Cái Nghiệp Nhà Giáo
Sau cái nóng của mùa hè trôi đi nhanh chóng tại miền đất Minnesota là mùa thu mát rượi với làn gió heo may nhè nhẹ mang theo mây trắng lừng lờ trôi, lũ ngỗng Canada bay qua nhà xôn xao gọị nhau trên đường xuôi nam. Các trẻ con còn hối tiếc những ngày tháng hè rong chơi mà chưa màng tới việc học hành trong khi các bà mẹ lo lắng cho đàn con, mua sắm quần áo, sách vở, ba lô… trong dịp "back to school sale" của Target và Walmart.
Hội chợ tiểu bang Minnesota, một trong những hội chợ lớn nhất nước Mỹ, mới mở cửa và sẽ chấm dứt sau ngày Lễ Lao Động mồng 5 tháng 9, báo hiệu ngày hôm sau là ngày khai trường. Lòng tôi nôn nao lắm thường vào khoảng thời gian này vì mình xưa cũng là nhà giáo nhưng bây giờ mừng không phải sửa soạn cho niên học tới, không phải đi họp hay hội thảo dành cho giáo sư trước ngày khai giảng mà cảm thấy tự do phơi phới sau 36 năm miệt mài với nghề giáo. Ha! Ha! Tôi đã là giáo sư về hưu được hai niên khóa rồi.
Vì sao tôi phải vướng vào cái nghề hít bảng phấn, gõ đầu trẻ này? Mới đây trong chương trình Family Feud của Steve Harvey trên TV là cuộc thi của hai gia đình trả lời các câu hỏi dựa theo bản thăm dò ý kiến. Câu hỏi là nghề nào không được coi là được biết ơn nhiều nhất? Vâng, cái nghề giáo bạc được đứng nhất! Vậy mà người ta cho rằng nghề giáo là một thiên chức. Nghe sao mà ghê quá ông trời đã trao cho tôi nhiệm vụ dạy dỗ con nít! Thật ra lúc còn nhỏ nếu cô giáo cho đề bài luận "trong tương lai em muốn làm nghề gì?" thì tôi chắc sẽ không chọn cái nghề bắt nạt trẻ con này. Tôi hãy còn nhớ ông´ thầy Ngư, giáo viên già gầy guộc lớp Tư tại trường Đa Kao, và cũng là bạn mạt chược của ba tôi, dơ hai ngón tay nhọn bấm vào tai tôi đau điếng khi tôi không thuộc bài và nói, “Mày tưởng tao là bạn ba mày mà không đánh mày à!”. Nhưng đâu ngờ bao nhiêu năm sau tôi là thầy giáo mà chả gíám đụng tới một sợi tóc tơ của học sinh!
Sau khi đậu vào lớp đệ thất trường Trung học Nguyễn Trãi Saigon năm 1961 tôi bắt đầu thích học Anh văn. Trước đó ba tôi còn ảnh hưởng tiếng Pháp nên ông cụ dạy tiếng Tây cho chúng tôi vào buổi tối. Học cái tiếng này sao mà khó quá, bao nhiêu là luật lệ văn phạm. Je vais, tu vas, il va... sao mà khó quá! Mà chia động từ không đúng là ba tôi cho ăn roi. Mỗi lần đang học mà có khách đến chơi là chúng tôi mừng muốn chết.
Dần dần tiếng Anh xâm lấn tiếng Pháp. Tôi chọn Anh văn là sinh ngữ chính tại trường Nguyễn Trãi và ông cụ nhường nghề gia sư của ông cho trường Khải Minh. Sau khi học xong lớp ban ngày tôi lấy xe buýt học Anh văn lớp đêm tại trường này. Khoảng thập niên 1960 dân Saigon rầm rộ đi học tiếng Anh. Bao nhiêu là trường chuyên trị dạy môn này. như lớp Anh văn của Hội Việt Mỹ, trường Ziên Hồng... Trường Khải Minh của tôi nằm ở gần chợ Tân Định. Ban ngày trường mở lớp dạy theo chương trình học của Mỹ? bằng tiếng Anh cho giới trẻ còn ban đêm là lớp Anh văn cho người lớn mà phần đông họ trau dồi tiếng Anh để đi làm cho sở Mỹ. Nhờ lớp này nên môn Anh văn của tôi rất khá so với bạn học cùng lớp tại Nguyễn Trãi.
Sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi chọn ban B là ban Toán với áp lực của ba tôi và hai anh dù rằng tôi chả thích toán tí nào. Hai anh xuất thân học ban B Chu Văn An và học Y khoa tại Saigon. Tôi cũng ráng chật vật học theo sau đó rời sang ban A là ban Vạn Vật và đậu Tú Tài toàn phần hạng bình thứ.
Năm đầu theo học dự bị Khoa học với mộng hão huyền làm bác sĩ nhưng sau đó chạy theo ban dự bị Anh văn ở Đại học Văn Khoa. Đây mới là đất dụng võ của tôi vì đi theo đúng ngành. Sau khi đậu bằng dự bị Văn khoa ban Anh Văn tôi thi tuyển vào trường Đại học Sư phạm Saigon.
Tôi giấu không cho gia đình tôi biết về cuộc thi này và cũng không học thi nhiều vì bao nhiêu chữ nghĩa Anh văn nó nằm trong đầu có mất đi đâu mà sợ, vả lại ai có th`èm lấy đi của mình đâu!? May mắn tôi được chọn vào trường Đại Học Sư Phạm với sự ngạc nhiên của gia đình nhất là ba tôi. Điều tôi thích nhất là lớp chỉ có 24, 25 sinh viên giống như lớp trường trung học và ban giảng huấn hùng hậu không giống như lớp bên Văn khoa có mấy trăm sinh viên ngồi chật ních thính đường.
Hơn nữa khi đi học chúng tôi còn được trường trợ cấp ba ngàn đồng một tháng. Vậy mà còn gì bằng, sướng như tiên! Ngày nào trường phát lương hai năm một lần là ngày đó trường rộn rã tiếng cười. Nhưng trước khi nhập học chúng tôi phải ra quận làm giấy ký hợp đồng dậy học cho Bộ Giáo Dục 10 năm.
Chúng tôi trau dồi thêm văn chương Anh và Mỹ, ngôn ngữ học, phương pháp giảng dậy, tâm lý thanh thiếu niên, văn hóa và lịch sử Anh và Mỹ`... Văn chương Anh là môn khó nuốt của tôi. Ngay năm đầu tiên tụi tôi phải học văn chương Anh xưa như Odyssey của Homer, các bài thơ sonnet của Shakespeare hay thơ khó của Beowulf. Sau đó là Oliver Twist của Charles Dickens và Pygmalion của George Bernard Shaw tương đối còn dễ hiểu. Không biết tại sao chương trình học cho học các nhà văn xưa trong năm đầu tiên trong khi các năm sau lại dậy văn chương Anh Mỹ hiện đại dễ nuốt như Sons and Lovers của David Hebert Lawrence. Lúc đó dân Saigon sụt sùi với phim Love Story do Ali MacGraw và Ryan O'Neal đóng và tôi cũng ham đọc truyện này mua ở chợ trời trên đường Lê Lợi. Chuyện tình cảm đầy nước mắt nhưng tôi thích nhất là tác giả Erich Segal có giọng văn dễ hiểu và giản dị.
Hai năm cuối cùng chúng tôi phải đi thực tập tại các trường công lập tại Saigon. Sinh viên phải dạy một bài học ngắn và cô giáo hướng dẫn sẽ chấm điểm giờ thực tập và phê bình. Lúc đầu run lắm nhưng sau cũng quen. Đứng trên bục gỗ giảng bài với bao nhiêu cặp mắt theo dõi của các cô học trò áo trắng trường Gia Long là một kỷ niệm khó quên trong đời sinh viên Sư phạm.
Khi tôi còn hai tháng ra trường và đi nhận nhiệm sở thì tháng Tư Đen 30-4 chợp đến. Gia đình chúng tôi quơ quàng chạy trốn mấy ngày trước khi Saigon thất thủ. Lần thứ nhất chúng tôi tất tả di cư vào Saigon năm 1954 từ Hà nội và hơn hai mươi năm sau lại lận đận phải rời bỏ nước ra đi thật xa theo tiếng gọi của tự do.
Sau bao nhiêu ngày di tản từ Phi Luật Tân sang đảo Wake ở giữa Thái Bình Dương chúng tôi đến trại ty nạn tại Fort Chaffee, Arkansas. Sau mấy tuần sống bấp bênh trong trại ty nạn tôi được ông bảo trợ đưa về Utah để đi học tiếp.
Nghe tưởng sinh viên ban Anh văn là tiếng Anh chì lắm nhưng có khi cũng gặp chuyện buồn cười vì tiếng Anh dễ mà khó. Khi tôi mới tới ở trong campus của Đại học Brigham Young có các bạn người Mỹ đến thăm nói chuyện vui vẻ. Sau đó chúng ra về và chào từ biệt. "Gút bai" thì không nói mà tụi nó nói "Si yu lết tơ" tức là "See you later". Làm tôi ngồi đợi chả thấy mặt tụi nó đâu! Tôi tức quá gọi điện thoại hỏi sao mà tụi bây không trở lại!!
Sau đó tôi dọn về sống với mẹ và hai người chị ở Minneapolis. Ai đời chọn cái đất lạnh giá này! Sáu tháng mùa đông và sáu tháng mùa... sửa đường? "road construction". Mùa đông lạnh quá đường xá nứt nẻ nên các mùa khác là mùa kẹt xe vì làm đường. Thành phố có những công viên đẹp đẽ bên cạnh hồ xanh biếc nên thơ. Dân địa phương rất thân thiện với dân di cư nên ít khi bị chuyện kỳ thị quấy rối. Phần nhiều là dân gốc Scandnavian do đó họ đặt tên đội banh football là Vikings. Dân ở đây hãnh diện được gọi là Minnesota Nice, dân tử tế.
Khi tới đây thì tôi đi kiếm việc và được giới thiệu đi làm cho một trường trung học ở Minneapolis. Cái nghiệp dạy học vẫn theo tôi. Vì chưa có bằng dạy học nên tôi làm trợ giáo. Lúc này học sinh di cư từ Việt Nam, Lào, Căm Bốt sang ào ạt. Học sinh Việt Nam mới qua phần đông phải học ESL và Song ngữ. Tôi là trợ giáo lương thấp nhưng chương trình có quỹ cấp tiền học nên sau giờ học tôi học lớp đêm tại Đại học Minnesota. Dần dần có bằng cử nhân, cao học và có chứng chỉ dạy ESL, Anh Văn, Sử Địa và Song Ngữ.
Theo tôi dạy các lớp ESL hay Song Ngữ không bị khủng khoảng tinh thần nhiều bằng dạy lớp thường xuyên... Lúc đợt thuyền nhân mới sang có một số nam học sinh người Việt không có gia đình (unaccompanied minors). Đám này có nhiều em khó dạy vì không có gia đình bên cạnh nuôi nấng. Nghề giáo cũng nhiều khi nhức đầu lắm nhưng sau rồi cũng quen vì nếu biết tâm lý học trò thì học trò sẽ dễ dạy hơn.
Hiện nay số học sinh gốc da mầu gia tăng. Hơn một nửa số học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 trong nước Mỹ thuộc trong nhóm này. Tuy nhiên số giáo sư không phải là da trắng chỉ chiếm 17%. Một sự thiếu thốn giáo sư da mầu trầm trọng sẽ ảnh hưởng cho học sinh trong tương lai khi chúng ra ngoài đời kiếm việc trong xã hội đa văn hóa Hoa Kỳ. Vấn đề này có phần là vì sinh viên đại học da trắng nhiều hơn da mầu nhưng cũng một phần là sinh viên da mầu không thích chọn ngành sư phạm. Phụ huynh Việt nam lại có khuynh hướng thích cho con mình chọn ngành bác sĩ, dược sĩ nhưng họ đâu biết rằng trước khi con họ làm đốc tơ, pham ma xít chúng phải học qua lớp của thầy cô.
Tại sao nghề giáo lại bị chê?
Vì lương giáo sư thấp so với các nghề khác. Giáo sư năm đầu tiên trung bình khoảng 36,000$ trong khi các nghề khác như y tá là 51,000$ hay nhân viên kế toán là 53,00$.
Giáo sư làm nhiều giờ hơn nghề khác vì sau giờ dạy học họ phải soạn bài, chấm bài, họp hành… Giáo sư tuy có mùa hè dài được nghỉ nhưng thường họ phải đi làm thêm, dạy lớp hè phụ cấp thêm cho gia đình hay học hè để trau dồi nghề nghiệp hay lấy thêm tín chỉ.
Theo thống kê 50% số giáo sư mới sẽ từ bỏ nghề sau năm năm đầu tiên vì làm nghề giáo sư không phải là dễ dàng như thiên hạ tưởng. Biết tiếng Anh khá, bằng cấp cao cũng không đủ để làm giáo sư giỏi mà phải có óc sáng tạo, yêu thích trẻ con, cầu tiến và dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh. Giáo sư còn là y tá, cán sự xã hội, chuyên viên sửa máy in trong trường, cố vấn gia đình, và có khi đóng vai bố mẹ cho đám học sinh.
Ngoài việc giảng huấn học sinh, giáo sư còn bị áp lực của hiệu trưởng và ty học chính phải dạy làm sao làm tăng điểm thi học sinh hằng năm của chính phủ thì trường mới có đủ ngân sách. Lâu lâu giáo sư lại bị các chính trị gia chê bai không dạy dỗ đầy đủ trong khi họ không biết rằng học sinh chỉ đi học 6,7 giờ trong ngày còn bao nhiêu giờ còn lạì chúng sống với gia đình. Cha mẹ chính là những thầy cô căn bản cho chính con họ. Giáo sư mỗi năm phải qua ba kỳ định lượng dựa theo các cuộc quan sát lớp học của hiệu trưởng hay nhân viên học chính. Các bài làm của học sinh, bài soạn và các yếu tố khác sẽ được xem xét. Giáo sư không đủ điểm sẽ được trau dồi thêm và nếu tệ hơn sẽ bị sa thải. Đây là những lý do làm cho thần kinh của giáo sư suy nhược đưa tới màn thôi việc.
Trong trường tôi có một cô giáo Việt Nam trải qua vụ định lượng giáo sư và cuối cùng bị sa thải vì lý do nói tiếng Anh yếu. Có một điều đáng quan tâm là cô ta đang dậy học mà bị hiệu trưởng kêu ra ngoài cho về nhà. Cô ta kiện trường vụ này. Cô ta có nhờ tôi giúp đỡ vì tôi ở trong nhóm giáo sư giúp đỡ cô trong việc định lượng. Tôi thấy rõ bà hiệu trưởng kỳ thị cô này vì tôi thấy cô có tiến bộ trong việc dạy học. Và tôi viết thư ủng hộ cô ta cùng với các giáo sư và phụ huynh khác. Sau đó cô ta thắng kiện đi làm lại và được bồi thường tiền lương trong thời gian mất việc.
Quan trọng làm nghề giáo là phải giữ nghề. Sau 36 năm trầm luân trong nghề, dạy dỗ bao nhiêu học sinh và sinh viên, từ lớp mẫu giáo còn hơi mùi sữa cho đến trường đại học rộng lớn tôi có nhiều vui buồn, lo lắng, thử thách cũng biết rằng mình đã giúp ích ít nhiều cho xã hội hôm nay và ngày mai. Chuyện vui là tôi gặp lại những học sinh có nghề nghiệp vững vàng và còn nhớ đến thầy. Tôi có một em học sinh học lớp bốn vớí tôi rồi tôi dạy đại học em cũng theo lấy lớp tôi. Hiện giờ em đang theo học lấy bằng Ph.d về Nursing. Buồn là có lần bị học sinh hành hung đấm vào mặt hay gặp một em trai vô gia cư làm nghề đánh giầy nhận ra tôi khi đi thăm chùa Việt Nam ở Georgia. Nhưng có lẽ vui và hãnh diện nhất là cô con gái cả của tôi theo chân bố cũng là giáo sư ESL.
Là một nhà giáo về hưu, tôi có vài lời trị giá hai xu (two cents worth) với bậc phụ huynh nhân dịp ngày khai trường:
- Hãy khuyến khích, khen ngợi con em trong việc học vì chúng luôn luôn cần sự hỗ trợ của bố mẹ. Nhưng` cũng đừng bênh vực cho con em khi chúng bị phạt. Hãy để con em chấp nhận các hậu quả của hành động của chúng.
- Hãy cho con em tham gia các hoạt động sau giờ học như gia nhập đội banh, âm nhạc, hội họa,... các em có dịp trau giồi năng khiếu và sẽ là một con người đa dạng trong tương lai. Đừng bắt con em vùi đầu trong sách vở nhiều quá. Các trường đại học khi cứu xét đơn nhập học họ chú trọng đến các thành quả học vấn của con em và luôn cả những hoạt động kh´ác.
- Hãy để con em tự chọn lựa các môn học hay nghề nghiệp trong tương lai. Phụ huynh chỉ nên khuyên nhủ và giúp đỡ con em trong quyết định này. Có bao nhiêu sinh viên lãng phí chọn ngành không đúng vì áp lực của gia đình mà tôi thấy trường hợp này xảy ra trong họ hàng và chính tôi.
- Hãy tham dự các ngày họp phụ huynh và giáo sư để biết thêm về thầy cô và việc học của con em. Học sinh thường có hai cá tính khác nhau tại nhà và tại trường cho nên phụ huynh cần biết thêm về hạnh kiểm hay học vấn của con em qua buổi họp này.
- Hãy ủng hộ giáo sư. Phụ huynh đầu tư thời gian cho tương lai con em vì thế phụ huynh cũng cần nên ủng hộ giáo sư là người dạy dỗ con em mình. Các mong mỏi của giáo sư cũng giống như của mọi người - trường đầy đủ tiện nghi, lớp không quá nhiều học sinh, và lương giáo sư phải thích hợp với vật giá gia tăng. Tất cả nhà giáo chúng tôi không ai toàn thiện cả nhưng chúng tôi cố gắng làm theo cho một mục đích giống nhau - cải thiện một thế giới tốt hơn bằng sự giáo dục.
Dù chúng ta đang sống tại Hoa Kỳ nhưng mong mọi người không quên truyền thống tôn sư học đạo của Việt nam. Chúng ta có câu:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.
Mong lắm thay!
Nhân mùa nhập học xin chúc quí vị phụ huynh và các em học sinh một niên học mới dồi dào sức khoẻ và mọi sự như ý. Các thầy cô luôn vui vẻ có nhiều nghị lực trong việc dẫn dắt giáo dục đàn trẻ nhiều thành công.
Đặng Hà Nội
No comments:
Post a Comment