LỠ CHUYẾN ĐÒ
Truyện của Phương Lan
Đã qua rồi những mùa thương năm cũ
Sao tình còn ấp ủ mãi dòng thơ
Mảnh trăng xưa chênh chếch bóng đợi chờ
Sầu lan tỏa giữa khung trời tình nhớ
Đêm qua chưa? tiếng lòng còn than thở
Nụ hôn đầu bỡ ngỡ khúc tình xanh
Ta trao nhau chan chứa giấc mơ lành
Nào ai biết trời dành sầu thiên cổ
(Dấu tình sầu: thơ Ngọc Quyên)
Buổi chiều thứ sáu, thiên hạ bận đi du hí nên giảng đường chỉ thưa thớt có vài chục tên sinh viên chăm học. Tan lớp, tôi ra về sau chót, tới bãi đậu xe thì thấy Sơn đang đứng xớ rớ ở đó, tay chân lấm lem dầu mỡ. Vừa thấy tôi, Sơn đã hỏi ngay:
- May quá anh chưa về. Xe em chết máy rồi, em đề mãi không được.
- Có phải tại bình điện không? Tôi hỏi.
- Chắc không phải, bình điện mới thay tháng trước.
- Hay là nghẹt bu gi?
- Em không biết. Sơn gãi đầu, em cũng lôi nó ra lau rồi, nhưng không có kết quả.
- Thế xe cậu đâu?
- Em đã gọi hãng tow-away đưa đến tiệm sửa xe rồi, thiệt là xui xẻo…
Tôi phì cười, nói đùa:
- Xe cậu nằm vạ là chuyện đương nhiên, nó già hơn cả tôi nữa, quá tuổi về hưu lâu rồi, cả tháng nay nó không đình công mới là chuyện lạ.
Sơn hơi đỏ mặt, cười ngượng nghịu:
- Mai mốt có tiền em sẽ đổi xe khác. Bữa nay anh cho em quá giang về nhà được không?
- Dĩ nhiên là được, giữa cậu và tôi mà còn phải hỏi. Lên xe đi!
- Mai mốt có tiền em sẽ đổi xe khác. Bữa nay anh cho em quá giang về nhà được không?
- Dĩ nhiên là được, giữa cậu và tôi mà còn phải hỏi. Lên xe đi!
Sơn và tôi là bạn đồng học lớp Computer Sciences, khá thân nhau mặc dù không cùng chung lứa tuổi. Sơn vừa rời ghế trung học, tuổi mới mười chín, còn tôi thì đã ba mươi sáu, gần gấp đôi tuổi hắn. Tôi mới qua Mỹ được hai năm, cả hai đều nghèo và cùng chăm học. Sơn và tôi chưa ai có bạn gái cả, Sơn quá trẻ, còn tôi thì đã một lần thất bại trong tình trường nên chán nản, chẳng buồn nghĩ đến chuyện yêu đương nữa. Cả hai cùng chăm chú vào việc học, chỉ muốn học cho giỏi để mau tốt nghiệp, đi tìm việc làm kiếm sống. Sơn hiền lành, không ăn chơi xô bồ như phần lớn những thanh niên trẻ tuổi khác, hắn cũng thích nghe nhạc cổ điển như tôi vậy.
Vì quan niệm sống có nhiều điểm giống nhau, nên mặc dù tuổi tác chênh lệch, chúng tôi vẫn thân nhau và thường giúp đỡ nhau trong việc học hành. Sơn giỏi tiếng Anh, còn tôi giỏi toán, chúng tôi thường chỉ bảo bài vở cho nhau và học chung với nhau ở thư viện, nhưng chưa bao giờ biết nhà nhau, đây là lần đầu tiên tôi đến nhà hắn. Dừng xe trước cửa cho Sơn xuống, tôi đã toan lái xe đi thẳng, nhưng Sơn giữ lại:
- Anh không bận gì chứ? Vào đây một lát đã.
Tôi ngần ngừ:
- Bận thì chả có gì bận, nhưng tôi phải đi ăn, vì trời sắp tối rồi.
Sơn nói ngay:
- Nếu vậy, anh vào đây dùng cơm với em và mẹ em luôn tiện. Anh ăn bún thang với mắm tôm được chứ? Hôm nay sinh nhật em, mẹ em nói sẽ làm món em thích.
- Sinh nhật cậu hả? vậy mà tôi không biết chi cả, happy birthday cậu nhé! còn chuyện ăn uống thôi để dịp khác. Bây giờ tôi xin kiếu.
Tôi từ chối và chúc hắn buổi tối vui vẻ, nhưng Sơn nhất quyết không cho tôi đi. Còn đang dùng dằng thì cánh cửa chợt bật mở và một giọng Huế trong trẻo vang lên:
- Sơn đã về đó hỉ? răng không vô nhà đi con?
Một người đàn bà xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Bà ta trông còn trẻ, chắc mới ngoài bốn chục tuổi, Sơn ghé tai tôi nói nhỏ:
- Mẹ em đó.
Rồi quay sang mẹ:
- Con đi với một người bạn.
Tôi vội vã cúi chào, bà ta niểm nở:- Rứa hỉ? vô chơi đi cháu.
Chợt nhìn rõ tôi, bà ta khựng lại:- Ồ xin lỗi, rứa mà tôi cứ tưởng…
- Không sao cả, thưa bà. Tôi vội vã nói, tuy nhiều tuổi hơn Sơn, nhưng đã là bạn của Sơn thì cũng như em, như cháu của bà…
- Không dám, không dám mô.
Bà ta cười, hàm răng trắng bóng như những hạt ngọc, lấp lánh dưới ánh đèn đường, ngôn ngữ Việt Nam rắc rối chi tệ, cứ như người Mỹ gọi nhau bằng you and I có phải giản tiện không? Nhưng thôi cậu vô nhà đi chứ? đứng đây hoài sẽ bị ướt đó, trời sắp mưa rồi, thấy không?
Tôi nhìn lên bầu trời vần vũ những mây đen, vài tia chớp sáng loằng ngoằng ở phía chân trời, và những tiếng sấm ỳ ầm làm rung chuyển cả không gian, vài hạt mưa đã bắt đầu rơi lộp bộp.
- Thế này thì còn đi đâu được nữa? Sơn nói, thôi vào đây một lúc đi anh!
Vừa nói, Sơn vừa nắm lấy tay tôi kéo. Âu cũng là định mệnh, tôi tặc lưỡi theo Sơn bước vô cửa, bà ta vội đứng nép qua một bên, tránh lối. Lúc đi ngang người bà, tôi thoáng ngửi thấy mùi nước hoa Christian Dior quen thuộc, loại nước hoa đặc biệt ít có người biết đến, thoang thoảng như mùi hương sen, thanh lịch và quyến rũ, người yêu của tôi vẫn dùng khi xưa. Bây giờ nàng đã lấy chồng, còn đâu mùi hương năm cũ?
Một thoáng ngậm ngùi, hơn mười năm không gặp mặt, Huyền đã lấy chồng sau khi di tản sang Mỹ, trong khi tôi bị kẹt lại. Ba năm chờ đợi cũng đã là nhiều đối với một cuộc tình vô vọng. Tôi không trách Huyền, nhưng cảm thấy lòng băng giá, con tim không còn rung động được nữa, tình yêu dường như đã chết. Nay tình cờ tìm lại hương xưa, tôi bỗng thấy lòng xao xuyến. Tôi khẽ liếc nhìn bà, dưới ánh đèn vàng êm dịu, bà ta trông thật đẹp với mái tóc bới cao để lộ cái cổ trắng nõn, khuôn mặt vừa trang nghiêm vừa dịu dàng và nụ cười thật tươi, người bà cao dong dỏng, thân hình mảnh mai nhưng nẩy nở. Bà ta đẹp quá, một cái đẹp toàn diện, quí phái thanh lịch, nhưng không kém phần hấp dẫn, như một thứ trái cây chín mùi.
Không dám nhìn lâu sợ bị bắt chợt, tôi vờ ngắm nghía quanh nhà. Căn phòng khách nhỏ, nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, một bộ xa lông kê gần cửa sổ, trên mặt bàn có để vài tờ tạp chí, và một lọ hoa nhỏ bằng men trắng chỉ cắm độc nhất có một bông hồng màu đỏ. Cuối phòng là một bộ bàn ăn bằng gỗ thông, có bốn cái ghế dựa bằng mây, mặt bàn phủ khăn ren, trên đã bày sẵn hai bộ đồ ăn. Bà vui vẻ nói:
- Để tôi lấy thêm chén đũa. Cậu ở lại dùng cơm chiều với chúng tôi hỉ?
- Mẹ có làm món bún thang không đấy? Sơn háo hức hỏi, con đã quảng cáo trước với anh Nam rồi.
- Có chứ. Bà nhìn Sơn âu yếm, mần răng mạ quên được hôm nay là sinh nhật của con. Bây chừ, mời cậu chi… à cậu Nam ngồi vô bàn đi, mạ đem thức ăn ra liền.
- Để tôi lấy thêm chén đũa. Cậu ở lại dùng cơm chiều với chúng tôi hỉ?
- Mẹ có làm món bún thang không đấy? Sơn háo hức hỏi, con đã quảng cáo trước với anh Nam rồi.
- Có chứ. Bà nhìn Sơn âu yếm, mần răng mạ quên được hôm nay là sinh nhật của con. Bây chừ, mời cậu chi… à cậu Nam ngồi vô bàn đi, mạ đem thức ăn ra liền.
Bà quay sang tôi cười, khoe hàm răng trắng đều như những hạt bắp:
- Cha hắn người Bắc, chỉ ưa ăn toàn món Bắc, riết rồi tôi nấu món Bắc cũng thạo như món Huế.
Bà xuống bếp, lát sau bưng ra một khay trên có ba tô bún bốc hơi nghi ngút, những sợi bún trắng tươi được đặt vào trong những cai tô màu xanh lục có vân như ngọc thạch, rau xà lát thái nhỏ xếp ở đáy tô, trên mặt bún phủ kín những lớp thịt gà xé phay, tôm chà bông, giò lụa thái chỉ, trứng chiên cũng thái chỉ, tất cả được trình bày theo hình rẻ quạt mà trung tâm điểm là một miếng trứng muối và nhúm rau răm thái nhỏ. Màu xanh của rau làm nổi bật các màu trắng, vàng, đỏ của thịt gà, trứng chiên, tôm và giò lụa, chìm dưới lớp nước dùng màu hổ phách trông thật là ngon mắt.
Đặt tất cả xuống bàn cùng với ba chén nhỏ đựng mắm tôm có điểm vài khoanh ớt xanh, và một lọ cà cuống, bà dục mọi người ăn ngay kẻo hết nóng. Sơn so đũa cho cả ba người với một vẻ hài lòng rõ rệt:
- Ăn đi khắc biết, không ai nấu ăn ngon bằng mẹ em.
- Ăn đi khắc biết, không ai nấu ăn ngon bằng mẹ em.
Bà cười, nhưng mắt thoáng vương những tia buồn:
- Nhà đơn chiếc chỉ có hai mạ con. Ban ngày phải đi làm, buổi tối mạ con mới gặp mặt, nếu không có hắn, nhà rất buồn. Sơn biết ý tôi, nên ít khi vắng nhà lúc ban đêm.
Tôi húp một muỗng nước súp ngọt lịm, ngập ngừng hỏi:
- Vậy còn bác trai đâu?
- Ông nhà tôi mất lâu rồi, trong một tai nạn nghề nghiệp, từ khi Sơn mới lên hai tuổi. Dạo đó ông làm nghề thầu xây cất.
- Thật không may! Tôi nói.
- Đúng vậy, thật chẳng may tí nào. Dạo đó tôi bị khủng hoảng mất một thời gian, phải lâu lắm mới nguôi được. May nhờ có Sơn, hai mẹ con hủ hỉ cũng đỡ buồn.
Sơn đột ngột xen vào:
- Thôi đừng nói chuyện đó nữa buồn lắm, nói cái gì vui vui đi! Anh Nam ăn có ngon không?
- Ngon tuyệt!
Tôi khen thật tình, và khi bà hỏi có muốn ăn thêm tô nữa, tôi không khách sáo, gật đầu ngay. Khi bà đem thêm thức ăn ra cho Sơn và tôi, tôi nói:
- Như thế này chả trách Sơn không bao giờ đi ăn tiệm.
- Đúng vậy! Sơn nói, em sợ mẹ em buồn đã đành mà thật ra em cũng rất thích những món ăn mẹ nấu.
- Cậu thiệt có phước mới được mẹ chăm sóc cho chu đáo như vầy.
- Như thế này chả trách Sơn không bao giờ đi ăn tiệm.
- Đúng vậy! Sơn nói, em sợ mẹ em buồn đã đành mà thật ra em cũng rất thích những món ăn mẹ nấu.
- Cậu thiệt có phước mới được mẹ chăm sóc cho chu đáo như vầy.
Bà cười thật tươi, mặt thoáng nét cảm động:
- Chỉ sợ sau này Sơn có vợ, hắn không chịu để tôi nấu ăn cho như bây chừ.
- Không đâu mẹ, con sẽ bắt vợ con phải ở với mẹ để học nấu ăn.
- Rứa, có cậu Nam làm chứng hỉ? kẻo mai mốt hắn lại đổi ý.
- Bà đừng lo. Tôi nói, Sơn không dại đâu.
Cả ba cùng cười xoà. Bà quay sang tôi hỏi:
- Ngày thường cậu ăn uống ra răng?
- Tôi tiện đâu ăn đấy và cũng chẳng có giờ giấc chi hết.
- Ăn như rứa không tốt cho sức khoẻ đâu. Nếu cậu không thích cơm hàng cháo chợ thì cứ ghé đây ăn chung với Sơn cho có bạn.
- Cám ơn bà đã cho phép, nhưng tôi không dám đâu, phiền bà quá.
- Có chi mô mà phiền, cậu là bạn của Sơn thì cũng như người nhà, đừng khách sáo như rứa.
Từ đó, thỉnh thoảng tôi hay ghé nhà Sơn, không phải vì muốn ăn ngon, mà vì tôi thích cái không khí ấm cúng của gia đình nọ, tình mẹ con của họ làm tôi cảm động. Tôi rất thích ngồi yên, nghe bà nói chuyện, giọng bà trong trẻo, nồng ấm, có sức thu hút lạ kỳ. Cả người lẫn giọng nói của bà đều toát ra một vẻ gì rất Huế, rất quyến rũ.
Lần nào đến,bà cũng vui vẻ tiếp đãi. Bà thường hỏi tôi về học hành, thi cử, về gia đình của tôi còn ở Việt Nam, về mối tình đầu dang dở, đôi khi bà còn hỏi cả những sở thích của tôi nữa. Ngược lại, tôi cũng được biết tên bà là Công Huyền Tôn Nữ Mai An, con của một gia đình vọng tộc ở Huế. Bà Mai An làm assembler cho một hãng điện tử để nuôi Sơn ăn học. Bà mong muốn sau này Sơn sẽ là một kỹ sư giỏi trong nghành điện toán.
* * *
Thời gian qua thấm thoát đã đuợc hai năm, giáng sinh năm đó, để kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày thành lập công ty, hãng của bà tổ chức một buổi dạ tiệc thật lớn cho nhân viên và gia đình của họ. Sơn mới có bạn gái, hôm đó lại được gia đình bạn gái mời đến nhà ăn cơm, nên khẩn khoản nhờ tôi đưa mẹ hắn đi dùm, tôi nhận lời ngay.
Tối hôm đó, bà Mai An trang điểm kỹ lưỡng và diện khác hẳn ngày thường, Trông bà thật lộng lẫy trong áo dạ hội màu đen lấp lánh kim tuyến, dài đến gót chân, may bó sát người, có một đường xẻ cao trên đầu gối, để lộ cặp chân thon dài tuyệt đẹp. Mái tóc thường ngày buông thả chấm vai, được bà đến tiệm uốn chải, bới cao lên và cài một cái trâm có gắn những mặt đá lấp lánh phản chiếu ánh đèn màu. Bà đeo bông tai và dây chuyền vàng có mặt hình quả tim bằng ngọc màu xanh nổi bật trên cái cổ cao và bộ ngực no tròn. Chưa bao giờ tôi thấy bà đẹp như hôm đó, trông bà như trẻ ra cả chục tuổi. Mỗi khi bà đi ngang, mọi người đều quay đầu nhìn với cặp mắt chiêm ngưỡng. Tôi đi bên bà với một vẻ hãnh diện và rất sung sướng thấy bà từ chối tất cả mọi lời mời khiêu vũ. Tuy nhiên vào cuối buổi tiệc, tôi hơi bực mình khi thấy bà nói chuyện quá lâu với một ông đứng tuổi người Mỹ, ăn mặc rất lịch sự. Hai người bàn tán sôi nổi về một vấn đề thời sự, ngồi nghe họ tranh luận, tôi cảm thấy mình thừa thãi hết sức, thế là tôi đâm giận, đứng dậy bỏ đi tới một góc tối, ngồi uống rượu một mình. Tan tiệc, tôi đưa bà về, im lặng không nói một lời. Vừa ngồi vào xe, bà đưa mắt nhìn tôi quan sát một lúc rồi mới hỏi nhỏ:
- Cậu Nam đang giận tôi đó hỉ?
- Tại sao lại giận bà?
- Vì tôi đã để cậu phải bỏ đi uống rượu một mình.
- Cậu Nam đang giận tôi đó hỉ?
- Tại sao lại giận bà?
- Vì tôi đã để cậu phải bỏ đi uống rượu một mình.
Tôi không trả lời, vì thật sự tôi cũng không biết phải trả lời như thế nào nữa. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của tôi, bà Mai An bỗng bật lên cười xoà:
- Thôi đừng giận nữa, mô phải như cậu nghĩ đâu, ông ta là người bảo trợ gia đình tôi khi xưa. Hai ông bà đều rất tốt và cũng chính họ đã đưa tôi vô làm ở cái hãng điện tử ni. Bà vợ ông ta bây chừ là xếp của tôi đó.
Tôi thở phào một tiếng sung sướng như vừa trút khỏi gánh nặng, nhưng đồng thời cũng giật mình tự hỏi có phải tôi đã ghen chăng? có yêu thì mới ghen. Trời ơi! có thể nào như thế được không? nhưng tôi đã yêu bà ta hồi nào? có lẽ phải hỏi lại lòng mình đã.
Đêm đó tôi ra về mà lòng bối rối hết sức, trong trí cứ vẩn vơ cả chục câu hỏi. Từ hôm đó, tôi cố tránh mặt Sơn và cũng không đến nhà hắn nữa. Nhưng chỉ được vài tháng, vài tháng mà tôi có cảm tưởng lâu như một thế kỷ, tôi thấy khổ sở ghê lắm. Sau cùng, không thể chịu đựng lâu hơn, một buổi tối, tôi lại tìm đến nhà Sơn. Không thấy xe hắn đậu trước cửa, tôi biết Sơn đi vắng nhưng vẫn cứ vào. Bà Mai An ra mở cửa cho tôi, dạo này bà hơi gầy đi, vẻ mặt xanh xao, và đôi mắt trong suốt mang một vẻ buồn não nùng.
- Đã lâu quá răng không thấy cậu tới chơi? Bà hỏi.
- Tôi bận chút việc. Tôi nói dối, Sơn không có nhà à?
- Hắn đi chơi rồi. Từ dạo có bạn gái, Sơn ít ăn cơm nhà, tuy vậy ngày nào tôi cũng để phần.
Nói xong, bà chỉ mâm cơm còn nguyên, trên úp cái lồng bàn. Tôi hỏi:
- Sơn có nói là bao giờ về không?
- Hắn không nói chi cả, nhưng nếu hắn về trễ là hắn đã đi ăn với bạn gái rồi đó. Thôi không đợi nữa, nếu cậu chưa ăn thì ở lại dùng bữa với tôi. À khoan, để tôi đi hâm nóng đồ ăn đã.
Nói xong, không đợi cho tôi kịp nhận lời hay từ chối, bà vội vã đi xuống bếp. Chỉ một lúc sau đã bưng ra nào canh chua cá bông lau, đậu hoà lan xào thịt bò, một đĩa tôm càng kho đỏ ối màu gạch tôm, trên mặt có những khoanh hành, ớt, mỡ xắt hạt lựu, và một thố cơm nóng bốc hơi nghi nghút.
Trong khi bà đi tới, đi lui, tôi tha hồ nhìn ngắm, vẫn cái dáng mảnh mai quí phái, người bà toát ra một vẻ tươi mát ưa nhìn. Hôm nay bà không trang điểm gì cả, mái tóc để tự nhiên xoã xuống vai, ôm lấy khuôn mặt trái soan xinh đẹp, chiếc áo hở cổ màu mỡ gà làm tôn nước da trắng mịn, bếp lửa làm hai má bà đỏ hồng. Bà bắt đầu so đũa, tôi nhìn mê mẩn hai bàn tay búp măng với những ngón thuôn dài, móng sơn màu hạnh đào. Bất chợt, một giọng nói dịu dàng vang lên ngay bên tai:
- Thức ăn sắp nguội cả rồi nì, ăn đi chứ? Nhìn gì mà nhìn dữ rứa? làm người ta nhột muốn chết, dị quá…
Tôi đỏ mặt mắc cở, thì ra nãy giờ tôi mải ngắm bà mà không để ý là bà cũng đang quan sát tôi. Tôi buột miệng khen:
- Bà có đôi bàn tay đẹp quá, bàn tay này mà chơi dương cầm thì thật tuyệt!
- Đó là ước mơ của tôi từ lúc còn trẻ, nhưng không có điều kiện. Còn cậu, răng mà cậu hỏi tôi như rứa? cậu có biết chi về âm nhạc không hỉ?
Tôi mỉm cười nhũn nhặn, cố che dấu niềm hãnh diện:
- Tôi đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc, môn dương cầm.
- Chúa ơi! Bà kêu lên kinh ngạc, rứa mà quen cậu bấy lâu tôi vẫn không biết chi hết. Bây chừ cậu còn chơi đàn không?
Tôi lắc đầu, buồn bã:
- Không có thì giờ, tôi phải lo học và lo kiếm sống.
Bà Mai An thở dài:
- Sinh kế làm người ta bận rộn, mô có thì giờ cho những thú thanh cao.
Ngập ngừng một lúc, bà mới thố lộ:
- Có lẽ tôi cũng sắp thôi không làm assembler nữa.
- Sao thế?
- Nghề này không khá, nó biến người ta thành một cái máy, làm hoài chán lắm. Vả lại tôi cũng muốn có cơ hội vươn lên...
Bà nhìn vào khoảng không một lúc, rồi mới chậm rãi nói tiếp:
- Sơn lớn rồi, hắn sắp tốt nghiệp và sẽ có gia đình riêng, hắn không cần tới tôi nữa…
Bà nói nửa chừng rồi im lặng. Tôi cũng im lặng, nhưng trong lòng hồi hộp lắm. Đợi một lúc cho tim bớt đập, tôi mới thu hết can đảm, ngập ngừng ngỏ lời:
- Bà sẽ không cô đơn đâu, tôi sẽ thay Sơn lo cho bà, được không?
Tôi thấy rõ ràng bà hơi giật mình, nhưng rồi trấn tĩnh được ngay, bà chớp mắt có vẻ cảm động rồi mới dịu dàng nói:
- Cũng chưa vội chi. Hè này cả cậu và Sơn cùng tốt nghiệp phải không? Hãy đợi lo cho Sơn xong đã.
Phải chăng đó là một lời hứa hẹn? Tôi ra về lòng lâng lâng, sung sướng. Thế rồi mùa hè năm đó, cả Sơn và tôi đều tốt nghiệp với hạng danh dự. Ngay tháng sau, Sơn đã tìm được việc làm ở một nơi khá xa, vì vậy hắn phải dọn nhà ra riêng. Còn tôi, mãi ba tháng sau mới kiếm được việc làm, nhưng may mắn lại được gần nhà. Lúc bây giờ, bà Mai An mới nói:
- Mọi việc xong xuôi tốt đẹp cả rồi, tôi có thể an tâm về phần Sơn. Bây chừ tôi phải lo cho tôi, tôi muốn trở lại nghề dạy học của tôi khi xưa.
Tôi gật đầu:
- Tốt lắm, nên tìm một cơ hội để tiến thân.
- Tôi muốn học lớp đêm vì ban ngày còn phải đi làm. Chừng nào học xong, tôi mới thôi làm assembler, vì tôi không muốn là gánh nặng cho Sơn, hắn còn phải lo chuyện vợ con.
- Để tôi sẽ ghi tên lớp đêm cho bà.
- Ừ, mà cậu có học thêm không? cho vui…
- Để tôi tính lại.
Tôi về suy nghĩ, có thể cũng là một ý kiến hay, tôi cũng muôn học thêm để sau này sẽ trở thành một computer programmer. Nhưng tự sâu trong đáy tim, tôi hiểu nguyên động lực chính là tôi muốn có nhiều thì giờ ở bên bà. Vì vậy nên mấy hôm sau tới chơi, tôi vui vẻ nói:
- Đi học buổi tối cũng không ảnh hưởng đến việc làm. Tôi cũng sẽ tới trường cùng với bà.
- Rứa hỉ? Bà reo lên mừng rỡ, rứa thì tốt quá, nếu cậu không phiền thì cho tôi quá giang, tôi ngại lái xe ban đêm.
- Có chi mà phiền? đàng nào cũng tiện đường, để tôi sẽ ghé qua đón bà.
Tôi không dám nói rằng được đưa đón bà là một hân hạnh cho tôi, rằng tôi rất sung sướng được gặp bà mỗi đêm…Khỏi phải tả tôi đã hạnh phúc như thế nào trong thời gian đó.
Nhưng rồi một biến cố xảy ra làm tôi tiêu tan hy vọng. Số là trong lớp tôi, có một ông giáo sư người Việt đã chú ý đến bà. Ông Mạnh tướng người cao lớn và rất đẹp trai, ông goá vợ nhưng không con. Mặc dù tuổi đã năm mươi, hơn bà Mai An chừng năm, sáu tuổi, nhưng trông vẫn khẻ mạnh, tráng kiện. Mái tóc hoa dâm và đôi kính trắng tạo cho ông một vẻ đạo mạo, đứng đắn và rất trí thức. Ông thường say mê đứng ngắm bà Mai An rất lâu trước khi vô lớp. Bà Mai An coi bộ cũng có cảm tình với ông ta, nên dạo này đi học mà bà cũng trang điểm đẹp lắm. Lúc nào gặp ông, bà cũng cười thật tươi và đã nhiều lần tôi bắt gặp hai người đang chuyện trò thân mật. Tôi tức lắm, một hôm không dằn được, tôi hậm hực hỏi:
- Bà thấy ông Mạnh được đấy chứ?
- Răng? cậu muốn nói ông giáo sư của cậu à?
- Chứ còn ai nữa? ông ta đang để ý tới bà đó.
- Kệ ông nớ, can chi tới tôi?
- Thôi đi đừng có vờ! Tôi bỗng dưng nổi nóng và lớn tiếng, bà biết thừa là ông ta đang si mê bà…
- Thì đã sao?
- Đã sao? Tôi mỉa mai, tôi thấy ông ta với bà xứng đôi lắm, chẳng gì người ta cũng là giáo sư đại học.
- Răng cứ nói vô cho ông nớ hoài? Cậu đang làm mai tôi cho ông ta đó hỉ? ai khiến?
- Cần gì khiến? Tôi gằn giọng, tôi vẫn thấy hai người trò chuyện thân mật với nhau hoài, đừng chối!
- Tôi chối hồi nào? mà can chi phải chối? Cậu mô có quyền hạch hỏi tôi.
Tôi đờ người, cảm thấy bị xúc phạm tới cùng cực, tôi nuốt nước miếng hai, ba lần mới trôi được cục nghẹn:
- Phải, bà nói đúng, tôi không là cái gì của bà hết, chẳng qua chỉ là một đứa ngu ngốc, một tên trẻ người non dạ, một người bạn của con bà… Tôi xin lỗi, tôi đã đi quá đà rồi.
Nói xong, tôi đứng dậy, đi thẳng ra cửa, không thèm ngoái nhìn bà lúc đó cũng đang giận dữ. Hình ảnh cuối cùng mà tôi trông thấy là đôi mắt mở to, ngập đầy lệ. Tôi bỏ học, đi luôn không trở lại. Hai tuần sau, tôi nhận được lời nhắn tin của bà để lại trong điện thoại:
- Tôi không cố ý đâu, Nam đừng giận. Trở lại trường đi! đừng bỏ học, uổng lắm.
Tôi chua chát nghĩ thầm, làm sao tôi có can đảm trở lại trường để nhìn bà sắp thuộc về người khác? Bỏ học không tiếc, xa bà mới khổ, hai tuần nay tôi không ăn ngủ gì được, người gầy xút đi. Tôi đâm sợ những ngày tháng sắp tới, làm sao chịu đựng nổi? Song nghĩ cho kỹ, tôi thấy tôi là người cần phải rút lui, ông ta có điều kiện hơn tôi, có thể bảo đảm cho bà một cuộc sống sung túc. Còn tôi, một tên nghèo xơ nghèo xác, đã thế còn một gánh nặng gia đình còn ở Việt Nam, làm sao tôi có thể lo cho bà một cuộc sống đầy đủ như người ta? Tốt hơn hết tôi cần phải hy sinh để người yêu của tôi yên tâm đi lấy chồng, cái số của tôi có lẽ phải sống độc thân suốt đời. Tôi cắn răng, làm ngơ không trả lời điện thoại, và một tháng sau đó, tôi rời nhà đi nơi khác.
* * *
Bẵng đi một thời gian dài, một hôm tôi gặp Sơn đang lang thang trên hè phố Bolsa. Thấy tôi, Sơn mừng rỡ chạy ngay lại, thăm hỏi tíu tít:
- Dạo này anh đang ở đâu? công việc làm ăn ra sao? Lâu quá không thấy anh tới chơi?
- Dạo này anh đang ở đâu? công việc làm ăn ra sao? Lâu quá không thấy anh tới chơi?
Tôi nói bãi buôi:
- Việc làm thì cũng tàm tạm thôi, còn tới chơi, cậu có còn ở đó đâu mà tới?
- Mẹ em vẫn nhắc đến anh luôn, bà đi dạy gần được một năm rồi đó.
- Vậy à? Chóng thật, mới đây mà đã bốn năm…
Ngập ngừng một lúc, tôi cố lấy giọng thản nhiên hỏi tiếp:
- Mẹ cậu đã lập gia đình rồi, phải không?
- Cái gì? Sơn tròn mắt hỏi, anh nói gì em không hiểu? mẹ em lập gia đình với ai?
Tôi chưng hửng:
- Uả, không phải bà ấy đã thành hôn với ông giáo sư Mạnh hay sao? Dạo đó thấy hai người thân nhau, tôi cứ tưởng…
- Em không biết gì cả. Sơn thở ra, anh biết mẹ em goá chồng từ thuở còn trẻ, lại có nhan sắc, nên thiếu gì đàn ông theo đuổi, nhưng bà không chú ý đến ai hết.
Tôi đứng im, cố che dấu xúc động trước những khám phá bất ngờ, tim tôi bắt đầu đập mạnh, máu chảy nhanh trong huyết quản, người tôi nóng bừng lên như vừa mới uống rượu. Tôi hỏi Sơn:
- Hôm nay sao cậu lại ở đây?
- Em nghỉ vacation hai tuần, về thăm mẹ, luôn tiện thu xếp nhà cửa, đón mẹ em lên Fresno ở với hai vợ chồng em.
- Thế ra cậu đã cưới vợ rồi à?
- Bọn em đã có một cháu trai mới được ba tháng. Sơn gật đầu, hơi có vẻ bẽn lẽn.
Tôi vỗ vai hắn, cười lớn:
- Mừng cậu! thảo nào mà mẹ cậu chẳng lên với cháu. Thế nhưng còn công việc đi dạy của bà ấy ra sao?
- Xin chuyển trường cũng dễ thôi.
Tôi hỏi Sơn số điện thoại và địa chỉ của nhà hắn, rồi giã từ sau khi hẹn:
- Thế nào tôi cũng tới chơi, cho tôi gởi lời thăm mẹ cậu.
Rời Sơn, tôi bước đi những bước nhẹ tênh trên hè phố, người như bay bổng. Lòng rộn ràng một niềm vui khó tả, tôi thấy buổi chiều hôm nay sao đẹp quá, nắng bỗng rực rỡ như dát vàng lên cảnh vật, và những tiếng kèn xe như những tiếng nhạc reo vui, vì lòng tôi cũng đang rộn rã reo vui. Tôi nghĩ đến chương trình cho ngày mai…
Việc đầu tiên cuả tôi là tìm đến ông Mạnh. Ông tiếp tôi với một vẻ thân tình, khong dài dòng, tôi vào đề ngay:
- Tôi tưởng giáo sư đã cưới bà Mai An từ dạo đó?
- Tôi cũng tưởng thế… Ông ta thở dài, nhưng khi tôi ngỏ lời thì bị từ chối, bà ta nói rằng tôi tới trễ rồi vì trong tim bà đã có hình bóng người khác.
Tim đập tuởng như vỡ lồng ngực, tôi giật mình, ngồi thẳng người lên:
- Thiệt à? có thiệt là bà ta đã nói vậy không?
- Ai dám bịa ra một chuyện quan trọng như thế? Bà ta còn nói thêm rằng vì anh ta nhút nhát chưa dám ngỏ lời, nên bà vẫn đợi.
Tới đây thì tôi không còn giữ bình tĩnh được nữa, tôi chồm tới, đưa cả hai tay ra nắm lấy tay ông ta:
- Cám ơn giáo sư đã cho tôi rõ sự thực. Trời ơi! vậy mà tôi hồ đồ quá, tôi cứ tưởng… nên đã bỏ lỡ cơ hội mất rồi.
- Thì ra cậu là anh chàng nhút nhát đó, tôi cũng đoán thế. Ông ta cười hà hà, bây giờ mới chịu thú nhận... Cậu ác quá, để người ta phải chờ đợi lâu đến thế?
- Lỗi tại tôi tất cả, tôi sẽ chuộc tội và sẽ đền bù cho bà ấy. Hy vọng chưa đến nỗi muộn.
- Chúc cậu may mắn.
- Cám ơn giáo sư.
Nói xong, tôi đứng dậy xin từ giã. Ông ta xiết tay tôi thật chặt:
- Nhanh lên nhé kẻo lỡ mất chuyến đò. Mong sớm nhận được thiệp mời đi dự đám cưới của hai người.
- Tôi cũng chỉ mong có thế, và giáo sư sẽ là người khách danh dự đầu tiên.
Tôi ra về, lòng thơ thới, hân hoan. Đêm hôm đó tôi mơ thấy bao nhiêu mộng đẹp.
* * *
Nhưng cái ngày tôi mong đợi đó không bao giờ tới cả. Ngay sau khi rời nhà ông giáo sư Mạnh, tôi nhận được điện tín báo tin cha tôi đau nặng và tôi phải về nhà gấp. Mặc dù nhà thương và các bác sĩ đã tận tâm chữa trị, nhưng cha tôi vẫn không qua khỏi, ông từ trần ba tuần sau đó. Tang ma cho cha và thu xếp việc nhà xong xuôi, tôi trở qua Mỹ, tìm đến Fresno thăm gia đình Sơn, và tôi đã gặp bà Mai An tại đó.
Cả hai chúng tôi cùng rất xúc động khi gặp lại nhau. Bà Mai An lúc này coi khác trước nhiều, đôi mắt trong suốt khi xưa bây giờ trông mệt mỏi và rất buồn, tóc bà đã loáng thoáng những sợi bạc, nhưng bà vẫn đẹp. Còn tôi, tóc muối tiêu, tuổi đời đã bốn mươi ba, trẻ trung gì nữa? Những tháng ngày vất vả đầy lo âu phiền muộn, làm tôi già trước tuổi, những nếp nhăn đã thấy xuất hiện nơi khoé mắt. Hai cố nhân nhìn nhau mừng tủi. Hôm nay đón tôi, bà Mai An trang điểm thật đẹp và mặc cái áo dài mới màu tím Huế là màu tôi vẫn thích. Tôi đem cho bà một bông hồng nhung màu đỏ thật tươi, tự tay cắm vào bình bông lúc nào cũng chỉ có một đoá hồng đơn lẻ của bà. Xong xuôi, tôi nhìn bà mỉm cười:
- Bà thấy không? một bông coi đơn chiếc quá, phải hai bông mới đẹp.
- Bà thấy không? một bông coi đơn chiếc quá, phải hai bông mới đẹp.
Bà im lặng ngắm nghía một lúc rồi mới trầm ngâm nói:
- Nhưng cậu không thấy sự tương phản à? bông của cậu tươi tắn đẹp đẽ quá, còn bông kia héo úa, sắp tàn rồi.
Tôi vẫn vô tình, vui vẻ nói đùa:
- Nếu thế lần sau tôi sẽ đem hai bông vậy, phải hai bông cho có đôi.
Bà Mai An không nói gì cả, chỉ mỉm cười nhưng đôi mắt ướt rượt, tôi nhìn bà đắm đuối. Hàn huyên tâm sự một hồi, tôi kể cho bà nghe hết mọi chuyện và kết luận:
- Tôi đã đem lòng yêu trộm nhớ thầm bà từ dạo ấy, nhưng lại bỏ đi… Tất cả chỉ vì một sự hiểu lầm, chúng ta đã lãng phí mất bao nhiêu thì giờ. Bẩy năm qua là một thời gian dài để thử thách, tôi đã xét lại lòng mình, tôi thấy không thể sống thiếu bà được. Chúng ta làm đám cưới nhé?
Bà cúi đầu, tay vân vê tà áo, dáng điệu e ấp như một thiếu nữ mới lớn, trông đáng yêu chi lạ. Tôi mạnh dạn kéo bà lại gần, để cho đầu bà dựa vào ngực tôi, xong tôi bắt đầu nói, tôi nói miên man về những dự tính trong tương lai:
- Bao nhiêu năm dành dụm, tôi đã có một số vốn, chúng ta sẽ mua một căn nhà nhỏ ở trên đồi, trồng thật nhiều hoa. Tôi sẽ xây cho bà một hòn non bộ có đủ cả sơn thuỷ, bắt chước phong cảnh sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, cho bà gợi tưởng về xứ Huế. Tôi cũng sẽ mua một cây đàn dương cầm. Buổi tối sau bữa cơm chiều, chúng ta cùng ngắm trăng lên qua cửa sổ, tôi sẽ đàn cho bà nghe những bản tình ca tuyệt vời trong khi gió lùa vào phòng đem theo mùi dạ lý thơm ngát ngoài vườn. Bà sẽ học đàn nếu bà muốn, chúng ta cùng thực hiện những giấc mơ xưa…
Mùa xuân, tôi sẽ đưa bà về quê hương, thăm miền An Cựu nơi bà chào đời, và thăm miền Đồng Nai đất đỏ, nơi tôi sinh trưởng. Chúng ta sẽ ăn Tết ở quê nhà, để nghe tiếng pháo giao thừa, để ngắm mai, ngắm đào, ngắm thiên hạ đi du xuân.
Mùa hè, khi hoa hồng, hoa tường vi, hoa lavender nở rộ, tôi sẽ đưa bà đi công viên hóng mát, nghe chim hót, nghe tiếng nước róc rách, và xem nhũng con thiên nga bơi lội trong hồ.
Mùa thu, chúng ta sẽ cùng nhau đi dạo trong những cánh rừng ngập lá, ngắm mây bay, nghe gió reo và nhìn lá thu rơi.
Mùa đông, bà đan áo lạnh, chúng ta ngồi bên lò sưởi ngắm những bông tuyết trắng bay lượn như những cánh bướm ngoài trời. Quanh năm bốn mùa chúng ta sống sung sướng bên nhau, đời đẹp quá phải không bà? Chúng ta tuy nghèo, nhưng là một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất.
Trong khi tôi say sưa nói, bà Mai An yên lặng lắng nghe, nét mặt mơ màng, đôi môi xinh đẹp thỉnh thoảng hé cười. Khi tôi dứt lời, bà khẽ thở dài, nhắm mắt lại, lúc mở mắt ra, mắt bà ngập đầy lệ và bà bắt đầu thổn thức khóc. Tôi cúi xuống nhẹ nhàng hôn lên mái tóc đã điểm bạc của bà. Trong tay tôi, bà vẫn lặng lẽ khóc, tôi im lặng, nghe lòng xao xuyến khi nước mắt bà thấm ướt ngực áo. Chờ cho bà qua cơn xúc động, tôi mới dịu dàng dỗ dành:
- Bà cứ khóc đi, cứ trách hờn đi, cho vơi bớt buồn tủi, nhưng chỉ một lần này thôi nhé? Tôi hứa trong suốt quãng đời còn lại, tôi sẽ không bao giờ để cho bà phải rơi nước mắt nữa đâu.
- Bà cứ khóc đi, cứ trách hờn đi, cho vơi bớt buồn tủi, nhưng chỉ một lần này thôi nhé? Tôi hứa trong suốt quãng đời còn lại, tôi sẽ không bao giờ để cho bà phải rơi nước mắt nữa đâu.
Bà Mai An khẽ lắc đầu, nói nhỏ gần như thì thầm:
- Viễn ảnh tương lai cậu vẽ ra đẹp quá. Nhưng... chỉ là giấc mơ thôi, vì đã trễ rồi, Nam ạ, chúng ta không thể thành vợ chồng được mô, và cuộc đời của tôi sẽ không bao giờ vơi nước mắt.
Tim tôi nhói lên, tôi bàng hoàng tưởng mình nghe lầm:
- Bà nói sao? có phải bà cho rằng tôi yêu bà chưa đủ? Hay là giữa chúng ta chỉ có tình một chiều? vì bà chưa bao giờ yêu tôi?
- Mô phải vậy, Nam lại hiểu lầm nữa rồi. Nam biết không? phải xa Nam, tôi cũng đau khổ lắm chứ, răng Nam không thấy tôi khô héo đi hỉ?
- Vậy thì còn chuyện gì nữa? bà nói mau đi, tôi sắp hóa điên lên mất.
- Khó lắm, tôi có nói cậu cũng không chịu hiểu đâu, thôi cứ để thời gian trả lời.
Bà ngưng lại, nhìn tôi đăm đăm như muốn thâu hình tôi vào cặp mắt thu buồn vời vợi, rồi buông một câu dứt khoát:
- Bây chừ cậu nên về đi!
- Tôi nhất định không về nếu bà không trả lời rõ ràng.
- Cậu đừng làm tôi khó xử. Tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, giữa hai chúng ta không thể đi đến hôn nhân được. Hãy quên tôi đi!
Tôi ôm đầu khổ sở:
- Tôi đã cố gắng suốt bảy năm trời, nhưng không thể được.
Bà Mai An nở một nụ cười héo hon:
- Tôi có đáng chi mô? Cậu còn trẻ, tương lai còn dài, còn tôi chỉ là một goá phụ tuổi đã về chiều, không xứng với cậu mô. Có chi mà lưu luyến?
- Bà nói như người chưa biết yêu bao giờ.
- Cậu tưởng thế đấy chứ, tôi cũng phải khổ sở lắm mới tranh đấu được với chính bản thân mình. Tôi đã phải cố gắng, như cậu sẽ phải cố gắng.
Tôi nhìn bà như van lơn:
- Tại sao chúng ta cứ làm khổ nhau mãi? Có phải bà vẫn không chịu tha thứ cho tôi?
- Nam có lỗi chi mô, chỉ tại tôi bạc phước, tôi mô có muốn như rứa, nhưng ông trời bắt buộc. Thôi, kiếp này không xum họp, chúng ta đợi kiếp sau vậy.
Tôi rùng mình, một cảm giác ớn lạnh chạy dài suốt sống lưng, tôi nhìn bà lo lắng:
- Bà nói gì nghe sợ quá, như người đang trăn trối vậy.
- Thì cứ cho là rứa đi. Tôi đang vĩnh biệt Nam đây, tôi sắp đi xa, xa lắm, tới một nơi mà Nam không thể theo được.
Tôi run lên, linh tính như báo cho biết trước một việc chẳng lành sắp xảy ra, nhưng không biết là việc gì. Tôi nói giọng xúc động:
- Tôi sẽ giữ mãi trong tim hình ảnh của bà.
- Tôi cũng rứa. Dù ở nơi mô, tôi vẫn mang theo hình ảnh của Nam. Thôi, chúng ta chia tay hỉ? Nam về đi, đừng bao giờ cho tôi gặp lại nữa. Sắp đi xa, tôi muốn tâm tư được thanh thản, không vướng bận chi cả.
Đó là những lời cuối cùng của bà Mai An nói với tôi, vì sau đó bà lánh mặt, nhất định không cho tôi gặp nữa.
Tám tháng sau, Sơn đến tìm tôi, báo tin mẹ hắn đã qua đời vì bệnh ung thư phổi. Sơn trao cho tôi lá thơ tuyệt mệnh của bà Mai An:
- Mẹ em dặn chỉ trao cho anh sau khi bà qua đời.
Lòng đau như cắt, tôi hỏi:
- Mẹ cậu bị ung thư từ bao giờ? Sao hồi gặp tôi ở Bolsa, cậu không nói?
Sơn lắc đầu, buồn bã:
- Em cũng không biết gì cả. Dạo đó mẹ em vẫn khoẻ, dọn nhà lên Fresno ít lâu, mới thấy bà hơi húng hắng ho, và thỉnh thoảng kêu đau ngực. Cũng không ai để ý, cứ tưởng chỉ cảm cúm sơ sài, vì đang là mùa đông mà, cho tới một hôm mẹ em kêu khó thở, phải chở đi bệnh viện. Tại đây người ta khám phá ra rằng mẹ em có một khối u nơi phổi. Các bác sĩ khuyên bà nên đi giải phẫu ngay, nhưng bà cứ nấn ná đợi gặp anh lần chót, rồi mới chịu đi chữa bệnh.
Tôi giật mình, đó là thời gian tôi về Việt Nam lo cho cha tôi, rồi cứ bận hết chuyện nọ đến chuyện kia, nên trì hoãn việc đi thăm bà. Thương cảm quá, tôi ứa nước mắt, nghe tim buốt nhói như có cả ngàn mũi tên đâm vào. Tôi cố trấn tĩnh một lúc, rồi mới run tay mở phong bì, một lá thư rơi ra, những dòng chữ mềm mại, quen thuộc của bà làm tôi hiện ra làm tôi xúc động rơi nước mắt. Thư viết bằng mực tím, không đề ngày tháng:
“ Nam yêu dấu
Công Huyền Tôn Nữ Mai An”
Nước mắt tôi rơi lã chã, làm nhoè những nét chữ của người yêu. Tôi ấp lá thư vào ngực thì thầm:
- Hãy ngủ yên đi em yêu! nợ tình em đã trả xong. Còn tôi, Mai An ơi! làm sao tôi quên em được đây?
( Trích trong tác phẩm CÒN CHỜ MỘT KIẾP SAU của Phương Lan )
No comments:
Post a Comment