Ký giả người Mỹ Howard Waring French cũng là giáo sư dạy môn báo chí tại Trường Báo Chí của Đại Học Columbia University tại Thành Phố New York đã thực hiện một hành trình dài vào tháng 5 năm 2015 để nghiên cứu tình hình Biển Đông và động lực sâu xa của tham vọng xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, theo báo Anh The Guardian, số ra ngày 28 tháng 7 năm 2015 cho biết.
Cuộc hành trình của Howard French bắt đầu bằng cuộc quan sát bằng máy bay dài 45 phút trên không phận quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Sau đó ông tới Đảo Hải Nam của Trung Quốc để tìm hiểu tình hình kinh tế, chính trị và quân sự của quần đảo nằm giáp mặt với Biển Đông này.
Khi máy bay của ông bay qua quần đảo Trường Sa, French chứng kiến cảnh trạng mà ông nghĩ nếu ông không thấy tận mất thì khó tin. Đó là có hàng chục tàu chiến TQ đang thả neo ở đó. Họ làm việc cả ngày lẫn đêm qua nhiều tuần lễ để xúc cát và đá từ lòng biển đem lên để tạo thành một cái đầm nước xanh rất lớn, biến dãy đá ngầm có diện tích 3.7 dặm dài thành một hòn đảo nhân tạo cách xa lục địa TQ tới 1,000 dặm.
Khi chiếc máy bay Mỹ của ông tới gần bãi đá này thì TQ đã phát sóng truyền thanh cho phi cơ biết rằng, “Đây là hải quân Trung Quốc. Đây là hải quân TQ… Xin hãy đi ra xa ngay tức thì để tránh việc hiểu lầm.” Trong lúc máy bay của French đang bận chụp hình chưa đi ra khỏi đó thì làn sóng phát thanh của TQ bắt đầu la hét lớn lên rằng, “Cút đi!”
Tất nhiên, chuyến thị sát trên Biển Đông của ký giả Howard French cách nay đã hơn 2 năm nên tình hình ở Biển Đông đã thay đổi rất nhiều so với những gì nhà báo Mỹ này đã chứng kiến. Hiện nay, TQ không những đã bồi lắp xong 7 bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo, mà họ còn xây dựng 3 đường bay dài 3,000 mét đủ sức cho tất cả các loại chiến đấu cơ của TQ lên xuống. Chưa hết, TQ còn thiết đặt ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông nhiều thiết bị quân sự như kho chứa vũ khí, nhà kho cho phi cơ đậu, giàn radar, giàn phi đạn.
Ký giả Howard French sau chuyến thị sát Biển Đông đã thân hành đến Đảo Hải Nam để quan sát sinh hoạt của người dân, các căn cứ quân sự từ hải quân đến không quân, và nghe người dân nói về tham vọng bá chủ Thái Bình Dương của Tập Cận Bình. French cho biết Đảo Hải Nam hiện là căn cứ địa quan trọng nhất mà TQ dùng để hậu thuẫn cho kế hoạch thôn tính Biển Đông và bành trướng thế lực hải quân cạnh tranh với siêu cường hải quân Mỹ trong những năm tháng tới. French nói rằng,
“Kiểm soát nhiều đảo nhỏ là một phần của vấn đề kiểm soát tài nguyên phong phú nằm dưới biển trong vùng Biển Đông. Nó là một phần trong kế hoạch tăng cường cảm giác an ninh, bằng việc thống trị mặt biển chạy theo bờ biển dài của họ [TQ], và bảo đảm các thủy lộ đi ra Thái Bình Dương. Nó là một phần của kế hoạch vượt qua những tự trách lịch sử. Và cuối cùng, nó là việc trở thành cường quốc ít nhất ngang hàng với Hoa Kỳ. Đó là mục tiêu mà chính các nhà lãnh đạo TQ trước nay vẫn thường nhút nhát, nhưng bây giờ thì nó đã được thảo luận công khai.”
French cho rằng để thực hiện tất cả những mục đích trên, thì đối với TQ Đảo Hải Nam là địa thế tốt nhất. Vì vậy ông đã tới Hải Nam.
Howard French kể lại cuộc sống giàu sang của người dân TQ ở Đảo Hải Nam. Họ ăn mặc quần áo bảnh bao, sexy và rất thời trang như áo thun đồ hiệu Gucci, đeo vòng vàng óng ánh. Họ là giai cấp trung lưu đang phát triển. Tại bờ biển phía nam Đảo Hải Nam mọc lên nhiều nhà lầu cao ngất, những khách sạn sang trọng để thu hút du khách. Tôn giáo của họ hiện thời là chủ nghĩa hưởng thụ giải trí và tiêu xài. Bãi biển Sanya của Hải Nam là nơi du lịch nổi tiếng mà người TQ tự hào giống như Hawaii của Hoa Kỳ.
Chính quyền TQ, theo French, đang tận dụng Đảo Hải Nam để làm nền tảng cho tuyên bố chủ quyền trên diện tích rộng 1.35 triệu dặm vuông của Biển Đông, mà hàng năm có tới hơn 5 ngàn tỉ đô la trị giá hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển qua đây.
Từ Hải Nam, Trung Quốc tung ra hàng đoàn tàu đánh cá, giàn khoan dầu vào Biển Đông xâm phạm đến các vùng biển có tranh chấp của các nước trong khu vực như Việc Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, v.v… Còn hơn thế nữa, đội tàu hải giám của TQ mới ngày nào vẫn còn là lực lượng khiêm tốn trong khu vực, thì lại đang phát triển rất nhanh chóng về lượng và sức trọng tải để trong thập niên tới sẽ nhiều hơn tất cả các đội tàu hải giám của Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á cộng lại.
Ký giả Howard French cho biết rằng thời đại của Tập Cận Bình đã thổi phồng chủ nghĩa Đại Hán và Giấc Mơ Trung Quốc để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm thỏa mãn lòng tự mãn của người dân TQ để tận lực hy sinh và phục vụ cho tham vọng bá quyền của họ Tập. Tập Cận Bình dạy cho người dân TQ rằng tất cả những thứ đó đều đã bị đế quốc Châu Âu và gần đây là Mỹ cướp đi mất. Cho nên, bây giờ người TQ phải quật cường đứng lên để lấy lại niềm tự hào nền văn minh của dân tộc đại Hán của họ. Vận động dư luận quần chúng nhân dân như thế thì họ Tập mới có chính nghĩa, có hậu thuẫn để thực hiện giấc mộng TQ qua việc mở Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB), rồi sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” nhằm kết nối con đường tơ lụa trên biển với con đường tơ lụa trên đất liền.
Từ chuyến đi dài tìm hiểu và quan sát Biển Đông và Đảo Hải Nam, ký giả Mỹ Howard French kết luận rằng, “Thái độ của Bắc Kinh đối với Biển Đông, phần nhiều giống như cách hành xử của một quốc gia siêu cường đang trỗi dậy, là bị trói buộc chặt vào trong nỗi ám ảnh Trung Quốc hiện đại: vượt qua những sỉ nhục của quá khứ.”
Đó là những sỉ nhục về một nước Trung Hoa bị xé nát bởi đế quốc Anh và Pháp trong cuộc chiến tranh nha phiến, rồi bị Nhật Bản chà đạp qua nhiều cuộc chiến tranh khởi đầu từ thập niên 1890s. Trong thế kỷ 20 và 21, TQ lại bị sỉ nhục vì mất Đài Loan cũng như quần đảo Điếu Ngư mà Nhật gọi là Senkaku. Rõ ràng xâm chiếm Biển Đông đối với Tập Cận Bình cũng là cách rửa nhục lịch sử.
Trong cuộc chiến xâm chiếm Biển Đông, Trung Quốc cũng thấy rõ rằng Hoa Kỳ là trở ngại lớn nhất và chính nhất. Muốn chiếm Biển Đông để vươn mình ra làm bá chủ Thái Bình Dương và xa hơn nữa trên trái đất này, TQ phải đánh bại được siêu cường Mỹ mà hiện nay là siêu cường hải quân mạnh nhất thế giới làm bá chủ trên các mặt biển, kể cả Biển Đông.
Nhưng cũng chính vì thế, Bắc Kinh phải khởi sự kế hoạch bành trướng thế lực cạnh tranh toàn cầu với Mỹ bằng con đường xâm chiếm Biển Đông trước. Biển Đông là nơi để TQ bước ra làm cường quốc hải quân thế giới. Không ra được Biển Đông, TQ sẽ mãi mãi ôm nỗi sỉ nhục lịch sử chết dần chết mòn trong lục địa như từ trước tới nay.
Có lẽ vì lý do đó, trong cuộc diễn binh lớn chưa từng thấy trong nhiều năm qua tại Nội Mông hôm 30 tháng 7 vừa qua, Tập Cận Bình không những cố tình phô trương thanh thế quân sự mà còn thẳng thừng tuyên bố rằng, “Hôm nay, chúng ta đã tới gần đích của trẻ trung hóa tuyệt vời đất nước Trung Quốc hơn bất cứ thời đại nào trong lịch sử, và chúng ta cần xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh hơn bất cứ thời đại nào trong lịch sử,” theo báo Newsweek cho biết hôm 31 tháng 7 năm 2017.
Nhưng, mơ là một chuyện, thực hiện được giấc mơ hay không còn là chuyện khác.
No comments:
Post a Comment