Tuesday, August 1, 2017

Tôi Người Mỹ, Vợ Tôi Người Việt




31
Tôi là một người Mỹ, vợ tôi người Việt Nam. Tôi có đọc ở đâu đó, người ta nói rằng “Đôi khi hôn nhân là sự kết hợp của hai cá thể hoàn toàn trái ngược nhau,” câu này hoàn toàn đúng trong trường hợp của hai vợ chồng tôi. Chúng tôi khác nhau như mặt trời với mặt trăng.

Tôi theo đạo Thiên Chúa, còn vợ tôi theo Phật Giáo, nhưng tôi không bao giờ bắt vợ phải đổi đạo. (Nghe vợ tôi kể, ở bên Việt Nam, người ta thường làm vậy! ) Tôi nghĩ niềm tin vào tôn giáo là quyền của mỗi người, và không nhất thiết đạo này tốt hơn đạo kia, mà đã giống nhau thì cần gì phải thay đổi cơ chứ!

Tôi không biết đọc, hay nói tiếng Việt. Tôi lại làm biếng nên không muốn học và cũng không đủ kiên nhẫn để học tiếng Việt. Thế nhưng không phải vì thế mà tôi không tò mò muốn biết vợ tôi làm gì hay trao đổi gì với bạn bè của bà ấy đâu nhé. Hẳn các ông chồng cũng sẽ đồng ý với tôi điều này thôi, phải không?

Nhiều lần tôi nghe bà vợ nói chuyện với anh em trong nhà, thì hay nghe cái âm “ông mập”, hoặc đôi khi cách họ nhìn, tôi đoán đang nói về tôi, thì tôi cũng nghe cái âm “ông mập.” Tôi thắc mắc và quyết định sẽ “điều tra điều trẻ” coi có phải họ nói xấu về mình chăng?

Tối hôm đó, bà vợ đi làm về, thấy cái mặt tôi hầm hầm, chưa kịp mở miệng nhờ tôi đem đồ vô, thì tôi đã quát “Bà vào đây cho tui hỏi!"

"Thì vô, sợ ai mà không vô. Có chuyện chi mà quan trọng rứa?” Bà vợ vừa mệt vừa bực sau một ngày dài làm việc, về nhà chưa kịp nghỉ còn bị la.

Trên màn hình computer trong phòng làm việc của tôi là hàng chữ: “Ông mập = Fat boy”! (Google translated.)

“Có phải bà và mọi người cười nhạo tui, kêu tui mập phải không? Hết nói bà luôn. Bà coi thường tui vậy?"

Vợ tôi biết tính chồng nên phải xuống giọng năn nỉ:

“Người Việt Nam khi mà gọi nhau một cách thân mật, thì mới gọi biệt danh như vậy, chứ như kiểu người dưng thiên hạ thì ai mà thèm để ý. Ví dụ như tên tôi lúc nhỏ là “Lẫy” vì chuyện gì không vừa ý thì tôi “lẫy”, không nói không rằng, chỉ lặng câm như Hến! Hay như có nhỏ bạn, hở chuyện chi cũng khóc nên mới có biệt danh “Nhè”. Như có bạn học, ăn gì cũng không chịu lớn, thì có biệt danh “Đẹt”; hoặc có bạn có làn da đen quá “bỏ trong thùng dầu hắc tìm không ra” thì có biệt danh là “ông Táo”...

Nghe một hồi có lý, tôi nguôi ngoai cơn giận.

Ngoài chuyện đa nghi, tôi còn thêm tật ưa hóng chuyện. Nói thiệt tình đó chơ!

Ví dụ như mỗi khi vợ tôi nói chuyện điện thoại với ai bằng tiếng Mỹ thì không sao, muốn nói cả buổi tôi cũng chẳng buồn hỏi han. Nhưng nếu bả nói chuyện bằng tiếng Việt, thì cỡ 5 phút sau, chắc như năm nhân năm thì bằng hai lăm rứa, tôi sẽ tới bên vợ, hôn một cái lên tóc của bả và hỏi “Nói chuyện với ai vậy?”

Vợ tôi sẽ nói “Với con bạn A; B; C hay với thằng bạn D; E; G…”

Thì tôi sẽ tiếp tục “Cho anh nói một câu được không?"

Bà vợ tôi không biết trả lời sao; thôi đành đưa phone, cho êm nhà êm cửa! Và tôi thả một tràng tiếng Anh, chẳng bận tâm người bên kia điện thoại có hiểu tôi đang nói chuyện gì!

Vợ tôi nhắc khéo, “Ông à, bạn tui không biết tiếng Mỹ, mà dù có biết chút ít đi nữa thì cũng không cách chi hiểu được ông, vì ông nói nhanh quá. Tui ngồi một bên đây, vừa nghe bằng tai, vừa nhìn cái mặt ông để đoán, mà nhiều khi cũng theo không kịp nữa là!”

Nghe vợ la thì tôi...giận, tôi chỉ muốn quan tâm tới bả thôi. Chẳng phải vì tôi ghen tương, tôi chỉ không thích cảm giác bị bỏ quên, đúng không?

Chúng tôi lấy nhau khi cả hai đã một lần đứt gánh, hay như kiểu người ta nói “Rổ rá cạp lại.” Vợ tôi ghét nhất mấy cái câu đó, nó chạm vào nỗi lòng của bà ấy, bởi theo bả thì nó làm hạ phẩm chất của người phụ nữ đã ly dị.

"Ly dị thì sao nào? có gì xấu đâu? Ở không được với nhau thì chia tay; còn hơn ở chung một nhà; rồi cứ đay nghiến nhau suốt ngày; nhăn nhăn nhó nhó, chỉ tội nghiệp cho con cái!” Hay “Người đẹp như tui mà đem ví von với cái rổ, cái rá, thì ai mà chịu?” Bả phân bua.

Ai cũng nói vợ tôi may mắn nên có được ông chồng tốt là tôi, (và ngay cả tôi cũng thường nhắc nhở cô ấy như vậy!) Mỗi lần nghe thế, bà ấy chẳng thèm nói gì lại cả, chỉ tủm tỉm cười, rồi buông thõng “Mèo khen mèo dài đuôi”, thế là tôi nổi tự ái dân tộc, nên biểu bà ấy ngồi nghe tôi phân tích thiệt hơn.

"Này nhé, buổi sáng tôi dậy sớm pha cà phê, bà dậy sau thì đã có cà phê sẵn sàng, thế không nhờ công tôi thì là công ai nào?"

“Ờ, nhưng mà ông quên nói rõ là ông chỉ bấm cái nút “On-Off” thôi, còn tui đã rửa bình, thay cái giấy lọc mới, bỏ 2 muỗng cà phê vô luôn, cho nên buổi sáng dậy, việc của ông chỉ là nhón ngón tay cho nó “On” là xong!”

Bà vợ chanh chua. “Vậy mà cũng kể công! Thua chưa?”

“Bà phải biết, để tiết kiệm cho ngân sách gia đình, tôi luôn đem đồ ăn trưa, không đi ăn ngoài, để dành biết bao nhiêu là tiền. Có mấy thằng chồng Mỹ làm như tôi nào?"

“Ừ, ông giỏi lắm, biết bới đồ ăn trưa cho đỡ tiền, nhưng mà để tôi hỏi ông, vậy ai sắp xếp đồ ăn vào cái hộp đựng cho ông mỗi buổi tối, để buối sáng dậy, ông chỉ việc xách đi là xong! Vừa ngon vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, ông còn đòi gì nữa hả?”

Hai vợ chồng tôi ăn hai kiểu khác nhau. Vợ tôi không thích đồ ăn của Mỹ, và tôi cũng không thích đồ ăn Việt nam. Lâu lâu một lần ăn chung thì không sao, chứ ngày nào cũng phải ăn đồ Việt nam thì …thà chết còn sướng hơn! Và tôi, tuy không phải là người giỏi nấu ăn; nhưng thỉnh thoảng cũng làm siêng nấu cho cả nhà cùng ăn.

Ở đây, mỗi gói thịt, cá đều có dán cái nhãn ghi cách thức để nấu. Cái nhãn hướng dẫn thế nào thì tôi cứ theo thế mà làm. (Đương nhiên rồi, đúng không?)

Hôm nay tôi làm món Gà Nướng. “Để coi, bật lò nướng lên 375 độ, đợi 10 phút cho nóng lò, sau khi rửa thịt thì bỏ vô khay nướng. Để đồng hồ 90 phút. Xong. Dễ ẹt!”

Ăn với gà có thêm mấy thứ rau quả, tôi lấy ra 3 lon đồ hộp, gồm có bắp hột, đậu đũa, và đậu đỏ, nhưng giờ còn sớm, đợi khi bà vợ đi làm về, hâm nóng cũng được.

Tôi ra ngoài vườn, vừa hút thuốc vừa chiêm ngưỡng cái vườn mình bỏ công làm mỗi cuối tuần. Gọi cho bà vợ “Mấy giờ bà về vậy? Ờ, hỏi cho biết thôi, vì tôi nấu ăn buổi tối rồi, bà về khỏi làm gì cả; sẵn sàng để ăn.”

Bà vợ nghĩ, “Chiều ni khoẻ, khỏi phải nấu ăn; không thích gì lắm món của Mỹ, nhưng lâu lâu ăn đỡ một lần cũng không sao.”

Bà vợ hí hửng về nhà, chuẩn bị tinh thần... để ăn. Lấy cái khay thịt trong lò ra, “Răng mà thịt còn trắng ri hè? chắc là không bỏ thêm gia vị? Thôi kệ, ăn đỡ một bữa chẳng chết ai!”

“Rứa ăn với chi ri?” Bà hỏi vọng ra.

“Có mấy lon đồ hộp đó, bà hâm lại dùm tôi.”

Bà cằn nhằn, “Đã làm thì làm cho trót, rứa mà cũng trừa ra một thứ bắt mình phải làm! Chán cái ông ni!”

Bày mọi thứ ra bàn, sẵn sàng chiến đấu thì mới biết thịt chưa chín, còn đỏ hỏn à, “Ông coi Gà chín chưa? tui nghĩ còn sống.” Bà vợ nghi ngờ,

“Bà này nhiều chuyện, gà CHẾT từ trước khi đem tới chợ, thì làm sao còn SỐNG tới giờ này? Tôi làm theo sự hướng dẫn nơi cái nhãn ghi, từng bước một, không sai một bước nào. Vậy thì gà không chín là do lỗi của ai ? Chứ họ bỏ cái nhãn để làm gì?" Tôi gân cổ cãi lại.

“Ừ thì tui dùng sai chữ (Raw; không phải Alive) nhưng gà chưa chín, không ăn được.”

Bà vợ bắt đầu nổi cáu vì bụng đói; rồi bà lấy chảo ra chiên lại cho nhanh, chứ không để vào lò nướng, lâu lắm.

Tôi nghe bả lầm bầm: “Giúp mô không thấy, bày thêm việc cho làm. Lại còn cả đống chén bát. Chán. Tui vừa nấu ăn vừa rửa dọn, thành ra khi nấu xong là cái bếp cũng dọn sạch, có ai mô như ông, nấu có một thứ mà hai cái bồn rửa chén đầy ứ lên. Lần sau đừng đụng vô nữa nghe chưa.”

Chiều Chủ nhật hai vợ chồng đi chợ, nhà tôi phải đi 2 chợ, chợ của người Việt và chợ của người Mỹ thì mới có đủ thức ăn cho 2 vợ chồng; (Thì tôi đã nói mà, hai vợ chồng tôi cái gì cũng khác nhau.)

Hôm đó, ở chợ Mỹ, đến phiên chúng tôi được tính tiền. Trong khi bà vợ lục ví để lấy cái thẻ ra trả, tôi hỏi cô nhân viên “Cô có bao giờ gặp được thiên thần chưa?”

Hơi bất ngờ, nên cô bé hỏi lại “Thiên thần? ở đâu? Chưa, con chưa bao giờ được gặp thiên thần cả.”

Tỉnh bơ; tôi trả lời “Ngay đây này. Bà vợ tôi đấy. Bà ấy là thiên thần thật đấy.”

Tôi thích khen vợ; hôn lên tóc vợ; nắm tay vợ đi bộ tập thể dục… Nhưng vợ tôi không thích, (bà ấy nói là ở bên Việt Nam, người ta không có thói quen làm những điều đó!!!)

Thì như tôi đã nói với bạn ngay từ đầu đấy thôi, hai vợ chồng tôi cái gì cũng trái ngược nhau.

Nhưng có một điều tôi và vợ tôi giống nhau; chỉ một điều hết sức quan trọng thôi; "Cái gì mình có thì phải biết quý và trân trọng giữ gìn nghe ông.” Như lời vợ tôi thường nói.

Mong các bà vợ (và những người phụ nữ tôi yêu mến) có một ngày Phụ Nữ thật vui.

Carl Graves

No comments:

Blog Archive