Friday, August 18, 2017

Coi Chừng Bị Gạt



Hôm thứ sáu vừa rồi, gia đình ông Ba đã bị gạt một cách trắng trợn, không thể ngờ. Câu chuyện mới nghe thì thấy hết sức vô lý, khó tin như chuyện gặp ma trên con đường Bolsa vậy.

Chuyện xảy ra như vầy:

Sáng thứ sáu, khoảng 8 giờ, ông Ba nhận điện thoại, nghe một giọng nói lắp bắp hốt hoảng:

- Ông nội ơi, con là Linda đây. Con đang bị xảy ra chuyện rồi, con sợ quá, con cần ông nội giúp con.

Ông nội lo lắng hỏi:

- Chuyện gì vậy con? Sao giọng nói của con ông thấy hơi khác.

- Tại vì con sợ quá ông nội ơi. Con mới vừa đụng xe người ta. Xin ông nội giúp con vì con vừa lái xe vừa nói điện thoại, đụng đuôi xe trước. Ông ta nói chỉ cần con trả tiền sửa xe cho ông ta thì ông không gọi cảnh sát. Nếu không thì DMV sẽ giam bằng lái của con trong 1 năm, con có thể ngồi tù vừa bị phạt tiền và sẽ trả tiền sửa xe rất cao, bảo hiểm cũng bị tăng lên nữa. Ông nội ơi gấp lắm, ông nội giúp con.

Ông nội đã xót xa và lo lắng hỏi:

- Sao con không gọi cho ba má con hay? Con đang ở đâu? Ông nội không thể lái xe đi xa được.

Giọng con bé muốn khóc:

- Không được, không được đâu vì lỗi ở phần con, xin ông nội giữ kín chuyện nầy đừng cho ai biết, ông chỉ việc gọi lại luật sư rồi ông ta sẽ chỉ dẫn cho ông cách trả tiền sửa xe cho người nầy. Con đang ở Los Angeles. Xin ông nội làm gấp dùm con. Nếu con bị giam bằng lái xe thì con không thể đi làm cả năm được ông nội ơi. Cho con mượn tiền để trả cho ông ta. Ngày thứ hai con sẽ tìm cách hoàn lại cho ông nội. Chuyện gấp lắm con không muốn đi tù và mất bằng lái.

Con bé năn nỉ như thế đó làm sao ông nội cầm lòng cho đặng? Rồi con bé cho số điện thoại của luật sư, một luật sư chuyên môn làm việc nầy do ông kia đưa để ông liên lạc.

Như có một sức mạnh vô hình nào thức đẩy, ông nội gọi số đó. Đầu dây bên kia xưng là “Văn phòng luật sư D. đang nghe...”

Theo sự chỉ dẫn của “luật sư D.” thì ông nội nên làm như vầy: ra thương hiệu Target, dùng tiền mặt mua 3 cái Gift Card, số tiền 4200 mỹ kim chia làm 3 thẻ, đừng để tên người mua vì sẽ gây ảnh hưởng rắc rối liên hệ tới ông nội sau nầy, như, bên nguyên cáo có thể thưa với hãng bảo hiểm để đòi thêm tiền v.v... phòng ngừa trước. Luật sư ấy có cách riêng để trả tiền cho ông kia.

Lý do mọi sự thanh toán êm xuôi giữa hai bên là vì, người kia đang lái chiếc xe mướn, ông ta chỉ cần tiền mặt để sửa xe rồi trả xe lại cho hãng, không phải dùng tới bảo hiểm của hai xe, cháu nội còn hứa ngày thứ hai sẽ tìm cách trả lại cho ông nội số tiền ấy.

Bà hơi nghi ngờ, hỏi:

- Phải đúng là cháu mình hông?

Ông nói:

- Đúng. Là nó.

Bà hỏi:

- Hiện cháu đang ở đâu? Bị bắt vô sở cảnh sát đòi Bail Bond?* hay là...

Ông Ba sẵng giọng gạt ngang:

- Không. Vì lỗi về phần nó nên nó chỉ cần trả tiền sửa xe cho người bị nó đụng, qua trung gian luật sư. Tôi đi đây.

Ông nội hối hả, bằng đôi chân tật nguyền, bước thấp bước cao, lái xe ra nhà băng,rút tiền mặt từ quỹ tiết kiệm, rồi chạy thẳng qua Target mua 3 cái gift card, mỗi cái trị giá 1,400 mỹ kim, cộng thêm lệ phí 80 mỹ kim. Ông làm y chang như lời dặn của “luật sư”.

Trở về nhà, ông Ba điện thoại cho luật sư, cung cấp cho họ những con số trên gift cards để bồi thường cho nạn nhân.

“Luật sư” nói:

- Xong rồi, bên kia sẽ dùng tiền ấy sửa xe và hai ông cháu sẽ không phải lo gì nữa hết, con bé vẫn giữ được cái bằng lái xe và an toàn về nhà.

Sáng đó bà Ba có chuyện riêng cho nên phải ra khỏi nhà.

Chiều tối, bà Ba về hỏi lại mọi chuyện ra sao và con bé đã về nhà chưa? Ông Ba nói chưa thấy nó gọi. Trong bụng bà Ba có một trực giác bất an, bà gọi cho con gái, hỏi số điện thoại di động của cháu nội, và sợ mình không liên lạc được liền với cháu nên nhờ con gái text message (bây giờ đám nhỏ thường xài kiểu nhắn tin nầy) hỏi xem cháu nội đã về nhà an toàn chưa, nhưng không kể cho con gái biết chuyện gì đã xảy ra vì ông nội đã hứa với cháu là sẽ giữ bí mật dùm cho nó. Con gái bà cho hay, cháu nội nói: “Đang ở nhà, không có chuyện gì xảy ra cả”.

Khi nghe vậy ông Ba còn cố nói: “Nó sợ gia đình biết nên dấu đó thôi.”

Sáng hôm sau khi con gái bà Ba gọi thêm lần nữa, nói chuyện riêng được với cháu thì nó nói: “Không có chuyện gì đâu, hôm qua nó chẳng hề gọi cho ông nội.”

Sau cùng ông Ba cũng đã liên lạc nói chuyện trực tiếp với cháu nội, để xác định lại lần nữa, ông hỏi nó: “Có phải hôm qua cháu đã gọi cầu cứu với ông nội không?” nó nói: “Không, con chẳng gọi ông nội về chuyện gì cả.”

Thôi rồi! Bị gạt rồi!

Ông Ba gọi cho Target, cầu may, hỏi coi có ai xử dụng 3 cái gift card tổng cộng 4,200 mỹ kim chưa, họ nói hôm qua đã có người lãnh ra rồi. Khi biết rõ sự việc, họ khuyên ông hãy ra sở cảnh sát thông báo.

Bà Ba rất bực tức. Tiếc cho số tiền đã mất. Đâu phải nhỏ. Tiền để dành định sửa cái bếp. Phải chi số tiền đó, mình không xài, thà tặng cho từ thiện còn có lý hơn. Đâu có ai kề dao vào cổ, chĩa súng vô người mà răm rắp nghe theo lịnh của họ? Thiệt là ngu! Ngu quá ngu!

Sáng hôm sau nhìn ông Ba ngồi ủ rũ, không dám nhìn mặt vợ, bà đổi giận thành tội nghiệp.

Từ một thanh niên nhanh nhẹn tháo vát, nhạy bén với công việc đã trở thành một ông già tóc bạc, bịnh tiểu đường nặng, đi phải chống gậy. Mỗi ngày uống một nắm thuốc, chích insulin trước và sau mỗi lần ăn, ông sống nhờ thuốc. Từ hồi hưu trí tới giờ, ông chưa từng xài phí chuyện gì. Sống với nhau đã 48 năm, bà biết tật xấu của ông, nóng nảy, hấp tấp, quyết đoán, tới chết cũng không sửa đổi được. Thế nhưng, ông có lòng tốt đã lấp đi những khuyết điểm. Vì tình thương bao la với cháu, át mất lý trí. Vì hoảng hốt, mất bình tĩnh, tin ngay, tin chắc người bên kia đầu dây là đứa cháu bé bỏng của ông, phạm lỗi lớn, dấu cha mẹ, đang lo sợ, cầu xin ông giúp đỡ.

Chuyện đã vậy, có buồn bực giận tức chỉ khổ cho mình mà thôi. Trong nhà chỉ có hai vợ chồng già, chẳng lẽ cứ giận ông, làm mặt lạnh với nhau, cho tới chừng nào? Làm gì thì số tiền ấy cũng đã mất rồi. Càng nghĩ càng nhìn dáng điệu như mong chờ vợ tha thứ của ông, càng thương.

Chuyện gì cũng nên buông, không nên buộc. Hỉ xả. Nghĩ thông rồi, bà nói:

- Thôi. Mình bị gạt như vậy cũng vì lòng thương cháu át mất trí khôn. Họ hay quá, họ gợi lòng thương và đem sự hăm dọa ra cùng với lý do, biết đa số ai cũng không muốn dây dưa với cảnh sát hay bảo hiểm xe cộ vì, sợ bảo hiểm tăng lên, sợ cháu bị giam bằng lái xe, sợ cha mẹ biết... mọi sự cháu chỉ còn trông cậy vô ông nội mà thôi...

Cái đám lưu manh nầy, chuyên nghiệp quá, không cho ông có thì giờ suy nghĩ.

Thôi thì, mình cứ coi như hôm qua mình nổi cơn, đi Las Vegas đánh bài và bị thua, hay là như lần mất cổ phần chứng khoán vậy. Tiền mất đi mình có thể tạo lại được. Đừng quá buồn giận mà hại cho sức khỏe.

Cũng có thể hồi xưa mình đã làm chuyện gì không tốt với ai đó nên bây giờ bị quả báo. Thôi, của đi thay người, mình đừng buồn nữa. Tui phải cho mọi người trong gia đình hay để họ cẩn thận. Mà tánh ông thì quá dễ tin, nóng nảy, độc đoán, không nghe lời vợ từ xưa tới nay rồi. Lần sau, mình phải nghe tôi, chuyện gì cũng vậy, phải ngừng lại, đánh dấu hỏi, hoặc biểu “cháu nội” hãy gọi trở lại 5,10 phút gì đó rồi mình gọi số cell phone của cháu mình coi có phải nólà người vừa gọi cho mình không.

Nghe lời nói ấy ông Ba tươi tỉnh hẳn lên, như trút được gánh nặng ngàn cân đang đè lên ngực ông.

Đành phải ra sở cảnh sát vào ngày thứ hai để trình báo sự việc.

Sáng thứ hai ra sở cảnh sát. Cô cảnh sát trẻ ở bàn lấy lời khai, copy những cái biên nhận mua gift cards từ Target. Cô cho biết tiền sẽ không lấy lại được đâu. Cô nói không phải là điều ngạc nhiên, đã có biết bao nhiêu người bị gạt như thế nầy rồi. Nhóm lưu manh nầy đa số là từ nước ngoài. Họ gạt người bằng cách hù dọa. Họ có cách đổi những gift cards thành tiền. Hãy nhớ điều nầy, những cơ quan hay công sở, thí dụ như IRS, sở cảnh sát vân vân... không bao giờ đòi tiền qua điện thoại. Còn những văn phòng luật sư đàng hoàng, không bao giờ nhận gift card. Cô sẽ lập hồ sơ và cảnh báo ra công chúng.

Để ý, khi gọi số điện thoại mà phải đợi lâu mới có người trả lời thì đa phần là số ngoại quốc. Bây giờ nếu ông bà vô computer đánh tên mình vô thì tên của cả gia đình dòng họ sẽ hiện lên, tụi lưu manh lấy thông tin từ đó để gạt người.

Về tới nhà, ông lại nhận thêm một cú điện thoại gọi từ nhà băng của thẻ tín dụng, thì ra có ai đó đang rút ra 4,000 mỹ kim nhưng nhà băng không cho, gọi ông để xác nhận. Ông nói –không phải tôi đâu.

Thêm một vụ khác con bà mới cho hay, chuyện thế nầy, bà kia được ai đó điện thoại cho hay trong vòng 1 tiếng đồng hồ sẽ có một package tặng thưởng gởi tới cho bà.

Đúng 1 tiếng đồng hồ sau có người bận đồng phục tiệm gì đó, đưa một chậu bông đẹp rực rỡ với tấm thiệp Chúc Mừng gì đó, kèm theo 1 chai champagnevà xin hãy trả cho lệ phí rượu là $3.50. Bà định trả bằng tiền mặt thì cậu ta nói không thể nhận tiền mặt mà chỉ lấy thẻ tín dụng. Bà liền lấy thẻ tín dụng ra, bấm số mật mã.

Vài tiếng đồng hồ sau, nhà băng gọi bà cho hay có người đang muốn rút $4,000 mỹ kim từ thẻ của bà. Hết hồn bà cho biết không phải là bà, nhà băng nói sẽ hủy và đổi thẻ khác cho bà ngay lập tức.

Chuyện xảy ra cho ông bà Ba là một bài học đắt giá, một sự ngu xuẩn của tuổi xế chiều. Tuổi không còn nhạy bén, sự phản hồi với sự việc bị lão hóa song song với cơ thể!

Năm ngoái đã có trò nầy rồi nhưng họ gởi bằng email cho tất cả người trong gia đình và nhóm bạn của bà Ba, rằng: “Tôi đang bị công lực bắt giữ ở Phi Luật Tân, cần ngay số tiền... để chuộc tôi ra thật gấp”.

Điều buồn cười là, thư đó cũng gởi vô email của bà. Hai vợ chồng cùng đọc email đó và cười với nhau. Bà còn nói: “Ai mà ngu tới nước tin lời đó.”

Ngay lúc ấy, vài người bạn của bà đã gửi thư qua hỏi: “Tôi mới được email nầy, chị đang ở đâu? Chuyện xảy ra trong email có đúng vậy không? Nếu không thì computer chị bị hack rồi, phải đổi mật mã liền.”

Lần đó bà phải bỏ địa chỉ ấy, mở một địa chỉ khác.

Chuyện xảy ra cho ông bà Ba, thật sự không thể ngờ mình bị gạt một cách chớp nhoáng, dễ dàng như vậy. Biết bao nhiêu là ý nghĩ “phải chi lúc đó mình làm như vầy... như vầy... phải chi bà chụp điện thoại để hỏi nó vài câu để chắc chắn là cháu mình. Nhưng Bà kỵ nói chuyện trên điện thoại vì sau khi tai nạn xe hơi năm 2000 bà bị lãng tai nên mọi cuộc gọi đều do ông hết, phải chi....”

Chuyện xảy ra rồi, nói tiếng “phải chi phải chi... thì dễ quá!”

Ông bà Ba muốn chia xẻ với mọi người và mong chuyện nầy đừng xảy tới cho một ai khác nữa. Trong gia đình nên liên lạc thường xuyên bằng điện thoại để có thể nhận ra giọng nói của nhau. Nên có những mật khẩu để nhận ra nhau. Chuyện gì cũng vậy, cần bình tĩnhvà luôn luôn đặt câu hỏi khi nhận được những chuyện giông giống như chuyện nầy./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

*Chú thích: Khi có chuyện phạm pháp xảy ra, bị bắt tới sở cảnh sát, có nhiều trường hợp họ cho bị cáo trả tiền thế chân và cho ngày hẹn ra hầu tòa. Bail Bond là số tiền thế chân của một văn phòng chuyên nghiệp thay mặt bên bị cáo, đóng trước để không bị giam. Nếu bên bị ra hầu thì tòa sẽ trả lại số tiền thế chân, bail bond chỉ thu lệ phí bao nhiêu phần trăm từ phía bị cáo.



No comments:

Blog Archive