Người Việt Nam trên mạng xã hội nói về “ngày giải phóng”
Những căn nhà đổ nát vì pháo kích của Việt Cộng vào Sài Gòn trong ngày 30 Tháng Tư 1975.
Sau 44 năm kể từ khi Sài Gòn thất thủ, quân đội Bắc Việt chiếm toàn miền Nam Việt Nam, rất nhiều người trên mạng xã hội đã bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về ngày 30 Tháng Tư. Những câu được nhìn thấy nhiều nhất là: “Ngày 30 Tháng Tư, ăn mừng vì điều gì?”
Facebook Đinh Bá Truyền viết trên trang cá nhân: “30 Tháng Tư, 1975, một toán cộng quân tiến chiếm Dinh Độc Lập. Lính tráng rửa ráy ở bồn phun nước trước Dinh. Riêng tay chính ủy bước vào phòng tắm, mở trúng cái vòi nước nóng, phỏng cả người. Y hét lên: “Tiên sư đế quốc Mỹ, rút đi rồi còn cài nước sôi ám hại ông!”
Facebook Đỗ AnhDo chia sẻ: “Chúng ta cùng ôn lại lịch sử 30 Tháng Tư, 1975. Sự đau thương không bao giờ quên.”
Trịnh Bá Tư, một người trẻ sinh ra và lớn lên sau “ngày giải phóng” đăng tải bài thơ của “nhà thơ điên” Bùi Giáng, “Đánh cho Mỹ chút Ngụy nhào” trong đó có đoạn: “… Đánh cho cả nước Việt Nam, Áo ôm khố rách xếp hàng xin cho. Đánh cho hết muốn tự do, Hết mơ dân chủ hết lo quyền người…”
Một Facebooker khác có tên Thienthanh viết: “Ngày 30 Tháng Tư, 1975, ngày tri ân đến những người chiến sĩ anh hùng Việt Nam Cộng Hoà vị quốc vong thân. Ngày tưởng nhớ đến những người Việt Nam đã ra đi tìm đường Tự Do, đã yên nghỉ trong lòng Đại Dương. Và không quên những người dân Việt Nam còn đang sống trong địa ngục của cộng sản Việt Nam. Một ngày tang thương cho toàn dân tộc Việt Nam.”
Nguyễn Phương, cũng là một người trẻ sinh sau năm 1975, hiện đang sống và làm việc ở Nhật đã đăng tải 2 hình ảnh: “Sài Gòn 1969 và TPHCM 1976” cùng với lời bình luận: “Thằng đi bộ, xe đạp tiến vào nam “giải phóng” thèng đi xe oto!”
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà đưa lên trang cá nhân một video có tên “Sài Gòn xưa.” Video này nhanh chóng nhận được nhiều lượt xem và chia sẻ. Có những người sau khi xem xong để lại những dòng chữ như: “Đẹp và thanh lịch, có một Sài Gòn như thế. Có người viết rằng: Sài Gòn trước ngày bị cướp.”
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai nhà văn Bà Tùng Long, từ Sài Gòn, chia sẻ bài viết dài trên trang cá nhân:
“Tôi rất sợ ngày 30-4. Đã có một thời gian dài, cứ đến ngày này là người tôi lại bị tan rã nhão nhoẹt như một vũng bùn nhớp nhúa chảy dài trên giường. Tôi chỉ nằm vậy thôi.
Rồi mọi cảm giác lâu dần cũng trở thành chai sượng.
Mấy năm nay tôi thường dùng ngày này để đóng cửa nằm nhà. Làm việc, đọc sách, nghe nhạc… Không cho phép mình buồn. Và thậm chí không dám chạm đến Facebook, nơi tôi biết cứ mỗi dịp như thế này là lại sôi sục một không khí “từ bao lâu ta nuốt căm hờn”, cạnh đó là niềm vui chiến thắng ăn chơi nhảy múa. Cùng với sự xuống cấp ngày càng tệ hại của xã hội, có vẻ như “bên thắng cuộc” bắt đầu thấy sượng hơn nên kín đáo hơn trong sự ăn mừng của mình, còn “bên thua cuộc” càng thấm thía nỗi đau khi đối chiếu lại giá trị của những gì đã bị mất.
Luôn cố gắng để có thể là một nhà chuyên nghiệp trong mọi việc, tôi quyết định coi như không còn ngày 30-4 trong tâm trí mình nữa. Không còn ai thắng thua, không còn hoà hợp hoà giải (vì có bên nào muốn đâu!), không còn hy vọng và tuyệt vọng. Tập trung làm việc để khỏi nghĩ tới nó.”
Đặc biệt, Facebook Trương Thị Hà, thế hệ 9X sinh ra và lớn lên ở miền Bắc viết trên trang cá nhân: “30/04 – Ngày quốc tang.”
“Đối với tôi, ngày 30/4 hôm nay và về sau là ngày đáng thương cho đất nước Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước và sau năm 1975. Giải phóng gì mà 444,000 thanh niên miền Bắc và 282,000 thanh niên miền Nam phải bỏ mạng. Giải phóng gì mà 2 triệu người dân Việt Nam vô tội phải chết trong lửa khói. Giải phóng gì mà 1 triệu lính miền Nam phải bỏ tù cải tạo, trong đó có 165,000 lính miền Nam chết trong trại cải tạo.
Giải phóng gì mà 1.5 triệu con dân miền Nam phải tha phương nơi đất khách quê người để trốn chế độ cộng sản, trong đó có 300,000 người sẽ mãi mãi không bao giờ nhìn thấy bến bờ tự do. Giải phóng gì khi ngày nay 97 triệu người dân Việt Nam bị tước những quyền cơ bản như quyền biểu tình, quyền lập hội. Thống nhất gì khi lòng dân không yên, vẫn còn phân biệt, đối xử vùng miền giữa thành thị và nông thôn, kẻ có tiền và quan hệ luôn đè đầu, cưỡi cổ kẻ nghèo hèn.”
Còn rất nhiều hình ảnh, bình luận, chia sẻ khác được bày tỏ trên mạng xã hội trong vài ngày qua. Tất cả đều cho thấy một tâm trạng tiếc nuối, hoài vọng, đau xót về một Sài Gòn chỉ còn trong ký ức.
C.Lynh
No comments:
Post a Comment