Giăng Mắc Ê Rô và Cờ Lờ Mờ Vờ
Bùi Thanh Hiếu
Giăng Mắc Ê Rô ở đây là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của cộng sản Việt Nam, trong chuyến đi chính thức đến Pháp, Nguyễn Tấn Dũng đã gọi nguyên thủ nước Pháp bằng một cách phát âm gây cười cho dư luận. Đài truyền hình của Pháp còn dựng lại chuyện Ba Dũng nhắc đóng rèm cửa khi chói mắt và nhờ kéo lại rèm cửa lúc ngồi với nguyên thủ Pháp, mà Ba Dũng bị đài Pháp và dư luận chế nhạo rất nhiều.
Tuy sở hữu một đống các nhà báo và đông đảo lực lượng truyền thông, nhưng bộ sậu Nguyễn Tấn Dũng đã lặng lẽ làm ngơ trước những chế giễu của dư luận.
Cờ Lờ Mờ Vờ ở đây là ông thủ tướng tiếp theo, Nguyễn Xuân Phúc.
Cờ Lờ Mờ Vờ đi sang Đức theo “suất” gọi sang để các cường quốc hỏi chuyện tổ chức Apec đến đâu. Nghĩa là các cường quốc nhóm họp G20, nhân tiện gọi Cờ Lờ Mờ Vờ sang để xem vụ Apec sắp tới làm ăn, chuẩn bị đã ổn chưa.?
Cờ Lờ Mờ Vờ nắm cơ hội, thổi bùng thành “chuyến đi thăm và làm việc với G20 tại Đức”. Một “chuyên cơ” riêng đến gần 100 người đi theo tháp tùng Cờ Lờ Mờ Vờ và hàng trăm người khác đi các chuyến bay khác nhau đến Đức. Cờ Lờ Mờ Vờ giỏi làm kinh tế, y biết tâm lý nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn đi du lịch Đức. Nên y đã cho tay chân bán visa cho hàng trăm người, có người đi cả gia đình để thu tiền bù đắp cho phái đoàn của y.
Đến nước Đức, Cờ Lờ Mờ Vờ phạm một lỗi ngoại giao còn ngớ ngẩn hơn Giăng Mắc Ê Rô, đó là cầm tờ giấy chương trình quạt phành phạch trong lúc ngồi nghe hoà nhạc cùng với nguyên thủ các nước khác.
Chưa hết khi gặp kiều bào Việt Nam , trước đông đảo mọi người, Cờ Lờ Mờ Vờ đọc thơ của Đỗ Trung Quân rồi khẳng định “ai cũng biết bài đó là của nhà thơ Giang Nam”.
Những phát ngôn và hành động quái gở và sai lệch của Cờ Lờ Mờ Vờ bị dư luận chỉ trích và chế giễu, đây cũng là chuyện bình thường như trước kia Giăng Mắc Ê Rô hay Cu Ba thức ngủ đã từng bị. Thế nhưng Cờ Lờ Mờ Vờ thuộc loại “hậu sinh khả uý”, không dễ dàng bỏ qua. Y lập tức điều động truyền thông và mọi nguồn lực để tấn công lại những lời chỉ trích về thái độ của y ở chuyến đi G20 lần này. Những dư luân viên, bồi bút của Cờ Lờ Mờ Vờ hăng hái vào cuộc cứu nguy cho chủ bằng mọi luận điệu ngô nghê, có kẻ cho rằng hành động quạt trong lúc nghe nhạc giao hưởng ấy là bản chất khoan thai, thư thái của người miền Trung.
Kẻ khác thì lên án nhà thơ Đỗ Trung Quân vì “tội nhắc thủ tướng đọc sai tên” tác giả trên Facebook của mình. Chuyện người khác đọc tác phẩm của mình thành tên của tác giả khác, tác giả chính thức của nó nhắc nhở là chuyện bình thường. Vậy mà Phúc và bộ sậu nổi khùng đến nỗi chửi bới, đe doạ và mạt sát nhà thơ Đỗ Trung Quân vì “tội” ấy. Thậm chí chúng không chủ dừng lại việc đó mà còn bới móc chuyện nhà thơ “quan hệ với thành phần phản động, nhà thơ từng phát biểu chống chế độ ...”
Tờ thoibao.de một tờ báo tiếng Việt tại Đức đưa tin dịch từ báo Đức về những khôi hài của Cờ Lờ Mờ Vờ, lập tức Đoàn Xuân Hưng, đại sứ Việt Nam tại Đức do Trương Tấn Sang bổ nhiệm, đã gọi điện đòi lại “giấy mời báo chí dự các buổi gặp gỡ của thủ tướng với kiều bào”. Cũng như Đỗ Trung Quân, ông tổng biên tập thoibao.de bị báo chí và bọn bồi bút của Cờ Lờ Mờ Vờ gọi là phản động, là có ý đồ phá hoại đất nước. Bất chấp tờ báo này từ khi thành lập đến nay chỉ có nói tin tốt về đất nước, nhưng chỉ một lần động đến Cờ Lờ Mờ Vờ thành tờ báo không tốt.
Nếu ở trong nước cho Đông La một bồi bút của đảng gào thét chửi Đỗ Trung Quân vì dám nhắc Cờ Lờ Mờ Vờ đọc sai tên tác giả, thì bên ngoài ở nước Đức một ông chủ của một tờ báo tiếng Việt khác có lượng đọc thấp đã “tranh thủ” cơ hội lấy lòng Cờ Lờ Mờ Vờ bằng việc lấy bài của báo trong nước đưa lên. Bọn DLV của Cờ Lờ Mờ Vờ lập tức bám vào ông chủ tờ báo ăn trợ cấp thất nghiệp của Đức hàng chục năm nay, chưa bao giờ viết nổi một bài báo, tôn vinh thành một “trí thức yêu nước yêu đảng”.
Nói về trình độ ứng xử và ngoại ngữ khi công du nước ngoài, các nguyên thủ quốc gia Việt Nam xuất thân từ sự thiếu học hoặc học bằng giả dẫn đến nhiều sai sót trầm trọng về nghi thức, nhưng lại tự cao tự đại kiểu như mình có thế nào người ta mới mời mình như Nguyễn Phú Trọng chứa đầy trong các nguyên thủ quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên có những nguyên thủ họ nhận thấy sai sót của mình và chấp nhận để dư luận chỉ trích, không phản bác hoặc quy chụp, trả thù, bôi nhọ như thủ tướng Cờ Lờ Mờ Vờ Nguyễn Xuân Phúc.
Những hành động, bài viết của bộ sậu Nguyễn Xuân Phúc tấn công dư luận, quy chụp, dùng sức mạnh để lấp liếm cái sai của mình, cho thấy chẳng những trình độ kiến thức ngoại giao quốc tế của các “nguyên thủ” Việt Nam CS ngày một thấp đi, mà ngay cả tư cách cũng hèn hạ hơn, nhỏ mọn hơn.
Một kẻ ngu dốt và nhỏ mọn, háo danh nhờ nịnh bợ và phản bội mà được làm “ thủ tướng” như Nguyễn Xuân Phúc thì trông mong được cái gì y kiến tạo cho đất nước. Hàng bao đời thủ tướng cộng sản Việt Nam đều hiểu cơ chế cộng sản này thế nào, không ai dám mạnh mồm vỗ ngực khoe và dùng từ kiến tạo cả, nhưng Phúc thì không ngán gì, vì y cũng biết có lừa dối, khoác lác gấp trăm lần như thế cũng không sao. Chế độ này có cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ đỡ bợ cho lời y, có cả lực lượng công an, cảnh sát khổng lồ đè bẹp những ai phản bác y.
Sự kiến tạo của y chỉ là nhanh chóng bán tháo vốn nhà nước, tức tiền vốn của nhân dân cho nước ngoài, thu tiền cho đảng chi tiêu, song song với việc bóc lột tiền của dân chúng trong nước như tính thu vàng trong nhân dân, dụ dỗ “Việt Kiều” gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng Việt Nam. Lèo lái thời gian hoàn thuế doanh nghiệp, để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của họ...hàng trăm ngàn thủ đoạn moi móc tiền dân trong nước được Phúc nghĩ ra với cái gọi là “kiến tạo”.
Qua sự việc đối xử với dư luận sau chuyến đi đến Đức vừa qua của bộ sậu Nguyễn Xuân Phúc, chẳng những không ngăn được dư luận hiểu tốt hơn cho Phúc, trái lại những việc kích động và xúi bẩy bọn bồi bút mạt hạng tấn công người khác chỉ khiến người dân cho thấy cái đê hèn và nhỏ mọn của “chính phủ kiến tạo” Nguyễn Xuân Phúc. Khiến người ta phải đặt câu hỏi liệu một “chính phủ”, một “thủ tướng” bỏ công để chỉ đạo bọn tay sai đi trả thù những lời đàm tiếu của dân chúng như vậy, liệu có có tâm và tầm để làm được những gì mà xưng là “kiến tạo”.?
Sự “kiến tạo” của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là gì chưa ai rõ, nhưng hãy nhớ rằng sự bắt bớ và bỏ tù, dùng bạo lực trấn áp tự do ngôn luận thời chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khủng khiếp và nặng nề nhất trong vòng hơn mười năm đổ lại đây. Một bản án tù 10 năm dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một bản án không ai tưởng tượng được sự dã man, vô lý như vậy.
Nhờ cài cắm được khá nhiều tay viết thao túng dư luận lề trái, nên những tội ác đàn áp dân chủ, nhân quyền của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dường như không bị kết án như chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Mặc dù số lượng các vụ đàn áp tư do ngôn luận tăng gấp bội và dã man hơn nhiều lần. Nhưng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đứng ngoài vòng dư luận cười hềnh hệch như một kẻ không liên quan gì.
Nói về thủ đoạn đê tiện trước khi kết thúc bài viết, một lần nữa phải nói lại rằng, Giăng Mắc Ê Rô thua xa rất nhiều so với Cờ Lờ Mờ Vờ. Dẫn chứng là những vụ bắt bớ thời Giăng Mắc Ê Rô dư luận đều quy tội cho chính phủ lúc ấy, nhưng với Cờ Lờ Mờ Vờ thì không. Chả thấy ai dám kết tội Cờ Lờ Mờ Vờ, vì không như Giăng Mắc Ê Rô, Cờ Lờ Mờ Vờ sẽ có biện pháp ngay với những ai chỉ trích hắn cũng như có phần thưởng ngay với ai khen ngợi hắn điển hình như hai trường hợp làm báo ở Berlin là Lê Trung Khoa và Lương Đình Cường.
Làm đến chức thủ tướng, thấy những kẻ như Lương Đình Cường, Đông La lên tiếng bênh vực, lẽ ra phải cảm thấy nhục nhã, nhưng Cờ Lờ Mờ Vờ lại coi đó là “niềm tự hào”.
Thật chả còn gì để nói về Cờ Lờ Mờ Vờ và những kẻ nịnh bợ, cờ hoa tung hô bênh vực y.
Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017
Bùi Thanh Hiếu
No comments:
Post a Comment