Saturday, February 8, 2020

CÁI CHẾT CỦA BÁC SĨ LI WENLIANG SẼ KHÔNG BỊ ĐỂ UỔNG PHÍ!


Ngày 6-2 , ngày bác sĩ Li Wenliang chết vì coronavirus đang được nhiều người Trung Quốc kêu gọi biến nó thành Ngày tự do ngôn luận !

Bắc Kinh sẽ đàn áp, chắc chắn, nhưng người TQ đã hiểu ra cuộc sống họ đang bị đe dọa từ điều gì !

Giáo sư Trương Thiên Phàn giảng dậy tại đại học Bắc Kinh đã kêu gọi thiết lập ngày Dr. Lý Văn Lượng mất ngày 6 tháng 2 là ngày tự do ngôn luận của Trung Quốc. Ông phát tin trên mạng nói rằng:” Công dân chúng ta không nên để cái chết của bác sĩ Lượng trở thành uổng phí. Bi kịch của anh không nên làm chúng ta sợ hãi, ngược lại chúng ta hãy dũng cảm lên tiếng, bởi nếu chúng ta câm lặng như ve sầu mùa đông thì cái chết sẽ giáng xuống càng nhanh”.

*****
Bi và Nộ dưới cái chết của Lý Văn Lượng

Anh từng có ước vọng trong năm mới 2020 rằng, hy vọng làm một con người đơn giản, nhìn thấu mọi hỗn tạp trần gian nhưng không để lại trong tim một dấu vết gì, giữ lại cho mình một con tim phẳng lặng. Anh còn nói, cuộc sống không trải qua phán xét là cuộc sống không xứng đáng, hy vọng mọi người có thể từ đó cùng nhau thực hiện được giá trị của mình. Anh đặt tên WeChat của mình là :” Lý luận chỉ là màu xám, còn cây sinh mệnh sẽ trường tồn”. Nhưng ngờ đâu anh đã nằm xuống nhanh chóng, sinh mệnh không trường tồn, nhưng ý nghĩa sinh mệnh của anh sống mãi trong ký ức mọi người.

Vào lúc 11 giờ đêm qua, khi phóng viên của tờ báo “Nhân Vật" vội vã có mặt tại tòa nhà nội trú của bệnh viện trung tâm quận Houhu của Vũ Hán, hai bạn cùng học đại học với Li Wenliang (Lý Văn Lượng) đã đợi sẵn ở đấy nửa giờ. Họ cũng là bác sĩ ở Vũ Hán như anh và được cả lớp ủy thác đến và thăm hỏi anh ở đây. Lối vào của tòa nhà bệnh nhân nằm viện đã bị chặn bởi đã qua thời gian cho khách vào thăm và không thể vào được.

Trời đã khuya, và tòa nhà vẫn còn ánh đèn. Tầng hai là phòng ICU đang giải cứu Lý Văn Lượng, và đi lên một vài tầng nữa là phòng của bố mẹ anh nằm, họ cũng bị nhiễm bệnh. Các bạn cùng lớp lo lắng cho họ và gọi điện thoại vào phòng cha của Lý Văn Lượng, hy vọng được đi lên và ở lại với họ. Nhưng nhân viên bệnh viện đã từ chối yêu cầu qua điện thoại. Sau đó, họ nói chuyện với vợ anh, chị đang mang thai và sống bên ngoài Vũ Hán. Cô ấy tỏ ra rất lo lắng vì không biết bất kể một thông tin mới nhất về chổng mình. Các bạn an ủi cô: "Nếu có bất kỳ tin tức nào, chúng tôi nhất định sẽ gọi cho chị sớm để nắm bắt tình hình."

Nhưng vào lúc nửa đêm sau 0 giờ, trong khi bệnh viện đang tiếp tục cấp cứu Lý Văn Lượng, một y tá trong tòa nhà với bô quần áo rất mỏng manh chạy xuống tầng một và oà khóc. Đầu tiên cô ta dựa vào tường, sau đó từ từ khuỵ gối xuống mặt đất nức nở. Ngay cả khi đứng cách xa mười mấy mét, tiếng khóc vẫn nghe rõ ràng, vang vọng trong không gian yên tĩnh của bệnh viện vào đêm khuya nghe thảm thiết, nhức nhối tâm can.

Vào lúc 3 giờ 48 phút, trên WeChat của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán mới đưa ra một thông điệp: 

Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa trong bệnh viện của chúng tôi, vì bị lây nhiễm đáng tiếc trong khi tham gia chống lại tình trạng dịch bệnh của coronavirus mới, qua cứu chữa nhưng vô hiệu đã qua đời vào lúc 2 giờ 58 phút ngày 7 tháng 2 năm 2020”. 

Nhưng trước đó, vào lúc 23:25 tối qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã đăng một dòng tweet: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của bác sĩ Lý Văn Lượng. Tất cả chúng ta nên ca ngợi sự cống hiến của anh trước sự bùng phát của nạn dịch coronavirus mới”. ( Trên thực tế anh mất ngày 6 tháng 2 theo thời gian như Tổ chức Y tế Thế giới báo tin, chắc có “nội gián” )

Vào chiều ngày 30 tháng 12 năm 2019, Lý Văn Lượng thông báo trên WeChat với bạn bè của anh rằng :” Đã có 7 trường hợp SARS đã được xác nhận tại Chợ Hải sản Hoa Nam, ngay cạnh khoa cấp cứu của bệnh viện của chúng tôi." 

Sau nửa giờ, anh ta thông báo thêm: "Tin tức mới nhất là việc nhiễm coronavirus đã được xác nhận và virus đang được phân tích. Hãy báo ngay cho gia đình và người thân để chú ý phòng ngừa."

Vì đều là bác sĩ, các bạn đều tin vào Lý Văn Lượng. Anh đã làm việc trong ngành y nhiều năm và phán đoán của anh khó có thể sai. Do có được cảnh báo của Lý Văn Lượng nên mọi người loan tin nhau và kịp thời phòng ngừa. Họ bắt đầu dự trữ mặt nạ N95, và cũng bắt đầu mặc quần áo bảo hộ tại nơi làm việc. Vì chưa có nhiều người biết tin nên vào thời điểm đó mặt nạ vẫn rất dễ mua. Chính bởi có lô vật liệu này nên đã bảo vệ được một số bác sĩ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, và cũng giải quyết được nhu cầu thiết yếu của họ khi nguồn cung bị thiếu.

Nhưng ngay lập tức, công an Vũ Hán đã triệu tập Lượng và bẩy người bạn khác của anh cảnh cáo họ phao tin đồn nhảm và bắt viết bản kiểm điểm. Họ bị răn đe nếu còn phát tán thêm tin tức sẽ bị trừng trị theo pháp luật. Sau đó Lượng và các bạn thận trọng hơn và không còn nhắc về virus mới trên WeChat, nhưng họ vẫn cứ lan truyền cho mọi người biết bằng lời nói truyền tin nhau, chính vậy rất nhiều người trong đó đặc biệt là nhiều bác sĩ trẻ 8X đã biết và bảo vệ. Nhiều bạn cùng lớp anh đã nói: "Anh ấy thực sự đã cứu rất nhiều người."

Từ lúc Lượng đưa ra thông tin đến lúc truyền thông nhà nước thông báo công nhận có dịch bệnh cách nhau nửa tháng. Nửa tháng ấy, mọi người tụ tập cỗ bàn ăn Tết mừng Xuân. Tại Vũ Hán có nơi có tập tục cả khu phố hơn vài nghìn người tụ tập liên hoan mừng năm mới, nhiều nhà hàng đều chật cứng người bầy tiệc mời nhau. Rồi còn hàng vài ngàn người lên đường du lịch khắp nơi trong và ngoài nước, vài trăm ngàn người Vũ Hán làm việc ở tỉnh ngoài về nhà ăn Tết...Dịch bệnh cứ thế âm thầm được lan truyền tự do trong không gian với một thời gian dài và tự do hoành hành trước người dân vô tội không một sự phòng bị.

Nếu như ở một xã hội tự do dân chủ, tự do ngôn luận, chính quyền không được phép bịt mồm dân, quan chức không vì danh dự ảo, không sợ bị khiển trách và nhạy bén nắm bắt tình hình ngay từ phút đầu đã phát động kế hoạch phòng bị khẩn cấp, thì bệnh dịch đã được chặn lại ngay từ khi có dấu hiệu. Mọi người sẽ bảo vệ được mình dưới những phương án thông minh từ trên xuống dưới. Những người ở Vũ Hán thôi không di chuyển ra ngoài, người ở tỉnh ngoài tạm hoãn về nhà, như vậy sẽ tránh được biết bao phiền toái để đến nỗi dịch bệnh tràn lan toàn thế giới giết chết bao tính mạng, khổ người khổ ta.

Lý Văn Lượng được mệnh danh là “Người thổi tù và” ( Dịch theo ý của lão PP cho chuẩn ngôn từ Việt, một số truyền thông nước ngoài dịch khác ). Tiếng tù và của anh đánh thức biết bao người còn mê ngủ trong một xã hội chuyên quyền. Anh nằm xuống để mọi người thức tỉnh, tin anh chết đã dấy lên một đợt sóng thần dư luận chỉ trích sự ngu xuẩn của chính quyền, mọi người yêu cầu chính quyền đừng bịt mồm dân nữa, hay trả lại quyền được nói, quyền được trao đổi tin tức, quyền được biết sự thật không còn bị bưng bít vì chính quyền chỉ muốn giữ lại một thể chế đã mục nát và lỗi thời đến khó tin.

Hujia, một nhà đấu tranh cho nhân quyền sống ở Bắc Kinh đã ứa lệ nói:” Trong cuộc chống chọi với dịch bệnh lần này, bác sĩ Lượng đã làm thức tỉnh bao khát vọng của vô vàn người dân trong nước. Anh đã ngủ yên nhưng thực sự đã đánh thức bao người tỉnh dậy. Khi bạn nhìn thấy một thể chế không công bằng sản sinh ra ác độc, nhìn thấy những người được hưởng lương bổng làm việc vì công chúng nhưng lại bị phơi xác trước băng giá chết oan uổng, bạn sẽ nghĩ còn sự công lý nào không?

Cái chết của anh khiến mọi người thương tiếc, rất nhiều người trên cả nước ngậm ngùi tưởng niệm anh. Ở đường phố Bắc Kinh, một người dân nói với phóng viên rằng:”Anh ấy đã vì bách gia trăm họ hiến dâng sinh mệnh của mình”. Điều này nói lên người dân họ không ngu, họ biết cả, chỉ vì bị bịt mắt bịt miệng nên họ mất đi cái quyền căn bản nhất của con người mà Thượng Đế vốn đã ban cho họ.

Trong một xã hội cấm tự do ngôn luận thì bất kể người dân bình thường nào cũng có thể dẫm vào vết chân bi thương mà Lý Văn Lượng đã từng bước qua, bi kịch rồi vẫn tiếp diễn. Chính vậy, giáo sư Trương Thiên Phàn giảng dậy tại đại học Bắc Kinh đã kêu gọi thiết lập ngày Lượng mất ngày 6 tháng 2 là ngày tự do ngôn luận của Trung Quốc. Ông phát tin trên mạng nói rằng:” Công dân chúng ta không nên để cái chết của bác sĩ Lượng trở thành uổng phí. Bi kịch của anh không nên làm chúng ta sợ hãi, ngược lại chúng ta hãy dũng cảm lên tiếng, bởi nếu chúng ta câm lặng như ve sầu mùa đông thì cái chết sẽ giáng xuống càng nhanh”.

Giáo sư Hạ Minh tại trung tâm nghiên cứu sinh khoa chính trị trường đại học Nữu Ước nói:

Cái chết của Lý Văn Lượng và cách xử sự của chính quyền dẫn phát ba nguyên lý của giá trị cơ bản, nói thật, việc thật, người thật. 

Lý Văn Lượng rõ ràng là một người chân thật, anh không có ý làm một anh hùng và muốn nổi tiếng. Đứng trước sự việc thật, với thiên chức của mình, anh muốn nói lên sự thật với mọi người. Nhưng chính quyền Trung Quốc cấm giới trí thức lên tiếng, cấm học sinh lên tiếng, cấm phóng viên lên tiếng, cấm luật sư lên tiếng, cuối cùng cấm toàn thể nhân dân lên tiếng, như vậy mới xẩy ra đại hoạn nạn. 

Hoạn nạn này có cái giá của nó. Lần này chính phủ Trung Quốc xử lý nguy kịch tỏ ra kém cỏi, đến cả khẩu trang cũng không đủ để dùng. Có thể họ đã sản xuất quá nhiều những “khẩu trang” bịt miệng dân, còn không để ý sản xuất đủ những khẩu trang phòng dịch bệnh”.

Trên mạng có hàng triệu những lời chia buồn tưởng niệm và những ý kiến bình luận nhiều như một biển dư luận cả trong và ngoài nước. Lão PP chỉ dịch và đăng tải vài lời cống hiến cho 500 nông hộ. Nói nhiều lại dài dòng, cũng bởi ngôn luận có thừa nhưng thời gian có hạn.

Trời sắp sáng, chỉ biết cảm than“Lượng ơi! Còn không?”. Đêm nay không ngủ, thương cho Lượng, một thanh niên trí thức hiền lành lương thiện chết oan dưới gót sắt của chính quyền chuyên chính ngu si và tồi tệ, nhưng cái chết của anh không uổng, mọi người giờ này chắc đã tỉnh giấc?

( từ nhà anh Peter Pho)

No comments:

Blog Archive