Thursday, January 31, 2019

Xem Phim Tàu


Nguyễn Ngọc Ngạn

Thời còn ở Sài gòn, khi phim ảnh Hồng Kông tràn sang Việt Nam từ giữa thập niên 1960, một trong những nhân vật tôi hết sức ngưỡng mộ trên màn ảnh là Mã Vĩnh Trinh, do Nhạc Huê hoặc Trần Quang Thái thủ diễn. Rồi cứ thế cho đến nay, lâu lâu các nhà làm phim Trung Quốc lại tái dựng hình ảnh Mã Vĩnh Trinh, một tay giang hồ hảo hán tung hoành trong giới anh chị ở Thượng Hải. Mới đây đài truyền hình Trung Quốc lại có bộ phim “Anh Hùng Mã Vĩnh Trinh” dài hơn 40 tập hết sức hấp dẫn. Khán giả cảm phục vì Mã Vĩnh Trinh là con nhà nghèo, mồ côi cha, sống với mẹ ở Sơn Đông, bị tù oan, vượt ngục trốn đến Thượng Hải và bắt đầu lao và cuộc đời sóng gió với bao nhiêu trận đánh sinh tử, giành đất sống để vươn lên. Các tài tử thể hiện vai Mã Vĩnh Trinh tất nhiên đều đẹp trai và đem võ nghệ cao cường của mình ra trừ gian diệt bạo.

Cho đến gần đây, khi đọc được bài báo viết về con người thật của Mã Vĩnh Trinh, tôi mới biết mình bị lừa! Dĩ nhiên hàng triệu khán giả cũng đã bị điện ảnh Trung Quốc lừa như tôi! Bài báo đó là bản dịch tập tài liệu của Tô Trí Lương đăng trong Thân Báo năm 1879, có tựa đề là “Cận Đại Thượng Hải Hắc Xã Hội Nghiên Cứu” (Bài nghiên cứu về xã hội đen ở Thượng Hải thời cận đại). Nhờ bài báo này, tôi mới biết Mã Vĩnh Trinh không hề là anh hùng hảo hán mà thực chất chỉ là một gã du côn vô lại!

Mã Vĩnh Trinh vốn là một võ sư có nội công thâm hậu, đồng thời cũng là lái buôn ngựa ở Sơn Đông, bỏ đến Thượng Hải lập nghiệp vì lúc ấy Thượng Hải đang phát triển cực thịnh. Tháp tùng Mã Vĩnh Trinh sang Thượng Hải có một đám đệ tử khá đông vì họ Mã cần tạo vây cánh nơi xứ người.

Tới Thượng Hải, Mã Vĩnh Trinh cho vẽ câu biểu ngữ treo trước cửa nhà mình:

“Quyền đả hai kinh Nam, Bắc
Cước đạp hai bờ Hoàng Hà”.

Nghĩa là quyền cước vô địch thiên hạ! Thái độ cao ngạo ấy thực không xứng đáng với phong cách và tôn chí của bất cứ môn phái nào. Nhưng Mã Vĩnh Trinh giỏi võ thật, nên không ai dám đụng đến. Gã thường ỷ thế ức hiếp người khác, bắt họ phải nộp tiền cho mình. Khi đi mua ngựa, gã lựa con ngựa thật tốt nhưng trả giá rất rẻ. Chủ nhân không bằng lòng thì Mã Vĩnh Trinh làm bộ vỗ vào lưng ngựa, khen con ngựa đẹp, nhưng kỳ thực gã dùng nội công đập gãy xương sống con ngựa hoặc gây nội thương khiến con ngựa đó chết dần.

Tờ Thân Báo ở Thượng Hải kể: Năm 1879, có người buôn ngựa là Cố Trung Khê giắt 30 con ngựa đi bán, tạm trú ở quán trọ trên đường Nam Kinh. Mã Vĩnh Trinh nghe đồn có đàn ngựa tốt bèn đến hỏi mua. Gã chọn một con đẹp nhất, trả giá 20 lượng bạc, rồi giắt ngựa đi. Điều đáng nói là Mã Vĩnh Trinh chỉ trả giá ngoài miệng thôi chứ không đưa tiền cho chủ ngựa. Đã thế gã còn bắt theo một đứa nhỏ chuyên giắt ngựa cho Cố Trung Khê. Họ Cố yếu thế nên chỉ biết nuốt giận chịu nhục mà không có phản ứng gì.

Ít lâu sau, hai người tình cờ gặp nhau trong một quán trà. Cố Trung Khê yêu cầu Mã Vĩnh Trinh thanh toán món nợ 20 lạng bạc. Mã Vĩnh Trinh bảo:

-Mày không nghe uy danh của tao hay sao mà dám mở mồm đòi tiền! Tất cả lái buôn ngựa tại Thượng Hải đều phải nộp tiền cho tao, mày đã không nộp còn dám đòi tiền tao hay sao!

Hai bên lời qua tiếng lại rồi hẹn nhau ngày 13 tháng 4 tại Nhất Động Thiên Trà Lâu để giải quyết cho xong câu chuyện. Mã Vĩnh Trinh tất nhiên coi thường địch thủ nên hân hoan nhận lời ngay. Còn Cố Trung Khê thì biết đây sẽ là cuộc đụng độ sinh tử một mất một còn, nhưng nếu không dám đối đầu thì không còn đất làm ăn ở Thượng Hải.

Tứ đại mỹ nhân

Đến ngày hẹn, đôi bên cùng đem theo đàn em lên tửu lầu. Mã Vĩnh Trinh và Cố Trung Khê đang lời qua tiếng lại thì bất thình lình một đệ tử của Cố Trung Khê là Mã Liên xông lại, hắt mạnh gói vôi bột vào mặt Mã Vĩnh Trinh làm mù cả đôi mắt gã. Mã Vĩnh Trinh vội rút sợi giây xích sắt quấn quanh thắt lưng, nhắm hướng đối thủ vung lên đập, nhưng vì mắt nhắm nghiền nên không trúng đối phương. Cố Trung Khê nhanh tay rút mã tấu đâm một nhát vào đầu Mã Vĩnh Trinh, rồi đưa xuống chém lia lịa vào ống chân họ Mã. Tuy bị thương nặng nhưng họ Mã vẫn gắng sức vùng lên, gầm thét, vớ được cái bàn, quăng mạnh về phía Cố Trung Khê. Cố Trung Khê luống cuống lao đầu nhảy qua cửa sổ. Đám đàn em của cả hai bên đều án binh bất động theo dõi cuộc chiến giữa hai sư phụ. Riêng đệ tử của Mã Vĩnh Trinh, thường ngày thấy sư phụ của mình vô địch thiên hạ, không hề có đối thủ nào dám chống cự, nay bỗng sao cơ thất thế, máu chảy lênh láng, mắt nhắm nghiền, lại thêm hai ống chân bị chém, bước đi lạng quạng sắp té gục, nên chúng kéo nhau bỏ chạy hết xuống lầu, không đứa nào dám nán lại bảo vệ sư phụ vì biết chắc sư phụ đã đến ngày tàn!

Quả nhiên, đêm hôm ấy, Mã Vĩnh Trinh chết trong bệnh viện. Trước khi lìa đời còn thều thào nhắc đi nhắc lại mãi với người chung quanh:

-Cố Trung Khê không phải là hảo hán!

Ý nói là họ Cố cho đàn em dùng bột hắt vào mặt mình tức là dùng thủ đoạn tà đạo. Nhưng bản thân Mã Vĩnh Trinh tự cho mình là hảo hán sao? Khi nói câu ấy, Mã Vĩnh Trinh chưa biết Cố Trung Khê đã chết từ hồi chiều, khi lao đầu nhảy qua cửa sổ tửu lầu xuống sân gạch!

Báo chí và cảnh sát mô tả đó là một trận đánh kinh thiên động địa tại đất Thượng Hải mà kết quả cả đôi bên cùng theo nhau về bên kia thế giới! Người xưa thường nói: Khoẻ dùng sức. Yếu dùng mưu. Một người giỏi võ như Mã Vĩnh Trinh vì quá ngông nghênh coi thường địch thủ nên đành phải chết thảm!

Đưa một nhân vật có thật ngoài đời vào màn ảnh, nhà làm phim có thể thêm bớt nhiều chi tiết để cuốn phim hấp dẫn. Nhưng việc biến đổi tính cách, thay đổi hẳn bản chất của nhân vật để kẻ tiểu nhân trở thành anh hùng, kẻ ác trở thành người hiền như trường hợp Mã Vĩnh Trinh thì thật tình tôi không hiểu được chủ đích của người làm phim. Thà là một phim hư cấu, một kịch bản hoàn toàn tưởng tượng thì chẳng nói làm gì. Đằng này, Mã Vĩnh Trinh là một nhân vật có thật ở Thượng Hải, nằm trong hồ sơ băng đảng của cảnh sát và báo chí, mà tại sao điện ảnh lại khoác áo anh hùng cho một tên vô lại! Chúng ta đã coi bao nhiêu phim Al Capone của Mỹ. Tình tiết tuy có khác nhau, nhưng bản chất đích thực của Al Capone vẫn là một tay gangster tàn bạo khét tiếng ở Chicago thời chính quyền Mỹ cấm bán rượu. Chứ không có phim nào biến Al Capone thành 1 thương nhân lương thiện!

Nhưng dù sao đi nữa thì Mã Vĩnh Trinh cũng chỉ là một gã du đãng, các nhà sản xuất dùng anh ta để làm phim giải trí cho quần chúng, xét ra chẳng có hại gì nhiều cho xã hội. Đáng nói hơn là những nhân vật lịch sử của Trung Hoa, nhất là phụ nữ, như Võ Tắc Thiên, Dương Quí Phi, Từ Hi Thái Hậu v.v.. gần đây cũng được đưa lên màn ảnh Trung Quốc và các nhà sản xuất tô vẽ cho họ những hình ảnh khác hẳn với sự thật lịch sử. Những người đàn bà gian ác ấy khi lên phim bỗng biến thành nhân hậu! Như thế chẳng những đi ngược lại sự thật mà quan trọng hơn nữa là quá bất công đối với phụ nữ nhân hậu thật chẳng hạn Hoàng hậu Vệ Tử Phu của Hán Vũ Đế.

Như thế thì rõ ràng là khi xem phim Tàu – loại lịch sử tiểu thuyết hay dã sử – chỉ nên coi là một phương tiện giải trí thuần tuý, chứ không thể dựa vào đó để tìm hiểu lịch sử Trung Hoa, bởi các nhà làm phim đã tuỳ tiện thay đổi hẳn sự thật, bắt câu chuyện phải diễn tiến theo ý riêng của mình!

Dĩ nhiên người làm phim, khi đưa một nhân vật lịch sử lên màn ảnh, có thể che đậy những mặt tiêu cực của nhân vật ấy, mà chỉ để khán giả thấy những khía cạnh khác tốt đẹp hơn, mặc dầu như thế cũng đã bất công rồi. Thí dụ: Giả sử có kẻ làm một cuốn phim ca ngợi Stalin, thì đối với hàng triệu oan hồn đã chết ở Siberia, người làm phim sẽ nghĩ sao?

Tương tự như thế, tôi thấy những bộ phim về Dương Quí Phi – Đường Minh Hoàng từ trước đến nay vẫn thường chỉ ca ngợi họ là cặp tình nhân yêu thơ văn và ca múa, đề cao vũ khúc Nghê Thường mà không hề nhắc đến cái ác, cái tàn nhẫn của triều đại này. Dương Ngọc Hoàn là con dâu của Đường Minh Hoàng, tức Đường Huyền tông. Đường Minh Hoàng cướp vợ của con, phong làm Quí phi, từ đó gọi là Dương Quí Phi. Lúc ấy vua Đường Minh Hoàng 52, Dương Ngọc Hoàn 18. Tuy hết sức say mê Dương Quí Phi nhưng ông vẫn nhốt 40 ngàn cung nữ, con số kỷ lục trong lịch sử Trung Hoa. 

Thi sĩ Bạch Cư Dị viết bài thơ “Thương Dương Bạch Phát Nhân” (Người Tóc Bạc Ở Cung Thượng Dương), tả người cung nữ lúc nhập cung 16 tuổi xinh đẹp. Thời gian trôi qua, đến nay 60 tuổi, đầu tóc bạc phơ, vẫn chưa nhìn thấy mặt vua lần nào! Đó chỉ là một trong 40 ngàn cô gái bị đưa vào cung tuổi từ 12 đến 18. Điều ác đức nhất của Đường Minh Hoàng là sai lính đi lùng khắp nước, bất kể giai cấp, thấy gái đẹp là bắt về dù người ấy đã có chồng! Không có ông vua nào mất dạy như vậy! Cho nên việc ông cướp vợ của con, ông không cảm thấy áy náy chút nào đối với con, đối với quần chúng cũng như đối với đạo lý cổ truyền. Nhiều cô vợ trẻ đòi tự tử ngay trước mặt chồng để giữ tiết, nhưng sợ liên lụy đến cả nhà nên đành phải ra đi. Thi sĩ Tào Nghiệp chứng kiến cảnh người vợ trẻ bị lính bắt đi dâng cho vua, đã viết bài thơ:

Vua ưa thích gái đẹp
Vợ chồng đành chia phôi!

Nhưng vua có xài đâu! Chỉ đem về nhốt trong cung coi như án tù chung thân mà thôi! Mà cứ mỗi năm mỗi tuyển! Đàn ông Tàu thời ấy không còn người đẹp để lấy mà các bậc cha mẹ cũng hết sức lo sợ sinh con gái đẹp!

Cung Thượng Dương nằm rất xa chỗ vua ở, là nơi tập trung các cung nữ tài sắc mà Dương Quí Phi đẩy họ vào để vua không có cơ hội nhìn thấy họ. Đó là cách Dương Quí Phi bảo vệ ngôi vị của mình.

Thi sĩ Bạch Cư Dị cũng kể: Có lần cung Thượng Dương bị lụt lớn, cung nữ mười phần chết đuối hết bảy, tám. Tức là ít lắm cũng cả chục ngàn cô. Sau này khi An Lộc Sơn đánh vào kinh đô, hằng ngàn cô khác lại chết trong đám loạn quân hoặc bị giặc hãm hiếp rồi giết, trong đó có cả Mai phi Giang Thái Bình là người rất hiền thục và vua sủng ái trước Dương Quí phi! Những thảm cảnh ấy, phim ảnh không hề nói đến, chỉ luôn luôn ca ngợi Đường Minh Hoàng là ông vua hào hoa phong nhã mà thôi!

Dương Quí phi được vua sủng ái, nắm quyền sinh sát trong cung. Một lần thái giám mang vào cho vua một cung nữ trẻ đẹp, hôm sau Dương Quí phi biết được, liền đâm chết viên thái giám và cô gái ấy.

Nghe nói trong rừng sâu có suối nước nóng, Dương Quí phi đòi đến tắm vì nước suối sẽ làm cho tăng thêm nhan sắc! Vua ra lệnh 10 ngàn quân lính phá rừng, làm đường, bắc cầu để khiêng Dương Quí phi vào tắm rồi khiêng về!

Dương Quí phi người phốp pháp đẫy đà, ham ăn, mê uống rượu, rất khó xuống cân. Mùa hè nóng bức, thị nữ vây quanh quạt cho nàng suốt ngày đêm. Nàng cũng thích thay trang phục, vua cấp cho nàng 700 thợ may và một kho vải, trong đó có nhiều mặt hàng từ An Nam (Việt Nam) tiến cống. Nàng cũng mê đồ trang sức nên vua cho nàng 300 thợ kim hoàn liên tục chế biến! Để giữ da đẹp, nàng tắm sữa dê tẩm các loại hoa quý. Kẻ hầu người hạ tấp nập ngày đêm.

Đời Đường là lúc cực thịnh của thơ văn. Đường Minh Hoàng rất quý thi hào Lý Bạch, phong ông làm Hàn Lâm Học Sĩ, thường uống rượu chung với vua. Một hôm vua yêu cầu ông làm bài thơ cho vua ca ngâm. Lý Bạch làm ngay mấy câu tán tụng nhan sắc của Dương Quí phi, trong đó ông nhắc đến Triệu Phi Yến là người đẹp tuyệt trần thời nhà Hán. Triệu Phi Yến lừng danh trong lịch sử là có thân hình nhỏ nhắn đến nỗi vua phải xây tường chắn gió vì sợ gió thổi bay mất người yêu.

Dương Quí phi căm giận Lý Bạch từ đấy bởi Dương Quí phi là người mập mà Lý Bạch dám nhắc đến người gầy! Chỉ vì câu thơ ấy mà vua không dám thăng chức cho Lý Bạch và sau cùng, nghe lời Dương Quí phi dèm pha mãi, vua đành đuổi Lý Bạch ra khỏi triều. Cũng may vì Lý Bạch quá nổi tiếng chứ nếu không thì Dương Quí phi đã giết rồi!

Chẳng biết do ông thầy nào mách bảo, Dương Quí phi tin rằng ăn trái vải da mặt sẽ đẹp và tăng cường sinh lực như Viagara. Mà phải là trái vải của An Nam. Thế là hằng năm cha ông ta phải tiến cống trái vải tươi cho Dương Quí phi. Dân gian Trung Hoa ngày nay vẫn còn truyền tụng câu nói: Vì Dương Quí phi mê ăn vải An Nam, khiến ngựa chết dọc đường vô số! Là vì phải cho ngựa chở vải phóng thật nhanh đến độ có con ngựa ngã quị mà chết. Vải mang về phải tươi nguyên mà đường xá ngày xưa gập gành băng rừng vượt suối chứ làm gì có xa lộ như bây giờ! Từ Việt Nam đưa vải tới kinh đô nhà Đường, khoảng 4 ngàn cây số, ngựa và người kiệt sức chết gục là thường!

Rồi Dương Quí phi gian dâm với tướng rợ Hồ là An Lộc Sơn, nuôi dưỡng mầm phản loạn. Khi An Lộc Sơn khởi loạn, gây nên cuộc chiến kéo dài 7 năm, làm chết khoảng 30 triệu người, tức là 1/5 dân số Trung Hoa. Vua bỏ chạy vào đất Thục. Quân lính uất ức nổi loạn đòi vua giết Dương Quí Phi. Vua đành gạt nước mắt ra lệnh thắt cổ ở tuổi 38 rồi chôn nàng ở ngã ba đường tại Mã Ngôi. Nàng chết rồi, vua chỉ cúng Dương Quí phi bằng mâm trái vải An Nam là thứ mà nàng rất mê lúc còn sống!

Như trên tôi vừa nói, phim ảnh Trung Hoa gần như chẳng bao giờ nói đến cái độc ác của Đường Minh Hoàng và Dương Quí phi khi nhốt 40 ngàn cô gái trẻ cho chết dần trong cung, mà chỉ tán tụng các thú ăn chơi và ca múa mà thôi. Đọc sử thấy cũng đau lòng!

Nhân nói về phim Tàu, tôi cũng muốn nhắc đến bộ phim dài “Tây Thi Tình Sử” mà chắc nhiều bạn đọc đã xem. Tây Thi dĩ nhiên là nhân vật hoàn toàn có thật. Nhưng tình sử Tây Thi – Phạm Lãi thì chắc là không có. Tuy nhiên, những bộ phim về chuyện tình Tây Thi – Phạm Lãi thì không phải do các nhà làm phim cố ý xuyên tạc lịch sử, mà có lẽ do một sự hiểu lầm trong văn học Trung Hoa.

Trước năm 1975 ở Sài gòn, nhiều người đã có dịp xem vở tuồng cải lương “Tây Thi Gái Nước Việt” của soạn giả Năm Châu, được chuyển thể từ vở kịch thơ cùng tên của nhóm Lưu Hữu Phước. Đặt tựa đề “Tây Thi Gái Nước Việt” không sai, bởi nhiều đọc giả, chẳng hạn Aurousseau của nước Pháp, đã khẳng định nước Việt của Tây Thi ở bên Tàu cũng là dòng Lạc Việt như VN chúng ta. Mà dù không phải là chung dòng Lạc Việt thì ít ra cũng nằm trong đại tộc Bách Việt hiện diện đông đảo trên lãnh thổ Trung Hoa thời đó.

Sử sách Trung Hoa chọn ra 10 người đẹp nhất nước Tàu, gọi là Thập Đại Mỹ Nhân, theo thứ tự thời gian, gồm có: Bao Tự, Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Triệu Phi Yến, Điêu Thuyền, Võ Tắc Thiên, Dương Quỳnh Chi, Trương Lệ Hoa, Dương Quí Phi và Trần Viên Viên.

Trong 10 người đẹp ấy thì Tây Thi đứng đầu, được mọi người xưng tụng là “Đệ nhất mỹ nhân kim cổ”, nghĩa là từ xưa đến nay không có ai đẹp hơn! Nàng là người nước Việt, lúc đó lãnh thổ nằm ở vị trí tỉnh Triết Giang bây giờ.

Hầu như tất cả các danh sĩ Trung Hoa, qua nhiều triều đại, đều ít nhiều nhắc đến Tây Thi. Thi hào Lý Bạch có bài thơ viết về Tây Thi mở đầu bằng 4 câu:

Tây Thi Việt khê nữ
Xuất tại Trữ La san
Tú sắc yếm kim cổ
Hà hoa tu ngọc nhan

Tạm dịch:

Tây Thi gái nước Việt
Quê trong núi Trữ La
Sắc đẹp trùm kim cổ
Sen hồng còn kém xa

Chiến Quốc Sách viết: “Tây Thi nhà nghèo mặc áo vải nhưng thiên hạ đều khen đẹp”.

Các sách Quân tử, Mặc tử, Trang tử, Mạnh tử, Hàn phi v.v… đều có nhắc đến Tây Thi, gọi nàng là đặc trưng của cái đẹp toàn diện. Trang tử viết:

“Tây Thi bị đau tim nên thường chau mày, ai cũng khen là đẹp. Trong làng có người đàn bà xấu xí cũng bắt chước Tây Thi ôm ngực chau mày. Người trong làng, kẻ giàu thì đóng cửa không thèm nhìn. Người nghèo nhìn thấy thì kéo vợ bỏ đi!”

Từ đó người Trung Hoa có câu tục ngữ “Đông Thi chau mày”, để nhắc nhở rằng: Đừng thấy Tây Thi chau mày mà bắt chước. Tây Thi chau mày thì đẹp, nhưng Đông Thi chau mày thì rất khó coi!

Tác giả Bao Phác Tử viết: “Tây Thi đau tim nằm ở ven đường, mùi lan xạ thơm ngát, ai nhìn thấy cũng khen đẹp.”

Sách Liêm Sử Tuyển Chú kể: “Khi nước Việt đưa Tây Thi sang nước Ngô, tới đất Uyển Trung, quân sĩ nhìn thấy đều bảo nhau: Cô gái Việt này là tiên nữ chứ không phải là người”!

Sách Tuyển Mỹ Sử (Lịch Sử Tuyển Chọn Người Đẹp) của Cao Tự Thanh kết luận:
“Trung Hoa tuy không có Thần Sắc Đẹp, nhưng Tây Thi là hoá thân của nhan sắc, là biểu trưng của cái đẹp từ xưa đến nay. Nàng chính là Thần Sắc Đẹp bằng xương bằng thịt trong lòng người Trung Hoa”.

Thật ra, một người đẹp siêu hạng như Tây Thi cũng sẽ chẳng có mấy ai biết đến nếu nàng không tình cờ đi vào lịch sử của thời Đông Chu Liệt Quốc. Bấy giờ là khoảng 500 năm trước CN, cùng thời với Khổng Tử, nước Việt và nước Ngô là hai nước láng giềng nằm phía nam sông Dương Tử. Lúc ấy, vua Hùng Vương đã lập nước Văn Lang được 200 năm ở Phong Châu tức tỉnh Vĩnh Phú bây giờ. Nhờ nước Văn Lang nằm sâu ở phía nam, cách biệt hẳn các chư hầu nhà Chu, nên tránh được những cuộc chiến tương tàn suốt mấy trăm năm trên đất Trung Hoa.

Ở vào cái thời mà các quốc gia lúc nào cũng lăm le xâm chiếm lẫn nhau, Ngô-Việt cũng không thoát khỏi thông lệ ấy. Hai nước dốc toàn lực thanh toán nhau. Việt thua, vua Câu Tiễn bị bắt làm tù binh. Suốt 10 năm Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt nhục làm tôi mọi cho vua Ngô Phù Sai, bề ngoài hết lòng thần phục, nhưng trong lòng vẫn nuôi chí phục hận. Đại phu Văn Chủng, vị trung thần đa mưu túc trí của Câu Tiễn, hiến kế mỹ nhân vì biết vua Ngô đam mê tửu sắc. Tướng quốc nước Việt là Phạm Lãi mở cuộc tuyển mỹ nhân, cũng là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Trung Hoa. Hai ngàn người đẹp khắp nơi đổ về, Phạm Lãi chọn được Tây Thi và Trịnh Đán là 2 cô xuất sắc nhất, trong đó Tây Thi được chú ý hơn. Để tăng thêm công quỹ, Phạm Lãi cho Tây Thi ngồi trong xe, buông màn phủ kín, sai lính đẩy đi khắp xóm làng, công bố rằng: Ai muốn nhìn mặt người đẹp nhất nước Việt thì bỏ ra 1 đồng, lính sẽ vén màn cho họ nhìn mặt Tây Thi. Quả nhiên dân chúng hiếu kỳ đổ ra xem đầy đường, Phạm Lãi thu được món tiền rất lớn.

Phạm Lãi huấn luyện, chỉ dẫn và giao nhiệm vụ cứu nước cho Tây Thi và Trịnh Đán, rồi mới đưa sang dâng cho Ngô Phù Sai. Vua Ngô cực kỳ mừng rỡ, xây Đài Cô Tô để cùng vui hưởng với hai giai nhân. Tây Thi và Trịnh Đán sắc đẹp ngang ngửa, nhưng vua Ngô chú ý đến Tây Thi hơn. Trịnh Đán buồn rầu sinh bệnh, một năm sau mất. Từ đó vua Ngô lại càng say đắm Tây Thi hơn. Nàng nói gì vua cũng nghe, hoàn toàn trúng kế mỹ nhân của Phạm Lãi và Văn Chủng.

Khi thời cơ đến, nước Việt dốc toàn lực phục hận, đánh chiếm nước Ngô, giết Phù Sai, tạo thanh thế lừng lẫy. Vinh Quang ấy có một phần công lao của Tây Thi.

Người đời sau đặt câu hỏi:
– Nước Việt chiến thắng rồi, số phận Tây Thi ra sao?

Có mấy giả thuyết được nêu ra như sau:
1. Nước Việt đón Tây Thi về, nhưng chưa kịp khen thưởng thì vợ vua Câu Tiển bảo:

– Cái vật vong quốc này, để làm gì!

Rồi ra lệnh cho lính cột tảng đá lớn vào cổ Tây Thi và quăng xuống sông!

2. Nhiều người không tin, hoặc không muốn tin cái kết cục bi thảm ấy. Họ quả quyết rằng sau khi dẹp được nước Ngô, Phạm Lãi vì biết rõ vua Câu Tiễn nhẫn tâm và vô ơn, nên bỏ trốn, đem theo Tây Thi. Chúng ta từng đọc những cuốn tiểu thuyết dày cộm hoặc xem những bộ phim nhiều tập nói về chuyện tình Phạm Lãi – Tây Thi như tôi đã nhắc ở trên. Trước năm 1975 ở Sài gòn, cũng có vở tuồng cải lương “Trăng Nước Ngũ Hồ” mô tả chuyện tình thơ mộng của Phạm Lãi – Tây Thi rong chơi Ngũ Hồ sau khi giúp Câu Tiễn đánh dẹp nước Ngô. Thế hệ này qua thế hệ khác, ai cũng cho rằng chuyện tình trai tài gái sắc ấy là có thật, chứ nỡ nào để một giai nhân tuyệt sắc như Tây Thi bị dìm cho chết đuối!

3. Lại cũng có người nghĩ ra một cái kết cục thứ ba nhẹ nhàng hơn. Họ nói: Sau khi thành công, Tây Thi xin trở về nguyên quán và lại quay về công việc giặt lụa như cũ. Một hôm nàng ra bờ sông và trượt chân ngã xuống chết đuối!

Thuyết này được lưu truyền ngay tại quê quán của Tây Thi, có thể vì người ta không muốn chấp nhận chuyện nàng bị cột đá vào cổ rồi quăng xuống nước và cũng có thể người ta nghĩ ra thuyết này để làm nhẹ bớt cái ác độc của vợ vua Câu Tiễn.

4. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là theo sách Ngô Việt Xuân Thu của Triệu Hoa, một người nước Việt, thì chuyện tình Phạm Lãi – Tây Thi bắt nguồn từ sự nhầm lẫn của thi sĩ Đỗ Mục. Triệu Hoa viết: “Ngô vong hậu, Việt phù Tây Thi vu giang, lệnh tuỳ chi di dĩ chung”. (Sau khi nước Ngô mất, nước Việt ném Tây Thi xuống sông, cho chết trong chi di).

Khi Phạm Lãi bỏ trốn Câu Tiễn, ông đổi tên thành Chi Di Tử Bì, chạy sang nước Tề. Vì vậy Đỗ Mục mới lầm tưởng là Tây Thi theo Chi Di tức là theo Phạm Lãi. Đỗ Mục viết:

Tây tử hạ Cô Tô
Nhất kha trục Chi Di

(Tây Thi xuống khỏi đài Cô Tô, lên thuyền theo Chi Di). Dựa theo lời của Đỗ Mục, dân gian tin là Phạm Lãi – Tây Thi bắt đầu cuộc tình bên nhau. Kỳ thực hai chữ “chi di” trong sách Ngô Việt Xuân Thu của Triệu Hoa có nghĩa là cái túi da, chứ không phải tên của Phạm Lãi. Sở dĩ nói đến cái túi da là vì khi nước Việt dâng Tây Thi cho vua Ngô thì Ngũ Viên hết lời ngăn cản vua Ngô đừng nhận. Ngũ Viên viết một bài sớ rất dài kể lại bao nhiêu kinh nghiệm vua chúa mất nước vì mỹ nhân, rồi tâu vua Phù Sai:

– Đại vương đón đứa con gái này về thì tôi sợ mai kia đại vương chết không có đất chôn! Đây là âm mưu của bọn Phạm Lãi, Văn Chủng. Đại vương không thể xem thường được!

Vua Ngô tức lắm. Sau này Ngũ Viên cứ can mãi, liên tục cảnh giác vua về toan tính của nước Việt đang quyết tâm phục hận. Vua Ngô chẳng những không nghe còn quăng thanh gươm Chúc Lâu cho Ngũ Viên, bắt ông tự tử. Ông cầm thanh gươm quay lại bảo quân lính:

– Ta chết có tiếc gì thân! Nhưng các ngươi hãy móc mắt ta treo ở cổng thành, để mai kia ta nhìn thấy quân Việt tiến vào chiếm nước Ngô!

Dứt lời, Ngũ Viên đâm cổ! Vua Ngô Phù Sai càng tức giận, truyền chặt đầu Ngũ Viên, rồi thân ông thì vua truyền bỏ vào túi da (chi di) và thả trôi sông.

Rồi mọi chuyện đều xẩy ra đúng như Ngũ Viên tiên đoán. Việt vương Câu Tiễn vốn là người tàn nhẫn và vô ơn, nên chính ông truyền bỏ Tây Thi vào cái túi da và quăng xuống sông, giống như vua Ngô đã làm với trung thần Ngũ Viên. Câu Tiễn bảo Tây Thi:

– Nàng hãy xuống đó mà gặp lại Ngũ Viên!

Ý nói là ông đang trả thù cho Ngũ Viên, dù Ngũ Viên là bên địch.

Trước khi bỏ trốn, Phạm Lãi có khuyên Văn Chủng cùng đi, nhưng Văn Chủng ở lại nên quả nhiên cũng bị Câu Tiễn bắt tự tử bằng thanh kiếm Chúc Lâu mà ông tịch thu được của vua Ngô! Văn Chủng cầm thanh gươm lên và nói:

– Thanh kiếm này vua Ngô đã từng giết Ngũ Viên. Ta chỉ là kẻ tầm thường mà được cùng chết với Ngũ Viên thì có gì phải ân hận! Huống chi ta ngu muội không biết nghe lời Phạm Lãi thì chết là đáng rồi!

Rồi ông đâm cổ chết!

Như vậy thì chính vua Câu Tiễn mới là kẻ tàn ác giết Tây Thi chứ không phải bà vợ! Mạnh Tử viết: “Tỷ Can bị mổ tim vì cứng cỏi, Mạnh Bôn bị giết chết vì dũng mãnh, Tây Thi bị dìm nước vì xinh đẹp…. Đó chỉ là những bi kịch nhân gian do các bạo chúa vong ơn thời trước gây nên”.

Tóm lại, thưa bạn đọc, ngày nay chúng ta coi phim bộ nói về chuyện tình Phạm Lãi – Tây Thi, xin nhớ rằng đó chỉ là một chuyện hoàn toàn hư cấu, chứ thật ra Tây Thi đã bị dìm chết ngay sau khi hoàn tất nhiệm vụ rồi, đâu còn cơ hội rong chơi với Phạm Lãi nữa!

Thi hào Lý Bạch viết về Tây Thi qua bài thơ Vịnh Trữ La Sơn, đã ngậm ngùi kết thúc bằng hai câu:

Nhất phá Phù Sai quốc
Thiên thu cánh bất hoàn!

Nghĩa là:

Một khi diệt xong vua Ngô Phù Sai
Tây Thi vĩnh viễn ra đi không trở lại!

Nước Việt của Câu Tiễn sau khi diệt nước Ngô, trở nên hùng mạnh bá chủ chư hầu. Nhưng sau khi Câu Tiễn chết, nước Việt suy yếu dần, đến năm 333 trước CN thì bị nước Sở diệt, mà Sở cũng nằm trong dòng Bách Việt. Nước Việt mất, nhiều đợt dân Việt dùng thuyền di tản xuống phía nam, hội nhập vào nước Văn Lang của vua Hùng, như nhiều hình ảnh còn khắc ghi trên mặt trống đồng. Những người trong đại tộc Bách Việt ở lại lãnh thổ Trung Hoa, (Quí Việt, Mân Việt, Âu Việt, và cả Lạc Việt) dần dà bị đồng hoá với Hán tộc. Đại tộc Bách Việt ngày nay chắc chỉ còn lại duy nhất nhánh Lạc Việt, tức là người Việt Nam chúng ta mà thôi.

Người Bách Việt trên đất Trung Hoa không còn nữa nhưng ngày nay sách vở vẫn quen gọi dân vùng Triết Giang, Phúc Kiến là “Việt nhân” bởi quả thực vùng này từng là cái nôi của người Việt cả ngàn năm, trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa năm 221 trước CN.

Nguyễn Ngọc Ngạn
2018

Thông điệp đầu năm

Chu Thập
Tennis không phải là một môn thể thao tôi ưa thích. Lũ trẻ nghèo chuyên đá banh bưởi trên những gò đất khô cằn nứt nẻ như tôi nhìn vào những sân “quần vợt” như một thế giới hoàn toàn xa lạ. Có ngủ cũng không dám mơ được làm người trưởng giả, mặc quần sọt trắng, áo thun trắng, mang giày ba ta trắng để gọi là đi đánh Tennis. Cho tới ngày nay, tôi cũng chưa một lần bước vào một sân quần vợt nào. Vậy mà bất cứ trận thi đấu nào có mặt danh thủ Roger Federer, tôi luôn thấy mình bị thôi thúc phải xem cho bằng được. Tôi say mê danh thủ này vì lối chơi điệu nghệ của anh. Nhưng chính tư cách của anh mới là điều thu hút tôi nhiều nhứt. Dù chỉ đáng tuổi con của tôi, anh vẫn xứng đáng để tôi tôn lên bậc thày trong trường học làm người. Anh đã dạy tôi nhiều điều. Năm nay anh nhắc lại cho tôi về tầm quan trọng của lòng biết ơn.
Mới đây, nhân dịp đến Melbourne để tham dự Giải Australian Open, danh thủ người Thụy Sĩ này đã dành cho Đài truyền hình CNN của Mỹ một cuộc phỏng vấn qua đó anh đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến tên của ông Peter Carter, một huấn luyện viên người Úc đã dẫn dắt anh khi anh mới chập chững bước vào sân đấu.
Ông Carter đã khám phá ra tiềm năng của Federer khi ông đến chơi tại câu lạc bộ Tennis ở Basel, Thụy Sĩ. Federer cho biết chính người thày này đã dạy cho anh kỹ thuật mà dần dần anh đã phát huy thành ngón nghề riêng của anh. Rất tiếc là năm 2002, khi Federer được đưa lên đỉnh cao của nghệ thuật chơi tennis và danh vọng, Carter đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại Nam Phi.
Nói chuyện với phóng viên của đài CNN, Federer đã không cầm được nước mắt khi nhớ lại người huấn luyện viên đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và sự nghiệp của anh. Anh nói: “Peter (Carter) thực sự là một người quan trọng trong cuộc đời của tôi. Nếu tôi phải nói lên lòng biết ơn vì kỹ thuật mà tôi có được ngày hôm nay, thì người tôi mang ơn chính là Peter”. Federer cho biết khi hay tin thày mình qua đời, anh xem đó như một “tiếng gọi” thôi thúc anh phải gia tăng tập luyện. Cứ có dịp là anh nhắc lại công ơn của người thày của mình.
Khi đến Úc tham gia Giải Australian Open hồi năm 2017, Federer đã khẳng định: “Về kỹ thuật của tôi, Peter Carter là người có ảnh hưởng lớn nhứt.” Anh giải thích rằng chính anh là người đã kiện toàn kỹ thuật và lối chơi nhẹ nhàng uyển chuyển của anh. Nhưng theo anh, Peter Carter mới là người đặt nền móng cho kỹ thuật ấy.
Để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với người đã từng dẫn dắt mình ở bước đầu, cứ mỗi lần đến Úc để thi đấu, Federer đều mời cha mẹ của người quá cố đến tham dự. Anh nói rằng cha mẹ của Peter Carter là những người rất quan trọng đối với anh.
Trên sân đấu cũng như trong đời thường, Federer lúc nào cũng cư xử đẹp. Khi bày tỏ lòng biết ơn, anh cũng thể hiện một nét cao đẹp khác trong nhân cách là sự khiêm tốn. Thật vậy, biết ơn không chỉ có nghĩa là biết mình mắc nợ với người khác, mà chính là nhận biết những giới hạn của mình. Ngày xưa khi chập chững cắp sách đến trường, có học sinh nào mà không học thuộc lòng câu “không thày đố mày làm nên”. Dù có là thiên tài đi nữa, có ai mà không cần một hay nhiều người thày trong cuộc đời. Biết ơn và khiêm tốn là đôi cánh giúp con người bay lên trong sự trưởng thành nhân cách. Tôi học được điều đó qua cách cư xử của danh thủ Federer.
Vào khoảng thập niên 1960, tại Hoa Kỳ, người ta thấy rộ lên trong tâm lý học một trào lưu kêu gọi nuôi dưỡng và phát huy lòng tự tin. Các cuộc nghiên cứu trước đó đã khám phá ra rằng những người có lòng tự tin, nghĩa là nghĩ “cao” và nghĩ “tốt” về mình thường thành công trong cuộc sống và ít gặp vấn đề hơn người khác. Thời đó, nhiều nhà nghiên cứu và hoạch thảo chính sách tin rằng nâng cao lòng tự tin của dân chúng sẽ giúp tạo ra được nhiều lợi ích về mặt xã hội như giảm bớt tội ác, kết quả học tập tốt, có việc làm tốt, ít thiếu hụt tài chính v.v…
10 năm sau, tức thập niên 1970, trào lưu thúc đẩy và nuôi dưỡng lòng tự tin được dạy cho các bậc phụ huynh, được các nhà tâm lý trị liệu, các chính trị gia và các nhà giáo dục nhìn nhận và biến thành một chính sách giáo dục. Người ta khuyến khích các nhà giáo dục bằng mọi cách phải xiển dương lòng tự tin nơi học sinh. Nếu học sinh do lười biếng hoặc vì những lý do nào đó mà không đạt được điểm cao, hãy nâng điểm của các em lên. Làm như thế sẽ giúp cho các học sinh dở cảm thấy ít mặc cảm hơn. Học sinh cũng được khuyến khích để nêu lên những lý do tại sao các em cảm thấy mình là người đặc biệt. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tinh thần cũng không ngừng rao giảng cho các tín hữu rằng trong con mắt của Thiên Chúa, họ là những con người độc nhứt vô nhị, được mời gọi để trở thành những con người xuất chúng phi thường, chứ không chỉ là hạng trung bình. Người ta đua nhau tổ chức các cuộc hội thảo để rêu rao câu “thần chú”: bất cứ ai cũng đều có thể là một người ngoại hạng và thành công vượt bực!
Phát huy và nuôi dưỡng lòng tự tin đã trở thành một phong trào trong xã hội Mỹ. Nó đã trở thành gần như một niềm tin tôn giáo và một phần của văn hóa Mỹ: ai cũng phải tin rằng mình có thể là một người ngoại hạng xuất chúng. Những người có tiếng tăm trong xã hội đều kêu gọi như thế. Những nhà tài phiệt cũng nhắn nhủ như thế. Các chính trị gia cũng không ngừng rêu rao điều đó. Ngay cả nữ hoàng hội thoại Oprah cũng lập lại điều đó: mỗi người đều có thể là một người phi thường. Tất cả mọi người đều xứng đáng để trở thành vĩ đại (x. Mark Manson, The Subtle Art of Not Giving a F*CK, Pan Macmillan Australia Pty Ltd 2016, trg 41-60).
Khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) cũng gợi lên cho tôi trào lưu ấy. Tự nhận mình là người bị bắt nạt nhiều nhứt trên thế giới, đệ nhứt phu nhân Melania Trump cũng đã tung ra một chiến dịch lấy tên là “Be Best” với mục đích khuyến khích trẻ em Mỹ hãy xem mình là “nhứt”, là ngoại hạng trong con đường riêng của mình.
Quả thật, Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại. Nước này có rất nhiều người vĩ đại. Nhưng kể từ thập niên 60 đến nay, đâu phải mọi người Mỹ đều là những Bill Gates, những Martin Luther King…Thật ra nếu ai cũng đều là ngoại hạng, phi thường và “nhứt” (best) hết thì  ai sẽ là hạng “trung bình”.
Thời trai trẻ, tôi cứ tưởng mình “phải có công gì với núi sông”. Thế rồi, tuổi đời càng chồng chất, thất bại muôn mặt trong cuộc sống ập phủ xuống…tôi càng hiểu và chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình. Sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút. Não bộ của tôi là một bộ máy kém hữu hiệu nhứt. Nhớ trước quên sau. Lý luận không tới nơi tới chốn. Làm những quyết định hời hợt thiếu suy nghĩ. Nhìn người và nhận định về cuộc sống một cách chủ quan hoặc đầy thành kiến. Ngày nay, ngay cả khi thế giới đang cung cấp cho tôi tất cả mọi phương tiện để trở thành phi thường hay ngoại hạng, tôi vẫn thấy mình hoàn toàn bất lực. Mạng lưới Thông tin Toàn cầu, Google, Facebook, YouTube và hàng trăm hệ thống truyền thông hiện đại trước mắt có vẻ dễ như trở bàn tay với ngay cả những đứa bé chưa thực sự cắp sách đến trường lại là những vũ trụ bí hiểm của tôi. Sự tập trung và chú ý của tôi cũng có giới hạn. Tôi không thể tiêu thụ hay tiêu hóa tất cả mọi thức ăn được bày ra trước mặt. Nói chung, kỹ thuật của thời đại chỉ làm cho tôi cảm thấy choáng ngợp và ý thức hơn về những giới hạn và bất toàn của mình. Tôi biết rằng dù cho có sống thêm nhiều năm nữa thì tôi cũng không thể nào bắt kịp những tri thức được coi như thông thường của thời đại này. Mỗi lần cái máy vi tính tôi dùng để viết bài hay cái băng tầng “internet” trở chứng là những lúc tôi “thấm thía” cái giới hạn của mình. Xét cho cùng, tôi chỉ là một thứ ốc đảo bơ vơ ngày càng lùi vô quá khứ. Không nói đến nỗi cô đơn hiện sinh mà ai cũng đang gậm nhấm trong sâu thẳm của cõi lòng, có lúc nào mà tôi không cảm thấy mình cần có người khác. Có ai mà một cách nào đó không là thày của tôi. Tôi mang ơn biết bao nhiêu người.
Mỗi dịp đầu năm, tôi thường lắng nghe các thông điệp của các nhà lãnh đạo chính trị và nhứt là tôn giáo. Thường họ cũng chỉ lập lại những lời sáo rỗng. Năm nay, tôi đón nhận việc danh thủ Federer bày tỏ lòng biết ơn với người huấn luyện viên cũ của mình như một thông điệp đầu năm.
Ở khởi đầu một năm mới, người ta thường làm một số quyết tâm. Hơn ai hết có lẽ hầu như nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng có những quyết tâm đầu năm. Chính vì vậy mà nhà viết bỉnh bút nổi tiếng của tạp chí Time là ký giả Ian Bremmer mới ngồi nghĩ ra một số quyết tâm của các nhà lãnh đạo thế giới. Chẳng hạn, trong số ra ngày 14 tháng Giêng vừa qua, Ian Bremmer đã viết giùm cho Tổng thống Donald Trump những lời quyết tâm như: “Tôi quyết tâm phải thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Cộng là nước đang giở trò gian lận với chúng ta, sẽ xóa bỏ chính sách y tế Obamacare, sẽ xây một bức tường biên giới lớn và đẹp, sẽ cắt giảm thuế cho mọi người….sẽ ký sắc lệnh hoàn toàn ngăn cấm không cho người Hồi giáo được vào Hoa Kỳ…sẽ không đi nghỉ, sẽ không chơi golf, sẽ nói với mọi người rằng không hề có Toa rập (Collusion với Nga), sẽ làm cho Nước Mỹ vĩ đại trở lại và sẽ xuống 3 cân Anh. Cũng như năm ngoái thôi”.
Cũng như mọi người, năm nào tôi cũng làm một số quyết tâm và cũng như mọi năm, lần nào tôi cũng lập lại câu “cũng như năm ngoái thôi”.
Không biết năm nay tôi có nên lập lại danh sách những quyết tâm đầu năm của những năm trước không. Nhưng ngẫm nghĩ về “thông điệp đầu năm” của  “ông thày” Federer, năm nay có lẽ tôi chỉ xin quyết tâm một điều: cố gắng mỗi ngày nuôi dưỡng và nói lên lòng biết ơn với mọi người. Biết ơn mọi người để ý thức hơn về những giới hạn, bất toàn và khuyết điểm của mình. Biết mình hơn để khiêm tốn hơn và khiêm tốn hơn để dễ dàng cảm thông hơn với người khác. Và cảm thông hầu mới mong có được cuộc sống an bình và hài hòa với mọi người như nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Mã từng dạy: 
Cảm thông là yêu thương. Cảm thông mang lại an bình và cùng với an bình là sức khỏe. Hãy trân quý sự cảm thông”.

Hồn cố thổ!


Tết nào cũng vậy, tệ nạn cờ bạc nó rộ lên như nấm mối gặp mưa. Sòng bầu cua, sòng tài xỉu ngoài xóm. Đang ăn, nhà cái chưa kịp chung tiền, ai đó hô ‘lính tới’ cả bọn chạy thục mạng. Sau mới biết tụi nó chơi đểu, ăn vùa thua giựt. Thiệt là tức trào máu họng.

Còn bài xấu, cái đầu sù sụ con mắt trỏm lơ, mình đi phất phơ như con chó đói. Do đó lỡ binh xập xám, ba phé ba nơi hoài, đầu hôm xao xác bạc tốt như tiên, đến khuya không tiền bạc như chim cú.
Theo tui thì Tết đừng đánh bài là hay hơn hết. Lỡ mình ăn mình vui; thì người thua cũng bà con lối xóm không hè, họ buồn… Mà Tết nhứt mà làm thiên hạ buồn thì lương tâm mình cũng kẹt… ‘phé’.
Cờ bạc là chuyện không nên chơi; thôi mình nói đến chuyện ăn Tết cho nó no, nó vui hơn.
Tết là mứt bí, mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt gừng, kẹo chuối, chuối khô, …để quý bà uống trà rồi đàm đạo trong những ngày xuân.
Quý anh sui thì đem cái nhạo rượu nếp rót vô ly hột mít, sùi bọt tăm, thơm lừng mùi nếp; gắp miếng củ kiệu tôm khô, đưa vô mồm nhai ngồm ngoàm, xong khà một tiếng.
Đó là sui gia đến nhà nhau chúc tết, nhâu chơi chút đỉnh để giao tình thương mến thương…Sương sương rồi dông qua chúc Tết bà con lối xóm, đủ mặt văn võ bá quan không sót đứa nào, kẻo nó vạc miểng chén, miểng sành, rủa sả: “Giàu hổng bao nhiêu mà làm bày đặt làm phách!”
Cái vụ đi xông đất nầy tui hổng ham rồi vì rất ngại chủ nhà tin dị đoan, kiêng cử cái nầy cái nọ. Anh Phát, Chú Tài mới đặng. Chớ anh Tài đang ngồi với lai rai với chủ mà ỷ mình tên “Quan’ (chớ không phải lính) lọ mọ bước vào thì bà chủ nhà sẽ lấy cái chỗi chà để mà rượt ‘Quan Tài’ đầu năm chạy xịt khói.
Tên Quan cứ ở nhà làm ‘quan’, nhậu với em yêu là ‘phẻ’ nhứt hạng. Ôi thôi lủ khủ, hầm bà lằng, bao nhiêu món ngon ngày Tết sợ ăn tới ra Giêng còn chưa hết.
Món ăn ngày Tết của bà con mình ba miền Bắc, Trung, Nam coi vậy cũng khá khác nhau. Tết thay vì ăn cơm thì người Bắc ăn xôi gấc có màu đỏ cho nó hên. (Rồi có câu ‘đen bạc đỏ tình’. Quánh bài thua là dê được gái. Cái nầy coi bộ khó tin nhe. Thua sạch bóc, không còn một xu dính túi, áo vũ cơ hàn, lại thả dê ra, tui e rằng em nào cũng bĩu môi chê hết ráo.)
Nói chuyện phong tục ngày Tết mấy nhà văn, biên khảo quê mình ‘phét’ nghe rất ‘bốc’. Chẳng hạn như trên bàn thờ, cúng trái cây phải có trái dừa, trái đu đủ, trái mảng cầu và trái xoài thì quý thức giả nầy phán rằng: “Sỡ dĩ có 4 loại trái nầy là vì bà con miệt Lục tỉnh quê mình tin dị đoan chưng trái cây cúng ông bà tiên tổ với lời ước nguyện là năm mới ‘cầu vừa đủ xài’. (Phải vậy hông?)
Chớ theo ngu ý của tui, Tết tới, mùa trái cây đang chín rộ, thơm ngon thì mình cúng ông bà trước để nhớ ơn người xưa đi mở đất, xong người nay rinh xuống ăn, đâu còn y nguyên đấy chớ ông bà vốn thảo ăn chỉ hưởng cái hương hoa thôi.
Rồi các bực thứ giả nầy tán hưu tán vượn, nói bà con mình tin dị đoan vì chịu ảnh hưởng của mấy chú Ba trong quận Năm, Chợ Lớn.
Tết, chú Ba người Quảng Đông, ăn tôm vì tôm là ‘há’, đồng âm với “hí há tài xiu”, là cười to ha hả trong nhà suốt tháng quanh năm.
Rồi ăn thịt heo, tức là ‘trư’, đồng âm với ‘châu’, ý là “châu long nhập thủy’, châu báu tràn vào nhà như nước. Rồi ăn cải xà lách là ‘phát soi’, đồng âm với ‘phát tài’.
Còn chú Ba, người Triều Châu, ăn bánh tổ là ‘niên cao’, mang ý nghĩa là ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm cũ.
Rồi chè ‘ỉ’ là viên nếp nhỏ, tròn, không nhưn, được nấu chung với nước đường và gừng, khi ăn rắc thêm muối mè. “Ỉ” nghĩa là “viên”, “tròn”. Ăn chè ‘ỉ’ với mong muốn gia đình sẽ luôn được đoàn viên. (Phải vậy hông?)
***
Cứ mỗi độ xuân về, miền Bắc hoa đào nở rộ, miền Nam mai vàng đua sắc thắm nên có bực thức giả phán như thánh rằng: “Chưng mai vàng vào dịp Tết vì sẽ đem đến may mắn”. (Phải vậy hông?)
Có ông còn đi xa hơn (tui e rằng ổng đi lạc) cắt nghĩa trong mâm cơm ngày Tết của dân Lục tỉnh Nam kỳ bao giờ cũng có canh khổ qua dồn thịt, vì ăn khổ qua là mong muốn cái khổ sẽ qua đi.
Nhưng 44 năm, từ khi mất miền Nam, khổ qua đâu không thấy mà khổ nầy qua thì khổ khác tới, khổ dài dài hè; nên bà con mình Tết nào cũng lại tiếp tục ăn khổ qua.
Dân vưỡn, miệt vườn như tui, gọi khổ qua là ‘hủ qua’, không có sướng khổ gì ở đây hết ráo, (người Bắc gọi là mướp đắng cũng nó đó). Hổng lẽ ăn mướp đắng dồn thịt heo bằm nhuyễn với bún tàu, nấm mèo thì mong đời mình sẽ đắng nghét như trái mướp đắng hay sao?
Ca dao cũng có câu: “Đói lòng ăn trái khổ qua. Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười.”
Khổ qua, ăn sống, nó đắng nghét như thuốc Tetracycline; nhưng dưới tài nghệ ‘cook, cook’ của em yêu, trái khổ qua bào mỏng, bóp muối cho bớt đắng, làm gỏi thịt bò cho chàng ăn và uống với beer. Quá đã!
Phần đói ăn rau đau uống thuốc nên mấy ông thầy thuốc Nam có cắt nghĩa vầy thuyết phục được tui nè. Trái khổ qua ăn mát, giải nhiệt trong cái nóng ẩm ngày tết miền Nam, loại cholesterol (mỡ xấu trong máu), ăn với thịt kho hột vịt không bao giờ ngán ngược.
Tui cho rằng bà con mình ăn Tết món gì là theo kinh nghiệm mấy ngàn năm ăn uống của ông bà mình truyền lại. Nên nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cái định đề về nghệ thuật ăn là mùa nào thức nấy, trong bài Cảnh Nhàn “…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…”
Em yêu đã chỉ dạy tui một cách có lý rằng: ăn Tết không dị đoan gì hết ráo. Đừng nghe những nhà văn, nhà báo tán láo. Một mâm cơm ngày Tết ngon là phải có cay, chua, ngọt, bùi, đắng mới làm đã cái lưỡi của mình.
Nhà nào Tết cũng có nồi thịt kho hột vịt sắc cầm hòa hiệp với tô canh khổ qua hầm. Món mặn và món canh nầy nầy nó hợp rơ hết biết, như tình anh với em, chớ không phải ăn khổ qua để cầu mong cái khổ nó qua đâu (?!)
Nhắc tới món thịt kho, không cần tới Tết mới ăn mà giỗ chạp hay ngay cả ngày thường cũng có. Em nào trước khi về nâng khăn móc túi anh yêu cũng được má dạy cho cách kho thịt nên rành sáu câu vọng cổ.
Thịt heo tươi, mua về rửa sạch bằng nước muối, cắt miếng vừa ăn có đầy đủ da, thịt và một lớp mở mỏng ở giữa. Ướp với nước mắm nhỉ, đường, bột ngọt, tỏi băm…Thêm một ít ớt sừng trâu chín đỏ. Hột vịt to đùng, lòng đỏ mới nhiều, luộc xong, lột vỏ. Nồi thịt màu cánh kiến, ớt đỏ sừng trâu, chén cơm trắng, dĩa cũ kiệu hay cãi làm dưa. Bảo đảm ăn hết nồi thịt kho, cây kim trên cái cân sẽ vụt cái rét, gãy làm hai vì cái thân bồ tượng của mình sau ba bữa Tết, nếu mình không ăn canh khổ qua để nó làm tan bớt mỡ.
***
Lại nhớ khoảng năm 65, 66 gì đó, thế kỷ trước, hồi tui nhỏ chút éc hè, Má tui kho nồi thịt không phải với hột vịt mà là trứng cút để giúp đồng bào mình qua cơn hoạn nạn.
Chẳng qua dân nghèo thành thị Sài Gòn bị lọt vào bẩy của mấy tay trùm tài phiệt Chợ Lớn cấu kết cùng bè đảng tuốt bên Hương Cảng để xí gạt dân mình. Đó là phong trào nuôi chim cút.
Cái mồi câu bằng cách mướn báo chí rầm rộ đăng tin trứng cút lên giá hàng ngày còn mắc hơn trứng gà, trứng vịt. Có bao nhiêu ‘bao tiêu’ hết bấy nhiêu nên đừng có lo nhe. Cứ mua cút giống về nuôi đi. Cút giống chừng hai tháng là bắt đầu đẻ ngày một trứng, kéo dài đến 9 tháng.
Sau hết đẻ trứng, cút đem ra bán thịt. Rồi lại mua cút giống về gầy đàn mới.
Trứng cút đem bán cho ông chủ tiệm chạp phô người Tàu, cười hè hè nói trứng cút bán chạy lắm, có bao nhiêu nị mang đến đây ngộ bao hết cho.
Trứng cút ăn với muối tiêu như trứng hột vịt lộn đều bổ, cường dương (chắc như viên màu xanh huyền diệu ‘Viagra’ bây giờ vậy). Thịt cút rô ti, chiên bơ lót dưới dĩa là cà tô mát đỏ xắt lát với cải xà lách, cút chấm muối tiêu nhậu với beer 33 là một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm.
Cái thủ đoạn tinh vi, thâm độc nầy bơm giá chim cút giống phình từng ngày một. Cút giống từ 5,000 đồng một cặp cút giống bằng gần 20 đô la bấy giờ, tăng lên gấp đôi 10 ngàn, rồi tăng lên gấp 15 ngàn đồng một cặp.
Người dân Sài Gòn thuở ấy nghèo nhưng lương thiện nhắm mắt, nhắm mũi có bao nhiêu tiền để dành, cũng xuất ra mua cút giống về nuôi.
Sau khi đã hốt được hàng chục triệu đô la của dân nghèo, bọn đầu cơ Chợ Lớn cùng đám đại xì thẩu Hong Kong dông mất. Trứng cút, thịt cút ê hề, ế nhệ rớt giá từng ngày nhưng vẫn ít người mua vì dội chợ.
Bà con mình ngơ ngác hổng biết đứa nào cầm đầu mà chơi quá ác, không để đức gì lại cho con cháu hết trơn?
Thôi thì bị xí gạt, bà con mình xúm lại giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn. Trứng cút được làm nhân bánh bao, thay trứng vịt như bánh bao bà Cả Cần chẳng hạn.
Còn đứa nào làm ác, gạt tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo thì để bà bắt nó.
***
Mấy chú Ba Chợ Lớn, dân buôn bán, thường dán câu đối liễn giấy đỏ chữ vàng, như: ‘Tân xuân đại cát. Nhất bổn vạn lợi’. Một đồng vốn bỏ ra mà kiếm được tới 10 ngàn đồng lời thì nằm mơ cũng không có. Nếu có, chỉ bằng cách đầu cơ như phong trào nuôi chim cút. Nhưng làm ăn như vậy thất đức lắm nhe.
Cuối năm, quê người, em yêu cũng nấu canh khổ qua rồi kho một nồi thịt bự ế kinh, nhưng tui thấy vẫn còn thiêu thiếu. Ước chi có được một nồi thịt kho hột vịt do Má tui nấu như ngày xưa cũ mang cái hồn cổ thổ cho tui lúc sống xa quê.
đoàn xuân thu
melbourne
Kẻ đập phá tượng Thánh và dùng súng bắn tượng Đức Mẹ giờ thế nào?


Thanh Niên Công Giáo 


Anh Trần Văn Tuấn đã có một vợ và 3 đứa con, Bí thư chi đoàn xóm 7, Trưởng ban văn hoá xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh ta là người cầm đầu hội cờ đỏ tại khu vực xã Diễn Mỹ với mục đích hoạt động chia rẽ Lương – Giáo, bằng cách chống phá những người có đạo, xúc phạm Đức tin của giáo dân nơi đây. Hội cờ đỏ do Tuấn dẫn đầu đã càn phá một cách ngông cuồng trong khu vực suốt 6 tháng trời, chúng hoành hành như băng đảng mafia với sự bảo kê của cấp ủy xã Diễn Mỹ, bằng chứng là nhiều lần đánh giáo dân, đập phá hàng hóa và tài sản của họ trước sự chứng kiến của công an cộng sản.

  
Những ai theo dõi thông tin trên trang TNCG và một số báo đài khác, đã biết rõ về những gì mà Tuấn và hội Cờ Đỏ đã gây ra cho giáo dân. Chúng cầm băng rôn diễu hành đòi trục xuất linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ, thậm chí khống chế hai linh mục ngay tại trụ sở UBND xã Diễn Mỹ….

Tượng Đức Mẹ bị bắn vỡ nát bởi súng. 

Khởi điểm sự quấy phá vào ngày 03/09/2017, Tuấn cầm đầu hội Cờ Đỏ với gậy gộc, thậm chí cả súng Côn tới đập phá tài sản của nhà ông Trần Văn Trịnh và một số gia đình tại xóm chợ Đình, giáo xứ Đông Kiều. Đến ngày 10/9, Tuấn và nhiều kẻ bịt mặt ném đá và cầm dao mác xông vào nhà và quán cà phê ông Duyên Sự để đập phá bàn ghế, Tivi …


Khốn nạn và ngông cuồng nhất phải kể đến lần Tuấn dẫn đám côn đồ đập phá tượng Đức Mẹ tại nhà ông Trịnh, sau đó dùng súng bắn thủng mặt tượng Đức Mẹ của gia đình anh Hoàng Văn Hòe vào đêm 15 tháng 09 năm 2017.

Tình hình giáo dân Đông Kiều mới được yên ổn sau ngày 11/04/2018, đó là ngày mà Tuấn và một số thành viên hội cờ đỏ đi họp “đồng hương xã Diễn Mỹ tại thành phố Vinh”. Sau khi họp xong trên đường về nhà, Trần Văn Tuấn đã bị tại nạn giao thông rất nặng làm chấn thương sọ não và bầm dập người khắp người.

Kẻ bắn tượng Đức Mẹ giờ phải nằm viện do TNGT. 

Nguyên nhân tai nạn được biết do Tuấn tự đâm vào cột tường sau một ngày họp hành, vui chơi nhậu nhẹt với bạn bè. Hiện tại Tuấn đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ chỉ còn cách cưa hộp sọ, nuôi não nhằm kiếm cách giữ lại mạng sống cho Trần Văn Tuấn.

Sau khi bị tai nạn rồi mới biết gia cảnh của Tuấn cũng rất khó khăn, một người vợ trẻ vô cùng khốn khổ khi vừa phải nuôi ba đứa con thơ, vừa chạy vay tiền để chữa trị cho một ông chồng ngang tàng. Hoàn cảnh như vậy giờ một mình gia đình Tuấn chịu khổ cực, trong khi Hội Cờ Đỏ không đủ sức chu cấp. Không biết lúc này cấp ủy đảng và công an xã Diễn Mỹ quan tâm lo liệu cho Trần Văn Tuấn cùng vợ con anh ấy như thế nào?

Ông Tuấn hiện giờ. 

Chúng tôi đưa tin này để cảnh báo những kẻ còn dã tâm xúc phạm tới tượng Thánh, trù dập những người có đức tin bởi hậu quả việc làm ngu xuẩn đó sẽ vô cùng khủng khiếp. Chúng tôi không có quyền kết án Trần Văn Tuấn, nhưng có bổn phận loan tin để những kẻ vô luân biết mà hành xử cho phải lẽ đạo. Đừng bắt vợ con và người thân gánh chịu những hình phạt cay đắng như Trần Văn Tuấn lúc này.

Ước mong vợ con anh Tuấn được bình yên và gặp được người có lòng thiện, để hỗ trợ chữa trị cho anh ấy cùng với việc học hành cho con cái nữa. Nhất là qua thảm cảnh này, anh Tuấn tỉnh ngộ và biết xin lỗi những nạn nhân của anh mà cởi bỏ thù hận và u mê. Có như vậy, anh Tuấn và những thành viên Hội Cờ Đỏ mới nhận ra đâu là giá trị đích thực của cuộc đời, để không bị ma quỷ xúi giục chà đạp tha nhân và xúc phạm Thiên Chúa. 

Thanh Niên Công Giáo 
Thanh phúc, Hồng phúc / Người có thể hưởng thanh phúc là cao nhân


Hồng phúc dễ hưởng, thanh phúc khó có. 

Làm người luôn có một số sự tình khiến chúng ta vô tình mà nhìn rõ người, nhìn thấu tim.

Luôn có những khoảnh khắc khiến chúng ta đột nhiên hiểu rõ một số lý lẽ sự tình, hiểu được cảm ân, hiểu được ‘thanh phúc’.

Thế nào là hồng phúc? 

Ca múa mỹ nữ, chơi chó đua ngựa, vung tiền như đất, sơn hào hải vị, tài sản triệu đô, vợ hiền con hiếu, con đàn cháu đống…. đó là hồng phúc.

Hồng phúc dẫu nhiều hơn nữa cũng khó tiêu trừ phiền não, tuy nhất thời vui sướng nhưng lại như đổ dầu lên lửa, chẳng thể giải trừ được nỗi mệt nhọc tử sinh, sao có thể có được thân tâm thanh tịnh?

Thế nào là thanh phúc?

Xuân có trăm hoa, thu có trăng,
Hạ về gió mát, tuyết đông giăng.
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ,
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.

Đó là thanh phúc.

Chim ngàn bay đi hết,
Muôn lối chẳng người qua.
Áo tơi nón lá thuyền không,
Một mình câu cả dòng sông tuyết hàn.

Đó là thanh phúc.

Chim ngủ cá chẳng động
Trăng sáng sông đêm khuya.
Ngoài thân đều vô sự,
Trong thuyền chỉ có đàn.

Đó là thanh phúc.

Có hẹn chưa tới quá nửa đêm,
Nhàn gõ quân cờ rụng hoa đèn.

Đó là thanh phúc.

Có rượu không có bạn,
Một mình chuốc dưới hoa.
Cất chén mời trăng sáng,
Mình với bóng là ba.

Đó là thanh phúc.

Một mình trong khóm trúc
Gảy đàn rồi hát chơi
Rừng sâu không kẻ biết
Trăng sáng chiếu lên người.

Đó là thanh phúc.

Đài nam tĩnh tọa một lò hương
Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không
Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng
Chỉ vì không việc đáng đo lường.

Đó là thanh phúc.

Lòng không vướng bận, có thể một mình tận hưởng cái cô độc, thì đó mới xứng gọi là hưởng thanh phúc.

Không tạo tác, vô vi, vô niệm, vô trú, làm một người an nhàn vô sự, đó chính là thanh phúc.

Thanh phúc là thời gian một người tận hưởng ở một mình.

Thanh phúc là một người hưởng thụ cái tịch mịch, nhưng điều mà con người khó chịu đựng nhất chính là cô độc.

Một người ở một mình một nơi, không ai trò chuyện, trong lòng sẽ bí bách khó chịu, buồn tới mức sợ hãi, những suy nghĩ tạp niệm rối tung, vọng tưởng nổi lên bất tận.

Trằn trọc băn khoăn, trăn trở suy nghĩ, không có internet, cũng chẳng có ti-vi, không điện thoại, cũng chẳng sóng di động. Cảm giác như sắp phát điên…

Chúng ta lúc nào cũng muốn chút gì đó, muốn làm cái gì đó, hoặc muốn có được điều gì đó, nếu không sẽ cảm thấy sốt ruột lo lắng bất an.

Nhưng chúng ta chưa phát hiện ra, chính vào lúc chúng ta ở một mình thì mới thực sự có thể ngộ được rất nhiều đạo lý, mới thực sự khiến trí tuệ nội tâm hiển hiện ra.

Không còn những việc nhỏ mọn phiền toái trong cuộc sống níu kéo, buông bỏ những trói buộc của tình cảm, cũng không cần phải mưu kế sinh nhai, lòng không vướng bận. Có thể một mình tận hưởng cái cô độc, thì đó mới xứng gọi là hưởng thanh phúc.

Trang Tử nói: “Yên tĩnh điềm đạm tịch mịch vô vi là cái gốc của vạn vật. Mặt trời lên thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, tiêu diêu giữa trời đất mà tâm ý tự tại tự đắc”.

Thực sự làm được vô sự trong tâm, vô tâm trước sự việc, tự tại dung dung, tùy duyên theo mệnh, đó là cảnh giới nhân sinh chí cao.

Hiện thế yên ổn, tháng ngày êm đềm, hưởng thanh phúc, đó là hưởng thụ cao cấp nhất của đời người. Người có thể hưởng thụ thanh phúc đều là cao nhân.

Thanh phúc là phúc trân quý nhất, cũng là phúc khó được hưởng nhất.
Xuân đoàn tụ

Nguyễn Nhơn  


Thân chúc MỘT MÙA XUÂN MỚI

Xuân Trên Núi ... đượm mùi gian khổ
Nay gởi tiếp Xuân Đoàn Tụ vui hơn

Thân,
Nhơn

XUÂN ĐOÀN TỤ 

Cuối Đông 1980, nơi trại tù khổ sai Tân Lập, Vĩnh Phú, sau 6 tháng bặt tin nhà, không nhận được tiếp tế lại thêm bịnh nhược, tưởng chừng đi đứt, theo chân Đại tá Của, Tỉnh trưởng Bình Dương thượng đồi chè nghĩ khỏe, an giấc nghìn thu. Một buổi trưa đi lao động về, được thông báo lên Hội trường nhận quà từ gia đình gởi. Ôi! Thôi mừng như hết lớn.

Nào, xem cái gì đây! À, tới 2 bịch thuốc Lào ba số 8. Mấy tháng rồi thiếu thuốc, chạy đôn chạy đáo chớ bộ ít sao? Bụng đói, kéo vô e té mất, nhưng mà làm sao nhịn được, bèn xoe một bi nho nhỏ, kéo vô thiệt đã! Còn lon guigoz gì hấp dẫn thế nầy? Ra là thịt kho mặn, thượng phẩm nhất trần đời. Nhéo một miếng bỏ vô chén “sắn dui” là sơn hào, hải vị nhất bên Tàu. Đang khi tơ lơ mơ vì bi thuốc lào thứ hai thì nghe kẻng tập hợp đi lao động.

Mọi bữa, sắp hàng xong là ra cổng. Bửa nay sao lại dềnh dàng? Hóa ra đợi nghe đích thân Trại trưởng tuyên đọc …LỆNH THA nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới!!!

Cả mười mấy đội, sáu bảy trăm nhân mạng đều nhốn nháo. Tiếng là Thiéu tá mà coi bộ đọc chữ không rành. Trong khi thiên hạ nhấp nha, nhấp nhổm, ông ê a đánh vần thật là sốt ruột. Tiếng ông thì nhỏ mà gã tù tui thì điếc lác sợ không nghe được nên mới nhờ anh bạn đứng kế bên nhắc chừng dùm. Quả nhiên lát sau bỗng thấy anh bạn nắm áo vừa giật vừa hô: có tên rồi kìa!!!

Tôi nghe rồi ngẩn ngơ như lạc vào trong mơ! Ở đời người ta thường nói: “Phước bất trùng lai”. Vậy mà gã khù khờ tui mới rồi vừa được phước lớn, giờ tiếp liền đại phước trong đời, thật là hi hữu!

Ngơ ngẩn hồi lâu mới giật mình, tỉnh lại bèn chạy u về phòng giam lo thu xếp đồ đạc. Bao nhiêu đồ dồn vô sac marin, chiếc thùng sắt để lại cho Thiếu tá Huấn, Chánh sở Tạo tác NQS như đã hứa.

Thiếu tá Tú, Thường trực thi đua mới hướng dẫn qua Khu B tạm trú qua đêm. Buổi cơm chiều mới thật là hào hứng. Trại khoản đải giả biệt bằng cơm trắng thay sắn dui. Lại gặp Anh Nguyễn Mỹ, Trưởng ty Thuế vụ Biên Hòa cùng được thả. Hai anh em chén cơm trắng thịt kho thả cửa. Nôn nao, không sao ngủ được bèn làm đêm không ngủ. Bịch thuốc lào tới sáng đã khuyết một phần tư!

Đêm dài rồi cũng lại trôi qua. Sáng lại đã thấy cán bộ tới làm thủ tục ra tù. Lần cuối cùng lăn tay, nhận lãnh giấy ra tù. Cầm tấm giấy vàng úa mà nâng niu như lịnh thiên tào tha mạng! Rồi còn được lãnh lại 12 đồng đã ký gởi khi từ Miền Nam ra. Lại còn cho thêm túi gạo vài ký để ăn đường.

Bước lên chiếc xe cam nhông decapotable, mui trần tự chúc mình thượng lộ bình an.

Lần nầy, xe không chạy ra Bến Ngọc mà lại chạy băng qua Suối A Mai về phía Sông Thao. Chạy một đổi ngang qua chiếc quán nhỏ bên đường, xe dừng lại cho đám tù mãn án sẳn tièn đó mua chút thức ăn đở dạ. Phong bánh khảo nhưn khoai lang mà tới hai đồng. Cái bánh chưng nhỏ xíu giá cũng như vậy. Thiếm xực thêm mấyđiếu Đồ Sơn hạng bét là chẳn năm đồng.

Xe xuống chiếc phà ọp ẹp trẩy Sông Thao vào lúc xế chiều. Đường ra Hà Nội chừng như còn xa lắm! Nhưng mãi rồi Cầu Thăng Long cũng thấp thoáng xa xa. Chiếc cầu mới vì chuyên viên Tàu cộng rút về trước cuộc chiến 1979 nên việc xây dựng còn dang dở. Xe cam nhông tù thả chen chúc cùng xe đạp cả người gồng gánh vượt cầu phao vào buổi chiều tà. Từ nơi rừng núi mới ra nơi nhộn nhịp lòng cũng thấy vui. Nhưng xe không vào Hà Nội mà lại chạy về hướng Tây Nam. Ủa xe chạy đi đâu vậy cà? Tối mịt xe mới dừng lại trước cổng đèn điện sáng choang, biển đề rõ ràng:Trại Cải Tạo Hà Tây. Lòng thầm hỏi: có lẽ nào cái “giấy ra trại” nầy lại là đồ dỗm!?

Phân vân bước vào cổng trại, tới trước dãy phòng giam mới tinh xem “hoành tráng”. Trại kiểu mẫu sát cạnh Thủ đô xã nghĩa do Đội trưởng Đội tù xây dựng, cựu Tướng Nguyễn Hữu Có thực hiện xem ra có khác! Người mang thùng nước chè xanh tiếp đải “khách” mới tới Hilton Hà Tây lại là Trung tá LLĐB Trần Hoàng cũng từ Tân Lập “thuyên chuyển” ra đây năm ngoái mới kề tai bỏ nhỏ: Cứ yên chí! Chỉ trọ ở đây một đêm thôi, rồi mai ra ga Hàng Cỏ xuôi Nam. Mừng cho bạn từ âm ty trở về dương thế!

Sáng hôm sau được lịnh lên đường, đến Ga xe lửa Hàng Cỏ vào lúc 9 giờ, lòng mừng khắp khởi.

Mới từ trên xe phóc xuống đã thấy ai đó níu áo hỏi: “Cái “Giắc kết” nầy năm choạc, bán không?” Năm chục đồng khi ấy là lớn lắm vì lương công nhân mỗi tháng chỉ có $40. Gã cựu tù mới một ngày toan phát mãi, may anh bạn đi bên cạnh chận lại bảo chờ giá. Quả nhiên giá tăng gấp đôi tút suỵt, tiền trao cháo múc liền một khi! Vậy là dư sức ăn đường, lẫn cà phê, thuốc lá.

Có sẳn tiền mới tính tìm cà phê uống. Nghe nói cà phê Hợp tác xã chỉ có năm hào một tách nhưng mà nhạt như trà xanh, lại phải đứng xếp hàng mua. Dzụ nầy coi bộ không khá nên mới ngó dáo dác tìm cà phê chui. Bước lần vào ngỏ hẽm bên kia đường là thấy ngay căn phố hẹp, vừa đủ kê hai chiếc bàn thấp nhỏ xíu. Mới hừng sáng mà đã thấy bàn bên kia hai trự chắc là đại gia nên trước mặt có hai lon bia Heineken và …một gói ba số 555 vàng chóe. Gã tân thường dân thấy bắt ngợp mới rụt rè hỏi bà hàng cà phê bao nhiêu một tách. Bà cười bảo: Chỉ một đồng năm hào thôi! Thây kệ, cứ thỉnh một tách cho ngon lành. Lại thêm một điếu ba số cho nó giông giống sáu năm về trước.

Chợ Đồng Xuân chỉ cách Ga Hàng Cỏ vài trăm thước mà nghe nói cũng “phức tạp” lắm nên chẩng dám lại xem, bèn trở lại ga chực chờ cho chắc bụng. Cả ngày trôi qua suông sẻ nhưng đến khoản bảy giờ tối, cái bụng bắt đầu trở chứng, đau mướt mồ hôi. Hồi ở trong tù cùng đường nên không biết sợ, giờ sắp thượng tàu hỏa qui hồi cố quận nên thật là sợ lắm. Thầm nghĩ: Chẳng lẽ số xui tận mạng vậy sao?! Anh bạn ngồi bên thấy vậy cũng thương nên mới dúi cho hai viên thuốc, lại còn cho thêm hai ống thuốc Atropine, cẩn thận dặn: Đây là thuốc chích, tôi chắt chiu từ bấy đến nay. Chỉ khi nào đối đế lắm mới uống đại thử coi!

Đau quá nên đâu biết đã chín giờ tối, có lệnh lên tàu hỏa. Tay kéo lê chiếc sac marin, bước thấp, bước cao lê lết lên tàu. Điều kỳ lạ là mới vừa ngồi xuống, thở phào, chợt nghe cơn đau dịu xuống, rồi vong bặt. Vì quá vui mừng nên vậy chăng?

Xe lửa vừa phì phò lăn bánh, đã thấy anh Thiếu úy CSQG con nhà Nước Mía Viễn Đông lần theo các dãy ghế tìm gặp mặt anh em. Chẳng là anh nầy mắc nợ anh em đồng đội cũng nhiều. Anh khiên gỗ trên núi, té vẹo cột sống, mỗi khi đứng lên là thân mình cứ bật ngửa ra phía sau. Từ đó mà đi, mỗi khi đi lại đều phải có anh em dìu đở. Ngay trong chuyến hồi hương nầy, mỗi khi lên xuống xe đều phải có người cõng. Vậy mà giờ đây, sau một ngày được thân nhân (đặc biệt được thông báo ra Hà Nội chờ đón) đón về khách sạn săn sóc cho chỉ có một ngày là có thể tự mình lần đi được mới kỳ!Người ta thường bảo: Con người khi lâm nguy hoặc quá vui mừng thường nẫy sinh thần lực, có khi là như vậy chăng?

Trăng mười bảy tháng chạp trên bầu trời đất Bắc mờ hơi sương, vàng vọt mà trong tâm tưởng vẫn thấy huy hoàng sáng chói. Từ 1975 đến 1981, đây có lẽ là đợt thả tù đông đảo nhất bởi vì ngang qua mỗi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi nơi đều có rước một nhóm tù được thả.

Sau một ngày, hai đêm, xế chiều ngày thứ hai thì tàu đến Ga Phan Thiết. Biết rằng phải vài ba tiếng nữa mới tới Biên Hòa, nhà ta mà vẫn cứ ràng buộc đồ đạt sẳn sàng. Xe vừa tới Trảng Bôm bỗng nghe loa phát thanh loan báo: Vì quá trễ, xe sẽ không dừng lại ở ga Biên Hòa. Vậy là tiu nghỉu, thất vọng mới bàn với ông năm Huệ, Đại úy Quân cảnh: Khi tới Ga Biên Hòa, thế nào xe cũng chạy chậm lại, mình nhảy đại xuống được không? Ông năm Huệ lắc đầu, biểu: Không được đâu! Mình yếu rồi. Nhảy như vậy nguy hiểm lắm. Chi bằng để tới Bình Triệu, đi xe Lam về hay hơn.

Nói là nói vậy nhưng khi xe ngang qua ngả ba Vườn Mít là đã thủ thế. Khi thấy hàng bực cấp dẫn lên dãy phố, nơi mái ấm sáu năm về trước là không kìm lòng được: Hấp một cái, cái bồng thảy trước. Người nhảy vọt liền theo, bất kể hàng rào kẻm gai Úc chờn vờn trước mặt. Thân mình lăn long lóc vào hàng rào phải liều mạng nắm đại vào dây kẻm gai gượng dừng lại. Mặc cho bàn tay máu tuôn, vẫn hiên ngang đứng lên, ôm cái bồng đi bươn lên bực cấp. Chỉ thấy con đường vào nhà ta trước mặt, bất cần chuyện chi khác!

Vừa quẹo vô hẽm, đã thấy người vợ yêu lầm lủi đẩy chiếc xe đạp cũ đi ra. Gã liệng đại cái bồng xuống chạy a lại. Cô giáo nhà ta chẳng biết chuyện gì. Chừng ngó lại thấy ông chồng đứng đó! Cả hai nhìn nhau như trong giấc chiêm bao.

Tỉnh hồn lại liền bảo: Mau vô nhà, bàn tay bị thương chảy máu. Bà xã buồn bả nói: Nhà ở dâu mà vô? “Mất dạy”người ta lấy căn phố lại rồi! May, tui lại dọn dẹp trả nhà mới gặp ông đây! Thôi mau về căn chòi của mình đi. Nó ở kế bên nhà Ông Một, phía sau Trường Ngô Quyền đó.

Tưởng rằng bà vợ nói ví von cho đở tức nhưng nhìn kỷ lại đúng là sự thật: Mái chòi nhà ta nửa thiếc, nửa tôn. Vách xọc xệch, nửa ván nửa cà tăng. Nhưng dẫu vậy vẫn là nhà của ta.

Vừa mở cửa rào bà xã vừa hô: Trí ơi, ba mầy đã về đó! Đây là đứa trai út, mười bốn tuổi, mới theo mẹ ra Bắc thăm ba hồi năm ngoái nên không thấy lạ. Mới hỏi gái Chi đâu thì đã nghe tiếng kêu từ phía trước nhà: Từ dưới bàu rau muống bước lên cô gái nhỏ, quần vải đen , ống thấp, ống cao. Ngày ra đi, con tôi là bé gái xinh đẹp vừa chín tuổi. Giờ đây, trước mặt là cô gái nhỏ cao kều tuổi mười lăm, giống hệt cô thiếu nữ tay lấm, chân bùn ở Làng quê Bưng Cầu thuở trước. Mãi mới thấy cậu ba Lễ đi học nghề thợ máy ở Saigon đạp xe về tới. Chàng nầy là đứa vóc dáng thấp nhỏ nhất nhà, nay đã là thanh niên mười bảy xem ra cũng tu mi, nam tử. Cuối cùng là cậu cả Nghĩa, mãi đi giang hồ vụn rồi cũng về tới: Ôi thôi! Nhìn không ra! Chàng thanh niên tuổi mười chín cao trên thước tám. Đúng là vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, oai hùng như Từ Hải.

Niềm vui sum họp đơn sơ mà thắm thiết, chỉ như vậy là đủ, mặc cho sự thế xoay vần ra sao!?

QUE SERA SERA! WHAT WILL BE WILL BE! 

Nguyễn Thành Nhơn
Đầu Thu 2011

Blog Archive