Người Con Gái Sông Đà
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, có hàng vạn sĩ quan và công chức thuộc chánh quyền Sài Gòn bị tập trung cải tạo, trong các trại tù rãi rác khắp miền Nam Việt Nam. Tại các trại tập trung nầy Cộng Sản bắt đầu áp dụng một chế độ đối xử hà khắc đối với bên thua cuộc. Đầu tiên là học tập tẩy não. Tẩy cho hết não trạng thích ăn ngon mặc đẹp, lười lao động, thích bóc lột người dân thấp cổ bé miệng …Một năm đầu thì chánh quyền mới chỉ giam những người bị tập trung lại thôi. Cách ly họ với gia đình vợ con, không cho gặp mặt, thăm nuôi. Không cho viết thư báo gia đình biết mình bị giam ở đâu. Cách ly người tù với thế giới bên ngoài bằng hàng rào kẻm gai có vệ binh đứng gác. Nội bất xuất, ngoại bất nhập! Thân nhân các người tù nầy ở nhà, ai nấy đều lo âu cho tánh mạng chồng, cha, anh em họ. Bên trong hàng rào kẻm gai thì người tù cải tạo cũng bồn chồn, âu lo không kém.
Trong năm đầu, bên thắng cuộc không bắt các tù cải tạo làm gì cả. Hàng ngày chỉ bắt họ tập trung ở hội trường học tập về đường lối khoan hồng của Đảng và nhà nước cách mạng đối với thành phần ngụy quân ngụy quyền từ lâu chống đối. Các từ Ngụy quân, Ngụy quyền phát sinh từ đó. Khiến cho bên thua cuộc thấy nhục nhã ê chề. Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Cán bộ quãn giáo trại phát giấy trắng cho cải tạo viên khai lý lịch. Khai việc làm của mình trong những năm mình đã phục vụ trong ngụy quân, ngụy quyền. Khai xong thì thu. tuần sau lại khai nữa. Khai đi khai lại hàng mấy chục lần để trại họ kiểm soát xem lần sau mình khai có giống lần trước không ? Họ chỉ tốn một tờ giấy mà trại viên đau khổ trăm bề, tâm trí bất an.
Kế đó là họ bóp nghẹt bao tử trại viên, bằng cách hạn chế khẩu phần. Nhà nước ta nghèo vì làm cuộc cách mạng chống Mỹ - Ngụy, nên nay hòa bình rồi mọi người phải chịu khó cần kiệm, thắt lưng buột bụng lại. Tuổi của những người tù lúc ấy đa số là khoảng ba, bốn mươi, đang sức ăn. Thế mà chỉ được phát 2 bát cơm lưng và cá khô kho mặn sền sệt, không rau cỏ gì thêm hết. Làm sao mà no được ? Bởi vậy anh tù nào ăn xong hạt cơm cuối cùng thì cũng đều thấy đói liền trở lại, phải nằm ôm bụng đói chờ bữa cơm chiều. Điệp khúc đó kéo dài lê thê cho hết cuộc đời cải tạo. Chi vậy? Để họ khuất phục những chống đối của các trại viên bằng cái bao tử lép xẹp của những người thua cuộc.
Khoảng 1 năm sưu tra lý lịch để thanh lọc, một số tù mà họ gọi là thành phần ác ôn bị đưa ra miền Bắc, đày ở những vùng lam sơn chướng khí, học tập tiếp. Điểm tập trung là Tân Cảng Sài Gòn. Tại đây tù cải tạo bị nhốt trong hầm tàu chở hàng ngột ngạt, thiếu dưởng khí, thiếu nước uống. Một số niên trưỡng lớn tuổi kiệt sức vì nóng, vì hơi người, đã chết trong hầm những chiếc tàu nầy, xác bị quăng xuống biển.
Ra đến miền Bắc thì bên thắng cuộc tập trung dân chúng đứng chờ ở sân ga xỉ vả, la ó. Đoàn tù thất trận cúi đầu lặng lẻ đi ngang hàng người chờ đón họ bằng những lời lẽ miệt thị nặng nề. Thôi thì cũng đành nhắm mắt đưa chân. Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu. Mùa Đông năm 1976 ở miền Bắc rất lạnh. Vì không được thăm nuôi, các tù nhân đều không có áo ấm nên lên cơn ho suyển. Lại không có thuốc men đủ nên một số người già đã chết nơi rừng thiêng nước độc nầy. Ở bài thơ Trại Tù Sơn La trong tập thơ Giọt nắng thiên thu , tác giả có kể về những cái chết tức tưởi nầy;
Sơn La nước độc giòng trong vắt
Trót hẹn cùng nhau một quảng đời
Thăm thẳm chin tấng sâu địa ngục
Chín tầng mòn mỏi cuộc rong chơi .
Cựu thiếu tá Thiết Giáp Nguyễn Văn Răng, người Bến Tre, biết rằng khó mà sống nổi kiếp tù đày nơi sơn lam chướng khí nầy. Hàng ngày lên rừng đẳn gỗ, khai hoang làm rẫy…Khó mà chờ đến ngày được thả ra, như lời cán bộ quản giáo hứa : - Bao giờ học tập tốt thì Đảng sẽ khoan hồng cho về . Và tiêu chuẩn thế nào là học tập tốt thì bên thắng cuộc không nói. Chờ đên bao giờ những lời hứa hảo huyền? Thế là người tù Thiết giáp bèn bàn tính với 2 người bạn Bộ Binh tìm cách vượt trại. Họ âm thầm chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi dài ngày như : Cơm khô, muối và xin lén lút bạn bè khác các thứ thuốc uống thông thường trị ho, cảm, tiêu chảy ..Ở trại tù ăn hàng bửa chưa no mà bây giờ lại còn chuẩn bị cơm khô cho những ngày vượt ngục sắp tới nữa thì gay đó! Thế mà họ cũng làm được, đúng là những chàng trai gan lì !
Từng ngày, từng ngày họ phơi cơm vào chỗ kín đáo, tới khô dấu vào một nơi khác, Còn muối thì dễ, một trong 2 anh bạn làm anh nuôi nấu bếp cho đội nên cắt xén bớt hàng ngày đem dấu. Họ dự trù cơm khô là dùng cho những ngày đầu lẫn trốn. Còn sau đó trên đường đi tiếp nối các nông trường, hợp tác xã nông nghiệp, thiếu gì khoai bắp. Chuẩn bị cho một chuyến vượt trại qua Lào quả là một cuộc chiến đấu âm thầm, đầy cam go. Cái khó cuối cùng là làm sao có được tấm bản đồ toàn vùng Yên Bái, Hoàng Liên Sơn cho đến giáp biên giới nước Lào. Phải biết đường đi mới mong thoát được. Trước mắt là phải đi đến biên giới Lào. Sau mới tính đến chuyện đi ngang địa phận Lào rồi đến Thái Lan. Đường đi đầy bất trắc, hiểm nguy như cuộc vạn lý trường chinh của Mao Trạch Đông ngày xưa. Dãy nhà giam của họ ở gần phòng họp của trại, trên tường có treo cái bản đồ các tỉnh vùng biên giới Lào –Việt. Phải tính toán ngày đi cho chính xác và phải lấy cho được bản đồ ấy trước giờ đi, phải nội trong ngày ấy. Lấy trước thì trại sẽ phát hiện âm mưu trốn trại ngay ! Sáng sớm hôm đi, anh Phú – cựu Thiếu tá Sư Đoàn 18 bộ binh giả vờ đi vệ sinh cá nhân, lẻn vào phòng họp và lấy đươc bản dồ trong vòng 10 phút. Một hành động hết sức mạo hiểm !
Sáng hôm đó sương mù dày đặc, ba người vượt trại vào lúc vệ binh gác trại sắp hết ca gác lơ đểnh, nên họ đi thành công. Họ len lỏi trong rừng hàng giờ, biết cũng xa trại rồi họ ra đường chánh và đi cách xa nhau, giống như dân chúng quanh vùng. Đi đến trưa nắng, ra dấu dừng lai nghỉ ăn cơm trong 30 phút theo ước hẹn trước. Lại đi ! Trước mắt là phải vượt qua đèo Lũng Lô. Hồi đó đường sá ngoài Bắc ít xe, đa số nông dân di chuyển bằng xe đạp hay đi bộ nên cũng thuận tiện cho 3 người tù trà trộn vào. Họ đi qua nhiều hợp tác xã nông nghiệp vùng nầy. Ngày đi đêm tìm bìa rừng nào vắng vẻ cạnh đường nấu nướng và nghỉ ngơi. Thực phẩm không thiếu vì dọc đường liên tiếp là những hợp tác xã hay nông trường. Ngày thứ ba của chuyến đi gặp trở ngại là khi anh Ngọc lui cui nhổ mì thì có người phát hiện, họ đánh kẻng báo động, dân làng chạy ra và anh bị bắt. Còn hai người kia là Răng và Phú nhanh chân chạy thoát. Cũng may các ngày kế tiếp không có chuyện gì xảy ra nữa. Theo bản đồ thì họ phải vượt qua sông Đà mới tới thị trấn biên giới Mộc Châu. Và sau đó họ còn phải vượt qua sông Mã là con sông giáp ranh biên giới Lào –Việt. Tới bên kia sông là địa phận tỉnh Sầm Nứa thuộc Lào. Chà ngán thật ! Vào ngày thứ 5 của cuộc vượt trại, họ biết sắp tới sông Đà rồi. Làm sao vượt qua sông Đà đây? Phải nhờ Trời thôi, tới đâu hay đó ! Quả là hai anh liều mạng ! Họ gặp may ! Sáng sớm ngày thứ 6 , họ đi tới gần một hợp tác xã nông nghiệp thì thấy một cô gái cở 20 tuổi cũng vác cuốc, xẻng từ trong xóm đi ra , chắc ra rẩy. Họ bèn làm quen để hỏi đường . Cô gái tên Thủy, xã viên hợp tác xã. Nhìn cách ăn mặc của hai người đàn ông lạ và nghe giọng miền Nam của họ, cô gái đoán ngay là họ là tù cải tạo miền Nam. Anh Răng tìm cách lấy cảm tình cô gái. Anh Phú biết ý, tách ra đi trước. Hỏi nhà cửa, hoàn cảnh sinh sống …sau mới hỏi cô Thủy chỉ giùm cách vượt qua con sông Đà trước mặt. Có cảm tình với người trai miền Nam ăn nói có duyên, Thủy cho biết là có bến phà của bộ đội cách đó chừng 2 trăm mét. Còn chuyện tính đóng bè tre vượt sông thì quá nhiêu khê, dễ bị lộ. Thôi để Thủy giúp cho bằng cách chờ thuyền từ mạn ngược xuống, Thủy gởi nhờ họ đưa giùm qua sông. Rất may, chờ chừng nửa giờ thì có chiếc thuyền chở tre từ thượng nguồn chầm chậm đến. Cô gái lớn tiếng gọi, nhờ họ đưa giùm 2 người anh họ qua sông. Họ vui vẻ nhận lời, ghé vào bờ. Nắm tay Thủy bịn rịn giả từ, hai người bạn mới bước xuống thuyền. Trước đó Thủy đưa cho Răng hết gói cơm đi rẫy của cô, coi như một món quà từ giã của cô gái miền Bắc gởi cho chàng cải tạo miền Nam, một món quà vô giá của người con gái sông Đà ! Qua đến bên kia sông, anh Răng còn thấy Thủy vẫn đứng bên bờ sông đưa tay vẩy vẩy. Đi thêm chừng 30 mét nữa, quay lại vẫn thấy Thủy chưa chịu quay về :
Một kiếp lưu đày thân biệt xứ
Trọn đời còn nhớ bạn trung du .
Hai người tiếp tục đi tới gần thị trấn Mộc Châu, gần Nông trường bò sữa thì bị bắt. Bị bắt vì vô tình Phú gọi Răng khi phân vân giữa ngã ba đường. Cột mốc trên quốc lộ vôi mờ không đọc được, sợ bị lạc. Tiếng gọi giọng Nam Kỳ bị 2 du kích ngồi trong quán nước ven đường phát hiên. Họ rượt theo bằng xe đạp và bắt được hai người tù. Họ bị giải về Công an Mộc Châu giam ở đó mấy ngày. Sau đó họ đưa 2 người về Sơn Tây bằng một chiếc xe Jeep lùn, loại tịch thu của Quân Đội miền Nam. Trên xe áp giải, chỉ có 4 người. Tên thiếu úy công an lái xe, ngồi ghế trưỡng xa cũng là công an cầm súng. Hai người tù ngồi băng sau, Răng và Phú định tới đoạn đèo vắng cướp xe, cướp súng rồi uy hiếp hai người nầy ngồi yên và họ sẽ lái xe vượt đồn công an biên phòng, chạy thẳng qua Lào. Nhưng việc không thành, trong lúc dằn co, chiếc xe bị lật xuống ven đường. Tên thiếu úy lái xe bò ra trước rút súng lục ra kê ngang màn tang của Răng định bắn. Thời may lúc đó có chiếc xe chở khách trờ tới, trên xe có 2 thượng úy bộ đội, chạy tới phụ đẩy xe lên. Thấy tên công an rút súng lục ra định bắn Răng, người thượng úy nầy hét lên, bảo bỏ súng xuống. Đồng bào trên xe khách lại ùa xuống làm tên thiếu úy đành cất súng. Họ gọi máy và có thêm công an đến tiếp cứu. Sau đó họ giam hai người tù vượt ngục nầy tại trại tù gần đó, cho đến khi Trung Quốc đánh Việt Nam, họ mới di chuyển tất cả tù về các tỉnh phía Nam.
Anh lính mủ đen Nguyễn Văn Răng thân mến! Chuyện anh kể làm tôi rất cảm động và từ tâm trạng nể phục đó, tôi đã viết thành 2 bài thơ sau đây, mời anh đọc chơi:
Người con gái sông Đà
Tặng kỵ binh Nguyễn văn Răng
Có còn nhớ những dấu chân ngày nào ở biên thùy Lào - Việt ?
Tiễn anh qua sông Đà
Đường Mộc Châu xa quá
Mưa rừng bay trắng xoá
Bãi sậy bờ cát xa
Người đi về Sầm Nứa
Người ở lại Trung du
Còn mong chi gặp nữa ?
Thăm thẳm lớp sương mù
Người đứng bên bãi sông
Đuôi mắt dài trông ngóng
Bóng người trong gió lộng
Kéo cho dài nhớ mong
Sông thượng nguồn dậy sóng
Người về cõi mênh mông
Còn niềm đau lắng đọng
Ở lại mãi trong lòng
Em là loài hoa trắng
Chót vót triền núi cao
Gió rừng qua lũng vắng
Chim rừng hót xôn xao
Em là vầng thái dương
Ấm lòng người lữ thứ
Anh là mây viễn xứ
Mỏi một đời gió sương
Anh -người tù lưu xứ -
Trả nợ đời chung thân
Nhọc nhằn thân lính thú
Cho héo mòn tuổi Xuân
Hoàng Liên trăm ngọn núi
Vực thẳm ghềnh cheo leo
Sương mù giăng khắp lối
Sơn đạo đá tai mèo
Đường Bắc Lào vời vợi
Thung lũng dài âm u
Chừng nào sang đất Thái
Chừng nào đến thiên thu ?
Đôi bờ sinh tử quan
Tìm cho ra nẻo sống
Trời Mộc Châu lạnh cóng
Đường vượt tuyến gian nan
Người con gái sông Đà
Chỉ đường ra biên giới
Tránh biên phòng đón đợi
Cột mốc lớp vôi nhòa
Gói cơm khô độn sắn
Lòng Phiếu mẫu bao la
Hành trang sao thấy nặng ?
Chân mỏi bước quan hà
Tình em như sông dài
Tưới mát vùng châu thổ
Tình em như cánh gió
Chở muôn lá vàng bay
Hôn lên đôi má em
Tưởng đến giờ ly biệt
Nhìn sâu trong mắt đen
Thấy mịt mờ cõi riêng
Bây giờ là mùa Hạ
Đâu ngọn gió Lào xưa ?
Mùa Thu đi trong mưa
Lối Thu vàng sắc lá
Mùa Đông đang tàn tạ
Mây xám trời Mộc Châu
Nắng Xuân rực trời cao
Hoàng Liên Sơn lạnh giá
Bây giờ nơi xứ lạ
Mòn mỏi cánh chim bay
Rừng phong khô xác lá
Trải thảm lối đi dày
Bây giờ em ở đâu ?
Mây chập chùng bản vắng
Bây giờ thương nhớ nhau
Chỉ còn là nổi đau …
Hồ Thanh Nhã
Tiễn Bạn
Nửa đêm vượt trại tù Yên Bái
Chân mỏi nề chi đỉnh Lũng Lô
Giáp mặt mây trời nghe thấm lạnh
Quạnh hiu bờ cõi xác rừng khô
Ruộng bậc thang còn xanh lá mạ
Con chim tìm lại mảnh trời cao
Dẫu cho vận nước con trôi nổi
Cũng một lòng đi đến Thượng Lào
Còn bao nhiêu dặm về Châu Mộc ?
Tránh chốt biên phòng chặn lối đi
Lác đác ven sông vài mái lá
Ngàn lau xanh ngắt nẻo biên thùy
Người đi mấy dặm về biên giới
Chất ngất tâm tình nỗi biệt ly
Đôi mắt tiễn đưa còn ngấn lệ
Đường dài vương vấn bóng người đi
Tiễn nhau một gói cơm khô độn
Làm nặng hành trang kẻ tội đồ
Một sớm sông Đà xa cách bạn
Dặm trường lữ khách bỗng bơ vơ
Cám ơn thổ trạch hồn sông núi
Từ gói cơm khô quả chuối rừng
Từ sáng mù sương đêm cọp rống
Bờ xa bọt sóng trắng rưng rưng
Cám ơn cho một lần đưa tiễn
Chiếu cố thân tù quá xác xơ
Một kiếp lưu đày thân biệt xứ
Trọn đời còn nhớ bạn Trung du
Dáng em đơn độc còn trên bãi
Đi khuất rừng cây vẫn ngó hoài
Gió thổi ngàn lau hoa rụng trắng
Mênh mông trời rộng …trắng bàn tay
Từ cuối chân trời mơ thấy bạn
Nẻo về sương muối trắng mong manh
Chờ cơn gió núi mưa Xuân tới
Rêu mọc xanh từng tảng đá xanh
Chờ anh…chờ tới bao giờ nữa ?
Xanh ngắt ngàn lau bãi đất bồi
Măng mọc thành rừng tre cổ thụ
Ngày về sao cũng quá xa xôi
Ở đây lá đỏ rừng phong vắng
Thấy lạnh từ khi gió chuyển mùa
Nhớ quá năm nào ly cách bạn
Bên bờ sông vắng khóm lau xưa …
Hồ Thanh Nhã
No comments:
Post a Comment