Hơn nhau ở một chỗ nằm?
... Cũng trong chuyến đi DC vừa rồi, tôi có đến bức tường đá đen tưởng niệm hơn 58 ngàn binh sĩ Mỹ đã bỏ mình trong chiến tranh VN, còn được gọi là VietNam Veterans Memorial.
Không tính trước, nhưng tôi lại đến đúng vào ngày lễ của Cha, Father day.
Buổi chiều, trời man mát, chứ không nóng bức như ban trưa (khi chúng tôi lang thang trong những viện bảo tàng).
Từ xa, tôi thấy từng hàng người bọc hết hai bức tường nối nhau hình chữ V. Và theo thông tin từ các nguồn, thì khoảng 3 triệu người đến viếng khu tưởng niệm này, mỗi năm.
Hai bức tường đá granite màu đen, có chiều dài khoảng 75 mét mỗi bức, được nối nhau.
Tên của những người nằm xuống (hay mất tích) được khắc trên 144 bảng đá hình chữ nhật. Hai bức tường được đặt thẳng xuống lòng đất. Nơi cao nhất (hai bức tường nối nhau) khoảng hơn 3 mét, và nơi thấp nhất khoảng 20 cm so với mặt đất.
Chất liệu granite đen, bóng loáng, tạo nên sự phản chiếu khi nhìn vào. Chúng ta thấy bóng mình chập choạng bên những tên người đã khuất. Quá Khứ và Hiên tại đan xen vào nhau. Có phải chăng đây là dụng ý của kiến trúc sư?
Xin nói thêm về kiến trúc sư đã tạo nền móng cho hai bức tường đá đen này. Tên cô là Maya Ying Lin. Cô đã trình bày phiên bản nhỏ của biểu tượng VietNam Veterans Memorial vào năm 1981, khi vừa mới 21 tuổi, lúc cô còn là 1 sinh viên bậc cử nhân, tại đại học danh tiếng: YALE. Mẫu kiến trúc của cô vượt hơn 1421 mẫu kiến trúc khác đã tham dự cuộc thi kiến tạo đài tưởng niệm.
Ý tưởng của cô lúc bấy giờ là tạo nên 1 không gian mở hay một vết thương trong lòng đất như 1 biểu tượng cho sự mất mát của những người lính. Nhưng biểu tượng dự thi này của cô (và đã thắng giải) cũng đã tạo ra những cuộc tranh luận dữ dội, trong đó có vấn đề xuất thân của cô là một di dân từ Trung Quốc. Cô đã phải trình bày ý kiến của mình và bảo vệ biểu tượng này trước quốc hội Mỹ. Sau đó, bức tượng Ba Người Lính mới được thêm vào trong khuôn viên tưởng niệm, như một sự đồng thuận của cô và quốc hội.
Và đến năm 2007, Vietnam Veterans Memorial của Lin được Viện kiến trúc Mỹ (Amerian Institute of Architects) đánh giá đứng hàng thứ 10 trong danh sách rất dài của America’s Favorite Architecture.
Tôi đến viếng hai bức tường đá đen này vào buổi chiều. Dọc theo chân tường, hoa và hoa. Mỗi cành hoa có kèm theo những lời viết của những người đem đến. Có người viết về Cha. Có người viết cho Ông Nội/Ngoại của mình.
Tôi đứng lặng im, đặt tay vào tường. Tôi nhắm mắt nghĩ về những người đã khuất. Tôi như nghe những tiếng gió thổi vào tường, rồi dội lại vào người tôi. Tôi nghe gây gây lạnh. Không biết, đó là gió thật của đời thường, hay gió của tâm linh, nhưng quả thật, tôi thấy người gây lạnh trong khi đang nhắm mắt.
Cứ tưởng chiều tối, sẽ rất ít người đến viếng. Tôi lầm. Từng đoàn người đến, và đi. Lại toán khác đến. Họ không chỉ đi ngang, mà đứng lại, ngồi xuống, đọc những dòng chữ gắn trên những cành hồng dưới chân tường. Và tôi cũng nghe tiếng lầm thầm, cầu nguyện.
Có lẽ, hôm nay là ngày Father day, nên hoa muôn trùng hoa, và dù chiều tối, lượng người vẫn đông như vậy? Có ai đi viếng khu này vào những dịp khác có thấy đông người không?
Tôi cảm động đến ứa nước mắt khi thấy những đôi vợ chồng trẻ tìm kiếm tên người thân (có lẽ là Ông của họ).
Có người kiếm được rồi, họ chụp hình, hoặc chỉ tay vào tên người quá cố. Có người đặt tấm giấy lên trên tên của người thân, rồi tô tên của họ vào tờ giấy trắng…. Để chi?
Tôi đứng lặng thật lâu. Tôi biết mình khóc. Nhưng những giọt nước mắt ấy đã chảy ngược vào trong.
Họ là ai mà đã nằm xuống cho tự do trên quê hương tôi?
Lê Tạo
7/2018
No comments:
Post a Comment