Saturday, March 9, 2019

Có Một Góc Quê






Chưa đầy một phút sau tiếng chuông "đính đoong", tôi đã nghe tiếng Bác Năm vồn vã: “Chèn đét ơi, bộ kẹt xe dữ lắm hen con? Hai đứa nhỏ chộn rộn dậy đợi từ hừng đông tới giờ!"

Bác chưa dứt lời thì hai đứa bé con đã chạy ùa ra, tíu tít đón chào. Sau hơn một giờ ông bà, vợ chồng con cái vượt xa lộ từ LA xuống Sài Gòn Nhỏ, giọng nói  mát rượi  hơi đồng ruộng miền Nam của bác Năm như  xua tan đi bao mệt nhọc của cả "gánh hát bầu Tèo" nhà tôi. Tôi lăng xăng đáp lời: "Dạ hôm qua con làm dìa trễ, sáng nay dậy hổng nổi bác Năm ơi, cho con mượn cái "gổ" để con lụm đồ bỏ dô". Tiếng cười nói, hỏi han rộn ràng làm tôi cứ ngỡ mình đang ở giữa chốn đồng quê ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Vậy mà đã có một thời ở Sài Gòn, tôi cứ muốn chối bỏ cái "gốc quê". Chuyện là khi một bạn trai Sài Gòn "tâm sự:" Mình thích mấy bạn gái miền Tây lắm, có điều nếu lấy vợ miền Tây thì phải lựa tên đặt cho con hơi mệt!" Tôi tròn mắt hỏi tại sao, anh bạn cười lém lỉnh: "Hôm đi thực tập ở Đà Lạt, bạn trưởng nhóm (quê ở Sóc Trăng) đã chỉ vô tui và Tố mà nói: "Bữa nay bạn Quàng, bạn Quanh sẽ đi chung nhóm với bạn Thí, bạn Tiếc, bạn Lon, bạn Xưng nghen!" Lúc đó tôi cười ngặt nghẽo, nhưng cũng thấy  mắc cỡ lây về cái giọng nói "quê trớt" của mình. Kể từ ngày đó, tôi luôn cố gắng uốn mồm uốn lưỡi cho ra những Hoàng,  Oanh, Thuý, Tuyết, Loan, Xuân... đúng âm đúng giọng.

Hơn bảy năm đi học và làm việc ở Sài Gòn, khi nói chuyện, tôi đã  có thể sửa  gần hết những lỗi phát âm của dân miền sông nước, lại pha thêm chút “văn hoa khách sáo” của những đồng nghiệp người Bắc mà tôi gặp gỡ hàng ngày. Tôi đã từng "tự hào" về cái sự "hoà nhập" của mình lắm lắm…

Rồi tôi được qua Mỹ định cư, lại thêm nhiều lần phải uốn mồm uốn lưỡi cho bớt cái "accent" của hơn 25 năm sống ở Việt Nam. 

Tuy vậy, sau những giờ làm việc với những con số khô khan, tôi bỗng thấy thương nhớ những âm điệu ngọt ngào chất phác của miền đất trù phú và hào sảng "bắc con cá gô bỏ dô gổ nó kêu gột gột!” (bắt con cá rô bỏ vô rổ nó kêu rột rột).

Mỗi lần tình cờ xem được đoạn phim hát về quê hương miền Nam với hình ảnh những cô gái áo mặc bà ba trên cánh đồng lúa chín bạt ngàn, tôi lại nghe nỗi thương nhớ đồng quê  cồn cào trong gan ruột. Có những đêm hè mơ màng trong giấc ngủ, tôi thấy mình trở về bé nhỏ giữa buổi chợ xôn xao hàng bánh quê, rộn rã tiếng nói cười...

Thật là may, tôi không cần phải tìm ngày nghỉ phép, ngồi hơn 20 tiếng đồng hồ cả máy bay lẫn xe đò để nghe lại "tiếng quê tôi". Tôi cũng không cần phải đợi "giáp năm" để họp "hội đồng hương", mà chỉ cần lái xe khoảng 1 giờ là có thể xuống tới nhà Huyền, cô em hàng xóm cũ của tôi ở ngay giữa Sài Gòn Nhỏ.  

Huyền nhỏ hơn tôi 2 tuổi, khi ở Việt Nam thì nhà Huyền ở đối diện nhà tôi trong khu xóm ồn ào. Ngày nào tôi cũng lon ton sang chơi với chị em Huyền cho đến khi bà Ngoại tôi  gọi về ăn cơm hay tắm rửa. Chúng tôi chơi đủ thứ trò, nấu cơm, bán quán, nhảy dây... Trước nhà Huyền là bãi cỏ  xanh rì, tôi hay tha thẩn ra đó bắt chuồn chuồn, cào cào về cho gà ăn mỗi khi chị em Huyền về quê ngoại ở tận Đôn Châu…

Chúng tôi lớn lên, mỗi người mỗi ngả. Khi tôi còn đi làm ở Sài Gòn thì Huyền đã lấy chồng rồi theo chồng sang Mỹ. Tình cờ một lần về Sài Gòn Nhỏ, tôi  tìm được Huyền. Chúng tôi gặp nhau giữa “thủ đô tỵ nạn”, mừng mừng tủi tủi khi cả hai đều đã có 2 bé gái trạc tuổi nhau. Rồi vợ chồng Huyền và vợ chồng tôi lại có thêm hai bé trai. Mấy đứa bé đồng trang lứa, lại là "đồng hương" nên chỉ gặp nhau vài lần là chúng đã mến nhau, cứ hỏi nhau khi nào thì được gặp lại.

Nhà chồng của Huyền là một gia đình HO. Bác Năm trai, ba chồng của  Huyền sau 14 năm tù đày "cải tạo" cũng đem được vợ con đến bờ bến tự do. Bác Năm gái, chiều chồng thương con,  mỗi dịp cuối tuần là bác nấu nướng thêm nhiều món Việt Nam chờ bạn bè tụ họp về thưởng thức.

Ông Trời run rủi sao, mẹ tôi cũng trạc tuổi mẹ ruột và mẹ chồng Huyền, rồi ông Ngoại tôi sang Mỹ du lịch cũng nhìn ra ba Huyền là người làm cùng sở ngày xưa. Mỗi buổi họp "hội đồng hương", cả gia đình Huyền và tôi đều vui, vì không một ai bị "lẻ bạn". Mỗi cuộc họp mặt luôn được bắt đầu rôm rả và chia tay trong niềm lưu luyến của các "thành viên" với đủ độ tuổi trải dài từ . . 3 đến 90.

Từ ngày gặp lại được Huyền, cuộc sống nơi quê mới của tôi có thêm nhiều màu sắc, nhiều điều để suy ngẫm, để yêu thương,  nhất là những khi ngồi nghe Bác Năm kể chuyện xưa. . .

Bác Năm tin tưởng lời "bảo lãnh" của một người bà con, nên không trốn đi mà về "trình diện" sau tháng 4 năm  1975. Rồi cuộc đời bác gắn liền với những năm tháng tù đày. Bác Năm gái ở nhà nuôi con, như bao nhiêu người vợ "tù cải tạo", kiếm được đồng nào là lặn lội tay xách nách mang đi thăm chồng ở khắp các trại tù. Bác kể bác đã có trong danh sách xử tử, ở nhà đã đào sẵn huyệt mộ để đợi lãnh xác về chôn cất. Nhưng rồi bác "phước lớn mạng lớn", được "ân xá" để trở về gặp lại vợ con với đủ thứ bệnh trong người và một bên mắt hầu như không còn thấy được.

Làm sao kể hết những tang thương dâu bể mà gia đình bác Năm đã trải qua trước khi được định cư nơi đất mới. Bác Năm gái vẫn còn giữ những nét mặn mà thời xuân sắc, dù tóc đã bạc trắng cả mái đầu, luôn lui cui bên bác trai tiếp cơm, rót nước. Bác Năm trai, trước khi cầm đũa dùng món gì là cứ hỏi Huyền: "Mẹ con đã ăn chưa?"

Mới năm rồi, bác Năm trai trải qua trận bệnh "thập tử nhất sinh". Trong những tháng ngày thân thể đớn đau tột bực, bác trai vẫn luôn dặn dò vợ chồng Huyền "Ba có chết thì tụi con nhớ lo cho má nghen. Tội nghiệp lắm, bả không biết gì hết á!"

Tôi thật cảm phục bác trai, trong lúc đau yếu vẫn còn là "bóng tùng quân" luôn lo lắng che chở cho người vợ tào khang chung thủy của mình. Nhìn hai mái đầu run run  bên nhau, khi cơn gió chiều cuối năm thổi phất phơ những sợi tóc bạc trắng như mây, tôi thấy cả bầu trời yêu thương nồng ấm của hai con người đã cùng nhau vượt qua những khổ đau thời ly loạn…

Vợ chồng Huyền sang Mỹ khi tuổi đã lớn, nhưng nhờ siêng năng chăm chỉ nên cuộc sống hai em cũng đầy đủ mọi thứ như bao nhiêu người dân bản xứ. Hai đứa bé con ngoan ngoãn dễ thương, nói tiếng Việt rành rọt với ông bà, cha mẹ. . .

Bác Năm cũng có một đôi vợ chồng "bạn già" là Dì  Hồng lái xe từ Pomona xuống tụ họp mỗi cuối tuần. Gia đình  Dì Hồng vượt biên sang Mỹ từ lâu lắm, bây giờ con cái đã học hành thành đạt, nên tuổi già của vợ chồng Dì cũng rất thong dong. Mỗi lần tụ họp, sau những câu chuyện "ở tù" của bác Năm lại là chuyện "vượt biên" của  Dì Hồng. . . Tôi cứ tròn mắt mà ngồi nghe rồi tưởng tượng những nỗi sợ hãi trong cơn sóng dữ của gia đình Dì, để thấy rằng mình thật là may mắn biết bao.

Tôi cũng cảm phục khi nghe Dì Hồng kể lại những ngày tháng bươn chải nơi đất lạ để nuôi 4 đứa con nên người. Dì Hồng vốn nhỏ nhắn, ngồi lái xe luôn phải chỉnh cái ghế lên mức cao nhất,  vậy mà Dì đã từng lái xe xa lộ xuôi ngược từ Orange County,  Pomona đến LA  tìm mối may hàng để nuôi con ăn học. Thời đấy đâu có Google Map hay các tiện ích chỉ đường hiện đại như bây giờ mà Dì Hồng đã một mình lái xe suốt bao năm không hề sợ lạc đường. Đến khi Dì Hồng muốn nghỉ hưu, thì người chủ vẫn năn nỉ Dì lãnh đồ, trả giá thật cao vì nói thật tình là sẽ không tìm được ai làm giỏi như Dì Hồng nữa. Dì Hồng lại có tài làm món bánh xèo béo giòn ít ai sánh được.

Mỗi lần họp "hội đồng hương" gia đình, là chúng tôi mỗi người góp một món, món nào cũng đượm nồng mùi vị quê xa. Bác Năm,  Dì Hồng và mẹ tôi hay thở dài mà nhớ hồi xửa hồi xưa ở xóm mình có Thím Ba hay Mợ Út nấu món này là “ngon nhứt xứ”...  

Các bà cũng hay chia nhau những món bánh ít, bánh tét quê nhà, mừng rỡ khoe vừa tìm ra được công thức làm bánh bò, bánh chuối thiệt ngon. Tôi hay ngồi lặng ngắm các bác tíu tít như trẻ thơ bên những món “quà quê”. Trong câu chuyện về những tháng ngày đã xa tít mù khơi, tôi mơ màng thấy như mình ngồi giữa buổi chiều quê, bên dòng kênh Tiểu Cần êm đềm uốn lượn qua những rặng dừa xanh mướt suốt buốn mùa…

"Hội đồng hương" của tôi, như nhiều gia đình Việt trên đất Mỹ,  luôn ăn mừng các ngày lễ lạc Tây-Ta với tinh thần "hiệp chủng quốc" tràn đầy. Lễ Tạ Ơn, "hội đồng hương" ăn mừng thiệt lớn với... chim cút chiên bơ hay “gà chạy bộ” quay, như một cách rất riêng để cảm ơn nước Mỹ của những di dân có vóc người nhỏ nhắn. Ngày Tết Việt Nam, "hội đồng hương” cùng xúng xính áo dài, cùng nhau đi chợ Tết rồi về nhà ăn bánh tét, bánh chưng, lắc bầu cua cá cọp, các ông thì nhâm nhi gỏi xoài, cánh gà chiên nướng mắm với…rượu Tây. Bốn đứa bé cũng khoanh tay ngọng nghịu mà mừng tuổi ông bà cha mẹ để nhận bao đỏ lì xì. Ngày Lễ Độc Lập July 4th, "hội đồng hương" cũng nướng bắp nhưng không quệt bơ mà quệt mỡ hành, cũng  có thịt BBQ, nhưng ăn với…nước mắm, rau và bánh hỏi trong tiếng pháo đì đùng vang vọng khắp nơi. 

Những hôm "hội đồng hương" mệt mỏi, chúng tôi bỏ qua phần nấu nướng, lái xe ra chưa đầy năm phút là đã có vô số hàng quán đậm đà hương vị từ ba miền Bắc Trung Nam để mà tha hồ gọi món đem về. Những buổi trưa hè tay cầm ly “nước mía Long An” mát lạnh, tay đẩy một xe rau bún bên ngoài cổng chợ ABC, chợt nghe có ai đó ôm đàn ngồi ca vọng cổ ngọt ngào, tôi cứ ngỡ như quê mình gần lắm đâu đây…

Như bao nhiêu người nhà quê miền Nam chân chất, chúng tôi chia sẻ cùng nhau đủ thứ từ luật thuế vụ cho đến cách ướp thịt, làm nem, làm chả hay cách ủ phân trồng ớt trồng rau. Hết đề mục này đến đề mục khác cứ như dòng sông tuôn chảy không ngừng, tưởng như không  còn đang ở giữa nước Mỹ bận rộn và vội vã. Những lúc ấy, tôi lại nhớ ngày xa xưa nơi quê ngoại, bà con trong thôn xóm cứ í ới gọi nhau giữa trưa hè:"Đi đâu mà gấp dữ, vô rửa chưn rồi làm chung trà chú Tư ơi!" Những câu chuyện bên bình tích trà nóng hổi cứ vậy mà tuôn chảy, cho đến khi nghe tiếng chim vịt kêu chiều quàng quạc ngoài cánh đồng xa…

Mảnh sân sau nhà bác Năm là một "kiểu mẫu" quen thuộc của nhà người Việt ở Sài Gòn Nhỏ. Chỉ cần đẩy cửa bước ra sau, là không khác gì một mảnh vườn quê Việt. Hai góc sân là hai bụi chuối xanh tươi, sát bờ tường là bụi lá dứa, rau cần, sả, ớt, . . chen nhau vươn ra hứng ánh nắng ngọt ngào của miền Nam Cali. Bên giữa những ô gạch được xếp gọn gàng là luống rau tía tô, dấp cá, rau răm. .  "mọc nhanh đến không kịp cắt". Bác Năm rất mát tay trồng trọt, mấy cây bưởi, cây chanh, cây nhãn, sa bô chê, mãng cầu, . . mùa nào thức đó, luôn chĩu chịt trái đầy cành. Bác Năm hay nói "đất lành nên cho trái ngọt, trái sai!"

Mỗi lần nhìn các bé con tôi và con Huyền nô đùa với nhau, tôi như thấy lại hình ảnh của chị em Huyền và tôi ngày còn thơ dại. Thay vì chơi đất cát, cắt lá cắt rau như tôi và chị em Huyền, hai bé gái sinh ra ở xứ cờ hoa có nhiều món đồ chơi tiện lợi, sạch sẽ hơn chúng tôi thuở đó. Quần áo của các bé con cũng đẹp đẽ, gọn gàng chứ không lếch thếch lôi thôi như hầu hết những đứa bé trong xóm xưa kia. 

Các con của Huyền, của tôi, cũng như những cây trái Việt được trồng trên đất Mỹ, chắc chắn không giữ được những mùi vị ban sơ của quê nhà. Tuy vậy, chúng lớn lên với tâm hồn trong sáng,  được sự chăm lo của gia đình, xã hội, cũng như những cây trái kia, luôn ngọt ngào, mướt mát hơn những cây trái chốn quê xưa.  Sau những câu chuyện tù đày gian khổ, bác Năm hay mỉm cười hướng về  đàn cháu xinh xắn nô đùa giữa bao  món đồ chơi đầy màu sắc. Đôi mắt bác lại rạng rỡ niềm tin vào một tương lai tươi sáng của thế hệ "cây non" đang vươn lên trên vùng đất màu mỡ, sau bao đau thương, hy sinh của  cha mẹ, ông bà.

Lần nào từ Sài Gòn Nhỏ về lại LA, xe tôi cũng lỉnh kỉnh những món “quà quê” của Bác Năm. Từ những miếng bánh da lợn, xôi vị mà bác lui cui xay bột, nấu nướng từ hôm trước, đến những trái chanh, trái bưởi no tròn mọng nước bác mới hái sau vườn, hay những giỏ táo “ngọt như đường” Dì Hồng hái từ Pomona...

Sài Gòn Nhỏ không chỉ là nơi ăn uống mua sắm món Việt, mà còn là một góc trời quê để cả nhà tôi cùng nôn nao đợi đến ngày chủ nhật để được trở về. Cám ơn xứ sở cờ hoa đã nuôi dưỡng, cưu mang những phận người tỵ nạn, cám ơn bác Năm, cám ơn em Huyền đã cho tôi một góc quê để về nương náu sau những bộn bề lo toan nơi  phố thị LA.
 
*
Mùa đông năm nay, Nam Cali  được tưới mát bằng nhiều cơn mưa nặng hạt, nhưng cũng đi kèm với những đợt lạnh cắt da, đất trời âm u suốt nhiều ngày. Dù thời tiết xấu, hôm nay gia đình tôi vẫn hồ hởi "dìa quê”. Chào hỏi bác Năm gái xong, bước về phía cửa sau, tôi thấy bác Năm trai ngồi cạnh bên  lò sưởi, dõi mắt hướng ra bụi chuối ngoài sân. Mảnh vườn xanh hôm nay  như trở màu xám xịt, buồn hắt hiu theo từng cơn gió lạnh thổi về. Tôi bỗng thấy trong mắt bác Năm rưng rưng nỗi tiếc thương hoài vọng về những tháng ngày "nắng đẹp miền Nam"...

Tố Nguyễn

No comments:

Blog Archive