Keating và phe “thoát Mỹ phò Trung”
Cựu Thủ tướng Lao Động Paul Keating lại một lần nữa tự bôi nhọ chính mình khi đả kích các cơ quan tình báo Úc rằng đã cả gan làm cho Đảng cộng sản Trung Quốc phật lòng.
Phát biểu ngày 5.5.2019 ông Keating tuyên bố rằng nếu đắc cử thì chính phủ Lao Động cần –phải thanh lọc các cơ tình báo Úc, là thủ phạm đã khiến chính quyền liên bang Úc làm mếch lòng giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Theo ông Keating thì giới lãnh đạo tình báo Úc toàn đồ “khùng điên”, hành động như những kẻ mắc bệnh tâm thần và không nắm được tình hình thực tế. Ngay hôm sau ông Bill Shorten đã phải lên tiếng minh định, cho rằng ông không chia sẻ quan điểm với ông Keating. Ông Shorten sợ mất phiếu một phần, và một phần là đảng Lao Động này đã đồng ý với Tự Do trong chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Việc ông Keating lên tiếng như vậy không có gì khó hiểu. “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”, bao nhiêu năm qua ông Keating đã được hưởng rất nhiều bổng lột từ Trung Quốc. Thứ nhất, ông là cố vấn của Ngân hàng Phát triển Trung Hoa (China Development Bank), liên miên được mời đến Trung Quốc và cung phụng như một bậc đế vương. Thứ hai, nhờ quan hệ với chính giới Trung Quốc, ông ta kiếm tiền môi giới và tư vấn cho các nhà đầu tư Úc muốn làm ăn tại Trung Quốc. Thứ ba, ông ta lại là nhà môi giới và tư vấn cho nhà đầu tư Trung Quốc kinh doanh tại Úc, xem như ăn cả hai đầu.
Những bổng lộc này đã làm ông ta mờ mắt, mở miệng ra là phát biểu y như lời lẽ của bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh, theo đó nước Mỹ đã hết thời (America is finished) và Úc cần tách khỏi ảnh hưởng Mỹ để chạy theo quỹ đạo của Trung Quốc. Hơn thế nữa, ông ta còn cho rằng Úc phải vận dụng vị thế đồng minh của mình để thuyết phục Mỹ nên “chia đôi thiên hạ” cho Trung Quốc.
Chủ trương “thoát Mỹ phò Trung” này không chỉ là quan điểm cá nhân của Keating mà là chủ trương của một số thành phần chính giới tại Úc, không chấp nhận cách đánh giá Trung Quốc, như là “mối đe doạ chiến lược” như đã được khẳng định dưới thời nguyên Thủ tướng Malcolm đưa ra mà đòi hỏi phải xem nước này như là một “cơ hội thương mại” lớn.
Thoát Mỹ phò Trung
“Lý thuyết gia” hàng đầu trong đám này là Hugh White, từng học triết tại Đại học Melbourne và lấy bằng tiến sĩ tại Oxford. Học xong, White từng làm cố vấn Kim Beazley (Bộ trưởng Quốc phòng) và Bob Hawke (thủ tướng), sau đó được bổ làm phó tổng thư ký Bộ quốc phòng đặc trách chiến lược và tình báo.
Năm 2010 White đăng bài nhận định “Power Shift: Australia’s Future between Washington and Beijing” (Sự dịch chuyển quyền lực: Tương lai Úc giữa Washington và Bắc Kinh) đăng trên tập san Quarterly Essay số 39, phát hành vào tháng 9 năm 2010 cổ vũ cho lập trường “thoát Mỹ phò Trung”.
Điểm then chốt trong lý thuyết này là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, nếu Mỹ vẫn khư khư giữ lấy vị trí bá chủ mà không chịu chia đôi cho Trung Quốc thì xung đột có thể xảy ra và phần bất lợi sẽ nằm về phía Mỹ.
White lý sự: Từ lâu Úc đã xác định thứ tự ưu tiên trong mối quan hệ với đồng mình quốc tế, thoạt đầu thì Anh là số một và kế tiếp là đến Mỹ. Nhưng đến Đệ Nhị Thế Chiến, khi Anh thất bại, không bảo vệ được Úc, thứ tự này bị đã bị đảo lộn và Mỹ trở thành đồng minh số một trong chính sách ngoại giao. Nhưng sắp tới Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ nên Úc cần điều chỉnh lại thứ tự này.
Để thích nghi với trật tự mới này thì Úc tuyệt đối không nên làm mích lòng Trung Quốc bằng cách “dạy đời” nước này với các chuyện “vớ vẩn” như vấn đề Tây Tạng, nhân quyền, tự do tôn giáo hay các mối quan hệ “bảo kê” liên quan đến các chế độ bạo ngược tại Iran, Sudan và Bắc Hàn.
White cũng lên lớp cả nước Mỹ, cho rằng đã đến nước này phải chấp nhận rằng Trung Quốc có thể hành xử như một siêu cường. Trung Quốc có quyền tung tiền ra mua sắm vũ khí tùy ý và muốn che đậy việc này tùy ý, không nhất thiết phải bạch hoá qua các bạch thư quốc phòng như các nuớc Tây phương vẫn làm. Trung Quốc có quyền xây dựng đội quân lớn mạnh như là Mỹ, Mỹ không nên thắc mắc.
White chê rằng các nhà lãnh đạo của Úc vào lúc đó như Kevin Rudd hay Julia Gillard vẫn “chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề” khi vẫn bày tỏ sự kì vọng vào việc Mỹ sẽ tiếp tục giữ vững vai trò chủ chốt ở Châu Á như 60 năm trước đây.
Theo White thì trong thập niên qua quân Trung Quốc (PLA) đã có khả năng “tiết chế quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”, trong vòng một thập niên nữa PLA sẽ còn mạnh hơn nhiều và lúc đó quân đội Mỹ sẽ không thể tiếp tục duy trì sức mạnh tại Châu Á như 10 năm trước.
Nếu Mỹ tiếp tục gồng gân duy trì vị trí thống trị về quân sự thì quốc gia này sẽ phải tìm cách đánh thắng PLA. Nhưng Mỹ không có đủ khả năng thực hiện điều này mà phải vận dựng sự hậu thuẫn từ các đồng minh như Nhật và Úc. Như vậy, việc “chung thủy” với Mỹ sẽ khiến Úc sẽ phải tốn kém nhiều hơn, như đã tốn kém trong chiến tranh Việt Nam.
Như thế, White cho rằng vì “quyền lợi” của mình, Úc phải xa dần Mỹ để hướng về Trung Quốc.
Trung Quốc đã thành bạn hàng lớn nhất của Úc, kinh tế Úc gắn liền với thị trường Trung Quốc. Do đó nhiệm vụ của Úc là hoá giải nguy cơ xung đột Mỹ – Trung bằng cách cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc. Úc phải tìm cách thuyết phục Mỹ từ bỏ bá quyền của mình và chia xẻ quyền thống trị thế giới với Trung Quốc.
Trong trường hợp Mỹ vẫn tiếp tục cứng đầu và “ngu xuẩn” không chia sẻ quyền lực với Trung Quốc thì Á châu biến thành lò lửa chiến tranh, lúc này Úc đối mặt với năm chọn lựa:
- Tiếp tục làm đồng minh của Mỹ (hạ sách).
- Tìm kiếm một đồng minh khác mạnh hơn (ý bỏ Mỹ để theo Trung Quốc).
- Chọn lập trường trung lập.
- Xây dựng liên minh khu vực với các nước Đông Nam Á
- Không làm gì cả và cầu trời không có gì tệ hại xảy ra!
“Lý thuyết” này bị chỉ trích dữ dội, từ giới nghiên cứu chiến lược đến chính giới. Lúc đó nguyên Ngọai trưởng Kevin Rudd, nguyên Thủ tướng Julia Gillard và nguyên Lãnh tụ đối lập Tony Abbott đã đồng thanh bác bỏ những luận điểm trong “Power Shift”.
White bỏ ra hai năm nữa củng cố lý thuyết của mình trong cuốn sách mang tên The China Choice (Chọn lựa Trung Hoa), tuy nhiên lý thuyết của y cũng chỉ là một mớ hỗ lốn những suy diễn chủ quan và chắp vá nên sản phẩm này chỉ là một tập sách mỏng dính, y như tập hướng dẫn cách sử dụng máy cắt cỏ, máy cưa, máy bào,.
Tuy thế, đích thân Keating đã đến đọc diễn văn tán tụng trong buổi ra mắt sách!
Trong cuốn sách mỏng dính này White đưa ra thêm một thuyết mới khá lạ lùng là “Á châu hoà hợp” (Concert of Asia), Mà để có một Á châu “hoà hợp” như thế thì cộng đồng thế giới phải tôn trọng Trung Quốc, bỏ mặc Việt, Nam và Lào để Trung Quốc muốn làm gì thì làm! Cũng để có một Á châu “hoà hợp”, White cho rằng Nhật và Nam Hàn phải từ giả quan hệ đồng minh với Mỹ để làm vui lòng Trung Quốc!
White lập luận: nếu Mỹ và các đồng minh Á châu tiếp tục “cứng đầu” như hiện tại thì xung đột quân sự ở biển Đông sẽ xảy ra. Trong trường hợp này Trung Quốc “buộc lòng” phải dùng hoả tiễn diệt hạm để phá hủy các hàng không mẫu hạm và thả bom hạt nhân xuống các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam. Khi đó thì Mỹ sẽ không dám đối phó, cũng giống như Nga: nếu cần thiết Trung Quốc có thể tấn công Nga nhưng Nga không dám trả đũa.
Điểm đặc biệt trong cuốn sách là một đề nghị làm người Việt chúng ta giận dữ: thế giới, hay cộng đồng Á châu, nên bỏ mặc Việt Nam cho Trung Quốc “tùy nghi sử dụng”.
Thậm chí White đã không thèm ghi tên Việt Nam mà chỉ để là Indo-China, tức Đông Dương, ngụ ý ba nước Việt, Lào và Cambodia. Cho rằng Trung Quốc sẽ mạnh hơn Mỹ và, vì nền hoà bình tại Á châu, cộng đồng thế giới nên bỏ mặc vùng Đông Dương cho Trung Quốc vì có muốn cũng không làm gì được.
Một chiến lược giả định
Như có thể thấy ở trên, lý thuyết “thoát Mỹ phò Trung” được xây dựng trên một nền tảng tòan những ý kiến giả định và suy diễn một chiều, những ý kiến kỳ quái, phản logic và bất nhất. Cả cuốn sách đều đều những giả định chủ quan chứ không đưa ra có một bản thống kê, một đồ thị, một số liệu nào để chứng minh.
Giả định thứ nhất là là sự đi xuống của Mỹ. Theo White thì nước Mỹ sắp đến ngày tận thế vì không thế hồi sinh. Trên thực tế Mỹ đã từng lâm vào những ngày đen tối của cuộc Đai khủng hoảng 1930 nhưng sau đó đã đứng dậy mạnh mẽ để dẫn đầu thế giới đập tan chủ nghĩa phát xít.
Thứ hai là sự đi lên không thể cưỡng lại của Trung Quốc. Không thể chối cãi rằng Trung Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục trong mấy thập niên qua nhưng mấy năm trở lại đây nền kinh tế nước này đã hụt hơi, bộc lộ những nhược điểm chết người và hoàn toàn lúng túng trước đòn trả đũa thương mại của Mỹ,
Thứ ba là sức mạnh của PLA. Nhiều học giả Tây phương và chính giới tướng lãnh Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến tình trạng yếu kém và tham nhũng của PLA còn lý thuyết gia “thoát Mỹ phò Trung” này thì lập luận đúng bài bản tuyên truyền của Bắc Kinh.
Thứ tư là sự bất nhất về logic. White giả định là Trung Quốc có thể tấn công Mỹ nhưng khẳng định rằng Mỹ không dám trả đũa. Trung Quốc sẽ ném bom hạt nhân xuống các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam và Mỹ sẽ không dám đối phó.
Tương tự White giả định rằng Trung Quốc có thể tấn công Nga nhưng Nga không dám trả đũa.
Tại sao Nga không dám trả đũa? White cho rằng Nga sợ kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Nhưng Llý thuyết gia của nhóm “thoát Mỹ phò Trung” này một kẻ hoang tưởng khi “mơ” về vị thế độc bá thiên hạ của PLA khi mà bản thân nó chưa hề có một kinh nghiệm nào về chiến tranh hiện đại, trong khi hầu hết các kỹ thuật quân sự đều được sao chép từ thiết kế của phương Tây hoặc lại mua từ Nga.
Mỹ đang nắm trong tay trên 5,000 đầu đạn hạt nhân lại khoanh tay để Trung Quốc tác oai tác quái, muốn đánh chìm hàng không mẫu hạm là đánh chìm, muốn bắn phá Guam là bắn phá?
White say mê tưởng tượng giờ phút Trung Quốc tấn công hàng không mẫu hạm Mỹ mà không hề nghĩ đến những yếu kém của PLA. Mỹ không bao giờ khoanh tay đứng nhìn mà sẽ trả đũa tàn khốc nếu mình bị tấn công như đã hành động với Nhật trong vụ Trân Châu Cảng.
Tuy nhiên các bài học lịch sử cho thấy chiến tranh hạt nhân khó mà bùng nổ và Trung Quốc sẽ phải thích nghi với thực tế là Mỹ đã thể hiện quyết tâm chuyển trọng tâm sang châu Á. Sự thể này khiến Trung Quốc không còn tự do đơn phương khẳng định quyền lực trong khu vực.
Bởi thế sẽ không có gì lạ khi cuốn sách trên được tung ra, giới lãnh đạo Úc liên tiếp bác bỏ quan điểm trừ một kẻ đã không còn quyền hành gì nữa là Keating.
Liệu nước Mỹ đã thật sự hết thời?
Có thể nói thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 là thập niên hoàng kim của Mỹ nhưng thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là thập niên đầy tai ương.
Trong những năm 90 bao nhiêu điều tốt lành đã diễn ra với Mỹ: Liên Xô bị khai tử, chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chiến Iraq lần thứ nhất, sự bùng nổ của kỹ nghệ điện toán v.v… Để kỷ niệm thiên niên kỷ mới, các giới chức của chính quyền Bill Clinton còn gọi thế kỷ 21 sẽ là Thế kỷ Mỹ: American Century. Tuy nhiên sau đó thì những nhược điểm của nền kinh tế và chính trị Mỹ đã bộc lộ. Sự sụp đổ của kỹ nghệ dot.com, cuộc đếm phiếu lại bằng tay từ tranh cãi giữa hai ứng cử viên George W. Bush và Al Gore, vụ khủng bố 11.9.2011 và sau đó là tình trạng sa lầy tại hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Trong tình trạng i đó, nước Mỹ lại còn bị thêm cú đòn bồi từ vụ khủng hoảng tài chính 2008 khi hệ thống ngân hàng Mỹ sụp đổ. Tất nhiên một câu hỏi lại nảy sinh: Phải chăng Mỹ đã hết thời?
Tuy nhiên chính sự kiện này cũng đã nhắc nhở rằng Mỹ đã từng sa vào rất nhiều giai đoạn, nhiều thập niên “mất mặt” như vậy và đã hồi phục để tạo dựng lại tư thế của mình.
Khi Nga phóng vệ tinh Sputnik vào cuối thập niên 1957, nhiều người Mỹ đã chất vấn: phải chăng nước Mỹ đã hết thời. Thế nhưng nước Mỹ đã, bằng nỗ lực của mình, qua mặt người Nga trên lĩnh vực không gian.
Sau đó là thời kỳ “hậu Việt Nam”, nhiều người Mỹ đã chất vấn: phải chăng nước Mỹ đã hết thời.
Đến vụ khủng khoảng con tin Tehran năm 1979, khi chính quyền cách mạng Iran bắt giữ toàn bộ nhân viên Toà đại sứ Mỹ tại đây mà Mỹ vẫn phải bó tay, câu hỏi về sự “hết thời” này lại được lập lại.
Một biến cố mang tính bước ngoặc khác, vào ngày 16.9.1985 khi Bộ Thương Mại Mỹ tuyên bố nước Mỹ đã từ một đất nước chủ nợ trở thành một quốc gia con nợ. Lúc đó câu hỏi đó lại lập lại.
Các nhà tiên tri chỉ ra con số thống kê, theo đó 3 phần 4 số người lãnh bằng tiến sĩ tại các đại học Mỹ là người nước ngoài, trong đó hết 9 phần 10 là sinh viên Trung Quốc. Trên thực tế thì sau khi tốt nghiệp đa số các tân tiến sĩ này đều tìm cách ở lại Mỹ, và thường là họ ở lại ít nhất 5 năm. Đây cũng là sức mạnh của Mỹ từ thời lập quốc của mình: dung nạp tinh hoa trí tuệ khắp bốn phương.
Hiện tại Silicon Valley, tức thành phố San Jose, vẫn là trung tâm của những phát minh kỹ thuật cao; Wall Street vẫn là trung tâm tài chính; các viện đại học lừng danh như Harvard, Massachusetts Institute Technology và Yale vẫn là những cơ sở đại học hàng đầu; Hollywood vẫn là kinh đô điện ảnh; các trang Facebook, Google và Twitter vẫn là các tên quen thuộc nhất của giới trẻ; các phòng thí nghiệm tại Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới trong kỹ thuật sinh học và kỹ thuật nano; các trường y khoa tại Boston, Chicago và Baltimore vẫn dẫn đầu thế giới về các nỗ lực chế ngự bệnh tật và Bộ quốc phòng Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về các loại vũ khí mới.
Về Mỹ thì không thể chối cãi rằng thập niên đầu tiên trong thế kỷ 21 của nước Mỹ là một thập niên gian nan, tệ hại hơn cả giai đoạn từ 1965 đến 1975, là giai đoạn bao trùm cuộc chiến tại Việt Nam, sự nổi loạn tại các thành thị, vụ ám sát Mục sư Martin Luther King và ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy, rồi vụ tai tiếng chính trị Watergate.
Tuy nhiên chính điều này cho thấy rằng, dẫu sao, nước Mỹ vẫn đứng vững. Mỗi lần xảy ra một biến động kinh hoàng như trên, là người Mỹ lại chất vấn: phải chăng nước Mỹ đã đến ngày tận thế.
Như vậy, thì nước Mỹ vẫn đứng vững và vượt qua các lời tiên tri ảm đạm về số phận của mình. Nếu chiến tranh là “nhà kiểm tóan vĩ đại nhất của các thể chế chính trị” thì cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan chỉ mới chứng tỏ tầm nhìn thiển cận của chính quyền cực bảo thủ George Bush. Không phải tòan bộ nuớc Mỹ đều ủng hộ cuộc chiến này.
Mặt khác, đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ trải qua những vấn nạn tài chính như thế. Cuộc đại khủng hỏang 1930 – 1931 làm nước Mỹ thất điên bát đảo nhưng sau đó nước Mỹ đã hồi sinh. Mỹ đã không những chỉ thừa sức dẫn đầu Đồng Minh trong Đệ nhị thế chiến để ngăn chặn chủ nghĩa phát xít tại Âu châu và quân phiệt tại Á châu mà còn vươn lên với nền kinh tế chiếm 50 phần trăm sản lượng tòan cầu.
Bất cứ cuộc khủng hỏang nào cũng là một cơ hội và bài học để một hệ thống tự kiểm và tu chỉnh để hòan thiện hơn.
Trong khi đó thì Trung Quốc lại đối mặt với một giai đoạn đầy bất trắc phía trước và đây là đề tài mà người viết đã nhiều lần bàn đến.
Thay lời kết
Bài học lịch sử cho chúng ta thấy là cộng đồng quốc tế cần phải mạnh tay với côn đồ và khihoạch định chính sách thì phải nhìn vào thực tế.
Thực tế ở đây chính là thái độ kẻ cướp của nhà nuớc cộng sản Trung Quốc. Với một kẻ cướp thì phải mạnh tay. Cũng như với Adolf Hitler: nếu ngay từ đầu Mỹ và Âu châu mạnh tay với kẻ diệt chủng này thì chắc gì nhân lọai phải chịu đựng một thảm họa mang tên “Đệ Nhị Thế chiến”.
Thứ nhất là buộc Trung Quốc phải khép mình vào các định chế đa phương để tuân thủ những quy chế hành xử và luật lệ.
Thứ hai là từng quốc gia phải có một giới hạn rõ ràng về quyền lợi của mình, không nên nhượng bộ trước những đòi hỏi quá quắt của Trung Quốc.
Thứ ba là mọi quốc gia phải củng cố lực lượng quân sự và liên kết để tạo một sự cán cân quyền lực.
Sự thoả hiệp mang tính đầu hàng với Trung Quốc như Keating và White chủ xướng là phương sách tệ hại nhất cho mọi quốc gia.
Phạm Đức Đồng Hùng
No comments:
Post a Comment