Wednesday, May 15, 2019

Cảnh Báo - Tất Cả Thuốc Kháng Sinh Đang Trở Nên Vô Dụng


Tất Cả Thuốc Kháng Sinh Đang Trở Nên Vô Dụng
"Những bệnh [nhiễm trùng] thông thường đang biến thành những bệnh không thể chữa khỏi" - lời cảnh báo được viết thẳng thừng, ngay trên trang đầu tiên của một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc về tình trạng kháng kháng sinh đang diễn ra hiện nay.

Nếu ngay bây giờ chúng ta không tạo ra được một thay đổi mang tính căn bản để giải quyết vấn đề, bản báo cáo cho biết từ năm 2050 trở đi, sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm vì các căn bệnh nhiễm trùng không còn thuốc chữa.


Kháng kháng sinh đang giết chết 700,000 người mỗi năm

Thực tế, kháng kháng sinh là những gì đã xảy ra khi con người lạm dụng thuốc quá nhiều để điều trị cho người, động vật và thậm chí cả thực vật. Khi một loại kháng sinh mới được đưa vào sử dụng, nó có thể mang lại hiệu quả chữa bệnh tuyệt vời, cứu sống rất nhiều ca bệnh. Nhưng sau đó, vi khuẩn sẽ dần thích nghi được với kháng sinh. Qua thời gian, loại kháng sinh đó sẽ trở nên kém hiệu quả, chúng ta buộc phải tìm ra một loại kháng sinh mới thay thế nó. Cứ như vậy, kháng sinh mới ra đời rồi lại bị kháng lại, giống như một loạt domino bị đẩy đổ bởi vi khuẩn. Khi quân domino cuối cùng đổ xuống, chúng ta đơn giản là không còn một loại thuốc nào để có thể cứu sống người bệnh, ngay cả từ các căn bệnh nhiễm trùng thông thường, trước đây chỉ cần uống 1 liều kháng sinh là khỏi.

Tính đến tháng 05/2019, trên thế giới đã có 700,000 người chết mỗi năm vì các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc, trong đó có 230,000 người chết vì bệnh lao đa kháng thuốc. Các căn bệnh phổ biến như nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh lây lan qua đường tình dục cũng đang trở nên khó chữa trị hơn. Các thủ tục trước đây được coi là thông thường, như đẻ mổ tại bệnh viện đã trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều, trong bối cảnh vi khuẩn kháng kháng sinh.

Bất chấp thực tế nghiêm trọng, báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cho biết các bác sĩ và nông dân ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang lạm dụng kháng sinh trong khám chữa bệnh và chăn nuôi, thúc đẩy vi khuẩn kháng thuốc mạnh mẽ hơn. Amy Mathers, trưởng Phòng thí nghiệm Sink Lab tại Đại học Virginia, cho biết: “Trong vòng một thập kỷ qua, số ca bệnh nhiễm trùng không có kháng sinh điều trị hiệu quả đang ngày càng tăng lên ở Mỹ. Tôi bắt gặp mỗi tháng một ca bệnh như vậy. Mười năm trước, đó còn là những trường hợp hiếm có”

Chúng ta không cần nhiều tiền để giải quyết vấn đề

Các chuyên gia như Mathers đang góp tiếng nói của mình vào việc cảnh báo công chúng, rằng những siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ gây ra mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe của chúng ta. Nhưng báo cáo của Liên Hợp Quốc còn cho biết thêm rằng, tình trạng kháng thuốc cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Bằng cách khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng vọt, nó có thể tạo ra những thiệt hại kinh tế ngang với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008 - 2009.

Tin tốt là vấn đề có thể được giải quyết bằng một khoản chi phí khiêm tốn. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, nếu mỗi người dân ở các quốc gia thu nhập cao và trung bình đầu tư chỉ 2 USD một năm, chúng ta có thể có đủ tiềm lực giúp các nhà khoa học nghiên cứu các loại thuốc mới, và thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ nhiễm trùng kháng thuốc. Giáo sư Kevin Kevin Outterson, nhà nghiên cứu chuyên ngành kháng kháng sinh đến từ Đại học Boston cho biết: “Đối với nước Mỹ nói riêng, tổng chi phí để khắc phục tình trạng kháng sinh mất hiệu lực là 1.5 - 2 tỷ USD mỗi năm. Đó là bằng với khoản tiền chúng ta tiêu tốn để mua giấy vệ sinh trong một vài tháng”

Hơn nữa, kháng kháng sinh có thể dễ dàng đối phó hơn biến đổi khí hậu, bởi đây là một vấn đề nhận được sự đồng thuận về cả khoa học lẫn chính trị. Nó không giống như việc bây giờ người ta còn đang cãi nhau để xem biến đổi khí hậu là có thật hay không. Các vi khuẩn kháng kháng sinh và những ca bệnh vô phương cứu chữa đang hiện diện và đe dọa mạng sống của bất cứ ai trong số chúng ta, vào bất cứ thời điểm nào.

Kháng sinh nên được coi là hàng hóa đặc biệt, chính phủ nên đầu tư nghiên cứu


ậy nếu chúng ta không tốn nhiều tiền và đã đồng lòng để giải quyết một vấn đề mang tính toàn cầu như vậy, tại sao kháng kháng sinh vẫn tồn tại thậm chí ngày càng phát triển?

Thực tế, phải mất rất nhiều năm để có thể nghiên cứu và phát triển một loại thuốc trước khi tung ra thị trường. Hầu hết các hợp chất mới kháng sinh mới sẽ đều thất bại ở giai đoạn thử nghiệm. Ngay cả khi các nhà khoa học nghiên cứu thành công, kháng sinh bây giờ cũng có giá rất rẻ. Các công ty dược phẩm đơn giản là không mấy mặn mà đầu tư vào các nghiên cứu như vậy. Thay vào đó, họ sẽ sản xuất các loại thuốc thu về lợi nhuận cao hơn, như thuốc tiểu đường hoặc thuốc ung thư. Do đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết chúng ta rất cần những ưu đãi về mặt tài chính để thúc đẩy các công ty dược phẩm nghiên cứu kháng sinh mới.

Dù kháng kháng sinh ảnh hưởng đến các nước thu nhập cao và thu nhập thấp như nhau, nghịch lý là các nước giàu sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với khủng hoảng, và do đó cảm thấy ít khẩn cấp hơn trong việc giải quyết vấn đề một cách chủ động.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc và một số chuyên gia khác cho rằng để giải quyết vấn đề, chúng ta cần thiết kế lại quy trình điều trị kháng sinh. Một trong số đó là đưa thuốc kháng sinh ra khỏi thị trường tự do, thị trường vẫn cho phép giá thuốc được xác định bởi số lượng bán ra, vì vậy đẩy mức giá kháng sinh xuống rất rẻ, khiến chúng càng dễ dàng bị lạm dụng.

Một mô hình tốt hơn tại thời điểm hiện tại có lẽ nên coi kháng sinh là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng tới xã hội tương đương cơ sở hạ tầng hoặc các vấn đề an ninh quốc gia. Qua đó, các bộ ngành y tế có thể thắt chặt quản lý kháng sinh. Đồng thời, chính phủ cũng có thể tài trợ cho nghiên cứu và phát triển thuốc. Giáo sư Outterson giải thích: “Kháng sinh là một sản phẩm mà chúng ta muốn bán càng ít càng tốt. Lý tưởng thì mỗi chúng ta chỉ nên có một vỉ kháng sinh trong hộp thuốc nhà mình, loại mà có thể giữ được hiệu lực hàng thập kỷ, và chỉ được dùng khi chúng ta cần nó”. Dù viễn cảnh như vậy là một điều tuyệt vời cho sức khỏe của chúng ta, nhưng giáo sư Outterson cho biết đối với các công ty dược phẩm, đó sẽ là một thảm họa. Họ có thể phải tốn hàng tỷ USD để nghiên cứu phát triển một loại kháng sinh mới, chỉ để bán cho mỗi người 1 vỉ trong 10 năm.

Sự bất hợp lý trong ngành công nghiệp dược phẩm chính lý do tại sao chính phủ cần phải bước vào giải quyết vấn đề. Các chính phủ nên có các ưu đãi như cấp vốn và tín dụng thuế để hỗ trợ các công ty dược phẩm nghiên cứu kháng sinh ở giai đoạn đầu. Báo cáo cũng kêu gọi các nước giàu giúp các quốc gia nghèo cải thiện hệ thống y tế và khuyến nghị thành lập một hội đồng liên chính phủ mới - giống như hội thảo về biến đổi khí hậu, để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh.

Cần bao nhiêu người chết vì kháng kháng sinh, trước khi bạn bắt đầu hành động?

Tuy nhiên, để các chính phủ đồng thuận và chung tay giải quyết vấn đề, trước tiên công chúng cần phải nhận thức và coi đó là ưu tiên hàng đầu. Nhưng thực tế thì không phải tất cả mọi người ngày nay, ngay cả ở một quốc gia như Mỹ, có thể nhìn nhận và hành động nghiêm túc trước thực trạng kháng kháng sinh. Math Mathers nói: “Tôi không nghĩ rằng bản thân nền chính trị hay dân trí ở Mỹ bây giờ có thể đưa kháng kháng sinh thành một vấn đề ưu tiên đủ tầm để giải quyết ngay hiện nay”. Bởi vậy, điều đầu tiên cần làm là giáo dục công chúng nhiều hơn, để làm sao ngay cả một người Mỹ trung bình, hay các công dân ở các quốc gia khác cũng nhận thấy được mối đe dọa và sự nghiêm trọng của kháng kháng sinh.

Giáo sư Outterson cho rằng một báo cáo - thậm chí là một báo cáo lớn của Liên Hợp Quốc - cũng không xoay chuyển được gì nhiều ngay lập tức. Ông ám chỉ: “Nếu tôi có một USD cho mỗi báo cáo về vấn đề, tôi có lẽ đã có rất nhiều tiền rồi”. Nỗi sợ hãi của giáo sư Outterson là số người chết vì kháng kháng sinh có thể phải tăng lên mức rất cao, trước khi gây ra được sự chú ý của đa số công chúng. 

Khi kháng kháng sinh chưa gõ cửa nhà quý vị, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Phải cần bao nhiêu người chết trước khi quý vị quan tâm đến vấn đề, và thúc đẩy hành động của chính mình cũng như xã hội?


No comments:

Blog Archive