Học giả Mỹ kêu gọi các trường đại học nên đi tiên phong trong việc phơi bày sự thật về bá quyền Bắc Kinh
Phó giáo sư chính trị học Rory Truex, đại học Princeton (ảnh: Youtube).
Trong một bài viết gần đây trên The Atlantic, ông Rory Truex, Phó giáo sư chính trị học tại đại học Princeton, chỉ ra rằng Mỹ và các nước phương Tây đang phải đối mặt với các hành vi cản trở tự do ngôn luận của Bắc Kinh diễn ra ngay trên đất nước mình. Ông kêu gọi các trường đại học Tây phương cần đi đầu trong hợp tác để loại bỏ mối nguy hiểm bá quyền Trung Quốc.
Theo ông Truex, mỗi năm, quân đội Hoa Kỳ thường tiến hành khoảng 5 lần hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPs) để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực biển giàu tài nguyên này. Các tàu Hải quân Mỹ được lệnh đi qua các vùng biển mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố thuộc về họ. Đây là cách Hoa Kỳ thể hiện quan điểm rằng các vùng biển đó là tài sản chung của nhân loại, và việc Bắc Kinh khẳng định quyền sở hữu đối với nó là đi ngược với luật pháp quốc tế.
Học giả của đại học Princeton đánh giá: Người Mỹ cũng đang chứng kiến một sự xâm lấn tương tự trên lãnh thổ của chính họ, và nó không kém phần nguy hiểm so với những gì các nước xung quanh Biển Đông đang đối mặt, đó là hoạt động gây ảnh hưởng tới tư duy chính trị và xã hội (FOSOPs) của người dân xứ cờ hoa. Ông cho biết thêm rằng, thông qua kinh tế và các biện pháp gây sức ép khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng ngăn cản người dân Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây còn lại nói sự thật về những gì diễn ra ở Trung Quốc.
Theo Phó giáo sư Truex, cần có biện pháp để đối phó với sự xâm lấn kiểu FOSOPs, và các trường đại học ở Mỹ nên là lực lượng tiên phong thực hiện việc này. Họ nên thường xuyên tổ chức các sự kiện thảo luận về tình hình Đài Loan, về các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các chủ đề làm lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc sợ hãi. Những sự kiện này có thể được tổ chức bởi sinh viên, giảng viên hoặc trung tâm nghiên cứu mà không cần phải trông đợi những người làm quản trị nhà trường khởi xướng.
Vào tháng trước, Bắc Kinh đã trả đũa Hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ, NBA, sau khi chủ tịch câu lạc bộ bóng rổ Houston Rockets bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình Hồng Kông. Các trận đấu và vật dụng gắn biểu tượng của đội bóng này đã bị cấm xuất hiện ở Trung Quốc, khiến câu lạc bộ bóng rổ của Mỹ phải chịu thiệt hại ước tính khoảng từ 10 tới 25 triệu USD.
Chuyên gia chính trị học của Mỹ cho rằng, đây là cách “trả thù” thường thấy ở Bắc Kinh đối với các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc nhưng vẫn ủng hộ các giá trị dân chủ tự do, hoặc làm ảnh hưởng tới quyền lợi của lực lượng cầm quyền ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Các nạn nhân tương tự Rockets có thể kể tới công ty Gap, Nhà xuất bản của đại học Cambridge, ba hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, công ty Marriott và Mercedes-Benz. Danh sách này có thể sẽ còn dài thêm. Gần đây, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã cắt phát sóng trận đấu của Arsenal vì một ngôi sao của đội bóng này là Mesut Ozil chỉ trích Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chính phủ Trung Quốc thường xuyên sử dụng các chiến thuật “lấy thịt đè người” để gây ảnh hưởng, bao gồm việc đe dọa hoặc mua chuộc để các trường đại học không mời các diễn giả có thể bóc trần sự thật về họ. Những gì diễn ra ở Đại học California là một ví dụ, vào năm 2017, Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn cản bài nói chuyện của Đạt Lai Lạt Ma tại đại học này, ông Truex nêu dẫn chứng.
Ông Truex cho biết thêm, có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang huy động các nhóm sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài để phản đối hoặc phá hoại các sự kiện sinh hoạt học thuật có thể làm mất mặt họ trên trường quốc tế. Các nhóm này có mặt tại hơn 150 trường đại học và nhận được hỗ trợ tài chính từ đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Như Bethany Allen-Ebrahimian đã báo cáo năm ngoái trên Foreign Policy, đại sứ quán Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên các hoạt động học thuật tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ.
Ông Truex cho rằng, mục tiêu của các hoạt động tự do ngôn luận, thể hiện qua các sinh hoạt học thuật, là tạo ra sự an toàn cho tất cả các trường đại học. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn các trường im lặng khi chính quyền Trung Quốc tấn công đại học California, điều này không khác gì “mời” Bắc Kinh tiếp tục duy trì chiến lược gây sức ép với tất cả các trường còn lại. Để đối phó với Bắc Kinh, ông Truex đề xuất, thay vì giữ im lặng để chính quyền Trung Quốc tự tung tự tác, các trường hãy thay nhau tổ chức các sự kiện thảo luận về Tây Tạng, hoặc mời Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, thì mọi chuyện chắc chắn sẽ khác, sự phối hợp giữa các trường chính là chìa khóa để giải tỏa sức ép từ Bắc Kinh. Tất cả các trường cần nhìn nhận rằng, một trường nào đó bị Bắc Kinh “bắt nạt” thì cũng chính là đang động tới các trường còn lại, ông Truex đưa ra lời khuyên.
Phó giáo sư Truex cho hay, tại Princeton, nơi ông đang giảng dạy, đã tổ chức được ba sinh hoạt học thuật bàn về các vấn đề nổi cộm ở Trung Quốc trong những tuần gần đây. Buổi thảo luận thứ nhất những người tham gia đã trao đổi về vấn đề đàn áp nhân quyền ở Tân Cương, buổi thứ hai thảo luận về vấn đề Hồng Kông và hội thảo thứ ba tiếp tục bàn về câu chuyện người Duy Ngô Nhĩ bị đối xử tàn nhẫn ở Tân Cương. Ông Truex cho biết, các hội thảo được tổ chức độc lập, không có sự can thiệp của ban quản trị trường học.
Theo phó giáo sư Truex, điều quan trọng là trong khi tất cả nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận về Trung Quốc tại các trường đại học ở phương Tây, thì vô hình chung, cũng đã bảo vệ nhân quyền và sự tự do cho du học sinh tới từ Trung Quốc. Làn sóng chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ đang ở đỉnh điểm, ông Truex cho biết, ông nghe thấy ngày càng nhiều câu chuyện về sự phân biệt đối xử và những lời nói nặng nề nhắm vào các sinh viên và đồng nghiệp Trung Quốc. Vì thế theo vị phó giáo sư của Princeton, các hoạt động tự do ngôn luận nên được xây dựng để khuyến khích đối thoại và thúc đẩy các chuẩn mực về các quyền công dân cơ bản, không làm tổn thương sinh viên Trung Quốc hoặc đất nước của họ. Thực hiện đúng như vậy có thể bảo vệ lãnh thổ trí tuệ của người Mỹ và chứng minh giá trị của một không gian mở như xã hội Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment