Thursday, September 29, 2016

A- Lăng Nghịch

Võ Hương An



Hơn hai mươi năm rồi, còn gì. Giá như trời cho còn sống thì A- Lăng Nghịch nay chắc cũng đã bạc râu trắng tóc và trở thành già làng rồi chứ chẳng chơi.

Đâu chừng như bấy giờ là giữa năm 1978. Trong bữa cơm chiều anh Tuyên nói với tôi:

- Đội mình có thêm người mới. Như vậy từ nay Đinh Xinh có thêm dưới tay một tên lính nữa, tha hồ mà sai.

Tôi hỏi:
- Ai vậy? Sao lại làm lính của Đinh Xinh?

- A-Lăng Nghịch. Nghe nói người dân tộc Kà- tu ở huyện Giằng, can tội hình sự.

Bấy giờ tại Trại Tiên Lãnh thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng hễ có bao nhiêu anh tù thuộc thành phần dân thiểu số thì đều đưa hết vào đội Sản xuất, bất kể can tội chính trị hay hình sư, lập thành một tổ độc lập, do Đinh Xinh làm tổ trưởng. Cho đến lúc đó, dưới tay của Xinh chỉ còn lại 2 người là Đinh Don và Đinh Xiêm. Tuy cùng là sắc tộc Kà- tu và mang họ Đinh, nhưng theo tôi biết họ chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Cái “tổ dân tộc” này chuyên đặc trách đi lấy mật ong, được hưởng rất nhiều tự do và được “bồi dưỡng” (cho ăn thêm) thường xuyên, khi thì gạo, nếp, khi thì sắn, bọn tù chúng tôi thấy cũng thèm. 

Xinh nguyên là Trưởng chi Cảnh sát của một xã thuộc quận miền núi Trà My cũ, văn minh Kinh, Thượng gì cũng rành hết, đã nhiều phen về Tam Kỳ, Đà Nẵng chơi gái, đánh bạc, nên việc cai quản hai tay dân tộc kia là chuyện quá dễ. Nay thêm một anh Kà- tu nữa thì có sao đâu. Và dĩ nhiên anh Kà- tu mới này quanh năm sống với núi rừng thì làm gì có được những tin tức hữu ích từ cuộc sống bên ngoài mà mình mong đợi, vậy thì quan tâm làm chi. Tôi nghĩ thế, nên không có ý định làm quen với Nghịch. Cho đến một ngày nọ, có dịp làm việc chung với anh ta, gần gũi, chuyện trò thì cái nhìn của tôi đối với Nghịch thay đổi hẳn.

Là tù cải tạo, anh nào đi lao động khổ sai cũng có mang theo một “cái túi càn khôn” để “cải thiện”. Thực ra đó chỉ là cái túi nylon giắt ở lưng quần hay cái túi vải may bằng bao cát mang nơi vai, nhưng được gọi lớn lối như thế vì dùng để đựng bất cứ thứ gì ăn được mà tù nhặt được, hái được, bắt được, lượm được – nghĩa là “cải thiện” -  trên đường đi hay trong lúc lao động. Cóc, nhái, rắn mối, hổ mang, rắn nước, chẫu chuộc, ếch (ối dà, trúng số) rau má, rau lang, rau dền hoang, rau sam v.v. và v.v. đều có thể cho vào túi được hết.

Buổi sáng hôm đó dường như cả Nghịch và tôi đều được tổ đãi. Trong khi phát bờ khu ruộng mà tay tổ trưởng phân công cho hai đứa, chúng tôi đã bắt được rất nhiều nhái, cái túi nylon của đứa nào cũng căng kè, hứa hẹn một bữa ăn trưa dồi dào chất đạm.

Giờ nghỉ trưa. Trong khi anh Tuyên luộc rau thì tôi lui cui xuống suối làm nhái. Ngắt đầu, lột da, móc ruột vứt đi, chao xuống suối một cái, rảy vài cái cho ráo nước, ném tọt vào cái chén nhôm, thế là xong một con. Tôi làm rất lẹ nhưng số nhái nhiều nên cũng lâu xong. Anh Tuyên luộc rau xong, đi xuống suối thấy tôi vẫn còn đó, liền ngồi xuống phụ một tay. Vừa làm anh vừa nói:

- Có lẽ mình nên bắt chước thằng Nghịch, vừa nhanh vừa lợi.

- Là sao?

- Nó đâu có ngắt đầu lột da. Nó chỉ móc ruột vứt đi, là xong. Với chuột, nó cũng không lột da. Nó thui rồi nhổ lông, mổ bụng vứt bộ lòng, là nấu.

- Ẹ quá. Làm kiểu đó chỉ có nó ăn thôi chứ ai mà ăn được.

Buổi chiều, trong khi giải lao dưới bóng mát của cây vối bên bờ ruộng, tôi hỏi Nghịch:
- Ê Nghịch, nghe nói cậu làm nhái không lột da hả? Mất vệ sinh lắm nghe, nhái ở dưới ruộng, da dính bùn đất, dơ lắm.

Nghịch nhướng mắt hỏi lại:
- Anh nói con nhái mà dơ hả? Anh dơ thì có.

Tôi cười:
- Ê, nói tầm bậy nghe. Ngày nào lao động xong, chiều về mình cũng tắm suối cả, sao nói rằng dơ?

Nghịch nói chăm bẳm:
- Mình nói anh dơ hơn con nhái. Mỗi ngày anh chỉ tắm có một lần, còn con nhái một ngày tắm bốn năm lần. Hắn cứ trên bờ nhảy xuống ruộng, tắm, lội, rồi lại nhảy lên. Một ngày nó cứ nhảy lên nhảy xuống như vậy không biết mấy lần, như vậy không phải là nó tắm nhiều lần hơn anh hay răng? Tắm nhiều lần thì phải sạch hơn chớ!

Nếu ai đã có lần sống với ruộng đồng thì sẽ hiểu ngay cái lối lý luận của Nghịch. Số là ếch, nhái, chẫu chuộc v.v. thường hay làm hang ở bờ ruộng. Khi ta bước đi, con nhái đang ở trong hang nghe tiếng động liền hoảng hốt nhảy tòm ngay xuống ruộng nước. Dưới cái nhìn của Nghịch, đó là một lần tắm. Khi tiếng chân đi xa, thấy vắng, con nhái lại nhảy lên bờ, tìm về hang cũ, để rồi khi có tiếng động, lại nhảy xuống lẩn tránh.

Tôi thực sự ngạc nhiên trước lối lý luận đó. Ngây thơ nhưng không hẳn là vô lý. Tôi cười xòa, công nhận là Nghịch nói đúng, cho xong chuyện. Điều buồn cười nhất là về sau, khi thâm niên núi rừng gia tăng, thì tất cả chúng tôi, tù chính trị 75 của trại Tiên Lãnh, đều không ai bảo ai mà cùng theo cái kiểu ăn không lột da của A- Lăng Nghịch, vừa nhanh vừa tiết kiệm thời gian và chất đạm!!.

Từ sau cuộc đối thoại đó, tôi nhận ra rằng Nghịch là một anh Kà- tu khác với ba anh kia, nên thường lân la trò chuyện khi có dịp.

Mỗi tối, khoảng 8 giờ rưỡi, sau khi đi nhận công tác từ trại trưởng, đội trưởng thường họp cả đội để phân công tác ngày mai, ai sẽ làm gì, và làm ở đâu. Hôm đó, tôi cùng 14 người nữa, trong đó có A- Lăng Nghịch được cắt đi lấy mây chống bão ở Rừng Đồng 12, nghĩa là phải vào sâu trong rừng mới có. Mặc dầu đã đi rừng nhiều lần, khi thì đốn giang, khi thì lấy mây, đốn cây, đốn tre, cắt lá nón v.v. nhưng tôi vẫn là một tay đi rừng tay mơ, nhiều lần suýt lạc đường, nếu bạn tù không sớm hú gọi và tìm ra kịp. Anh em trong đội đều biết chỗ nhược đó của tôi, thương tình nên thường rủ đi chung, không cho đi một mình. Hôm đó, nghe trong danh sách phân công có tên của Nghịch, tôi liền gạ ngay “Ê Nghịch, mai cho mình đi chung với nghe”. Nghịch nhận lời ngay.

Gọi là Rừng Đồng 12 vì Đồng 12 là cửa rừng. Tôi đã vào rừng này nhiều lần, khá quen thuộc với đoạn đường ở bìa rừng nên cứ đi phom phom như trên đường nhựa. Một lát ngoảnh lại, không thấy Nghịch đâu cả, tôi đứng chờ và hỏi người bạn vừa đi tới:

- Anh có thấy A- Lăng Nghịch đâu không?

- Nó đang đi tà tà đàng sau.

Đi tà tà? Tôi đang tự hỏi ngó bộ mấy tay dân tộc có kiểu đi rừng lạ lùng vậy hay sao? Tôi thấy Nghịch đang đi tới, đúng là tà tà. Cây rựa vác trên vai phải, cái túi càn khôn mang trên vai trái, Nghịch bước nhàn nhã, ung dung như đi dạo mát, khi thì ngước mắt nhìn lên tán cây rừng dày đặc ở trên cao, khi thì đưa mắt nhìn phải nhìn trái như thăm chừng, dò hỏi. Tôi la lên:

- Trời đất ơi! Đi rừng là ngón nghề của người dân tộc, mà sao cậu đi chậm vậy? Ngó tà tà như mấy người đi dẫn lễ vô đình không bằng. Đi như vậy thì trưa mới tới nơi, làm sao đạt chỉ tiêu?

- Mình đi nhanh như mấy anh cũng được chớ. Nhưng mình phải tỏ ra lễ độ.

Tôi ngạc nhiên:

- Cậu nói lễ độ là lễ độ với ai? Sao lại phải lễ độ?

- Lễ độ với ông bà xứ xang ở đây. Rừng ở bên xứ mình là nhà của mình rồi. Ông bà bên đó biết mình rồi, nên mình không sợ. Còn ở đây, rừng này là rừng của xứ xang khác, thuộc ông bà khác. Lần đầu tiên đi rừng này cũng như vô một nhà lạ vậy. Hễ mình tới nhà ai lần đầu, mình cũng phải tỏ ra lễ độ thì chủ nhà mới không ghét mình. Có vậy ông bà xứ xang ở đây mới có cảm tình với mình mà không trách phạt mình.

- Vậy ra lần đầu tiên cậu mới vào rừng này à?

- Phải. Hễ khi nào vô một rừng mới mình cũng phải tỏ ra lễ độ như thế.

- Hay quá hè. Người Kinh tụi mình không biết chuyện đó.

Lại một lần nữa tôi trả lời cho qua chuyện, nhưng trong thâm tâm lại vấn vương câu hỏi: trong trường hợp này, liệu mình có dám nói là mình có trình độ văn hóa cao hơn A- Lăng Nghịch chăng??

o0o

Bấy giờ, trại mới chỉ “hiện đại hóa” có một nửa. Nghĩa là một nửa nhà tù đã được xây gạch, lợp ngói (tù đốn cây, xẽ gỗ, làm gạch ngói, nung vôi, và tự tay xây nhà giam chính mình chứ chẳng là tiền của ai cả) còn một nửa thì vẫn còn ở nhà tranh. Ở nhà tranh có cái thú là tối lại, khi chưa tới giờ giới nghiêm thì có thể thơ thẩn đi lại chuyện trò trong sân, nếu không phải là mùa lạnh. Vào đêm trăng ngày hè, ngồi ở bờ đá dưới gốc cây mà ngắm trăng và hưởng gió mát rừng xanh thì cũng có thể tạm quên đi trong chốc lát nỗi nhọc nhằn của một ngày khổ sai.

Cũng trong một đêm trăng như thế, tôi đang chuyện trò trên trời dưới đất với Trị thì anh Tuyên đến nói nhỏ:

- Này, anh tới mà coi thằng Nghịch đang nhớ nhà, ngồi khóc kia kìa. Ba đêm nay, đêm nào tôi cũng thấy nó ngồi đó một mình, tới nói chuyện thì thấy nó khóc, nói là nhớ nhà, nhớ vợ.

Theo tay anh chỉ, tôi thấy một bóng người ngồi cô độc trên tảng đá lớn dưới gốc cây cốc. Cả ba chúng tôi cùng tiến lại phía đó. Tôi lên tiếng:

- Sao ngồi một mình buồn bã vậy Nghịch?

- Mình nhớ nhà.

Anh Tuyên phì cười:
- Vậy là chưa thành khẩn khai báo. Nhớ vợ mày, nhớ “cái xẽng” của vợ mày thì nói thiệt cho rồi, còn bày đặt nói nhớ nhà.

- Anh nói tầm bậy. Mình nhớ nhà thiệt mà. Mình nhớ con trâu, mình nhớ bầy gà, cái gùi, cái nõ, mình nhớ bụi chuối, con heo, mình nhớ đủ thứ hết. Mấy anh không hiểu mình đâu.

Tôi nói:
- Nhớ nhà, nhớ vợ, là chuyện thường tình, ai đi xa mà lại không nhớ, phải không Nghịch? Mình cũng rứa. Thôi, anh Tuyên đừng chọc Nghịch nữa.

- Phải đó. Đừng chọc mình, tội nghiệp. Mình buồn, mình nhớ vợ mình. Mấy anh thấy không, ở đây mình thấy trăng, ở nhà vợ mình cũng thấy trăng, cả hai đứa mình thấy trăng mà không thấy nhau.

Trời đất quỷ thần ơi! Tôi suýt kêu lên như thế khi nghe câu nói thốt ra từ miệng A- Lăng Nghịch. Ơi cụ Nguyễn Du ơi, ơi ông Tình sử ơi, cái anh chàng Kà- tu lù đù này đang mon men làm thơ với các cụ đó. Vừa đi vào “chuồng”, Trị cười cười bình luận “Nếu có chữ, anh chàng A- Lăng Nghịch này có thể là một thi sĩ. Chỉ phải cái tội sinh trưởng ở trên rừng.”/-

Võ Hương An

No comments:

Blog Archive