Những hiện tượng quái lạ
Ký Thiệt/ Báo Mai
Ngày 16 tháng 5 vừa qua, Thị trưởng thành phố New York Bill De Blasio đã chính thức công bố ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, chen chúc vào đám đông ứng cử viên của đảng Dân Chủ đã ghi danh trước, gồm 23 hay 24 người, để được đảng đưa ra so tài với TT Trump mà phần thưởng là tòa nhà trắng trên đường Pennsylvania ở thủ đô Washington. Ông De Blasio tin chắc như bắp là sẽ đánh bại đám đông trong cuộc bầu sơ bộ của đảng Dân Chủ để cuối cùng là sẽ người tái chiếm Tòa Bạch Ốc cho đảng, sau khi hạ ông Trump, vì đảng Cộng Hòa không có ai ra ứng cử, ngoài ông tổng thống tái ứng cử nhiệm kỳ hai.
Tự tin như vậy nên trong buổi ra mắt cử tri lần đầu tiên tại New York, với bà vợ Chirlane McCray, một nhà văn da đen, đứng bên cạnh, ông Blasio đã mở màn bằng một cuộc xung kích dữ dội nhắm vào TT Trump: “Chúng tôi là những thị dân sành sõi tại thành phố này. Chúng tôi biết con người lừa đảo khi chúng tôi trông thấy một kẻ như vậy. Chúng tôi biết những đòn phép của hắn, và tôi cảm thấy mạnh mẽ hắn phải bị thách đố. Và hắn thích đặt cho người khác những tục danh, tôi sẽ cho lại hắn một tục danh: ‘Tên lừa đảo Don’ (Con Don). Tục danh ấy nói lên tất cả mọi điều người ta cần biết về hắn.”
Chỉ trong vòng vài phút, ông Trump đã đáp lễ De Blasio với một video được chuyển đi từ chiếc Air Force One: “Tôi vừa nghe tin viên thị trưởng tệ hại nhất trong lịch sử Thành phố New York, và hiển nhiên là thị trưởng tệ hại nhất tại Hoa Kỳ, bây giờ đang tranh cử để làm tổng thống. Điều ấy sẽ không bao giờ xảy ra”.
Với ông tổng thống, đây là cơ hội bằng vàng để “dập” một viên thị trưởng được những người ủng hộ ông Trump coi như hình ảnh thu nhỏ của New York, một thành phố lớn với lối sống tự do, phóng túng mà ông Trump là một cư dân lừ lâu và đã có những cuộc đấu khẩu với De Blasio trong quá khứ.
Nhưng ông Trump không phải là người duy nhất lên tiếng sớm nhất và tấn công ông De Blasio. Trái lại, ông De Blasio đang phải đối mặt với cả một trận cuồng phong chống đối, của cả thù lẫn bạn, về việc ra ứng cử tổng thống.
Tucker Carlson đã làm một bài nhận định tổng hợp trên Fox News tối 16 tháng 5, trong đó có đoạn như sau:
“Một người ra tranh cử tổng thống, nhưng không ai ủng hộ ông ta thì có thật là một cuộc vận động tranh cử hay không? Đó rõ ràng là một câu hỏi có tính cách triết học. Nhưng đó cũng bất ngờ là một mối quan ngại rất thực tế cho Bill De Blasio, thị trưởng của TP New York.
Hôm thứ năm, De Blasio loan báo rằng sau những năm phá hủy thành phố lớn nhất của đất nước, ông ta rất muốn làm như vậy cho nước Mỹ. Trong video loan báo của ông ta, ông ta nói như sau: ‘Có vô khối tiền của trên thế giới này. Có vô khối tiền của trên đất nước này. Nó chỉ nằm lầm trong những bàn tay không đúng. Tôi là một cư dân New York. Tôi đã biết Trump là một kẻ trấn lột từ lâu. Đây không phải là tin mới đối với tôi hay với bất cứ ai khác ở đây, và tôi biết cách đối phó. Donald Trump cần phải bị chặn đứng. Tôi đã từng đánh bại ông ta, và tôi sẽ làm điều ấy lần nữa... Tôi là Bill De Blasio và tôi ra tranh cử tổng thống vì đây là lúc chúng ta đặt những người lao động lên trên hết.”
Well, Bill De Blasio sẽ không bao giờ trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta đần độn. Ông ta không được lòng dân. Ông ta hầu như bất lực một cách khôi hài. Ông ta là loại người không nên hút nhiều cần sa, nhưng lại hút rất nhiều cần sa. Đó là Bill De Blasio.
Tin mừng là, ông ta cũng là một loại giúp vui, nếu bạn không phải sống trong thành phố này. Do đó, chúng ta vẫn có thể ngồi xuống và thưởng thức nhiều trò đùa ngớ ngẩn được bắt đầu hôm thứ năm với cái video loan báo ứng cử của De Blasio trong đó ông ta hứa sẽ tranh đấu cho những người lao động trong khi ngồi trên xe hơi do một tài xế cầm tay lái chạy quanh các con đường của New York.
Ngay cả truyền thông dòng chính cũng không thấy hứng thú. John Avlon, nhà phân tích chính trị kỳ cựu của CNN, nói: ‘Có thể sờ mó được sự thiếu khích động trong đường phố tại New York. Ba phần tư cư dân New York không muốn ông ta ra tranh cử. Một trong những vấn đề lớn nhất của Bill De Blasio là ông ta không có mặt để làm việc. Ông ta tới trễ. Cuối cùng là ông ta không tới làm việc. Lại nữa, đây là người thường nằm chót bảng xếp hạng trong một thành phố 6 trên 1 là Dân Chủ.
CNN được cho là một đồng minh nặng ký trong cuộc chạy đua này. Có điều không may là CNN lại nằm ở Thành phố New York, và điều đó có nghĩa là nhân viên của CNN biết một cách chính xác sự thiếu khả năng của viên thị trưởng của họ. Mỗi buổi sáng họ phải lội qua những hàng thùng rác để tới sở làm.
MSNBC cũng đặt trụ sở tại Thành phố New York. Và bạn có thể biết lập trường của MSNBC qua cách tường trình buổi loan báo của De Blasio. Một cư dân New York được MSNBC phỏng vấn đã nói rằng đáng lẽ De Blasio nên loan báo ra tranh cử vào ngày 1 tháng 4, do đó mọi người sẽ nghĩ đây chỉ là một trò đùa “cá tháng tư” mỗi năm theo truyền thống.
Tới đây, nếu bạn cảm thấy hưng phấn với chuyện Bill De Blasio làm tổng thống, xin báo cho ban vận động tranh cử của ông ta biết. Có phần chắc bạn sẽ được tuyển dụng vào một chức vụ có trả lương. Tất cả mọi cố gắng hiển nhiên là tiêu tùng, mọi người biết như vậy, kể cả bà De Blasio, mà bạn có thể nghĩ.
Vậy thì tại sao De Blasio ra tranh cử tổng thống? Well, cùng một lý do như khi ông ta ứng cử làm thị trưởng New York – lòng tự ái. Bill De Blasio tượng trưng cho một khuynh hướng tệ hại nhất của chủ nghĩa tự do Mỹ -- thiển cận, kiêu ngạo, mồm mép đạo đức giả và không tự biết mình. Đây là con người tuyên bố có phương sách bảo vệ môi sinh của chính mình, nhưng đã đáp trực thăng tới phòng tập thể dục mỗi ngày. Đây là kẻ cho cảnh sát xuống xe điện hầm để bắn dân vô gia cư, dọn đường trước khi ông ta đi, nhưng lại để cho thành phố chìm ngập trong rác. Ông ta ra lệnh cho mọi người chấm dứt ăn hot dog vì không tốt, nhưng lại phát huy thói hút cần sa.
Bill De Blasio là người duy nhất tại New York không biết một tên ngốc Bill De Blasio là gì. Ông ta là một kẻ hoàn toàn tầm thường, nhưng hoàn toàn tự tin. Một sự kết hợp lạ lùng.
Bill De Blasio sẽ không trở thành tổng thống, nhưng ông ta sẽ xuất hiện trên truyền hình một thời gian. Lời khuyên của chúng tôi: Cố gắng ngồi lại xem để giải trí. (ngưng trích)
Để được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh chức tổng thống vào năm tới, De Blasio phải loại ra 23 người cùng đảng (Dân Chủ), trong đó có bảy nghị sĩ tại Thượng Viện.
Trong 24 ứng cử viên của đảng Dân chủ hiện nay, Bill De Blasio và 23 ứng cử viên khác, nếu không ai ghi danh thêm nữa, có mấy người thành thật nghĩ rằng mình có thể thắng cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ và có thể trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ?
Nếu không nghĩ như vậy và không có niềm tin như vậy, họ đã ra tranh cử vì lý do gì?
Đây là một hiện tượng quái lạ trong sinh hoạt chính trị của siêu cường dân chủ Hoa Kỳ. Ghi danh ra ứng cử tổng thống Mỹ không bao giờ là chuyện đơn giản. Tuy Hiến pháp quy định mọi công dân sinh đẻ tại Mỹ đều có quyền ứng cử tổng thống. Nhưng phải do một trong hai đảng (Dân Chủ hay Cộng Hòa) đề cử. Có quyền ra ứng cử tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên độc lập, nhưng từ hơn 100 năm nay, không có tổng thống nào đắc cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Ứng cử viên phải có rất nhiều tiền để vận động tranh cử trong một chiến dịch kéo dài hơn một năm, kể từ khi ghi danh đến ngày bỏ phiếu.
Trong một năm ấy, ứng cử viên phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích, tấn công nhắm vào đời công cũng như đời tư. Bao nhiêu “bộ xương trong tủ áo” sẽ bị moi ra hết. Mọi mưu lược, đòn phép chính trị đều được dùng để hạ độc thủ đối phương, và để thắng cử.
Thế thì tại sao có hiện tượng “lạm phát ứng cử viên” trong đảng Dân Chủ để tranh chức tổng thống Mỹ năm 2020, trong khi dư âm của cuộc bầu cử bốn năm trước (2016) với những tranh chấp vẫn còn chưa ngã ngũ, công lý chưa sáng tỏ?
Bốn năm trước, sau một cuộc tranh cử sôi nổi, ồn ào và căng thẳng, ông Donald Trump đắc cử, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Người thất cử, bà Hillary Clinton, chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử và gọi điện thoại chúc mừng người thắng theo thông lệ tốt đẹp của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Không bao lâu sau bắt đầu có những tin đồn về sự “thông đồng” giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và người Nga để lèo lái, làm sai lạc kết qua bầu cử. Căn cứ vào một hồ sơ có nguồn gốc mù mờ và nội dung mơ hồ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đã cử ông Robert Mueller làm tham vấn đặc biệt để mở cuộc điều tra với quyền hành rộng rãi và phương tiện dồi dào.
Sau gần hai năm điều tra với sự phụ tá của vài chục chuyên viên tư pháp tài giỏi và tiêu hết 34 triệu đô-la công qũy, ông Mueller kết thúc cuộc điều tra vào cuối tháng 3 vừa qua và làm phúc trình cho Bộ Tư pháp với kết quả là “con số không”.
Đây không phải là kết quả mà phe Dân Chủ trong Quốc Hội mong đợi. Họ làm mọi cách, trong quyền hạn và ngoài quyền hạn, để tiếp tục cuộc điều tra mà mục tiêu cuối cùng là “đàn hặc” (impeach), truất quyền tổng thống của ông Trump.
Đây cũng là một hiện tượng quái lạ trong một nền dân chủ phân quyền pháp trị, vì: Dân biểu Jerry Nadler (Dân Chủ - New York), chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đòi hỏi Bộ trưởng Tư pháp William Barr vi phạm nguyên tắc luật pháp (Rule of Law) bằng cách buộc ông Barr phải giao toàn bộ phúc trình Mueller không bôi xóa và không cắt xén.
Ông Barr đã chỉ dẫn cho ông Nadler biết rằng nếu ông ta tuân theo đòi hỏi của Ủy ban Tư pháp Hạ viện thì sẽ vi phạm Luật Tố tụng Hình sự Liên bang (Federal Rules of Criminal Procedure), và Bộ Tư pháp giữ vững lập trường, không giao toàn bộ phúc trình Mueller cho Ủy ban Tư pháp của Dân biểu Nadler. Hiện tượng quái lạ này không biết sẽ đi tới đâu.
Trong khi đó, ông Barr đã bổ nhiệm Chưởng lý John Durban để mở cuộc điều tra về nguồn gốc ám muội của...cuộc điều tra mà tham vấn đặc biệt Mueller vừa kết thúc với hai tay không, sau gần hai năm “săn bắt phù thủy” ồn ào.
Cuộc điều tra của ông Durban sẽ không kéo dài lâu, và theo giới thạo tin thính mũi thì nhiều ông to bà lớn dưới thời Obama đang run sợ, ăn không ngon, ngủ không yên, chờ đợi cái “boomerang công lý” quay trở lại trừng phạt họ.
Thời gian qua, nền “dân chủ gương mẫu” Hoa Kỳ đã bị kéo lại một bước lùi lớn, trong đó giới truyền thông, hay chính xác hơn – cái gọi là truyền thông dòng chính, đã đóng một vai trò không nhỏ. Dẫn đầu với tờ The New York Times, CNN, MSNBC... liên tục tạo dựng ra những tin tức thất thiệt về sự “thông đồng” giữa Trump - Putin và những buộc tội gay gắt hoàn toàn dựa trên suy đoán. Báo chí không còn là “đệ tứ quyền thiêng liêng” trong nền dân chủ Mỹ nữa mà đã trở thành đồng minh của đảng Dân Chủ trong mưu toan triệt hạ Trump.
Đây cũng lại là một hiện tượng quái lạ trong những hiện tượng quái lạ của nền dân chủ Mỹ làm cho siêu cường Hoa Kỳ trông giống như một nước chậm tiến thuộc “Thế giới Thứ ba”.
Trở lại với hiện tượng lạm phát ứng cử viên tổng thống trong đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử 2020, tuy có tới 24 người nhưng người nào cũng cam kết với cử tri rằng chỉ có mình mới hạ được ông Trump và theo tin mới nhất thì bà Nghị sĩ Kristen E. Gillibrand còn nói rằng sau khi vào Tòa Bạch Ốc bà ta sẽ không bổ nhiệm đảng viên Cộng Hòa nào vào nội các của mình.
Neil Levesque, giám đốc hành chánh của Học viện Chính trị New Hampshire (New Hampshire Institute of Politics) có bình luận như sau:
“Chính trị bây giờ đã trở nên có tính cách bộ lạc tới mức như nếu kẻ nào kết hôn với một người của bộ lạc khác thì bị coi như... phản quốc.”
Vậy thì nên so sánh siêu cường Hoa Kỳ với một nước “Thế giới Thứ ba”, hay với một … bộ lạc?
Ký Thiệt
No comments:
Post a Comment