúng ta, ai khôn hơn ai, ai ngu hơn ai ??
Trần Mộng Lâm
No comments:
Post a Comment