Bài viết dưới đây tường thuật rất trung thực về đời sống của người Việt tại vùng Tampa Bay, miền trung tây của tiểu bang Florida còn được mệnh danh là Sunshine State.
Tôi làm cho hãng Pratt & Whitney Canada sản xuất động cơ phản lực, phòng Kiểm Phẩm (Engineering Quality Control). Năm 2011 tôi tới tuổi hưu. Hãng không đá động tới, tôi cũng không nhắc, cứ tà tà mỗi ngày đi cày. Làm lâu công việc chuyên môn quen thuộc, tôi giải quyết nhanh lẹ sếp hài lòng mà tôi cũng thoải mái. Tôi bị cộng sản trù dập, tù tội, khổ sở đủ điều rồi được tự do, nên tôi trầm tỉnh hơn các bạn bản xứ cùng phòng, không làm eo làm sách sếp, nên được sếp thương. Có lần vui miệng sếp bảo riêng tôi: “ông muốn làm đến bao lâu tùy ông”.
Làm việc ở ngoại quốc có cái hay là tài liệu cá nhân là của riêng. Chung một phòng mà không ai biết lương ai, tuổi ai. Người Á Châu khó đoán tuổi. Tôi không nói nên chúng cũng không biết tôi quá tuổi hưu.
Mấy thằng làm chung phòng với tôi là dân bản xứ. Chúng nó enjoy cuộc sống dữ lắm. Tối ngày nghe bàn chuyện sports, cuối tuần đi đánh goft, đi trượt tuyết, đi cấm trại. Mùa nào bận rộn chơi trò nấy. Những tuần hè là dông mất tiêu, còn than hè quá ngắn. Cứ ước ao mau tới tuổi hưu để chơi cho đả. Tôi nín thinh cái tuổi của mình, chứ xì ra chắc là nó chửi tôi ham tiền không biết hưởng thụ cuộc sống. Nó có biết đâu, nếu tôi sống trên quê hương tôi thì tôi cũng như nó thôi, tôi cũng tự thưởng cho mình khi về già sau khi đã lo tròn nợ áo cơm. Tôi cũng ta bà đi khắp đất nước tôi vậy.
Thú thật trên ba mươi năm định cư nơi đất nầy, tôi vẫn chưa hội nhập trọn vẹn như người dân bản xứ. Tôi cũng có niềm vui, nhưng chỉ thu gọn trong một phạm vi nào đó. Đi làm cũng là niềm vui của tôi. Tôi thường trả lời với sếp: “I enjoy my job” khi bà ngại ngùng đến nói với tôi đi làm thêm cuối tuần, vì mấy thằng mắc dịch kia tới phiên nó, mà nó làm eo không chịu đi.
Mỗi năm tôi có một tháng hè, hai vợ chồng đi chơi là quá đủ. Tôi cứ tà tà đi làm. Nhưng tôi đi làm thì vợ tôi cũng tiếp tục làm theo không chịu nghỉ, dù cũng quá hưu như tôi. Hãng vợ tôi cứ để mặc bả làm, nhưng công việc bận hơn tôi. Tuổi ngày càng lớn sức càng yếu. Không nghe vợ rên, nhưng thấy thì biết vợ mệt, làm tôi cũng phải suy nghĩ. Tôi tự nghĩ, chẳng lẽ đi làm suốt đời buông tay là đi vào lòng đất hay sao? Còn nghỉ hưu thì làm gì đây trời!? Ở nhà không có một con ruồi để đuổi. Đợi mùa đông xuống xúc tuyết hay mua hè trồng ba cái rau cải rồi mang đi năn nỉ cho bạn bè? Còn đi du lịch, một năm đôi ba lần chứ chẳng lẻ đi cả năm?
Khi mới sang định cư, cuộc sống cứ bươn tới. Đi làm, đi học, đi làm. Bỏ hãng nầy sang hãng khác, hãng khác. Bây giờ sắp về hưu nhìn thời gian sắp tới thấy bế tắt. Tôi không có hobbies hay nghề tay trái mới chết.
Trước sau gì cũng phải về hưu. Thực tế một chút chứ không thể để như lục bình trôi sông! Nên tôi bắt đầu suy tính và tự đặt câu hỏi cho mình. Về hưu sẽ làm gì đây? Ở đâu?
Làm gì sẽ hậu hồi phân giải. Ở đâu mới là chính yếu.
Lúc đi làm mùa đông tôi coi như pha, sáng ngủ dậy thấy tuyết đổ đầy parking xúc vội xúc vàng lên xe phóng đi. Còn ở nhà thấy tuyết trắng phủ mịt mù, dài lê thê năm sáu tháng buồn chán chịu sao thấu! Chắc là phải làm con chim trốn tuyết rồi (snow bird). Trốn đi đâu?
Việt Nam? Nghĩ tới tôi thấy hận Việt cộng. Quê hương mình đất nước mình mà không muốn về, không muốn sống, dù địa lý và thiên nhiên vô cùng ưu đải. Ba mươi lăm, bốn mươi năm sau ngày cưỡng chiếm miền Nam, tưởng rằng đất nước sẽ cởi mở hơn, dân chủ hơn, sung túc hơn. Người dân hạnh phúc hơn. Nhưng đằng nầy hoàn toàn trái ngược. Chúng cai trị kiểu nào mà lôi cả một dân tộc xuống bùn nhơ. Văn hoá, đạo đức băng hoại. Xã hội suy đồi đầy dẫy tội ác! Công an côn đồ khắp mọi ngỏ ngách, sẳn sàng ba trắc dùi cui xả xuống đầu dân vô tội. Thì ngu dại gì chui đầu vào rọ.
Mộng tìm một căn nhà nhỏ ven bờ biển cạnh xóm chài, để ngày ngày nghe gió biển rít qua rừng phi lao và đón ghe chài về mua mớ cá tươi nhảy soi sói cho bữa cơm, xa tít mờ xa.
Mộng đi ta bà khắp miền đất nước thăm viếng đền đài lịch sử, hay chèo ghe rong chơi trên sông rạch miền Tây, len lỏi qua các vườn cây vườn dừa, thăm sân chim sân cò Cà Mau, Bặc Liêu, Đồng Tháp . . . càng xa hơn nữa.
Tôi đi du lịch Cuba, khí hậu giống Việt Nam. Đời sống người dân nghèo nàn. Thấy có bán đất bán nhà cho ngoại quốc. Không đắt lắm. Nhưng cộng sản nào cũng là cộng sản. Chào thua.
Chỉ còn có Mỹ. Mỹ, Canada là anh em qua lại tự do. Đời sống như nhau. Nếu mua một căn nhà nhỏ vùng nắng ấm vừa túi tiền để mùa đông sang sống chắc được. Cali, Texas hay Florida?
Cali: tôi có khối bà con bạn bè ở đó không sợ cô đơn. Ăn uống không chỗ nào chê mà còn rẻ. Santa Ana ấm hơn San Jose. Nhưng biển lạnh không tắm được nhiều, xa Toronto tới 5 giờ bay và nhất là nhà quá đắt.
Texas: Năm 1967 tôi đã ở căn cứ Lacland Airforce ba tháng học anh ngữ trước khi chuyển đi học chuyên môn. Ban ngày nóng, ban đêm lạnh. Mùa đông cũng lạnh. Bây giờ Texas có cộng đồng người Việt Tự Do đông thứ hai ở Mỹ, nhà rẻ. Tôi chưa đến nên không biết sinh hoạt ra sao? Biển có tắm được hay không?
Florida: Giữa năm 2011 bạn tôi là cựu học sinh Phan Thanh Giản –Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, rủ tôi đi tham dự đại hội hằng năm của trường tổ chức tại Fort Myer Florida ba ngày cuối tuần. Mỗi năm trường tổ chức đại hội ở một nước hay một tiểu bang của Mỹ. Lần nầy là lần thứ mười bảy. Tôi làm việc ở phi trường Trà Nóc bảy năm. Ra vô Cần Thơ nên biết và có bạn học hai trường nầy. Tuy nhiên tôi là cựu học sinh trung học Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân Mỹ Tho nên từ chối. Người bạn bảo, tôi mời hai ông bà tham dự với tánh cách thân hửu. Hắn tiếp: “Đại hội chiều thứ sáu, ngày thứ bảy. Chúa nhật du ngoạn một ngày thăm vườn trái cây của người Việt ở Florida”.
Cái nầy khoái đa. Tôi chịu. Sẳn dịp tìm hiểu luôn. Biết đâu kiếm miếng đất làm ông nông dân già. Tôi booked luôn một tuần với vợ chồng ông bạn, mướn xe mướn khách sạn gần chỗ họp để tha hồ đi lục lọi tìm kiếm.
Đến nơi cảm giác đầu tiên tôi thích quá. Khí hậu và cây cối y chang Việt Nam. Có biển ấm bao bọc chung quanh và rừng dừa xa ngoài ngoại ô.
Chiều thứ sáu trong buổi tiền hội ngộ, ông bà Nam cựu học sinh có vườn thanh long ở Miami mang sang cho mấy thùng nhản, vừa mới hái trong vườn đổ ra mời thấy ngộp. Trái tươi chong, bóng lưởng ngọt lịm.
Vườn ông có mười ngàn gốc thanh long và những cây trái phụ. Ông bà mời chúa nhật phái đoài ghé vườn sẽ được ưu đải. Nghe thấy khoái, muốn làm quen ngay!
Fort Myer nằm phía tây nam Florida, Miami phía đông nam. Từ Fort Myer sang Miami mất khoảng hai giờ xe, chạy ngang qua vùng đầm lầy rộng lớn đầy cá sấu. Dọc đường đi có rất nhiều công ty du lịch quảng cáo đưa du khách vào xem cá sấu bằng xuồng cánh quạt.
Qua khỏi vùng đầm lầy là vùng đất mênh mông chưa khai thác thuộc Miami gọi là Homestead, mà đân Việt Nam đến đây mua đất khai khẩn trồng đủ mọi loại trái cây và rau nhiệt đới. Xe chạy qua cánh đồng trồng rau lang chắc là của người Việt, vì thấy có mấy người đội nón lá thu hoạch rau bỏ lên bội, lên xe. Qua cái vườn khác có cả một bờ chuối và bờ tre ngọn cong vòng đong đưa trong gió, làm tưởng như đang đi trên quê mình. Nghe nói ở đây có vườn trầu mỗi năm thu hoạch trên một triệu đô Mỹ.
Sáu chiếc xe bus ngừng trước vườn ông bà Nam thấy là mê liền. Cóc Thái Lan cao khỏi đầu người bọc quanh hàng rào trái la liệt. Theo chủ vườn huê lợi cóc đủ trang trải chi phí nhân công, phân, thuốc, nước cho vườn thanh long. Quá đả! Bao nhiêu thanh long là vô túi hết. Nghe bắt ham.
Ba trăm người đổ vô cái vườn rộng mênh mông không ăn nhầm gì hết. Chủ vườn khoản đải liền ba trăm ly cocktail thanh long. Mỗi ly chắc một trái. Đi ngoài nắng ăn vô vừa mát vừa thanh biết đả. Xong rồi chủ vườn cho khách tha hồ thăm vườn. Ông chỉ hai trong mấy cây nhản đang chín sai uằn trái tặng phái đoàn tha hồ làm gì tùy ý. Thật điệu nghệ ! Ông làm cho người nào muốn hái bỏ giỏ không cảm thấy ngượng.
Thanh long không biết bao ngàn cây, ngay hàng thẳng lối. Đi từ đầu đến cuối trở về là thấy mỏi chân, chứ còn sức đâu đi cả khu vườn xem những cây trái hoa màu phụ.
Còn nhiều vườn phải thăm viếng theo chương trình, nên sau khi nấn ná ở đây hết hai giờ, phái đoàn từ giả ông bà Nam, chủ vườn quá tốt bụng với đồng môn cũng là đồng hương, với vô số lời cảm ơn.
Vườn kế tiếp là vườn nhản của bà Nguyệt. Vườn nầy chỉ trồng nhản. Ngoài rào nhìn vào cây nào cây nấy trái la liệt kéo xệ cành phát ham. Từ cổng một con đường tráng xi măng hai xe chạy được dẫn tới cái villa to đùng bên trái và cái trại thu gom bán trái cây bên phải, thì biết cái vườn bao lớn và mức thu hoạch to tát cở nào. Một số cây được chủ vườn cho thăm viếng và ăn thử, còn muốn mua lẻ từng pound hay chẳn từng thùng thì cứ vào trại vô cùng bận rộn ở đây.
Một nơi sắp đến nữa là trại whole sale. Nơi đây thu mua tất cả trái cây của người Việt trong vùng, rồi đóng thùng chuyển ra thị trường. Trái cây nhiệt đới gì cũng có ở đây: mít, xoài, mảng cầu, cóc, ổi, lôm chôm, dừa, chuối . . .
***
Người ta nói: Trăm nghe không bằng một lần thấy. Trăm thấy không bằng một lần sờ. Tôi đã sờ quả thanh long chín đỏ, đã bẻ cành nhản với chùm trái sai uằn, đã có cảm giác thích thú được bước chân trên đất vườn. Và cũng đã biết được sự mạo hiểm của ông bà chủ vườn đã đem từng hột nhản, từng nhánh thanh long tí tẹo, từng tất dây trầu . . . dấu diếm trong hành lý từ Việt Nam sang, để gầy giống và khó nhọc gầy dựng trong một thời gian dài mới có được kết quả ngày hôm nay. Thành công đó phải nói là vượt bực, thấy ham đó.
Người đi trước đã mở đường. Đất đai còn hằng hà sa số đang đăng bản bán. Cây giống đủ loại cũng vô số kể. Nhưng nghĩ cho cùng đến đây lập nghiệp thì đúng hơn, chứ về hưu dưỡng già làm không nổi đâu. Tôi gày số de.
Hôm trên xe bus đi thăm thắng cảnh Fort Myer. Tôi nghe hai chị ngồi băng trước nói chuyện. Một chị nói lúc mới qua định cư ở Massachusetts lạnh quá bệnh hoài. Ba năm sau gia đình dọn về Tampa nắng ấm quanh năm khoẻ re, hết bệnh.Tôi bắt đầu chú ý và theo dõi cuộc đối thoại:
- Chị ở đó có bị bão không?
- Không. Mười lăm năm rồi chưa bị trận nào.
- Có người Việt đông không chị?
- Cũng đông. Có chợ Việt, nhà hàng tiệm phở.
Xe ngừng ở một công viên để phái đoàn xuống giải lao. Mọi người xuống xe. Tôi khều vợ, hai vợ chồng đi theo anh chị ở Tampa để làm quen tìm hiểu thêm. Sau khi tự giới thiệu và nói mục đích để xin được làm quen, anh chị vui vẻ chấp nhận ngay. Trông chị rất hiền và cởi mở, chị nói ngay:
- Ừa, qua chỗ tôi ở đi. Nắng ấm quanh năm như Việt Nam vậy!
Rồi chị quảng cáo thêm:
- Ở đây nghe, cá cua nhiều dữ lắm! Có ngày biển cạn đi mò ốc con nào con nấy bằng cái tô đem về làm gỏi ngon lắm. Còn ghẹ tới mùa, chỉ xách cái vợt, vợt một lát đầy thùng vậy á!
Nghe chị nói rặc giọng miền tây, tôi thấy mến cười nói:
- Nghe chị nói phát ham.
Vợ tôi tiếp lời:
- Có nhiều cá không chị?
Rồi day qua chỉ tôi:
- Cái ông nầy khoái đi câu và tắm biển dữ lắm!
- Ôi, câu chi mắc công. Hai thằng con tôi lâu lâu nó xách xuồng đi chài một lát cả cooler.
Tôi ngạc nhiên:
- Trời ơi! Cá nhiều dữ vậy.
Rồi tôi cười tiếp:
- Mà đi câu cho nó giống nghỉ hưu chứ chị!
Chị cười. Tôi day qua anh. Anh nói:
- Qua ở gần cho vui.
Rồi anh tự giới thiệu tên Hanh, quê ở Cờ Đỏ Cần Thơ.
Tôi mừng rỡ nói ngay như là đồng hương vậy.
- Tôi biết Cờ Đỏ quận Ô Môn nằm ngoại biên của phi trường Trà Nóc nơi tôi phục vụ bảy năm.
Anh cũng vui nói: - Vậy sao?
Tôi làm như rành lắm, nịnh khéo:
- Cờ Đỏ ruộng lúa bạt ngàn, nhà nào cũng có ngàn giạ lúa trong nhà.
Khi có người biết quê mình, anh cởi mở và vui hơn. Tôi nói:
- Xin lỗi, chắc anh cũng lính.
- Biên Tập Viên Cảnh Sát khoá 1. Giang Đoàn Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến đóng ở Gò Công.
Tôi chợt reo lên:
- Quê tôi đó. Mình gặp nhau cũng ngộ. Anh ở Cần Thơ phục vụ Mỹ Tho, tôi ở Mỹ Tho phục vụ ở Cần Thơ.
Rồi tôi hỏi tiếp:- 30 tháng 4 chắc anh vọt ra biển luôn.
- Kẹt bả với mấy đứa nhỏ ở Cần Thơ nên lái tàu về bị nhốt hết năm năm.
- Tôi cũng vậy!
- Mình đồng hội đồng thuyền. Chắc có duyên. Vậy mùa đông qua chỗ tôi ở đi. Tôi thấy bà xã tôi có vẻ thích chị.
Chúng tôi còn nói nhiều chuyện. Chợt tới giờ lên xe, tôi lật đật cám ơn anh và nói:
- Tính là tính vậy, nhưng chưa chắc.
- Ừ, khi nào cần gì thì cứ gọi cho tôi, đừng ngại gì hết. Hay là khi nào qua tôi chơi một chuyến cho biết.
- Cám ơn anh.
***
Giữa năm 2012 tôi lấy một tuần hè đi Florida. Tôi đặt bản doanh tại Orlando để từ đó tôi bung ra bốn vùng chiến thuật. Tôi đi Daytona beach hướng đông bắc, Fort Lauderdale, Miami đông nam. Tôi ghé vườn ông Nam, ông dẫn ra vườn hái cho trái mít chín cây bự tổ chảng, phải dùng xe kéo từ ngoài vườn vào. Tối đó về khách sạn, mùi mít chín thơm nồng nực cả phòng không ngủ nổi. Tôi đi Tampa hướng tây, qua cây cầu 275 tôi mê liền. Sau nầy tôi trở lại một phần là ở cây cầu nầy. Cầu dài hơn mười cây số băng ngang biển mênh mông một màu nước trong xanh tuyệt đẹp, để qua cái vịnh có bờ biển đẹp nhất nước Mỹ là Clearwater beach. Bờ biển chạy dài mấy chục cây số tới St Pete beach hướng nam. Cát trắng mịn, sạch sẻ không rêu, nước trong xanh. Thấy là thích liền muốn nhảy xuống tắm ngay. Dưới nước đông nghẹt người mà trên bờ xe cộ nườm nượp nối đuôi chạy quanh phố xá vô cùng xinh đẹp.
Tôi ghé anh chị Hanh quen năm trước ở đại hội Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm, nhà ở Largo cách Clearwater beach mười lăm phút lái xe. Tôi tấn cho anh chị trái mít, chứ chở về Canada chắc máy bay đuổi xuống vì cái mùi thơm nực nồng của nó. Anh chị nói:
- Anh chở củi về rừng!
Tôi hơi ngượng, cười cầu tài ‘thành thật khai báo’:
- Anh chị làm ơn nhận dùm, chứ anh Nam sốt sắng dẫn ra vườn hái cho mà không nhận sợ ảnh buồn. Bây giờ nó chín thơm quá không dám đem lên máy bay.
Anh nói:- Thôi để đó đi. Mời anh chị vô mình làm vài chai hội ngộ.
Thấy một bàn bày la liệt đồ ăn tôi chợt la lên:
- Trời ơi, ghé thăm anh chị có chút xíu mà anh chị tiệc tùng ngạy quá.
Chị nói:- Có gì đâu anh. Cây nhà lá vườn không hà!
Anh kéo ghế mời ngồi rồi bật chai bia rót ra ly đưa tôi:- Chúc sức khoẻ.
Tôi giơ ly cụng cái cạch chúc lại rồi đưa lên môi hớp một ngụm. Anh cũng hớp một ngụm, để xuống cầm đủa gắp miếng thịt bò cuộn lá lốt nướng bỏ vô chén tôi. Chị cũng gắp một miếng bỏ vô chén vợ tôi:
- Anh chị ăn coi ngon không? Lá lốt ngoài vườn đó!
Tôi lặp lại với vẻ thích thú:
- Ngoài vườn của chị?
Rồi chỉ dĩa rau càng cua thịt bò hỏi:
- Cái nầy rau càng cua phải không chị?
- Ừa, bên hong nhà mọc thiếu gì.
- Trời ơi, ba bốn chục năm rồi mới thấy nó. Anh chị cho ăn bữa nay nhớ đời!
Thế rồi chuyện ra chuyện vô. Ly đặng ly được. Thịt bò lá lốt cũng hết mà dĩa rau càng cua cùng dĩa gỏi ốc cũng sạch. Hết chuyện bên nhà rồi chuyện bên nây coi như hợp rơ lắm. Vợ chồng tôi thấy quí mến anh chị và anh chị nói rất thích tụi tôi. Anh hứa một câu xanh dờn là sẽ dòm ngó nhà cửa dùm tôi nếu tôi mua nhà gần anh. Làm tôi mạnh dạn tuyên bố với anh chị là chúng tôi sẽ xúc tiến việc nầy, để mình là hàng xóm với nhau mùa đông.
Trước khi từ giã anh chị dẫn cho xem cây trái vườn sau. Ở thành phố vườn không lớn nhưng cũng đủ trồng trọt cho vui. Chị dúi cho túi mảng cầu ta vừa mới hái. Tôi bắt tay anh và nói:
- Khi nào nhà gần anh đăng bảng bán, anh cho hay liền nhe.
Anh lúc lắc tay tôi:
- Mình là anh em. Tôi sẽ giúp anh hết mình.
***
Tôi hay nói: Hay không bằng hên. Nên sau cùng rồi tôi cũng mua được một căn nhà ưng ý gần nhà anh chị bạn ở Largo sau năm sáu tháng tìm kiếm. Tuy không được sát vách hay đối diện là những căn nhà vợ chồng tôi thích nhất. Bungalow biệt lập, ba phòng ngủ, hai garages. Mặt tiền sáng sủa lớn khoảng một ngàn hai đến ngàn rưởi square feet. Nó tiện cho anh bạn ra vô là biết động tịnh bên đó liền. Không mua được là vì lúc đó kinh tế Mỹ đang suy thoái, những căn nhà gần anh đăng bảng bán đều là nhà bị nhà băng niêm phong phát mãi. Lần đầu tiên mua nhà ở Mỹ, tôi cảm thấy phiêu vì không biết thủ tục. Không có bạn bè hay người thân mua trước để học kinh nghiệm, nên tôi không dám rớ vô mấy cái nhà đó. Tôi cũng không dám rớ vô những căn nhà có hồ tắm phía sau, phải lau chùi cực khổ mà không xài, rồi khi sang có một bầy cá sấu trong đó thì mồ tổ cũng thấy!
Một kinh nghiệm để người ở Canada mua nhà ở Mỹ, là phải có bạn bè hay người thân giúp đở. Tôi may mắn có anh bạn. Anh cực với tôi nhiều. Là vì sau khi tôi tìm được nhà bán trên internet theo tiêu chuẩn, tôi email và điện thoại cho anh cùng chuyên viên địa ốc của tôi bên đó nhờ đi coi dùm. Tôi giao anh toàn quyền quyết định.
Sau năm ba nơi, anh quyết định căn nhà nầy cách nhà anh một block. Free hold townhouse căn bìa, có miếng đất bên hong lớn gắp một rưởi căn nhà, cộng với phía sau và cây bơ đang có trái. Bấy nhiêu đó đủ làm vườn. Anh nói mua được dọn vào ở ngay, không phải sửa sang gì hết. Nhà ngay ngã tư đường, có trụ đèn đường phía trước sáng sủa ban đêm. Tôi đồng ý làm offer ngay. May mắn tôi được chủ nhà chấp thuận và xúc tiến thủ tục chuyển nhượng. Tôi không rành thủ tục bên đó, nhưng cứ liều. Mọi giấy tờ đều do chuyên viên địa ốc lo. Tôi chỉ nhờ luật sư bên nây kiểm chứng lại rồi ký. Mọi việc rồi cũng tiến triển êm xuôi.
Ngày closing vợ chồng tôi lấy một tuần hè bay sang lấy chìa khóa. Mở cửa bước vào nhà vợ chồng tôi ưng ý ngay, cám ơn anh Hanh rối rít. Chúng tôi bận mua sắm đồ đạc bên trong xong là hết hè phải trở về, giao chìa khoá nhà cho anh Hanh, nên cũng chưa có dịp khám phá những gì hay ho quanh nhà mình ở. Tuy nhiên trong lòng vui lắm, tạ ơn Chúa. Không ngờ mình hèn mọn vậy mà Chúa cho có ‘vacation home’.
Tháng sau vợ chồng tôi lấy một tuần hè nữa trở qua. Lần nầy thấy nô nức làm sao!? Vacation home hay honeymoon home? Vui sướng lẫn lộn. Lần nầy có thời giờ đi đó đây trong vùng với sự hướng dẫn của anh chị Hanh tôi thấy tuyệt vời làm sao!
Nhà tôi ở đường Tall Pines cách đường chính Ulmerton của thành phố Largo, Florida năm trăm thước. Đường Ulmerton có bốn lanes mỗi chiều, chạy từ đông sang tây, có cơ sở thương mải san sát bên nhau. Lấy ngã tư Tall Pines - Ulmerton làm điểm mốc. Từ điểm mốc chạy trên đường Ulmerton về phía đông mười phút xe, có phi trường nội địa St Peterburg. Mùa xuân và đông hảng máy bay Sunwing Canada có chuyến ở đây hai ngày trong tuần. Chạy xa hơn mười lăm phút nữa, sẽ qua cầu 275 tuyệt đẹp qua thành phố Tampa và phi trường quốc tế Tampa nằm sát bên kia cầu.
Bây giờ ngược lại. Từ điểm mốc chạy trên đường Ulmerton về phía phía tây ba miles có cái Largo Mall rất lớn nằm phía trái. Chạy thêm bảy miles nữa sẽ đụng con đường Gulf Boulevard. Bãi biển Indian Rocks beach tại đây. Đường Gulf Boulevard chạy dọc bờ biển với khách sạn và nhà hàng san sát bên nhau dài khoảng năm chục miles. Đầu tận cùng phía bắc là Clear Water beach và tận cùng phía nam là St Pete beach.
Tôi thích bãi biển Indian Rocks beach hơn vì gần nhà tôi nhất. Nó cũng có public parking, có nhà vệ sinh công cộng và yên tỉnh hơn. Mỗi lần sang Florida, ngày nào vợ chồng tôi cũng ra bãi nầy. Nếu là mùa đông chúng tôi tập thể dục, đi bộ dọc bãi biển. Ngày nào nắng ấm tập xong thì tắm. Đa số ngày ở đây nắng, mùa đông sáng khoảng mười độ c, trưa khoảng hai mươi hay cao hơn. Mùa hè thì khỏi chê, nước ấm như nước bông sen trong nhà tắm, ngăm mình dưới nước hai ba giờ không chán.
Tôi để ý thấy đa số người già về hưu và gia đình có con nhỏ thích bãi nầy. Sáng trưa chiều những ông bà già nầy chịu khó tập thể dục, đi qua đi lại hay chạy bộ vui lắm. Họ lại thích phơi nắng da sạm màu đồng trông khoẻ mạnh đẹp lão. Bãi nầy nối liền với Clear Water beach, nhưng chưa khi nào chúng tôi dám đi bộ tới vì sợ bận trở về chữ đi đánh vần thành đ. . y . . cà . . lết.
Indian Rock Beach còn có một đặc điểm nữa là mình có thể câu cá ngay tại bãi. Ai tắm mặc ai, mình câu tự mình. Mới đầu tôi thấy cũng lạ, thắc mắc sợ lưởi câu vướng vào người. Nhưng thấy riết rồi cũng quen đâm hay hay. Ngộ một cái là kế bên ông câu bao giờ cũng có con cò biển đứng xớ rớ đợi cá mắc câu sẽ được thảy cho ăn.
Tôi cũng bắt chước mua cần, mua license quăng mồi ngồi đợi mà chẳng được con nào. Mồi quăng ra xa, một lát sau sóng đánh trôi dạt vào bờ, con cá nào ăn? Chán quá tôi bỏ luôn. Lâu lâu uổng tiền license tôi ra gầm cầu cách chỗ tắm ba miles, câu cá sặc biển độ ba ngón tay về ướp muối chiên mặn cũng ngon.
Có lẻ tôi không biết cách câu hay đúng hơn tôi không dám chơi tới bến. Cần câu không xịn, mồi bằng tép bạc đông lạnh, trong khi mấy ông Mỹ câu bằng con tép sống hay cá minnow họ chài ngay tại bãi. Có sáng cá minnow vô bờ thật nhiều, họ quăng một chài kéo lên trắng lưới bắt ham. Tôi ước gì được một chài bỏ vô nồi kho tiêu chắc đả!
Chỉ mùa đông bãi thưa và người già thích phơi nắng, ngồi tán dóc hơn là tắm, nên dưới nước không đông. Dó đó câu cá tại bãi cũng chẳng phiền hà gì ai. Chứ mùa hè, đông người hơn thấy cũng ít người câu.
Clear Water beach ồn ào đông vui hơn, ngày cũng như đêm. Đông đến nổi kiếm một chỗ đậu xe không phải dễ. Đa số người trẻ thích ở đây. Đây có thể nói là trung tâm du lịch của Tampa. Có bến tàu chở khách du ngoạn trong ngày. Không đắt lắm. Giá cả tùy theo có ăn hay không. Một tour bốn giờ giá từ hai mươi đến ba mươi đô.
Tôi chỉ chạy xe dọc theo bãi St Pete, nhưng chưa xuống tắm lần nào. Tuy nhiên tôi có đến một bãi biển cũng tuyệt đẹp kế bên. Đó là công viên Fort De Soto ngay bờ biển. Nhân mùa hè năm 2012 vợ chồng tôi, gia đình hai đứa con tôi, anh chị tôi và gia đình đứa con anh chị cùng sang Florida nghĩ hè. Từ nhà tôi theo xa lộ I-275 south độ bốn mươi lăm phút lái xe. Công viên rất rộng, có nhiều khu, có nhà mát, nhà vệ sinh, lò nướng BBQ công cộng. Bãi biển đẹp, vừa tắm, vừa picnic một ngày vô cùng lý thú. Cả ngày vui chơi ngoài nắng về đến nhà ai nấy đều mệt đừ và da cháy đen mun.
Từ công viên Fort De Soto nầy đi về hướng tây nam trên xa lộ I-275 độ mười phút sẽ qua cây cầu cao nhất Florida, mà nhìn từ xa nếu yếu bóng vía không dám chạy qua. Là cây cầu Skyway Bridge, cao 131m từ mặt lộ và dài 1,770m để đi về Fort Myer. Đây là niềm hãnh diện của dân Florida về cách kiến trúc và điểm du lịch. Kế bên là cây cầu cũ bị tàu đụng sập, còn mấy nhịp mỗi bờ được giử lại để làm chỗ câu cá cho dân chúng. Một lần anh Hanh rủ tôi đến đây chài cá, nhưng khi ấy tôi không được khoẻ nên từ chối. Nghe anh và mấy người bạn mới quen nói chỗ nầy cá dữ lắm. Đến mùa nào thì cá mùa nấy. Cá chép thì thả một cần mấy lưỡi kéo lên mấy con. Mùa cá sardine câu mắc công, lấy chài thảy xuống kéo lên cho lẹ. Còn mùa ghẹ ban đêm nó nổi trên mặt nước cứ rọi đèn cầm vợt cán dài mà vợt bỏ cooler.
Bây giờ trở về thành phố. Từ nhà tôi đi về phía nam trên con đường Starky Road độ mười lăm phút xe, sẽ tới nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngay đầu đường 90th Avenue. Đi thêm năm phút sẽ gặp đường Park Boulevard. Quẹo trái trên đường Park đi về phía đông nam một đèn xanh đèn đỏ, ta sẽ thấy bên tay trái có một miếng đất trống mênh mông. Hàng tuần vào ngày thứ tư, thứ bảy, chúa nhật có hàng ngàn chiếc xe đậu, lều bạc đủ màu và người đi lại cùng xe cộ ra vào tấp nập. Đó là cái chợ trời Wagon Wheel Flea Market. Chợ có ba khu. Khu chính giửa là dãy nhà dài bán đồ mới, nối liền hai khu phía đông và phía tây lộ thiên đa số bán đồ xài rồi, đồ garage sale. Ta có thể tìm thấy những đồ rất cỗ, nhỏ lớn đủ loại. Ba cái đồ làm vườn, cuốc, xuổng, cào cỏ, búa, cưa, kềm, khoan, máy cắt cỏ, v . . .v. . tội gì mua mới. Ra đây tôi hốt về đủ thứ rẻ rề. Khu phía đông chuyên đồ tiêu dùng, đa số khách hàng Mỹ thích khu nầy. Khu phía tây đặc biệt có bán thêm rau cải, trái cây, cá cua tươi, thịt đông lạnh của người Mễ, Việt, Miên, Lào chiếm hết nửa khu.
Lần đầu tiên anh chị Hanh dẫn vợ chồng tôi vào khu chợ nầy, tôi tưởng như mình lạc vào chợ Tân Định hay Bà Chiểu hay bất cứ chợ nào ở Việt Nam, với từng sạp từng sạp ken nhau có cây dù che bên trên. Có sạp người bán còn đội nón lá, mặc áo bà ba nữa mới giống làm sao! Tôi vô cùng thích thú và đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác khi phát giác trên các sạp đó bày bán đủ loại rau cải, củ quả, trái cây của quê hương. Ngoài những loại thông thường không phải nói. Có những loại rau dân dã nhìn thấy là nhớ nhà đứt ruột. Nhớ nồi canh chua bông sua đủa với cá rô đồng, canh chua lá me non với cá trê lét, dĩa nước mắm đồng dầm ớt đỏ cay sè đầu lưởi trẻ con thời thơ ấu, bên mâm cơm bóc khói cùng ba má và em út hít hà chan húp. Nhớ nồi mắm kho bông súng rau ghém ăn không biết thôi. Không chần chờ, cũng không nói với vợ, tôi thò tay chợp mớ bông sua đủa, lá me non, bông súng bỏ vô giỏ đưa cân ngay.
Không phải sạp nào cũng bán giống như nhau vì đồ trồng trong vườn đem ra bán, nên ai có cái gì đem ra bán cái đó. Đi một lát tôi hốt vô giỏ tùm lum, lá giấm, bông giấm, bông điên điển, đậu rồng, đọt nhản lòng, đọt chạy đến nỗi vợ phải chận tay lại chớ đem về nhà có một cái tủ lạnh chỗ đâu mà chất, để tuần sau đi. Không được mua nhưng tôi thấy tiên tiếc, ấm ức làm sao! Trời ơi, rau má, rau đắng, rau càng cua, rau nhúc, củ sen, củ ấu, rau muống, cải bẹ xanh, cải chìa tươi chong y hệt bên nhà có mùi nồng cay cay, chứ không phải cải bẹ xanh bắc Mỹ lạt nhách ăn với bánh xèo không có mùi vị gì cả. Và nhiều nữa . . .Rau trái gì ở Việt Nam có hầu như ở đây có. Kể từ đó, khi qua Florida tôi không vắng bữa chợ trời nào.
Chị Hanh nói đó là rau cải của người Miên, Lào và bà con mình trồng trong vườn đem ra bán, cho nên mình phải đi chợ thật sớm không thì người ta mua hết.
Mua rau xong phải mua cá. Có năm bảy sạp bán cá, trong đó người Việt chiếm gần hết. Cá cua mới vừa đánh bắt ngoài biển tối qua đem ra chợ bày bán. Đủ thứ cá có vãy, cá không vãy tôi không biết tên. Cá tép còn tươi ướp đá trong cooler mua về nấu canh chua, hay chiên rất ngon. Chị Hanh dạy mua tép bạc về làm tôm chua hay tôm khô đem về Canada để dành ăn, vừa ngon lại vừa không sợ tẩm hoá chất của China. Chị còn canh đến mùa cá rẻ mua về tự làm nước mắm ăn. Vợ chồng tôi sang Florida là ăn nước mắm của chị cho. Nói thật lòng không phải nịnh để được ăn dài dài, là nước mắm của chị ngon hơn nước mắm Phú Quốc Red Boat. Tôi dám nói vậy là vì sau khi ăn nước mắm chị cho, vợ chồng đẩy chai nước mắm Red Boat vô kẹt tủ đứng chơi làm kiển.
Mua thịt ở đây cũng có. Gà vịt đông lạnh, thịt dê đông lạnh. Đôi khi có cả thịt heo rừng đông lạnh. Toàn là cây nhà lá vườn. Có vợ chồng ông bà cũng lớn tuổi, buỗi chợ nào cũng bán. Ông đen đúa giống hệt ông nông dân già. Hai ông bà có miếng đất bên kia cầu Skyway, nuôi vịt, trồng rau. Sạp của bà sát đường đi vào, bán trứng vịt tươi, trứng vịt lộn, rau lang, rau muống, đu đủ, sa bô chê hay nhản tùy mùa. Lần nào đi ngang bà cũng mời mua đi cậu. Trái đu đủ ngon là tôi bợ liền.
Trái cây nhiệt đới trồng ở Florida hết chỗ chê. Đa số từ Miami, Homestead chở lên, mới bẻ còn cuống lá tươi chong. Nhiều sạp bán lắm. Có sạp của cô chủ trẻ đẹp áo bà ba nón lá y hệt gái miền Tây, cười mời luôn miệng làm cân không kịp. Sạp cô bán đủ loại trái cây mùa nào trái đó: mít tố nữ, mít nghệ giống Việt Nam, vú sữa, cóc, ổi, mận, xoài giống Thái Lan, xoài tượng, chuối xiêm, đu đủ, lôm chôm, nhản, thanh long và có cả trái lê cu ma và nhiều thứ nữa tôi không kể hết.
Đối diện với sạp của cô là sạp của ông bà bán băng diã hát. Ca nhạc Việt phát ra từ hai cái loa tự nhiên, thoải mái như ta đi chợ trên đất Sài Gòn.
Trong chợ nầy cũng có bán cây trồng, cây ăn trái, cây kiển, bông hoa và rau giống đủ thứ. Cũng năm ba khu. Khu của ông Thái Lan to nhất. Tôi mua ở đây cây xoài ráp giống Thái Lan, cây mận hồng đào, cây chanh, cây nhản, cây trái vải, năm cây mảng cầu ta và ba cây bông giấy đem về trồng trong vườn. Mới bốn năm mà xoài đã có trái và mận trái cũng đỏ cây rồi.
Vô chợ nầy rồi mới thấy kẻ bán người mua toàn là đầu đen. Người Việt mình đi chợ nầy cũng đông, nghe gọi nhau ơi ới, chào nhau ơi ới thiệt vui quá đi thôi. Đi riết rồi tôi cũng quen người bán và người mua. Bạn bè anh chị Hanh tôi quen ráo. Mấy ông bạn già HO nầy nhiều khi không mua sắm gì, nhưng đều có mặt ở những buỗi chợ, có lẻ đến gặp bạn bè nói năm ba câu chuyện cho vui, hay nhìn cảnh bán buôn cho đở nhớ quê nhà đang bị dày nát bên kia. Có nhiều cô cậu ông bà nghe nói chuyện mới biết từ nước khác Anh, Pháp, Đức, Úc . . hay các tiểu bang khác đến chơi cũng ham thích rau cải trái cây chợ nầy.
Vừa đi ngắm, vừa đi sắm, vừa đi bộ cả buỗi sáng dưới nắng sáng nóng ấm. Mồ hôi rịn chân tốc, lông mày tạt vô sạp nước của cô nàng Việt Nam xinh xinh, uống một ly nước mía ép trái tắc len ken cục nước đá nó đả làm sao! Hay ghé vô sạp dừa của mấy thằng Mễ đổ đống dưới đất, chặt vài trái uống nước cho nó mát cần cổ.
Còn gì thú hơn ở chợ trời nầy nửa?! Còn chớ. Thường là sau mua sắm vợ chồng tôi với anh chị Hanh đi ăn phở ở đường 49 cách chợ trời khoảng mười lăm phút xe. Tiệm phở 97 ăn cũng khá, chung một dãy với chợ bán thực phẩm Phú Quốc, Á Đông. Cách xa một block có chợ Sài Gòn, tiệm bánh mì Sài Gòn, phở Quyên và năm mười chợ, nhà hàng nằm rải rác các khu cách nhau trong vòng bán kính năm mười cây số.
Như trên tôi nói hay không bằng hên. Tôi chọn đúng nơi nghỉ hưu. Nắng ấm quanh năm, tiện nghi mọi bề. Sau nầy được biết thêm Tampa bay là nơi nghỉ hưu của người Mỹ và Canada. Người Mỹ già ở các tiểu bang phía bắc về hưu bán nhà về đây. Người Canada snow bird mùa đông xuôi nam tấp vô đây. Tôi thấy trong thành phố có rất nhiều khu mobile homes, trước cổng có cột cờ Mỹ, cờ Canada. Trên đường Bryan Dairy có một nhà băng TD Canada, tôi vào gặp khách hàng toàn là dân Canadian. Ngoài ra, ngoài bãi biển Indian Rocks beach tôi cũng thấy rất nhiều ông bà già mặc đồ hay đội nón có cờ, hiệu Canada. Người dân ở đây nói phân nửa dân số người già nghỉ hưu ở Tampa bay là dân Canada chắc cũng không ngoa. Họ cũng nói những bà già Canadian snow birds nầy thích đi làm đẹp để tiêu tiền và giết thời giờ, nên kinh tế nơi vùng nầy cũng vì đó mà khá bận rộn.
***
Có được nhà ở Florida rồi tôi bắt đầu tính chuyện nghỉ hưu. Thời may lúc đó hãng có package cho ai tự nguyện về hưu. Tôi nợp đơn và được chấp thuận. Vợ tôi cũng nghỉ luôn. Vợ chồng tửng tửng đâu được sáu tháng. Vừa bước sang năm 2014 tôi bắt chứng ông cha gì bệnh lu bù. Đi emergency ba bốn lần, ra vô bác sĩ, nhà thương liên tục. Hết chụp xray, ultrasound, rồi scan tới lui. Bệnh gì không ra bệnh gì. Nay lặt vặt cái nầy, mai lặt vặt cái kia. Thuốc uống cứ dập tới, làm người tôi lúc nào cũng uể oải, mỏi mệt, đau nhức như hết sức lực. Lúc chuyển sang chứng mất ngủ mới sợ. Người súc hẳn ốm thấy rỏ, tay run không lái xe được. Đọc sách, xem TV, vô computer bị chóng mặt. Đi đâu toàn là vợ lái xe đưa đi. Bác sĩ chuyên môn với bạn bè nói tôi bị stress. Hỏi có chuyện gì lo nghĩ, đau buồn không? Tôi nói chả có gì. Chúa cho nhiều quá mà. Về hưu tiền bạc không phải lo, con cái có đời sống riêng tư ổn định không phải lo, stress cái gì. Bạn bè khuyên nên đi ra ngoài nhiều.
Tôi nghĩ tôi đã lọt vô cái trầm cảm gì không tên. Cái thời giờ trống vắng dư thừa nó ám ảnh đánh gục tôi. Tôi đã cố gắng phấn đấu để chiến thắng với bản thân phải nói là vô cùng cam go, cùng với sự tiếp sức tối đa của vợ tôi. Sau cùng, hơn một năm sau tôi đã vượt qua cái hố ấy. Tôi cám ơn vợ và tôi nghĩ một phần nữa, may mắn là tôi có nhà ở Florida. Nhờ sang đó mùa đông tôi đi biển phơi nắng, tập thể dục lần lần lấy lại sức. Bây giờ tôi đã bình phục và xin đi làm thiện nguyện ở Food Bank, hăng say và yêu thích công việc chân tay mới. Làm việc đem đến cho mình niềm vui.
Mỗi năm tôi sang Florida ba bốn lần. Tôi có thêm bạn, bạn anh Hanh là bạn tôi. Mỗi sáng thứ ba và thứ năm tôi theo anh Hanh vô câu lạc bộ bóng bàn, của hội cao niên và HO Largo đánh đập tối đa. Đa số các anh trên bảy mươi đều thấy trẻ khoẻ và phong độ lắm.
Floria, Tampa bay đúng là nơi nghỉ hưu. Tôi chọn không lầm. Mấy tháng mùa hè không qua tôi thấy nhớ.
Hoài Năng
No comments:
Post a Comment