Thursday, September 29, 2016

Sau mưa, Tân Sơn Nhất hóa thành sông vì sân golf trong phi trường 

27/08/2016, 17:24 GMT+7

Cơn mưa chiều ngày 26/8 làm phi trường Tân Sơn Nhất như biến thành sông, hệ thống cống xả của phi trường dường như chết trân trước sức mạnh của dòng nước từ trên trời rơi xuống. Toàn bộ phi đạo và ngõ vào sân bay chìm trong biển nước, có nhiều nơi ngập sâu hơn 1 mét. Toàn bộ chuyến bay đều bị hoãn, thậm chí máy bay phải bay vòng vòng trên trời và đáp sang các phi trường lân cận để … chờ nước rút (?!!!)

Những hình ảnh phi trường Tân Sơn Nhất chìm trong biển nước được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, một số tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing News, Vnexpress, Vietnamnet… đồng loạt đăng tải. Ấy vậy mà, không hiểu sao trước sự thật rõ mười mươi như thế, một đại diện của phi trường Tân Sơn Nhất lại có thể “tự tin” phủ nhận thông tin sân bay ngập nặng và cho rằng: “Vì thời tiết xấu nên các chuyến bay không thể cất/hạ cánh theo đúng lịch trình chứ khu vực đường băng, đường lăn KHÔNG BỊ NGẬP NẶNG” (?!!!)

Quả thật khi nhìn vào phi trường Tân Sơn Nhất chiều ngày 26/08, chắc vị đại diện này đang “lầm tưởng” rằng đây là một hồ chứa nước, một dòng sông vào mùa nước nổi, chứ ai lại nghĩ đó chính là khu vực đường băng, đường lăn của một phi trường quốc tế sầm uất bậc nhất Việt Nam. Có phải thế không?


Ai “dám” nghĩ đây là phi trường quốc tế sầm uất bậc nhất Việt Nam? Thay vào đó, nhiều người lầm tưởng đây là hồ chứa nước, con sông vào mùa nước nổi.


Điều đáng nói ở đây, tại sao từ năm này sang năm khác, người ta liên tục chi tiền cho các dự án chống ngập sân bay lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng đều không hiệu quả? Phải chăng các dự án đều triển khai theo kiểu chắp vá, chỉ giải quyết phần ngọn chứ không xử lý phần gốc vấn đề? Tình trạng mưa lớn gây ngập phi trường, dẫn đến nguy cơ nổ trạm điện đã được cảnh báo từ nhiều năm trước – từ thời điểm Tập đoàn Him Lam bắt đầu cho tiến hành san ủi đất, lấp “bớt” một số đường cống thoát nước để xây dựng dự án sân golf trong phi trường cùng tổ hợp vui chơi giải trí cho giới thượng lưu trong lòng thành phố.

Có hay chăng chính dự án sân golf trong phi trường của ông Dương Công Minh mới là gốc rễ của vấn đề, khiến hệ thống thoát nước của phi trường như “vỡ trận”, cấu trúc hạ tầng bị phá vỡ nghiêm trọng và không thể chịu nổi áp lực thoát nước khi bị thu hẹp đáng kể, để thay vào đó là những thảm cỏ xanh mướt, các tòa cao ốc, khu giải trí chuyên phục vụ cho các đại gia lắm tiền nhiều của?


Tân Sơn Nhất trở thành vùng trũng chứa nước khi hệ thống thoát nước đã bị dự án sân golf trong sân bay của ông Dương Công Minh lấp đi phần lớn, thay vào đó là những công trình bê tông và những thảm cỏ xanh mướt.

Đại diện chủ đầu tư Him Lam từng tuyên bố rằng, sân golf Tân Sơn Nhất không chỉ “góp phần tạo thêm nguồn thu cho TP.HCM, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động” mà còn “thu hút khách du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của du khách và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam”. Nhưng thực tế thì thế nào?

Kể cả người lạc quan nhất cũng không dám tin những ý tưởng vẽ vời “phi thực tế” của dự án này, bởi lẽ người ta đã nhìn thấy những điều bất cập, tréo ngoe đến mức không tưởng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại phi trường Tân Sơn Nhất. Liệu có đáng để hy sinh lợi ích cộng đồng, đổi lấy lợi kinh tế của một ông chủ hay Tập đoàn tư nhân nào đó không? Trong khi các máy bay liên tục phải xếp hàng dài chờ cất/hạ cánh, tình trạng “kẹt” máy bay cả dưới đất lẫn trên trời diễn ra hàng giờ tại phi trường Tân Sơn Nhất, thế mà người ta vẫn hào phóng cắt đi 1/3 diện tích đất sân bay để ông chủ Dương Công Minh dựng lên hẳn một sân golf "hoành tráng" và “đẳng cấp” bên cạnh.


Hàng dài máy bay xếp hàng chờ cất cánh như kẹt xe ở đường bộ, trong khi ngay sát cạnh là sân golf rộng thênh thang chỉ thỉnh thoảng phục vụ vài ông chủ.

Có đáng không, trong khi hàng chục nghìn lượt người mỗi ngày phải chen chúc nhau đi qua một cánh cổng nhỏ xíu trên đường Trường Sơn để ra vào sân bay thì mặt bên kia của sân bay, một cánh cổng cao rộng dẫn vào 4 làn đường nhựa thông thoáng chỉ dành riêng phục vụ cho một số ít ông chủ thỉnh thoảng vào sân golf dạo mát, giải trí? 

Liệu có đáng để đánh đổi sức khỏe của hàng triệu người dân thành phố không, khi để sân golf vận hành với gần 200 tấn hóa chất độc hại/năm đang được trút xuống để nuôi dưỡng thảm cỏ xanh cho một vài ông chủ dạo mát, còn chính người dân mới là người gánh chịu hậu quả khi chất độc theo mạch nước ngầm đi vào cơ thể?

Trong khi đường vào phi trường thường xuyên tắc nghẽn, thì mặt bên kia của sân bay, cổng vào sân golf được mở rộng 4 làn đường nhựa thẳng thắp, trồng cây xanh mát rượi chỉ dành riêng cho một vài ông chủ thỉnh thoảng đến giải trí

Có đáng để hy sinh an toàn bay và tính mạng của hàng chục triệu hành khách bay mỗi năm không, khi đi cùng sân golf là các tòa nhà đồ sộ nằm ngay sát vòng lượn máy bay, cận kề đường cất/hạ cánh? 

Vậy mà, bất chấp hàng loạt phản đối từ các chuyên gia trong và ngoài nước, người ta vẫn “quyết” xây bằng được các chướng ngại vật kia, vi phạm nghiêm trọng vùng tĩnh không, đặt tính mạng của hàng chục triệu khách bay đến TPHCM mỗi năm vào vòng nguy hiểm thường trực?

Chưa kể, cơn mưa ngày 26/08 đã vạch trần tình trạng khẩn cấp của phi trường Tân Sơn Nhất, nước ngập nghiêm trọng đe dọa hoạt động của các trạm điện, có thể khiến toàn bộ trạm kiểm soát không lưu, hệ thống điều hành bay, đài chỉ huy tại phi trường Tân Sơn Nhất ngừng hoạt động. Khi đó, trong tình hình không lưu rối loạn, ai sẽ dám chắc thảm họa va chạm sẽ không xảy ra khi hàng chục chuyến bay mệt mỏi lượn lòng vòng trên trời, bất lực chờ hạ cánh vì sân bay biến thành dòng sông, không phân biệt đâu là đường băng?

Phi trường Tân Sơn Nhất kẹt cứng từ ngoài ngõ

Hàng ngàn hành khách mệt mỏi chờ bay

Máy bay thì lòng vòng trên trời tìm chỗ đáp

Thiệt hại về tính mạng, tài sản và kinh tế sẽ là bao nhiêu? Những đồng lợi nhuận từ sân golf có đủ bù đắp thiệt hại trên? Chưa kể, toàn bộ số tiền đó cũng chỉ chảy về túi của nhóm lợi ích Dương Công Minh, Chủ Tập đoàn Him Lam, còn phần thiệt hại thì người dân phải gồng mình gánh chịu. Một dự án vừa coi thường tính mạng của người dân (đe dọa an toàn bay, mất kiểm soát không lưu, đầu độc người dân thành phố) vừa gây thiệt hại kinh tế không thể ước tính được như thế lại có thể ngang nhiên tồn tại giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh?

Thiết nghĩ, phi trường là tài sản chung của nhân dân, đất trong phi trường phải phục vụ vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng không được ngang nhiên sử dụng khu vực này vì mục đích tư lợi, đi ngược lại lợi ích chính đáng của người dân. Đến khi nào thì tình trạng “kẹt cứng” tại phi trường  này mới được giải quyết, trong khi nếu không bị Tập đoàn Him Lam chiếm dụng làm sân golf thì diện tích phi trường Tân Sơn Nhất có thể lớn gấp đôi phi trường Changi của Singapore? Đến khi nào thì những điều tréo ngoe đang diễn ra tại phi trường Tân Sơn Nhất mới được giải quyết, được phục hồi thiết kế ban đầu: đặt tính mạng, an toàn bay của hành khách lên trên lợi ích kinh tế?

No comments:

Blog Archive