Tâm Sự Khi Về Hưu
Ngày thứ sáu 14- 07 là buổi họp chót trong văn phòng . Tôi nghỉ hưu thực sự. Nghỉ hẳn. Phải từ bỏ. Phải thôi việc, không làm việc nữa. Không tiếc nuối gì hết. Vì sao vậy?
Vì:
Tụi mình trên dưới bảy mươi;
Nhìn đi ngó lại chỉ mười năm thôi.
Số đông biến mất đâu rồi;
Số hên còn lại lẻ loi chắc buồn.
Đếm kỹ còn mấy trăm tuần;
Thời gian vun vút, bao lần gặp nhau?
Thôi thì còn lại ngày nào;
Hãy vui ngày ấy, miệng chào thật tươi.
Khác biệt gì cũng thế thôi;
Mai kia nằm xuống để rồi được chi.
Sao bằng ta cứ vui đi;
Hơn thua dẹp hết, ôm ghì bạn xưa.
Tay với trời cao không thấu nổi
Tuổi già mất bạn cũng mồ côi …
(Trích từ bài “Còn bao lâu nữa” được phổ biến trên internet.)
Mấy ngày qua, trong facebook các em học trò cũ, các con, các cháu , bạn bè chúc mừng sinh nhật, rất ấm áp tình nghĩa yêu thương. Trân trọng cám ơn hết mọi người đã gởi đến những tình cảm quý mến đó. Trân trọng những người bạn cũ và quý mến những người bạn mới.
Đã U80 rồi. Đã cảm nghiệm đủ mọi buồn khổ và vui tươi, đói khát và no đủ, cay đắng , đau buồn và niềm vui, hạnh phúc.
Tạ ơn Trời, đến tuổi này rồi (75 tuổi), vẫn còn sống, khỏe mạnh và sáng suốt. Và vẫn còn nhớ là sống trên đời này, cần có một lý tưởng.
Tôi nhớ, hồi còn đi dạy, tôi có nói, có nhắc nhở các em học sinh rằng, cần có một mục đích để sống cũng giống như ta cần có ngọn núi để trèo lên. Nhiều con đường để đi lên ngọn núi đó. Đi thẳng, đi vòng... Có thể các em sẽ lên tới đích, cũng có thể các em sẽ gục ngã giữa chừng. Tuy nhiên, ít ra là các em còn có mục đích để sống.
Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng có làm thơ với bút hiệu Đằng Phương:
Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động.
Trước năm 1975, tôi có viết một bài báo để khen ngợi hai nghề thẩm phán và nghề dạy học là hai nghề không ăn hối lộ. Sau này tôi mới thấy nhận xét đó sai.
Chỉ có nghề dạy học, như tôi thấy ở miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa -bây giờ thì miễn bàn- mới không ăn hối lộ. Vì sao?
- Vì họ có lương cao, đủ sống, không giàu nhưng không thiếu thốn.
- Họ cần làm gương cho học trò của mình nên không dám ăn hối lộ, mà còn phải ráng sống cho tử tế, đàng hoàng nữa. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Thầy cô giáo luôn luôn có các em học trò để ý, bắt chước noi theo.
Thầy giáo, cô giáo không giàu tiền bạc nhưng rất giàu học trò. Tôi chỉ dạy có 5 năm trường Lương văn Can, vậy mà 42 năm sau, tình nghĩa Thầy trò vẫn thắm thiết.
Thế gian, tài sản, tiền bạc, danh vọng tất cả đều phù du, bởi vì khi chết, đâu có ai mang theo xuống mồ được gì đâu.
Tuổi này rồi (75 tuổi) tôi bắt đầu thấy sức khỏe là quan trọng nhất.
Tôi có anh bạn rất giàu có, chủ ba bốn tiệm “furniture”, là triệu phú. Nhưng chẳng may anh bị bịnh ung thư phổi. Anh nói: Tôi đã bán hết các cơ sở làm ăn rồi và nghỉ hoàn toàn. Tôi nói, “Sao anh không đi du lịch.”
“Bây giờ đâu còn sức khỏe nữa để đi du lịch - Anh phân trần - Nói thiệt nha, ai lãnh cái bịnh của tôi, tôi sẽ giao hết tài sản cho người đó.”
Vậy mà, sao quá nhiều người lao tâm, khổ trí, tranh giành tiền bạc, nhà cửa, danh vọng, quyền hành, hãm hại, giết chóc lẫn nhau. Lường gạt nhau, hãm hại nhau, để gôm góp tài sản, của cải, tiền bạc cho thật nhiều. Anh chị em cùng một cha mẹ, thay vì yêu thương nhau, giúp đỡ nhau thì trở thành thù ghét nhau, đến ngày cha mất, mỗi gia đình làm đám giỗ riêng, không ai còn muốn gặp nhau nữa. Vì sao vậy?
Vậy thì điều quan trọng tiếp theo là đoàn tụ gia đình. Làm sao tập hợp được con cháu, thường xuyên gặp gỡ nhau, yêu thương nhau thì quý giá vô cùng. Chứ các con cháu giàu có nhưng mỗi gia đình hoàn toàn sống riêng rẽ, không hỏi han nhau, không biết tình trạng sống của anh chị em ra sao. Sống ích kỷ chỉ lo riêng cho bản thân mình, cho gia đình mình, do đó nhiều khi họ có thể rất giàu có về vật chất nhưng họ lại hết sức cô đơn, thiếu thốn tình thương yêu lẫn nhau… .chưa kể anh em có thể ghen ghét nhau vì hơn thua lời nói, vì đứa giàu, đứa nghèo… mà khộng thèm nói chuyện, nhìn mặt nhau.
Nói chung, làm sao giữ cho chính mình và những người thân yêu có một tấm lòng yêu thương để sống.
Tôi cũng từng có lúc tự hỏi, có nên để lại tài sản cho con không?
Tôi có người quen, qua Mỹ rồi, chị ấy đi giúp việc nhà giữ con cho người khác, mỗi tuần chỉ về nhà ngày chúa nhật, mỗi tháng được khoảng 1,200 đô la. Vậy mà chị không xài. Chỉ để dành tiền cho con chị là mộ kỹ sư lương 5, 6 chục ngàn đô la một năm. Lý do chị thương con trai của chị nên chị muốn tỏ tấm lòng săn sóc thương yêu con trai chị.
Nhưng tôi cũng nhớ lời một tỷ phú nói: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng”.
Tôi cũng thường nghĩ tới câu “Cái gì cho đi mới là của mình vì nó đi vào lòng người.”
Tỷ phú Chuck Feeney là người đầu tiên ở Mỹ bỏ ra số tiền lớn 8 tỷ đô la là tài sản của ông để làm từ thiện. Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống”.
Ông làm từ thiện và tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung sinh ngày 07-09-1955, rửa tội và thêm sức ngày 15-05-1994, lúc 39 tuổi. Đi tu ngày 01-10- 1994, chín năm sau, ngày 25 tháng 3, 2013 khi đã 48 tuổi mới được thụ phong Linh mục.
Đến với đạo công giáo và đi đi tu lúc đã lớn tuổi, Linh Mục Chung là vị thừa sai của những người bịnh cùi, bịnh Sida. Cha sống với người thiểu số ở Kontum và về với Chúa ngày 10 -05-2017 vừa qua, khi Cha ở tuổi 62.
Tôi đã rất xúc động khi đọc bài viết “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ của cố Giáo Sư Trần Duy Nhiên.” Quí vị có thể đọc bài này tại đường dẫn sau đây: https://dongten.net/noidung/174.
Trong thế giới phức tạp đua đòi vật chất, hơn thua giàu nghèo, đời sống con người trở nên ích kỷ chỉ nghĩ đến cá nhân, gia đình của riêng mình mà thôi, việc sống vì người khác, cho người khác Hy sinh tiền bạc hay bỏ tất cả danh vọng, tiền tài, sức khỏe để hy sinh cho người nghèo, phục vụ người nghèo như các vị nêu trên rất là quý hiếm.
Tuy nhiên, vẫn còn có thể đặt niềm tin vào nhiều người, nhiều tổ chức xã hội vẫn hăng say phục vụ, đâu có đòi hỏi quyền lợi hay danh vọng tiếng tăm gì đâu. Vì họ có tấm lòng yêu thương và thực hiện lời dạy của Chúa “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Tiêu biểu cho niềm tin sâu sắc ấy là Mẹ Teresa Calcutta.
Ngày 10 tháng 9 năm 1946, Mẹ nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo”.
Do đó, khi tới với những người nghèo khổ tại Ấn Độ, Mẹ Theresa Calcuta đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi. Một người bị bịnh tật, bị bỏ rơi ở ngoài đường phố, sắp chết, Mẹ Teresa đem về nhà hấp hối, tắm rửa săn sóc, vài hôm sau thì chết. Người ấy nói: "Tôi sống như một con thú, nhưng tôi chết như một thiên thần.”
Suy ngẫm thêm về cái chết, chúng ta có thể nhớ câu nói vẫn thường được nhắc nhở như sau: “Khi được sinh ra thì ta khóc, còn người xung quanh thì mĩm cười, làm sao khi chết đi, thì ta mỉm cười mà những người xung quanh thì khóc”.
Tháng Bẩy, 2017
Phùng Văn Phụng
No comments:
Post a Comment