Sunday, May 12, 2019

Truyện chàng Sáu Tửng.

Phỏng tác  của Từ-Sơn. 

MỘT

1/ Cổ  nhân đã có câu: “Khôn không qua lẽ, khỏe chẳng qua lời “.  Vâng dù cho khôn lanh, xoay trở cách mấy. Dù cho có sức lực cử đỉnh, bạt sơn  dàn trời thì rồi cũng không qua được lẽ phải, không thắng được luân lý ở đời. Người xưa đã lấy kinh nghiệm xương máu, để dạy lại cho con cháu, nếu không đúng mười phần, thì ít ra cũng có bảy, tám phần không trật.  Ấy vậy, với Sáu Tửng, câu trên  sai bét! .  Hăn cứ khăng khăng với mấy thằng bạn nối khố của hắn là: “Cái câu đó, có thể trúng với tụi bay thôi, còn với tao, trật lất!”  “Bộ kinh nghiệm của mày hơn ông bà sao?” Một thằng cự hắn “Thì tao đã nói là, chỉ với tao, câu thiệu đó tào lao, chớ tao có nói trường hợp của tụi bay đâu.  Bay cự tao, lại càng trật ác! Theo tao, câu đó phải sửa lại  là: Khôn không qua khỏe, Lẽ chẳng qua quyền mới đúng!”

“Thằng Ba trợn!” Bạn bè thêm cho nó cái tên nữa! Nói đi thì cũng phải nói lại, trong cuộc sống, Sáu Tửng gặp không ít chuyện thua thiệt, tréo cẳng ngỗng, khiến hắn bất mãn, hận đời!  này nhé: Sáu Tửng sinh ra vốn nhỏ thó. Cao chỉ có một thước bốn mươi chín chớ không được thước rưỡi mới có chuyện. Đã lùn, lại ốm yếu.  Ốm yếu thôi không đủ, học hành chậm lụt, kém cỏi hơn ai hết thế mới hại đạn!  Nhà hắn ở khu “Di Cư”.  Gọi là khu “Di Cư” vì người dân sống ở đây  đa số là người miền Bắc  di cư năm 1954 vào ở.  Tại đây, chính phủ xây một số nhà bán rẻ cho những người chân ướt, chân ráo  vì sợ Việt Cộng bỏ nhà cửa, ruộng vườn ở miền Bắc, vào Nam lập cuộc đời mới. Khu nhà mới xây này, tiếp giáp với khu nhà của người Hoa có trước, cạnh Nhị tì  Quảng Đông. Khu Di Cư duy nhất chỉ có con đường chính theo hướng Đông-Tây.  Cổng Đông trổ ra  Trường Đua ngựa.  Cổng Tây chạm Nhị tì của Tàu.  Dân tình đa số là công chức.  Một số buôn bán, thêu thùa may vá.  Khu có môt cái chợ, một nhà thờ Thiên chúa giáo, một hồ tắm  nhưng khô queo.  Chưa có vụ trộm cắp hay án mạng nào xảy ra, thay vào đó, vài việc lộn xộn nhỏ do mấy cậu con trai  mới lớn, thích làm “anh hùng” giật le với gái trong xóm, sẵn sàng đánh lộn nếu có kẻ nào dám “kên sì po”.  Trấn ngay cổng Tây là nhà của anh chàng Vượng.  Anh là lính gì không biết, thấy anh hay mặc quân phục rằn  ri. Anh Vượng không “đô con” lắm nhưng có bắp thịt.  Anh thường ở trần, mắt lúc nào cũng gườm gườm, đi đứng khệnh khạng.  Chiều chiều, anh bắc ghế ngồi trước nhà hóng mát, dưới chân, lăn lóc cặp tạ đúc xi măng, hai đầu tạ tròn to như hai bánh xe Renault bốn ngựa! Thanh niên, con trai trong xóm có việc đi qua, thấy ảnh ngó lom lom, vội cúi đầu, rảo bước đi cho khuất mắt.

Năm Sáu Tửng mười lăm tuổi, học Đệ Lục.  Trời xui, đất khiến thế nào, thằng con lại  yêu cô hàng xóm-Cô Thục, con gái Út ông Ba Hương.  Ông Ba Hương với ông già Sáu Tửng vốn dĩ là bạn đồng môn mấy chục năm trước, còn bây giờ hai ông lại làm cùng một Sở, nên hai nhà có dịp qua lại.  Út Thục rất xinh đẹp, ngoan hiền và học giỏi.  Cổ học Đệ Thất Trường Trung Học Trưng Vương. Chả biết Út Thục có lòng nào tơ tưởng đến Sáu Tửng không, chớ cu cậu ngày đêm chết mê, chết mệt cổ!  Ngặt cái, là nhà Út Thục ở gần nhà ông Vượng, cho nên, dù nhớ Út Thục cách gì, Sáu Tửng cũng chẳng dám bén mảng đến khu đó.  Có lần, cả tuần không thấy bóng dáng Út Thục đi qua, Sáu Tửng bày đặt “tương tư sầu”, chịu đời không thấu, lén qua nhà cổ, nghe ngóng tình hình.

- Ê nhóc con! Lại biểu mày!

Sáu Tửng nghe tiếng, giật bắn mình như điện giật, tính co giò chạy thì một bàn tay như kềm, nắm chặt cổ áo kéo lại:
- Ê! Biết tao là ai không? Vượng trợn mắt hỏi.

2/ Sáu Tửng líu lưỡi:
- Dạ. . . Không. .
- Tao là Ông Vượng... là ông cố nội mày, biết chưa? Ai cho mày tới đây? Ăn trộm hả? Cút xéo!

Sáu Tửng vừa đi vừa tức ói máu, đành ôm hận mà về. Cũng từ đó, Sáu Tửng cạch không dám lai vãng đến khu nhà của người đẹp nữa. Con đường đi về hướng tây cũng bỏ luôn.  

Cổng Trại hướng Đông có Trạm Sách Báo. Trạm được lập ra để giúp cho đồng bào trong xóm có Báo mới đọc mỗi ngày.  Ngoài Báo Chí, Quận còn trưng bày hình ảnh hoạt động của  nhân viên chính quyền các cấp. Trạm cũng có một máy thâu thanh, thỉnh thoảng tiếp vận tin tức của Đài Phát Thanh Sài Gòn và Đài Quân Đội. Trạm này là mặt tiền của một căn nhà, nhường cho Quận thuê, nên đôi lúc, người trong nhà vẫn đi ra, đi vào. Trong nhà cũng có một ông lính tên Thơm khoảng 20, 21 gì đó. Ông Thơm môi dầy, răng hô, mắt ông lúc nào cũng hấp him, kèm nhèm.  Ông này cũng dữ dằn không  kém ông Vượng.  Sát ngay trạm Báo, là tiệm may Y- Phục phụ nữ.  tiệm có 3, 4 cô thợ may, làm việc từ sáng sớm cho đến 7, 8 giờ tối, nhiều khi trễ hơn nhất là nhằm vào các dịp  lễ Tết và Giáng Sinh.  Mấy cô thợ còn rất trẻ.  Trong nhóm, có cô Qui rất xinh gái, mấy anh đi ngang, thường lén nhìn và có đôi lần, cổ cũng cười duyên đáp lại.  Sáu Tửng hay tới trạm để đọc Báo cọp vì hắn đang mê truyện dài kiếm hiệp” Lệnh Xé Xác”.  Nhà hắn mua báo Tự Do không đăng truyện này. Mỗi lần đến, gặp ông Thơm thì hắn nản chí vô cùng. Nhiều bận, hắn phải rình rập đôi ba lần, khi không thấy bóng dáng “con khỉ đột” hắn mới lẻn vào đọc vội.  Trong xóm, hắn chơi với thằng Mười  cũng đỡ đỡ.  Thằng Mười đẹp trai, con nhà khá giả, có chiếc xe máy “Sachs” thỉnh thoảng chở  hắn đi ăn bò viên, uống si rô đá nhận... Thằng Mười lại đang đá lông nheo với cô Qui mà hình như cổ cũng khoái nó nữa.

Một hôm, Sáu Tửng quen thói, đến trạm đọc sách, tính vô đọc báo cọp, nhìn trước ngó sau, vừa bước vào, chưa kịp cầm tờ báo, thì nghe tiếng nạt như sét đánh:
- Ê thằng nhóc!  Ra khỏi đây ngay!
- Ơ…   Ơ...!
- Không ơ, a gì hết! Ra khỏi đây mau! Mày là bạn thằng Mười hả?Tao đập cho mày một trận để mày kêu nó lại binh mày!

Vừa nói, hắn vừa nhào tới, đấm đá Sáu Tửng tơi bời hoa lá. Sáu Tửng chống cự một cách yếu ớt rồi bung chạy về nhà, mặt mũi, áo quần bèo nhèo như cái mền rách! Sáu Tửng hận mình nhỏ con, ốm yếu quá nên bị chúng ăn hiếp, bắt nạt đủ đường. Một bữa, coi lại chồng hình ảnh cũ của gia đình, Sáu Tửng tìm thấy bức ảnh chụp ông, bà nội hồi còn trẻ. Ông nội cao lớn, dềnh dàng. Tay chân gân guốc, chắc nịch. Nhìn sang bà nội, hỡi ôi! Như đứa con nít đứng cạnh. Cỡ này, chắc chỉ thước ba, thước tư là cao! Thôi rồi! Hèn chi con cháu cao nhất, đo  đúng thước rưỡi! Thước rưỡi là do bà già Sáu Tửng vớt vát chút đỉnh, chớ nếu không, chắc nhập gánh xiếc! Sáu Tửng cầm ảnh ông nội lên mà khóc: “Ông nội ơi! Chuyện ông nội thương yêu  bà nội là chuyện riêng của ông nội, nhưng mà trước khi yêu, cũng phải nghĩ đến con cháu nữa chớ. Ông chỉ biết ông mà quên con cháu, nên con cháu đang phải lãnh cái búa tài xồi đây nè!

Đang lúc “tứ bề thọ địch-  tiến thối lưỡng nan” thì được tin thằng khỉ đột Vượng đụng xe bị thương. Sáu Tửng mừng hết lớn.  Sau khi dò tìm tin tức đàng hoàng, chắc ăn, thằng con đạp xe qua nhà nàng, thăm nom, nghe ngóng. Vòng tới, de lui cầu cả chục lần, mà sao vắng hoe vậy nè!  Sáu Tửng làm gan đến gần nhà, thì cửa mở, một người, hai người bước ra: lạ hoắc!  “Ai vậy kìa!” thêm một thằng trai cỡ tuổi Sáu Tửng quét quét, chùi chùi. Chết cha!  người đẹp đã dọn đi chỗ khác rồi!  Đi đâu vậy trời? Đi mà không nói với nhau một tiếng thì biết đâu mà tìm? Thằng con lủi thủi đi về mà lòng 3/buồn tê tái.  Sực nhớ đến thằng bạn cùng lớp, con bà Giám thị trường Trưng Vương, em gái nó cùng lớp với Út Thục.  Sáu Tửng đến tìm:
- Nga ơi!  Làm ơn giúp tớ!  Chắc tớ chết quá!

- Chết đi! Sống chi cho chật đất.

- Tớ bao một chầu cine'  Lê-Lợi. Nó đang chiếu “La valse dans  l'ombre”.

- Dẹp đi!  Tao không thích phim buồn.  Tao thích “Vacances Romaines”.  Giờ mày muốn gì?Nói đi! Chuyện con Thục  hả? Nó làm sao?

-  Cho tớ xin một tấm ảnh của Thục.  Làm ơn đi...

- Mày gặp nó mà xin thẳng nó.  Mày sợ nó dữ vậy sao?

- Làm ơn đi mà... năn nỉ đó… làm ơn đi.. .

Rồi Thu qua, Đông tới. Xuân hết, Hè sang. Ngày tháng thoi đưa.  Thi cử bài vở không lo, chỉ thở ngắn than dài, đứng ngồi bứt rứt. Có cái bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp mà Sáu Tửng nhai hoài nuốt không đặng.  Chiến sự bùng nổ khắp nơi.  Việt Cộng phá hoại tứ phía.  Đắp mô đường đi, giật mìn xe đò. Pháo kích Nhà Thương, Chợ búa, Trường Học. Ám sát, bắt cóc,... Không chừa thủ đoạn đê tiện phá hoại nào không làm.  Lệnh Tổng Động viên ban hành, Sáu Tửng xanh mặt. Có người mách nước, mai mốt nhập ngũ, có bằng chuyên môn, đỡ vất vả. Đỡ vất vả có nghĩa là đỡ. . chết! Thôi thì bằng “Trí  óc “không có, ta đi kiếm bằng “tay chân”. Sáu Tửng vào học Trường Dạy lái và Sửa chữa Xe Hơi.  Nghề nào cũng nghề “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.  Học tập hơn một năm, Sáu Tửng ôm bằng Lái Xe hai dấu, thêm chứng chỉ sửa chữa Xe Hơi dằn bụng.  Ngày vừa tuổi lính, Sáu Tửng thanh thản “Biệt Kinh Kỳ” đưa đời vào một ngã rẽ. . .

                                                                      *
                                                                *          *

- Giơ tay lên!  Giơ tay lên!

Rốp!.. Rốp!... Tiếng kéo “cơ bẩm” vang lên khô khốc.
- Đưa hết giấy tờ, tư trang ra mau!

Trước mặt Sáu Tửng là một toán Bộ đội Bắc Việt, súng kè kè bên nách, quát tháo  nạt nộ những người vừa bị bắt từ trên  xe, trên đoạn Cát Lở - Vũng Tàu.

Một tên lính Bắc Việt nhanh nhảu, lục soát tất cả các túi trên người của Sáu Tửng, lấy ra cái ví nâu sậm. Mở ví, hắn tìm được mớ giấy tờ tùy thân và tiền để trên bàn, trước mặt tên chỉ huy của hắn. Tên Chỉ huy nhón tay lùa tiền vào ngăn kéo, soạn tiếp các giấy tờ còn  lại.
- Lính ngụy hả? Trung Sĩ hả?

Cầm tờ giấy khác hắn hỏi:
- Cái này là cái gì? Bằng lái Quân Xa là cái gì?

Sáu Tửng đáp;
- Là bằng lái xe Quân Đội.

Hắn lẩm nhẩm:
- Bằng lái Quân Xa là bằng lái xe quân đội.  Còn Chứng Chỉ tại ngũ là cái gì?

- Giấy chứng nhận là lính.

- Tại sao không ghi giấy chứng nhận lính cho dễ hiểu.  Khó bỏ mẹ!

Những ngòn tay dùi đục của hắn moi móc bên trong các ngăn ví, cuối cùng rút ra tấm ảnh bán thân của người con gái.  Hắn ngoẹo đầu, vẹo cổ ngắm nghía bức hình, toe toét;
- Vợ  hả?

Nhìn bộ dạng quê mùa, thô lậu của tên Cộng Sản, Sáu Tửng tức lộn máu, trả lời bằng cái lắc đầu.
- Nhân tình hả?

4/ Sáu Tửng im lặng.  Hắn nham nhở:
- Đẹp quá! Nhà ở đâu hả? Có gần đây không?

Thứ mày xách dép cho cổ cũng không được. Đừng có mà mơ, con!

Tên Việt Cộng đưa tấm ảnh cho Sáu Tửng rồi bất thần rút nhanh lại và bằng cử chỉ hết sức thô bạo, cực kỳ vô giáo dục, xé nát tấm hình thành nhiều mảnh nhỏ, và vứt xuống đất.  Sáu Tửng nhìn theo hắn muốn tóe máu mắt.
- Dẫn nó đi nhanh lên!

Tên Bộ đội thúc báng súng vào lưng Sáu Tửng, đẩy lên xe. Trên xe cũng đã đầy nhóc những người bị bắt.  Chiếc xe hực lên mấy tiếng rồi lăn bánh.  Quốc Lộ 15 hun hút.  Núi lớn Vũng Tàu mờ sương lam rồi khỏa dần vào bóng tối.  Mộng vượt biển không thành.  Đời Sáu Tửng rồi đây lênh đênh, trôi vào bến bờ vô định mới.

HAI

Căn phòng rộng cỡ Rạp hát Quốc Thanh, Sài gòn đèn đuốc sáng trưng, người ngồi chật ních, chật nác.  Thôi thì đủ mầu da, đủ mầu tóc. Đối diện là  một dãy ô cửa đánh số từ 1 cho đến 6. Mỗi ô cửa đều có một cánh cửa lớn sát cạnh đóng kín. Lâu lâu, một người hiện ra từ ô cửa, cầm giấy gọi tên, và người được gọi, bật dậy như lò so, bươn bả chạy lên. Hai người trao đổi với  nhau chút ít, gật gật gù gù, cánh cửa được mở ra, và hai người dẫn nhau vào trong.

Sáu Tửng nhấp nhỏm như ngồi trên lửa, chốc chốc lại nhón người lên, nghển cổ nhìn vào mấy ô cửa sổ, để tìm một tiếng gọi. Tay thì nắm chặt tờ giấy báo của Sở Xã- Hội, trong đó có một câu, mà mỗi lần đọc, ruột gan bừng lên như lửa đốt: “Xin thông báo để ông/bà rõ.  Chúng tôi chưa nhận được báo cáo của ông/bà tháng này.  Nếu đến ngày... mà ông/bà không gửi báo cáo  thì trợ cấp của ông/bà sẽ bị ngưng lại.  Nếu ông/bà muốn được trợ cấp tiếp tục thì phải có cuộc hẹn phỏng vấn...

Đây là lần thứ hai, Sáu Tửng bị cái nạn này.  Chả biết mấy ông “Bưu-  Điện” làm ăn thế nào, mà thỉnh thoảng mình lại bị giật gân tệ lậu như thế. Người ta cứ khen Bưu Điện Mỹ là số một, nhưng gặp cái mửng này thì phải coi lại.  Hơn mười giờ rồi sao chẳng thấy tăm hơi gì cả vậy nè!  Bốn tiếng đồng hồ chờ rồi chứ có phải ít đâu. Thôi kệ...

Đến Mỹ được hơn bốn tháng. Hai vợ chồng và hai đứa con được trợ cấp mỗi tháng 600 đô tiền mặt, 200 đô phụ cấp thực phẩm và một phiếu trợ cấp Y-tế. Tháng nào chi gọn cho tháng đó.  Chính phủ tính sát nút không sai!

Đúng là Trời, Phật phù hộ.  Việc định cư tại Mỹ của gia đình Sáu Tửng là cả một việc ngoài sự tưởng tượng. Thật vậy, chương trình định cư chỉ dành  cho các tù nhân cải tạo. Mà tù nhân cải tạo là những Công chức, Quân Đội, Cảnh Sát - những người có chức vụ cao, cấp bậc cao, vì chỉ có những người này mới phải đi tù. Sáu Tửng là Hạ sĩ quan, tài xế làm sao được hưởngđặc ân đó? Số là như vầy:

Một ngày sau khi Cộng Sản chiếm Thủ Đô Sài gòn, Sáu Tửng cùng một số bằng hữu, rủ nhau đi Vũng Tàu, lấy ghe ra khơi, vì tin tức từ Đài BBC cho biết, các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ, vẫn còn cách bờ ba cây số, chờ vớt các người tị nạn. Tới Cát Lở, các xe đò đều bị chặn xét và bị bắt. Để chứng minh là Quân Nhân với Mỹ, Sáu Tửng giữ nguyên giấy tờ tùy thân.  Dân thường chúng thả.  Sáu Tửng bị nhốt tại nhà tù tỉnh Phước Tuy. Trong  bản Tự Khai, Sáu Tửng viết ở phần chức vụ: “Tài xế  Yếu Nhân”.  Bọn Cộng Sản Bắc Việt, chữ nghĩa kém cỏi, thấy ghi “Tài xế Yếu nhân” thì tưởng là nhân vật quan trọng, mừng húm tống ngay vào tù, xếp vào hạng ác ôn, nên Sáu Tửng mới được biết miền Bắc Xã Hội 5/chủ nghĩa, lãnh một phát năm năm tù! Trong cái rủi, Sáu Tửng được cái may như chuyện ông già mất ngựa ngày trước! . .

- Tung  nguyen!  Tung   Nguyen!  Window two please. . .
- Dạ!  yes!   

Nghe gọi, Sáu Tửng mừng quá “Dạ, yes” rối rít, bay như chim lên ô cửa số hai.  Một bà người Việt đứng chờ.  
- Dạ thưa bà, tôi là Tung  Nguyên.

Người đàn bà gật chào:
- Chào chú. Chúng tôi đã nhận được báo cáo của chú rồi.  Cám ơn chú.  Chào chú.

Dứt lời thì bóng nàng cũng biến nhanh khỏi ô cửa gọi.  Sáu Tửng há mồm định nói câu cám ơn, cũng không kịp, liếc nhìn đồng hồ treo trên tường: 11giờ  40!

Sáu Tửng vội vã ra trạm xe Bus, đón xe về nhà.  Mọi việc đã  xong, lòng vui như mở hội.  Tháng tới vẫn có trợ cấp, vẫn có phiếu đi khám bệnh. Mừng quá quên đói. Xe đến chung cư thì dừng. Sáu Tửng bước xuống, băng qua đường.  Phía bên kia, chiếc Bus ngược chiều cũng đang thả khách.  Vợ Sáu hân hoan:
- Em đi xin “food bank”.  Bữa nay có cổ, cánh gà nên nhiều người đến, chờ lâu quá.  Còn anh thì sao?

- Thì cũng như lần trước.

- Xin đồ xong, mấy bà rủ nhau ghé chợ mua bánh chưng, mua mứt và. . ăn phở. Tuần sau Tết rồi.  Em không dám ghé đâu hết... Em về.

Sáu Tửng quay mặt đi, lau nhanh hai hàng nước mắt:
- Các con sắp đi học về.  Tết này mình cũng không có gì cho chúng nó.  Tuần tới, anh đi làm.  Làm vệ sinh cho trường học, làm  ban đêm mười đồng một giờ.  Mình phải đi làm, không thể phụ thuộc vào trợ cấp mãi được. .

- Em cũng thế. Trợ cấp không đủ đâu vào đâu. .

*
*           *

Vợ chồng Sáu Tửng đến trước nhà hàng Bồng Lai thì nắng chiều cũng vừa tắt.  Khu đậu xe còn trống nhiều chỗ. Ngay lối vào, năm sáu người, lớn, nhỏ, trai, gái  quần là, áo lượt lui, tới lăng xăng. Đàn  ông, con trai complet, ca vát.  Các bà các cô áo dài, váy đầm, phấn tô, son điểm, rộn rã tưng bừng.

Trụ ngay cổng vào, Chú rể và  Cô dâu xúng xính áo quần, hoa ôm khăn đội trang trọng thập phần, ưu ái đón khách.
- Mời cô chú!   Chú đứng bên này, cạnh chú rể.  Cô đứng bên kia, cạnh cô dâu. . . . Đó. . Đó. . .
- Chú đứng xích ra một chút. . . Cô đứng xích vào một chút. . . Đó... Đó... Dạ... dạ...
- Chú bước tới  một chút... dạ... dạ... Cô lùi lại một chút dạ... dạ... đó...
- Chú qua phải một chút xíu... vậy đó.  Cô qua trái một chút xíu.. vậy đó..  Nào.. nào chuẩn bị... Một, hai... khoan... cô tới  một tí... chú tới một tí..  Rồi!  một, hai, ba...  Dạ cám ơn cô chú đẹp quá xá quà xa!...

Vợ chồng Sáu Tửng  hú vía, bước mau ra chỗ khác, sau khi bị ông thợ chụp hình, cho tập một màn “Cơ bản thao diễn” chẳng  đặng đừng, không có trong “Thực Đơn” của lễ cưới!

Cô bé tiếp tân lễ phép chào vợ chồng Sáu Tửng và dẫn lại bàn, kéo ghế mời ngồi.

Vợ Sáu ghé tai chồng:
- Thiệp mời bảy giờ.  Mình đến bảy giờ đã tưởng trễ.  Bây giờ gần tám giờ mà khách khứa còn lèo tèo.  Điệu này chắc chín giờ mới bắt đầu quá. . .

Sáu Tửng lừng khừng:
- Già cả bao giờ cũng đến sớm.  Trai trẻ lình sình. Áo quần. . . Trang điểm. .

6/ Trên bục, ban nhạc đã sắp xếp xong.  Các nhạc công cũng đã yên vị.  Tay trống vung dùi, vẽ một vòng tròn trên không khí-  như Trình Giảo Kim quai búa ra đòn- quất một tràng dài  tựa đại liên sáu nòng khạc đạn. . . bà con quan viên xiểng niểng, bởi dàn  âm thanh  khuêch đại, gắn bốn chung quanh tường!
- Anh chị Sáu khỏe không?

Sáu Tửng đứng lên:
- Chào anh Tư.  Hôm nay, chúng tôi đến đây, trước là cám ơn anh chị còn  nhớ và có lời mời.  Sau nữa, chúc mừng cháu. . . và. . . cháu. . .

Ông Tư Bôn đỡ lời:
- Con Kelly và chồng nó, Bác Sĩ  David Trần.

Vợ  Sáu theo luôn:
- Dược Sĩ  Kelly Nguyễn thành hôn với Bác Sĩ David Trần.

Tư Bôn cười sảng khoái:
- Đại diện gia đình, cám ơn anh chị Sáu.

Ngưng một lát, không cần để khách tra vấn, Tư Bôn tâm sự:
- Tụi nó quen nhau cũng 4, 5 năm chớ có phải năm bữa nửa tháng gì cho cam. Tôi coi giò, coi cẳng thằng rể dữ lắm, mới thuận gả con Kelly cho nó, bị thằng David này, có mấy nơi mai mối cho nó mà nó không ưng. Xong đám cưới, tôi còn phải lo tiếp cho tụi nó chớ đã hết đâu!

Sáu Tửng thật thà:
- Bên nội có phụ chút chút. . .

Tư Bôn chặc lưỡi một thôi dài như thằn lằn gọi bạn:
- Anh sui tôi có phụ chút chút. . Nhưng bên bển còn kẹt hơn bên tôi nũa kìa!  Anh thằng David là Kỹ Sư Hàng Không vợ nó là Bác sĩ Nhi Đồng vừa mới sanh đứa thứ hai.  Anh chị phải tới trông cháu và nấu nướng giùm cho bọn nó. . . Con cái lớn lên tại Mỹ, chúng nó là Mỹ hết.  Nhiều khi mình muốn truyền lại kinh nghiệm của mình cho nó, thì nó lại chê mình lạc hậu, không biết gì hết. . .

Tư Bôn xuống giọng;
- Y  hệt  như mình  ngày xưa hay chê ông già mình vậy đó. . . đó!
- Dạ. . giống hệt vậy đó anh Tư!

Ông Tư than tiếp:
- Tôi bảo tụi nó kiếm cái nhà nào quanh quanh đây, để mình tiện chạy đi, chạy lại thì nó lại sang tuốt bên Bellvue chỗ khu New Castle, nhà mới cất gần năm ngàn  square feet, sáu phòng ngủ bảy bathroom.  Nhà có mấy  người ỉa, đái dâu có bao nhiêu mà “chơi” bảy cái cầu tiêu phí tiền vô ích. . Anh chị biết đó, nhà cửa khu sang trọng đó đắt gấp bốn năm lần bên này. . .
- A Lô!  phù. . . phù. . . A lô!   phù. . . phù. . một, hai, ba, bốn. . . A Lô. . một. . .

Từ cái bục thuyết trình, ông “em xi” ( MC ) thất nghiệp, chưa tới giờ hành sự, buồn tình, lâu lâu nắm micro thử tiếng:
- A lô phù. . .   phù. . .!  A lo!  phù  phù! Một, hai ba bốn. .

Đương thao thao, bị mấy tiếng “a lô phù phù” ngắt ngang, Tư Bôn ngỏ lời xin lỗi:
- Thôi chúc anh chị vui vẻ.  Tôi phải đi có chút việc.
Vừa dợm quay đi, thì một nhóm gần chục người ào tới;
- Chào anh Tư!
- Anh chị Tư khỏe không?
- Trông anh trẻ  như tài tử Hàn quốc!   

Tư Bôn bắt tay lia lịa với nhóm đàn ông và khom người như bổ củi chào mấy bà:

7/- Dạ kính chào các anh chị.  Rất hân hạnh được các anh chị đến đây hôm nay với chúng tôi.  Các anh chị ngồi bàn này đi.  Bàn này nhìn thẳng sân khấu.
Một bà đề nghị:
- Mấy ông ngồi với nhau đi.  Để chị em tụi tôi lâu mới có dịp “bà Tám”.
- Đồng ý.  Chuyện của mấy bà khác chuyện “Martel và Hennessy “.
- A lố. . .  A lô!  Xin mời ông sui Gái, lại bàn tiếp tân có người gặp. . . Xin nhắc lại. . . Mời ông sui  gái. .

Nghe gọi, Tư Bôn vội vàng xin lỗi các vị khách vừa đến, nhanh chân lại quầy tiếp tân.  Tám người còn lại, chia nhau ngồi, chuyện trò rôm rả, cười nói thoải mái, quên tuốt đi, là đã có một cặp lù lù ngồi trước.

Vợ Sáu ghé tai chồng:
- Mình kiếm bàn khác ngồi đi anh.

Sáu Tửng nắm tay vợ:
- Màn chưa kéo. Đâu đã biết tuồng gì mà lo!
- Chắc cũng “mửng” Tư Bôn.

Vợ Sáu dứt lời thì một đôi nam nữ líu ríu ôm nhau đến trước bà mặc đầm:
- Mommy, bạn gái của con đây  mommy.  Nancy   học cùng với con đó mom!

Cô gái xinh đẹp như hằng nga, nói tiếng Việt như chệt mắc nước:
- Con chào bác!  Bác có khỏe không?  Bác đẹp quá!

Người đàn bà nở nụ cười dể dãi:
- Chào cháu.  Cháu cùng học với Kevin hả?Giỏi quá!  Bà cao giọng tiếp:”  Bác Sĩ tương lai rồi.  Cháu chọn ngành nào?
- Cháu chọn ngành giải phẫu mắt.
- Kevin của bác học về tim, giải phẫu tim.  Bà nhấn mạnh” giải phẫu tim! “

Bà nói với bà ngồi kế:
- Tim và mắt học khó lắm, nhất là lại mổ nữa thì ôi thôi! . . .
- Dạ đúng vậy đó bà.  Bà biết bà Nho không? Bà Nho cũng gần xóm mình đó.  Con bà Nho cũng là Bác Sĩ Nha Khoa.

Bà cau mặt:
- Bà nói cậu ấy là Bác Sĩ “răng” à?.  Không phải Bác sĩ!  Nha sĩ  thôi!
- Dạ. . . Nha sĩ! .
- Bác sĩ học khó hơn nhiều và giá trị hơn nhiều! . . . Con gái út tôi đương học năm cuối Pham D.  Tiến sĩ Dược Khoa đấy! . . .
-  A lo!  phù phù  A Lo!  Phù phù. . một, hai, ba, bốn. . .
- Khoan! khoan! . . .  uêt!   uêt!

Từ cửa Restroom, một ông tay kéo  zipper, tay kia ngoắc  lia lịa, miệng la chói lói:
- Khoan chờ tôi lên ngay!  Tôi lên ngay giờ! Để tôi. . . Để tôi. . . tôi mới biết. . .

Ông nọ vẹt ra một bên nhường:
- Tôi nghe nói trục trặc nên coi lại máy móc và thử tiếng chứ có nói năng gì đâu!

Ông em-  xi thực thụ bắt đầu làm việc:
- Kính thưa quí vị quan khách,
- Kính thưa hai họ Trần và Nguyễn,

Đại diện cho hai họ Trần và Nguyễn, chúng tôi xin được phép thông báo, ngày hôm nay. . . . Hai họ Trần và Nguyễn tổ chức lễ thành hôn cho Bác sĩ David  Trần thứ nam của Ông bà. . . Giám Đốc Công Ty. . . và cô Dược sĩ  Kelly Nguyễn thứ nữ của Ông bà. . . Chủ tịch Hội Đồng. . . Chương trình buổi lễ như sau :

8/ Bảy giờ, quan khách đến.  Bảy giờ mười lăm, giới thiệu thành viên gia đình hai họ. Bảy giờ ba mươi, lễ tiếp đón Tân lang và Tân giai Nhân. . .

Vợ  Sáu thầm thì:
- Mình về đi anh, trễ quá rồi!

Sáu Tửng hờ hững:
- Mới có chín giờ mười lăm.
- Hai đứa ở nhà nó sợ.
- Vậy ghé Mc Donald's mua hamberger về cùng ăn với các con, cho vui.

                                                              *
                                                         *        *                          
BA 

Cô bé học trò đưa Sáu Tửng đến chỗ đặt thùng rác sơn xanh bự chảng, chỉ vào căn phòng nhỏ có ánh điện hắt ra, rồi vụt chạy ngược về lớp.  Sáu Tửng lí nhí cám ơn cô bé đoạn ngập ngừng bước tới.  Ngấp nhé một lúc, mạnh dạn bước vào.  

Dưới ánh sáng trắng toát của hai dãy đèn ống, ba người đàn ông Á-Châu  ngồi quanh chiếc bàn hình chữ nhật trắng. Người thì đọc báo, người thì chơi “Game”, có người  đang nhắm mắt lơ mơ. . .
- Chào các anh!

Không có tiếng đáp lại.  Im lặng như mộ địa.
- Chào. . . Xin chào quí anh. .

Tĩnh lặng đến nỗi, “người ta có thể nghe được tiếng động của cây kim rớt xuống. . . đất” như người Mỹ bảo. Sáu Tửng  chột dạ: “Chết mẹ, hổng phài người Việt”.
- Good. . . good. . .

Sáu Tửng vốn đã bị cà lăm, lại đụng phải tiếng Mỹ chưa thuộc hết 24 chữ cái, nên cố sức dặn ra câu chào  thì có tiếng cắt ngang :
- Thôi được rồi!  Khỏi gút ghiếc gì hết, anh ten gì?

Sáu Tửng mừng hết lớn:
- Dạ. . . dạ. Tôi tên Tửng.  Dạ  Tửng.
- Làm lâu mau rồi?
- Dạ mới bữa nay.

Mặt người đàn ông dúm lại, làm nổi lên nét nhăn của mấy nốt hoa mè:
- Tôi hỏi anh làm cho “đít tờ rít” (District) này bao lâu? Mấy năm? Mấy tháng  rồi? Ai không biết, anh mới tới trường này bữa nay.
- Dạ cũng mới đây thôi.

- Có giấy tờ gì không?

- Dạ có “bây bờ uốc” (paper work). Xin anh ký chứng nhận giùm. . .

Sáu Tửng giả lả:
- Dạ... anh ký mới có lương, dạ.  Anh là “lít” (lead)?.

Lấy tờ giấy từ tay Sáu Tửng, hắn chỉ người ngồi đầu bàn :
- “Bốt” ngồi đằng đẳng.  Ổng mới là “lít”.

- Dạ chào “bốt”.  Chào “lít”.

9/ Ông “lead” mập thù lù, tóc hớt cao, tua tủa như lông  nhím.  Mặt của “bốt” tròn như cái bánh tiêu nhưng lỗ chỗ như mảnh  đất bị bom B52.  Tờ báo trong tay “Bốt” rung lên từng hồi như dây trống đang gõ:
- “Hát ô” hay  hát dù? Làm đến ông gì rồi?

Sáu Tửng nghe hỏi, tá hỏa tam tinh. Mới vô hồi một mà “xếp” đã “chưởng “một phát tối tăm mặt  mũi thế này thì. . .
- Chắc làm “tướng” mà là tướng cướp!

Thêm một cú đá song phi bồi vào  cho trọn bộ. Bộ cái đám này có mối thù “bất cộng đái thiên “với thành phần “Hát Ô” hay sao mà chưa chi, đã phóng ra những đòn tối độc như vậy với mình? “Bốt” vẫn chưa tha:

- Anh Phác. Dẫn “ông tướng” chỉ cho ông chỗ “hành quân”.  Bảo ông làm cả khu A nữa, nghen bồ!

Phác là tên người phụ tá của “lead” -  người đàn ông dáng dấp như một thày giáo, nói năng nhỏ nhẹ - cái nhỏ nhẹ châm biếm, đưa  đẩy trách nhiệm cho người khác dù mình đang hành sự.

- Tôi là Phác  Trần.  Tôi coi buổi  tối.  Đưa tờ giấy  bản đồ  phác họa các phòng ốc, lớp học cho Sáu Tửng, tiêp:

- Đây là Khu C, khu làm việc của anh gồm có; 21 lớp học - 1 nhà bếp, 1 phòng ăn, 4 bathroom và 2 hallway. Closet đây, cần gì vào mà lấy. trong này có giấy vệ sinh, giấy lau tay, dụng cụ vệ sinh, cần gi thêm thì gặp tôi. .

Sáu Tửng thắc mắc:
- Thế còn khu A ở đâu?

- Khu A nhỏ hơn gồm có văn phòng nhà trường-  văn phòng Hiệu Trưởng- Hiệu Phó-Phòng Y-Tế - Phòng Tài Chánh - Phòng ăn Giáo viên - 3 restroom  và 1 hallway.

Nghe hắn kê khai công việc mà Sáu Tửng muốn xỉu :
- Tải sao tôi phải gánh thêm khu A?

Phác Trần cười nửa miệng:
- Hồi mới, Trường “Mi đồ” (middle) này có sáu người làm kể cả  lead.  Buổi tối năm người nên khu trách nhiệm “lin ấp” (clean up) mỗi người tương đối.  Ngân sách bị cắt, ban đêm còn có  ba người. Ba người gánh cho năm nên việc nhiều hơn.  Khu C là khu nhỏ nhất, còn tại sao anh phải làm thêm khu A thì hỏi “Xếp”. Giờ này xếp về rồi...

Sáu Tửng phân trần:
- Tôi chỉ có bốn tiếng làm ở đây.  Bốn tiếng kia cho trường Trung-Học bên bển.  Làm ẩu, làm dối thì mấy ông báo cáo, thưa gởi, xài xể.  Làm sạch thì không đủ giờ.  Anh coi lại giùm.

Phác Trần nhún vai như Mỹ:
- Tôi chỉ nói lại theo lệnh “xếp”.

Sáu Tửng hỏi :
- Còn cái ông gì. .
- À. . . ông là “lít” của trường tiểu học kế đây.  Ông làm “ô ti” (O.  T) tối nay thế cho một người báo bệnh.  Cũng như anh vậy, anh thế cho người đi “ve kê sần” (vacation).  Ông tên Bóp Bùi  (Bob Bui). Ổng khoái tôi lắm, cứ “dụ” tôi về làm với ông hoài. . .
- Hèn chi!

Phác  Trần gật gù :
- Ông Bóp này khó lắm.  Tiếng Anh của Ổng là số một.  Mấy năm liền ổng được bầu là “người của năm”. Có dịp, tôi sẽ giới thiệu anh với ổng, nhờ ổng nâng đỡ, chỉ dạy nghề cho. . . “ra mắt” giản dị thôi.

- Giản dị thế nào?

10/- Thì ghé “nọt rom” (Nordstrom) mua cái áo cỡ  bảy, tám chục đô la. . mà thôi, kiếm cái “ghip ca” (Gift card ) cỡ  trăm đô la cho tiện. Tặng ổng.
- Ông chịu không?

- Chịu!  Ổng dễ lắm.  Ai cho gì ổng cũng nhận hết!

Sáu Tửng chờ cho hắn đi khuất mới bắt tay vào việc.  Đổ rác và giấy tái chế của các phòng học, phòng làm việc trước.  Quét và hút bụi những nơi qui định rồi nhanh chóng chùi rửa các bath room.  Vừa làm, vưa chạy.  Trời mùa đông, mà mồ hôi thấm ướt chiếc áo lót.  Thoáng cái, hai tiếng đồng hồ trôi qua mà công việc chưa được phân nửa.  Nghĩ đến việc nó bắt mình làm thêm, Sáu Tửng muốn điên lên. Đó là hành động ăn cắp sức lao động của người khác-một loại ăn cắp vô nhân đạo, bắt người khác gánh vác cái nhọc nhằn, khó khăn của mình, còn mình ngồi không hưởng lợi.  Từ lâu rồi, tụi nó và đám supervisor ăn chịu với nhau, che chở cho nhau, đày đọa người khác.
- Làm tới đâu rổi?

Sáu Tửng quay lại:
- Ông “thày”.  Chào “ông thày”.  Ông “thày” xong rồi?

Bóp Bùi gật gù, vẻ mặt tự mãn khi được tôn lên chức “thày”:
- Ờ xong rồi.  Cái “đồ ma” này, “quậy” một chút là xong.

Sáu Tửng thăm dò:
- Chắc anh làm lâu  rồi?

- Không lâu lắm, khoảng  mười tám năm.  Tôi đang chờ lên lead của “mi đồ” (Middle school).  Phỏng vấn tháng trước, chấp nhận rồi, thằng Mách (Mike) cho hay là tháng tới tôi mới “ có trường” vì thằng “lít” cũ còn hơn tháng nữa mới “rì thai” (retire) nên phải chờ.

- Bà Xã anh cũng đi làm?

- Bả làm ma ná giơ (Manager) cho   ngân hàng mới bị “lây óp” (laid off) mấy tháng nay. Tôi bảo bả, không nhằm nhòi gì hết, lây óp thì lây óp cứ đi  “sóp binh” (shopping) thoải mái, đừng lo gì ráo! Tôi quản lý tiền bạc, thiếu đủ tôi chịu.  Chợ búa tôi đi đâu có để cho bả làm. Thôi tới giờ rồi, sớm mơi mai sáu giờ phải có mặt tại trường.  Nếu muốn học hỏi, hay cần gì tôi giúp đỡ, thì cứ ghé tôi, nghe chưa! .

Theo sau hắn, Sáu Tửng vội vã ra khỏi trường Middle và tìm đường đến trường Trung- Học-  nơi làm thứ hai trong buổi lao động.  Kinh nghiệm cho biết rằng, vào được bên  trong của các cơ sở rất khó vì các cửa đều khóa hết, kiếm được một ông janitor thì thật “trần ai “! Sáu Tửng liên lạc điện thoại trước và may mắn gặp được người cần gặp.  Người mở cửa cho Sáu Tửng là người Việt Nam, ốm, hơi gù lưng và đăc biệt, điếu thuốc gắn trên đôi môi mỏng như lá mía, khói tỏa đầy phòng khét lẹt.  Ông rất lịch sự chìa tay ra bắt:
-  Toi là Bóp bi Ngô (Bobby  Ngo) còn anh?

- Dạ tôi tên Tửng.  
- Đưa “bây bờ uốc” tôi ký cho không lát nửa quên, kiếm tôi khó lắm. Hà. . . hà. . . hà. . .

Đang dở câu chuyện thì một người đàn ông bước vào. Ông ta có nước da ngăm ngăm, bụng bự lòi hẳn ra ngoài thân thể núng nính những mỡ. Nhìn  Bóp bi Ngô, ông nói một tràng tiếng Anh kèm theo vô số  chữ rờ... làm cho Sáu Tưng liên tưởng đến những anh chàng Ấn Độ bán bánh rế, bánh cay ban đêm tại Sài Gòn năm xưa. Sáu Tửng cố  nghiêng tai nghe, nhưng chết cứng, thì đã nghe Bóp bi cười cười, gật gật:
- Ô kê!  Ô Kê!  no bờ rá bờ lầm (no problem).

Không ai yêu cầu, Bóp bi vẫn dịch :
- Nó báo cáo là “toilet” bị nghẹt, thông hoài mà không được, tôi nói để đó, tôi sẽ chỉ cho cách làm.  

Ngưng một lát, Bóp bi tự khoe:

11/- Mấy thằng này coi vậy chớ nó khờ lắm, không thông minh như người  mình.  Mình có ngàn cách làm, mà làm hay, nhanh, gọn đẹp. . À còn công việc của anh hôm nay dễ lắm, cứ nhẩn nha mà làm, không cần nhanh, nhưng phải sạch.  Tôi nhắc lại, phải sạch sẽ.  Anh “lin” tám cái Bathroom, sau đó cọ rửa và bỏ “Wax”  hai lớp học.  Đúng ra việc làm hai lớp học vào mùa hè nhưng vì trường cần gấp, phải làm bây giờ. À còn việc này nữa, tối nay, trường có “ác ti vi ti” tới mười giờ (activity) Bà Hiệu- Trưởng chủ tọa.  Họp phụ huynh tại “lân rum” (lunch room). . . Còn dư giờ, ngồi nói dóc chút. . Nào  coi nào. . Bóp bi bỏ kiếng ra ngắm nghía  khuôn mặt Sáu Tửng một lát gật gùn :

- Tướng tốt... Thiên đình rộng. . thông minh nhưng ngang bướng không nghe ai, tự mình làm theo ý mình. Theo nghiệp văn thì là Giám đốc, Chủ Tịch Công Ty lớn.. Theo nghiệp võ thì phải là  Tá, Tướng. Tò mò một chút, trước” Bảy lăm” anh làm gì?

- Dạ... lính!

- Đó  thấy chưa? Sĩ Quan hả? Cấp gì rồi?

- Dạ. . . Hạ sĩ nhất.

Bóp bi lắc đầu lia lịa
- Bậy. . . bậy. . Dấu hả? nói thiệt mà nghe, tôi coi tướng từ xưa đến giờ, chưa sai bao giờ.  Dấu hả?

Sáu Tửng cười lớn:
- Tôi nói thiệt.  Dấu anh lợi lộc gì? Có gì mà phải dấu?

- Anh nhiêu tuổi rồi?

- Dạ, tám mươi!

Bóp bi la lớn;
- Lại xạo nữa! Nói chuyện đàng hoàng được không?

- Đúng tuổi là bảy mươi chín.  Tuổi ta là tám mươi.

- Sao nghe nói đi “hát  ô”.? Già quá rồi, sao còn đi làm? Ông già tôi còn thua anh cả chục tuổi nữa đó.

- Vâng già rồi.  Người ta có tiền, có điều kiện tốt người ta nghỉ hưu. Tôi không được như vậy, tôi phải đi làm.

- Bà xã có làm gì không?Có muốn xin cho bả làm janitor không?Tôi giúp cho.  Vợ tôi cũng làm ở đây nè.

- Dạ cám ơn anh.  Chỉ vào bức tranh trên tường, Sáu Tửng khen :

- Tranh đẹp quá.

Bobby phá lên cười khoái trá:
- Tôi vẽ đó.  Tranh của tôi treo khắp trường này.  Tôi còn gửi đi triển lãm khắp nơi nũa kìa!  Mới nhìn, anh không hiểu ngay được ý nghĩa của tranh.  Phải ngắm lâu, mới thấy cái thâm thúy của nó.  Tôi còn biết làm cả thơ. Thơ của tôi đăng trên các báo điện tử và báo giấy dưới  California và vài Tiểu Bang khác. Tôi đang cho  in, khi nào xong tôi sẽ  đích thân ký tặng  anh làm kỷ niệm.

Sáu Tửng bám luôn:
- Chắc “ông thày” có chân trong Văn Bút Quốc Tế?

Bobby trầm ngâm:
- Mấy văn sĩ bạn hối tôi nhập hội nhưng tánh tôi thích tự do, phóng khoáng không muốn gò bó, khuôn phép. Tôi đang tập họp các anh em nghệ sĩ tại đây, thỉnh thoảng họp mặt, trao đổi, xướng họa, thay đổi không khí, chứ cái công việc khô khan “chó đẻ” này, lắm lúc muốn bỏ phứt!..

Sáu Tửng toát mồ hôi sau khi nghe người nghệ sĩ  buông ra câu chửi thề, bèn đóng vai thẩm vấn viên bất đắc dĩ:
- “Ông thày” ngon lành như vầy... Tôi có nằm mơ cũng không thấy. Có gì  làm anh không vui?

Bobby đứng dạy móc thuốc ra gắn lên môi, ngoắc Sáu Tửng ra ngoài:

12/- Anh biết đấy, Đâu phải ai cũng như mình? Tôi lại là Nghệ sĩ.  Cách đối xử của nghệ sĩ cũng khác người thường. Người thường mà lại là “cu li” nữa thì nó còn khốn nạn đến như thế  nào! Anh may mắn lắm  mới gặp được tôi.  Tôi tôn trọng anh vì anh già mà vẫn đi làm.  Tôi xui xẻo gặp thằng vô học, thô lỗ, cộc cằn, ăn hiếp đủ đường... Chuyện cũ nhắc lại cho... vui.  Thôi đi với tôi, tôi chỉ chỗ cho mà làm.

Hai người trở vào trong.  Bobby mở tủ lạnh, lấy ra một cái thố plastic, đựng món đồ ăn nhe răng cười với Sáu Tửng:

- Cái này tặng bà Hiệu Trưởng. Bà rất thich ăn chè Việt Nam.  Ngày nào tôi cũng ghé chợ mua cho bả một thố. Có đáng gì đâu, mất hai đồng bạc nhưng cốt lấy cảm tình.  Bù lại, thỉnh thoảng bả lại ký giấy chứng nhận mình làm việc giỏi gởi về “District”. Anh đưa tên, tôi làm cái “lit” đưa bả ký liền. . .

Sáu Tửng cảm động, nhưng thoái thác:
- Cám ơn ông anh, để khi khác. . .

Anh chàng ba chân, bốn cẳng đem quà tặng bà Hiệu Trưởng. Sáu Tưng tự hỏi: “Ngày nào bả cũng ăn chè Việt Nam? Có thật không đây? Nhất là món ăn đó đựng trong một đồ đựng sơ sài, mất vệ sinh? Sớm muộn gì ta cũng phải chép vào mục “Chuyện lạ Bốn phương” chớ chẳng chơi!”

Thời gian trôi qua, mau như tên bắn.  Sáu Tửng ra sức làm việc dù mệt muốn đứt hơi. Nhiều lúc nản chí, muốn bỏ quách nhưng tự nghĩ, kiếm được việc làm, dù thấp kém nhưng có tiền trả tiền nhà, tiền đi chợ, tiền chi phí hàng tháng và chút đỉnh giúp cho thân nhân bên quê nhà.  Hồi tưởng thời gian còn kẹt tại Việt Nam, đôi khi nhịn đói ba, bốn ngày. . .

Sáu Tửng dùng máy chà rửa sàn nhà xong thì đã mười một giờ.  Nửa tiếng “bỏ Wax” - loại hóa chất làm cho nền nhà bóng, sáng và bảo vệ những tấm lát nền.  Sáu Tửng cẩn thận nhúng chiếc sào móp vào thùng hóa chất thì Bóp bi nhào tới giằng cây móp:

- Anh phải làm như vầy như vầy nè. . . Tay đưa qua, đưa lại theo hình số tám, nhìn tôi đây này, biết chưa?

Sáu Tửng cố gắng làm theo đúng cách thức hắn nói.  Công việc vưa vãn thì cũng đã đến giờ nghỉ việc. Toán “janitor “của trường cũng lục tục kéo nhau xuống  tầng dưới để chuẩn bị đi về.  Trường Trung Học có sáu người làm.  Bốn người kia là người các nước Phi Châu và Nam Mỹ. Bóp bi Ngô trở lại, hỏi han, cười giỡn với mấy người ngoại quốc dễ dãi và thoải mái. Hắn nhìn sàn nhà một lượt, mau chân đến một nơi cúi sát xuống, giơ tay ngoắc:

- Anh Tửng!  Lại đây!  Lại đây mau!

- Dạ anh cứ nói, sai chỗ nào, tôi làm lại ngay.

Hắn chỉ tay vào chỗ dưới sàn :
- Chỗ này này!  Tôi đã “dạy” anh cách làm mà anh còn làm trật lất.  Chỗ dầy quá, chỗ mỏng quá.  Nham nhở như mụt ghẻ.

Sáu Tửng giải thích:
- Chỗ này hơi dày vì nền bị trũng. Tôi cố lấy bớt ra nhiều lần nhưng nó cũng chảy lại. Xin anh thông cảm.

Không cần biết phải trái, Bóp bi đớp liền:
- Đ. M!  Làm ăn như con c..! Có ngu thì cũng ngu vừa thôi, để cho thằng khác nó ngu với chứ.

Sáu Tửng cố nén lòng:
- Vâng, để tôi làm lại.  Có gì đâu mà anh phải. . .
- Ê!  Ê!  No talk!  No Talk!  He can talk!  you no talk, ok?

Một tên bênh Bóp bi, bằng ngôn ngữ lở lói, chắp vá  chặn ngang lời Sáu Tửng dù chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện. Bóp bi được nước:
- Đ. M.! Làm .éo ra cái l.. q.. gì. Tôi cấm anh không được đụng đến cái thùng “Móp” này nữa, nghe không? Làm không được thì về nhà đi! Go home! Go home!

13/ Sáu Tửng nhìn theo bóng dáng người nghệ sĩ nổi nóng, giận dỗi bỏ đi.  Đám đàn  em nối gót theo sau.  Cả khu trường học chìm  vào bóng tối.  Sáu Tửng tới xe của mình, mở cửa, ngồi vào tay lái;

- Chắc mấy mẹ con chưa ngủ vì còn cả chồng quần áo phải giao sớm  ngày mai. . . Thôi kệ. . . Tới đâu hay tới đó.  Có việc làm là tốt rồi.  Tới đâu. . . hay tới đó! . . .

Từ-Sơn

No comments:

Blog Archive