Cho Người Mỹ Share Phòng
Anh Tư Tổn đi làm về, vừa mở cửa bước vào nhà, bỗng giật mình khi thấy chị Tư đang ngồi bất động nơi phòng khách, không mở TV, không mở nhạc, im lặng. Cảm thấy có điều gì không ổn, anh liền lên tiếng hỏi:
- Ủa! Sao hôm nay em đi làm về sớm vậy?
- Hồi sáng, khi anh đi làm rồi, em gọi vào sở xin nghỉ bệnh ngày hôm nay đó chớ!
Anh Tư có vẻ sốt ruột, để chùm khoá xe lên “coffee table” rồi ngồi xuống cạnh vợ, cầm tay chị Tư, ân cần hỏi:
- Em thấy trong người thế nào? Ngày mai, anh xin sở nghỉ; chở em đi khám bác sĩ nhé!
- Không có gì đâu anh, em chỉ bị nhức đầu, chóng mặt chút đỉnh thôi mà. Thêm nữa, năm nay em có nhiều giờ nghỉ bịnh, nghỉ một ngày, em cũng còn hơn bốn mươi giờ nghỉ bệnh nữa đó. Nhân đây, em có chuyện nầy muốn bàn với anh.
Tư Tốn sửa lại thế ngồi và nói:
- Chuyện gì vậy? Anh nghe đây. Nhìn em sao có vẻ quan trọng vậy!
Chị Tư chậm rãi đáp lời chồng:
- Hồi trưa nay, con Út ở trường về, nó có thưa với em là ngày mai, nó xin dọn ra ở với cô bạn cùng lớp cho gần trường đó anh. Nó nói từ nhà mình đến trường đại học UCLA mất gần cả tiếng, đó là chưa kể hôm nào có kẹt xe trên freeway 10 là phải bỏ lớp học hôm đó. Tối nay, nó sẽ thưa với anh chuyện dọn ra riêng. Em có giải nghĩa hơn thiệt với con, nhưng Út quả quyết dọn ra. Em sốt ruột quá, biết giờ nầy anh sắp về, em ra ngồi đây chờ anh để hỏi ý anh, bàn với anh, làm thế nào cản nó, chứ em không tài nào thuyết phục Út ở lại với chúng ta.
Anh Tư không tiếp ngay lời vợ, nét mặt trông vẽ buồn, ra chiều suy nghĩ lung lắm, mắt nhìn xa xôi. Một chốc, anh mới ngập ngừng rồi nói một hơi dài:
- Ừ! Út đã muốn dọn ra, thì mình không nên cản nó. Anh thấy nhiều gia đình Mỹ ở đây, có con đến 18 tuổi, chúng vừa tốt nghiệp trung học, vừa bước vào năm thứ nhất đại học, vừa học, vừa kiếm việc làm “part-time”, có việc làm rồi, chúng xin dọn ra riêng, để được tự do, và làm việc gì theo ý thích của mình, không bị ràng buộc, ngăn cấm. Người Mỹ họ đều vui vẻ chấp nhận. Họ cũng rất tôn trọng những người biết tự lập, biết tự vươn lên khi gặp những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Có lẽ đã tới lúc mình phải bắt chước họ. Thôi để con dọn ra, đừng cản trở, nó buồn tội nghiệp!
Nghe chồng nói, chị Tư thở ra. Anh Tư trầm ngâm rồi an ủi vợ:
- Anh còn nhớ có lần anh đọc tiểu sử của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Ông dược mọi người dân Mỹ yêu mến, tôn sùng. Tại thủ đô nước Mỹ có đài tưởng niệm ông. Ông không những được sự khâm phục về tài lãnh đạo nước Mỹ trong thời gian nội chiến Nam Bắc xảy ra năm 1861 và chấm dứt 1865, ông còn được sự khâm phục về tinh thần tự lập lúc còn thơ ấu. Gia đình ông rất nghèo, mẹ mất sớm khi ông còn rất trẻ, cha ông đau ốm quanh năm, ông không có dịp may để đến trường như những đứa trẻ cùng tuổi. Ông tự tìm tòi học hỏi để biết chữ, và làm đủ thứ nghề lao động chân để kiếm sống. Khi trưởng thành, ông vừa làm việc, vừa ghi tên học luật khi có thời gian rảnh. Ông đã trở thànht Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ như em đã rõ.
Út xin dọn ra là rất tốt cho con về tinh thần tự lập khi nó trưởng thành đối đầu với cuộc sống. Út đã chịu ở với chúng ta từ khi tốt nghiệp trung học cho đến bây giờ, cũng là điều mừng rồi.
Anh Tư ngẫm nghĩ một chốc rồi nói tiếp:
- Không rõ cái “ job partime” của nó, có đủ chi phí các thứ khi dọn ra riêng không? Con cần giúp đỡ điều gì, chúng ta sẵn sàng giúp nó nghe em.
Hai vợ chồng anh Tư cùng hai con vượt biên từ bờ biển Kiên Giang qua đảo Paulo Bidong năm 1983. Chuyến vượt biên, mười chết, một sống, hải hùng trên biển cả, gia đình nào đã từng vượt biên đều hiểu rất rõ. Sự sống còn khi đến được bến bờ tự do, đó là một may mắn hiếm có, và là một ân sủng của Thượng đế ban cho, không phải ai cũng được như vậy. Sau khi vợ chồng và hai con đến đảo, và tạm trú ở đây một thời gian, gia đình anh chị được một nhà thờ Tin Lành Methodist bảo lãnh, và nhờ biết chút tiếng Anh, tuy không lưu loát; nhưng cũng nghe hiểu được, biết được những gì Mỹ nói, Mỹ viết.
Qua chín tháng huấn nghệ ở trường dạy nghề, chị Tư được nhà thờ dẫn dắt xin được công việc thư ký kế toán (book-keeper). Anh Tư có công việc thợ điện tử ở một công ty gần nhà. Hai con nhỏ, Tấn lên bảy, Đồng Nai lên sáu, được đến trường học. Nhờ ăn xài tiện tặn, làm việc chăm chỉ, không bỏ một giờ “over-time” nào khi sở cần, sau tám năm, anh chị để dành tiền “down” được căn nhà bốn phòng trong khu yên tĩnh, an ninh.
Năm 1991, chị Tư có bầu sinh thêm cháu gái Út tên Tina, hiện cháu đang học năm cuối ở đại học UCLA ngành kế toán. Cháu thường nói với anh chị là sau khi tốt nghiệp sẽ học thêm thi lấy bằng CPA (Certified Public Accountant), và sẽ xin việc “ full time” ở sở thuế liên bang IRS. Hiện giờ, anh Tấn và chi Đồng Nai của Út đã lập gia đình, có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp ở UC Irvine, mua nhà dọn ra riêng từ nhiều năm rồi, chỉ còn lại Út còn nấn ná ở lại với cha mẹ, giờ xin dọn ra riêng làm anh chị Tư bối rối, không vui.
*
Sau khi Út dọn ra, căn nhà đã trống vắng lại càng càng trống vắng hơn.
Một hôm, nhân lúc đi “super market,” chị Tư đang đứng sắp hàng chờ trả tiền, tình cờ trông thấy chị Sáu Nails đang đẩy xe chợ đi vào. Chị Sáu liền lên tiếng:
- May quá! Gặp bà ở đây, tôi chờ bà xong, chúng ta ra bãi đậu xe, tôi có chuyện muốn nhờ bà.
Gặp nhau nơi “parking lot”, chị Sáu Nails liền nói ngay:
- Chủ nhật rồi, ông nhà tôi gặp anh Tư nơi “Home Depot, ảnh cho biết cháu Út nhà bà đã dọn ra riêng rồi phải không?
- Ư! Nó dọn ra gần tháng nay rồi, để cho gần trường học đó mà.
- Như vậy nhà bà trống tới ba phòng.
- Trống có một thôi. Ổng phòng, tôi phòng. Phòng kia để computer, và để sách báo cho ổng. Lớn tuổi rồi, chúng tôi ngủ riêng cho rộng rãi, thoải mái.
Chị Sáu vừa vỗ vào vai chị Tư Tổn, vừa hào hứng nói:
- Hay lắm! Hay lắm!
Rồi chị Sáu vào đề ngay, và nói một hơi dài:
- Hồi mới học xong lớp Nails, tôi có đi làm xuyên bang ở North Calorina, và có quen thân cô bạn trẻ người Mỹ trắng, độc thân, tuổi cỡ cháu Út nhà bà tên Carol. Carol hiền lành, dễ mến, bà gặp sẽ thích đó. Cô ta vừa có “good job” ở đây, cô tìm thuê nhà nhưng hỏi ra vùng nầy tiền thuê nhà quá đắt, chung cư một phòng ngủ giá tới 1900 đô- la/ tháng, chưa kể tiền an ninh, tiền deposit, tiền associate, tiền hai tháng ứng trước v…v… tới gần 9000. Cô nhờ tôi kiếm chỗ tử tế, đàng hoàng để “share” phòng một thời gian tạm trú cái đã, rồi sẽ tính sau. Tôi có hỏi mấy bà bạn Mỹ tôi quen, không ai có phòng dư. Hiện Carol đang tạm ngụ ở “motel. Tôi định chiều nay đi chợ về; rồi mới điện cho bà hói chuyện “share “ phòng cho Carol đấy. May gặp bà ỏ đây. Thật quí hoá vô cùng ! Bà nghĩ thế nào?.
- Chuyện đó tôi phải về bàn, và hỏi ý kiến nhà tôi cái đã, rồi sẽ cho bà rõ.
*
Từ ngày Carol về trú ngụ nhà anh chị Tư, không khí trong nhà vui hẳn lên. Sự buồn bã thiếu vắng Út của hai vợ chồng dần dần vơi đi. Thỉnh thoảng, ban đêm hay ngày nghỉ, Carol nhờ chị dạy thêm tiếng Việt, tập nói, tập viết. Ba Carol hiện là Mục sư, tiếng Việt ông rất thạo, ông giảng kinh thánh cho người Việt Nam bằng tiếng Việt. Carol học tiếng Việt từ cha mình nên giờ nàng biết bập bẹ chút ít. “Share” phòng nơi nhà anh chị Tư, đây là cơ hội rất tốt cho nàng trau dồi thêm tiếng Việt.
Carol là người Mỹ chăm chú học tiếng Việt làm chị Tư nhớ lại câu chuyện xảy ra ở quê nhà năm nào. Hồi tháng 8 năm 1990, chị lấy phép thường niên của sở về thăm mẹ già ở Sa Đéc. Một hôm, cô em ruột tên Mười rủ chị đi chợ Cái Tào (Sa Đéc) mua thực phẩm, mua xong, cùng ngồi xề ăn hột vịt lộn nơi gánh hàng của bà Chín Nhiều. Bỗng có một cô ăn mặc thời trang đến ngồi đối diện, mặt mũi sửa sang, cắt xén như người mẫu, lấy tay chỉ vào thúng hột vịt lộn, rồi hỏi bà Chín bằng tiếng Anh (broken English).
- Những thứ đó là thứ gì vậy hả bà?
Bà Chín không rõ cô ấy hỏi gì, nhìn hai chị em như cầu cứu. Cô Mười là dân địa phương, biết tỏng cô nầy; nhưng không quen. Cô Mười có tiếng ngang tàng, lại có võ nghệ, nổi máu nóng giang hồ, mắng thẳng vào mặt ả:
- Đó là cái hòn d… của thằng cha mầy đó! Đồ rở. Đóng kịch vừa thôi. Cút đi. Mới đi khỏi đất nước vài chục năm mà đã quên tiếng Việt!
Cô ả ngạc nhiên, nhìn hai chị em như nhìn người từ hành tinh vừa rớt xuống trái đất, thấy cô Mười tướng tá to con, nét mặt hung dữ như sắp gây chuyện muốn đánh lộn, tưởng là dân xã hội đen, cô ta bèn đứng dậy, không kịp chào bà Chín, vội bỏ đi một mạch. Chị Tư ôn tồn nói với em:
- Kệ người ta. Có thể là cô ấy quên tiếng Việt thật đó em. Sao em dễ nổi nóng vậy?
– Em còn lạ gì con nhỏ đó! Hồi năm 1981, nó cùng chồng mua giấy tờ của Việt cọng; giả làm người Việt gốc Hoa, rồi vợ chồng nó vượt biên bán chính thức, (tức là đóng vàng cho Việt cọng để chúng cho vượt biên, không bị bắt bớ, giam cầm), qua đươc Hoa Kỳ, không biết đang làm bà gì bên đó, bây giờ về thăm quê; làm bộ quên tiếng Việt mới lạ! Thỉnh thoảng nó cũng nói tiếng Việt, nhưng giả ú a, ú ớ, ngọng ngịu, tiếng được, tiếng mất như trẻ con mới tập nói. Nó thường xài tiếng Việt trộn lẫn với tiếng Anh, làm dân quê có người phải tiếp xúc, buôn bán, trao đổi với nó, họ cứ phải đoán chừng những gì nó muốn nói. Ba năm trước đây, nó cũng đã về đây rồi. Người dân quê ở đây họ dễ tin, và dễ bỏ qua; nhưng phần em. Em ghét cay, ghét đắng cái loại người cố quện cội nguồn như vậy. Hôm nay, cô ả may mắn đấy vì có chị đi với em, em nhịn, nếu không thì nó không yên với em đâu.”
Cô Carol không những chăm học tiếng Việt, cô còn là người rất sùng đạo. không sáng Chúa Nhật nào là cô không đi nhà thờ cầu nguyện. Thường ngày Chúa Nhật, anh Tư hay ngủ nướng, lười đi nhà thờ, chị Tư thui thủi đi một mình, nay có Carol là bạn đồng hành, nên chị vui lắm. Nói cười luôn miệng.
Anh Tư thấy vậy, bỏ tật ngủ nướng theo vợ và Carol đi nhà thờ. Cô Carol còn có một thói quen nửa làm chị Tư chú ý, và noi theo, là mỗi sáng cô thức dậy lúc 6 giờ, thay áo quần thể dục, đi bộ quanh “block “ chừng nửa tiếng, về nhà tắm, dùng điểm tâm oat-meal với sữa. Xong trang điểm qua loa, mặc “suite”, lái xe đi làm. Hai vợ chồng anh chị không hẹn cùng tham gia đi bộ mỗi sáng với Carol. Từ hôm đó sức khoẻ anh chi Tư tiến bộ rõ rệt, và đặc biệt là chị Tư xuống cân thấy rõ.
Cho người Mỹ “share” phòng như cô Carol thật quí hóa và may mắn thay.
Nguyễn Hữu Thời