Sự Trỗi Dậy Của Nền Văn Hóa Cực Kỳ Cô Đơn Tại Nhật
Huỳnh Kim Quang
Uống rượu một mình trong quán Bar Hitori, Nhật Bản.(hình: Shiho Fukada and Keith Bedford từ www.bbc.com )
Cô đơn có phải đáng sợ lắm không? Bạn đã có bao giờ cảm thấy cô đơn và những lúc như thế bạn làm gì? Theo các nhà tâm lý, cô đơn là trạng thái tâm lý có tính tiêu cực và dễ rơi vào trầm cảm, thậm chí còn có nguy cơ dẫn tới tự tử. Nhưng thực tế có thể điều đó không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người và mọi hoàn cảnh xã hội, bởi vì cũng có người thích thú cô đơn mà xã hội Nhật Bản hiện đang chứng kiến tình trạng này diễn ra.
Nhật Bản đang thay đổi: xã hội già nua nhanh chóng, số lượng du khách ngoại quốc đến nhiều kỷ lục, và ngày càng có nhiều máy robot hơn lúc nào hết. Đó là nơi giới trẻ của đất nước bước vào. Gen J, loạt truyền hình mới được thực hiện bởi BBC Worklife, giúp bạn theo kịp tốc độ với cách mà thế hệ kế tiếp của đất nước này đang định hình tương lai của Nhật Bản. Đây là câu chuyện đầu trong loạt truyền hình đó, theo Bryan Lufkin cho biết trong bài viết đăng trên trang mạng www.bbc.com tiếng Anh hôm 14 tháng 1 năm 2020.
Một thập niên trước, nhiều người Nhật Bản vì rất xấu hổ khi bị bắt gặp đang ăn một mình tại trường hay tại nhà ăn nơi làm việc mà họ chọn ăn trong nhà vệ sinh. Từ sự xuất hiện không bạn bè được cho là điều không nên, dẫn tới điều được biết như là “benjo meshi” – “ăn trưa trong nhà vệ sinh.”
Nhưng nhiều người nghĩ Nhật Bản đang thay đổi rất lớn. Một trong những người đó là Miki Tateishi, người pha rượu tại Tokyo. Cô làm việc tại quán Bar Hitori, một nơi ấm cúng trong khu sinh hoạt về đêm Shinjuku được lập ra cho những người uống rượu một mình.
Quán rượu, mở cửa vào giữa năm 2018, tượng trưng cho cơ hội bất thường thích ứng hướng đi Nhật Bản – để đi ra ngoài và uống một mình. Và nó làm thật tốt: thay vì núp kín trong nhà vệ sinh, người ta bước ra ngoài và chấp nhận bị bắt gặp một mình.
“Một số người muốn hưởng thụ cô đơn, những người khác muốn xây dựng một cộng đồng mới,” theo Tateishi cho biết. Cô tin chính sách “chỉ một mình” của quán rượu giúp các khách hàng trong tương lai là những người có thể bị cự tuyệt bởi những nhóm đông đảo hay các luật lệ. Các khách hàng có thể bắt chuyện với nhau trong một môi trường thoải mái, có sức chứa khoảng một chục người.
“Tôi nghĩ điều này là hiếm,” theo Kai Sugiyama, 29 tuổi, làm việc cho một công ty sản xuất, đang ngồi trên chiếc ghế cao trong quán rượu, phát biểu như thế. “Tôi cảm thấy người Nhât sống cuộc đời tập thể, vì thế người ta muốn làm các công việc với người khác. Chúng tôi không có nền văn hóa làm việc một mình.”
Tuy nhiên, Hitori – có nghĩa là “một mình” – không có nghĩa là điển hình duy nhất về cách các cơ sở kinh doanh đang thay đổi để phù hợp với những người muốn tự mình làm mọi việc. Từ ăn tối, sinh hoạt về đêm tới đi đây đi đó, các chọn lựa mới phục vụ đặc biệt cho những cá nhân đã xuất hiện trong các năm gần đây. Nó được biết là phong trào “ohitorisama”: con người mạnh dạn chọn làm việc một mình, ý kiến của người khác bị bỏ qua.
Một mình đọc sách.(nguồn: https://pixabay.com/ )
Sức mạnh của cô đơn
Được dịch nôm na, “ohitorisama” có nghĩa là một điều gì đó giống như “bữa tiệc một mình.” Tìm kiếm trên mạng xã hội Instagram bằng tiếng Nhật và bạn sẽ thấy hàng trăm ngàn hình ảnh: nhà hàng phục vụ bữa ăn cho một người, hành lang rạp chiếu bóng, lều dựng tại các khu cắm trại hay những bức ảnh trên hệ thống chuyên chở nêu bật sự cô đơn khác thường và đầy thích thú. Đặc biệt trong 18 tháng qua, ngày càng có nhiều người tuyên bố trên báo chí và truyền thông xã hội rằng họ yêu thích thời gian cô đơn.
Một ‘xã hội Cực Kỳ cô đơn’ sẽ là tương lai của tất cả các quốc gia, không chỉ Nhật Bản
Một cuộc cách mạng gần đây là “hitori yakiniku.” Yakiniku có nghĩa là “thịt nướng” thường liên quan đến việc ngồi quanh một cái rá nướng thịt tại một chiếc bàn trong nhà hàng với một nhóm người và nấu chung thịt gà, bò hay heo. Nhưng với ohitorisama, thì tất cả thịt đó chỉ có một mình bạn nướng và ăn.
Ngay cả việc hát karaoke cũng cô đơn một mình – là sự thay đổi rất lớn đối với trò tiêu khiển cổ điển của Nhật Bản. “Nhu cầu hát karaoke một người đã gia tăng tới mức từ 30% tới 40% của tất cả khách hàng hát karaoke,” theo Daiki Yamatani, nhà quản trị bán hàng là người chịu trách nhiệm quan hệ cộng đồng cho công ty karaoke một người 1Kara tại Tokyo, cho biết. Tại Nhật Bản, các tụ điểm hát karaoke ở mọi nơi, thường là những tòa nhà lớn với nhiều tầng có nhiều phòng hát karaoke riêng biệt cho các nhóm với nhiều kích thước khác nhau. Nhưng nhu cầu từ các ca sĩ đơn độc đã và đang gia tăng, và vì vậy 1Kara đã biến đổi các phòng cho nhóm nhiều người thành các phòng thu âm riêng lẻ có kích cỡ bằng phòng gọi điện thoại.
Tại Nhật Bản, các hoạt động nhậu nhẹt và sinh hoạt về đêm theo truyền thống chia xẻ với nhiều đồng nghiệp hay bạn bè, trong khi văn hóa ẩm thực thì có nghĩa bữa ăn tối thường được chia xẻ nhiều người. Vì thế phong trào ohitorisama tượng trưng cho sự đổi thay lớn. Nhưng điều gì đưa đến sự thay đổi và tại sao nó lại được xem là rất quan trọng?
Áp lực xã hội
Tại nhiều nước, cô đơn có thể không có vẻ gì quá ngạc nhiên. Chẳng hạn, trong tháng 12, nữ tài tử người Mỹ Christina Hendrecks đăng hình cô đơn của cô tại một buổi hòa nhạc. Nữ tài tử người Anh Emma Watson gần đây đã tuyên bố yêu thích cuộc sống đơn độc và “làm bạn chính mình.” Nhiều tác phẩm Tây Phương đã viết các hướng dẫn để uống rượu một mình và đọc sách tại quán bar, và di du lịch một mình đã tạo nên sự nghiệp cho vô số người có ảnh hưởng trên truyền thông xã hội.
Nhưng tại một đất nước nơi tuân thủ các tiêu chuẩn, quy luật và sinh hoạt theo đoàn nhóm thường xuyên được đánh giá cao, đó là vấn đề lớn. 125 triệu người dân Nhật Bản chen chúc trong một quần đảo nhỏ hơn tiểu bang California – và 4/5 lãnh thổ của Nhật là rừng núi và không thể sinh sống được. Đất đai sinh sống từ lâu ở mức đắt giá, vì vậy phải đặt nặng vào cuộc sống tập thể và thích ứng với những người khác.
“Nhật Bản là quốc gia nhỏ, và mọi người cần cộng sinh,” theo Motoko Matsushita, cố vấn cao cấp tại công ty nghiên cứu kinh tế lớn nhất của Nhật bản, cho biết. Viện Nomura Research Institute có trụ sở tại Tokyo. Bà nghiên cứu về ohitorisama, nguồn gốc và tương lai của nó. “Chúng ta cần tập trung vào việc sống bên nhau trong hài hòa, đó là lý do tại sao áp lực rõ ràng để làm việc trong nhóm là cao.”
Matsushita nói rằng cùng với sự trỗi dậy của truyền thông xã hội – cách về số lượng bạn bè hay ‘thích’ có thể cho thấy giá trị của bạn – điều này dẫn tới áp lực rõ ràng ngột ngạt bị kỳ thị là cô đơn. Bà cho biết sự thụt lùi từ điều này và văn hóa thông tin 24/7 thúc đẩy sự trỗi dậy của nền văn hóa cô đơn.
Trong trường hợp benjo meshi (ăn trưa trong nhà vệ sinh), nhà xã hội học đã đặt ra từ ngữ này vào năm 2008, Daisuke Tsuji của Đại Học Osaka, cho thấy rằng các học sinh đã ăn trong nhà vệ sinh không phải vì họ không thích ăn một mình, mà vì họ không muốn các bạn bè trang lứa nghĩ họ không có ai để cùng ăn chung.
Nhưng Matsushita tin rằng điều này đang thay đổi, cho rằng áp lực xã hội tiêu cực đối với cuộc sống cô đơn đã giảm. “‘Bạn phải lập gia đình, bạn phải có con’ – những áp lực xã hội này đang giảm dần,” theo bà cho biết. Bà trích thuật một cuộc thăm dò với 10,000 người mà bà đã thực hiện cho thấy thái độ gia tăng hướng tới sự độc lập và “sự linh hoạt gia đình” từ năm 2015 tới 2018. Thí dụ, ngày càng có ít người cảm thấy họ nên lập gia đình và có con cái, trong khi ngày càng có nhiều người cảm thấy chấp nhận việc ly dị dù bạn đã có con. Trong số những cặp hôn nhân, ngày càng có nhiều người cảm thấy ổn về việc giữ bí mật với người phối ngẫu của họ.
Một mình đi xem phim. (nguồn: https://pixabay.com/ )
Một ‘Xã hội cực kỳ cô đơn’
Một phần của phương trình này là xã hội Nhật Bản đang trải qua sự thay đổi nhân khẩu học có tính chất địa chấn. Sinh suất đang giảm: năm ngoái chỉ có 864,000 em bé được sinh ra – là thấp nhất kể từ lúc bắt đầu ghi nhận vào năm 1899. Số gia đình chỉ có một người đang gia tăng, từ 25% vào năm 1995 tới hơn 35% vào năm 2015, theo tài liệu thống kê dân số cho thấy. Sự sút giảm tỉ lệ hôn nhân đang góp phần vào việc gia tăng số người sống một mình nhưng điều đó cũng là sự kiện ngày càng có nhiều người cao niên trong quốc gia biến thành màu xám nhanh nhất thế giới đang trở thành những người góa chồng hay góa vợ. Kết quả là, giữa dân số mới này, cách những người tiêu thụ hành xử và cách các cơ sở kinh doanh phục vụ cho họ đang thay đổi.
“Sức mạnh mua sắm của người độc thân có thể không còn bị bỏ quên,” theo Kazuhisa Arakawa cho biết. Ông là nhà nghiên cứu tại Hakuhodo, một trong những công ty quảng cáo lớn nhất tại Nhật Bản. Ông ấy viết nhiều sách về kinh tế của điều mà ông gọi là “xã hội cực kỳ cô đơn” của Nhật và phỏng đoán rằng 50% dân số có độ tuổi 15 hay lớn hơn sẽ sống trong các gia đình một người vào năm 2040. “Tôi tin rằng thị trường sẽ không gia tăng nếu không nắm bắt những khách hàng cô đơn này,” ông đã viết như thế.
Erika Miura, cư dân Tokyo 22 tuổi làm việc trong ngành IT, là một người kỳ cựu của phonng trào ohitorisama. Ngồi trong quán Bar Hitori, cô nói rằng cô là người hiếm trong số nhóm bạn của mình muốn tự mình làm những việc như thế. “Nhiều người bị loại ra vì ý tưởng này, nhưng tôi trượt băng một mình,” theo cô cho biết. Cô cũng đi xem phim và hát karaoke một mình, bởi vì nó cho cô nhiều tự do hơn, và rằng có nhiều dịch vụ cho người cô đơn tại Tokyo. Trong khi đó Go Yamaguchi, khách hàng tại 1Kara, nói rằng khi ông đi hát karaoke với bạn bè thì ông phải đợi đến lượt mình. “Tôi bị lúng túng nếu tôi không thể hát hay,” ông nói thêm. “Tôi có thể hát bất cứ thứ gì tôi muốn khi tôi đi hát một mình.”
Cô đơn cũng cung cấp nhiều cơ hội cho những người là thành phần của gia đình “truyền thống,” theo các chuyên gia cho biết. Nghiên cứu vào năm 2018 của Arakawa cho thấy rằng có tới 1/3 người đã lập gia đình hoạt động một mình như đi dự một mình trong các sự kiện. Matsushita, đã lập gia đình và có con cái, đồng ý điều này và nói rằng, “Đôi khi tôi thích thú việc hát karaoke tại quán bar một mình.”
Khi nói đến nhiều người độc thân lúc về già, Matsushita cho biết rằng nhóm này – đặc biệt các bà cụ -- có “tâm lý phản kháng” khi bị nhìn thấy họ cô đơn. Nhưng bà tin rằng khi họ thấy thế hệ trẻ hơn tiếp tục đẩy lùi biên giới thì mọi thứ có thể thay đổi, đặc biệt khi các nhà tiếp thị của những dịch vụ độc thân biết rằng những người về hưu là một dân số có thời gian và tiền bạc.
‘Thế Giới đang thay đổi’
Không cần nói, không chỉ Nhật Bản đang trải qua loại thay đổi xã hội đã góp phần cho nền văn hóa cô đơn. Khi sinh suất giảm, tuổi lập gia đình tụt dốc và dân số già, nhiều quốc gia đang chứng kiến sự trỗi dậy trong cuộc sống độc thân. Euromonitor International, công ty nghiên cứu thị trường độc lập có trụ sở tại London, đã công bố nghiên cứu vào năm rồi phỏng đoán rằng mức gia tăng kỷ lục 128% trong các gia đình một người trên toàn thế giới từ năm 2000 đến năm 2030.
“Một ‘xã hội cực kỳ cô đơn’, được đặc trưng bởi giới trẻ là những người không bao giờ lập gia đình và những người cao niên trở thành độc thân sau khi bị góa, sẽ là tương lai của tất cả các quốc gia, không chỉ Nhật Bản,” theo Arakawa phát biểu. “Không còn thiết thực để chỉ tập trung kinh doanh vào các gia đình.”
Dĩ nhiên, tại nhiều nước là nơi tự mình làm nhiều việc – ăn tối, uống rượu, khám phá – không làm cho nhiều người nheo mày, hiện tượng “các bữa tiệc một người” hưởng thụ mọi thứ mà xã hội cung cấp sẽ ít để ý hơn. Nhưng tại Nhật, sự phát triển tương đối nhanh của nó đã trở thành đề tài nóng bỏng.
Arakawa nói rằng ông tin là hầu hết đồng bào Nhật của ông đang độc lập một cách tự nhiên. “Sẽ là sai để cho rằng có hai loại người: những người cảm thấy OK bị bỏ rơi một mình và những người không cảm thấy như thế,” theo ông cho biết. “Đại đa số người dân Nhật vốn thích hành động độc lập.” Ông khám phá rằng 50% người đi dự các buổi hòa nhạc hay các nhạc hội một mình, liên kết với những người mới đó thông qua sở thích chung.
Và đó là sự kết hợp của thay đổi dân số đi cùng với sự trỗi dậy của những thái độ linh hoạt hơn về cách làm sao để sống đã giúp nền văn hóa cô đơn thêm hưng thịnh. “Chỉ 10 năm trước họ nói ‘ăn trưa trong nhà vệ sinh’,” theo Matsushita nhớ lại. “Nhưng, sau 10 năm, chúng ta có quá nhiều dịch vụ cho độc thân. Nhiều người có khuynh hướng nghĩ một cách tích cực về cuộc sống cô đơn.”
Trở lại quán Hitori, người pha rượu Tateishi quen thuộc với cảm giác kết nối những người khác đi kèm với việc gặp gỡ người khác đang đi một mình. Sau cùng, trước khi làm việc ở đây, cô đã từng là một khách hàng chỗ này.
“Đối với người chỉ biết ở nhà, họ có thể tự thay đổi bằng cách xây dựng một sự liên hệ cộng đồng bên ngoài căn nhà,” theo bà gợi ý. “Họ sẽ thấy thế giới đang thay đổi.”
Trong đám đông con người dễ bị đánh mất mình.
Triết gia Đức Martin Heidegger từng cho rằng con người tự tha hóa mình trong người khác, trong tha nhân. Tha hóa là quá trình đánh mất sự hiện hữu, đánh mất tính thể của hữu thể tính của chính mình. Đức Phật từng dạy rằng muốn thành tựu sự giác ngộ thì hành giả phải sống độc cư, phải có khả năng sống một mình ở những nơi vắng vẻ nhất, như rừng núi, bãi tha ma, hang động. Khi cô đơn một mình con người dễ tìm lại họ.
No comments:
Post a Comment