Mẫu thẻ xanh cấp cho thường trú nhân tại Hoa Kỳ.
Chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc đảo ngược một chính sách lâu nay, tạo điều kiện dễ dàng hơn để trục xuất những thường trú nhân hợp pháp sử dụng các phúc lợi xã hội, một phần trong nỗ lực giới hạn di trú, theo Reuters.
Quy định dự thảo của Bộ Tư pháp mà Reuters xem được mở rộng đáng kể phạm vi một người có thể bị trục xuất dựa trên cơ sở họ dùng phúc lợi xã hội.
Hiện nay, những thường trú nhân hợp pháp bị xem là ‘gánh nặng xã hội’ hoặc chủ yếu dựa vào nhà nước trợ cấp để sinh kế có thể bị trục xuất, nhưng trên thực tế chuyện này ít được áp dụng.
Quy định dự thảo mở rộng định nghĩa về ‘gánh nặng’ để bao gồm những di dân hưởng các phúc lợi công như lãnh tiền trợ cấp, tem phiếu thực phẩm, được hỗ trợ nhà ở, hay nhận bảo hiểm sức khỏe Medicaid.
Dù kế hoạch còn ở bước sơ khai, có thể không trở thành một chính sách chính thức cũng như sẽ vấp phải kiện tụng, nhưng đó là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Trump giới hạn di dân hợp pháp và giảm di dân bất hợp pháp tới Mỹ.
Thay đổi chính sách này sẽ ảnh hưởng tới các thường trú nhân vĩnh viễn hay còn gọi là người có thẻ xanh tại Mỹ, những người được luật cho phép dùng phúc lợi công ngay khi tới Mỹ, ví dụ như người tị nạn.
Luật Hoa Kỳ cho phép trục xuất di dân nào trở thành ‘gánh nặng xã hội’ trong vòng 5 năm tới Mỹ nếu lý do họ cần hỗ trợ có từ trước khi họ vào lãnh thổ Hoa Kỳ, chẳng hạn như họ bị bệnh kinh niên mà không khai báo.
Nhưng sau một phán quyết vào năm 1948, việc trục xuất những di dân dùng phúc lợi công chỉ nhắm vào những trường hợp bị chính phủ đòi chi trả chi phí cho các dịch vụ công mà không chịu trả. Các luật sư di trú cho biết họ hiếm nghe trường hợp nào bị trục xuất vì dùng phúc lợi xã hội.
Quy định vừa soạn thảo cho thấy chính phủ có thể xóa tiền lệ đó để cho phép trục xuất các thường trú nhân dùng phúc lợi xã hội trong vòng 5 năm đầu đặt chân tới Mỹ.
Để kế hoạch này đi vào có hiệu lực, nó sẽ được lấy ý kiến dân, sau đó được chỉnh sửa để Bộ trưởng Tư pháp ký.
Các phúc lợi xã hội đang được bàn tới bao gồm tiền trợ cấp an ninh xã hội (SSI) thường dành cho người khuyết tật và người cao niên, tem phiếu thực phẩm theo Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng (SNAP), các phúc lợi về bảo hiểm sức khỏe Medicaid, phúc lợi được trợ cấp nhà ở, và chương trình trợ cấp bằng tiền mặt gọi là Hỗ trợ Tạm thời cho Các gia đình cơ nhỡ (gọi tắt là TANF).
Theo chính sách liên bang thì nhiều thường trú nhân vĩnh viễn không đủ điều kiện để nhận được các phúc lợi xã hội trừ phi họ đã có thẻ xanh ít nhất 5 năm. Như vậy, có phần chắc họ sẽ không bị nhắm mục tiêu trục xuất trên cơ sở ‘gánh nặng xã hội’ theo quy định dự thảo.
Tuy nhiên, nhiều tiểu bang lại có luật lỏng lẽo hơn, chẳng hạn như cho phép thai phụ và trẻ em (có thẻ xanh) được lãnh Medicaid mà không phải chờ tới sau khung thời gian quy định là 5 năm.
Và nỗ lực siết chặt luật lệ này có thể ảnh hưởng tới hàng ngàn cựu chiến binh là di dân, người tị nạn, và người tầm trú tị nạn, những người có thể nhận được nhiều phúc lợi mà không bị quy định thời gian. Các thành viên hiện dịch trong quân ngũ không bị ảnh hưởng.
Đề nghị dự thảo của Bộ Tư pháp dựa trên một kế hoạch tương tự của Bộ An ninh Nội địa để mở rộng đáng kể định nghĩa về ‘gánh nặng xã hội.’
Dự kiến Bộ An ninh Nội địa sẽ sớm siết chặt quy định để bất kỳ một người nào chưa có quốc tịch Mỹ mà ‘nhận ít nhất là 1 loại phúc lợi xã hội’ kể cả các phúc lợi về tiền mặt lẫn không phải tiền mặt như tem phiếu thực phẩm, trợ cấp tiền nhà, và bảo hiểm Medicaid đều có thể bị liệt kê là ‘gánh nặng xã hội.’
Đề nghị dự thảo của Bộ Tư pháp, cũng thế, chỉ thị cho các thẩm phán di trú cân nhắc việc hưởng các phúc lợi xã hội như một yếu tố hết sức quan trọng khi quyết định có cho phép một người nước ngoài nhập cư Mỹ hay không.
Bộ Ngoại giao cũng nỗ lực giới hạn cho nhập cư những người mà họ tình nghi có thể là ‘gánh nặng xã hội.’
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao cho phép các viên chức lãnh sự tùy nghi từ chối visa cho những ai mà họ nghi sẽ trở thành ‘gánh nặng xã hội’. Số người bị từ chối visa định cư dựa trên cơ sở ‘gánh nặng xã hội’ trong năm 2018 cao gấp bốn lần so với năm 2017 và cũng là cao nhất kể từ năm 2004.
Ngoài việc cân nhắc các tiêu chuẩn mới để trục xuất thường trú nhân hợp pháp, Bộ Tư pháp cũng nhắm tới việc yêu cầu những ai muốn được cấp thẻ xanh ở Mỹ phải nộp tờ trình lên một thẩm phán di trú chứng tỏ họ có khả năng tự lực cánh sinh. Đơn yêu cầu liệt kê chi tiết tài sản, thu nhập, nợ nần, cùng nhiều thông tin khác.
------------
No comments:
Post a Comment