Monday, January 13, 2020

Một ngàn ngày trên triền núi Hi Mã Lạp Sơn 

Thái Công Tụng
Tác giả bài này trước đây bắt đầu dạy tại trường Cao đẳng Nông Nghiệp Saigon vào năm 1965. Môn dạy là Thổ Nhưỡng học và còn nhớ khoá đó bắt đầu giảng dạy ở khu Thành Cộng Hoà cũ, nơi trú đóng của Lữ đoàn Liên Binh phòng vệ Phủ Tổng Thống.

Sau năm 1963, Thành Cộng Hoà này được giao lại cho dân sự và là nơi có các phân khoa đại học như Đại học Dược, Đại học Văn Khoa và Nông Nghiệp

18 năm sau khi bắt đầu dạy Cao đẳng thì năm 1983, thời thế đưa đẩy tôi có dịp ở trên triền núi Himalaya, ở một xứ mệnh danh là xứ mái nhà thế giới .

Nhiều bạn hỏi ngay mái nhà thế giới ở đâu? Xin thưa ngay đó là xứ Nepal một xứ nằm giữa Ấn Độ và Tây Tạng và vì xứ có độ cao rất lớn, -dưới chân núi Everest- nên ai cũng gọi đó là the roof of the world!

Phần lớn người ta thường qua Nepal là để du ngoạn, đi bộ dọc các đường mòn lên núi xuống đèo (trekking), đi chừng 10 ngày lại về nước, hoặc có thể đi hành hương xứ Phật vì Đức Phật sinh ra đó tại vườn Lâm Tì Ni, tức Lumbini, một tỉnh của Nepal giáp ranh với Ấn Độ .

Riêng người viết bài này qua Nepal không phải đi du ngoạn trekking như những thanh niên lực lưỡng, chán cảnh nhà cao ốc beton, chán cảnh ô nhiễm tiếng động của các đô thị để muốn tìm về rừng, tìm lại cảnh thiên nhiên, nhìn cảnh mặt trời ửng sáng từ từ chuyển màu từ chân núi Everest… Kẻ viết bài này qua Nepal cũng không phải đi hành hương xứ Phật nhưng thật ra qua đó là để đi làm việc

Thực vậy, tác giả không phải ở Nepal 5- 10 ngày như phần đông các du khách mà gần 1000 ngày, từ 1983 đến 1986,vì có dịp làm chuyên viên nông nghiệp tại xứ đó. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, vào mùa đông 1984, tôi có dịp trở về Canada và khi trở lại Népal làm việc sau kỳ nghĩ thường niên, tôi về Népal qua ngã Thái Bình Dương chứ không phải qua ngã Âu Châu như mọi lần, do đó có ghé lại Los Angeles trước khi về Manila và Bangkok để đi Kathmandu, thủ đô Nepal. Rời Manila bằng Japan Air Lines để đi Bangkok, tôi bồi hồi từ khung cửa chỗ ngồi trên máy bay nhìn xuống không phận Đà Nẳng: các năm đó, Việt Nam bế quan toả cảng không có ai thăm viếng được chứ không như ngày nay .

Vào thời điểm 1983-86, tôi là người Việt duy nhất sống và làm việc ở Nepal.

Địa lý

Nhỏ bằng nửa nước Việt, vì diện tích là 147 181 km2 (so với nước Việt là 330 000km2) và dân số quãng 20 triệu người (nước mình là 80 triệu)

Nằm giữa Ấn Độ phía Nam và Tây Tạng phía Bắc, nên trải qua hàng ngàn năm, đây là nơi hội tụ của hai làn sóng di dân : một của người Ấn Độ-Aryan từ phía Nam và một từ những dân bán du mục gốc Tây Tạng và Mông Cổ đến. Những tộc người Ấn-Aryan đến ở tại những núi đồi, lập thành nhiều tiểu quốc. Năm 1768, thủ lãnh vương quốc nhỏ Gurkha xâm chiếm được quyền hành các tiểu quốc lân cận kia và thống trị thống nhất sơn hà, tạo nên nền móng Nepal ngày naỵ


Tại Nepal, ngoại trừ một giải đồng bằng phù sa của sông Hằng dọc theo biên giới với Ấn Độ mà nguời ta thường gọi là TERAI, còn ra là những giải núi cao và càng gần giãy Himalaya thì núi càng vươn cao chừng nấy. Vì dân đông so với diện tích đất nông nghiệp vốn rất ít ỏi nên người ta phải tận dụng đất, làm ruộng bậc thang từ chân núi lên tận đỉnh núi cao.

Vì ít khi các hãng hàng không quốc tế có máy bay đến thẳng Kathmandu, nên thông thường là tới New Delhi trưóc rồi từ đó mới lấy máy bay hãng Ân Độ Air India hoăc Indian Air Lines đi đến Kathmandu .

Đáp máy bay từ Paris đi New Delhi, nơi tôi phải đến trình diện toà Đại sứ Canada trước khi đến Katmandu, tôi đã thấy nhiều chuyện là lạ. Trên máy bay, thức ăn là thịt gà không có thịt bò, không có jambon thịt heo vì Ấn Độ cử kiêng thịt bò (họ thờ bõ) mà cũng kiêng thịt heo vì trong xứ Ấn Độ cũng có người Hồi giáo chứ không phải chỉ Ấn độ giáo .Báo chí trên máy bay cũng toàn báo chí Ấn Độ, không có các tạp chí các nước khác để đọc.

Công việc

Dự án có tên là K-BIRD. Và cũng xin bạn đọc đừng nghĩ chắc tôi lo bảo tồn chim chóc gì đó trong cái dự án có tên như vậy! Thật ra, chữ K-BIRD toàn chữ là Karnali-Bheri Integrated Rural Development. Karnali và Bheri chỉ là tên hai dòng sông lớn ở phía Tây Nepal và dự án này nằm trong bồn lưu vực (watershed) của hai sông này nên có tên đó

Trước khi bắt tay vào công việc, họ cho tôi học 1 tháng tiếng Nepali do một thầy còn trẻ dạy qua tiếng Nepali, chỉ nói với tôi bằng tiếng Nepali, lúc đầu không hiểu, nhưng từ từ hiểu dần. Học một tháng chỉ biết nói qua loa cảm ơn, chào ông, chào bà, anh ăn cơm chưa v.v. nhưng khi gặp nói vài câu như vậy cũng cho dân họ biết mình muốn cố gắng hoà đồng mà thôi. Họ cũng chỉ cho cách chào hỏi như chắp tay trước ngực và nói Namaste! Ngoài tiếng Nepali, ngôn ngữ chính thức là Anh ngữ .

Sau đó là phải đi làm việc. Dự án bao gồm 3 quận Surkhet, Dailek và Jumla và xem như thuộc vùng Trung du và Thượng du Nepal, nằm về phía Tây xứ này, cách Katmandu hơn 1 giờ bay 

Chức vụ của tôi gọi là Natural resources advisor tức cố vấn tài nguyên thiên nhiên. Chức năng này có một nội hàm rộng lớn vì bao gồm cả nông, lâm, súc. Nhưng vì là cố vấn (tôi còn nhớ chữ Nepali gọi là salahaka) nên chỉ giúp ý kiến và theo dõi sự thực hiện, còn thực hiện các họat động hoàn toàn do các Ty sở địa phương (line agencies) ở 3 quận trên trông nom.

Về nông thì ngoài lúa trồng miền Terai và trong các thung lũng, người Nepal còn trồng lúa từ chân núi lên đỉnh trên ruộng bậc thang, nhờ nước suối chận lại.

Nepal còn nhiều hoa màu nhiệt đới như bắp nhưng cũng có khoai tây, lúa mì, lúa mạch, mạch ba góc (sarrasin) . Trên các thung lũng cao về phía Bắc, họ cũng trồng lúa mạch, kê, táo. Trong vùng dự án cũng có vài Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Nghiệp rải rác.

Về lâm thì nhiều vấn nạn hơn: nào là xói mòn, phá rừng, nạn dê thả rong phá cây con, đốn lá cây cho bò ăn, bồn lưu vực bị thoái hoá ..

Về súc thì có trâu bò nhưng nuôi bò chỉ để cày cấy chứ không được ăn thịt; trâu cái để cho sữa uống. Uống nưóc trà thì phải pha thêm sữa trâu. Còn bò cái địa phương giống không cải thiện nên sữa chỉ vừa đủ cho con bê bú mà thôi, không dư cho người.

Trụ sở chính của dự án là ở Surkhet, một quận lỵ nằm vùng Trung du, cao độ 700m.

Surkhet, chỗ tôi ở nao nao giống làng quê tôi ở miền duyên hải Trị Thiên. Đêm khuya, nghe tiếng chày giã gạo như tôi đã từng nghe những năm tháng thời tiền chiến thuở còn nhỏ học tiểu học trường làng, vì vùng này cũng chưa có máy xay lúa xát gạo, buổi trưa cũng có thể nghe tiếng gà gáy sau lũy tre, sáng cũng nghe tiếng gà gáy vì vùng này không có nuôi gà công nghiệp. Chợt nhớ những vần thơ:

Ao sâu nước cả khôn chài cá, 
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Thỉnh thoảng cũng phải đi lên núi, trèo đèo, lội suối vì đọc phúc trình các nơi gửi về thì nhiều, nào inception report, semestrial report, monthly report, progress report. Đi tại chỗ có lợi là nắm vững tình hình hơn và thăm dân cho biét sự tình luôn.

Đi công tác toàn đi bộ, vì không có đường xe chạỵ. Tôi có dịp đi công tác tại cả 3 quận miền núi. Núi non Nepal hiểm trở nguy hiểm hơn ở Việt Nam nhiều. Thực vậy, giải Truờng Sơn ở Việt nam chỉ là đàn em của giải Himalaya.

Đúng như Tản Đà đã viết, ‘non cao tuổi vẫn chưa già’ , giãy núi Himalaya tuy cao chót vót vậy mà tuổi đời còn trẻ lắm vì mới phát sinh chỉ cách đây vài chục triệu năm mà thôi, so với nhiều sơn khối cổ cả hàng trăm triệu năm như giãy Rocky Mountain hay giãy Appalachian của Bắc Mỹ . Nhũng vách núi, những thung lũng , nhũng đồi vắt vẻo bên sườn núi dựng đứng. Đó là chưa kể vào mùa đông gặp tuyết rơi trên núi, nhiều đường lách núi bị bít luôn. Tôi nhớ một hôm nọ sau nhiều ngày đi miền núi, trước cảnh một vực đá thăm thẳm nguy hiểm bắt buộc phải vượt qua, một chuyên viên Canada khác phải thốt ra: Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Anh không muốn xâm chiếm xứ nàỵ ! Qủa thực, người Anh đến Ấn Độ, Hồi Quốc chứ không bao giờ chiếm Nepal cả .

Tuy vậy, cũng có nhiều đoạn đường rất đẹp trên vùng núi. Không có những nấm mộ lồng bàn, ‘sè sè nấm đất bên đường, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh’ bởi một lẽ rất đơn giản là xứ này như Ấn Độ chỉ đem xác người và lượm củi đốt cạnh bờ suối, bờ sông rồi liệng tro xuống nước chảy trôi ra sông, rồi ra bìển cả . Nhiều nơi ‘nao nao dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang‘ với nhiều rừng thông, rừng sồi, rừng giẻ cùng những loài chim lạ góp nhạc về trời . Một vài nhà sàn cheo leo bên sườn núi dưới ánh chiều tà. Trên núi nhà sàn rất nhiều, nuôi gia súc dưới sàn nên không vệ sinh .

Máy bay trong nước phần lớn là máy bay Twin Otter (19 chỗ ngồi) của Canada bán. Đây là loại STOL nghĩa là short take-off and landing, có thể cất cánh hạ cánh xuống phi đạo ngắn vì nước Nepal toàn đất núi nên phi đạo thường rất ngắn ở các thung lũng xung quanh núi và không phải quận nào cũng có sân bay. Các phi công Nepal lái máy bay Twin Otter đều có đi học lái tại British Columbia, vì tiểu bang này có địa hình địa vật như Nepal, nghĩa là có thung lũng hẹp, có suờn núi dốc đứng.

Thiên nhiên khắc nghiệt

Thiên nhiên khắc khổ dĩ nhiên tác động đến tính con người: chịu thương chịu khó, tiết kiệm, cần cù. Người Anh vốn biết như vậy nên tuyển mộ lính tại Nepal. Họ có cả một Trung Tâm ở phía Đông Nepal, tại Dharan chuyên môn tuyển lựa những thanh niên thuộc các bộ lạc Gurung, Tamang có khuôn mặt tương tự như người Việt, người Tàu; đó là loại lính thiện chiến, đi hàng đầu trong mọi trận mạc hay nơi hiểm yếu. Trước kia họ đóng ở HongKong, Singapore, Brunei. Mà không phải chỉ nuớc Anh mới tuyển mộ lính Gorkha này mà ngay cả Ấn Độ cũng vậy.

Buôn bán trao đổi hàng hoá

Có sự hỗ tương giữa các vùng trong nước: ngưòi miền Jumla gần Tây Tạng chở len xuống đồng bằng, vì miền núi và cao nguyên Tây Tạng có nuôi nhiều cừu và chở bằng lừa ngựa xuống và khi chở lên thì phải chở muối vì trên núi không có muối . Đặc biệt tại miền núi Jumla không xa Tây Tạng bao lăm có một loại trâu gọi là yak, rất chịu lạnh và rất mạnh; dân chúng thồ hàng miền núi cao toàn bằng loại trâu yak nàỵ.

Kinh tế và viện trợ quốc tế

Vì là xứ toàn núi đồi, địa hình qúa sức hiểm nghèo nên đường giao thông trên núi rất hiếm. Cũng may là Trung Quốc làm cho đuờng xuyên núi từ Kathmandu đi Pokhara, đưòng từ Kathmandu đến cửa ải Tây Tạng ở Kodari, Ấn Độ cũng giúp làm đưòng. Tuy nhiên chẳng thấm vào đâu so vói nhu cầu giao thông của xứ này. Vì cái khó bó cái khôn, tài nguyên tài chính không thể nào thỏa mãn các nhu cầu qúa lớn lao về đủ mọi mặt như giáo dục, y tế, phát triển hạ tằng nên Nepal kêu gọi và được nhiều xứ đáp ứng: viện trợ song phương thì viện trợ của nhiều nưóc, đặc biệt là Nhật cho nhiều tiền nhất, sau dó là Ấn Độ rồi mới đến Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc; viện trợ đa phương thì các ngân hàng phát triển như Asian Development Bank cho vay lãi xuất thấp; đó là chưa kể nhiều tổ chức phi chính phủ như Peace Corps, thiện nguyện Nhật Bản, Anh, Đức, Thuỵ sĩ nmuôn màu muôn vẻ ..

Nepal là xứ rất nghèo vì tài nguyên không có bao nhiêu, không có dầu hỏa như Việt Nam, không ăn thông ra biển như Việt Nam, không có than đá như Việt Nam, không có mỏ hột xoàn như ở Nam Phi hoặc mỏ đồng như Congo (Zaire). Mọi việc xuất nhập đều phải qua hải cảng Calcutta của Ấn nên nếu Ấn Độ không cho qúa cảnh thì Nepal rất kẹt. Do đó, chính sách đối ngoại của Nepal thường nương nương với chính sách Ấn Độ.

Ăn uống

Tại sao thức ăn Nepal nghèo nàn? Là vì trái với người Việt nhiều tài nguyên hồ ao, biển cả, không kiêng cử, ăn đủ thứ còn người Nepali kiêng không ăn thịt bò vì thờ bò như Ấn Độ, không nuôi heo vì cũng chịu ảnh hưởng Hồi giáo, không biển nên không có cá, sông ngòi chỉ là thác ghềnh. Thỉnh thoảng giết dê mà thôi. Thức ăn quanh quẩn chỉ cơm món đậu, khoai tây…Katmandu thì gì cũng có vì là thủ đô, có khách sạn Sheraton, có trường học quốc tế. Đặc biệt ở các siêu thị tại Katmandu, người ta bán bufsteak (từ trâu) chứ không phải beefsteak

Họ ăn bốc, không dùng đủa (như ở Ấn Độ vậy), ẩm thực có thể kể món dhal bhaat tarkaari, nghĩa là đậu, cơm, rau cải pha cari, achaar (gia vị hơi cay), momos (một loại bánh bao)…

Chữ viết

Chữ viết căn cứ vào chữ Phạn nghĩa là viết chỉ cần vài chục chữ là đánh vần viết được ngay, không phải như tiếng Tàu mà mỗi tiếng phải có mỗi chữ, nên phải thuộc cả vài ngàn chữ mới đọc được tiếng Hán.

Còn tiếng Nepali chỉ cần học chừng vài tháng là đọc được viết được ngay. Chữ Phạn chính là nguồn gốc của các chữ Thái lan, chữ Miên, chữ Lào

Mo Népali Siktshou (Tôi học tiếng Népal)

Tôn giáo

Tôn giáo thì 88% là theo Ấn độ giáo, 8% theo Phật giáo, Hồi giáo quảng 3%

Nepal vì nhiều di sản văn hoá tôn giáo nên cũng là nơi hành hương hàng năm của hàng chục ngàn người mộ đạo như ngưòi Nhật, Đại hàn, Thái Lan và gần đây hơn là Phật tử Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới tụ tập về Vườn Lâm Tì Ni, chỗ đức Phật sinh ra đời .

Gần Kathmandu cũng có nhiều đền thờ như Pashupatinath, Godnath và Swayambhunath. Một vài đền cổ thờ các vị nữ thần ở Patan, ở Bhaktapur không xa Kathmandu bao nhiêu .

Ngoài Ấn độ giáo, Nepal sau này được tiếp xúc với thêm Phật Giáo Tây Tạng vì có nhiều nhà sư Tây Tạng đã thoát chạy tị nạn khi Trung Quốc tấn công Tây Tạng khiến Đức Dalai Lama hiện nay phải băng đồng, băng núi trốn qua Nepal rồi từ dó qua Ấn Độ. Hiện có nhiều người tị nạn Tây Tạng ở Nepal, trong đó nhiều tu sĩ.

Leo núi

Núi Everest là núi phía Đông Bắc Kathmandu, ngoài leo núi , còn có thể đi thăm bằng máy bay nhỏ lượn quanh núi để quay phim, chụp hình

Cao gần 8000m, núi Everest là đỉnh nhìn về Bắc là Tây Tạng, nhìn về Nam là Nepal. Những dân Sherpa chuyên làm nghề cửu vạn, tải sau lưng những gùi vật dụng cho nhiều đoàn thám hiểm lực lưỡng leo núi: có đoàn từ Âu Châu, có đoàn Mỹ, có đoàn Nhật… Có nhiều người chết khi leo núi Everest, có khi vì không quen với những vấn đề không khí rất loãng, thiếu oxy ở cao độ, có khi chết vì nạn chuồi tuyết lăn; tóm lại không phải leo núi là thành công đâu . . Lúc tôi ở Nepal, có cựu Tổng Thống Carter cũng có lần leo núi, nhưng không thành công, nhà vua Nepal phải cho trực thăng lên đón về cùng với đám cận vệ ! (Nhà vua này sau bị con giết và người con cũng tự vẫn bằng súng luôn )

Ngoài núi Everest ra, còn có núi Annapurna, gần Pokhara. Pokhara cũng là một thành phố quan trọng của Nepal. Thành phố này có nhiều dân tị nạn Tây Tạng và vì qua đây từ những đợt đầu di cư tị nạn từ những năm 1957 nên họ đã có vài cơ sở kinh doanh như khách sạn ở đâỵ

Chủng tộc

Nepal có nhiều chủng tộc: chủng tộc Newarở thung lũng Katmandu.Tộc Gurung sống trên các ngọn đồi phía Tây Nepal, quanh núi Annapurna, Gorkha. Họ nói ngôn ngữ gốc Tạng-Miến, và dạng gốc Mông cổ. Các đoàn lính Gurkha đóng quân ở Brunei, Ấn Độ là người Gurung. Họ thiện chiến, có kỷ luật. Theo truyền thống, anh chị em trong họ có thể lấy nhau. Một định chế đặc thù của người Gurung này có tên là rodi, một loại câu lạc bộ trong đó, trai gái khi qúa 12 tuổi phải sống tập thể làm việc đồng áng chung. Cuộc sống như vậy tạo cơ hội cho con em họ hàng gặp gỡ, tiến đến hôn nhân

Tộc người Rai ở các ngọn đồi phía Đông Nepal, quanh Dhankuta, Bhojpur. Trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ cũng thiện chiến, can đảm như người Gurung nên cũng đi lính Gurkha và nhờ đó gửi tiền về cho thân nhân ở nhà quê

Tộc Limbu ở cực đông đồng bằng Terai và phần đông làm ruộng. Họ không ra đồng áng những ngày mồng 1 và rằm (kiêng cử )

Còn nhiều tộc người khác như tộc Magardân số gần nửa triệu cũng nói ngôn ngữ gốc Tạng-Miến, khuôn mặt như người Việt; tộc Tamang, tộc Sherpa ở chân núi Everest chuyên làm nghề hướng dẫn du khách leo núi Everest .

Trong dự án tôi làm có vài nhân viên thuộc các tộc người Rai, ngưòi Tamang

Tuy có đến 36 tộc người khác nhau, có tộc gốc Tây Tạng-Mông cổ (Tạng Mông) chiếm 20% dân số, có tộc gốc Ấn-Aryan chiếm 80% dân số và có phong tục tập quán khác nhau trong quan, hôn, tang, tế nhưng các điều kiện địa lý đặc thù của Nepal đã làm các tộc ngưòi này có một hồn riêng biệt, đặc trưng cho căn tính (identity) Nepal.

Nếp sống thường nhật

Đại đa số nhân dân cũng nghèo như bên Việt Nam vậy; vì ăn uống thiếu thốn mà làm việc lam lũ, đầu tắt mặt tối, leo núi, tìm củi, cày cấy nên tuổi thọ thấp, dưới 50 tuổi. Vì vậy, họ lấy vợ sớm để có con nối dõi: tục tảo hôn là vì vậy . Một hôm, tôi đang đi công tác với một đối tác viên cũng chuyên viên nông nghiệp người Nepalais thấy một em bé xem chừng 15 tuổi dắt một con dê, đi sau là nguời cha; anh Nepali giải thích với tôi là dê là lễ vật trình nhà gái đó lúc xin hỏi .. Gia đình Nepal chỉ thích đè con trai, không thích sinh con gái, hầu như đó là đặc trưng văn hoá của họ.(và Ấn độ cũng vậy) Vì con gái khi lấy chồng phải đem nhiều hồi môn cho bên chồng và khi già yếu, con trai mới tiếp tục công việc đồng áng đuợc . Người Tây Tạng còn có tục đa phu, vì không đủ đàn bà.
Di dân

Có lần tôi bị đánh cắp passeport nên phải qua New Delhi làm sổ thông hành lại. Nhiều công chức Canada lo về Di Trú ở đây rất bận rộn vì rất đông dân Ấn Độ muốn xin qua Canada lập nghiệp. Người Sikh được nhập vào rất đông; họ là người luôn luôn chít khăn trên đầu. Và vì tôi cũng có dịp đi Ấn Độ để tổ chức khoá tu nghiệp cho những chuyên viên Nepali trong dự án K-BIRD sang đó tu nghiệp, nên tôi có để ý là tiểu bang Ấn Độ có người Sikh (tiểu bang Punjab) là giàu nhất. Thì ra, họ chuyển tiền từ ngoại quốc về cho thân nhân.

Tòa Đại Sứ Canada ở Ấn luôn luôn bận rộn và là nơi bận rộn thứ nhì sau Hong Kong. Dạo đó, Hongkong chưa chuyển giao quyền hành lại cho Trung Quốc nên dân HongKong ào ào nối đuôi nhau xin visa vào Canada.

Dân số và kiểm soát sinh đẻ

Dân số là vấn đề trọng tâm hàng đầu của Nepal. Tôi còn nhớ, tờ báo hàng ngày Nepal Times cứ mỗi ngày, ghi dân số Nepal trên một tít trang đầụ, như nhắc nhở mọi người thấy dân số cứ tăng mỗi ngày. Tôi nghĩ Viet Nam cũng nên làm như vậy, thay vì chỉ trong thống kê mỗi năm.

Nhiều khi đi núi, gặp các bác sĩ, các y tá cắm lều, dựng trại, khuyến khích thanh niên các xã lân cận đến thắt ống dẫn tinh. Các công chức cũng được khuyến khích đi thắt ống dẫn tinh (vasectomy) sau đó được nghỉ thêm nhiều tuần và có cho thêm vài trăm roupie . Roupie là tiền Nepal, một USD bằng 20 roupie. Tôi hỏi Bác sĩ gặp miền núi tại sao không cột buồng trứng cho đàn bà thì họ trả lời miền núi không đủ phương tiện vệ sinh vì cột buồng trứng cho phụ nữ đòi hỏi điều kiện sát trùng tinh vi hơn so với đàn ông .

Tuy nhiên, số đi thắt ống dẫn tinh và cột buồng trứng không nhiều so với dân số. Nạn nghèo đói, nạn mù chữ, giao thông khó khăn cũng là những yếu tố trở ngại cho chương trình.

Năng lượng: mặt trời, nước

Tại phi trường Surkhet, người ta sử dụng năng lượng mặt trời để cho chạy các máy truyền tin. Nhờ năng lượng mặt trời chuyển hoá thành điện. Cũng tại Surkhet, vì cách xa giao thông nên không có nhà máy nhiệt điện dùng dầu cặn chạy máy mà có một đập thủy điện nhỏ để phát điện. Các tuabin điện tuy nhỏ nhưng cũng giúp cho thành phố có ít điện; tuy nhiên, vào những tháng cuối mùa nắng (3-4). thì nưóc trong hồ cạn dần nên không có điện, phải dùng đèn dầu hay thắp đèn manchon. Tại vài nơi thuận tiện, nông dân cũng tận dụng một sự chênh lệch mực nước để cho chạy cái cối xay, phần lớn xay bột bắp, bột gạo, bột mì

Nepal có tài nguyên nuớc phong phú và có nhiều nơi dễ xây đắp đập thủy điện để xuất cảng điện sang Ấn Độ
Liên lạc

Liên lạc thì dạo đó (1983, 1984..) làm gì có Internet và điện thoại di động như bây giờ. Phải viết thư ra bưu điện mua tem. Tuy nhiên, hàng đêm, dù ở Surkhet rất xa Katmandu, tôi vẫn được nghe tiếng Việt qua làn sóng BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ và nhất là Đài tiếng Việt phát thanh từ Melbourne của Úc vì Nepal nằm trong khu vực phát tuyến, gần Viẹt Nam nên bắt đài rất dễ.

Thời điểm du lịch

Thuận lợi nhất là từ tháng 11 đến tháng 3 vì sau đó mưa to, gió lớn, mây mù dày đặc, máy bay đáp xuống phi trường Katmandu rất khó khăn và cách đây mấy năm, báo chí đăng tin máy bay Thái Lan chở hành khách từ Bangkok đâm đầu vào núi bao quanh thung lũng nàỵ

Lời kết

Từ ngày dạy ở cao đẳng cũng tưởng cuộc đời mình chỉ gắn bó với nước Việt thế mà thời cuộc đưa đẩy, tôi lại đi làm việc ở xứ đèo heo hút gió này nhưng bù lại biết thêm cả một nền văn hoá sâu sắc Ấn Độ, thấy được bằng mắt trần những ngọn núi cao như Annapurna, Everest mà lâu nay chỉ nhìn qua hình carte postale.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bạn bè Nông Nghiệp giờ đây chân trời góc biển, người miền băng tuyết, kẻ ở trời Âu, người rừng già Phi châu, kẻ còn ở lại, người đã đi vào thế giới vĩnh hằng thật là

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Trong thời gian làm việc ở Nepal tôi có dịp đi Calcutta ở Ấn Độ và có ghé thăm trại người cùi của bà mẹ Teresa và thấy trên bức tường các dòng chữ sau đây :

Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó
Cuộc sống như một cuộc tranh đấu, hãy chấp nhận nó
Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên
Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó
Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó

Mẹ Teresa đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho tình thương.

Xin thắp nén hương lòng cầu nguyện cho những bạn bè, sinh viên cũ, sống khôn thác thiêng hộ trì cho những kẻ còn sống. Xin nguyện cầu cho những người còn trên cõi đời này nối lại tình thâm trên quãng đời trước mắt rất ngắn ngủi còn lại, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng .

No comments:

Blog Archive