Thursday, January 9, 2020

NGƯỜI HOA Ở LÁI THIÊU

Lưu Thanh Bình


Huyết thống

Trước tiên xin tự giới thiệu ông ngoại tôi là người Trung Quốc 100%, gốc Triều Châu, dân gian gọi nôm na là người Tiều. Khi sang Việt Nam làm ăn có tiền thì về bển lấy vợ rước qua Việt Nam sinh sống, bà sinh được hai người con trai rồi bệnh mất, hai người con được gởi về Hoa Lục cho họ hàng chăm sóc. Về sau ông mới cưới một người vợ Việt ( là bà ngoại tôi), sinh ra ba người con gái trong đó có má tôi. Như vậy má tôi và hai bà dì tôi là người Việt gốc Hoa (50%), biết nói hai thứ tiếng. Hai bà dì có chồng Tàu Chợ Lớn, đẻ con cho học trường Tàu nên lớn lên họ chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu (75%) nhiều hơn văn hoá Việt. Còn ba tôi là người Việt, tổ tiên là lưu dân theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Nên bọn tôi chỉ còn (25%) thôi, kể như Tàu…chìm. Trong những bữa cơm gia đình bọn tôi lên án và chửi sa sả Tạ Vinh ( gian thương thu gom gạo) mà bà cũng không nói gì. Nhiều khi còn nhại tiếng người Tiều “Chó cắn bù chét, bù chét không chết; bù chét cắn chó chó chết”. Chê người Tàu ở dơ mà quên rằng má tôi rất sạch sẽ, nên chín chị em tôi mới được tươm tất trắng đỏ ai cũng khen.

Mì & Hoành thánh

Còn nhớ thuở nhỏ khi tôi được má sai xách gà mên ra chợ mua mì – hoành thánh về làm canh ăn cơm thì tôi xung phong liền, để được đứng ngắm những bức hình màu in chìm vào kiếng mà tôi vừa sợ vừa thích. Xe mì có hình Quan Công cởi ngựa Xích Thố sử dụng ngón đà đao làm rơi đầu Nhan Lương,Văn Xũ hoặc Lữ Bố cưởi ngựa Xích Thố đại chiến tam anh (Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi). Tôi cũng thích đứng nhìn họ chế biến hoành thánh: bột mì cán thật mỏng thành lớp áo bao ngoài, bên trong là thịt bằm nhuyễn. Hai tay phối hợp nhanh thoăn thoắt, từng viên hoành thánh vo viên lại rồi thảy vào nồi nước lèo bốc khói. Nhớ lần đi làm gỗ ở cửa khẩu Hoa Lư ( Lộc Ninh) những năm 80 thế kỷ trước, ghé quán dã chiến bên đường ăn cho đỡ đói, chỉ một tô mì ăn liền, nước lèo xương heo lỏng bỏng với vài cọng giá và hai ba lá cải mà giá tới năm ngàn, làm tôi ngậm ngùi quá. 

Đêm đó tôi nằm mơ thấy …ăn mì Lái Thiêu, một tô mì chỉ ba vắt, nước lèo chan đầy tới miệng tô, trên có mấy miếng tóp mỡ và con tôm chiên lăn bột, còn thêm một tô xí quách ninh nhừ. Ăn mì, hấp dẫn nhứt là đoạn chót, khi hai tay bưng tô ngang mặt và chu mỏ húp từng ngụm nước lèo, nuốt tới đâu nghe tê tái tới đó. Dĩ nhiên ở nhà hàng thì không được rồi vì trông bất lịch sự, nên chỉ húp từng muỗng nhè nhẹ không được gây tiếng động, nhưng ở mấy tiệm mì Lái Thiêu, ấy là sự thường. Có gì hảnh diện cho chủ nhân bằng khách ăn cạn tàu ráo máng, chỉ còn trơ cái đáy tô. Dứt điểm bằng cái khààà nhẹ nhàng, đẩy tô ra, rút khăn giấy lau miệng và vói tay tìm hủ tăm. Một ly trà nóng bốc khói nữa là xong. Chỉ hiềm một điều là họ hay chan thêm một muỗng nước mỡ nên nếu bạn nào kiêng dùng mỡ thì phải dặn trước.

Ăn cơm chưa ?

Nói về thói quen của người Tàu thích ăn cháo, ba tôi có lần giải thích rằng xưa kia bên Tàu, được ăn cơm là cả một diễm phúc, chứ thường là ăn cháo. Người ta lấp liếm là ăn cháo cho nhẹ bụng dễ ngũ, nhưng thực ra do Triều Châu là đất núi, ít có đất canh tác nên ăn cháo thành thói quen, bây giờ dù giàu có người Tiều cũng thích ăn cháo nhứt là ban tối. Tôi cũng thích ăn cháo, nhưng là cháo trắng chứ không phải cháo Tiều. Những lúc sau này, đi nhậu về tôi hay ghé hàng cháo bà Chín gần tua 18, ăn một tô cháo trắng hột vịt muối kèm củ cải mặn xắt nhỏ, dĩa nước tương ớt thật cay. Nghiêng tô vét thìa cháo cuối cùng, hít hà thiệt đã và nghe mồ hôi ra ướt đầm lưng áo. Quán cũng có bán cháo đậu nhưng tôi không khoái .

Ăn cơm, tiếng Quảng gọi là xực phàn, tiếng Tiều gọi là chìa pừng, tiếng Quan thoại gọi là tsớ phán. Thời thơ ấu, tôi có một kỹ niệm đặc biệt liên quan đến hai từ “ăn cơm” này. Thuở ấy các lò chén lò lu đều có một người chuyên trách tiên đoán thời tiết, nhìn mây nghe gió gọi là ông “coi trời”. Không biết tiếng Tàu gọi là gì. Đang giữa trưa nắng mà ông nhìn trời, hô đem vô thì đám đông thợ lò răm rắp tuân lệnh. Hoặc ông nhìn kiến bò, chuồn chuồn bay mà tiên đoán ngày mai mưa thì chắc chắn ngày mai mưa. Dĩ nhiên xác suất đúng phải trên 90% là cái chắc vì mỗi ông “coi trời” là một đài khí tượng thủy văn sống, qua nhiều năm kinh nghiệm mới nhận được sự tin tưởng của chủ lò. 

Tô chén được tạo hình xong, được đặt trên những chiếc sào dài, phơi hàng hàng lớp lớp như những đạo quân sắp ra trận. Một mẻ gốm đâu có ít tiền, là công sức của bao người, đến giai đoạn này chỉ gọi là bán thành phẩm thôi. Nếu đất ướt mà gặp mưa là kể như …toi. Nên ông làm việc rất có trách nhiệm không chút xao nhãng ( Mà dù có lỡ xui xẻo thì cũng không đến nỗi hại nhân mạng như vụ ngập lụt ở Phú Yên, Quảng Ngãi mới đây. Khi tôi phàn nàn sao lại xả đập lúc đang mưa lớn và triều cường thì vợ tôi lại bảo nếu không xả đập lỡ bể…đập thì càng nguy hơn. À há, vậy xả đập là đúng sao? Thực lòng tôi vẫn ấm ức làm sao ấy nhưng thôi, đó là chuyện khác). 

Trở lại chuyện ông “coi trời” của tôi. Tôi cũng chẳng biết ông ở lò nào, chỉ biết hướng cụm lò Quảng Hoà Xương gần sân banh. Ông thường mặc bộ đồ vải nâu hoặc xám, bước đi chậm rãi, hai vai nhấp nhô và vui vẽ cười với đám con nít. Khoảng năm giờ chiều là ông đi ngang nhà, tôi đợi riết thành thói quen chỉ để hỏi lớn một câu ông già ăn cơm chưa? Và được ông cười hềnh hệch hỏi lại ăn cơm chưa. Gương mặt hiền từ phúc hậu, cặp chân mày trắng và cái miệng cười móm mém chỉ còn lại một chiếc răng. Ông đã đi vượt qua khỏi nhà mà tôi còn nhìn theo mãi cho tới khi hình bóng ông khuất sau ngã Năm. Nay chắc ông đã ra người thiên cổ, nhớ về ông như nhớ lại một kỹ niệm đẹp thời thơ ấu, một ông lão người Hoa hiền hậu dễ mến như thế có lẽ nào không phải là một nhân tố tốt trong cộng đồng người Việt chúng ta ?

Tiệm nước

Tiệm nước bán cà phê kho (cà phê bột đặt trong chiếc vợt vải nhúng chìm vào ấm nước sôi trên bếp), khi có khách gọi thì phổ ky chế cà phê từ ấm ra ly xây chừng, đặt trên một chiếc dĩa nhỏ kèm cái muỗng để khách tự múc đường. Lái mía ngồi riêng, dân làm lò chén ngồi riêng, đánh xe ngựa ngồi riêng, dân cá độ đá banh ngồi riêng…và không phải người ta ghiền cà phê mà còn vì ghiền chổ ngồi, ghiền không khí ồn ào, ghiền bạn ngồi chung và ghiền nhất là được tha hồ “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất. Không có cảnh ngồi trầm ngâm bên khói thuốc, tai nghe văng vẵng nhạc Trịnh hay Vũ Thành An, ánh mắt mơ màng nhìn về cõi xa xăm. Vô tiệm nước mà không nói thì chắc là ..bị đứt dây nói rồi. Mời bạn nghe một tay nói phét trong tiệm nước 

Hôm qua tao đi Sài Gòn bằng xe đạp. Bận về trời kéo mây chuyển đen thui. Tao đạp xe hết tốc lực, về tới Lái Thiêu coi lại chỉ ướt bánh sau, bánh trước không ướt!”

Riêng tôi hồi nhỏ khoái được ba dắt ra tiệm nước, húp sữa nước sôi trong chiếc dĩa nhỏ từ ly xây chừng đổ ra thổi cho mau nguội và được ăn bánh nướng nhân đậu xanh, mặt trên bánh có in phẩm màu đỏ ( dân gian gọi là bánh lột da). Nhân tiện nhắc về cá độ đá banh, xin được giải thích thêm về thành ngữ “ bắt cá hai tay”. Theo tôi cá đây không phải là con cá, mà là cá độ. Thường những tay chuyên nghiệp không bao giờ đặt hết tiền vào một cửa, kiểu bỏ hết trứng vào một rổ. Thí dụ trận Manchester United – Fulham. Bắt M.U là phải chấp từ một đến một trái rưởi. Và quăng ngược lại kèo dưới Fulham một ít, đề phòng ngựa về ngược. Nên không bao giờ họ trúng đậm và cũng không bao giờ cháy túi.

Giàn nhạc Tiều

Giàn nhạcTiều (dân gian gọi là giàn Tiều) có đủ bộ trống, phèn la, chập chỏa, kèn, ống tiêu và ống sáo (ống tiêu thổi dọc, còn ống sáo thổi ngang). Bộ sậu gần hai chục người nhạc công mặc đồng phục, sắp hai hàng bước đi rất trật tự. Riêng chiếc trống được khiêng trong kiệu, mái che bằng vải đỏ có viền ngù kim tuyến. 

Ông “Cũ”, tiếng Tiều chỉ ông cậu, là con nuôi của ông ngoại tôi làm ông từ giữ nhà Tiều ( hội quán). Ông hay đội nón nỉ, mặc bộ đồ xá xẩu tay dài, hai ống quần rộng, thắt lưng giải rút. Mỗi lúc có đám tang đi ngang nhà , chúng tôi luôn luôn nghểnh cổ cố tìm cho được Cũ trong đoàn nhạc Tiều và sung sướng được ông vỗ nhẹ đầu, tặng cho cái quạt giấy màu tím. Nay nhân sự khiếm khuyết nhiều quá, lớp trẻ tấn lên thay thế dần nhưng sao tôi thấy không bằng, nói đúng hơn là chơi không có “hồn”. Nghe nhạc Tiều, hay nhứt là khi dứt trống, nhạc trổi lên nghe réo rắt làm sao. Vậy mà bây giờ người ta nỡ nào phụ bạc, đem thay thế bằng mấy đội kèn tây. Tang chế hữu sự là chuyện buồn, mà họ cứ phùng mang trợn mắt thổi mấy bài “Hạ vàng biển xanh”, “ Em ơi có bao nhiêu”, “ Xóm đêm”…Xin mách nhỏ, mấy tay đang thổi kèn sợ nhứt là…trái chanh, bạn nào không tin cứ thử cắt đôi quả chanh, thè lưởi liếm trước mặt họ là biết liền. Đố các bạn ham đọc truyện Tàu : Trương Lương trong trận Cai Hạ thổi ống sáo hay ống tiêu ?

Bánh đúc

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng
(Ca dao)

Chị người Hoa nước da trắng bóc. Bánh đúc bột gạo màu trắng tinh xắt hình thoi, gói lại bằng lá chuối kèm một cái muỗng bằng sống lá giống như gói bắp. Chị ngồi trước tiệm thuốc Bắc thầy Năm Nương, với một chồng bánh đựng trong khuôn nhôm, mặt trên bánh rắc tiêu bột, cải bắc thảo và tôm khô vụn. Tôi là một khách quen, mỗi sáng hay đứng trước chị với năm cắc trong tay, luôn được chị chào đón bằng một nụ cười. Một ngày nọ tôi tìm không thấy chị, đứng ngơ ngác một hồi thì các bà ngồi bán gần đó thấy tội thằng bé quá mới nói chị đi lấy chồng rồi. Tôi buồn và giận chị quá, sao lại đi lấy chồng làm chi, chuyện 50 năm rồi mà vẫn còn buồn, dù ăn bánh đúc ở đâu cũng không bao giờ ngon bằng. Mới hay tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, nhiều kỹ niệm in sâu đậm không bao giờ quên được. 

Bây giờ bánh đúc bột gạo ít thấy bán, chợ Lái Thiêu chỉ còn một nơi bán bánh đúc ở trước nhà bà Tám Ngắn (má anh Quí võ sư) nhưng là bánh đúc nước tro và bánh đúc khoai môn. Hoặc ở chợ Búng bây giờ cũng có chị bán bánh đúc ngồi trước chợ, chỉ bán từ 2 giờ đến 6 giờ chiều. Có lúc tôi thèm quá, lấy xe chạy lên chợ Búng mua hai ngàn, (tiền xăng nhiều hơn tiền mua bánh đúc) nhưng chị không rắc cải bắc thảo, tôm khô vụn mà rắc nấm mèo đen thui ; và bột gạo cho nước hơi nhiều nên không được đặc lắm. Còn ở Lái Thiêu thì có xe bánh đúc chiên hột vịt của ông người Tàu, kế tiệm cà phê Chiến Mập đã hai mươi năm nay. Khi ăn rắc thêm tiêu và xịt vài giọt giấm đỏ. Vật đổi sao dời, chợ lên phố lên lầu nhưng ông ngày ngày vẫn đứng đó, với cái xẻng và chảo gang lên nước bóng đen thui. Không biết sau này ông có con cháu nối nghiệp không ?

Nghệ thuật kinh doanh

Người Hoa trong kinh doanh có một đức tính rất quý. Đó là thái độ tôn trọng khách hàng, không phân biệt đối xử dù khách hàng mua một vật giá trị lớn hay vật rẻ tiền. Ngay khi khách bước vào tiệm là đã được quan tâm chào hỏi, chứ không lỏ mắt nhìn như mấy cô nàng trong cửa hàng mậu dịch. 

Trước kia ở chợ Lái Thiêu có một tiệm tạp phẩm mà chủ nhân là người Hoa, chỉ là một tiệm nhỏ nhưng rất đắt hàng. Một phần nhờ thái độ bán hàng vui vẻ, một phần nhờ giá cả phải chăng. Đang ăn cơm mà có khách ông cũng lẹ làng bỏ đũa ra bán dù khách hàng là một cậu bé như tôi: chỉ cần mua một cây thước, một cây viết chì, một tờ giấy chậm, một ngòi viết lá tre hay một cục gôm. Và ân cần vui vẽ chứ không quát nạt cục cằn vì bị lỡ bữa. Đó là ông chủ bazar Thiên Xương, thân phụ của bạn Liêu Bửu Khương. Ở vào hoàn cảnh đó, nhiều người chỉ liếc mắt nhìn ra và phán : hết rồi hoặc không có,và thản nhiên ngồi ăn tiếp! Cũng một người Hoa giải thích như sau: người ta mua vật mình cần nhưng cũng để ý xem những vật…chưa cần. Và khi cần, người ta sẽ tìm tới nơi mà họ thích. Bữa nay bán được một đồng, hôm khác sẽ bán được trăm đồng!. Chân lý thật là đơn giản.

Hoàng Sa - Trường Sa

Nghĩ về người Hoa, trong ý nghĩ của tôi chia làm hai loại, một dân dã hoà đồng cùng cam cộng khổ với dân Việt qua bao thăng trầm lịch sử, và một của tư tưởng Đại Hán đã ăn sâu vào máu thịt như một phần dân tộc tính của người Trung Quốc. Nội cái danh xưng “Trung Quốc” cũng đủ biết rồi. 

Thực ra Hoàng Sa chỉ mới là phần lãnh thổ nằm dưới quyền cai quản của Trung Quốc sau cuộc chiến năm 1974, nếu so với lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn đã quản lý – khai thác Hoàng Sa từ thế kỷ thứ 17 thì thật là khập khiểng khi đem ra so sánh. 

Trường Sa thì lại còn mới hơn nữa, chỉ từ 1988. So với độ dài lịch sử hàng ngàn năm thì 20 năm chỉ là một cái chớp mắt. Qua vụ tranh chấp này thì người ta thấy Liên Hiệp Quốc nhiều khi chỉ là một tổ chức hàn lâm không có thực quyền và bất lực, và dù thế giới văn minh đã bước qua thế kỷ 21 nhưng có lúc có nơi sức mạnh vẫn thể hiện cái quyền áp đặt của nó bất chấp các quy tắc, quy ước về đạo lý. Ngay cả cách giải quyết vùng chồng lấn giữa các hải phận, nếu có thiện chí ngồi lại thương lượng thì tôi tin cũng có thể có giải pháp thỏa đáng cho cả hai (hoặc ba) bên. Vũ lực chỉ là biện pháp tạm thời không căn cơ, tạo ra những hệ lụy lâu dài có hại hơn là có lợi. Biển Đông giờ như tấm chăn nhiều người cùng giành đắp, kéo cho ấm người này thì hở lạnh người kia.

Tôi đọc báo, cứ mỗi lần thấy Trung Quốc củng cố pháp lý cho Hoàng Sa Trường Sa là lòng quặn thắt, lo cho con cháu sau này chồng chất khó khăn để thu hồi chủ quyền đất đai tổ tiên. Nhìn ngược lại lịch sử không biết chúng có thông cảm hay oán trách cha ông chúng không ? Nhớ lại thông lệ quốc tế, khi hải hành qua vùng nước của quốc gia nào thì tàu bè giương lên lá cờ nước của quốc gia đó, như một nghi thức ngoại giao. Trên bản đồ hàng hải quốc tế và dự báo thời tiết khu vực biển Đông trước kia, luôn ghi chú vùng trời, vùng biển là của Việt Nam; cũng như không bao giờ thấy tàu bè quốc tế kéo cờ Trung Quốc cả. Như thế cũng thừa hiểu rồi.

Danh nhân văn hoá:

Sách văn học nước ngoài, tôi mê nhất hai quyển, trong đó một là Sử Ký của Tư Mã Thiên và quyển kia là Bố Già của Mario Puzzo. Đọc hai truyện trên, tôi thấy gần gụi cảm thông với Hạng Võ hơn Lưu Bang, gần Sonny hơn Michael. Biết bao lần đọc đến đoạn mô tả cái chết của Hạng Võ và Sonny, lần nào tôi cũng thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ xem có thể có cách xử lý khác không, kết quả là tôi …hoàn toàn chọn cách xử lý y như vậy. Dĩ nhiên họ không phải là danh nhân văn hoá nên không được nhắc đến ở đây.

Mạc Thiên Tích

Trước tiên xin kể về Mạc Cửu người có công khai phá đất Hà Tiên (Phương Thành) hồi cuối thế kỷ 17. Ông gốc người Lôi Châu Quảng Đông, năm 1671 rời quê hương xuôi Nam theo đường biển, ghé nhiều nơi như Philippine, Indonesia trước khi dừng chân tại Chân Lạp. Sau khi được vua Miên phong chức Ốc Nha (Oknha)**, ông đến khai khẩn vùng Hà Tiên biến nơi đây thành chốn đô hội sầm uất. Thời kỳ này Chân Lạp đang suy yếu nên bỏ mặc cho quân Xiêm cướp phá Hà Tiên. 

Năm 1708 Mạc Cửu theo về Chúa Nguyễn, được phong Tổng Binh Hà Tiên trấn. Từ đó đất này thuộc nước Việt Nam. Năm 1718 quân Xiêm cướp phá Hà Tiên lần thứ nhì. Trong cuộc chạy loạn này, Mạc phu nhân hạ sanh Mạc Thiên Tích (còn gọi Mạc Thiên Tứ). Năm 1735 Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích thay cha làm Tổng Binh Đại Đô Đốc.

Nếu gọi Mạc Cửu là người có công khai phá thì Mạc Thiên Tích chính là người đã biến Hà Tiên và cả vùng đất xung quanh thành một nơi trù phú, phồn vinh nhất vùng vịnh Xiêm La lúc bấy giờ. Cả vùng đất Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long trở thành đất của nhà Nguyễn cũng một phần nhờ công ngoại giao của Mạc Thiên Tích. Thời kỳ này xuất hiện Tao Ðàn Chiêu Anh Các, do Mạc Thiên Tích làm nguyên soái gồm nhiều vị tao nhân mặc khách Hoa, Việt, xướng hoạ thơ văn mà điển hình là tập Hà Tiên Thập Vịnh nổi tiếng của Mạc Thiên Tích còn lưu truyền đến nay, hay Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh đã thất truyền, chỉ còn chín bài in trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Minh Bột Di Ngư gồm một số bài phú và thơ Đường luật do Trịnh Hoài Đức sưu tầm cho khắc in. Chiêu Anh Các là điểm sáng văn chương hiếm hoi của vùng đất mới khai phá, được nhiều văn nhân thi sĩ đương thời như Nguyễn Cư Trinh, Lê Quý Đôn ngưỡng mộ.

Cuộc cướp phá lần thứ ba của quân Xiêm năm 1771 đã biến Hà Tiên thành chiến địa hoang tàn. Sau này dù nhiều lần được cố gắng phục hồi nhưng không bao giờ Hà Tiên trở lại thời hoàng kim như trước. Họ Mạc cũng rơi vào thời kỳ suy sụp. Năm 1778, khi Định Vương bị Tây Sơn bắt giết, Mạc Thiên Tích cùng gia quyến, thuộc hạ lánh sang Băng Cốc. Hai năm sau, bị vua Xiêm ngờ vực làm nội ứng cho chúa Nguyễn Ánh, Mạc Thiên Tích tự vận.

Họ Mạc là dòng dõi người Trung Quốc nhưng đã có công lớn mở cõi, giúp dân Việt tiết kiệm xương máu trong cuộc Nam tiến. Ngày 7 tháng 9 năm 2008 tại thị xã Hà Tiên đã diễn ra lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu và kỷ niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên ( 1708 – 2008). Mộ phần gia tộc họ Mạc trên núi Bình San ngay cạnh thị trấn nhìn ra vịnh Thái Lan nay đã được trùng tu khang trang, ngày ngày khói hương không dứt.

** Chức Ốc Nha không phải là một chức sắc chính quyền như nhiều người lầm tưởng. Chức này phải mua bằng tiền, để khẳng định sự giàu sang thế lực. Các Ốc Nha thường là người bỏ tiền xây dựng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương, bù lại họ được hưởng nhiều biệt đãi của chính quyền. Ở Việt Nam xưa có chức Bá Hộ (cửu phẩm) gần giống nhưng thế lực không bằng Ốc Nha. Hiện chức này cũng còn tồn tại ở Campuchia.

Khuất Nguyên

Khuất Nguyên ( 340 – 278 TCN ) dòng dõi hoàng tộc nước Sở, làm quan chức Tả Đô đời Sở Hoài Vương, học rộng biết nhiều, có tài về văn chương và ứng đối nên được giao phó nhiều việc quan trọng như soạn thảo luật lệ, pháp lệnh, tiếp đón sứ thần các nước. Vì được nhà vua tin yêu nên bị bọn gian thần xu nịnh ghen ghét tìm cách nói xấu (có ông vua nào mà không đa nghi!). Cuối cùng ông bị phế truất, chỉ làm một sứ thần bôn ba các nước, không được gần vua nữa. Nước Sở cũng đi dần vào thế suy vong : gian thần lộng hành, mất đất, bại trận, kinh đô thất thủ, vua bị cầm tù, cuối cùng chết trên đất người. Vua mới lên thay lại nghe lời gièm pha, đày ông đi Giang Nam ( Hồ Nam ngày nay) vĩnh viễn không cho về kinh đô. Năm 278 trước CN, nước Sở bị Tần quốc thôn tính, Khuất Nguyên đau buồn ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà chết.

Mỗi lần đọc Sử Ký của Tư Mã Thiên, đặt sách xuống lần nào tôi cũng bần thần nghĩ ngợi, thương cảm cho tấm lòng trung quân ái quốc của Khuất Nguyên không gặp được cảnh vua sáng tôi hiền. Giận thay bè lũ xu nịnh, thượng đội hạ đạp thời nào cũng có. Kẻ có tài dùng năng lực để tiến bước trên đường danh lợi, kẻ bất tài dùng xảo ngôn lộng ngữ cũng tiến bước trên đường danh lợi. Thôi thì ôm đá gieo mình xuống sông để bảo toàn thanh danh, không để vật ô trọc làm hoen ố tấm thân gột sạch bụi trần. Mùng 5 tháng 5, ăn chè xôi nước (thực ra là trôi nước) lại nghĩ ngợi lan man đến Tam Lư Ðại Phu, người đã khuất hơn hai ngàn năm trước. Nỗi oan khiên nặng nghìn cân mang xuống tuyền đài, để lại cho đời tuyệt tác “ Ly Tao” bất hủ.

Hai trăm năm sau khi ông mất, nhà làm sử đời Hán là Tư Mã Thiên viết về ông như sau: “…Tôi đọc Ly tao, Thiên vấn, Chiêu hồn, Ai sinh thương chí ông. Tôi sang Trường Sa xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình không lần nào là không khóc. Khi thấy Giả sinh viếng ông, tôi lấy làm lạ về chỗ tài giỏi như Khuất Nguyên nếu đi sang chư hầu thì nước nào mà chẳng dùng, tại sao lại làm khổ mình như thế? Đến khi đọc bài phú Phục Điểu thấy nói đến việc coi sống chết như nhau, coi thường việc đi hay ở, bấy giờ lòng luống bâng khuâng tự biết là lầm!”.

Tôi ước có ngày được đặt chân trên bến Mịch La, thả cho ông một vòng hoa cỏ đồng nội để tỏ tấc lòng đồng cảm của kẻ hậu sinh. Cũng như tôi ước được đến Hoàng Hạc Lâu nhìn sương khói lúc trời chiều, ước một lần xem thủy triều lên ở cửa Tiền Đường, ước đến viếng mộ Nhạc Phi và quất cho vợ chồng Tần Cối ( bằng đá) mấy roi cho hả giận. Tôi ước…nhiều lắm nhưng tất cả ao ước chỉ là ao ước, mà quỹ thời gian đời người là có hạn, không biết rồi có thoả được tâm nguyện hay không. 

Tiệm thuốc Bắc

Nhà quê thấy cứt dê, kêu ( bảo) thuốc tể!
(Đồng dao)

Quả là giống thuốc tể thật, cũng vón cục tròn tròn, đen bóng và khô chứ không nhảo nhẹt như phân trâu bò. Nhưng nhà quê ai mà không biết, sao lại nói nhà quê thấy cứt dê nói …thuốc tể ? Phải nói là dân chợ mới đúng. Thuốc tể dạng “hoàn tán”, ngoài có bọc vỏ bằng sáp chống ẩm mốc, là thứ mà tôi hãi hùng nhứt (thời còn nhỏ), thường phải có cây roi mây bên cạnh mới tiêu hoá được. Nhưng lại khoái moi cục xí muội trong thang thuốc gói bằng giấy báo ra ăn trước. Đặc điểm của các tiệm thuốc Bắc là có mùi đặc trưng riêng của cây cỏ phơi khô, tiếng lụp cụp leng keng của thuyền tán dao cầu. Các hộc đựng thuốc xếp đầy kín vách tường, trên mặt quầy là một chiếc gối nhỏ kê tay bắt mạch, mấy chai thuốc bóp trặc và rượu thuốc trị nhức mỏi, không nhức mỏi cũng uống được. 

Chợ Lái Thiêu có nhiều tiệm thuốc Bắc, như Vĩnh Sanh Đường (người ta quen gọi là tiệm con trâu, nhưng thực ra đó là con tê giác), Tăng Thọ Đường (thân phụ bạn Phạm Diên Hy khóa 12), Nhựt Nguyệt Tinh (gần cầu đúc), Vạn Đức Đường (thầy Hoành, lúc sinh tiền thường được ba tôi chọn làm người xông đất đầu năm cho nhà tôi), tiệm thầy Năm Nương hiện do hai người con gái nối nghiệp, và nhất là tiệm thuốc Bắc của Thầy Bảy Tri hầu như ai cũng biết. Đi xe đò, cứ nói cho tôi xuống trạm thầy Bảy Tri là lơ xe biết liền. Nay có tới hai tiệm thuốc Thầy Bảy Tri, đều là hai người con của thầy (giống bánh bèo bì Mỹ Liên). Hồi nhỏ khi bắt được con cà cuống là bọn tôi chạy ù xuống chợ bán cho tiệm thuốc, vui lắm; giờ bọn trẻ chưa chắc biết hình dạng nó ra sao.

Tiết Nguyên Đán – con cù - Từ Hán Việt

Con lân ở Lái Thiêu và Thị Xã người lớn trẻ con gọi là con cù, vì kiêng húy ông Hội Đồng Lân, giờ mả ông hãy còn (xem bài của Hoàng Anh). Xem cộ Bà, các bạn để ý quan sát sẽ thấy luôn luôn đoàn lân được xếp đi sau đoàn hẩu ; hoặc khi đi múa chúc lộc đầu xuân, tình cờ gặp nhau là thường thường đoàn lân chào trước và chủ động nhường đường. Là bởi vì con hẩu là vật cưởi của Văn Thù Bồ Tát (giống như tài xế) trong khi con lân chỉ là vật gác cổng (giống như bảo vệ) nên con lân cấp thấp hơn là phải rồi (!).

Có lúc người ta phát động phong trào bài Hoa, bài luôn cả ngôn ngữ có nguồn gốc Hán Việt; gọi là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng ngôn ngữ nói thì có thể thay thế được chứ trong ngôn ngữ viết mà thay thì nhiều khi nó gượng gạo làm sao ấy. Một thí dụ, ngày nay kinh tế khá khấm, mấy bà U50, U60 hay quan tâm “tút” lại vòng một, vòng hai và vòng ba; tương ứng với nâng ngực, hút mở bụng và may thẩm mỹ tầng sinh môn. Nếu bạn nào không thích dùng từ Hán Việt xin hãy thử thay thế bằng từ thuần Việt xem nào! Như vậy có nghĩa là từ Hán Việt cũng là một vốn quý trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt chớ bộ.

Tục lệ ăn mừng năm mới theo lịch âm, cũng là do ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa từ hàng ngàn năm trước, chứ các nước quanh ta như Thái Lan, Miến điện, Campuchia, Lào…ăn Tết theo mùa vụ nông nghiệp, theo tiết trời mưa nắng ( lễ té nước, lễ mừng lúa mới…) chứ không theo lịch phương Bắc như ta. Nhất là ở miền Nam làm gì có mùa xuân ? 

Ba ngày Tết, xin các bạn một lần nghĩ về những người lính đảo Trường Sa, những người đã hy sinh rất nhiều nơi đầu sóng ngọn gió để chúng ta hưởng yên ấm bên gia đình. Đất nước còn nghèo, chắc chắn họ phải chịu thiếu thốn nhiều thứ để giữ vững mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. Dù ở đâu, tất cả chúng ta đều là con dân nước Việt, chung một giòng máu từ thời Văn Lang truyền lại. Riêng tôi xin khẳng định tôi là người Việt Nam, con cháu giòng giống Lạc Hồng và Thăng Long là đất Tổ.

Lưu Thanh Bình


(01 – 2010)

No comments:

Blog Archive