Wednesday, May 1, 2019

Úc: Cảnh báo hình thức lừa đảo mới qua Australia Post

Mới đây, Australia Post vừa kêu gọi khách hàng cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo lấy cắp thông tin thẻ tín dụng hết sức tinh vi.
Vẫn dùng chiêu “bình mới rượu cũ”, nhóm đối tượng lừa đảo này sẽ gửi một email đến “con mồi” để báo cho họ biết mình có bưu kiện đang lưu kho. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân trả khoản phí 1.81 đô la để nhận hàng, rồi nhanh chóng chuyển hướng trình duyệt của họ sang trang web Post Bill Pay giả – nơi phục vụ cho hành vi lừa đảo trắng trợn.
Tại đây, chúng giả vờ tạo ra một mã số theo dõi đơn hàng và nhấn mạnh rằng bưu kiện sẽ bị hoàn về tay người gửi nếu nạn nhân không thanh toán phí vận chuyển 1.81 đô la trong vòng 48 giờ.
Trang web giả mạo với giao diện y hệt “chính chủ”.
Đến bước này, những “con mồi” nhẹ dạ sẽ cuống quýt nhập tên đầy đủ, số thẻ tín dụng và ngày hết hạn rồi gửi đi. Thế là những thông tin ấy đã lọt vào tay bọn tội phạm công nghệ.
Băng nhóm tội phạm này sẵn sàng bắt chước trang web Post Bill Pay của Australia Post để khiến nạn nhân mất cảnh giác, nhanh chóng giao hết thông tin quan trọng cho chúng.
“Nếu bạn nghi ngờ mình đã vô tình cung cấp thông tin cá nhân cho trang web giả mạo này, vui lòng thông báo với ngân hàng ngay lập tức. Động thái này sẽ giúp ngân hàng theo dõi hoạt động đáng ngờ trong tài khoản của bạn, đồng thời đề xuất phương hướng giải quyết tiếp theo,” Australia Post cho biết.
“Chúng tôi không bao giờ yêu cầu khách hàng nhấp vào một liên kết nào đó để in biên lai/ dán mã vận đơn/ theo dõi đơn hàng hoặc xem tình trạng hàng hóa. Australia Post cũng không đề nghị bạn gửi email có chứa bất kỳ thông tin nào liên quan đến đời tư hay tài chính như: tất cả các loại giấy tờ tùy thân, mật khẩu, chi tiết trên thẻ tín dụng và dữ liệu tài khoản.”
Một trường hợp lợi dụng Australia Post để lừa đảo khác.
Tập đoàn bưu chính trên khuyến cáo khách hàng nên thận trọng xem xét các cuộc gọi và email. Nếu cảm thấy chúng có thễ xuất phát từ bọn lừa đảo, hãy thẳng thừng cúp máy hoặc xóa tin nhắn và liên lạc trực tiếp với họ để làm rõ.
LÀM SAO ĐỂ TRÁNH “LỌT LƯỚI” BỌN TỘI PHẠM?
  • Đừng bấm vào xem các email gửi đến hộp thư mà không nêu đích danh tên bạn, viết bằng thứ tiếng Anh bập bẹ hay thông tin người gửi quá mơ hồ. Thông thường, email sẽ kèm theo các chi tiết về tổ chức hoặc cá nhân người gửi để bạn dễ xác minh. Nếu có nghi vấn, bạn nên liên lạc với đơn vị gửi thư được đề cập trong mail để kiểm tra.
Email gửi đến các nạn nhân trong vụ lừa đảo Netflix.
  • Khi đã nhấp vào liên kết và được chuyển hướng đến trang đăng nhập, hãy dành thời gian xem xét trang web thật kỹ, từ địa chỉ, giao diện cho đến thông tin mà bạn sắp phải cung cấp.
  • Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho ScamWatch.

CẢNH BÁO CÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO KHÁC

Lừa đảo bằng email của Netflix: Một email giả danh Netflix được gửi đến nạn nhân để thông báo tài khoản của họ đã bị tạm khóa vì gặp trục trặc trong lúc thanh toán. Sau khi đã “cắn câu”, nạn nhân sẽ phải làm theo những gì chúng hướng dẫn và dâng hết thông tin lên.
Lừa đảo bằng email từ Văn phòng thuế Úc (ATO): Bọn tội phạm tự xưng là ATO và gửi mail đến người dân vì vấn đề tư mật, sau đó yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân qua một trang web lừa đảo.
Lừa đảo qua mạng điện thoại Telstra: Một người đàn ông đã bị sốc nặng khi nhận hóa đơn điện thoại lên đến hơn 10,000 đô la. Trước đó, thông tin của anh ta đã bị bọn lừa đảo lấy cắp đế lập 10 tài khoản di động khác nhau.
Lừa đảo trung tâm cuộc gọi giả mạo từ Ấn Độ: Khách hàng của Telstra phải hết sức cảnh giác trước các vụ lừa đảo đến từ trung tâm cuộc gọi Ấn Độ. Qua những cuộc gọi này, bọn tội phạm cố ý lừa các nạn nhân cung cấp thông tin nhạy cảm để đánh cắp danh tính.
Khách hàng của Telstra đã được cảnh báo về chiêu trò tinh vi này.
Lừa đảo giả danh dịch vụ điện thoại tự động NBN: Đây là hình thức “giăng bẫy” nhắm vào các khu vực đang tiến hành cài đặt mạng NBN.
Lừa đảo giả danh công ty năng lượng Energy Australia: Email sử dụng cơ sở dữ liệu lớn và uy tín của thương hiệu Energy Australia để dụ dỗ nạn nhân tải xuống tệp tin chứa mã độc.
Lừa đảo qua email của Optus: Một email giả mạo Optus thông báo với người nhận rằng tài liệu đã có thể tải xuống. Sau khi nhấp vào đường link, máy tính của họ liền bị nhiễm virus.
Lừa đảo ngày Valentine: Những kẻ lừa đảo tích cực làm quen với nạn nhân, dần dần xây dựng tình cảm trên mạng và nói ngon nói ngọt hòng “đào mỏ”.
Lừa đảo bằng email của Telstra: Bọn tội phạm lợi dụng tên tuổi Telstra để lừa khách hàng nhấp vào liên kết, khiến máy tính của họ nhiễm mã độc và bị đánh cắp thông tin.
Lừa đảo qua email của Netflix: Email cho người dùng biết tài khoản của họ đã bị khóa tạm thời, sau đó hướng dẫn họ nhấp vào liên kết dẫn đến trang lừa đảo núp bóng Netflix, được sử dụng để đánh cắp thông tin cá nhân.
Lừa đảo qua email giả danh Apple Store: Một email giả danh Apple Store được gửi đến khách hàng để thông báo rằng họ có hóa đơn dạng file PDF từ một lần mua hàng gần đây.
Lừa đảo qua điện thoại giả mạo Văn phòng thuế Úc (ATO): Người gọi dùng danh nghĩa của ATO để lừa người dân nộp tiền bằng cách thông báo rằng họ sắp bị bắt vì chưa thanh toán đủ các khoản thuế.
Cận cảnh file chứa mã độc được các tin tặc gửi đến “con mồi” trong vụ mạo danh ATO.
Lừa đảo “trao đổi SIM”: Tin tặc có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng, email và tài khoản mạng xã hội của nạn nhân chỉ sau một cuộc gọi đơn giản đến nhà mạng mà họ đang dùng.
Lừa đảo sửa mái nhà sau bão: Vài người đàn ông gõ cửa nhiều hộ gia đình sau khi thời tiết diễn biến xấu. Họ nói rằng mái nhà phải được thay thế vì nó sắp sụp. Nhẹ dạ cả tin, một người phụ nữ đã giao 156,000 đô la vào tay bọn lừa đảo.
Lừa đảo qua điện thoại giả danh cảnh sát: Bọn tội phạm giả mạo cảnh sát để lừa người dân cung cấp thông tin tài chính.
Lừa đảo bằng email tiền chuộc: Những kẻ lừa đảo gửi email đòi tiền chuộc, với nhiều lời lẽ đe dọa khủng khiếp để khiến mọi người sợ hãi và lập tức giao tiền cho chúng.
Lừa đảo bằng email hóa đơn giả danh Telstra: Hóa đơn email có giao diện gần như giống hệt “bản chính” sẽ được gửi đến hộp thư của nạn nhân, hướng họ đến một trang web truyền nhiễm phần mềm độc hại cho máy tính.
Người đàn ông mất trắng 40,000 đô la vào tay bọn lừa đảo.
Lừa đảo trên Facebook: Một kẻ lừa đảo sẽ hack tài khoản bạn bè và người thân của nạn nhân, hoặc tạo hồ sơ giả bằng cách ăn cắp hình ảnh và thông tin của họ. Sau đó, hắn sẽ mạo danh những người này để gửi tin nhắn đến “con mồi”, dụ dỗ họ kiếm tiền bằng cách nhấp vào liên kết đính kèm. Thế nhưng, thực chất đây là đường link lây nhiễm file chứa mã độc vào máy tính của họ.
Lừa đảo những người giàu ở vùng ngoại ô: Một vụ lừa tiền công phu đã diễn ra trót lọt, khi một người đàn ông giao chiếc xe trị giá 40,000 đô la cho người lạ mà không nhận được một xu nào.
Nguồn: 9 News

No comments:

Blog Archive