Tuesday, May 28, 2019

Luật cho phép để thi thể tự hủy làm phân bón


Thống Đốc Jay Inslee, tiểu bang Washington, ký ban hành luật cho phép để thi thể tự hủy làm phân bón. (Hình: AP Photo/Ted S. Warren)

SEATTLE, Washington (AP) — “Tro về với tro, người về với đất” câu nói vẫn thường nghe thấy về đời người nay có thêm một ý nghĩa khác, nếu bạn sống ở tiểu bang Washington.

Thống Đốc Jay Inslee hôm Thứ Ba, 21 Tháng Năm, ký ban hành một đạo luật theo đó khiến Washington trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ cho phép để thi thể người ta tự hủy làm phân bón (composting), như một giải pháp thay thế cho việc chôn cất hoặc hỏa táng.

Luật này cho những nơi có giấy phép được cung cấp dịch vụ “thu nhỏ tự nhiên” (natural organic reduction), trong đó thi thể con người, trộn lẫn với rơm rạ hay vụn cây và số lượng đất đầy khoảng hai xe đẩy, rồi được để cho phân hủy trong vài tuần lễ.

Những người thân của kẻ quá cố sau đó sẽ được phép giữ số đất này để rải ra, cũng như rải tro của người được thiêu xác, hoặc ngay cả dùng để trồng rau trái hay trồng cây để có bóng mát.

Cách thức này thật ra không mới lạ, vì đây là cách nông dân vẫn thường dùng để giải quyết xác thú vật chết trong trang trại của họ.

Bà Nora Menkin, giám đốc điều hành tổ chức People’s Memorial Association ở Seattle chuyên giúp người ta chuẩn bị tang lễ, nói rằng điều này “giúp cho sau khi qua đời, thi thể chúng ta vẫn còn hữu dụng và có ý nghĩa.”

Những người ủng hộ giải pháp này nói rằng đây là điều tốt cho môi trường, không như hỏa táng, vốn sẽ thải ra chất thán khí và các bụi nhỏ lên không khí; hay như cách chôn cất truyền thống sẽ chiếm diện tích đất đang ngày càng ít đi.

Nghị sĩ tiểu bang Washington, ông Jamie Pedersen, người bảo trợ đạo luật này, nói cách việc để tự phân hủy này là một giải pháp tốt trong các thành phố, nơi đất đai dành cho nghĩa địa hiện đang rất hiếm.

Ông Pedersen nói rằng ông gặp phản ứng mạnh mẽ từ những người chống đối, gọi đây là điều bất kính với người quá cố, hoặc là quá ghê rợn.

Ông Edward Bixby, chủ tịch tổ chức Green Burial Council, có trụ sở đặt tại thành phố Placerville, tiểu bang California, gọi đây là một ý kiến “đáng quan tâm”, nhưng còn phải chờ xem sự đón nhận của dân chúng như thế nào. (V.Giang)

No comments:

Blog Archive