Giáo sư đại học Missouri bị tố lấy cắp sáng chế của sinh viên tiến sĩ, bán $1.5 triệu
Trường University of Missouri at Kansas City. (Hình: UMKC)
KANSAS CITY, Missouri (NV) – Trường đại học University of Missouri hôm Thứ Ba, 26 Tháng Hai, đưa đơn kiện một giáo sư Dược Khoa của trường, cáo buộc ông này đánh cắp sáng chế của một sinh viên tiến sĩ rồi bí mật đem bán, với số tiền có được sơ khởi là $1.5 triệu.
Theo The New York Times, trong đơn kiện Giáo Sư Ashim Mitra, giới chức trường đại học University of Missouri tại Kansas City (UMKC) nói rằng chính trường mới là chủ nhân của sáng chế về một cách chữa trị chứng khô mắt (dry eye) mà ông Mitra đem bán cho một công ty dược phẩm.
Trường nói rằng một sinh viên tiến sĩ làm luận án dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư Mitra đã có cuộc nghiên cứu và góp phần chính yếu đưa đến việc khám phá ra loại thuốc mới, nhưng người này không hề được nêu tên trong đơn xin cấp bằng sáng chế nộp tại Văn Phòng Cấp Bằng Sáng Chế và Cầu Chứng Nhãn Hiệu Mỹ.
Trường đại học UMKC cáo buộc rằng cho tới nay, Giáo Sư Mitra đã kiếm được khoảng $1.5 triệu từ sáng chế của người cựu sinh viên kia.
“Nhà trường đang tìm cách lấy lại quyền làm chủ chính danh của mình và quyền có được phần chia xứng đáng từ các phát minh dẫn đến việc bào chế thuốc được sự chấp thuận của cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA).”
Trường cho hay trong thông cáo gửi tới báo chí rằng Giáo Sư Mitra trợ giúp các công ty dược phẩm khi nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và thương mại hóa các sản phẩm có từ sáng chế này, nhưng giấu diếm giới chức nhà trường cũng như chính người phát minh.
Loại thuốc đang có tranh chấp này mang tên “Cequa” và dùng kỹ thuật nanotechnology khiến hữu hiệu hơn trong việc trị chứng mắt khô, so với thuốc nhỏ mắt thường.
Đơn kiện nêu chi tiết các hành động kéo dài cả mấy năm trời của Giáo Sư Mitra nhằm đánh cắp công trình nghiên cứu của một sinh viên tiến sĩ tài giỏi, ông Kishore Cholkar, để có lợi tài chánh cho riêng mình. Đơn kiện cũng cáo buộc bà Ranjana Mitra, vợ của ông Mitra, người từng làm việc với vai trò phụ tá nghiên cứu tại trường, là đã trợ giúp ông chồng trong vụ này.
Trường cho hay Giáo Sư Mitra từ nhiệm hồi Tháng Giêng năm nay trong tiến trình điều tra và đi đến việc giải nhiệm ông.
Theo đơn kiện, người cựu sinh viên, nay là Tiến Sĩ Kishore Cholkar, bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ về khoa học dược khoa (pharmaceutical sciences) từ năm 2008 và chú trọng việc ứng dụng kỹ thuật nano technology để đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân.
Trong thời gian nghiên cứu, Tiến Sĩ Cholkar khám phá ra phương cách mới để đưa thuốc vào mắt có hiệu quả hơn thay vì cách nhỏ thuốc bình thường.
Vào năm 2011, Giáo Sư Mitra đưa các kết quả nghiên cứu của Tiến Sĩ Cholkar cho công ty dược phẩm Auven Therapeutics, có trụ sở đặt tại US Virgin Islands. Sau đó công ty này ký giao kèo với ông Mitra để xin bằng sáng chế.
Vào năm 2015, bằng sáng chế được cấp, mang tên của Giáo Sư Mitra và một nhân viên công ty Auven là hai người sáng chế, và không có tên của Tiến Sĩ Cholkar, người thực sự sáng chế, theo đơn kiện.
Đơn kiện cũng cho hay Giáo Sư Mitra và bà vợ, hay những người nghe theo lệnh của họ, đã lấy cắp hay phá hủy các cuốn sổ ghi chép chi tiết thử nghiệm cùng là kết quả phòng thí nghiệm của Tiến Sĩ Cholkar.
Nhà trường nói rằng vì Giáo Sư Mitra sẽ được nhận 1% tiền hoa hồng từ số bán của Cequa trong năm năm tới, ông có thể được tới $10 triệu.
Nếu trường UMKC lấy lại được bằng sáng chế, thì một phần ba số tiền có được từ bằng này sẽ thuộc về người phát minh, là Tiến Sĩ Cholkar.
Vụ kiện về bằng sáng chế này không là cáo buộc duy nhất là Giáo Sư Mitra đang gặp phải.
Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, tờ báo địa phương Kansas City Star tường thuật về việc ông Mitra buộc các sinh viên cao học dưới quyền ông, nhất là những người từ Ấn Độ, “phục vụ ông như đày tớ,” nếu không ông sẽ khiến visa du học của họ bị hủy bỏ. (Lê Tâm)
No comments:
Post a Comment