Saturday, January 4, 2020

Di dân: Chuyện nhức đầu của nhiều đời tổng thống Mỹ.

Năm 1980, trước khi chính thức nhận lời làm phó cho ứng cử viên Ronald Reagan thì ứng cử viên George H. W. Bush (Bush cha) đã là từng một đối thủ cạnh tranh với Reagan nhằm giành cho được sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử.

Đây có lẽ là một trong những thước phim hiếm hoi còn sót lại, hiện vẫn được lưu giữ trên Youtube. Trong một buổi tranh luận (debate), một khán giả trẻ tuổi đã cầm microphone và nêu lên một câu hỏi nhức nhối cho 2 vị ứng cử viên tổng thống, được truyền hình trực tiếp và phát trên TV toàn quốc. 

Người đặt ra câu hỏi tên là David Grossberg và câu hỏi của anh ta, cho đến trước kỳ bầu cử năm 2016, gần như luôn bị lãng tránh hoặc trả lời một cách chung chung bởi mọi ứng cử viên cho chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, ngoài Donald J. Trump, là người đã thẳng thừng đề cập tới và quyết liệt giải quyết tận gốc rễ, dù phải bị truyền thông cánh tả dựng chuyện bôi xấu..

Câu hỏi của David Grassberg dành cho 2 ông Reagan và Bush là:

"Quý ông có nghĩ rằng con cái của những ngoại nhân bất hợp pháp có nên được phép đi học tại các trường học công cộng ở Texas hay không? Hay quý ông cho rằng cha mẹ của các em đó phải trả tiền cho việc ấy?"

Dĩ nhiên, cả ông Reagan và ông Bush đều có cách trả lời rất khôn khéo để tránh phải đề cập tới các vấn đề nhạy cảm này. nhưng tựu chung thì họ cũng đã đồng ý rằng, vấn đề cần phải được giải quyết và quan trọng hơn hết là giải quyết ở phần gốc rễ mà Mexico là đối tượng chính. Thậm chí, Ronald Reagan còn cho rằng tỉ lệ thất nghiệp tới 50% của Mexico là nguyên nhân của vấn đề. (1)

Vậy là cũng đã đủ để gợi nhớ rằng, chuyện di dân bất hợp pháp và gánh nặng phải giải quyết công việc làm dùm cho người hàng xóm Mexico, đã là một việc gây bất bình cho dân Mỹ và là khúc gân gà khó nuốt của nhiều đời tổng thống.

VỊ "TỔNG TƯ LỆNH TRỤC XUẤT" CỦA HOA KỲ.

Image may contain: 4 people, text
Chức vụ tổng thống Hoa Kỳ còn thường được biết và đề cập đến bằng một chức danh khác, đó là danh xưng TỔNG TƯ LỆNH (Commander-in-Chief). Nhưng có lẽ người duy nhất được truyền thông và dân chúng Hoa Kỳ gán cho một cái biệt danh đầy mỉa mai khi viết kèm với chức Tổng Tư Lệnh là cựu tổng thống Barrack Obama. Ông này chính thức được truyền thông (dĩ nhiên là cánh tả) đặt cho một cái biệt danh là TỔNG TƯ LỆNH TRỤC XUẤT (Deporter-in-Chief) nhờ vào thành tích trục xuất di dân lậu vô tiền khoán hậu của ông ta, mặc kệ những thường hợp thương tâm. Chính sách trục xuất vô nhân đạo của tổng thống Obama đã là nguyên nhân của những cuộc biểu tình chống đối rầm rộ từ những cộng đồng thiểu số da màu.

Đỉnh điểm của làn sóng phẫn nộ là việc chính quyền của Obama đã trục xuất bà Maria Sanchez (2), một góa phụ 63 tuổi có 3 đứa cháu nhỏ kêu bằng bà và là một thường trú nhân ở quận hạt Somona, tiểu bang California. Bà Sanchez đã sống ở Mỹ hơn 40 năm và bị chính quyền Obama trục xuất vì tội trồng 4 cây cần sa, một tội mà bà đã phạm phải vào năm 1998 và bị tuyên án 4 tháng tù tại gia, 3 năm quản chế và tiền phạt. Bà đã trả giá xong cho cái tội của mình từ nhiều năm trước đó.

May mắn cho bà Sanchez, nhờ vào sự trợ giúp của luật sư Rose Cahn thuộc Hội Đồng Luật Sư vì Nhân Quyền ở San Francisco cùng với các thỏa thuận đàng sau hậu trường với công tố viên, bà Sanchez đã thoát được án lệnh trục xuất.

Nhưng không phải ai cũng đều may mắn như bà Sanchez dưới triều đại của vị TỔNG TƯ LỆNH TRỤC XUẤT Barrack Obama.

Sự "tàn nhẫn" của TT Barrack Obama không chỉ được nhìn thấy qua câu chuyện của bà Sanchez ở California không mà thôi. Những câu chuyện tương tự có thể dễ dàng tìm thấy ở Arizona, New Mexico và Texas, những tiểu bang mà người dân Mexico chỉ cần leo qua một cái hàng rào là có thể đường hoàng sinh sống ở Mỹ và làm giàu một cách kín đáo, nhờ vào các chương trình trợ giúp nhân đạo của Mỹ.

Rony Molina là một người sinh ra tại Guatemala nhưng sống ở Mỹ từ năm 12 tuổi và là một công dân Hoa Kỳ. Cả 3 đứa con của anh, con gái 19 tuổi với người vợ trước và 2 đứa con trai có với chị Sandra Leticia Payes Chacon cũng đều được sinh ra tại Mỹ và có quốc tich Mỹ. Mặc dù là mẹ và là vợ của các công dân Hoa Kỳ, nhưng chị Sandra vẫn không thể thoát khỏi bàn tay săn lùng của triều đại Obama. Một buổi sáng, các nhân viên công lực với lệnh trục xuất trong tay đã gõ cửa gia đình Molina và đưa chị này về trung tâm tạm giữ chờ trục xuất của Bộ Di Trú rồi bị trả về Guatemala. Khi bị trục xuất, 2 đứa con trai mà chị có với Rony Molina, Alexis và Steve, chỉ mới được 11 và 12 tuổi (3).

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm của 2012, đã có 45 ngàn bậc cha mẹ bị trục xuất như chị Sandra, với ít nhất là 5,100 trẻ con mang quốc tịch Hoa Kỳ bơ vơ, phải được giao cho người khác nuôi dưỡng.

Di sản của vị TỔNG TƯ LỆNH TRỤC XUẤT còn rất nhiều, không thể liệt kê hết trong một bài viết, dù dài hay ngắn.

Người ta cũng có thể nghe lại lời phát biểu của Thượng Nghị Sĩ trẻ tuổi thuộc tiểu bang Illinois, Barrack Obama, trước khi ra tranh cử và giành được chức vị Tổng tư Lệnh Trục Xuất Hoa Kỳ.

"Những kẻ vượt biên giới bất hợp pháp và những người thuê mướn họ làm việc KHÔNG HỀ TÔN TRỌNG PHÁP LUẬT. Và bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại mà biên giới đang bị thách thức bởi bọn khủng bố, chúng ta không thể cho phép người ta đổ vào Hoa Kỳ mà KHÔNG BỊ PHÁT HIỆN, KHÔNG CÓ GIẤY TỜ VÀ KHÔNG THỂ KIỂM TRA." (TNS Barrack Obama, 2006) (4)

Theo những con số thống kê từ các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ, được đưa ra bởi chính những tờ báo thiên tả nhất, thì việc trục xuất di dân lậu và chia cắt các gia đình của TT Trump chưa là gì cả so với sự mạnh tay của Tổng Tư Lệnh Trục Xuất Barrack Obama.

Từ năm 2009 cho đến 2011, con số trung bình bị ngài Tổng Tư Lệnh Trục Xuất tổng cổ khỏi nước Mỹ là 385 ngàn người mỗi năm và lên đến 409,849 người trong năm 2012. Con số này giảm bớt xuống còn dưới 250,000 vào năm 2015 và 2016.

Vào nhiệm kỳ của Trump, con số này là 226,110 trong năm 2017 và vượt quá 250,000 trong năm 2018 để rồi qua năm 2019, tính đến tháng 6, là 282,242 người - vẫn chưa tới 3/4 so với năm 2012, thời kỳ rực rỡ nhất của Tổng Tư Lệnh Trục Xuất Barrack Obama. (5)

Hầu hết những người di dân lậu đến Hoa Kỳ đều xuất phát từ sự điều hành yếu kém và hủ hóa của quốc gia mà họ sinh trưởng. Theo một nghiên cứu của hãng truyền thông PBS dựa vào thông số của Cục Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ hồi năm 2015, có khoảng 43 triệu di dân ở Mỹ trong tổng số 321 triệu dân. Trong số này, di dân bất hợp pháp chiếm khoảng 11 triệu người.

Lượng di dân lậu đến Mỹ giảm bớt vào thời kỳ khó khăn kinh tế 2008 vì nhiều người chọn quay trở lại nguyên quán của họ và khó khăn kinh tế đã trực tiếp làm giảm bớt lượng di dân đến Mỹ. Rõ ràng, những người tìm đến đây không phải là những người bị đàn áp về chính trị.

Chính sách trực diện giải quyết, không né tránh của TT Trump đã giúp giảm bớt 36% số vụ vượt biên giới vào Mỹ, theo báo cáo của Cục Quan Thuế và Biên Giới, được công bố vào tháng 2 năm 2017.

Khác với cách tuyên truyền dối trá của một vài thành phần văn nghệ sĩ gốc Việt, thừa gian manh nhưng lại thiếu hiểu biết, làn sóng di dân bất hợp pháp đã là một gánh nặng quá tải cho hệ thống An Sinh Xã Hội của Hoa Kỳ từ vài chục năm nay và là nỗi uất ức của người Mỹ, cả công dân lẫn thường trú nhân làm ăn chân chính.

Càng ít người hơn nữa biết được rằng, tổng số lượng người bị trục xuất ra khỏi đất Mỹ, ngay tại biên giới hoặc đã trốn được vào biên giới, đều thấp dần theo mỗi nhiệm kỳ tổng thống vừa qua. Nói cách khác, ông Trump trục xuất ít hơn ông Obama, ông Obama trục xuất ít hơn ông Bush (con) và ông Bush thì không sánh nổi với ông Clinton. (6)

Nhưng chỉ có ông Obama là người duy nhất nắm được danh hiệu Tống Tư Lệnh Trục Xuất, một phần nhờ vào sự đạo đức giả, nói một đàng nhưng làm một ngã của ông ta kèm theo những con số thống kê biết nói.

Hãy mở Google ra và đánh vào hàng chữ "Deporter-in-Chief", bạn sẽ thấy rõ hơn những điều tôi vừa viết.
Image may contain: 5 people, people standing




No comments:

Blog Archive