Monday, May 20, 2019

Nữ tù binh duy nhất tại nhà tù Hỏa Lò là một nữ y tá người Tây Đức, đã qua đời



Trong thời chiến tranh Việt Nam từ ngày 05/08/1964 đến 29/03/1973, nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội là nơi giam giữ hàng trăm tù binh Mỹ, nhưng có rất ít người biết trong số tù binh ở nhà tù Hỏa Lò có một nữ tù binh duy nhất. Nữ tù binh này không phải là người Mỹ, mà cũng chẳng phải là lính Mỹ. Cô là một y tá người Đức (Tây Đức), tên là Monika Schwinn, sang Đà Nẵng làm việc thiện nguyện giúp nạn nhân chiến tranh. Sau gần 4 năm bị bắt giam, mặc dù không phải là người Mỹ và lính Mỹ, nhưng cô Monika Schwinn được thả ra khỏi nhà tù Hỏa Lò chung với những tù binh Mỹ ngay sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết.

Nữ y tá Đức Monika Schwinn, 31 tuổi, sau gần 4 năm tù bị giam cầm đã mừng rỡ khi đặt chân trở lại quê hương ngày 7/3/1973

Năm 1967, một con tàu của hy vọng sơn màu trắng, đến thả neo ở Ðà Nẵng. Ðó là con tàu y tế “Helgoland” của Tây Đức, còn được gọi là bệnh viện nổi, phục vụ cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến tranh do Hồng Thập Tự của Tây Đức thực hiện. Cùng hoạt động trong thành phố ấy còn có các toán y tế thuộc tổ chức Malteser Hilfsdienst, một tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo tại Tây Đức, gồm các bác sĩ, nữ y tá và các nhân viên khác. Đây là các chương trình cứu trợ nạn nhân chiến tranh của CHLB Ðức, họ đã chữa trị cho cả hàng trăm ngàn thường dân Việt Nam, không phân biệt người theo cộng sản hay quốc gia.

Trong khi con tàu y tế “Helgoland” của Hồng Thập Tự chỉ hoạt động ở Việt Nam trong một thời gian ngắn khoảng 1 năm, thì tổ chức Malteser Hilfsdienst thực hiện công việc thiện nguyện suốt gần 9 năm, từ ngày 07/09/1966 đến 10/04/1975, với tổng cộng 303 nhân viên gồm bác sĩ, y tá và người săn sóc bệnh nhân v.v… phục vụ chăm sóc y tế cho người dân Việt Nam – đặc biệt là ở Đà Nẵng, An Hòa và Hội An.

“Ðến nhờ chúng tôi chữa trị có những người lớn tay chân bị đứt lìa, và cả những đứa bé bụng bị rách toang…”, Walter Ruhland kể lại về thời gian phục vụ của mình ở Việt Nam như vậy, trong ánh mắt anh vẫn còn đầy vẻ khiếp sợ về những hình ảnh ấy. Anh là thợ cơ khí xe vận tải, tham dự chương trình cứu trợ Malteser Hilfsdienst hơn 40 năm trước đây, lúc ấy bỗng nhiên thấy mình hiện diện trong một cuộc chiến rất “ác liệt và tàn bạo“.

Bác sĩ và y tá của tổ chức cứu trợ Đức Malteser Hilfsdienst đang khám bệnh cho một em bé Việt Nam. Photo Courtesy

Đối với cô Monika Schwinn ở Lebach, thuộc tiểu bang Saarland, giúp đỡ những người gặp khó khăn là điều tự nhiên. “Cô ta luôn luôn hết sức sẳn lòng giúp đỡ“, anh họ Adolf Spaniol nhớ lại. Ban đầu, người phụ nữ trẻ ở Lebach này học nghề thợ làm tóc. Nhưng nghề thực sự cô yêu thích lại là y tá chăm sóc trẻ em.

Không có gì ngạc nhiên với gia đình cô khi vào năm 1968, lúc 26 tuổi, cô đã đáp ứng lời kêu gọi của tổ chức thiện nguyện Malteser Hilfsdienstes: Cần các bác sĩ và y tá phục vụ cho các bệnh viện ở Nam Việt Nam để giúp đỡ dân chúng, nạn nhân của cuộc chiến kéo dài không hồi kết. Cô Monika Schwinn hạnh phúc khi cô làm việc tại khoa nhi ở bệnh viện Đà Nẵng.

Năm nhân viên Malteser Hilfsdienst bị Việt Cộng bắt cóc

Nhưng một ngày nghỉ cuối tuần 27/04/1969 đã trở thành một ngày định mệnh đối với cô Monika Schwinn. Cô cùng với nữ đồng nghiệp Marie-Louise Kerber từ Nohfelden-Türkismühle cũng thuộc tiểu bang Saarland, anh Bernhard Diehl 21 tuổi, và hai y tá khác: cô Hindrika Kortmann và anh Georg Bartsch bị phục kích. Họ đi một chuyến dã ngoại tưởng như bình thường, nhưng sau đó họ rơi vào một cuộc phục kích bên một cánh đồng lúa, bỗng nhiên xuất hiện mười lăm tay súng Việt Cộng, lăm lăm chĩa mũi súng vào họ.

Năm nhân viên của tổ chức thiện nguyện Malteser Hilfsdienst đã bị Việt Cộng bắt giữ ngày 27/04/1969

Khi được đưa vào làng, cả năm người đều hết sức tìm cách “chứng minh” mình chỉ là nhân viên y tế, và là người “Đức”, chứ không phải người Mỹ! Vô hiệu quả. Nhóm Việt Cộng luôn đe dọa “cắt đầu”. Vài giờ sau khi bị bắt cóc, có lúc Bernhard Diehl đã quay sang nói với các đồng nghiệp của mình, trong đó có cô Marie Luise Kerben, mới 19 tuổi: “Nguy quá, chắc phải mất ít nhất một năm để chúng mình mới được can thiệp cho trở về nhà”.

“Đây thực sự là chiến tranh“, Bernhard Diehl ngạc nhiên nhận ra, khi anh đến Việt Nam năm anh 21 tuổi. Trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, anh đã được đào tạo như một nhân viên y tế, tại Việt Nam anh là người đứng đầu đội y tá Malteser ở An Hòa gần Đà Nẵng. Ban ngày vùng này được coi là an toàn. Nhưng ban đêm, đó là “khu vực tranh chấp“, một khu vực nơi quân du kích Việt Cộng đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng. Anh Bernhard Diehl và đội y tá của anh chăm sóc các thương binh ở cả hai phía và dân chúng.

Nguyên do tại sao 5 nhân viên cứu trợ y tế của Tây Đức bị Việt Cộng bắt cóc?

Trong chiến tranh Việt Nam, CHLB Đức không đáp ứng yêu cầu của đồng minh Mỹ đưa quân đội vào tham chiến tại Việt Nam. Để bù lại, CHLB Ðức hiện diện tại miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) với vai trò đóng góp nhiều về viện trợ kinh tế, giáo dục, cứu trợ y tế, cứu trợ nạn nhân chiến tranh v.v…

Vậy tại sao 5 nhân viên người Tây Đức làm nhiệm vụ cứu trợ y tế của tổ chức thiện nguyện Malteser Hilfsdienst lại bị Việt Cộng bắt cóc?

Lý do là vì Cộng hòa Dân chủ Đức đã sử dụng Chiến tranh Việt Nam cho một chiến dịch tuyên truyền chống Tây Đức. Đây là một chiến dịch tuyên truyền rất là thâm độc của Ðông Bá Linh! Các nhân viên tuyên truyền kích động của CHDC Ðức dựng lên hình ảnh một nước Tây Ðức gây chiến và Cộng hòa Liên bang Đức là chư hầu của Mỹ, những người Tây Đức tình nguyện mặc áo bác sĩ chỉ là ngụy trang, họ chính là những người trợ giúp quân sự cho Nam Việt Nam.

Đồng thời họ ngụy tạo tin quân đội CHLB Ðức gởi một đội quân bí mật sang Việt Nam dưới cái tên là “Legion Vietnam” (Binh đoàn lê dương Đức tại Việt Nam)! Báo “Neues Deutschland” (Nước Ðức Mới) của Đảng Cộng sản Đông Đức (SED) mô tả con tàu y tế “Helgoland” trong bức tranh biếm họa như một tàu chiến, với hình khắc trên boong mũi là một người lính.

Ngoài ra, ông Albert Norden, lãnh đạo tuyên truyền trong Bộ Chính trị đảng SED (SED là tên viết tắt của Ðảng Xã hội Thống nhất Ðức) ngụy tạo ra một số người làm “nhân chứng” về việc có chiến đấu võ trang trong các toán công tác cứu trợ của CHLB Ðức!

Sự dối trá ấy đưa đến một tác động ghê gớm ngay. Nhân viên cứu trợ bỗng nhiên bị đánh đồng, coi ngay như là “tay sai của Ðế Quốc Mỹ”, và thế là mạng sống của họ bị rơi ngay vào hiểm nguy thường xuyên của cuộc chiến. Các nhân viên cứu trợ Tây Ðức bị đưa ngay vào “sổ đen” của Việt Cộng.

Tiến sĩ Hermann von Richthofen, hiện cư ngụ tại Berlin, hồi đó được gửi đến Đại sứ quán CHLB Đức tại Sài Gòn với tư cách là một cố vấn trẻ trong ngoại giao đoàn, sau này cũng làm việc ở Đông Berlin, ông đã nói vắn tắt về mục tiêu tuyên truyền của CHDC Ðức như sau:

Tôi nghĩ rằng, Ðông Ðức chỉ muốn bằng mọi cách làm Tây Ðức chúng ta bị suy yếu, không chỉ trên bình diện quốc tế, mà cả trong nội bộ nước CHLB Ðức. Đó là việc gây ảnh hưởng tác động đến thế hệ 68, họ dễ bị mắc phải vào sự tuyên truyền của Đông Đức. Và bằng cách thức này có thể xáo trộn xảy ra để một chính phủ khác lên cầm quyền“.

Sau khi 5 nhân viên của tổ chức thiện nguyện Malteser Hilfsdienst bị Việt Cộng bắt cóc, họ bị áp giải từ Nam ra Bắc, đi bộ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Monika Schwinn và những người cùng khổ của cô phải đi hết khu rừng này đến khu rừng khác. 

Đó là một phòng giam nhỏ, rộng khoảng một mét rưỡi và dài hai mét rưỡi. Cái giường là một vài tấm ván nằm trên sàn bê tông ở độ cao từ 20 đến 25 cm. Một nửa mét vuông là dành để cái xô vệ sinh“, Monika Schwinn viết trên báo Der Spiegel (Tạp chí Tấm gương) sau khi được thả ra hồi năm 1973.

Họ bị thẩm vấn, tra tấn, hầu như không được ăn gì. Bệnh tật và bị hạ nhục xảy ra thường xuyên. Ba trong số năm người đã không sống sót. Cô Marie-Louise Kerber chết lúc bị giam cầm hồi năm 1969, mãi đến năm 1997 mới có thể đưa hài cốt cô về Saarland chôn cất. Monika Schwinn cũng thường cận kề với cái chết hơn là sự sống. Nhưng cô đấu tranh kiên cường, không để bị sỉ nhục. “Cắn vào tôi là họ gãy răng“, cô viết.

Sau 1.346 ngày bị cầm tù (gần 4 năm), trong thời gian cuối, bị giam giữ trong nhà tù khét tiếng Hỏa Lò tại Hà Nội, Monika Schwinn và Bernhard Diehl cuối cùng đã được trả tự do vào ngày 05/03/1973 sau khi Hiệp định Paris kết thúc của Chiến tranh Việt Nam được ký kết. Ngày 07/03/1973 tại sân bay Tây Đức ở Frankfurt am Main, họ được nồng nhiệt chào đón bằng những biểu ngữ.

Báo chí và truyền thông chen lấn chung quanh họ. Tạp chí Stern (Ngôi sao) đưa ngay lên trang bìa, làm thành đề tài chính của số báo. Trên báo Der Spiegel (Tạp chí Tấm gương), Monika Schwinn viết hồi ký về những gian khổ của cô đã trải qua trong gần 4 năm bị giam cầm tại miền Bắc Việt Nam. Thậm chí cô cùng với Bernhard Diehl còn viết một cuốn sách ấn tượng: “Một chút ít tình người“. Tại tieu bang Saarland, quê hương của cô, cô được Thống đốc Franz-Josef Röder (thuộc đảng CDU) chào đón và được thành phố Lebach vinh danh thành công dân danh dự.

Đến một lúc nào đó những vinh quang lắng dịu, và Monika Schwinn đi làm y tá trở lại tại Lebach, chăm sóc trẻ sơ sinh. Cô cũng giúp những thuyền nhân ty nạn Việt Nam khi họ đến Lebach, như một điều tất nhiên. “Cô ấy luôn tạo ấn tượng vui vẻ với tôi“, anh họ Adolf Spaniol của cô nói.

Nhưng bị giam cầm một thời gian dài trong một điều kiện cực kỳ khắc nghiệt như vậy, cô không thể hồi phục hoàn toàn giống như trước trước đây được. Cô không lập gia đình và đã nghỉ hưu ở tuổi 55. “Cô ấy thường xuyên bị ốm“, anh họ của cô nói, “có lẽ điều mà cũng làm cô ấy đau là người ta không còn nhớ đến cô nữa“. Người ta đã quên cái giá mà cô ấy đã trả cho sự sẳn lòng giúp đỡ của cô ta.

Hôm thứ Hai 11/03/2019, Monika Schwinn qua đời, thọ 76 tuổi, trong bệnh viện ở Lebach, nơi cô làm việc y tá ở khoa nhi trong một thời gian nhiều năm dài.

Vào thứ Năm , ngày 21/03/2019, lúc 1 giờ chiều, buổi tang lễ cầu nguyện cho Monika Schwinn đã diễn ra tại nhà thờ giáo xứ ở Lebach

Hiếu Bá Linh
(Tiếng Dân)
4/14/19

No comments:

Blog Archive