Sunday, September 25, 2016

Kỷ niệm 40 năm ngày rời Đà Nẵng...

 
Đỗ Thanh Giang

Gửi đến các bạn một kỷ niệm đời Quân ngũ, với một hào khí ngất trời xanh...

... Từ căn cứ Thái Dương, ĐĐ được lệnh TĐT/ Trung tá Lê Bá Bình di chuyển về hướng Bắc. Ban chỉ huy ĐĐ đóng tại Tiền Trạm TQLC bên phải QL 1, cách LD 369 TQLC khoảng 1 cây số về hướng Nam. Nhiệm vụ bảo vệ LĐ 369. Trung đội được lệnh vượt qua cầu Hải Lăng về hướng Bắc LĐ 369, sau đó toàn bộ Trung Đội trám vào một căn cứ Pháo đội PB/ TQLC hiện đã bỏ trống tự bao giờ. 


Lần đầu vào trong 1 căn cứ (Pháo đội K ? ), tôi không thể nào tưởng tượng được rằng nó to lớn đến vậy. Trong đó chứa đựng sáu (6) ụ súng 105 mm, rồi nào là hầm đạn. etc... tóm lại căn cứ của Pháo đội này quá lớn so với quân số Trung đội chỉ vỏn vẹn 28 Quân nhân kể cả tôi. Dẫn các Tiểu đội trưởng và Trung đội phó đi giáp tuyến phân chia các vị trí Tiểu đội tôi nhớ mất gần 1 tiếng đồng hồ so với những nơi khác chỉ cần 5 tới 10 phút là đủ. Sau khi suy nghĩ, tôi đành phải quậy lại cho phù hợp với quân số hiện có bằng cách, bỏ một số tuyến quá xa bằng cách gài lựu đạn và mìn Claymore cũng như phá hủy một số các ụ súng 105 mm.

Nhưng cho đến giờ phút này tôi vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra. Qua một đêm yên tĩnh, theo thói quen, tôi ra coi lại tuyến phòng thủ. Trong sương mù buổi sáng, lờ mờ trước mặt, thằng em Quân đội báo cáo vô sự. Ngồi bên cạnh nó, trời tháng 3 vẫn còn sương lạnh, mùa Đông vẫn còn sót lại đâu đây. Kéo cao cái field jacket, thằng em đưa điếu thuốc đầu một ngày, hít một hơi dài tận hưởng khói sương trong sương mù lãng đãng. 


Nhìn thằng em Quân đội, nét mệt mỏi thoãng qua khuôn mặt, nó còn rất trẻ, nhưng đã hai lần đăng lính. Rời đơn vị BDQ đóng ở vùng Biển hồ, nó đào ngũ và chui vào TQLC đã được khoảng đâu 1 năm. Trẻ nhưng khuôn mặt nhìn kỹ cũng đã có nét phong trần. Thật sự tôi cũng không thể biết sẽ ở TQLC trong bao lâu nữa, nhưng hiện giờ thì nó là một thằng lính tốt. Mà nó đi đâu bây giờ ? Đã có lúc tôi tự hỏi, 

Tết Mậu Thân 1968, đã vứt nó ra khỏi bàn tay người mẹ nghèo nàn mạt rệp khu Khánh hội, khi nó mới 15 tuổi. Mẹ nó đã chết vì một viên đạn vô tình từ đâu đó khi đang cùng nó bỏ chạy cùng đôi quang gánh, mà trên đó chứa đựng tất cả những gì mà mẹ nó có để cố gắng nuôi nó lớn lên. Tự nhiên lớn lên trong một con hẻm, mà con hẻm đó chỉ là nơi chứa chấp những ổ điếm rẻ tiền. Mẹ nó chết vô tình, những người lính Cộng Hòa coi như xác vô thừa nhận, người ta chôn đâu đó nó cũng chẳng rõ. Năm sau nó đăng lính BDQ theo 2 thằng bạn bụi đời như nó. Những người lính tuyển mộ đưa cho nó một tờ Khai sinh với một cái tên lạ hoắc. Nó mang cái tên đó 2 năm sau đó, đào ngũ, vất vưởng ở Nha Trang, vào Sài gòn đăng TQLC. Nó bảo tên nó giờ là thật. TQLC không hỏi Khai sinh !!!

Trời sáng dần, nhưng vẫn còn sương mù. Nhưng sao lạ kìa. Xa xa trong sương mù buổi ban mai, chúng tôi đã nhìn thấy bóng dáng những người như dân chúng, thỉnh thoảng xen lẫn những người lính với Ba lô và nón sắt đang trên đường vội vã xuôi Nam từ hướng chi khu Mai Lĩnh hay đúng hơn từ hướng sông Thạch Hãn. Trời sáng dần, không còn nghi ngờ gì nữa, dân và lính bắt đầu bỏ đi về hướng Nam ra Mỹ Chánh. Quá bất ngờ tôi bốc máy liên lạc ĐĐ, nhưng ban chỉ huy ĐĐ cũng không biết gì hơn tôi biết. Tôi dẫn theo vài thằng em, không quên cái PRC 25, chận những người dân và họ cho tôi biết, TQLC sẽ bỏ Quảng Trị. Những người lính ĐPQ tự động bỏ ngũ di tản theo thân nhân của họ. Quốc lộ 1 xuôi Nam giờ đã đông người di tản. Thế nhưng cho đến giờ phút này tôi cũng như ĐĐ đều đã không nhận được bất cứ một lệnh lạc gì từ những cấp cao hơn. Trở về tuyến, trong tâm trạng chới với, thật ra cho đến lúc đó trong tôi vẫn không thể tin hay nghĩ tới một điều không dám nghĩ. 


Ngày hôm sau 15/03/1975, tôi mới biết là Trung đội sẽ được một đơn vị BĐQ thuộc Liên đoàn 14 thay thế LĐ 369 cũng như thay thế vị trí đóng quân của tôi. Một ngày lại trôi qua, cứ mỗi lần thấy 4 thằng em mà tôi ra lệnh nằm phục kích ngoài tuyến khoảng 100 mét, tôi cảm thấy những gì tôi suy nghĩ là sai. Nhưng sao dân di tản ngày một đông. Người ta bằng mọi phương tiện sẵn có, xuôi Nam vội vã. Kinh nghiệm mùa hè 1972 và Đại lộ kinh hoàng ngày nào đã chắc chắn để lại một dấu ấn khó phai với bao tang tóc tận cùng bằng số. Và cũng chính vào thời điểm này tôi cũng được biết là Trung đội của tôi chính là Trung đội xa nhất của TQLC trên QL 1. Liên đoàn 14 đã và đang bán gạo "bàn giao" với LĐ 369. 

Sáng 16/03/1975, LĐ 369 di chuyển vào Thường Đức thay cho LĐ 2/ ND. Vẫn chưa có ai đổi tuyến. Lại một đêm chờ đợi, tôi vẫn không tin đây là một cuộc di tản, chỉ là một vụ chuyển quân đổi vùng trách nhiệm.

Sáng 17/03/1975, vừa thức dậy, ĐĐ goi thông báo cho con cái cuốn tượng, sẵn sàng 265 (di chuyển). Khoảng 10 giờ sáng 1 chiếc Gái Muốn Chồng (GMC), cách tuyến khoảng 500 mét. Và lúc này thì tôi biết coi như bỏ ngỏ căn cứ PB của Phái đội K ? TQLC. Xe chạy ngang LĐ 369, giờ này đã thấy bóng dáng những người lính Mũ nâu. Họ dơ tay vẫy, nhưng đâu có ai ngờ đó chính là những cái vẫy tay vĩnh biệt, bởi chỉ 4 ngày sau Bắc quân với chiến xa T 54 và một quân số đông gấp 100 lần đã xóa sổ đơn vị này, sau những cuộc chạm súng nẫy lửa. 


Xe ngừng ở Tiền trạm đóng toàn bộ ĐĐ và chúng tôi xuôi Nam trực chỉ Thường Đức. Bây giờ là 5 Gái Muốn Chồng, xuôi Nam. Đoàn xe đến Phong Điền phải ngừng lại vì VC đã pháo kích Quận lỵ. Một pháo đội TQLC bên trong một trường học đang nã súng về hướng Hòa Mỹ, ngang kho đạn của ND. Chắc là bắn yểm trợ cho TĐ 4 hay 7 trong đó với đồi 51 và đỉnh Helen cao 675 mét, nơi có VC. Lúc này căn cứ Hiệp Khánh của SĐ/ ND cũng đã rút toàn bộ yểm trợ cho Thường Đức và những nơi khác. 

Khoảng hơn 1 giờ, xe di chuyển qua Cầu An Hòa, dọc đường dân di tản đầy đường phố. Đến lúc này thì tôi đã biết hoặc mường tượng một điều gì đang xảy ra mà tôi không thể xác định. Huế bây giờ hỗn loạn, Huế bây giờ không hề thấy những tà áo trắng ngày nào.

Người ta ngược xuôi chạy loạn, bằng đủ mọi phương tiện. Đoàn xe tiến vào đèo Hải Vân, và bị kẹt nặng vì dân di tản, chúng tôi phải xuống xe giúp đỡ đồng bào cũng như những chướng ngại vật hầu đoàn xe có thể vào vùng HQ là Thường Đức, có nghĩa chúng tôi phải vào được Đà Nẵng lúc đó đã quá trưa mà đoạn đường tắc nghẽn vẫn chưa thể giải quyết. Tôi nhớ từ Huế vào Đà Nẵng trên bản đồ đâu chỉ khoảng trên dưới 100 Km mà cuối cùng chúng tôi phải mất gần 8 tiếng mới có thể tiến vào Đà Nẵng khi trời đã tối. Đà Nẵng cái tên tôi chỉ biết qua sách vở và những câu chuyện, vậy mà giờ đây là một Thành phố hỗn loạn, dân di tản ngược xuôi từ Huế và Quảng Trị đổ về, lang thang đây đó.

Lòng chùng xuống theo lo lắng của người di tản. Kinh nghiệm Mậu Thân, Mùa hè đỏ lửa, đại lộ kinh hoàng, họ đang tìm một cứu cánh, họ đang tìm những khẩu M 16 và những quân nhân đã từng cưu mang họ. Nhưng làm sao đây. Đoàn xe vẫn cứ phải theo lộ trình đã định, bỏ lại đằng sau những lo lắng nhọc nhằn, của cải một đời lao khổ, nơi một trong những nơi đất cày lên sỏi đá, một nơi mà họ chẳng bao giờ muốn lìa xa. Nơi chôn nhau cắt rún, nơi chỉ có khoai và sắn thay vì gạo. Nhưng hôm nay họ vẫn phải ra đi, vứt bỏ tất cả, bởi họ lo lắng sẽ có thêm những mảnh khăn tang và những chiếc áo sô gai phủ lên người thân của họ. Quảng Trị nơi mà thượng đế đã bỏ quên không cho họ một may mắn dù rất nhỏ. 


Vào đến Thường Đức đã khuya. Những người lính ND, rách tả tơi, hốc hác. Gặp thằng Trung đội trưởng ND, nó chỉ còn 12 thằng lính kể cả nó. Nó mệt chẳng muốn nói, đưa tay chỉ bậy bạ rồi ra đi thất thể nhọc nhằn, bước đi chập chờn như ma trơi giữa đêm khuya, ngẫm lại thân mình và 27 thằng em Quân đội...

Kỷ niệm 40 năm ngày rời Đà Nẵng...

Đỗ Giang
Thần Ưng Cảm Tử
KBC. 3300 HQ

No comments:

Blog Archive