Wednesday, March 13, 2019

Làm Báo Xuân Học Trò Trước 1975



resized-khoi-an-2013

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Đó là hai câu trong một bài hát dân gian về Tết, hai câu mà người Việt ai cũng từng nghe qua, dù không mấy ai biết cả bài hát. Mỗi khi Xuân về, hai câu này lại xuất hiện ở khắp nơi như một bức tranh Tết bằng thơ.

Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam, ngày Tết không có cây nêu. Thêm vào đó, sau cuộc tấn công của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân, từ Tết Kỷ Dậu 1969 tới Tết Ất Mão 1975 người dân không còn được đốt pháo. Vì thế, để tả hình ảnh Tết ở Sài Gòn trước năm 1975, có lần tôi và đám bạn đã chế thêm hai câu mới:

Bánh tét, mứt dừa, phong giấy đỏ
Hoa Mai, báo Tết, trái dưa xanh

Chỉ là đùa vui thôi, nhưng ngẫm nghĩ lại thì rất đúng. Ở miền Nam thời đó, ngoài các món ăn, nếu trẻ con không được phong bao đỏ đựng tiền mừng tuổi, nếu không thấy hoa Mai và báo Xuân thì hương vị Tết sẽ thiếu rất nhiều.

Ngày ấy, báo Xuân thường được phát hành gần ngày ông Táo về Trời, hai mươi ba tháng Chạp. Sài Gòn có khoảng ba mươi tờ nhật báo và cỡ một chục tờ nguyệt san, bán nguyệt san. Tờ nào cũng cố gắng làm Giai Phẩm Xuân, nên người đọc có gần bốn mươi tờ báo Xuân để chọn lựa và thưởng thức.
bia-tet-nam-phong
Bìa báo xuân Nam Phong năm 1918.
Từ những nhà sách lớn cho tới các sạp báo vỉa hè, nơi nào các Giai Phẩm Xuân cũng được trưng bày ở nơi trang trọng nhất. Bìa báo với tranh vẽ của các họa sĩ tên tuổi hoặc hình chụp các nghệ sĩ xinh đẹp, mắt sáng rỡ, môi mọng tươi đã góp phần đem hy vọng của mùa Xuân mới đến khắp các nẻo đường. Đi dạo ở Sài Gòn, một ngày kia đường phố bỗng rực lên với những bìa báo Xuân lộng lẫy, ai cũng nhớ rằng Tết đang đến thật gần.

Ngoài ra, còn có những tờ báo Xuân không bày bán ngoài đường nhưng cũng được trân trọng không kém, đó là Báo Xuân Học Trò. Đây chính là các khu vườn nơi những mầm non văn nghệ tại các trường trung học rực rỡ tỏa sáng vào dịp Xuân về.

Sau khi hiệp định Geneve 1954 chia đôi Việt Nam, miền Nam nhanh chóng bước vào thời kỳ xây dựng đất nước. Nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa phát triển rất mạnh. Chỉ trong sáu năm, hàng chục trường trung học công được lập ra để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực của nhà nước và lòng ham học của giới trẻ.

Tại Sài Gòn, các trường Trung Học di cư ổn định trên đất mới. Cuối năm 1956, sau hai niên khóa nương tựa ở nhà thờ Huyện Sĩ, trường Hồ Ngọc Cẩn của giáo phận Bùi Chu đã dời về địa điểm mới và chính thức trở thành trường công. Năm 1957, sau ba năm được trường Nữ Trung Học Gia Long đùm bọc, trường Nữ Trung Hoc Trưng Vương dọn về khuôn viên riêng ở cuối con dốc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trường Nam Trung Học Chu Văn An đã học nhờ tại Nam Trung Học Petrus Ký trong thời gian xây trường và khai giảng khóa đầu ở cơ sở mới năm 1961.

Ngoài ra, hàng loạt trường trung học mới tinh đã ra đời ở khắp các tỉnh thành. Ở Sài Gòn có Nam Trung Học Võ Trường Toản (1956), Trung Học Mạc Đĩnh Chi (1957), và Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt (1960). Ở các tỉnh có Trung Học Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi – 1955), Trung Học Tăng Bạt Hổ ( Bình Định - 1955), Trung Học Ngô Quyền (Biên Hòa – 1957), Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho - 1957), và Nữ Trung Học Nha Trang (Nha Trang - 1960)…

Đến giữa thập niên 60 các trường mới đã vững mạnh, hăng hái sánh vai với các trường trung học có tiếng từ mấy chục năm như Gia Long và Petrus Ký ở Sài Gòn cũng như Quốc Học và Đồng Khánh ở Huế. Sinh hoạt học đường trở nên tưng bừng, “trăm hoa đua nở” ở mọi mặt từ học tập, thể thao, tới văn nghệ, báo chí. 

Sáng tác văn chương luôn là điều thích thú và đầy hấp dẫn đối với giới trẻ. Thời trước 1975, nhiều tờ báo lớn dành cả một trang riêng cho những búp măng văn nghệ, nổi tiếng nhất có lẽ là mục Mai Bê Bi của báo Chính Luận. Trong trường trung học, các cây bút trẻ cùng nhau lập “bút nhóm” hay “thi văn đoàn” để cùng trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những giây phút “hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp” (*). Cứ mỗi khi Tết đến là niềm đam mê lại dạt dào, học sinh lại đua nhau làm báo. Từ báo lớp chỉ hai màu trắng đen tới báo trường với bìa láng nhiều màu tươi rói, Báo Xuân Học Trò đã trở thành một sinh hoạt học đường không thể thiếu.
Bia_GiaLong_75 (1)
Hình bìa Báo Xuân Ất Mão 1975 của trường Gia Long.
Làm Báo Xuân Lớp – Công Phu, Vụng Dại 
(Theo lời kể của ông Tam Anh LAD)
Xuân Tân Sửu, 1961, tôi đang học Đệ Tứ (lớp Chín) tại trường Tăng Bạt Hổ, xã Bồng Sơn, Bình Định. Năm đó tôi cùng anh bạn PVD và một cô bạn nữa mong muốn làm một tờ báo Xuân. Được sự khuyến khích, nâng đỡ của Giáo Sư Hội Họa Phạm Xuân Điềm, chúng tôi miệt mài bỏ cả tháng trời để thực hiện. 

Bài vở thu thập khá nhanh bởi vì đám học trò quê chúng tôi tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng tinh thần văn nghệ thì luôn lai láng. Thời đó, chúng tôi chưa biết dùng máy chữ, mọi bài viết đều ghi bằng tay trên giấy vở. Hơn thế, hầu hết các bước của quyển báo đều được làm bằng tay.

Phần chính trong giai đoạn in ấn là hoàn thành những tấm thạch bản, tức là những tấm đá vôi mỏng, kích thước bằng một trang báo. Thơ văn được viết bằng tay lên tấm thạch bản bằng một loại mực dầu đặc biệt. Khó khăn nhất là phải viết ngược từng chữ, tức là mỗi giòng chữ trên thạch bản được viết giống như hình ảnh của giòng chữ nhìn trong gương. Cô bạn trong nhóm làm báo có tài viết chữ tuyệt vời; dù viết ngược hay xuôi, dưới tay cô, từng giòng chữ hiện ra đều tăm tắp, thanh tao, đẹp như phượng múa. 

Tờ báo có mấy chục trang là cô ấy phải cặm cụi viết bấy nhiêu thạch bản. Tôi và anh bạn thì lo dùng giấy than đồ hình vẽ được chọn làm bìa báo cùng các hình trang trí khác rồi sao lại lên thạch bản. 

Khi từng trang báo đã sẵn sàng trên đá, những tấm đá này được ngâm vào nước rồi nhấc lên. Nước và dầu đẩy nhau nên nước nhanh chóng chảy đến các vị trí không có mực dầu, tức là chỉ đọng lại ở ngoài nét chữ.

Tiếp đến, một trục dài quét đầy mực dầu được lăn qua bề mặt của thạch bản. Dầu hút dầu, do đó mực chỉ dính trên những nét chữ viết ban đầu. Sau đó, một tờ giấy trắng được đặt trên thạch bản, một trục sạch được lăn qua để ép tờ giấy xuống cho nét mực dính vào giấy. Thế là được một trang. Một tờ giấy khác được đặt lên thạch bản để in trang kế tiếp. Từng trang, từng trang, tờ báo thành hình.

Lúc đầu mực còn đậm nên trang báo rõ ràng nhưng hay bị lem, những trang sau ít lem hơn nhưng nét chữ lại lợt đi. Mỗi thạch bản in được khoảng một trăm tờ trước khi nét chữ viết lúc đầu trở thành quá mờ, không dùng được nữa.

Sau khi in hết các trang, chúng tôi sắp các tờ giấy thành từng quyển rồi dùng keo dán lại. 

Thế là tờ báo ra đời, chỉ có hai màu đen trắng, nhưng chúng tôi cảm thấy hãnh diện vô cùng. Dù rải rác trong các tờ báo có một vài trang lem luốc khó đọc, ba đứa chúng tôi vẫn rất hào hứng với kỹ thuật in “hiện đại” và say mê ngắm nhìn tác phẩm của mình.

Tờ báo Xuân năm đó là tờ báo của những con tim, của tình yêu thầy trò. Bởi vì không ai bán con tim nên báo chỉ đem biếu các thầy, cô, các bạn trong lớp và những bạn thân. Nói nào ngay, báo có bán chắc cũng chẳng ai mua vì lem nhem, vụng về quá!

Tuy vây, tờ báo vẫn được mọi người chuyền tay nhau. Cảm phục tài sáng tác thì chẳng biết có hay không, nhưng cảm cái công khó của những người làm báo thì chắc là có khá nhiều. Nhưng chưa kịp khen ngợi nhau thì Cộng Sản ập vào xã. Cả trường tan tác chạy giặc, và từ đó những ngày tháng ở Tăng Bạt Hổ, Bồng Sơn chỉ còn là những hoài tưởng đau đáu trong tim.

Một thuở bay bay, bụi học trò
Cay cay con mắt, nhận và cho
Đời qua, nghiệt ngã, sương mù, nhớ
Nhớ những bàn tay, những hẹn hò...
( Thơ Tam Anh)
Bia_CVA_75
Hình bìa Báo Xuân Ất Mão 1975 của trường Chu Văn An.
Làm Báo Xuân Trường – Vất Vả, Tự Hào
(theo lời kể của ông TS)
Nien khoá 1972 -1973 tôi học Đệ Nhất (lớp 12) ở trường Petrus Ký. Thời đó, tôi ham chơi, học hành khá “lè phè”, không thường xuyên đứng đầu lớp, chưa có tuổi mà cũng chẳng có tên trong giới viết lách của sinh viên, học sinh. 

Thành tích của tôi chỉ là một giải thưởng làm bích báo cho lớp và là trưởng nhóm Văn Bút Petrus Ký do chính tôi sáng lập. Tuy nhiên, khi nghe đồn là TĐHS của Lê Văn Nuôi đang có ý đồ giành lấy chức Trưởng Khối Báo Chí Petrus Ký, tinh thần Quốc Gia của gia đình Bắc di cư trong tôi nổi dậy. Tôi quyết định tranh cử và sau gần một tháng chạy đua quyết liệt tôi đắc cử Trưởng Khối Báo Chí Petrus Ký niên khóa 1972-1973.

Cuối tháng Mười, 1972, Ban Đại Diện Học Sinh làm lễ ra mắt. Sau đó, tôi bắt đầu ngay việc làm báo Xuân. Ở trường Petrus Ký có hai thầy kiêm nhà báo nổi tiếng là thầy Nguyễn Xuân Hoàng và thầy Vũ Ký. Trong thời gian làm Trưởng Khối Báo Chí, tôi đã nhiều lần được các thầy chỉ bảo, giúp đỡ.

Tờ báo Xuân không chỉ là kỷ niệm thời cắp sách mà còn là biểu hiện của sự tài hoa, sự cố gắng, và ý chí của học sinh toàn trường, nhất là của Khối Báo Chí và các thầy cô hướng dẫn. Báo Xuân thường được gởi tặng những người phụ trách các văn đàn giành cho tuổi trẻ ở những tờ báo lớn. Đôi khi, các vị này viết một bài điểm các Báo Xuân Học Trò. Vì thế, tuy không có những cuộc thi đua quy mô như thể thao, văn nghệ, báo chí cũng là chốn ganh đua, tuy kín đáo nhưng không kém phần hào hứng giữa các trường.
bia_pky_75 (1)
Hình bìa Báo Xuân Ất Mão 1975 của trường Petrus Ký.
Điều khó khăn nhất khi làm Báo Xuân là phải hoàn tất trong vỏn vẹn hai tháng, vì thế Khối Báo Chí được nhiều “quyền lực” trong thời gian làm báo. Chúng tôi được cấp một phòng riêng, ngay cạnh phòng thí nghiệm của trường để họp hành, làm báo. Tôi được phép ký giấy để các bạn trong Khối Báo Chí trình lên giáo sư xin nghỉ một vài giờ học để đi làm báo. Đó là một “đặc quyền” đáng kể trong ngôi một trường lẫy lừng về kỷ luật và học tập như Petrus Ký.

Bốn phần chính trong việc làm báo Xuân là vận động phương tiện, chọn lọc bài vở, in ấn báo, và bán báo. Phần vận động phương tiện tương đối dễ dàng vì tiền in báo thường được ứng trước từ quỹ sinh hoạt của trường. Tuy vậy, chúng tôi cũng chia nhau đi xin quảng cáo. Những cơ sở có liên hệ thân thiết, thường xuyên giúp đỡ chúng tôi là những trường dạy luyện thi Tú Tài và những tiệm sách. Những tiệm sách lớn ở Sài Gòn như Khai Trí, Tự Lực là những ủng hộ viên lâu năm, luôn luôn ưu ái và sẵn lòng giúp đỡ học trò.

Phần chọn lọc bài vở chiếm nhiều thì giờ, công sức và năng lực nhất. Lý do chính là vì tôi mong báo có nội dung hay, phong phú, sát với xã hội chứ không quanh quẩn trong những khuôn khổ sáo mòn.

Năm 1972 là năm chiến tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Sau những trận giao tranh dữ dội từ cuối tháng Ba, sau khi hàng ngàn dân thường bị Việt Cộng thảm sát trên Quốc Lộ 1, chiến tranh đã lắng bớt sau khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng ở An Lộc và ở Cổ Thành Quảng Trị làm hầu hết Cộng quân phải rút chạy. Tuy nhiên, cái giá của chiến thắng không hề thấp. Đau thương về tới Sài Gòn bằng vô số hòm gỗ phủ cờ. Gia đình nào cũng có người thân tử trận, vật giá tăng cao, những mâu thuẫn về tư tưởng trong xã hội càng thêm gay gắt, và sự phá rối, tuyên truyền chống chính quyền của Việt Cộng nằm vùng cũng leo thang.

Tờ báo Xuân Petrus Ký ra đời trong hoàn cảnh đó, khi máu và nước mắt còn chưa ráo, khi hội đàm Paris còn đang gay cấn, vì thế chúng tôi đã chọn chủ đề là “Vươn Lên” với ý nghĩa tuổi trẻ sẽ vượt lên trên những đổ nát và đau khổ để xây dựng lại quê hương. 

Tuy vậy, cũng như mọi năm, hầu hết những bài gởi đến vẫn mang vẻ an toàn của văn chương học đường. Từ đầu thập niên 70, những nhóm thân Cộng đã thâm nhập trường học và thường xuyên lợi dụng tuổi trẻ, vì thế, học sinh trung học như chúng tôi luôn được gia đình và thầy cô nhắc nhở rằng còn nhỏ thì phải lo học, đừng để bị cuốn vào những vấn đề chính trị phức tạp. Hơn nữa, viết những bài “nặng ký” thường khó, cần nhiều thời gian để nghiền ngẫm và bày tỏ trong khi thời hạn thu bài chỉ ngắn ngủi trong một tháng. Có lẽ vì thế nên bài vở học trò ít đề cập đến những điều phức tạp như cảm xúc của người thanh niên thời chiến, nỗi băn khoăn thân phận, lo lắng về tương lai bấp bênh, hay những cảm xúc về sự hy sinh vô cùng lớn lao của những người lính mà rất nhiều người chỉ mới rời ghế nhà trường.

Năm đó, dù vừa trải qua một cuộc chiến kinh hoàng, hình ảnh của quê hương đầy thương tích hay những suy tư về chiến tranh thường chỉ nằm trong bối cảnh, chứ không là cốt chuyện. Chẳng hạn trong một chuyện ngắn, tôi có nhắc đến một hình ảnh của những anh lính Thủy Quân Lục Chiến trong một quán café ở cuối đường Pasteur. Đó là thời gian họ phải rút khỏi Quảng Trị, tháng Năm, 1972. Họ vào đến thành phố trên những chiếc xe GMC lấm đầy bùn đất. Họ ngồi hút thuốc và nhả khói mịt mù. Làn khói xám lãng đãng che mờ những khuôn mặt hốc hác và những bộ áo rằn làm khung cảnh trở thành huyền ảo đượm chút bi tráng, giống như cảnh trong một quán café ở nước Đức trong một cuốn truyện về Đệ Nhất Thế Chiến mà tôi từng đọc.

Như thông thường, những đề tài có nhiều bài nhất là chuyện tình cảm gia đình và tình yêu của tuổi dậy thì. Trong số đó, có một chuyện về tình yêu “chị em” mà thầy Vũ Ký bảo là “táo bạo”. Tuy vậy, thầy không kiểm duyệt, có lẽ vì thầy muốn tập cho chúng tôi tinh thần tự do trong sáng tác.

Nói chung, dù chưa được sắc sảo về mặt thời sự, xã hội như tôi mong đợi, Báo Xuân Vươn Lên vẫn ngời ngời tinh thần Petrus Ký: siêng năng học tập nhưng vẫn phóng khoáng đượm chút lãng mạn “táo bạo”, sẵn sàng vượt khó để xây dựng quê hương Cộng Hòa.

Khi bài vở được chọn xong, khâu trình bày bìa cũng mất khá nhiều công phu. Sau nhiều lần bàn thảo, trang bìa mới được hoàn thành. Trên nền vàng như màu cờ Việt Nam Cộng Hòa, tên Petrus Ký ở trên cùng, phía dưới là hàng chữ Xuân Quý Sửu cạnh hình vẽ bốn thanh niên với tay áo xắn cao trong tư thế sẵn sàng bắt tay vào một công cuộc lớn.

Phần kế tiếp là trình bày báo và in ấn. Đây là lúc đỡ mệt óc nhưng lại rất cực thân. Chúng tôi rạp người trên bàn để vẽ tựa, để trang trí cho mỗi bài, có khi nằm bò trên sàn để sắp đặt những trang báo. Sau khi hoàn thành quyển báo với hơn một trăm trang, chúng tôi đem đến nhà in để chuyên viên layout sửa cho hoàn hảo. Sau đó, báo được giao cho thợ sắp chữ, bước này gọi là làm typo. Mỗi trang báo được đúc trên một bản kẽm, khi mỗi bản kẽm hoàn thành, nhà in lập tức in ra một trang mẫu. Tôi và các bạn phải trực ở nhà in mỗi ngày và duyệt từng trang vừa in xong, nếu có lỗi gì phải sửa bản kẽm ngay cho khỏi mất thì giờ. Khi mọi bản kẽm đã được chúng tôi phê chuẩn, nhà in mới in hàng loạt. 

Giữa tháng Một năm 1973, hơn ba ngàn Giai Phẩm Xuân Quý Sửu của Petrus Ký ra lò. Khối Báo Chí lại được phép nghỉ học đi bán báo. Đây là phần vui nhộn, hào hứng nhất vì đó là dịp duy nhất chúng tôi trở thành những người khách được chào đón tại khắp các trường và được thuyết trình về tờ báo của mình. Dàn bán báo thường là các học sinh Đệ Nhất, Đệ Nhị vì người bán phải tự lo phương tiện xe cộ và phải chở theo những chồng báo nặng chịch. 

Chúng tôi thường đi nhóm bốn, năm người cho đỡ… run. 

Trên những chiếc xe Honda, chúng tôi rong ruổi khắp mười mấy trường tại Sài Gòn. Ở những trường tư như Nguyễn Bá Tòng, Phan Sào Nam, kỷ luật nới hơn so với trường công và số học sinh “ái mộ” dân Petrus khá nhiều, chúng tôi có dịp trổ tài hùng biện, nói như suối chảy và thu tiền bán báo như nước! 
Nhưng khi vào Nam Trung Học Chu Văn An (nổi tiếng với học sinh khá “ba gai” và cũng học rất “chì”, thường xuyên ngang ngửa với Petrus Ký trong những màn thi đua nảy lửa), chúng tôi đâm ra khiêm tốn hơn. Võ Trường Toản cũng là một trường nam đáng nể và chúng tôi cũng phải uốn lưỡi cẩn thận trước khi nói để khỏi bị những người anh em rất láu lỉnh bắt bí. 

Dĩ nhiên, chúng tôi thích đến các trường con gái nhất, vì thế tôi phải dàn xếp để mỗi nhóm bán báo được đến vài trường nữ cho lên tinh thần. Với cương vị là Trưởng Khối Báo Chí, tôi tin là mình có trách nhiệm “đem chuông đi đấm” ở những nơi quan trọng nhất, vì thế tôi đến cả hai trường con gái nổi tiếng nhất Sài Gòn là Trưng Vương và Gia Long.
Bia_TrungVuong_75
Hình bìa Báo Xuân Ất Mão 1975 của trường Trưng Vương.
Ở trường Trưng Vương chúng tôi được vào mỗi lớp học để bán. Được xâm nhập vào ngôi trường thơ mộng nhất Sài Gòn với danh hiệu “ngôi tháp lá vàng” là một điều rất hào hứng đối với chúng tôi, mặc dù ngoài mặt đứa nào cũng tỉnh bơ, ra vẻ đó là chuyện nhỏ. Sáng hôm đó, trong quần xanh, áo trắng gắn huy hiệu chỉnh tề, chúng tôi cưỡi “ngựa sắt” Honda ôm báo đến rất đúng giờ. Một cô giám thị dắt chúng tôi đến từng lớp, sau vài câu giới thiệu, cô để chúng tôi trổ tài thuyết khách. Đứng trước mấy chục cặp mắt (mắt phượng, mắt nai, và mắt… sư tử giả nai) những tên mồm mép nhất cũng bị cà lăm bất ngờ, tuy vậy, chúng tôi vẫn bán được khá nhiều báo. Lúc cuối, chúng tôi giả vờ cột lại từng chồng báo để nán lại “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (**) một lúc trước khi rời đi.

Trường Gia Long khó hơn, chỉ cho mượn một cái bàn dài để bày bán trong giờ ra chơi. Lúc đó không có giáo sư, chúng tôi đúng là lạc giữa rừng hoa! 

Những cô bạo dạn, đanh đá tha hồ khen, chê tờ báo làm chúng tôi cũng lắm lúc toát mồ hôi. Dù sao, tuy ỷ đông chọc ghẹo, các cô cũng ủng hộ Báo Xuân Petrus tận tình. Chẳng gì cũng là tình nghĩa “trai Petrus Ký, gái Gia Long” từ mấy chục năm trời!

Năm đó, chúng tôi hoàn lại tiền cho quỹ sinh hoạt của trường rất sớm vì báo của Petrus Ký nhanh chóng bán hết sạch. Trường cho chúng tôi một số tiền huê hồng, thế là mười mấy đứa trong Khối Báo Chí được vài lần vi vút với bò bảy món và mì vịt tiềm trước khi quay lại chạy nước rút với bài vở.

Tôi sơ ý không giữ lại quyển báo nào cho chính mình. Hồi đó, điều này không làm tôi tiếc nuối vì tôi nghĩ là có thể xin hay mượn một quyển báo từ bạn bè bất cứ lúc nào.

Cuối năm đó, tôi lên đường sang Mỹ du học với mớ hành trang của thời Petrus. Tôi không ngờ, mà cũng không ai ngờ, chỉ hơn hai năm sau Cộng Sản chiếm miền Nam. Cùng với vô vàn mất mát khác, Báo Xuân Học Trò của mọi năm, mọi trường cùng nhiều sách báo hết sức quý giá khác đã bị thiêu trong đống lửa hay chìm vào những thúng ve chai.

Năm nay là Xuân Kỷ Hợi. Đã bốn mươi sáu năm từ ngày chúng tôi đi bán báo Xuân. Thời gian làm phôi phai vài chi tiết, nhưng tôi không bao giờ quên ngày đó. Niềm vui và tự hào thật sâu đậm khi chúng tôi đã giữ tinh thần Quốc Gia cho tiếng nói của học sinh Petrus Ký niên khóa 1972-1973, và hoàn thành Giai Phẩm Xuân Quý Sửu, một tác phẩm văn chương trang trọng và chính thức của trường.

Lời Kết
Gần đây, có lẽ vì thất vọng trước hiện trạng đất nước, người ở Việt Nam có khuynh hướng tìm hiểu và nhắc lại những điều xảy ra tại miền Nam trước năm 1975. Một số sách báo, bìa báo, tranh vẽ, bản nhạc… của miền Nam may mắn thoát khỏi những lần thu đốt, nay trở thành quý và được tái bản tưng bừng. Nhờ đó, những người sinh ra sau cuộc chiến được hé thấy vài tư tưởng và cách sống của người miền Nam ngày trước. 

Bài này được viết cho chiều hướng đó. Xin cám ơn hai nhà báo học trò năm xưa đã chia sẻ kỷ niệm. Đây là món quà cho lớp trẻ để họ được cảm nhận một nét đặc sắc và đáng quý trong sinh hoạt học đường của thời Việt Nam Cộng Hòa. Và, cũng xin tặng những người đọc không còn trẻ lắm. Hy vọng bạn, cũng như chúng tôi, sẽ mỉm cười khi gặp lại mình trong sân trường mùa Tết, khi tuổi thanh xuân rực rỡ hòa cùng hoa cỏ, đất trời rạo rực bước vào năm mới.
Khôi An

Chú thích
(*) Trích “Khi Mới Lớn” - Thơ Đinh Hùng
(**) Trích “Học Sinh” - Thơ Huy Cận

No comments:

Blog Archive