Friday, March 29, 2019

Thảm Họa “Văn Hóa” Ở Trong Nước

Đào Văn Bình

Hiện nay ở trong nước, hai chữ “văn hóa” được dùng tràn lan, sai nghĩa và trở nên dị hợm khi nói: văn hóa nói dối, văn hóa tham nhũng, văn hóa đi trễ, văn hóa chen lấn, văn hóa chửi thề, văn hóa ỉa bậy, văn hóa phong bì, nền văn hóa giao thông. Hai chữ “văn hóa” ở đây được dùng với ý xấu, ám chỉ cái gì đã trở thành cố tật thấm sâu vào não trạng và không sao thay đổi được nữa và được cả xã hội chấp thuận và làm theo. Trong khi “văn hóa” biểu tượng cho cái gì tốt đẹp đã được gạn lọc theo thời gian và là niềm hãnh diện vì là đặc trưng của một quốc gia.
 
Theo từ điển Anh, “culture” ngoài nghĩa “văn hóa” còn có nghĩa khác như sau: “The set of predominating attitudes and behavior that characterize a group or organization.” Theo định nghĩa này thì “culture” có nghĩa là: Lề thói, cách cư xử, trào lưu, phổ biến, một căn bệnh, cố tật…của một tập thể, một tổ chức, một nhóm người nào đó chứ không chung cho cả một dân tộc.

Xin nhớ cho, văn hóa là đặc trưng, thường là tốt đẹp cho cả một dân tộc. Do đó, khi phê phán người nào cư xử, hành động nói năng thô tục, khiếm nhã, thiếu lịch sự, ăn mặc hở hang… chúng ta nói, “Đây là hành động thiếu văn hóa”, tức văn hóa là biểu tượng cho mẫu mực và tốt đẹp chung. Chẳng hạn, “Việt Nam có một nền văn hóa cổ kính”. “Hoa Kỳ có một nền văn hóa đa dạng”. Văn hóa là một tổng hợp bao gồm rất nhiều lãnh vực của xã hội như: Hội hè, nghi lễ, nghi thức, cách ăn mặc, cách nói năng, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội…chẳng hạn như: văn hóa Trung Hoa, văn hóa Mỹ, văn hóa Việt Nam…qua đó chúng ta thấy sự khác biệt về lối sống giữa các quốc gia. Chẳng hạn thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa lớn của người Việt chúng ta. Hoặc, các cụ ngày xưa gặp nhau đều chắp tay vái chào, đó là một nét văn hóa cổ kính của Việt Nam. Hoặc, Hội Lim hằng năm để trai gái hát Quan Họ, hát đúm là nét văn hóa trữ tình của làng quê Việt Nam.

Do đó không thể dùng từ ngữ “văn hóa” để diễn tả một thói hư, tật xấu, một trào lưu của một số người chứ không phải của cả dân tộc, chẳng hạn như:“Văn hóa ứng xử” mà phải nói, “cách cư xử” sao cho lễ độ, lịch sự, phải phép v.v..“văn hóa  xếp hàng” mà phải nói “thói quen xếp hàng” hoặc “ tự trọng khi xếp hàng”. “văn hóa đi trễ” mà phải nói, “thói quen đi trễ”, “bệnh đi trễ”.“văn hóa chửi thề” mà phải nói, “bệnh chửi thề”, “tật chửi thề” Thí dụ: Thằng cha/con mụ đó có tật hễ mở miệng ra là chửi thề.

Do đó không thể nói, “Thằng cha/con mụ đó có văn hóa chửi thề” Nếu đã có văn hóa thì làm sao có thể chửi thề? “văn hóa phong bỉ” mà phải nói “trào lưu, phổ biến”. Thí dụ: “Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đã trở thành một trào lưu không biết ngượng/phổ biến của giới bác sĩ Việt Nam bây giờ.” Do đó không thể nói, “Ông/bà bác sĩ đó có văn hóa nhận phong bì.” Mà phải nói “Ông/bà bác sĩ đó không biết xấu hổ khi nhận tiền biếu của bệnh nhân.”“văn hóa phóng uế”mà phải nói “ thói quen phóng uế, xả rác. Thí dụ: “Xả rác và phóng uế là thói quen bất trị của người Việt Nam bây giờ.” hoặc, “Hút thuốc xong liền quăng tàn thuốc lá xuống đất là thói quen đã thấm vào não trạng/vào máu của người Việt Nam.”

Do đó không thể nói “Thằng cha đó có văn hóa đái bậy/ỉa bậy”. Bởi vì nếu có văn hóa thì đâu có đái bậy, ỉa bậy. “văn hóa nói dối” mà phải nói, “thói quen nói dối, cố tật nói dối”. “bệnh nói dối”. Chúng ta không thể nói, “Thằng cha, con mụ đó có văn hóa nói dối.” mà phải nói, “Thằng cha, con mụ đó có bệnh nói dối”. “văn hóa đi máy bay” mà phải nói, “những điều nên làm và không nên làm khi đi máy bay”. Ngoài ra cũng không thể nói, “văn hóa ẩm thực” mà chỉ là “cách ăn uống, thói quen ăn uống, tập tục ăn uống”.“văn hóa khinh bỉ”.

Thật tình tôi không hiểu người sáng chế ra chữ này muốn nói gi? Đồng ý tham nhũng là vi phạm pháp và đáng khinh bỉ. Nhưng để “tận diệt” nạn tham nhũng, ngoài việc ngăn ngừa, trừng phạt còn phải xây dựng một lòng tự trọng là “biết khinh bỉ tham nhũng” tức xây dựng “lòng tự trọng” chứ tại sao lại sáng chế ra một từ ngữ quái đản như vậy?
 
“Nền văn hóa giao thông” mà là “thảm trạng giao thông tại Việt Nam”. Tại sao cứ dùng hai chữ “văn hóa” để gán ghép cho những thói hư tật xấu? Giả dụ ngày mai đây hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, người dân bắt đầu có ý thức trách nhiệm và bảo vệ an toàn trên đường phố, lái xe có trật tự hơn thì cái gọi là “nền văn hóa giao thông” đó có còn tồn tại không?

Vậy đây chỉ là một thảm trạng nhất thời chứ không phải một nền văn hóa. Xin nhớ cho văn hóa là một tập tục, lề thói tốt đẹp của một dân tộc, tồn tại mãi với thời gian trong lòng cộng đồng dân tộc đó, chẳng hạn như thờ cúng tổ tiên là nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam.-Rồi “văn hóa online”. Làm gì có cái gọi là “văn hóa online”. Đây chỉ là một phương tiện, một trào lưu vào mạng lưới toàn cầu trên máy điện tử để theo dõi tin tức, thảo luận, có khi chửi bới nhau thậm tệ… chứ nó có phải là một nét “văn hóa” để nâng cao phẩm hạnh, tư cách, đạo đức của con người đâu.

Một người tối ngày vào các diễn đàn điện tử để tranh cãi chưa chắc đã là con người có tư cách và đạo đức. Mới đây nhất Ngày Hội Cà-Phê Ban Mê Thuột 2019 đã quảng cáo cái gọi là “văn hóa cà-phê”. Thật quái đản! Khi nói “văn hóa cà-phê” điều đó có nghĩa rằng việc uống cà-phê đã được lưu truyền từ đời Quốc Tổ Hùng Vương xuống con cháu bây giờ. Nhà nhà, từ rừng núi tới thành thị, hang cùng ngõ hẻm đều uống cà-phê. Nghệ thuật uống cà-phề đã được ghi lại trong thi ca, sử sách, đã trở thành một thứ “đạo” như “trà đạo” trong mọi gia đình Việt Nam.

Và trải qua 4000 năm, nó đã trở thành nề nếp văn hóa của dân tộc giống như tục lệ thờ cúng tổ tiên vậy. Kẻ nói như con vẹt này không biết rằng việc uống cà-phê chỉ có khi ông Tây mũi lõ đô hộ nước ta. Nó chỉ là một cái thú, một thị hiếu, một sở thích, một thói quen chứ chẳng liên quan gì tới văn hóa cả. Làm gì có cái gọi là “văn hóa cà-phê” trong kho tàng văn hóa Việt Nam?

Những kẻ buôn lậu, mánh mung, đâm cha chém chú, chơi bời lêu lổng… dù có ngồi uống cà-phê tại một nhà hàng sang trọng thì đâu có gì gọi là văn hóa? Uống cà-phê thì cũng giống như uống nước trà, nước chè tươi, nước vối…có gì ghê gớm đâu? Thế nhưng ngày Tết đi lễ chùa, thăm viếng thầy/cô trong tinh thần “tôn sư trọng đạo” lại là một nét đẹp của văn hóa.
 
1- Ngoài ra, nếu đã có “văn hóa cà-phê” thì rồi đây sẽ có“văn hóa nước mắm”, “văn hóa mắm tôm”, “văn hóa chả giò”, “văn hóa hủ tíu”, “văn hóa bún chả ”. Khi gặp một người ngoại quốc nếu chúng ta nói, “Thưa ông/bà “đất nước chúng tôi có một nền văn hóa gọi là văn hóa ỉa bậy, đái bậy” điều đó có nghĩa là ỉa bậy, đái bậy đã được lưu truyền từ bốn ngàn năm, đã được giảng dạy từ học đường tới gia đình, được văn chương, sử sách ca ngợi cho nên nó thấm vào máu dân tộc chúng tôi và biến thành “một nền văn hóa” đáng trân quý của dân tộc.

Xin quý vị đừng cười!” Chắc ông/bà ngoại quốc đó sẽ kinh hoảng và trốn khỏi Việt Nam vì xứ sở gì mà có một nền văn hóa quái đản như vậy.  Nhưng nếu chúng ta nói, “Dân tộc chúng tôi bị ngàn năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm “nồi da xáo thịt”.

Năm 1979 lại trải qua hai cuộc chiến với Khmer Đỏ và bành trướng phương bắc, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học hành không có, giáo dục bản thân không có, đường phố, chợ búa lại không có nhà vệ sinh công cộng,  quan to lo xây biệt phủ, chuyển tiền, gửi con đi Mỹ, không lo đời sống của dân…cho nên mắc đại tiện, tiểu tiện quá không biết phải làm sao, đành tè và ị ra đường. Đây là một tệ nạn thật xấu hổ của dân tộc chúng tôi. “Nếu nói thế thì người ngoại quốc còn hiểu và thông cảm. Còn nếu nói, “Chúng tôi có văn hóa ỉa bậy, đái bậy” thì hết thuốc chữa vì làm sao có thể thay đổi được một nền văn hóa? 

Hiện nay tiếng Việt ở trong nước và trang tin BBC Việt Ngữ giống như một bãi rác khổng lồ, ai muốn phóng uế cũng được. Không được học hành đàng hoàng, không đọc văn chương sử sách, không tra cứu từ điển, không cần biết đúng sai, không hỏi người lớn… mà cứ viết. Đúng là thảm họa văn hóa của dân tộc!

Đào Văn Bình (trong Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời)

No comments:

Blog Archive