Sunday, September 18, 2016

Hồn ma cũ!


Đoàn xuân thu
Thưa mấy hôm rồi, bầu rượu túi thơ, tình cờ xuống chốn giang hồ, tui có dịp may diện kiến và đàm đạo với một độc giả thân thương. “Hỏi rằng quê ở nơi đâu?” Tui trả lời: “Sài Gòn, quận Nhứt! He he!”
Phải là quận Nhứt (hạng) ở Thủ đô Sài Gòn mới hỏng sợ anh bạn mới quen nầy ngon hơn mình nữa!
Ảnh nhìn tui với đôi mắt FBI (Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ), nghi ngờ tui là cái thằng chuyên dóc tổ…
“Quận Nhứt nhưng mà chỗ nào?”
“Tân Định?”
Rồi lại thêm màn tra vấn: “Tân Định, Hai Bà Trưng hay Tân Định, Trần Quang Khải? Tui ở đường Phạm Đăng Hưng nè! Có Viện Nhu đạo Quang Trung của Thượng tọa Thích Tâm Giác, Giám đốc Nha Tuyên úy Phật Giáo! Tui có võ Judo, đeo tới đai vàng, đệ tử ruột của Võ sư Chiêm Huỳnh Văn nè! Ngán hông?”
Chu choa, người ta học Nhu Đạo, đeo tới đai đen, một hai, đẳng còn chưa dám khoe. Thằng cha nầy mới có thắt đai vàng, học mới ba tháng, mà nổ như đẻ gần Trảng Bom vậy!
Dẫu nghĩ vậy; nhưng thưa vốn là con người tế nhị, tui giả bộ… khờ thôi hết biết, hỏng nói ra làm chi, đâu có ích lợi gì?
Nên tui trả lời xuôi xị hè: “Tui ở nhà số 9, trên lầu hai cư xá công chức, hẻm 230, sát bên hông Bưu điện Tân Định!”
Anh độc giả nầy điềm nhiên đi ‘bốt đờ sô’ vô đời tư của tui!
Sau khi điều tra xét hỏi lung tung cũng hơi tin tin; nhưng ra vẻ ta đây là người Tân Định cố cựu nên thằng chả làm tàng cho tui thi thêm vài câu vấn đáp nữa.
“Đường Phạm Đăng Hưng, bây giờ bị đổi tên thành đường Mai Thị Lựu!”
Tui hỏi khó: “Mai Thị Lựu hay Mai Thị Lựu ‘đạn’ là ai?”
Thì thằng chả bí lù và tui cũng mù, hỏng biết luôn! Mà biết để làm cái ‘quái’ gì chớ?!
Anh bạn hơi bị quê xệ, ráng vớt vát là trên đường Mai Thị Lựu tức Phạm Đăng Hưng nầy có ngôi chùa Tàu gọi là Điện Ngọc Hoàng cho bà con người Hoa hay đến cầu con trai mà Tổng thống Barack Obama mới vừa đi thăm đó!
“Ủa! Tổng thống Mỹ đi thăm người Việt mà vô Chùa Tàu chi vậy cà? Tréo cẳng ngỗng hết trơn!” Bộ có hai đứa con gái, giờ ổng muốn cầu có một đứa con trai… cho nó giống tui… sao chớ?
“À chắc tại Mỹ xa quá nên ông Obama hỏng biết ất giáp gì, mấy đứa chủ nhà mời đi đâu thì đành đi đó… Chớ con nào cũng là con! Trai hay gái gì mình cũng thương hết ráo!”
Mai Thị Lựu gì đó là tui không biết thiệt vì từ hồi vượt biên tới giờ tui chưa có trở về thăm, nhưng Phạm Đăng Hưng là tui biết nhiều à nha. Vì nó có dính tới cái Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nằm trên đường Hai Bà Trưng, Tân Định đó.
“Biết gì nói thử nghe coi!”
Được lời như cởi tấm lòng, tui bèn đem mớ kiến thức lượm được trên mạng mà phang tá lả cho thằng chả ngán, để không dám giỡn mặt với một con người trí ‘tệ’ như mình chơi!
Chớ thú thật với bà con là hồi nhỏ tới lớn tui sợ ma lắm! Nói tới người chết, nói tới nghĩa trang, nơi người chết ở… là hỏng có tui trong đó rồi!
Chẳng qua ông Phạm Đăng Hưng từng làm tới chức Lễ bộ Thượng thư, (như Bộ trưởng Bộ Giáo dục bây giờ), là người ở Giồng Sơn Quy (xưa thuộc huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định); nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công.
Mùa hạ năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, được đưa về quê nhà ở Giồng Sơn Quy chôn cất.
Con gái của ông là Phạm Thị Hằng (sinh năm 1810), tức Hoàng Thái hậu Từ Dũ vốn được gả cho Hoàng tử Miên Tông, sau này là Vua Thiệu Trị.
(Thời Việt Nam Cộng Hòa mình có Bảo sanh viện Từ Dũ nằm ở đường Cống Quỳnh đó đa! Sau bị đổi tên là Xưởng đẻ Từ Dũ! Từ Bảo sanh viện đổi thành Xưởng đẻ…Thiệt là hay chữ thôi hết biết hé!)
Đối với Vua Tự Đức, con Vua Thiệu Trị, thì Phạm Đăng Hưng là ông Ngoại nên mới được truy phong Đức Quốc Công vào năm 1849.
Năm 1858, Vua Tự Đức sai đại thần Phan Thanh Giản khắc bia ghi lại công trạng của ông Ngoại mình; rồi cho chuyển vào Bến Nghé nhưng tấm bia nầy biến mất một cách bí ẩn. Mãi tới đúng 140 năm sau, (1859-1999), châu mới về hợp phố!
Chẳng qua là do việc xóa sổ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bọn vô thần đào mồ cuốc mả người ta để làm công viên Lê Văn Tám, đã phát hiện tấm bia mộ của Đại úy Thủy quân Pháp Nicolas Barbé chữ được khắc phía mặt sau, chính là tấm bia ghi công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Năm 1858, Nicolas Barbé xua quân chiếm giữ Chùa Khải Tường, một ngôi cổ tự, tọa lạc trên một gò cao tại ấp Tân Lộc, thuộc Gia Định xưa.
Barbé là một tên thực dân vô lại, cho đem tượng Phật bỏ ngoài sân, đuổi các vị sư trụ trì ra khỏi Chùa.
Chính Barbé cướp tấm bia vào năm 1858 và Trời bất dung gian đảng, 2 năm sau, y bị Nghĩa quân Trương Định giết chết, Tây đã lấy tấm bia ấy làm bia mộ cho y!
Vào tháng Ba năm 1955, nghĩa trang rộng khoảng 7.5 ha này, được mang tên nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Phía Bắc là đường Hai Bà Trưng, phía Đông là đường Phan Thanh Giản, phía Tây là đường Hiền Vương và phía Nam là đường Phan Liêm. Còn đường Mạc Đĩnh Chi thì đâm vô ngay cổng chánh!
Thoạt kỳ thủy là Nghĩa trang cho người Châu Âu (Cimetière Européen) hay Nghĩa trang Massiges hoặc Đất Thánh Tây theo cách gọi của người Sài Gòn, là nơi chôn cất các lính bộ binh, thủy thủ và sĩ quan Pháp trong cuộc chiến nhằm chiếm đóng Sài Gòn. Và tên thực dân xâm lược Nicolas Barbé là một trong những khách hàng đầu tiên đến thường trú!
Từ ngày 14 tháng Chạp năm 1912, nghĩa trang này vốn dành riêng cho người Châu Âu trở thành một nơi chôn cất cho tầng lớp thượng lưu của Nam Kỳ thuộc địa.
Kết quả là: các ngôi mộ của nhiều người lính và thủy thủ đa phần là Pháp, vốn không có thân nhân ở gần nên bị bỏ phế, cỏ mọc um tùm.
Đã có những lời chỉ trích việc “không cữ kiêng”, đào mồ cuốc mả những người nghèo, chỉ cho chôn trong thời hạn bảy hay tám năm rồi phải di dời đi nơi khác, để nhường chỗ cho những người giàu có và nổi tiếng.
(Sống giành nhà! Chết rồi lại giành đất để chôn! C’est la vie!)
Thưa nhà văn Ngọc Linh, sau 75, không còn thấy viết tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo như trước nữa! Chắc để kiếm sống, ông quay qua viết tuồng “Nàng Hai Bến Nghé” dựa trên sự kiện lịch sử nầy.
“Nàng Hai Bến Nghé” với đào chánh Mỹ Châu và kép Hùng Minh trong vai Đại úy Barbé. Vì Hùng Minh cao lớn giống như Tây vậy!
Nàng Hai – một người con gái Bến Nghé trẻ đẹp, yêu một anh học trò nghèo cùng xóm tên Tri! Nhưng nàng Hai bị buộc phải về làm thiếp cho tên Lãnh binh Sắc lớn tuổi, hung hăng và tàn bạo.
Lãnh binh Sắc nghi vợ mình vẫn còn tơ tưởng tới tình xưa, nên rất ghen tức. Một hôm Sắc cho người giả danh vợ mời Tri tới nhà bàn công việc gấp. Khi hai người gặp nhau, Sắc rời khỏi nơi ẩn nấp bước ra tri hô, ghép họ vào tội lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông cả hai người.
Một hai hôm sau viên quan ba Barbé, đóng binh ở chùa Khải Tường đang đi săn, bất ngờ gặp một bè chuối trôi trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết đuổi theo bè. Barbé liền nổ súng, sấu sợ hãi lặn trốn mất.
Khi bè được vớt lên, người con trai tức Tri bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Phần người con gái là Nàng Hai còn thoi thóp thở.
Sau khi được chăm sóc, thấy Nàng Hai trẻ đẹp nên Barbé, vốn là tên thực dân háo sắc, ép cô phải chung sống với mình. Nàng Hai đành phải tỏ vẻ ưng thuận với điều kiện là được trở về nhà để thu xếp việc riêng.
Hôm đó là ngày mồng 7, tháng Chạp, năm 1860, trời vừa sụp tối, nghe lính canh báo có Nàng Hai đến xin gặp. Barbé mừng rỡ phóng ngựa ra đón, đâu ngờ mình đã trúng mỹ nhân kế, điệu hổ ly sơn của Nghĩa quân Trương Định!
Đúng là: “Súng giặc đất rền/ Lòng dân trời tỏ….
…Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ”
(Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu)
Còn Trung úy Hải quân người Pháp là Léopold Pallu đã sang Sài Gòn tham chiến, sau này, kể lại:
Buổi chiều hôm đó, Đại úy thủy quân Barbé cưỡi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây…Ông bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An Nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kỳ Hòa.
Sáng hôm sau, người ta thấy phần thi thể còn lại (của Barbé) bị kéo bỏ bên vệ đường; con ngựa bị thương nằm bất động kế bên.
Người ta kể lại rằng khi cái đầu ông Đại úy đem đến đặt bên khay trầu của vị tướng An Nam, thì ông này liền đếm tiền thưởng mà không nói gì, rồi sau đó mới thốt ra một lời tiếc thương!”
Thưa rồi sau 75, Sài Gòn mình tức đất Bến Nghé xưa thất thủ.
Mà đâu phải chỉ riêng Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi của giới thượng lưu, Nghĩa trang quân đội Pháp tại ngã tư Bảy Hiền và Lăng Pigneau de Béhaine tức Lăng Cha Cả, gần sân bay Tân Sơn Nhất… mà còn những nghĩa trang khác rải rác khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa như Nghĩa trang Quân đội, Nghĩa trang Công chức cũng đều chịu nỗi tang thương.
Trong vòng hai tháng, thân nhân của người quá vãng phải tự lo hốt cốt, di dời; bằng không thì tụi nó đem đi đốt…
Thiệt chết rồi mà cũng còn bị hành hạ, hỏng có được yên mồ yên mả!
Thưa bà con! Phong tục tang ma xưa giờ của dân mình là địa táng tức là chôn xuống đất.
Tục ngữ có nói “Sống cái nhà, thác cái mồ”. Khi còn sống, ai ai người ta cũng phải lo cho mình có cái nhà để ở. Trước khi chết, ai cũng mong có ngôi mộ đàng hoàng để được ‘mồ yên mả đẹp’.
Tục ngữ cũng có nói: “Có mồ có mả thì ả làm nên”. Người chết mà “mồ xiêu mả lạc” thì con cháu không thể “ăn nên làm ra”
Bà con mình còn đi nhờ thầy Địa lý, chi biết bao nhiêu tiền của, để cố tìm cho được long huyệt để sau nầy con cháu phát làm vương, làm tướng!
(Chuyện Thầy Tả Ao, chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà ai cũng tin là thiệt đó thôi!)
Thế nên vì lòng tham không đáy, bọn vô thần nhẫn tâm đi đào mồ cuốc mả của ông bà cha mẹ người ta để cướp đất,… thì dẫu không dám nói ra nhưng trong lòng, họ oán giận lắm!
Rồi bây giờ, Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đã thành Công viên Lê Văn Tám rồi sẽ lại bị đào mồ cuốc mả thêm lần nữa để trở thành siêu thị… gì gì đó!
Thì: “Ê! Ngon nhào vô làm đi! Sẽ biết thế nào là lễ độ với những hồn ma cũ nầy đã từng bị đuổi nhà một lần, nên hồn vẫn còn vất vưởng, lảng vảng quanh đây, hiện về báo oán cho mà coi!”
Đoàn xuân thu
Melbourne

No comments:

Blog Archive