Tôi đi nhà thờ Xưa và Nay
Vĩnh Chánh
Người ta thường nói “mắt đổi mắt”, “răng đổi răng”. Phần riêng tôi, đối với bọn Cộng sản Việt Nam thì tôi xin bẻ cho được cái “răng cấm”.
Sau lớp Mẫu giáo ở trường Tiểu Học Đồng Khánh, Măng tôi quyết định cho tôi vào học lớp Năm tại trường Thánh Terexa của các Sơ Dòng Mến Thánh Giá ở ngay bên cạnh nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Huế, chỉ vì người muốn tôi học thêm giáo lý Công Giáo và phép Rước Lễ Vỡ Lòng.
Tôi vẫn nhớ tập viết, học đánh vần, học đếm số không mấy khó, nhưng học giáo lý thì rất khó, như các bài về Đức Chúa Trời có 3 Ngôi, Đức Chúa Gê Su chịu chết như thế nào, ông Thánh Phê Rô chối Chúa 3 lần, ông Ju Đa bán Thầy của mình cho quân dữ, 10 Điều Răn, 7 Phép Bí Tích, và cả học cách làm dấu, cách lần Hạt Mân Côi, đi 14 Chặng Đường Thánh Giá… Ngoài ra còn phải học thuộc lòng các kinh thường xử dụng trong nhà Thờ hay trong nhà mỗi ngày, như kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Tin Kính, Ăn Năn Tội... Học chữ thì không bị ăn roi, nhưng học giáo lý mà không bị ăn đòn và bắt quỳ xơ mít mới là chuyện lạ, vì bài học thuộc lòng quá dài, quá nhiều, nên quá khó để nhớ, nhất là khi trả bài hồn vía dễ lên mây vì mãi nhìn vào cái roi mây Sơ đang nhịp nhịp trong tay.
Gần nửa năm của lớp Năm, chúng tôi bắt đầu được cho học nghi thức về Rước Lễ Vỡ Lòng. Tôi thích nhất mục thực tập về cung cách Rước Lễ, coi đó như một trò chơi - nào là sắp hàng đi lên vương cung, nói Amen, rồi le lưỡi ra để nhận mình thánh, ngậm miệng lại, rồi làm dấu thánh giá trước khi trở về chỗ mình, vừa đi vừa cong đầu lưỡi để nuốt mình thánh chứ không được nhai - đám chúng tôi có dịp chọc ghẹo xô đẩy nhau, nhất là khi tranh nhau ăn thử những miếng bánh lễ vụn.
Riêng về mục xưng tội, tôi cảm thấy lo, không phải sợ cách xưng tội hay sợ nói lên tội lỗi của mình, mà sợ không tìm ra được tội lỗi để xưng. Kể ít tội thì sợ thua chúng bạn, nhưng nhiều quá đâm ra bị cha cho đọc kinh ăn năn sám hối nhiều. Ở lớp, Sơ thường “cò mồi” cho biết nhỏ lớn gì cũng có tội cả, ở lứa tuổi chúng tôi thiếu gì là tội. Nào là tội hư ăn, tội ham chơi, tội nói láo, tội nhác không học bài, tội không nghe lời cha mẹ, không nghe lời Sơ, tội leo cây ăn trộm trái cây nhà vườn hàng xóm, tội làm biếng đi nhà thờ, tội lo ra trong nhà thờ, tội quên đọc kinh trước khi đi ngủ, tội sợ ma…và vô số tội lỗi lỉnh kỉnh khác nữa nhưng không kém quan trọng cho một thằng bé ở lứa tuổi lớp Năm.
Khi quỳ xưng tội, không biết mấy đứa bạn cùng lớp xưng tội gì, nhưng tôi cứ mấy cái tội “thưa cha con có tội dành ăn với mấy chị, tội không chịu ngủ trưa, tội sợ ma, tội đi ngủ quên đọc kinh mà “rót” vào tai cha bên sau cái rèm che, lần nào cũng như vậy mãi trong suốt thời gian học Tiểu học. Và cứ mỗi lần xong xưng tội, Cha đều bắt đọc 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng và 1 kinh Ăn Năn Tội. Chẳng biết tội có được tha liền chưa, nhưng sau mỗi lần xưng tội ra khỏi nhà thờ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Thế nhưng tôi vẫn cứ mắc phải những tội ấy liên tục, nên cứ phải xưng tội đều đều mỗi tháng. Trong khi mấy anh chị hay chọc ghẹo tôi, nói có tội cứ lội xuống sông thì hết tội, khiến tôi chẳng biết hư thiệt như thế nào. Và có khi anh chị còn nói ở một đạo nào đó, người ta xưng tội dễ hơn vì tự xưng tội vào trong cái lon, rồi bịt kín lon lại. Ít tội thì dùng lon nhỏ, nhiều tội dùng lon lớn hơn. Khi nào cần xưng tội lại, thì mở lon ra mà xưng, vì bấy giờ tội lần trước đã bay mất rồi.
Tôi cũng được chỉ dạy cách cám ơn Chúa và cầu xin thầm với Chúa mà tôi cho là khó vì ngay cả lẩm bẩm trong miệng cũng không được phép với Sơ. Nào là cám ơn Chúa cho anh chị em yêu thương nhau, cám ơn Chúa cho Măng tôi có tiền nuôi các con… Cầu xin Chúa cho tôi được học giỏi, đừng bị té cây, đừng bị chó hàng xóm cắn, cho tôi chiếc xe đạp tôi hằng mong ước; xin cho anh chị tôi thi đậu, cho Măng tôi sức mạnh…
Đến ngày tôi được chính thức Rước Lễ Vỡ Lòng với sự hiện diện của tất cả anh chị và Măng tôi, tôi cảm thấy thật sung sướng, không những vì được mặc quần tây dài mới màu xanh đậm với áo sơ mi trắng và cây nến trên tay, mà vì sau lễ, đám con nít chúng tôi được đưa vào trong một phòng lớn cho ăn sáng với một ổ bánh mì nóng giòn từ xưởng làm bánh mì của các Sơ và một ly sữa bột.
Từ đó, tôi thường theo gia đình đến nhà thờ nhiều buổi sáng trong tuần và đôi khi cả những lễ buổi chiều để chầu Mình Thánh Chúa. Trong nhà thờ, tôi được cho ngồi chung với đám con trai cùng lứa, có một ông từ giữ trật tự với cây roi mây trong tay trong khi ở phía bên đám con gái có một bà Sơ trẻ coi ngó nhưng lại không cầm roi mây. Tôi nghe bài giảng nhưng không hiểu bao nhiêu. Tôi đi xưng tội thường xuyên và có kinh nghiệm dần. Tôi cũng hát theo với ca đoàn và đọc kinh chung với mọi người. Xong lễ tôi thường thoải mái vui chơi với các bạn cùng trang lứa ngay trước sân nhà thờ. Tôi gia nhập đoàn thiếu nhi thánh thể, để được cho đá banh và chạy nhảy với chúng bạn cùng tuổi…
Viết về nhà thờ xưa mà không nhắc nhở đến tiếng chuông nhà thờ Phủ Cam là chưa phải… đạo ! Tiếng chuông nhà thờ vẫn không ngừng vang vọng trong tim óc bao người con xa xứ tản mát khắp bốn phương trời. Từ trường Thánh Terexa, tôi và chúng bạn có nhiều dịp chứng kiến cảnh một lão ông quắc thước đứng trong tháp chuông bên trái, vừa xử dụng cả tay lẫn chân, có khi đứng thẳng người kéo các dây thừng gắn dài nối với các chuông lớn nhỏ, có khi đu nguyên cả người lên xuống theo dây chuông. Tiếng chuông vang rền dội ran cả ngực điếc cả tai, nghe thật đã! Mà có phải khi nào tiếng chuông đều vang lên một điệu như nhau đâu ! Khi thì gióng lên một cách chừng mực theo điệu Angelus nhật tụng 3 lần mỗi ngày, 5 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều, năm này qua năm khác, khi thì ngân lớn rộn ràng, vui tươi, hoan hỷ, vang tận trời xanh của Carillon trong các nghi lễ đặc biệt hay Kiệu lớn; ngược lại có lúc tiếng chuông lặng lờ, buồn và trầm hẳn xuống, đổ chậm từng 3 hồi một “tựng tựng tựng”, lập lại nhiều lần rồi bỗng nhanh hẳn và ngưng, của điệu chuông báo tử, hoặc mạnh bạo, dồn dập và hỗn độn với đồng loạt tất cả chuông lớn nhỏ dóng lên cùng lúc kiểu tocsin báo hiệu một biến cố quan trọng, như khi hỏa hoạn xẩy ra vào một đêm ở xóm nhà tôn chuyên chằm nón lá bài thơ… Sau này có dịp xem phim Người Gù Nhà Thờ Notre Dame de Paris, tôi vẫn thầm phục ông từ giật chuông nhà thờ Phủ Cam có cung cách, mạnh bạo và điệu nghệ hơn chàng Quasimodo dù không nhanh nhẹn bằng.
Khi gia đình tôi dời ra ở trong trường Đồng Khánh, là thời gian chúng tôi chuyển qua đi nhà thờ PhanXiCô vì gần nhà, còn gọi là nhà thờ Nhà Nước, tiếng chuông “gọi hồn” của nhà thờ Phủ Cam vẫn đeo đuổi theo những cơn gió núi vọng về, nhất là vào sáng sớm tĩnh lặng hay giữa đêm khuya thanh vắng. Khoảng đầu thập niên 60, tiếng chuông mất hẳn, chắc vì nhà thờ được sửa sang xây mới dưới thời của TGM Ngô Đình Thục. Thay vào đó tiếng chuông thánh thót ngân cao hơn bằng điện, “tưng từng tưng tựng, tựng tưng tưng từng” của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nhẹ nhàng theo cơn gió lãnh lót hướng nhà tôi khi chiều về hay trong đêm, để tôi phải thẫn thờ vương vấn, chỉ vì nhà Nàng nằm sát bên cạnh nhà thờ mà tôi định vị được qua các ngọn đèn màu chớp chớp đỏ trên đỉnh tháp chuông. Rồi tiếng chuông đó cũng tắt lịm sau Tết Mậu Thân 1968, trước khi gia đình Nàng rời hẳn Huế vào năm sau. Và cũng từ khi ở Mỹ, tôi chưa được nghe lại tiếng chuông nhà thờ.
Tôi hằng thích và nhớ đến những lễ lớn nhất là Giáng Sinh, với đa số nhà nào cũng có treo đèn lồng, đèn ngôi sao… Những năm đầu còn ít, về sau càng nhiều hơn khi họ đạo ngày càng phát triển mạnh. Có nhà làm luôn cả máng cỏ để trước nhà, có luôn cả suối nước chảy quanh và đèn màu chớp chớp. Nhà thờ chính tòa trang hoàng rực rỡ với giây bóng đèn đủ màu, máng cỏ rất trang trọng với đầy đủ Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, Thánh Giu Se, các người chăn chiên với các con cừu, Ba Vua quỳ lạy, và các thiên thần trên cao. Đây cũng là dịp cho đám con nít Phủ Cam rủ nhau đi coi đèn ban đêm từ xóm này qua xóm khác trong suốt mùa lễ.
Đi Kiệu xẩy ra một đôi lần trong năm, gồm luôn cả lễ Kiệu Đức Mẹ. Vì nhà thờ Phủ Cam là chánh tòa, các trường tư thục công giáo và nhiều họ đạo từ các nơi khác đổ dồn về nên thường xuyên lễ được làm ngoài trời ngay ở sân bên dưới của nhà thờ, với cả mấy ngàn người tham dự, cờ xí ngợp trời. Gia đình tôi thường đứng ngay sân trước của OB Ưng Trạo để chờ xem lễ. Có những lúc trời mưa, cũng vui và đông như thường. Còn tôi thì thỉnh thoảng được xếp cho vào đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể để đi Kiệu. Đoàn người đi Kiệu chia ra nhiều hội đoàn, nào là Đoàn Con Đức Mẹ, Nghĩa Binh Thánh Thể, Legio Maria, Các Bà Mẹ Gia Đình, Dòng Ba PhanXiCô, Thanh Sinh Công, Hùng Tâm Dũng Chí, Hướng Đạo La Vang…, hay từng họ đạo, mang theo cờ màu trắng vàng của giáo hội, cờ Trắng Xanh của Đức Mẹ, cờ VNCH… hát vang lên những bản nhạc đạo như Sao Biển, Nữ Vương VN, Trên Con Đường Về Quê… với cả Ca Đoàn các nhà thờ cùng trống kèn. Đoàn Kiệu có khi chỉ đi chung quanh nhà thờ, có khi thì đi xa hơn, tuốt lên phía Ngả Ba Thánh Giá, ngưng lại đó cho linh mục làm lễ Mình Thánh Chúa rồi quay về lại sân trước nhà thờ. Bàn thờ tại đây được đặt trên tầng cấp cao nhất của sân, hướng về phía dưới nhìn thẳng vào cây cầu Phủ Cam và xa hơn, kỳ đài Phú Văn Lâu với lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bên kia bờ sông Hương. Thường xuyên các linh mục nơi khác, như các cha dòng Chúa Cứu Thế, thay phiên đứng trên bục cao giảng các đề tài về đạo.
Toán thiên thần luôn được sự chú ý và hoan nghênh của mọi người. Toán gồm 6 người con gái nhỏ tuổi, mũm mĩm dễ thương được các Sơ trang điểm má trắng môi hồng, ăn mặc áo đầm satin trắng bóc, mang đôi cánh trắng trên 2 vai, đi ngay phía sau của bàn kiệu Đức Mẹ, vừa bước vừa rung đôi cánh thiên thần lên xuống rất điệu. Phía trước bàn kiệu Đức Mẹ đang được 6 chị với đồng phục áo dài màu xanh khiêng trên vai, có một toán con gái khác với đồng phục áo dài trắng quần dài trắng, tung những cánh hoa được cắt nhỏ đựng trong giỏ mây có bọc vải trắng lên trên trời. Trong toán Thiên thần nữ đó, luôn có một người bà con cùng tuổi với tôi (Thanh Hiền, mà tôi kêu tên ở nhà là Ni, sau này đi học xa ở Couvent des Oiseaux ở Đà Lạt), được chọn làm Thiên thần nhiều năm. Tôi nhận thấy đoàn thiên thần không bao giờ có con trai, nên tôi nghĩ thiên thần luôn phải là con gái. Mãi về sau tôi mới biết thiên thần có cả nam lẫn nữ, mà ngay ông Micae là tổng lãnh các thiên thần, cùng với ông Gabrie. Đáng tiếc hồi xưa ấy tôi không được chọn làm thiên thần nam, nên phải chờ đến hơn cả chục năm sau mới được làm Thiên thần Mũ đỏ.
Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đi hành hương ở Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, khi thì đi chung xe với gia đình OB. Ưng Trạo, khi tự thuê xe riêng nếu có khách quen từ xa đến. Đôi ba năm, hành hương Đức Mẹ La Vang được tổ chức toàn quốc rất trọng thể. Đến nơi, gia đình chúng tôi gia nhập vào đoàn của nhà thờ Phủ Cam, cùng đi kiệu mấy vòng chung quanh thánh đường, dừng lại nhiều chặng đường đọc kinh, cầu nguyện và hát. Thật là uy nghiêm, sùng kính và đầy ơn sủng đức tin. Khi ra về, gia đình tôi không quên đem theo chai nước thánh và một vài cành lá gần nhà thờ.
Càng lớn, tôi càng thích những lời xướng kinh và tiếng ca bằng tiếng Latin mặc dù không hiểu bao nhiêu. Mới vào lễ Cha xướng lên ‘In Nomine Patria, et Filìi, et Spiritus Sancti” và ca đoàn hát lên “Ominus vobis cum et cum spiritu tuo…” Hoặc đến đoạn sám hối Mea Culpa, không hiểu tại sao tôi thích nghe chữ Maxima Culpa nhiều nhất. Càng về sau, nhất là khi bắt đầu bước vào học chương trình Pháp, tôi thích thú đạp xe đạp theo Măng tôi đến dự lễ sáng Chủ Nhật bằng tiếng Latin tại nhà thờ đan viện Thiên An. Xuyên qua tiếng thông reo bên ngoài của núi rừng, giọng hát trầm trầm ấm cúng của các cha và các thầy ngân vang lên trong nhà thờ đá gây cho thằng bé tôi một ấn tượng sâu đậm không hề phai, nhất là với kinh Lạy Cha Pater Noste, qui es in Caelis, sanctificeturn nomem tuum. Advenniat regnum tuum… hay lúc chờ rước lễ Domine, non sum digmus…miserere mei, quoniam infirmus sum, sana me, Domine, et sanabor - Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
Có lẽ sau Cộng Đồng Vatican II, các linh mục chuyển qua làm lễ bằng tiếng Việt. Tuy nhiên,trường Providence với các linh mục người Pháp và với học trò nội trú, vẫn duy trì lễ bằng tiếng Latin ngay trong chapel của trường cho đến tận ngày mất nước, nhưng tôi ít có dịp đến dự lễ Latin tại đó dù theo học 7 năm cùng một chỗ. Khoảng thời gian tôi ở lớp Quatrième, tôi được thầy Nguyễn Thế Minh nhận làm Bõ đỡ đầu Thêm Sức.
Trong vài năm trước khi mất nước, có mấy nhà thờ tân tiến như nhà thờ ở Trung Tâm Đắc Lộ tại Sài Gòn, người vào đi lễ có thể đứng ngồi ở bất cứ chỗ nào trống chứ không nhất thiết phải ở dãy thuộc về nữ hay nam. Điều này khiến tôi thầm tiếc đã không xẩy ra khi còn ở Huế, tôi đã không có cơ hội được quỳ gần Nàng trong nhà thờ, cùng cầu nguyện đọc kinh bên cạnh nhau, nghe Nàng hát thánh ca, và… để được nắm tay Nàng khi chúc nhau bình an.
Đức tin Công Giáo đã giúp tôi sức mạnh tinh thần để sống vững qua thời chinh chiến, qua thời tù cải tạo cũng như qua những trần ai trong vượt biên và những năm tháng làm lại cuộc đời tại xứ người, đến tận bây giờ và hy vọng mãi về sau.
“Ngài đã giúp tôi bước tiếp dù từng vấp ngã.
Ngài cho tôi hy vọng dù đã từng thất vọng.
Ngài cho tôi ánh sáng khi tôi đang bước trong bóng tối.
Ngài giúp tôi sống lạc quan dù trong mọi hoàn cảnh bi quan.”
Ngay trong nhiều tháng tại nhà tù Chí Hòa, tôi cũng được ân sủng nhận Mình Thánh Chúa hằng ngày dưới hình thức khi thì hột cơm khi thì mẩu vụn bánh ngọt… một cách kín đáo từ tay cha Vàng, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế bị giam cùng phòng cho đến khi Cha bị chuyển qua phòng khác.
Do cuộc sống đưa đẩy, gia đình bé nhỏ của tôi lưu lạc đến một thị xã xa xôi của TB Louisiana. Dù bận rộn với công việc mới, nhưng vợ chồng chúng tôi cùng con cái luôn cố gắng giữ tinh thần và nền nếp của một gia đình công giáo, đến nhà thờ vào Chủ Nhật nếu không phải phiên trực của mình. Các con đều được rửa tội tại nhà thờ, theo học các lớp Rước Lễ và Thêm Sức. Cha mẹ đọc bằng tiếng Mỹ theo với các con từ trong cuốn kinh thánh. Nhưng cầu nguyện và đọc các kinh thông thường như Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính, Ăn Năng Sám Hối… thì lại lâm râm trong miệng bằng tiếng Việt do thói quen.
Từ ngày nhập cư ở Mỹ, tôi không có cơ hội xưng tội với Linh mục, khi mà tiếng Mỹ của tôi chưa mấy thuần thục để xưng tội một cách lưu loát và dễ dàng. Mãi cho đến từ cuối thập niên 80 trở về sau này, Bố đỡ đầu Thêm Sức của tôi, Nguyễn Thế Minh, bấy giờ là một Linh mục Dòng Tên, rời VN khoảng năm 1970 sang Roma học rồi được ở lại đó làm việc cho Radio Vatican sau 1975, đã tìm đến thăm và ban bình an cho gia đình chúng tôi trong những chuyến rao giảng Linh Thao tại Mỹ. Từ đó hầu như mỗi năm, tôi đều có dịp cầu nguyện và xưng tội với ngài, ở ngay trong nhà mình. Ngài cũng từng lên tiếng “nhìn cách vợ chồng cậu săn sóc đứa con tàn tật thì dù có bao nhiêu tội Chúa cũng sẽ tha thứ…” Thật vậy, tôi nghĩ Chúa lòng lành quyền uy, Chúa nghe được lời ăn năn hối lỗi thành thật của tôi vì những lầm lỗi đã phạm thì hiển nhiên là tôi sẽ được Chúa nhận lời tha tội. Vả lại, trước khi nhận Mình Thánh Chúa trong buổi lễ tại nhà thờ, tôi luôn thành tâm đọc “xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh,” ngay lúc đó tôi cảm thấy lòng mình trong sạch và mạnh dạn tiến lên rước Chúa vào lòng. Năm nay là năm Thánh, vợ chồng chúng tôi cố gắng thực hiện những điều kiện do Giáo Phận chỉ định để mong được Ơn Toàn Xá.
Khi trở lại CA, chúng tôi gia nhập vào họ đạo nhà thờ Mỹ gần nhà, thường xuyên xem lễ Chủ Nhật và vài buổi sáng trong tuần nếu có thể, nhất là khi các con lần lượt tung cánh bay xa. Dần dần rồi cũng quen lần với kinh bằng tiếng Mỹ. Đọc riết những lời kinh rồi cũng phải suy gẫm, từ từ thấm nhuần ý nghĩa của từng câu mà trước đây vẫn đọc một cách hời hợt, để mỗi ngày càng ngộ được sự tuyệt đẹp của những ý nghĩa rao giảng trong kinh thánh. Kinh Lạy Cha, rất căn bản, xem ra dễ hiểu dễ nhớ nhưng lại rất khó thực hiện. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.” Đối với chúng tôi, tuổi đã vào thu, đây là giai đoạn nên biết trông cậy và phó thác vào Đấng Tối Cao để cho lòng được thư thản, cho hành trang nhẹ dần, chuẩn bị cho linh hồn luôn trong tư thế sẵn sàng để được cứu rỗi.
Chúng tôi thường nhắc nhở nhau đọc kinh và cầu nguyện hằng đêm trước khi ngủ. Chồng làm biếng thì vợ nhắc, vợ quên thì chồng xướng đọc trước. Mỗi buổi sáng, nếu không bận đi công việc hoặc bác sĩ thì ráng rủ nhau đi nhà thờ để mong tìm sự bình an. Tôi hằng ước mong, dù chỉ một lần thôi, được dự thánh lễ bằng tiếng Latin trên quê hương thứ hai này. Để hạnh phúc nhớ đến quá khứ êm đẹp của những sáng Chủ Nhật trong nhà thờ Thiên An bên cạnh Măng tôi, và cảm nhận tình láng giềng thân thiết của bao người quen qua bao thế hệ, từ các xóm Đường Đá, xóm Ngả Ba Thánh Giá, xóm Cồn Mồ, xóm Nhà Thờ, xóm Xe Lửa, xóm Thánh Giá... trong xứ họ đạo Phủ Cam.
Đời là bể khổ, ông Nhạc tôi vẫn nhắc rằng mỗi người ai cũng có một cây thánh giá để vác, không cây nào nặng hơn cây nào. Thôi thì hãy cứ vui vẻ mà vác cây thánh giá của mình nếu chúng ta vững lòng tin cậy. Mọi sự diễn ra trong đời sống đều có sự an bài của Đấng Tối Cao “who hold us in the palm of his hand”. Chỉ có chúng ta mới chưa hiểu được vì sao nhưng Thiên Chúa biết !
Cách cầu nguyện cũng thay đổi theo thời gian. Càng về sau, tôi chú trọng đến cảm tạ ơn Chúa nhiều hơn là cầu xin. Cám ơn Chúa đã cho tôi có được bữa cơm hằng ngày trong gia đình, cám ơn Chúa đã cho tôi có được giường êm nệm ấm mỗi đêm khi ngoài trời mưa gió. Cám ơn Chúa cho tôi sức mạnh thể xác và tinh thần. Cám ơn Chúa gìn giữ gia đình bằng an. Xin Chúa tiếp tục hướng dẫn cho tôi sống đẹp lòng Chúa. Biết thương yêu và chia xẻ. Về phần cầu xin, tôi không còn chú trọng đến mưu cầu riêng tư mà hướng về phục vụ tha nhân. Tôi thường xin Chúa ban ơn chữa bệnh cho các bạn hay người thân quen qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, cầu xin cho hòa bình thế giới, cho thế giới bớt hận thù, bớt đói khổ, bớt thiên tai…
Cầu nguyện với Chúa bao nhiêu đi nữa. Xưng tội với Chúa bao lần đi nữa, tôi vẫn còn mắc phải một cái tội mà không khi nào tôi có thể làm lành với chính mình. Người ta thường nói “mắt đổi mắt”, “răng đổi răng”. Phần riêng tôi, đối với bọn Cộng sản Việt Nam thì tôi xin bẻ cho được cái “răng cấm”. Vì tôi không thể là cha Don Camillo và nhất là bọn Cộng sản VN ác độc kia không thể như ông xã trưởng Peppone được (1). Bởi vậy, Chúa ơi, con chưa được là con người hoàn thiện như ý Chúa muốn: “Phải thương yêu kẻ thù.”
Thân tặng các anh Lê Văn Mộ (quá cố), Trần Văn Hoa, Nguyễn Văn Bách “già”...
Tháng 5, 2017
Vĩnh Chánh
_______________
(1) Truyện Don Camillo et Peppone của nhà báo Ý Giovannino Guareschi.
(1) Truyện Don Camillo et Peppone của nhà báo Ý Giovannino Guareschi.
No comments:
Post a Comment