Tuesday, September 20, 2016

Chùa Giác Hoàng tai qua nạn khỏi

Nguyễn Quốc Khải/ Nhà báo độc lập


Như đã thông báo cách đây hơn 2 tuần, phán quyết ngày 31-8-2016 của Bà Chánh Án Ronna Beck thuộc District of Columbia Superior Court đã chấm dứt vụ kiện tụng về chùa Giác Hoàng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ. 

Theo lệnh của Tòa, chiều thứ Sáu, 16-09-2016, vừa qua Ô. Đào Văn Tư, pháp danh Chân Thức, đã ra khỏi chùa Giác Hoàng. Sau hơn 9 tháng tranh tụng, sự bình an đã trở lại với ngôi chùa này, một ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở Hoa Kỳ sau 1975. Chúng tôi cũng mới nhận được biên bản gồm đầy đủ chi tiết của phiên tòa này. Bài tường thuật sau đây phần lớn dựa vào biên bản này. Đây là một tài liệu công cộng. 
  • Nguyên do của sự tranh tụng

Theo biên bản 31-8-2016 của Tòa, đúng như chúng tôi đã trình bầy trong bài báo ngày 19-05-2016 với tựa đề “Vấn đề tiếm danh trong vụ tranh chấp tại chùa Giác Hoàng,” việc các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, và Giác Đức thành lập một Hội Đồng Quản Trị thứ hai vào ngày 16-11-2015 gồm thêm ba ông Nguyễn Đức Đạt, Trương Quang Đại, và Phó Hồng Hà là nguyên do gây ra vụ kiện tụng.  

Hình bên cạnh là đơn (số GN-2) nộp cho chính quyền District of Columbia vào ngày 30-10-2015 để khai báo thành phần HĐQT của nhóm Nguyễn Ngọc Bích (danh từ của Tòa).  Đây chính là thủ phạm gây nên vụ kiện. Trên đơn này có câu (chữ trắng trên nền đen): “Nếu ông/bà ký vào mẫu đơn này, ông/bà đồng ý rằng bất cứ ai khai gian dối có thể bị trừng trị theo luật hình sự với tiền phạt lên tới $1,000, giam tù lên tới 180 ngày, hoặc cả hai.”

Bà Ronna Beck nhận định trong biên bản rằng:

“Hội Đồng Quản Trị của bên nguyên đơn nhân danh chùa [Giác Hoàng] đã đưa đơn kiện để xin Tòa xác nhận HĐQT của họ là hợp pháp và ngăn cấm HĐQT của ô. Bích. Cũng chính Hội Đồng Quản Trị của bên nguyên đơn xin Tòa xử vụ chủ nhà và người thuê là Ô. Đào [văn Tư] tức Thích Chân Thức.”

Hội Đồng Quản Trị thay đổi theo thời gian

Trong biên bản 31-08-2016, Bà Chánh Án Ronna Beck nhận xét như trong bài báo 19-05-2016 rằng:

“Theo các bị đơn, [từ ngày thành lập] cho đến 2015, HĐQT chỉ gồm có những sáng lập viên. Nhưng nhiều chứng cớ quan trọng cho thấy rằng HĐQT thay đổi theo thời gian và vào 2015 nhóm bị đơn tự cho là họ có quyền bổ nhiệm thêm người vào HĐQT nhưng chính họ không còn ở trong HĐQT nữa.” 

“Những lời khai của Ô. Bích và Giác Đức hỗ trợ sự thật rằng những người khác được thêm vào HĐQT qua nhiều năm.”

“Thí dụ, Ô. Bích khai rằng ông tham dự buổi họp của HĐQT vào ngày 06-09-1981, thành viên mới được thêm vào HĐQ được nêu rõ tên là Ô. [Tăng Xuân] An và  Ô. [Trương Cam] Khải. Ông Bích cũng khai rằng trong buổi họp HĐQT mới những thành viên được nêu tên gồm Hòa Thượng [Thích Tâm] Châu, Hòa Thượng [Thích Thanh] Đạm, Ô. Nguyễn Văn Bích, Thích Nữ Giác Nghiêm.”

“Một thí dụ khác, Giác Đức khai rằng tại buổi họp của HĐQT vào 17-03-1979, Ô. Vũ Ngọc Trình được mời tham gia HĐQT và Ô. Trình tham gia HĐQT sau khi Giác Đức dọn lên Massachusetts.” 

Hội Đồng Quản Trị của Ô. Nguyễn Ngọc Bích có hợp pháp hay không?

Chúng ta sẽ lần lượt phân tách vai trò của ba thành viên chính trong “Hội Đồng Nguyễn Ngọc Bích” (Bich Board: từ của Tòa): Giác Đức, Nguyễn Ngọc Linh, và Nguyễn Ngọc Bích.
  • Trường hợp Ô. Giác Đức
Bà Chánh Án Ronna Beck lên án nặng nề Ô. Giác Đức. Trong suốt phiên họp 31-08-2016, Bà Beck chỉ đề cập đến ông này bằng tên mà không kèm với chức vị. Bà Ronna Beck phán rằng:

Đối với  Giác Đức, trong nhiều lãnh vực, tôi không tìm thấy ông ta là một nhân chứng đáng tin cậy. Theo quan điểm của tôi, sự thiên lệch của ông để làm lợi cho lập trường của bên bị đơn đã ảnh hưởng đến lời khai của ông, bóp méo những lời khai này bất kể đến sự thật cơ bản.”

(With respect to Giac Duc in many respects I do not find him to be a credible witness. In my view his bias in favor of the defendants’ position had a major impact on the testimony he gave, causing the testimony to be distorted, sometimes without regard to the underlying fatcs.)

Bà Beck nhận định rằng không có sự tranh cãi về việc Giác Đức từ chức chủ tịch [Ủy Ban Điều Hành] của HĐQT vào tháng 2, 1980 khi ông muốn lập gia đình và thành lập một dòng tu Phật Giáo mới tại Massachusetts, khác với Công Đồng Phật Giáo tại Mỹ [Buddhist Congregational Church of America – BCCA], chấp nhận tu sĩ có gia đình.  Vấn đề gây tranh cãi là Ô. Giác Đức có từ chức hoàn toàn ra khỏi HĐQT hay không. Như tôi sẽ thảo luận, cuộc bầu cử HĐQT vào tháng 9, 1981 làm cho sự phán quyết này không còn cần thiết.

“Theo biên bản của những buổi họp của HĐQT, Ô. Bích, Ô. Linh và Giác Đức không còn là thành viên của HĐQT  nữa sau ngày 06-09-1981.  Không có một tài liệu nào thấy được trước khi Sư Trụ Trì [Thích Thanh] Đạm qua đời chứng minh khác đi. Những phúc trình hàng năm hỗ trợ sự thật rằng có những thay đổi trong HĐQT và Ô. Bích, Ô. Linh, và Giác Đức không ở trong HĐQT vào năm 2015.”

“Biên bản của buổi họp [HĐQT] vào ngày 05-05-1985 cho thấy cuộc bầu cử sau nhiệm kỳ bốn năm 1981 – 1984, cho nhiệm kỳ 1985-1989. Một lần nữa biên bản cho thấy thành viên sáng lập duy nhất còn lại ở trong HĐQT là Hòa Thượng [Thích Thanh] Đạm.”
  • Trường hợp Ô. Nguyễn Ngọc Bích
Về Ô. Bích Bà Chánh Án nhận định như sau: “Tài liệu chứng tỏ rằng Ô. Bích đã bị loại khỏi HĐQT với tư cách là thư ký. Điều này giải thích lý do tại sao ông lại tự nhận là nguyên thư ký (former secretary) và than phiền về việc bị loại ra khỏi HĐQT. Sự việc này được thảo luận tại buổi họp của HĐQT vào ngày 06-09-1981. Cũng trong buổi họp này HĐQT được tổ chức lại.


Bà Ronna Beck nhận xét tiếp như sau: “Lần cuối Ô. Bích được liệt kê trong phúc trình hàng năm vào tháng 2, 1981. Điều này phù hợp với sự kiện Ô. Bích bị loại ra khỏi HĐQT với tư cách là thư ký của HĐQT  và không được bầu lại vào tháng 9, 1981.”

Theo lời khai của Ô. Bích, người tham dự buổi họp 06-09-1981, biên bản của buổi họp này chính xác. Trong lần lấy khẩu cung (deposition) cuối cùng kéo dài hơn 5 giờ vào ngày 26-02-2016 tại văn phòng của LS Damon Bernstein, Ô. Bích lúng túng khị bị LS Vassar yêu cầu dịch chữ “nguyên” sang tiếng Anh nhiều lần. Khi thì Ô. Bích dịch chữ nguyên là “original” khi thì dịch thành “former”.  LS Vassar hỏi chữ “former” có nghĩa là gì, Ô. Bích chỉ trả lời loanh quanh.  

Chúng ta còn nhớ trong một số thư (hình bên cạnh) gửi Hòa Thượng Thích Tâm Châu và Cụ Đỗ Đình Lộc vào 2011 và 2012, Ô. Bích ký tên với danh nghĩa là sáng lập viên và nguyên Tổng Thư Ký của HĐQT chùa Giác Hoàng. Tức là Ô. Bích thừa nhận mình không còn là tổng thư ký của chùa Giác Hoàng nữa. Điều này khó có thể chối cãi được. 
  • Trường hợp Nguyễn Ngọc Linh

Bên bị đơn đến hầu tòa: Ô. Nguyễn ngọc Linh (ngồi xe lăn), Pháp sư Giác Đức ( ngồi xe lăn),
phía sau hai ông là Ô. Đào văn Tư ( pháp danh Chân Thức), và những người ủng hộ bên bị đơn.

Về Ô. Linh Bà Chánh Án Ronna Beck nhận định như sau: “Không có sự tranh cãi về trường hợp Ô. Linh nộp đơn xin từ chức vào 1978 liên quan đến việc ông dọn về Texas. Việc từ chức của ông được ghi nhận trong buổi họp ngày 17-03-1979. Biên bản của buổi họp viết rõ rằng Ô. Vũ Phan đề nghị một phó chủ tịch của HĐQT được chọn để thay thế Ô. Linh.  Đề nghị này được mọi người đồng ý hoãn cứu xét đến buổi họp kế tiếp.”

Bà nói tiếp: “Tôi muốn nói rằng việc bầu một phó chủ tịch được hoãn lại, chứ không phải việc Ô. Linh từ chức có gì đáng ngờ vực. Không có một tài liệu nào chứng tỏ rằng việc từ chức không được chấp nhận và việc ông tiếp tục ở trong HĐQT. Ngoài ra Ô. Linh không bao giờ được liệt kê là một thành viên (director or officer) của HĐQT trong những phúc trình hàng năm và bản phúc trình đầu tiên được thực sự đệ trình vào 1981.”

Theo nhận xét của Bà Chánh Án Ronna Beck, Ô. Linh đã tách rời ra khỏi công việc của Công Đồng Phật Giáo tại Hoa Kỳ hoặc trí nhớ của ông không còn đáng tin cậy nữa như trường hợp ông trả lời câu hỏi về thành phần HĐQT vào 1981. Ông không còn nhớ Hòa Thượng Thích Thanh Đạm còn sống hay đã chết vào thời điểm đó. Thật sự Hòa Thượng Thích Thanh Đạm mới qua đời vào năm 2011. 
  • Họp HĐQT hay tiệc sinh  nhật  
Ba ô. Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, và Giác Đức khai rằng họ vẫn tiếp tục là thành viên của HĐQT từ 1981 đến nay.  Bằng cớ là họ đã họp HĐQT hàng năm.  Dù mỗi người ở mỗi nơi nhưng đã trở về gặp gỡ thường xuyên nhân dịp Giáng Sinh 25/12 và cũng là sinh nhật của thân mẫu của hai ông Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Linh. Địa điểm họp HĐQT của các ông này là tư gia của Ô. Bích tại Virginia nơi thân mẫu của hai ông cư ngụ. Buổi họp này bớt dần đi sau khi thân mẫu của hai ông qua đời vào năm 1995. Qua lời khai của các nhân chứng, những buổi họp trên đây không có biên bản và Cụ Đỗ Đình Lộc, một sáng lập viên và một thành viên HĐQT từ ngày thành lập chùa không được mời tới. 

Bà Chánh Án Ronna Beck cho rằng đây chỉ là những buổi hội họp riêng tư của một số bạn bè cũ để ăn mừng sinh nhật của thân mẫu của hai ông Bích và Linh. Ngoài ra như đã nói ở trên, theo Bà Chánh Án, sau 1981 cả ba vị này đã không còn ở trong HĐQT nữa. Bà Ronna Beck kết luận: “Gọi những cuộc hội hè này là cuộc họp của HĐQT chỉ là cố gắng quá trễ của một số sáng lập viên muốn dành lại quyền kiểm soát việc điều hành Công Đồng Phật Giáo tại Mỹ (BCCA) mà thôi.”
(Calling these [birthday gatherings] board meetings is an after the fact attempt by the founders to gain control of the governance of the BCCA.)

Vậy ai là người toan tính “cướp chùa” (từ của Ô. Nguyễn Ngọc Bích)?  Theo nhận định trên đây của Bà Chánh Án Beck, chính các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, và Giác Đức là những người chủ mưu “cướp chùa”. 

Về câu chuyện họp mặt Giáng Sinh trên đây, chúng tôi thấy ba ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, và Giác Đức quả thật là những người can đảm, coi thường Bà Chánh Án Ronna Beck  và xem tòa án Mỹ không khác gì một gánh xiệc. 

Hội Đồng Quản Trị của bên nguyên đơn có hợp pháp hay không?

Những phúc trình chùa Giác Hoàng nộp hàng năm cho chính quyền District of Columbia là những tài liêu quan trọng giúp cho thấy ai là ở trong HĐQT. Hòa Thượng Thích Thanh Đạm là người soạn những phúc trình này trong vài thập niên.  

Ô. Vũ Đoàn khai rằng ông được bầu vào HĐQT tại một buổi họp vào năm 1985 mà ông được tham dự. Bằng chứng số 25 của bên nguyên đơn chứng thực điều này. Ông từ chức HĐQT vào năm 1997 vì lý do sức khỏe rồi lại được chọn vào HĐQT vào 2012.  Bà Chánh Án Ronna Beck nói rằng bà tin cậy vào lời khai của Ô. Đoàn.
 
Về trường hợp của Bà Lê Tuyết Hạnh, Bà Chánh Án Ronna Beck nhận định rằng không ai thắc mắc về việc Bà Hạnh được bầu vào HĐQT vào 1981 và 1985. Một điều rõ ràng là Bà Hạnh đã đóng một vai trò quan trọng của một phụ tá thư ký trong hơn một thập niên.  Bà Chánh Án nói tiếp rằng Bà Hạnh không lưu tâm về chức vụ mà chỉ muốn phục vụ cộng đồng và những lời khai của Bà Hạnh không có gì đặc biệt quan trọng trong vụ kiện này. 

Phúc trình 2010 cho thấy Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Ô. Đỗ Đình Lộc, và Ô. Vũ Ngọc Trình là thành viên của HĐQT. Với sự trợ giúp của một cố vấn pháp luật, tại buổi họp vào ngày 17-12-2011, ba vị này bầu chọn thêm một số người vào HĐQT  để có đủ năm thành viên theo sự đòi hỏi của nội quy. Hai người mới gia nhập HĐQT là Ô. Vũ Đình Long và Sư Bà Thích Nữ Đàm Viên. Vào một buổi họp đặc biệt của HĐQT vào 2012 với tất cả năm vị trên có mặt, bốn thành viên mới được mời vào HĐQT: Các ông Nguyễn Đức Côn, Vũ Thế Bảo, Nguyễn Như Khuê, và Lâm Tú Phương.  

Bà Chánh Án nhận xét rằng vào năm 2011, Ô. Nguyễn Ngọc Bích biết rõ về phúc trình 2010 với ba thành viên Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Ô. Đỗ Đình Lộc, và Ô. Vũ Ngọc Trình. Ô. Bích cũng biết rõ về việc HĐQT có thêm Sư Bà Thích Nữ Đàm Viên và Ô. Vũ Đình Long vào 2011. Theo Bà Chánh Án Beck, nếu Ô. Bích và các bị đơn khác không hay biết về sự thay đổi nhân sự của HĐQT, điều này chứng tỏ họ không còn ràng buộc với công việc của BCCA. 

Vào ngày 25-01-2012, HĐQT của bên nguyên đơn nộp cho chính quyền District of Columbia phúc trình 2011 với năm thành viên tính đến ngày 17-12-2016. Nhóm Nguyễn Ngọc Bích đã không nộp một phúc trình tương tự nào cả. Ba năm đã trôi qua khi bên bị đơn nộp hồ sơ kiện lại vào ngày 28-12-2015. Hậu quả là bất cứ một thử thách nào đối với phúc trình 25-01-2012 là đã quá hạn. 
  • Phán quyết
Dựa vào những bằng chứng kể trên, Bà Chánh Án Ronna Beck đã phán quyết như sau:

1. Hồ sơ kiện lại (defendants’ counterclaim) của bên bị đơn bị từ chối.
2. HĐQT của bên nguyên đơn được thừa nhận là HĐQT hợp pháp của Công Đồng Phật Giáo tại Hoa Kỳ (BCCA).
3. Bên nguyên đơn rõ ràng được quyền hành động trong vụ tranh chấp chủ nhà – người thuê nhà để yêu cầu Ô. Đào Văn Tư còn gọi là Thích Chân Thức chấm dứt cư ngụ tại chùa Giác Hoàng.

Ô. Đào văn Tư  pháp danh Chân Thức, dọn ra khỏi chùa Giác Hoàng chiều ngày 16.09.2016


Phán quyết của Tòa bao hàm một ý nghĩa rằng nhóm Nguyễn Ngọc Bích khai gian trong đơn GN-2 trình District of Columbia vào cuối năm 2015 và sẽ phải chịu hình phạt theo điều luật số DCOC § 22-2405. 

Bà Ronna Beck nói rằng bà không giữ vai trò tìm giải pháp tốt nhất cho chùa hoặc bênh vực số đông hoặc thiên về số người có cảm tình với những sáng lập viên. Bà nói thêm rằng bà có trách nhiệm áp dụng luật và đây là những quyết định bà đã làm theo khả năng tốt nhất của bà.  

Bà Ronna Beck ca ngợi người Việt ty nạn là những người can đảm, đến Hoa Kỳ thường không biết tiếng Anh, hầu như không có một tài nguyên nào, và phải tự kiếm sống. Bà hi vọng rằng những người được hỗ trợ bởi phán quyết của Tòa sẽ tìm cách hòa hợp và hàn gắn lại cộng đồng. 

Nhờ Bà Beck thúc đẩy cho nên vụ tranh tụng này đã được giải quyết nhanh chóng. Thay vì vài năm nó chỉ kéo dài 9 tháng. 
  • Kết luận
Chúng tôi thiết nghĩ Bà Chánh Án Ronna Beck đã phán quyết một cách công bằng và minh bạch trong vụ tranh chấp tại chùa Giác Hoàng.  Những chứng cớ được trình bầy trong vụ án này quả thực quá rõ ràng nhưng một số những người trong cuộc mù quáng không thấy: Cả ba Ô.  Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, và Giác Đức đã ra khỏi HĐQT vào năm 1981, nhưng họ vẫn quả quyết là thành viên của Họi ĐQT liên tục tù 1981 đến nay mà không thể đưa ra bằng cớ thuyết phục nào. 

Khoảng 35 năm trước đây chùa Giác Hoàng mang nợ. Ngày nay chùa đã trở thành khang trang vững vàng nhờ bao nhiêu người đóng góp. Nhưng chính vì thế mà ngôi chùa này đã trở thành một báu vật để người ta giành giật một cách không thương tiếc. Việc Ô. Nguyễn Ngọc Bích nhân danh tổng thư ký của HĐQT ma để mời các ông Nguyễn Đức Đạt, Trương Quang Đại, và Phó Hồng Hà gia nhập, khiến ba ông này bị vạ lây và trở thành nạn nhân của sự gian dối. Những người này có quyền đòi gia đình Ô. Nguyễn Ngọc Bích trang trải mọi phí tổn pháp lý trong vụ án này và một lời xin lỗi. 

Chúng ta mừng là nay chùa Giác Hoàng đã tai qua nạn khỏi.  Chúng ta buồn là chùa Giác Hoàng, Phật Giáo, và khối người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung đã bị lây tiếng xấu do sự tham lam và ngu muội của một vài người gây ra. Về vật chất đôi bên phải trả một giá đắt. Tổng số chi phí của vụ kiện tụng này ước tính có thể lên đến $300,000. Chính vì chi phí quá cao và bằng chứng khá rõ ràng, chúng tôi tin rằng bên bị đơn sẽ không có khả năng và lẽ phải để chống án, nhất là nhân vật chính đã nằm xuống.

Tóm lại, (1) bên nguyên đơn đã buộc phải kiện nhóm Nguyễn Ngọc Bích để xin Tòa xác nhận tính cách chính danh của HĐQT của chùa Giác Hoàng, (2) Nhóm Nguyễn Ngọc Bích kiện lại nhưng đã thảm bại vì lập trường thiếu căn bản pháp lý; (3) qua vụ án này, Phật Giáo và khối người Việt hải ngoại bị thiệt hại khá nhiều. 

Đã lâu lắm hôm nay tôi mới trở lại thăm Chùa Giác Hoàng nhân dịp cơn hoạn nạn của chùa đã qua. Một bà cụ già đi lễ chùa ra ôm lấy vai tôi và dúi cho tôi một chiếc bánh trung thu. Bà cụ nói cụ rất mừng mọi việc đã qua. Cụ đã lo lắng mấy tháng nay, vì nếu chùa bị bán đi, cụ không biết phải mang tro của thân nhân đi đâu bây giờ. Chứ cụ chẳng theo phe nào cả. Một thanh niên gặp tôi ở trước cổng chùa hỏi có phải tôi tên Khải hay không. Tôi trả lời phải nhưng không phải là T. Khải.  Anh thanh niên nói: “Em là Hiển. Em mong viết báo được như anh để trả lời mấy anh nhà báo vô trách nhiệm, viết bậy bạ về chùa Giác Hoàng làm em tức điên lên được.”

Nguyễn Quốc Khải
Nhà báo độc lập
18-09-2016

No comments:

Blog Archive