MAY 18 – 2019
CUỘC CHIẾN TRUMP – DÂN CHỦ : HIỆP HAI
Bộ trưởng Tư Pháp đã bổ nhiệm ông John Durham, công tố liên bang của tiểu bang Connecticut, làm công tố đặc biệt điều tra xem từ đâu đẻ ra cái chuyện ‘Trump thông đồng với Nga’, điều tra lại các hoạt động của bộ Tư Pháp và FBI dưới thời TT Obama, trong mùa tranh cử tổng thống vừa qua. Mục đích là để biết các cơ quan này đã làm gì, câu chuyện dùng ‘Hồ Sơ Nga’ để trình tòa FISA, lấy giấy phép đi theo dõi ban vận động của ứng cử viên Trump xẩy ra như thế nào.
Chưa chi thì ‘phe ta’ đã tìm cách bán cái cho nhau rồi. Ông cựu giám đốc FBI Comey xỉa tay chỉ ông cựu giám đốc CIA Brennan là người muốn khai thác ‘Hồ Sơ Nga’, trong khi ông Brennan lại nói đó là ý kiến của ông Comey. Tuồng hát quá hấp dẫn, khó bỏ qua được.
Việc Nga mưu toan thâm nhập để phá cuộc bầu cử là chuyện ai cũng biết, nhưng điều không ai hiểu nổi là tại sao công tố Mueller lại được đặc biệt bổ nhiệm chỉ để điều tra về phiá ông Trump trong khi không dòm ngó gì tới phiá bà Hillary.
Hai năm đầu của TT Trump, thiên hạ đã chứng kiến trận chiến Trump – Dân Chủ, hiệp một, với DC dùng chiêu Mueller điều tra ban vận động của ông Trump thông đồng với Nga, đánh TT Trump tơi bời lá thu. Kết quả Dân Chủ đại bại, khi công tố Mueller tuyên án Trump vô tội.
Bây giờ là lúc ta sẽ có dịp xem hiệp hai, bảo đảm sẽ sống động không thua gì hiệp đầu. Để xem phiá đảng DC sẽ phản ứng như thế nào, có đòi ra luật ‘bảo vệ công tố Durham’ hay không? Có làm gì để ‘cản trở công lý’ hay không.
Hiện nay, dĩ nhiên, chẳng ai biết có gì mờ ám hay không. Biết đâu chừng công tố Durham sẽ kết thúc với báo cáo tất cả mọi người ‘vô tội’ y chang như công tố Mueller? Ít ra thì ta sẽ thấy một trận đấu có đánh qua và trả lại, chứ không còn một chiều, một bên đấm đá túi bụi, một bên chống đỡ chối chết. Dù sao, cũng giảm bớt hung hăng của phe DC đang tung ra tới 20 cuộc điều tra về chính quyền Trump (xem tin dưới đây).
Trong một tin liên hệ, luật sư của Tòa Bạch Ốc, ông Pat Cipollone đã gửi văn thư chính thức đến dân biểu Jerrold Nadler cho biết đối với Tòa Bạch Ốc, cuộc điều tra của công tố Mueller coi như đã chấm dứt, không có chuyện điều tra lại cuộc điều tra gì hết, và Tòa Bạch Ốc sẽ từ chối tất cả mọi đòi hỏi về tài liệu, nhân chứng, bằng chứng mà Hạ Viện đưa ra. Ông Cipollone nhắc lại Hạ Viện là cơ quan làm luật chứ không phải là cảnh sát đi thi hành luật –law enforcement body-, trong khi việc truy lùng những tài liệu về cuộc điều tra không nhằm một mục đích ‘làm luật’ nào hết, mà chỉ là những tấn công chính trị -political attacks-.
Báo Washington Post tố ngay Tòa Bạch Ốc đã có hành động leo thang, trầm trọng hóa cuộc chiến. WaPo không nghĩ rằng việc Hạ Viện yêu sách đủ thứ sau khi công tố Mueller kết luận ‘vô tội’ mới chính là hành động leo thang chiến tranh.
Trong khi đó, bộ trưởng Tài Chánh Mnuchin cho biết việc Hạ Viện đòi coi giấy thuế của TT Trump sẽ phải do tòa án quyết định, vì đây là vấn đề diễn giải luật hiện hành như thế nào, và ông sẽ chấp nhận phán quyết của tòa. Có lẽ ý ông muốn nói… Tối Cao Pháp Viện.
Tuần vừa qua, GS Jonathan Turley của đại học George Washington, một chuyên gia về Hiến Pháp, điều trần trước Hạ Viện, đã nói nếu Hạ Viện kiện ông Barr ra tòa về tội không nộp nguyên văn báo cáo của công tố Mueller thì Hạ Viện sẽ đau đầu nặng – a world of hurt- vì Hạ Viện sẽ thua kiện. Theo GS Turley, những đoạn ông Barr bôi đen là những đoạn theo luật hiện hành không thể tiết lộ được, kể cả cho quốc hội, do đó ông Barr đã hoàn toàn làm đúng theo luật. Hạ Viện không thể ép ông Barr vi phạm luật rồi kiện ông vì ông đã không nghe theo.
GS Turley cũng cho biết Hạ Viện không có căn bản pháp lý để thưa kiện TT Trump về việc ông đã viện dẫn ‘đặc quyền của Hành Pháp’ vì cuộc điều tra của công tố Mueller là điều tra nội bộ của bộ Tư Pháp, không giống như trong vụ Monica là những cuộc điều tra của công tố độc lập Ken Starr do quốc hội yêu cầu ba vị quan tòa bổ nhiệm.
Trong vụ này, cựu thứ trưởng Tư Pháp, ông Rosenstein đã nói chuyện với hội luật gia Mỹ. Ông cho biết trong thời điểm đó, ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc bổ nhiệm công tố đặc biệt để điều tra vụ Nga can dự, ý muốn nói áp lực chính trị quá lớn sau khi TT Trump giải nhiệm ông Comey. Ông cũng công kích ông Comey bây giờ đã trở thành quá phe đảng, vì mục đích bán sách và đi nói chuyện có thù lao.
TTDC TIẾP TỤC ĐÁNH TRUMP
Báo phe ta Washington Post mới viết một bài khá dài công kích TT Trump. Theo WaPo, TT Trump đang dùng đủ mọi chiêu thức chống lại các cuộc điều tra của quốc hội, kiểu như không cho nhân viên ra điều trần, không cung cấp tài liệu, không hợp tác với các ủy ban điều tra.
WaPo nhận định đây là một tình trạng cực nguy hại, đe dọa uy tín và quyền hạn của quốc hội, là một định chế độc lập được thừa nhận đầy đủ thẩm quyền trong chế độ ‘tam quyền phân lập’ của thể chế dân chủ Mỹ.
Nghe cũng có vẻ hợp lý, cho đến khi tỉnh táo ngồi nghĩ... ‘trái chiều’ lại.
Sau khi mưu toan ‘đảo chánh’ qua những tố giác thông đồng với Nga thất bại, Hạ Viện bây giờ tung ra tới 20 (vâng, hai chục!) cuộc điều tra về chính quyền Trump, một chuyện chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử chính trị Mỹ. Thế thì những toan tính này có nguy hại không? Có hậu quả là hại uy tín và quyền hạn của tổng thống, cũng là một định chế độc lập được thừa nhận đầy đủ thẩm quyền trong chế độ ‘tam quyền’ của thể chế dân chủ Mỹ không? Hạ Viện có tôn trọng trách nhiệm hiến định của hành pháp không? Có tôn trọng lá phiếu của dân Mỹ không?
Phe cấp tiến nói chung và TTDC nói riêng dường như chuyên môn cái nghề vừa ăn cướp vừa la làng.
Washington Post viết một bình loạn dài, cảnh giác phe DC đang rớt vào bẫy của Trump khi hung hăng đòi biểu quyết ông Barr khinh thường Hạ Viện. Theo WaPo, TT Trump là chuyên gia xách động dư luận quần chúng. Thay vì để ông Barr ra điều trần trước Hạ Viện một cách bình thường và bảo đảm ông sẽ thắng lớn vì không ai nghĩ các luật sư hay phụ tá hỷ mũi chưa sạch của các dân biểu DC có thể làm khó dễ ông Barr, TT Trump đã ra lệnh không cho ông Barr ra điều trần, lại viện dẫn đặc quyền của hành pháp –executive privilege- để bất hợp tác toàn diện với DC, khiến cho khối DC nổi điên, ra trát tứ tung rồi hô hào đàn hặc loạn lên, rơi vào bẫy của ông.
Nếu WaPo không quá tự cao tự đại, thì cũng đã nhìn thấy ngay cả TTDC nói chung và WaPo nói riêng cũng đã rơi vào bẫy của TT Trump ngay từ mùa vận động tranh cử năm 2016, đã ‘quảng cáo miễn phí’ cho Trump trong suốt cả năm trời, phần nào giúp ông Trump đắc cử. Và ngay bây giờ, cũng đang tiếp tục mỗi ngày đưa tên ‘Trump’ lên hàng đầu của mọi tờ báo và đài TV, giúp TT Trump củng cố hình ảnh một ‘nạn nhân’ của phe cấp tiến cuồng điên muốn phủ nhận kết quả bầu cử hợp hiến, kích động khối cử tri của ông.
CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH VỚI TRUNG CỘNG
Cuộc chiến Mỹ - Trung Cộng về vấn đề mậu dịch bất ngờ leo thang mạnh.
Tuần trước, TT Trump tố TC lật ngược thái độ, xóa bỏ những thỏa thuận đã đạt được trong cả năm điều đình. Ông ra lệnh trừng phạt, tăng thuế quan từ 10% lên tới 25% trên hàng nhập cảng từ TC trị giá 200 tỷ đô, và sẽ tăng thuế quan trên hàng trị giá 300 tỷ đô nữa nếu TC tiếp tục không chịu thỏa hiệp. Một tuần sau, TC đáp lễ bằng cách tăng thuế quan từ 5% tới 25% tùy loại hàng, trên hàng nhập cảng từ Mỹ trị giá hơn 60 tỷ đô, phần lớn hàng nông nghiệp.
Cũng có tin vì không đủ hàng Mỹ để tăng thuế quan trả đòn, có thể TC sẽ trả đũa bằng cách bán tháo một số công khố phiếu của Mỹ, khiến những phiếu này mất giá trên thị trường. Việc này là con dao hai lưỡi. Bán tháo sẽ làm mất giá công khố phiếu thật, nhưng TC sẽ là người chịu lỗ đầu tiên, chẳng những ‘mua cao bán thấp’ mà lại mất nguồn đầu tư an toàn nhất thế giới. Trong khi Mỹ chẳng thiệt thòi gì, vì công khố phiếu TC bán ra sẽ có người khác mua, chỉ là chuyện đổi chủ thôi. Thực tế, cùng lắm, TC chỉ có thể bán một ít, có tính tượng trưng thôi. Càng bán nhiều càng thiệt cho chính mình.
Đòn mới nhất: TT Trump ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn trương bảo vệ ngành thông tin Mỹ chống gián điệp ngoại bang chui vào phá rối hay ăn cắp kỹ thuật. Trên nguyên tắc là sắc lệnh chung chung, nhưng ai cũng hiểu nhắm thẳng vào TC.
Trong khi đó, chủ tịch Tập phán đây là “chiến tranh nhân dân”! Hiển nhiên đây là thông điệp mì xào cho dân Tầu ăn chứ TT Trump và dân Mỹ đâu có biết ‘chiến tranh nhân dân’ là cái chi chi đâu.
Các chuyên gia kinh tế vẫn mù mịt không hiểu rõ Mỹ và TC đồng ý hay đánh nhau về những điều khoản nào, chỉ biết có ba vấn đề chính đang được thảo luận là 1) Nhà Nước TC trợ cấp hàng xuất cảng đưa đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, hàng TC rẻ nên Mỹ nhập cảng nhiều; 2) Nhà Nước TC trợ giá hối xuất đồng Nguyên, đưa đến tình trạng giá đồng Nguyên hoàn toàn ‘nhân tạo’, không thực tế; và 3) TC ‘ăn cắp’ tài năng trí tuệ của Mỹ (các chuyên gia ước tính TC ăn cắp kỹ thuật Mỹ trị giá khoảng 600 tỷ đô mỗi năm).
Không ai biết được cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu, có những hậu quả như thế nào, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng vì vấn đề quá lớn, hai bên khó kéo dài cuộc chiến có hại cho cả hai, nên có nhiều triển vọng trong khi hai bên công khai ‘hét giá’ thì trong hậu trường vẫn có những thương thảo thực tế hơn và cuộc chiến sẽ không kéo dài quá lâu.
Trước tình trạng bi quan này, các doanh gia Mỹ và cả thế giới đều lo sợ và hoang mang. Thị trường chứng khoán rớt như sung rụng trên khắp thế giới hai tuần qua. Thứ Hai đầu tuần rồi, Dow Jones đã rớt ngay hơn 600 điểm (2,5%). Tới Thứ Sáu, 17/5/2019, Dow Jones đã phục hồi lại phần lớn, rớt có 230 điểm trong tuần. Phục hồi vì TT Trump đã cho biết việc tăng thuế quan trên 300 tỷ hàng nhập cảng từ TC còn lại sẽ được hoãn 6 tháng trong khi chờ đợi hai bên tiếp tục điều đình.
Thật ra, ai cũng biết TC là mối đe dọa lớn nhất cho tất cả thế giới vì giấc mộng bá quyền của các lãnh tụ đỏ, TT Trump chỉ là vị lãnh đạo đầu tiên hay duy nhất đã dám công khai đứng lên cản lại, cho dù ai cũng biết đây không phải là chuyện dễ làm. Vì sức mạnh kinh tế thực sự của TC, cuộc chiến chống TC chắc chắn sẽ gây thương vong cho cả hai bên. Về phiá Mỹ, giới nhà nông các tiểu bang miền trung và tây nước Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là do TC cố tình đánh vào khối cử tri của TT Trump để ông mất hậu thuẫn tại những tiểu bang thành trì của CH.
Nói chung, Mỹ có ít nhất ba lợi thế:
- Kinh tế TC lệ thuộc khoảng 50% vào xuất nhập cảng, việc tăng thuế quan trên hàng xuất hay nhập cảng đều sẽ có hại lớn, giải thích tại sao thị trường chứng khoán TC đã bốc hơi cả 5.000 tỷ đô. Trong khi xuất nhập cảng chỉ tác động trên 10% kinh tế Mỹ.
- Mỗi năm, Mỹ nhập xấp xỉ 5-600 tỷ đô hàng TC trong khi TC chỉ nhập cảng khoảng 100 tỷ đô hàng Mỹ, hay nói cách khác, Mỹ có thể tăng thuế quan trên hàng TC trị giá gấp 5-6 lần số hàng TC có thể tăng thuế quan để trả đũa.
- Cuộc chiến mậu dịch với TC được cả thế giới công khai hay âm thầm ủng hộ, ngay cả đảng đối lập DC cũng ủng hộ. Thượng nghị sĩ Schumer, lãnh tụ khối thiểu số DC tại Thượng Viện đã công khai ủng hộ chính sách đánh Tầu cộng của TT Trump. Các ứng cử viên tổng thống DC, chưa một người nào dám lên tiếng chỉ trích TT Trump về cuộc chiến này.
Đó là chưa kể kinh tế TC đang chìm xuồng, cần tìm phao để khỏi chết chìm luôn trong khi kinh tế Mỹ đang bốc như diều gặp bão. Nói cho ngay, thời điểm này là thời điểm TC yếu thế nhất về kinh tế nên dễ bị ông thần Trump ‘hét giá’.
Dù vậy, vẫn có nhiều cụ tỵ nạn bị bệnh DƯT quá nặng, không nhìn thấy hay không chịu nhìn thấy mối đe dọa của bá quyền Tầu cộng, cũng chẳng hiểu cán cân mậu dịch Mỹ–TC thâm thủng hơn 500 tỷ một năm có hại cho Mỹ như thế nào, mà chỉ lo nhắm mắt đánh Trump. Lại còn đưa tin tăng thuế quan trên hàng Tầu cộng sẽ ‘giết dân nghèo Mỹ trong đó có dân tỵ nạn ta’! TT Trump tăng thuế quan trên hóa chất phó sản của dầu lửa, và các máy móc mà TC sản xuất bằng cách ăn cắp kỹ thuật Mỹ, chứ đâu có tăng thuế quan trên quần áo trẻ con hay tương chao xì dầu gì đâu mà gọi là ‘giết dân nghèo tỵ nạn’?
Thây kệ, với các cụ này, đánh Trump quan trọng gấp vạn lần đánh Tầu cộng, cho dù TT Trump đánh Tầu cộng sẽ gián tiếp giúp VN ta khỏi trở thành tỉnh Giao Chỉ lại.
DĐTC đã có dịp bàn qua về việc tăng thuế quan này, xin phép được đưa ra lại cái ‘link’ bài cũ (20/10/2018) để quý độc giả nào có hứng thú có thể đọc lại. Tuy bài cũ và có thể cần cập nhật (như mới áp dụng thuế quan 25% từ một tuần nay chứ không phải từ đầu năm) nhưng trên căn bản, vẫn còn đúng.
ALABAMA RA LUẤT CẤM PHÁ THAI
Tiểu bang Alabama mới ra luật cấm phá thai gắt nhất. Phá thai bị hoàn toàn cấm ngoại trừ trường hợp tính mạng bà mẹ bị trực tiếp đe dọa. Ngay cả trường hợp thụ thai vì bị hãm hay có thai với thân nhân ruột thịt –incest- cũng không được phá. Bác sĩ phá thai sẽ bị tù tới 99 năm.
Alabama ra luật này sau khi Georgia và Mississippi ra luật cấm phái thai khi tim thai nhi bắt đầu đập, sau khoảng sáu tuần thụ thai. Cho tới nay, 7 tiểu bang đã ra luật giới hạn phá thai, trong khi 12 tiểu bang khác đang cứu xét vấn đề.
Cả ba tiểu bang đều hiểu những luật này đi ngược lại luật hiện hành và sẽ bị thưa kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện luôn, nhưng đó chính là chủ ý của các tiểu bang: đưa lên tới TCPV để có cơ hội nhờ vào đa số thẩm phán bảo thủ hiện nay để thu hồi luật phá thai hiện hữu, dựa trên phán quyết gọi là Roe vs. Wade.
Phán quyết này, ra năm 1973 bởi một TCPV phần lớn do các tổng thống DC Kennedy và Johnson bổ nhiệm, cho rằng phụ nữ có quyền quyết định giữ hay phá thai theo lựa chọn của mình. Việc mang thai được phân làm ba ‘tam cá nguyệt’: 3 tháng thụ thai đầu tự do phá thai vô giới hạn, 3 tháng thứ nhì, phá thai giới hạn và có điều kiện khá khắt khe, 3 tháng chót cấm phá thai ngoại trừ trường hợp tính mạng bà mẹ bị đe dọa. Đây là luật của liên bang mà tất cả các tiểu bang phải tuân theo.
Luật này bị khối bảo thủ chống kịch liệt vì thứ nhất, có tính giết thai nhi quá dễ dãi, phản lại những giá trị đạo đức, luân lý, và tôn giáo của văn hoá thiên chúa giáo, thứ nhì, chính quyền liên bang lạm quyền, đi vào lãnh vực thẩm quyền của tiểu bang, và thứ ba, hoàn toàn không có căn bản nào trong Hiến Pháp liên bang.
Phe bảo thủ đang tìm mọi cách để TCPV thu hồi phán quyết này. Không có nghiã là phá thai sẽ bị cấm trên toàn nước Mỹ, mà chỉ là chính quyền liên bang thu hồi luật, để cho mỗi tiểu bang quyết định chuyện phá thai trong thẩm quyền của các tiểu bang, chẳng hạn như Alabama cấm hẳn trong khi Virginia có thể cho phá thai tới ngày sanh luôn.
VẤN ĐỀ IRAN
Cuộc chiến ‘võ miệng’ giữa Mỹ và Iran bất ngờ căng thẳng, đưa đến cuộc chiến ‘mài dao’, có thể đi đến đụng độ quân sự thật.
Ngay từ khi mới nhậm chức, TT Trump đã công kích thỏa ước giữa TT Obama với Iran, theo đó, Mỹ hoàn trả cả trăm tỷ tiền tài sản của Iran trước đây bị TT Carter phong tỏa và giải tỏa lệnh cấm vận thương mại với Iran, đổi lại việc Iran ‘hứa’ không tiến hành chương trình võ trang nguyên tử. Không ai không thấy đây là một trong những thỏa ước ‘cuội’ thô bỉ nhất mà TT Obama có thể ‘cho không biếu không’ cho các giáo chủ Iran, với hy vọng họ sẽ giúp ông kéo áo đám khủng bố Hồi giáo quá khích lại, cũng như giúp chính quyền Iraq ổn định chiến trường tại đây để Mỹ tháo chạy dễ hơn.
TT Trump sau đó, xé thỏa ước đó và tái lập cấm vận. Đưa đến nhiều khó khăn kinh tế lớn cho Iran như lạm phát mạnh, khan hiếm thực phẩm và thuốc men.
Iran hùng hổ phản đối, đốc thúc các đồng minh Tây Âu đã ký thoả ước cùng Obama phải áp lực Mỹ, tuyên bố tái lập chương trình võ trang nguyên tử, và đe dọa sẽ tấn công Do Thái cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng. Có tin không kiểm chứng được là hai chiếc tàu chở dầu của Ả Rập Saoud đã bị Iran bắn phá.
TT Trump đáp lễ bằng cách cho hàng không mẫu hạm tuần tra sát vùng Vịnh, và gửi B-52 qua Trung Đông. Hội Đồng An Ninh họp khẩn cấp dưới sự chủ tọa của chủ tịch hội đồng ông John Bolton, một ‘siêu diều hâu’. Theo báo New York Times, hội đồng đã nghiên cứu các kịch bản quân sự, trong đó có giải pháp gửi 120.000 quân Mỹ đi đanh Iran. TT Trump đã cải chính tin này tuy ông nhìn nhận tất cả mọi kịch bản đều đã được duyệt xét.
Vệ Binh Hồi Giáo của Iran
Phe DC và TTDC đồng thanh la hoảng, lo sợ TT Trump sẽ mang Mỹ vào một cuộc chiến phiêu lưu, vô cớ và cực tai hại, giống như TT Bush con đã đánh Iraq trước đây.
Tin giờ chót, TT Trump sẽ tiếp tổng thống Thụy Sỹ, Ueri Mauler là trung gian điều đình với Iran tại Tòa Bạch Ốc.
MÔ THỨC ĐIỀU ĐÌNH KIỂU OBAMA
Trang mạng Politico vừa khui ra một cuộc ‘điều đình’ tiêu biểu của TT Obama.
Năm 1999, 3 tên khủng bố Rwanda giết một đám du khách, trong đó có 2 người Mỹ. Chúng bị bắt và dẫn độ qua Mỹ, đưa ra tòa năm 2006, nhưng một quan tòa phán chúng... vô tội vì lời nhận tội là hậu quả của việc cảnh sát Rwanda tra tấn chúng. TT Bush từ chối không tha chúng, cứ giữ lấy cớ điều tra lại.
TT Obama nhậm chức, không làm gì hết trong tám năm. Gần ngày mãn nhiệm, không hiểu vì lý do gì, chính quyền Obama điều đình với chính quyền Úc. Theo đó, Mỹ gửi hai tên khủng bố Rwanda qua Úc (một tên hung dữ nhất, Úc không nhận), đổi lại, Mỹ sẽ nhận gần 2.000 dân tỵ nạn Hồi giáo từ Bangladesh và Myanmar bị Úc giữ tại một hòn đảo. Hai tên khủng bố qua Úc được trả tự do.
Câu chuyện TT Obama nhận đám dân tỵ nạn này có lúc đã nổi đình đám khi tân TT Trump từ chối nhận chúng, nhưng sau đó cũng phải nhận vì Obama với tư cách tổng thống đã chính thức ký văn kiện với Úc.
Câu chuyện nói lên cách điều đình tiêu biểu của TT Obama, một đổi ... cả ngàn. Chưa kể cũng không ai hiểu rõ tại sao lại có cuộc trao đổi lạ lùng này. Mỹ được lợi gì?
Nhớ lại, TT Obama cũng đã điều đình trao đổi một tá lãnh tụ cao cấp nhất của đám Taliban đổi lấy một anh lính đào ngũ Mỹ.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment