Saturday, August 26, 2017

Rốt Cuộc Vẫn Mỹ Là Nhứt 

Kim Thoa


Chuyện xảy ra trong một dám giỗ ở ngoại thành, tác giả nghe thấy gì xin kể y lại vậy :

Trong đám giỗ này có hai chú cháu, người chú là em của bố thằng cháu, thằng cháu từ Mỹ về với bằng cấp "Chuyên viên tài chánh" mà khi bà con hỏi nó về mức lương và tiền thưởng cũng như mọi quyền lợi khác, nó trả lời thật tình không thêm bớt thì một ông tự nãy giờ ngồi hóng chuyện, nghe xong ông ta lẫm nhẫm tính rồi bất ngờ đập bàn cái rầm la lên 

"Ông Cố ơi (chỉ thằng nhỏ), ông có biết lương ông một năm còn hơn một nông dân có ruộng làm cả đời không ông cố !!! ". 

Nhìn nó thật bình thường như bao thanh niên khác, không chừng còn tệ hơn nữa vì nó ăn mặc xuềnh xoàng, quần sọt, áo thun sát nách, không có vẻ gì là "ông Việt kiều" có công ăn việc làm ngon lành ở Mỹ.

Trước tiên, xin nói về người chú. Vào năm 1975 chú 16 tuổi, nhà nghèo con đông, hàng ngày ăn bo bo khoai độn mà cũng chẳng đủ ăn, với sức ăn của thanh niên đang tuổi lớn, chú đói quá đăng đi thanh niên xung phong. Năm 18 tuổi chú "trúng tuyển" đi bộ đội, chả phải vì lòng yêu nước, yêu quốc gia bạn Campuchia gì cả, nhưng không đi thì đói rã ruột nên chú tự ghi tên ở phường, xin đi bộ đội, chú bắt đầu cuộc đời binh nghiệp từ đó.

Bản tính hiền hậu không thích bắn phá giết người, chú có hoa tay nên vẽ giỏi, viết hay, chữ đẹp, chú được làm ở hậu cứ, chuyên làm những việc gì thuộc về chữ nghĩa. Chú là lính trơn không ai đỡ đầu, nhưng lúc chiến trường phía Tây Nam tổ quốc xảy ra chiến tranh ác liệt thì đơn vị chú bị điều đi Pat- Tam -Päng. Ngày chú đi trên đoàn xe chở bộ đội, chỉ có người chị dâu ôm chú tiễn chú đi vì cả nhà ai nấy cũng bận rộn kiếm cơm.

Khoảng một năm ở bên đất Campuchia, chú được về phép, nhưng lần đó thằng bạn thân nhất của chú khẩn khoản xin chú nhường cho nó về trước, chú sẽ về lượt sau, chú bằng lòng. Khi nhóm 5 thằng bộ đội đi, phải băng qua cánh rừng mới ra đường cái đón xe để ra quận lỵ gần đó thì ....ầm.....ầm. .... ầm....mìn nổ. Không biết bên nào đặt mìn, Pon pót hay Việt Cộng mà một trong 5 thằng đạp phải, trái mìn nổ tung lên, ba thằng lòi ruột, gẫy tay chân, hai thằng bị thương trầm trọng, trên đường tải thương, máu ra nhiều quá cũng chết sau đó. Thế là chú thoát chết, đúng là con người ta có số, số chú chưa chết, có người tình nguyện chết thay.

Lần đó trở về với vài người trong đơn vị để đem xác thằng bạn về, đứa bạn nầy chỉ còn bà mẹ già, nhà nghèo, đám ma trông thê thảm, chú ghé nhà người chị dâu, xin chị cho chú 1000 đồng để đem đến nhà má thằng bạn xin bà nhận tiền phúng điếu của chú, chú bỏ tiền vào bao thơ để tránh sự dòm ngó của người xung quanh, chú đâu biết khi nghe chú kể sự tình, chị của chú phải lên xóm trên muợn gấp một đầu hụi tháng của bà chủ hụi để đưa tiền cho chú, nguời chị phải chịu mức lời hai chục phần trăm, một ngàn nầy thời đó lớn lắm vì 500 tiền cũ đổi ra chỉ 1 đồng tiền VC, lương giáo viên cấp hai chỉ có 45 đồng tiền VC, tương đương 4 chỉ vàng vào năm 1978, và chị của chú phải trả 10 tháng nữa, vì mới vào hụi chỉ có 2 tháng (xin lỗi vì lâu quá không nhớ rõ giá trị tương đương giữa tiền và vàng thời đó).

Rồi thì chiến tranh phía Tây Nam chấm dứt, chú xin giải ngủ, tham gia chính quyền. Chú đi học bổ túc vào buổi tối, con đường quan lộ của chú lên như diều gặp gió. Rồi chú cưới vợ, cho ra đời hai đứa con, một trai, một gái, thông minh học giỏi. Vợ chú nhờ chức quyền của chồng nên ăn nên làm ra, nhà cao cửa rộng. Cô con gái đầu 18 tuổi sau khi xong trung học thì chú lo cho nó đi Mỹ du học như phong trào các quan lớn, quan nhỏ hiện thời.

Và sau 4 năm học, ngày ra trường, con gái chú xin trường cho giấy mời bố mẹ sang dự lễ tốt nghiệp của nó. Thế là vợ chồng chú có dịp du lịch nước Mỹ để mở mắt với người ta. Sau khi dự lễ tốt nghiệp xong thì chú thiếm đi thăm thú vài nơi. Tuy ở Mỹ chỉ có hai tuần lễ nhưng chú thiếm đã mang về biết bao là hình ảnh những nơi đã đi qua, trang Face book tràn ngập những lời chúc tụng của anh chị em, bạn bè quen biết. Hai vợ chồng chú vui mừng hãnh diện vô kể dù chuyến đi tốn quá nhiều tiền.

Tới đây, xin kể về thằng cháu. Bố nó là Trúng úy Hải Quân của Quân Lực VNCH đi theo tàu Trường Xuân sang đảo Guam, nhớ vợ con quá nên anh là một trong số người tình nguyện trở về và bị tù 7 năm. Vợ con ở nhà thê thảm, may là bên vợ còn có đám ruộng nên vợ con về quê ngoại sau khi bị đuổi nhà, không bị đi kinh tế mới.

Khi anh được tha về, có người móc nối vượt biên, anh biết lái tàu, nên họ mời anh làm tài công chính cho chuyến hải hành, đem được vợ và hai con theo. Thằng cháu kể đây là thằng Út được mẹ sinh bên Mỹ vào năm 1985. Đây là lần đầu tiên nó đi Việt Nam. Nó xin nghỉ phép hai tuần theo mẹ về thăm bà con bên Nội. Thằng này sinh ở Mỹ nhưng biết tiếng Việt cũng khá.

Hai chú cháu gặp nhau trong đám giỗ, chú nó kể những ưu và khuyết điểm bên Mỹ, ưu điểm là đường xá rộng rãi, sạch sẽ, cây xanh bóng mát, thức ăn hợp vệ sinh, nơi nào cũng có toilet miễn phí nhưng khổ nổi ở Mỹ người ta phải làm việc nhiều quá, cực quá, có khi không có giờ ăn, ̣đầu tắt mặt tối từ sáng sớm cho tới tối mịt mới về trong khi ở VN thì cứ tà tà, cà phê thuốc lá lai rai, vừa làm vừa chơi rất nhàn nhã. Cuộc sống của người già bên Mỹ thì thấy thật bi đát, hầu hết ai cũng phải vào viện dưỡng lão vì con cái đều bận đi làm không có thời giờ chăm sóc, rất tội nghiệp. Rồi chú kết luận là ở Việt Nam sướng hơn.

Thằng cháu không đồng ý với chú nhưng không đủ trình độ tiếng Việt để tranh luận, nó cứ "xổ" một hơi, nghĩ ra câu nào thì nói câu đó không lớp lang thứ tự gì hết rằng 

"con không thích ở Việt Nam vì con không muốn lội bì bõm khi trời mưa nước lụt. Người già ở VN không có trợ cấp tiền già, con cái nuôi không nổi chỉ có nước ra đường xin ăn. Còn ở Mỹ nguời già tuy cô đơn nhưng họ được hưởng tiền trợ cấp và nhiều phúc lợi khác nữa khi yếu đau bệnh tật. Ở VN ăn cái gì cũng sợ trúng độc, nhà thuơng lúc nào cũng quá tải, bệnh nhân không có chỗ nằm, nằm tràn lan ra cả sân bệnh viện, người nghèo không có tiền đút lót thì không được chữa. Việt Nam là một đất nước không có tự do nhân quyền, người dân không được quyền lên tiếng trong khi ở Mỹ, chính phủ tôn trọng tiếng nói của nguời dân, muốn phát biểu thế nào cũng được không sợ bị bắt nhốt. Như vậy chú thấy ở đâu mới đáng sống. Chú thử hỏi bé Gà con chú coi sau khi học xong thì nó muốn về VN hay ở Mỹ là chú biết liền!" (Bé Gà là đứa đang muốn ở lại học Master, nó nói với bố mẹ là con sẽ kiếm đủ cách để ở lại Mỹ chớ không muốn trở về VN).

Nghe thằng cháu nói thế, người chú xuôi xị sò câm vì chợt nghĩ lại mình, ngay cả chức vụ của chú hiện giờ còn bị phe Bắc kỳ tranh giành, tìm cách hất chú về đuổi gà cho vợ. Rồi đây khi con chú học xong trở về, chú phải kiếm xin cho nó một chỗ cho xứng với bằng cấp của nó, nhưng thiếu gì đứa học ở nước ngoài về, bằng cấp phóng ra thật to đem treo giữa nhà, như hù thiên hạ mà nào có xin việc được đâu, vì con anh Ba, cháu anh Tư đông quá, đâu có tới phiên con chú được một chỗ làm tốt "ngồi mát ăn bát vàng". Chú lại đâm lo, lo cho con, rồi lo cho chú, nếu ăn bẩn chia chác không đồng đều sẽ có ngày bị đồng nghiệp tố cáo ngồi tù thì nguy. Thằng cháu này nói đúng lắm, chỉ có Mỹ là nhứt. Chuyến này chắc phải bán bớt tài sản kiếm một căn nhà bên Mỹ để đó. Nếu con gái mình ở lại Mỹ được thì mình cũng dzọt qua bển luôn dưỡng già.

Chú thở dài, như chịu thua, không như ban đầu lập trường của chú là ở Việt Nam sướng hơn. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chính sách mới của ông Trump không chắc gì con chú có thể ở lại Mỹ, trong lòng chú tiến thối lưỡng nan.....không còn vẻ hăng say bênh vực lý lẽ mình như lúc đầu.

Mùa hè 2017.
Kim Thoa

Source:nguoiphuongnam

No comments:

Blog Archive