Không đúng “quy trình”
Người ta nói, chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng tôi tin, những điều/những người tử tế đã làm nên Saigon. Và chính những câu chuyện tốt đẹp của người với người giữa đất Saigon là thứ níu kéo trái tim, tình cảm của những thị dân đã mất hết mọi cảm xúc trước những tin tức xấu về môi trường, chính trường, nhà trường, tình trường… ở cái thời đại “đồ đểu” này.
Sau đây là vài mẩu chuyện kể về những kỷ niệm đẹp về sự tử tế của Saigon từ những người không phải quê Saigon. Nó đơn giản, mộc mạc, không có gì lạ cả vì tôi cũng nhận được những điều tử tế tương tự hoài. Nhưng tôi thích vì đọc được sự yêu thương của họ với quê mình trong câu chữ. Thèm ôm họ một cái ghê! Bởi chính họ là những người nối tiếp, kéo dài lòng yêu thương, sự tử tế cho Saigon.
Vì thế giới này có rất nhiều thứ bị buộc phải làm theo một quy luật, “quy trình” nào đó. những “quy trình” do luật pháp/luật rừng, do truyền thống, do định kiến, hoặc do ai đó đặt ra… Nhưng chỉ có sự tử tế là tự nhiên xảy ra, không theo một “quy trình” nào cả nên sự tử tế của Saigon cũng vậy, nó không nhất định do người Saigon làm, và cũng không chỉ đem lại niềm vui cho riêng thị dân…
1. Tô mì ngon nhất cuộc đời – Linh Hoang
Hồi mới vào Saigon mình bị móc mất bóp ở trên xe đò. May lúc đó có mang theo một bao cafe rang xay nên mình đã bán ở bến xe Miền Ðông, tuy nhiên số tiền ít ỏi này chẳng bao lâu cũng xài hết.
Một đêm hôm đó, rất lạnh và đói, trên đường Lý Chính Thắng – Quận 3 có một hiên nhà bằng bục gỗ đỡ lạnh hơn nền gạch nên mình đã lơ mơ ngủ một giấc ở đó. Tới sáng hôm sau mình tỉnh dậy vì nghe tiếng chổi sàn sạt. Rồi một bà cụ tròn trịa phúc hậu lấy cán chổi thọt vào hông kêu mình dậy, khi tỉnh dậy thì thấy bà khệ nệ bưng ra một cái ghế đẩu, trên ghế là tô mì gói nóng có đập trứng, tiêu, hành và ít thịt bò, bà nói:
– Ăn xong là phẻ liền hà con.
Cả tháng sau khi đã ổn định chỗ ở thì mình đi tìm bà để cảm ơn lần nữa thì không sao tìm ra. Dù chạy mấy vòng cũng không sao tìm lại được chỗ đó.
Nên sau này mình mở công ty cũng trên đường Lý Chính Thắng, mỗi khi kể lại, con gái mình chắc chắn đó là bà tiên, có lẽ đúng là vậy.
2. Ba câu chuyện – Thư Pham Anh
Saigon mấy bữa nay cũng lành lạnh rồi, kể các bạn nghe những câu chuyện của mình về vùng đất này nha.
Lần đầu tiên đi Saigon một mình là lúc 15 tuổi. Xe khách thả mình ở Hàng Xanh, không biết làm sao đi vào trung tâm thành phố. Có một bạn nam đang đứng đợi xe, mình hỏi bạn, bạn bảo đi theo bạn là vô tới quận 3 (chỗ mình cần tới). Thế là đi theo bạn. Sau hai chuyến xe bus, bạn đi bộ với mình mấy dãy phố, còn xách túi cho mình nữa. Tới nơi mình hỏi bạn có ở gần đây không, bạn bảo nhà bạn ở Thủ Ðức, tại mình không biết đường nên bạn mới đi với mình thôi.
Lần thứ 2 trở lại Sài Gòn là 10 năm sau. Mình chạy xe máy tìm đường tới bệnh viện da liễu. Thấy cô bán nước ven đường, mình dừng lại hỏi, cô chỉ đường rất dễ hiểu, lại còn dặn dò:
“Ai kêu dẫn con đi chỗ khác khám con không được tin nó nha. Nó lừa con đó.”
Chuyện cuối cùng thì mới tuần trước thôi, mình đứng đợi qua đường mà không xe nào nhường đường cả. Có một chiếc xe tải chạy tới gần chỗ mình thì từ từ dừng lại, rồi đứng im luôn. Vì xe tải khá bự nên những xe sau không vượt lên được, rồi anh tài xế ló đầu qua bảo
“Qua đường đi em ơi.”
Mình đi qua xong ảnh chạy tiếp. Mỗi khi nghĩ lại những chuyện này là lại thấy ấm lòng. Mình ở Hà Nội cũng gần ba mươi năm mà chưa thấy ai tử tế như những người Saigon cả!
3. Thiên thần tháng 8 – Gatori Kurosagi
Mình hiện sống và đi học ở Nhật, nên cũng được giúp lắm vì người Nhật đa số khá là nice. Nhưng mà hôm nay mình muốn chia sẻ một câu chuyện đẹp ở Saigon mà mình nhận được.
Lần đó buổi trưa tầm 11 rưỡi mình ra khỏi nhà, tới giữa đường thì hết xăng phải dắt bộ, mà nhà mình ở tận quận 9, đoạn đó thì sắp ra xa lộ. Tức là xung quanh đồng không mông quạnh ít nhà cửa thì không biết đào đâu ra trạm xăng, nên mình có ghé vào hỏi một nhà bên đường là gần đó có chỗ nào đổ xăng không rồi dắt theo hướng được chỉ chứ cũng không biết phải dắt bao xa.
Ðang ì à ì ạch dắt được một đoạn, bỗng nhiên nghe bên cạnh có người chạy lên gọi nên mình quay qua nhìn, thấy một anh trai xăm trổ nhìn hầm hố đang đưa một cái bịch nilon có xăng qua, hỏi:
“Hết xăng phải không?”
Mình cũng vừa sợ vừa ngại nhưng cũng rụt rè đưa tay nhận. Nhận xong ngẩng mặt lên định nói cho gửi tiền lại thì ảnh phất phất tay khẩu hình miệng kiểu “khỏi đi” xong quay xe lại chạy đi mất luôn.
Không biết là ảnh thấy mình dắt bộ hay là thấy mình tấp vào nhà kia hỏi nên chạy đi mua cho, nhưng với một người có rất nhiều ký ức không tốt với phái nam như mình thì anh trai xăm trổ hầm hố, mặc áo cộc tay, chạy đến đưa xăng cho mình lúc giữa trưa Saigon tháng 8 thật sự như một thiên thần.
4. Saigon tử tế – Trần Khắc Tường
Có hôm gặp bạn cũ, chuyện trò quên thời gian, đến lúc quán dọn dẹp, mới hay trời đã khuya, vội chia tay bạn bè, hẹn ngày sau gặp lại. Trên đường về, bụng chợt cồn cào, đảo mắt nhìn quanh xem có gì ăn đỡ. Xa xa, thấp thoáng một xe đẩy bán thức ăn, phản chiếu qua ánh đèn.Ðến gần, thì đó là xe cháo lòng với dăm ba bàn ghế tuềnh toàng, cùng vài thực khách. Mình tấp vào, làm vội tô cháo. Xong, định kêu tính tiền để về, thì lúc ấy có anh trung niên chạy xe tới, ngừng trước xe cháo, đá chống rồi tiến đến vợ chồng chủ xe.
– Anh cảm ơn chú dzí thím nhiều nghen, cho anh gởi thêm tiền. Anh đi làm về trễ, nghe con anh nói lại, nên đến đây liền.
– Dạ, không có gì đâu anh, con nít mà, đói thì ăn chứ có quan tâm đến giá cả gì đâu, cho cháu ăn như cho con em ăn vậy mà.
– Biết vậy, nhưng anh vẫn cảm ơn đã giúp con anh. Sau nầy, bé có ghé ăn, chú thím cứ bán, anh hứa gởi trả tiền đầy đủ.
– Dạ.
Ba người trao đổi qua lại với “dạ”, “cảm ơn” đặc sản của người Saigon xưa, mình lắng nghe với nhiều thích thú. Anh trung niên ra về, mình tính hỏi cho biết chuyện, thì chị chủ xe cháo đã tiến đến phân trần:
– Hồi chiều con bé đi học về, đói bụng ghé vào ăn, rồi đưa năm ngàn, em vẫn vui vẻ lấy, giờ ba nó ghé trả thêm.
Tận mắt chứng kiến và nghe đối đáp, mình thấy rộn ràng trong bụng, có một cái gì đó tự hào khe khẽ len vào. Một bên cảm thông, phóng khoáng, giúp người không hề so đo tính toán. Một bên tử tế, biết phải quấy, mặc dù trời khuya lắt khuya lơ, vẫn tìm đến nói lời cảm ơn với người đã giúp con mình. Xe cháo đêm hôm ấy sực nức mùi thơm, mùi thơm của cháo, hòa quyện cùng mùi thơm tình người và sự tử tế của người Saigon.
Cho dẫu năm tháng có qua đi, Saigon với biết bao vật đổi sao dời thì lòng tử tế của người Saigon vẫn không hề phai nhạt với thời gian.
5. “Thằng hâm” quê Đồng Tháp – Khiem Chung
Là cách cánh xe ôm gọi anh ấy, vì tấm biển “Miễn phí 5km với sinh viên, người tàn tật”. Tôi gặp anh trong một quán ăn ven đường. Thấy tấm biển dễ thương dán đuôi xe, tôi chủ động lại gần bắt chuyện:
– Chạy xe ôm miễn phí hoài thế này có đủ tiền ăn không bác tài?
– Ðủ chứ.- Anh nở nụ cười hiền hậu, gương mặt dễ mến – Thấy tụi nhỏ mới ở quê lên lạ nước lạ cái, mình làm phúc thôi mà, ngày mình mới ở quê lên còn lớ ngớ hơn chúng nó bị lừa từ việc đi xe ôm lừa đi.
– Ðã bao giờ bị đồng nghiệp rượt vì tranh khách của người ta chưa?
Anh lắc đầu: Chưa, mình cũng là xe ôm mà, ai nỡ. Người ta chỉ cười bảo thằng này hâm thôi.
Sống ở Saigon, thi thoảng gặp những người "hâm" làm mình thấy ấm lòng. Saigon lắm người "hâm" vậy đó…”
6. Sự tử tế không có quy trình – Hoang Linh
Mấy năm trước, những ngày Saigon mưa ngập, nhiều người kiếm tiền bằng cách cõng giúp xe qua nơi ngập. Tốt thôi vì họ cũng bỏ công sức ra mà. Nhưng nhiều người tham lam cũng nhân cơ hội xe ngập nước chết máy để chặt chém tiền lau sửa hoặc thay bugi giá gấp năm gấp bảy.
Nguyễn Tài Dũng với Phạm Như Thắng và Nguyễn Mạnh Cường – sau giờ sửa xe ở tiệm rủ nhau mang đồ nghề ra mấy chỗ đường ngập nước, thay bugi giá gốc, còn chùi giúp máy nổ hay thay bu gi cũ còn tốt thì không hề lấy tiền, sửa xe, không tính công. Ai nghèo thì các anh còn giúp luôn, có lúc đổ xăng cho. Họ nói rằng có ai muốn vậy đâu, để cho bà con lỡ độ đường vì cơn mưa thêm chút ấm áp. Các anh nói:
“Saigon tình nghĩa cưu mang những người mưu sinh xa xứ như anh em tụi em, lẽ nào mình không biết ơn nghĩa với Saigon?”
Sau các bài báo về ba anh em này, anh Thảo, một người dân được nhóm sửa xe giúp khi anh bị chết máy do mưa ngập cùng nhiều độc giả đã quyên góp để ba anh em mở một tiệm sửa xe. Và họ, những mùa mưa vừa qua vẫn miệt mài sửa xe miễn phí cho người dân Saigon, hàng ngàn chiếc xe đã được cứu. Những bữa cơm chiều của nhiều gia đình nhờ vậy vẫn đầm ấm quây quần dù xe hư, dù Saigon ngày càng ngập.
Nguyễn Tài Dũng, một trong ba ông chủ tiệm tử tế trên vừa mất hồi đầu 4/12/2019. Không biết gặp chuyện gì, chàng trai quê Quảng Ngãi hào hiệp ấy đã treo cổ tự tử.
Một người tử tế khi đã chọn cái chết chắc là cũng quá bế tắc rồi, chúng ta không thể nói gì hơn. Nhưng hãy nghe câu chuyện sau đó.
Nhà báo Nguyễn Ðức Hiển, người đứng ra kêu gọi góp tiền cho chuyến xe cuối cùng, đưa anh Dũng về quê hương Quảng Ngãi, nói: “Dũng mồ côi. Chuyến xe đưa chàng trai hào hiệp về với gia đình giá 35 triệu mà họ hàng ở quê cũng quá nghèo. Mình cũng hỗ trợ em một phần và nghĩ giờ này, có thể bạn bè và mọi người hỗ trợ em đã đủ cho chuyến xe cuối cùng của cuộc đời. Nhưng mình nghĩ, em xứng đáng có được một ngôi mộ đàng hoàng, tử tế như cuộc đời tử tế, như tấm lòng tử tế của em”
“Vì em ấy không sinh hoạt và không có hộ khẩu ở phường nên quy định không cho phép dùng ngân sách địa phương hỗ trợ. Trả lời của chính quyền cũng đúng. Phường thì kiếm đâu ra tiền. Nhưng giá mà chính quyền quận, phường vận động thêm cho em ấy. Chứ vầy nghe xót quá! Khi báo chí viết về em, chính quyền phường giáp ranh ở quận bên cạnh còn tặng giấy khen. Cô đồng nghiệp mình thốt lên: Em hào hiệp với đời mà đời hẹp hòi với em vậy Dũng?” Hết trích.
Không ai (dám) trách gì cái phường đó và cái quy trình của họ. Nhưng sự tử tế thì không lệ thuộc vào bất cứ quy trình nào, không phụ thuộc vào quyển sổ hộ khẩu vô hồn. Cũng như ba người anh em đó, đâu có cái quy trình nào bắt buộc những ngày mưa ngập bạn ấy sửa xe miễn phí cho những người qua lại. Chỉ vài giờ sau kêu gọi từ nhà báo Nguyễn Ðức Hiển, người Saigon và bạn bè bốn phương đã gửi đủ chi phí cho chuyến xe cuối cùng này.
No comments:
Post a Comment