Mỹ Gốc Tây Tạng Bầu Ai?
Nên bầu cho Donald Trump? Hay nên bầu cho bà Hillary Clinton?
Vị Tổng Thống kế tiếp nào sẽ ép nổi Trung Quốc do dân Tây Tạng tự trị về văn hóa, theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng lưu vong đòi hỏi? Dĩ nhiên, không ứng cử viên nào dám hứa như thế, vì chính sách ngoại giao luôn luôn là theo tiêuc huẩn quyền lợi Hoa Kỳ trước tiên, sau nữa là theo tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát, trên nguyên tắc là l1y tưởng của đất nước Hoa Kỳ.
Khi bạn biểu tình ở Little Saigon, hay ở San Francisco, hay ở thủ đô Washington DC trong những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc đang quậy phá Biển Đông, bạn sẽ thấy nhiều người gốc Tây Tạng đứng chung chiến tuyến, mang biểu ngữ nhiều màu sắc, hô khẩu hiệu có khi còn lớn hơn cả bạn…
Và đặc biệt, nhiều người gốc Tây Tạng giỏi tiếng Tàu hơn bạn, giỏi hơn rất nhiều… Tại sao họ phải học ngôn ngữ của những người đang chiếm đóng quê hương Tây Tạng của họ? Đơn giản vì, trong khi bạn đòi hỏi ngưng mọi lấn chiếm ở Biển Đông, người Tây Tạng lưu vong có nhiều mặt trận gian nan hơn: lo làm sao để phần đất Tây Tạng không bị đồng hóa, lo giữ nền văn hóa của Tây Tạng không biến mất. Và họ phải giao tiếp với thế hệ trẻ trong Tây Tạng qua Internet, qua radio, qua thư tín bằng ngôn ngữ Trung Quốc, tiếng Quan Thoại… vì thế hệ trẻ trong Tây Tạng học tiếng Tàu từ cấp tiểu học, và quên dần Tạng ngữ vì không có cơ hội sử dụng hàng ngày. Hải ngoại, muốn giao tiếp với quốc nội Tây Tạng, phải dùng qua tiếng TQ. Bi thảm là thế.
Do vậy, bạn chớ ngạc nhiên khi nghe người bên cạnh mình hô khẩu hiệu lớn hơn mình, đôi khi họ liều mạng nhảy qua hàng rào cảnh sat Mỹ, và có khi họ vừa biểu tình và vừa khóc ràn tụa. Hy vọng, dân tộc mình sẽ không bi thảm như thế… trừ phi, Ba Đình đã quyết định bán trọn gói cho Hoa Lục…
Người Mỹ gốc Tây Tạng cũng băn khoăn hơn bạn khi nghĩ về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ đầu tháng 11/2016.
Nên bầu Trump, hay bà Clinton.
Họ nghĩ, Trump là tay doanh nhân ưa thủ lợi, nếu Trump đắc cử Tổng Thống tất nhiên nghĩ tới việc làm dân Mỹ trước, sẽ hăm dọa Bắc Kinh để đòi các thương ước cần thiết cho kinh tế Mỹ, và có khi Tập Cận Bình nhả ra một món quà thương mại, thế là Trump sẽ quên mất rằng còn có nơi trên cao thật cao là Tây Tạng, và khi Đức Đạt Lai Lạt Ma sang thăm Hoa Kỳ, có thể Trump sẽ lấy cớ đang bận thảo luận về giảm thuế kinh doanh với các đại gia tư bản New York… Thực tế, phất cao lá cờ chính nghĩa Tây Tạng không đem lại đồng xu nào cho Mỹ, theo suy nghĩ của Trump, mà chúng ta có thể đoán.
Họ lại nghĩ, bà Clinton nếu đắc cử Tổng Thống, hẳn cũng sẽ nối dài chính sách “lăng ba vi bộ” của Obama, nghĩa là, hướng trục về Châu Á, nghĩa là chính sách “thao trường đổ mô hôi, chiến trường bớt đổ máu,” nghĩa là chĩa súng bao quanh Biển Đông để kềm chế trước, để Hải quân TQ không đổ bộ và tấn công cac đảo của ASEAN. Hẳn là bà Clinton sẽ suy nghĩ kiểu Obama, rằng thương mại với ASEAN sẽ củng cố quốc phòng cho ASEAN, và rồi bà cũng sẽ thăm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam Bốt… và ghé thăm các chùa để bày tỏ tôn trọng văn hóa đa dạng, thậm chí bà có thể tới thăm trụ sở hội những người đồng tính ở Sài Gòn hay Hà Nội để gây ý thức tôn trọng và bình đẳng…
Nhưng còn chuyện Tây Tạng? Có vẻ như cả Trump và bà Clinton đề quên, đều không nhớ, thậm chí là cố ý không muốn nhắc tới. Bất kể rằng, bà Clinton đã nhiều lần gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma…
Có sao đâu… Cử tri gốc Việt hồi hộp, vì còn phân vân, còn cân nhắc về trọng lượng Biển Đông giữa các chính sách của ông Trump và bà Clinton. Nhưng về Tây Tạng và Tân Cương là xong xuôi rồi. Hình như, không ai muốn nhắc tới.
Có nhắc, chỉ là nhắc Biển Đông, vì vấn đề này lớn quá, vì Biển Đông hiện nay cũng là nơi nhiều hạm đội và tàu chiến Mỹ đang lạng qua, lạng lại… Nhưng bạn cũng chớ nên nghĩ rằng sẽ có Tổng Thống Mỹ nào toàn tâm, toàn lực cho Biển Đông. Hãy nhớ vụ bãi cạn Scarborough Shoal (tức Hoàng Nham đảo) của Philippines, bây giờ nằm trong tay TQ từ tháng 4-2012 rồi. Mỹ đâu có cứu gì cho Philippines đâu… nhiều cử tri sẽ nghĩ như thế.
Thỉnh thoảng, chúng ta nói với anh bạn Tây Tạng rằng tụi tao ghen tỵ với tụi bây vì tụi bây có Đức Đạt Lai Lạt Ma, thế rồi anh bạn kia nhìn chúng ta sửng sờ, và từ từ nói, tao ghen với tụi bây vì tụi bây còn có rừng, có núi, có biển, có làng mạc bất kể là nó không giống gì với ý tụi bây muốn…
Làm sao bây giờ? Bây giờ là lựa chọn giữa Trump và bà Clinton… biết làm sao bây giờ, cũng là không giống gì với ý của chúng ta muốn.
Ngay cả Miến Điện cũng đang lạnh nhạt chuyện Tây Tạng. Người lãnh giải Nobel Hòa Bình từ đất nước Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi, nổi tiếng về kiên cường đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ, cho tự do… bây giờ cũng có vẻ như đã bán đứng Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng là một người lãnh Giải Nobel Hòa Bình như bà.
Hãy nhớ về chuyến đi lịch sử của bà Kyi tháng trước, khi thăm Bắc Kinh, bà trong cương vị Cố Vấn Nhà Nước Miến Điện đã ký bản văn Tuyên Bố Chung Miến Điện – Trung Quốc đề ngày 28/8/2016.
Trên nguyên tắc, đây là văn bản ngoại giao. Nhưng đọc kỹ, sẽ thấy có nhiều thay đổi đối với một số đòi hỏi nhân quyền của bà Kyi thời bị chính phủ quân sự Miến Điện quản chế tại gia.
Trong đó, có câu: “Miến Điện lập lại rằng Miến Điện gắn bó với chính sách Một-Trung-Quốc, hiểu rõ và ủng hộ lập trường TQ về vấn đề Đài Loan, các vấn đề liên hệ Tây Tạng, và các vấn đề liên hệ Tân Cương.”
Có nghĩa rất minh bạch: Miến Điện bây giờ là chung một xuồng (hay một giường, nói theo kiểu giang hồ Mỹ) với Trung Quốc, về chuyện nhân quyền là chuyện nội bộ mỗi quốc gia, cũng như chuyện lãnh thổ. Hẳn là cũng nhiều lý do, vì các bộ tộc thiểu số đã nhiều năm đòi ly khai Miến Điện nơi vùng đất biên giới TQ, nơi họ mua và nhập vũ khí và tiếp liệu từ TQ vào chiến khu trong các khu rừng Miến Điện. Thêm nữa, Miến Điện bị tai tiếng nhân quyền khi đàn áp người Rohingya, bộ tộc theo Hồi Giáo… nhiều Phật tử cực đoan không muốn Hồi giáo có trú xứ và lan rộng ở Miến Điện.
Cả thế giới đều biết rằng với lập trường bắt tay thân thiết với Tập Cận Bình, và với thái độ im lặng để Phật tử cực đoan chống phá người Rohingya Hồi giáo, bà Kyi không thể nào có Giải Nobel Hòa Bình 1991.
Thực tế, nằm kế bên Hoa Lục, Miến Điện (cũng như Việt Nam) bắt buộc dịu giọng với Bắc Kinh về các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương. Nhưng còn chuyện đập tu viện, phá tượng Phật… là ra ngoài biên giới nhân quyền rồi. Không lẽ, bà Kyi cũng trở cờ?
TQ đưa ra lý luận rằng Tây Tạng là lãnh thổ TQ từ 800 năm về trước, thời triều đại Yuan Dynasty, tức là nhà Nguyên. Lúc đó quân Mông Cổ chiếm TQ, lập ra nhà Nguyên. Nói thế, cũng kiểu như nói Việt Nam bị quân Bắc phương cai trị cả ngàn năm dài từ cả ngàn năm trước.
Thực tế, Hồng quân TQ đưa quân chiếm Tây Tạng năm 1950, và đã hiếp dâm, tra tấn và tàn sát khoảng 1.2 triệu người Tây Tạng, tức là 1/5 dân số Tây Tạng; phá hủy 6,000 tu viện từ đó hầu hết là trong đợt Cách Mạng Văn Hóa TQ 1966-1975. Riêng từ 1950 tới 1984, có 260,000 người chết trong tù và tar5i cải tạo.
Và bây giờ, bà Kyi bán đứng Tây Tạng. Thực tế, bà Kyi không xa lạ gì chuyện Tây Tạng, vì người chồng quá cố của bà là Michael Aris, chuyên gia nghiên cứu Tây Tạng Học (Tibetologist), và 2 vợ chồng bà Kyi từng có thời gian cư ngụ ở Bhutan, nơi nhiều dân Tây Tạng luu vong cư trú. Hôn lễ của cặp Kyi-Aris năm 1972 tại Anh quốc được chúc lành theo nghi thức thực hiện bởi nhà sư Tây Tạng lưu vong Chime Rinpoche. Tại sao bà Kyi không để viên chức Miến Điện nào khác ký vào Tuyên Bố Chung TQ-Miến? Phải chăng Tập Cận Bình muốn đích thân bà Kyi phải ký để xóa sổ Tây Tạng vì biết rằng bà thân với Đức Đạt Lia Lạt Ma?
Vấn đê bây giờ là, ông Trump hay bà Clinton có lợi gì cho dân tộc Tây Tạng. Ông bạn Mỹ gốc Tây Tạng của tôi lặng lẽ, trầm ngâm, rồi nói rằng các pháp vận chuyển là do nhân duyên, vậy thôi.
Nghĩa là, còn phải chờ xem, nên là Trump hay bà Clinton. Đành chờ xem.
No comments:
Post a Comment