Các vũ nữ ba lê của Nhà hát Opera biểu diễn để phản đối chính phủ trước Palais Garnier, Paris
Tôi trở lại Paris hai ngày trước lễ Giáng sinh. Không khí căng thẳng do các chấn động xã hội nhận thấy ngay khi đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle.
Tôi uống đến cốc vang nóng ướp quế và cam tươi thứ hai, món đồ uống đặc biệt của mùa Noel, để đợi bạn lên đón đi cả tiếng trước mà vẫn chưa tới.
Quãng đường chạy xe từ sân bay về Paris kẹt cứng. Chiều ngược lại cũng tương tự. Các phương tiện công cộng nối liền cảng hàng không như các các hãng RER, RATP và SNCF, đều không hoạt động, chỉ có phương tiện duy nhất hoạt động là xe tác xi, nhưng để giải tỏa được lượng khách khổng lồ là cả một vấn đề. Hàng năm có đến 72 triệu lượt du khách đến Pháp qua cửa khẩu này.
Đình công là món ăn khó nuốt trôi của những người phải sống ở các vùng ngoại ô xa, hoặc các tỉnh khi có như cầu đến thủ đô nước Pháp. Paris vốn đỡ bị ảnh hưởng hơn vì trước đó các tuyến xe điện ngầm vẫn chạy cầm chừng những ngày các nghiệp đoàn thổ lộ cơ bắp với chính phủ.
Nhưng lần này mọi chuyện trở nên tệ hơn, người dân bị bắt chẹt vì 14 trong tổng số 16 tuyến metro đóng cửa hoàn toàn, chỉ có 2 tuyến số 1 và số 14 do được tự động hóa, không cần nhân viên lái tầu là duy trì được hoạt động.
Các nhà ga tầu cao tốc, tàu liên tỉnh giảm nhịp độ đưa đón khách, thậm chí hủy chuyến hoàn toàn làm nhiều quần thể văn hóa, giải trí, buôn bán vệ tinh xung quanh phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến nhịp sống vốn chạy chung với quỹ đạo của ngành giao thông chuyên chở.
Cuộc đình công diễn ra từ ngày 5/12/2019 theo kêu gọi của các nghiệp đoàn (CGT, FO, CFE-CGS, FSU, SNCF) trên quy mô toàn quốc để gây sức ép đối với chính phủ là đòn đánh phủ đầu, mang tính răn đe về dự án cải tổ hưu trí thiết lập một hệ thống phổ quát, thay thế cho 42 chế độ hưu trí chuyên ngành hiện nay tại Pháp.
Chế độ phúc lợi làm các chính phủ đau đầu
Bảo hiểm xã hội và hưu bổng tại Pháp được đánh giá nhân đạo và tốt nhất thế giới. Đơn cử, hai vợ chồng về hưu, một trong hai người mất sớm, thì người phối ngẫu vẫn được nhận một phần hưu bổng của người đã mất đến trọn đời.
Những người phụ nữ đơn thân nuôi con, người di dân, gia đình đông con đều có phúc lợi xã hội giúp đỡ. Những khu nhà HLM cho thuê giá rẻ được xây dựng bắt buộc tại mỗi quận cho người có thu nhập thấp thuê chỉ bằng 1/3 mức giá thị trường.
Các ga metro ở Paris đóng cửa trong nhiều ngày do đình công
Những người chây ỳ không chịu trả tiền nhà, vẫn được ở miễn phí trong ba tháng mùa đông, luật pháp che chở họ không bị đuổi ra đường. Nhiều gia đình nhập cư lợi dụng ưu ái của quỹ bảo hiểm chưa từng một ngày đi làm, hoặc đi làm một thời gian ngắn lại nghỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, hoặc đi làm chui, không đóng thuế…
Tuổi thọ của người dân ngày càng cao. Chế độ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công tốt, chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân gần như cho không…
Những phúc lợi xã hội được đảm bảo và hào phóng dẫn đến việc lạm dụng, vô tình khuyến khích sự chây lười, ăn không ngồi rồi của lớp người quen ăn bám, ỷ lại. Hậu quả số người đi làm không đủ gánh những chi tiêu hàng năm ngày một dầy kể trên.
Nhiệm kỳ tổng thống nào cũng đau đầu với ngân sách hưu trí chiếm đến nay 13,7% GDP, thu không đủ để chi.
Việc tồn động nhiều bất cập với 42 quỹ hưu trí khác nhau, gộp trong ba chế độ chính:
- Chế độ cơ bản cho khu vực tư nhân, nông nghiệp
- Chế độ công chức gồm nhân viên nhà nước, giáo viên, nhân viên y tế...
- Chế độ đặc biệt cho khoảng 300.000 người trong ngành đường sắt SNCF, RATP, điện lực EDF, Ngân hàng trung ương Pháp, Nhà hát Paris, Cảnh sát, phi công, lính cứu hỏa...
Việc chia nhỏ các quỹ lương kéo theo việc nuôi bộ máy công chức cồng kềnh để theo dõi và trả hưu cho mỗi đối tượng.
Đứng đầu thế giới về đình công
Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ phong trào Áo Vàng khi hàng ngàn nhân viên đường sắt, bệnh viện, giáo viên, cứu hỏa... xuống đường biểu tình phản đối cải cách lương hưu.
Tính từ năm 1947 đến nay, không năm nào nước Pháp không có đình công, biểu tình. Pháp đứng đầu thế giới về kỷ lục đáng buồn này.
Những cằn nhằn, thất vọng của người lao động thể hiện sự đối thoại xã hội thất bại giữa chính phủ với các nghiệp đoàn dẫn đến các cuộc xuống đường. Đấy cũng như một nét đặc trưng rất Pháp.
Đã nhiều đời chính phủ, tổng thống Pháp đều nhận thấy chỉ nên có một quỹ hưu phổ quát chung cho mọi ngành nghề và phải tái cân đối quỹ này. Nhưng mỗi lần nêu ý định cải cách đều vấp phải sự chống đối mãnh liệt của người dân và các đảng phái kèn cựa nhau đá sau lưng.
Các chính phủ tiền nhiệm đưa ra dự luật cải cách biết trước họ đứng trước viễn cảnh mất phiếu trong các kỳ bầu cử nên vừa làm vừa run, đùn từ tổng thống này đến tổng thống khác.
Họ thường có xu hướng đẩy một bộ trưởng có màu sắc cánh tả ra phụ trách vấn đề giao thông công cộng, vì hợp với mầu của các nghiệp đoàn vốn nhiều ước mơ xã hội chủ nghĩa.
Song lá bài này cũng chẳng vuốt ve được các nghiệp đoàn vốn dầy dạn và nhiều khi vô trách nhiệm trước hiện tình kinh tế.
Năm 1995, họ đã lật đổ được thủ tướng Alain Juppé sau ba tuần Tổng bãi công. Giáng sinh 1986 đầu năm 1987, ngành vận tải, hỏa Pháp đình công dài nhất đến 28 ngày, họ cũng đã đạt được nhiều bước lùi của chính phủ.
Tháng 11/2013, phong trào 'mũ nồi đỏ' của nông dân Bretagne cũng xuống đường chống thuế' môi trường xanh'(Ecotaxe) đánh vào xe vận tải nông phẩm thi hành theo thỏa thuận với Châu Âu đã được Quốc hội biểu quyết, dự tính mang lại khoảng 1,5 tỷ euro cho ngân sách hàng năm. Chính phủ của đảng xã hội cũng phải lùi bước. Trong khi đó, cũng áp thuế tương tự đã diễn ra tại Đức từ 10 năm trước.
Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ phong trào Áo Vàng khi hàng ngàn nhân viên đường sắt, bệnh viện, giáo viên, cứu hỏa... xuống đường biểu tình phản đối cải cách lương hưu.
Đình công xảy ra không chỉ ở thủ đô mà còn nhiều thành phố khác. Trong ảnh là cuộc xuống đường hôm 19/12 ở thành phố Nantes.
Bài toán hệ thống lương hưu cho chính phủ Macron
Cải cách hệ thống hưu trí, xóa bỏ bất công giữa các chế độ là một trong những lời hứa khi tranh cử của tổng thống Emmanuel Macron.
Tóm tắt như sau:
- Tính trợ cấp hưu trí theo điểm đóng góp
- Kéo dài thời gian làm việc và đóng tiền vào qũy hưu với chế độ thưởng-phạt nếu nghỉ hưu trước 'tuổi cân đối' 64, dù tuổi nghỉ hưu theo luật định là 62.
- Bỏ đặc quyền đặc lợi của một số ngành nghề…như lái xe lửa được về hưu ở tuổi 50 hay 55 năm sau khi làm việc liên tục 25 năm, nhận hưu bổng tới 2636 euro. RATP dịch vụ công lĩnh đến 3705 euro. Trong khi các ngành nghề khác về hưu ở tuổi 62 tuổi với thời gian đóng góp 41 năm. Một người làm nông nghiệp cả đời lao động khi về hưu chỉ được nhận 900 euro.
Dân Pháp xếp hành lên xe buýt hôm 2/1, ngày thứ 25 của các cuộc đình công phản đối cải cách lương hưu.
Riêng bù lỗ cho quỹ hưu của công ty SNCF là 3,2 tỷ euro mỗi năm là một trong những mục đích nhắm tới của cuộc cải cách lần này.
Tình hình kinh tế hiện nay không còn cho phép kéo dài mãi tình trạng đó. Vì vậy phát biểu trên đài truyền hình ngay sau ngày bãi công đầu tiên, thủ tướng Edouard Philippe muốn thuyết phục dư luận:
"Công dân Pháp biết rằng 42 chế độ hưu trí khác nhau như hiện nay không thể kéo dài mãi. Họ biết rằng một ngày nào đó phải từ bỏ những chế độ đặc biệt. Họ cũng hiểu rằng dần dần, chúng ta phải làm việc lâu hơn.
Câu hỏi được đặt ra đối với những thay đổi này như sau: Liệu chúng ta muốn tiến hành một cách đột ngột, trong cấp bách hay chúng ta muốn áp dụng một cách hợp lý, từng bước, không bất ngờ trong khi chúng ta có thời gian. Và dĩ nhiên, chính phủ và phe đa số lựa chọn cách thứ hai."
Song dự án cải cách hưu bổng mà chính phủ đưa ra còn nhiều điểm chưa rõ ràng hay thiếu thuyết phục. Chẳng hạn lấy độ tuổi chung được nghỉ hưu là 64, có phải hợp lý với những độ tuổi khác nhau bắt đầu bước vào thị trường lao động? So với ở Đức là 67, thoạt nhìn có phần còn ưu ái. Nhưng với việc quy định số năm đóng góp chung là 41 có phần bình đẳng hơn.
Các ngành như cảnh sát, phi công, lính cứu hỏa luôn luôn tiềm ẩn nguy hiểm trong nghề nghiệp cũng vậy.
Các nghệ sĩ violon của nhà hát Opera Paris biểu diễn trong một buổi hòa nhạc ngoài trời để ủng hộ phong trào đình công hôm 31/12
Nghệ sĩ ballet cũng xuống đường
Múa ballet dưới biểu ngữ 'đình công' ở Paris
Ngày Giáng Sinh 24/12/2019, 40 vũ nữ đã biểu diễn trước thềm đá của nhà hát Opera de Paris dưới cái lạnh 9°C bản 'Hồ Thiên Nga' để đồng hành với người tham gia biểu tình. Chế độ đặc biệt nghỉ hưu dành cho họ đã được vua Louis XIV ấn định vào năm 1698, với độ tuổi 42.
Cuộc bãi công của các nghệ sĩ đã làm đình hoãn đến 45 xuất diễn, làm thiệt hại cho doanh thu 8 triệu euros.
Đến hôm nay thì sau 'Hồ Thiên Nga', 'Carmen', 'Faust', 'Roméo và Juliette' (tên các vở diễn) của nhà hát Opera Bastille cũng xuống đường. Doanh thu lại mất thêm 12 triệu.
Họ có lý không khi lao động nghệ thuật cho bộ môn có độ khó, đòi hỏi bền bỉ tập luyện, dễ bị chấn thương và sắc đẹp tàn phai ngay từ những năm ở tuổi 40 còn phải trưng ra sự héo mòn ở tuổi 64?
Cuộc đình công đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế Pháp mới vừa chớm khởi sắc trở lại.
Cộng với thiệt hại do phong trào 'Áo Vàng' diễn ra thường xuyên vào các thứ bảy từ ngày 17/11/2018 ước tính lên đến 18 tỷ euro chưa khắc phục hết, cộng với cuộc xuống đường bãi công lần này riêng công ty SNCF dự tính mất thêm nửa tỷ euro, chưa tính các dịch vụ mua sắm, du lịch thất thu đến 70%. Nợ công của Pháp lần thứ hai trong lịch sử đương đại là 100% GDP trong tháng 12/2019.
Viễn cảnh nào cho đình công trong năm mới?
Tổng thống Emmanuel Macron, trong bài phát biểu cuối năm hôm 31/12, khẳng định ông sẽ đi đến cùng công cuộc cải cách lương hưu
Bước sang năm mới, cả hai bên đều không ai chịu nhường ai. Trong bài diễn văn cuối năm 31/12/2019, tổng thống Emmanuel Macron, một lần nữa khẳng định đi đến cùng công cuộc cải cách, bất chấp các cuộc đình công trong ngành chuyên chở công cộng kéo dài từ 28 ngày qua.
Ông nói:
"Chương trình cải cách mà tôi cam kết trước quý vị và đang được chính phủ đảm trách sẽ được thực thi đến cùng. Xin đừng nhầm lẫn. Tôi đã lắng nghe về chủ đề này. Điều quan trọng đây còn là cốt lõi của bản sắc Pháp. Nỗi lo sợ, sự lo lắng đang hiện rõ. Nhưng tôi còn nghe cả những lời dối trá và gian xảo. Sự hòa dịu phải vượt trên đối đầu. Nhưng hòa dịu không có nghĩa là thoái lui. Chúng ta tôn trọng cả những điểm bất đồng. Tại sao? Chính là cho quý vị. Và các tổ chức nghiệp đoàn, giới chủ cũng muốn như vậy.
Tôi mong đợi chính phủ thủ tướng Edouard Philippe sẽ nhanh chóng tìm ra được một hướng đi, một đồng thuận trong sự tôn trọng các nguyên tắc mà tôi vừa nhắc đến."
Viễn cảnh nào cho căng thẳng xã hội ở Pháp bước sang năm 2020?
Viễn cảnh cho một lối thoát trong danh dự dành cho cả hai bên chưa ai nghĩ sẽ ra sao.
Tình hình hiện nay không giống như năm 1995. Các loại hình mới như làm việc từ nhà qua Internet 'working-net', các dịch vụ đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng đi chung xe cộ, sử dụng xe đạp, đã làm áp lực đường phố giảm xuống.
Người dân chán ngán sự ngưng trệ đang quay ra phản đối bãi công. Các thành viên đình công không có lương gần một tháng, nhiều người đã phải quay lại làm việc do gánh nặng gia đình dù bị la hét, tẩy chay của đồng nghiệp.
Nên dù có thể kéo dài thêm một thời gian, nhưng phần thua đã có dấu hiệu nghiêng về phía những người chống đổi cải cách.
Phạm Cao Phong
No comments:
Post a Comment