Wednesday, January 8, 2020

Bộ Binh Thủ Đức - Đoạn Đường Chiến Binh 

(Trích bài tùy bút của Thiếu Úy Tấn đăng trong tạp chí Phố Văn)

*** 
Sau ba tháng vào Trung Tâm 3 tuyển mộ nhập ngủ tại TTHLQT để làm thủ tục nhập ngủ khám sức khoẻ, lãnh quân trang, quân dụng xong thì chuyển sang Trường Bộ Binh Trừ Bị Thủ Đức.

Ngay từ khi bước chân vào Quân trường, Tân khóa sinh đã được các huynh trưởng đón tiếp một cách hết sức tận tình.

Để khởi sự làm quen với đời lính, bài học quân sự đầu tiên là theo lệnh huynh trưởng chạy ba vòng Vũ đình trường gọi là dàn chào "Tân khóa sinh" :

Mới vòng đầu Vũ Đình Trường
Mà bao nhiêu đứa chán chường hẳn ra
Thằng thì mày váng mắt hoa
Thằng thì như bóng ma gà chết toi.

Thực vậy, mới chạy vòng đầu đã có vài ba tên té xỉu, chạy hết vòng thứ ba, một trăm chỉ còn vài chục, tuy còn đứng vững nhưng tưởng thở hết ra hơi. Đã vậy đám huynh trưởng nào tha, những tiếng quát tháo nạt nộ, hò hét cứ như cố tình cướp tinh thần bọn đàn em ngơ ngác khiến cho bao nhiêu mộng lớn mộng nhỏ mới cách đó vài tiếng đồng hồ vẫn còn xanh mướt, nay đã tan tành theo mây khói :

Cán bộ mặt mủi lầm lì
Còn đám huynh trưởng thôi thì hung hăng
Quát tháo vào mặt từng thằng
Chưa chi mộng lớn nó giằng mất tiêu

Ở đời ma củ ăn hiếp ma mới là chuyện thường tình. Huynh trưởng có bổn phận phải hướng dẩn đàn em đến nơi đến chốn, đàn em có lổi bị phạt hít đất, thụt dầu, nhảy xổm hay phạt dả chiến... cũng là lệnh cán bộ đưa xuống cho huynh trưởng thi hành mà thôi. Luật quân trường mà ! Ở lâu dần mới thấy :

Thật ra huynh trưởng hiền khô
Còn cán bộ, toàn những đồ mắc ma
Để coi trẻ cũng như già
Ngày đầu đụng mặt, ngó qua ghét liền.

Nói ghét cán bộ cho có vẽ một chút, chớ khi mãn khoá ra trường rồi mới thực sự thấy kính trọng quí vị Sỉ quan Cán bộ đã nổ lực hướng dẩn và huấn luyện SVSQ chúng tôi trở thành những Sỉ quan xuất sắc (và không xuất sắc như tôi) trong QLVNCH (lời tác giả)

Ngày đầu tiên ở quân trường là phân chia quân số, Tiểu đoàn,Đại Đội, Trung Đội, đặt dưới quyền chỉ huy của SQ cán bộ Đại Đội Trưởng và hai SQ Trung Đội Trưởng. Những tân sỉ quan được đưa đi xuống tóc, những chiếc tông đơ tàn nhẩn dọc ngang rào rạt trên đầu không thương tiếc. Những ước mơ xanh ngát, những hoài vọng ngất trời bám trên những sợi tóc xanh giật mình rụng lả tả xuống nền xi -măng. Rồi, những anh khoa bản, trí thức cho tới những anh sinh viên, học sinh đều đi tắm truồng ở nhà tập thể cuối doanh trại. Rồi được chích thuốc chống nắng mưa cảm mạo, rồi những bộ đồ lính màu cứt ngựa rộng thùng thình được tương vào người, chiếc nón nhựa đội lên đầu để thực sự trở thành anh lính mới tò te.

Mang tâm trạng thư sinh đang tự do phơ phới ngoài đời mà đặt chân vào quân trường thì bất cứ hình ảnh nào trước mắt, ngó qua cũng thấy lạ, thấy khó chịu, thấy nhớ nhà, thấy rầu muốn chết :

Trại lính, tuyến giao thông hào
Nhà thương. bệnh xá hàng rào, băng ca
Vũng nước, lùm cỏ, bụi hoa
Những ngày đầu mới ngó qua thấy rầu.

Cái gì chớ sức khỏe con người, nhất là Tân khóa sinh thì thể dục thể thao là chuyện hàng ngày khi trời vừa rạng sáng. Có câu" lâu ngày rồi quen", vậy mà những buổi sớm đầu tiên ở quân trường nghe cán bộ thổi còi tu hít dựng dậy ra sân tập thể dục quả là .. khủng khiếp.

Sáng sớm trời lạnh cắt da
Nghe còi dựng dậy uà ra xếp hàng
Tập chạy, nhảy, bò càng
Không nở bề dọc cũng nở ngang thân hình.

Đó là chuyện tinh sương. Ban đêm, trước khi ngủ cán bộ thông báo là sẽ có một cuộc thực tập báo động giả để mọi người chuẩn bị tinh thần, biết trước như vậy mà đến hồi nghe còi báo động hù hụ vào lúc nữa đêm, cứ tưởng như ai hớp hồn mình, phát sợ ngang :

Vừa nhào xuống giao thông hào
Một thằng chết tiệt nhảy ào trên lưng
Lãnh luôn hai cái gót chân
Nghe một tiếng "hự" tưởng chừng hộc cơm.


Trường Bộ binh Thủ Đức có bốn tuyến A, B, C, D suốt khóa học chúng tôi gác đủ cả bốn. Tuyến A ở mặt tiền, cổng chính. Tuyến B giáp với nghĩa địa và nhà dân xa xa. Tuyến C thuộc khu thiết giáp. Tuyến D hướng ra bãi tập. Gác bất cứ tuyến nào vào lúc nửa đêm thanh vắng chung quanh không một bóng người, ngoài những ngôi mộ đá ong hoang phế, và đám lau già tóc trắng quặt quại trong gió, dưới trăng , hay trong cơn mưa, tôi mới cảm nhận hết những nổi cô độc giữa mênh mông đất trời cô tịch :

Đêm hôm ra gác tuyến A
Đang trong khuya khoắc tiếng gà vẵng đưa
Mưa rơi rắc hạt lưa thưa
Lòng mình nước dột nên chưa hết buồn.


Trong 6 tuần huấn nhục, tân khóa sinh phải học : - đi, đứng, nghiêm, nghỉ, dậm chân tại chổ, học chào tay, học hát...học quay trái, quay phải làm sao cho đúng 90o. Học đàng sau quay 180o sao cho khỏi xiểng niểng, đàng trước bước phải bắt đầu bằng chân trái, tay đánh nhịp cho cao. Rồi còn phải tập đánh giày thật bóng, xếp drap mền thật kỷ, tủ quần áo thật ngăn nắp v..v... Trong thời gian này, nhiều huynh trưởng có đầu óc khôi hài thường bày ra kiểu phạt rất độc đáo, như phạt đàn em chạy đi xin chử ký của 300 người trong vòng 15 phút. Có chạy xì khói, chạy bở hơi tai, chạy phờ râu... cũng chẳng ma nào thỏa mãn nổi cơn ác ý của bậc đàn anh chỉ vì lở bước trật nhịp như tôi :

Nó la đàng trước bước đều
Mình bước trật nhịp nó khều mình ra
Hất hàm, rít giọng thiết tha:
"Chạy xin chử ký của ba trăm người"

Cũng trong 6 tuần huấn nhục, trừ khi đi bãi, tân khóa sinh ngày hai buổi chỉ được phép ăn cơm nhà bàn chớ không được ăn tiệm như các huynh trưởng. Vô nhà bàn phải giử im lặng, chờ huynh trưởng hô to" nghiêm" thì phải rán ưởn ngực lên mà đứng im.

Khi nghe hô ngồi phải đáp thật to "xuống", nghe mời đàn em ăn cơm, phải đáp lớn mời huynh trưởng ăn cơm, xong các thủ tục nhà binh mới được ăn. . Khẩu phần ăn quanh đi quẩn lại cũng mấy món canh, đồ xào, cá hoặc thịt hộp. Hôm nào nhát thấy trong tô canh có một chú sâu đo xanh lè, hay chú trùng mềm oặt thì cứ coi như hôm đó ta có thêm ...chất đạm. Đã là con nhà binh khi ăn phải ăn cho lẹ, lùa cho nhanh . Lờ quờ, lạng quạng chỉ có nước đói :

Gắp thật lẹ, lùa thật mau
Ăn không kịp nghỉ, nuốt không cần chờ
Thằng nào lẹ, thằng đó nhờ
Thằng nào chậm chạp. đói phờ người ra.

Lại cũng trong thời kỳ này, tân khóa sinh không được phép đi, mà phải cầm súng xeo xéo trước ngực vừa chạy vừa hát :

"Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu"... mỗi lần hai Đại đội đi ngược chiều, nhất là sau giờ cơm ra , đụng mặt nhau là cứ y như gà tức nhau tiếng gáy, cả hai đều gân cổ hát với tinh thần ganh đua cao độ :

Đại đội bạn đi ngược chiều
Chúng gân cổ hát thiếu điều bức gân
Phe mình thấy vậy nổi sân
Thề quyết chẳng kém, rướn gân cổ gào

Ngày học bãi đầu tiên, chúng tôi được trường cho xe GMC chở lên đồi Bs/ Tín, lúc về thì đi bộ, sau đó là lết cho tới mãn khóa.

Vì bãi học có gần gì cho cam, cách quân trường từ 5 tới 10 cây số đường chim bay hoặc hơn, như bãi xa lộ 5km, bãi nhà xập 7km, bãi vườn thơm... Bài học đầu tiên ở bãi lội về mới thấy đường ơi... sao mà dài vô tận !

Chiều về mới thấy đường dài
Thằng nào thằng nấy mệt nhoài người ra
Ước gì có ly đá trà
Mình ực, mình xối, mình xoa mát người.

Đi bãi còn một cái đáng gờm nữa là nắng. Cái thứ nắng trưa hừng hực, nắng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Làm gì có cây cao bóng mát mà núp . Có bửa chúng tôi ra bãi bắn học xử dụng súng nặng như đại liên M30, M72, súng cối 80 ly, đại bác 105 ly không giựt và ném lựu đạn M26.

Rồi 9 tuần huấn nhục cũng chấp chới trôi qua. Có trải qua thời kỳ cam go này mới thấm thía hai chử "huấn nhục".

Chín tuần qua một cái vù
Thằng nào thằng nấy như tù được tha
Thằng thì ngồi thở hắt ra
Thằng thì sướng tít như là gặp tiên

Sau đó, tân khóa sinh được làm lể gắn Alpha tại Vũ đình trường, hãnh diện trở thành Sinh viên sỉ quan trường Bộ binh Trừ bị Thủ Đức.


Lúc này không phải bồng súng chạy nữa mà đi đứng thong thả hơn, oai phong lẩm liệt hơn và có quyền tới phiên đi bắt nạt đàn em....

Huynh trưởng mà em! Còn cơm nhà bàn thì nhiều anh chê, ra ăn cơm ngoài ở khu gia binh hay khu thiết giáp, tuy tốn tiền nhưng ngon hơn, lại có nhạc để nghe và có các em để nhìn lén cho đã thèm...

Bất cứ khoá huấn luyện quân sự nào cũng đều có các bạn miền Trung vào học, những vị này thường tụ tập thành một nhóm chơi chung với nhau, họ rủ rỉ tâm sự mà có khi tôi nghe lén được, muốn bật cười lên :

Ra trường mầy đi lính chi
Nhất định là lính rằn ri, còn mầy ?
Tao thì Quân cảnh tối ngày
Tìm ba thằng lính như mầy, nhốt chơi.

Một hôm, đại đội tôi nhận lệnh đi gác tuyến D nguyên ngày. Sau buổi cơm trưa (do toán ẩm thực mang ra tuyến), tôi vừa leo lên chòi gác thì cơn buồn ngủ quái ác từ đâu ào ào ập tới. Mặc dù ráng banh mắt ra mà nhìn về phía trước, hoặc lắc đầu nguầy nguậy cho tỉnh táo rồi móc thuốc ra hút liền tù tì mấy điếu, cuối cùng gió vẫn đưa con buồn ngủ nó lên chòi.... Thế là , thay vì ôm súng gác như trách nhiệm của một người lính ngoài giới tuyến thì tôi rủ xuống như tàu lá làm luôn một giấc chẳng còn biết trời trăng mây nước là cái chi chi... Lúc tỉnh dậy mới hay mình ... mất súng! Mất gì chứ mất súng là chuyện tày đình, có đường ra tòa án quân sự như chơi. Thì ra Ông cán bộ Trung đội trưởng đi kiểm soát bắt gặp tôi đang say giấc nồng bèn đi một đường tịch thu vũ khí. Chiều về tôi bị cán bộ dủa te tua và sau đó khăn gói vào phòng kỷ luật 301 hai ngày nằm chơi xơi nước. SVSQ trong suốt khóa học không ai mà không nghe danh F301. Căn phòng vuông vức khoảng 9, 10 thước, u ám và khai nồng :

Nằm ba lẻ một cũng vui
Cái hồn mình chợt tối thui như rừng

Sau lễ gắn Alpha, cuối tuần SVSQ được cho về phép lần thứ nhất. Diện bộ đồ tiểu lể kaki màu vàng nhạt, vai đeo dây biểu chương, dây nịt sáng chói, đầu đội caskette, giầy botte de saut bóng lưởng, tay cầm tờ giấy phép hiên ngang bước ra khỏi cổng số 1 về Saigon đi phép.
Những ngày cuối tuần sau đó, trừ đại đội nào tới phiên trực ở lại, ba đại đội còn lại phải ra Vũ đình trường thi diển hành, đội nào bết nhất sẽ bị cúp phép. Một tuần học mệt xì khói, chỉ còn lợi dụng hai ngày nghỉ phép về Saigon du hí mà bị cúp thì còn gì là đời trai. Có lần, đại đội tôi thi diển hành bị đánh rớt liên tiếp hai tuần liền, bị cúp phép, bị cán bộ "xì nẹt", nhiều thằng nổi sùng giận cá chém thớt, đi tìm đàn em lôi ra phạt cho hả giận.

Riêng tôi buồn tình thả ra khu Tiếp tân, gần phía cổng chính , coi thiên hạ đi thăm nuôi cho đở buồn. Ngồi nhìn bức tượng trắng toát của anh SVSQ đứng bắn cung chán rồi ra ngồi dựa gốc cây bả đậu hút thuốc nhìn trời đất, nhìn người, nhìn tôi :

Buồn tình ra khu tiếp tân
Dựa gốc bả đậu ngó gần ngó xa
Ngó thì ngó vậy " thật ra,
"Chẳng ngó gì hết", nên tha hồ buồn...

Ngó cái" chẳng ngó" no con mắt rồi lửng thửng đảo xuống khu gia binh chơi. Đang buồn thả hồn lãng đãng theo một bóng hồng trong mơ, gặp huynh trưởng cũng chẳng nhìn ra để mà chào. Vậy là có cái họng hung dử gào lên "Hai mươi cái bơm, hai mươi cái hít đất, hai mươi cái nhảy xổm, thi hành!". Đáp tuân lệnh, xong là vừa thi hành vừa đếm thật to tổng cộng một hơi sáu chục cái không thiếu:

Buồn tình xuống khu gia binh
Thả hồn ôm ấp bóng hình nơi nao
Gặp huynh trưởng quên không chào
Thôi thì nó phạt, nó gào lia chia.

Học binh pháp thì có hằng ngàn mưu thần chước qũy để mà học. Bể học mênh mông, học cả đời cũng không hết. Như chiến thuật hành quân phối hợp bộ binh và thiết giáp, xe thiết giáp chạy trước, bánh xích ầm ầm vừa chạy vừa rải đại liên càn quét địch quân, bộ binh chạy lúp xúp theo phía sau tiến chiếm mục tiêu :

Thiết giáp nó chạy trước mình
Địa thế gập ghềnh, mình chạy phía sau
Chạy xì khói, chạy phờ râu
Ba chân bốn cẳng chạy mau như gà.

Đi hành quân tùy tình hình, địa thế mà ngụy trang để địch khó bề phát hiện. Lá cây rừng là phương tiện thiên nhiên, hữu hiệu:

Quơ tay bẻ cụm lá rừng
Mình cắm mình giắt trên lưng, trên đầu
Soi mình xuống vũng nước sâu
Một thằng lạ hoắc nghoẻo đầu nhìn lên.

Mệt mà vui, nhất là đi địa hình. Từ điểm đứng trên bản đồ hành quân, ta vạch một đường thẳng hướng theo kim địa bàn xuyên qua địa hình địa vật để đến mục tiêu. Mục tiêu là những cọc gổ được đánh dấu đã bài trí sẳn theo tuyến hàng ngang cách điểm xuất phát non chục cây số đường rừng. Mới tảng sáng, cả đại đội có mặt đầy đủ, được huấn luyện viên giảng dạy lý thuyết cách đọc bản đồ, chấm tọa độ, xử dụng địa bàn, đo phương giác... Sau đó, mỗi tiểu đội dùng địa bàn xác định điểm đứng của mình rồi nhắm hướng mà đi.

Đơn giản như vậy mà lúc đi cứ bị lạc hoài, trên lý thuyết thì dể, nhưng khi thực hành mới gian nan. Có điều, không còn gì sung sướng hơn khi được thả tự do đi băng đồng vượt suối , xuyên qua vườn tược, nhà dân, bờ tre, cây lúa , ụ rơm, hít thở bầu không khí trong lành của đồng nội...

Đi lạng quạng mà tình cờ lạc vào vườn thơm, hầu hết các SVSQ đi địa hình đều biết tiếng vườn thơm, vì nghe đồn nơi đây có một cô gái tên Lan đẹp như chim sa cá lặn. Biết là chẳng bao giờ có chuyện bèo mây gặp gở, nhưng nghe qua tiếng đồn, lòng ai mà chẳng nao nao...

Cuối cùng cũng đi đến đích, tuy nhiên thay vì muc tiêu là cọc C, thì tụi tui đi lạc xuống tận cọc M, báo hại 12 thằng dở hơi phải hộc tốc chạy ngược lên cọc của mình đánh dấu để về báo cáo. Có một điều là chẵng riêng gì tiểu đoàn cà chớn chúng tôi mà mấy tiểu đội gà mờ bạn cũng đi sai địa hình không kém :

Kim địa bàn chỉ hướng đông
Cái chân lội suối, bương đồng mà đi
Địa hình, địa vật chi li
Cái chân mắc dịch dẩn đi lạc hoài. 

Sau phần đi địa hình là môn đi Dây tử thần, dây tử thần là một sợi cáp được nối từ đỉnh đồi ngang qua hồ nước xuống tới bờ hồ,sợi cáp luồn xiên qua tâm ròng rọc có hai móc câu bằng sắt để nắm, tuần tự từng người khi đu xuống tới mức an toàn thấy tên thủ hiệu phất cờ thì buông tay cho thân mình rớt xuống hố nước sâu lút ngực, lóp ngóp lội lên bờ là xong :

Ròng rọc lao xuống ào ào
Tiếng dây cáp rít, gió gào hai bên
Thằng thủ hiệu phất cờ lên
Mình buông tay xuống rớt bên bờ hồ

Rồi qua đến Dây kinh dị, dây kinh dị có ba sợi cáp thiết trí theo hình chử V giăng qua một cái vực, đi dây kinh dị đừng bao giờ nhìn xuống đất, vì độ cao cộng với sự nhún nhảy ngả nghiêng của sợi dây dể làm ta lạng quạng, mất thăng bằng trật tay té xuống không chết cũng tàn phế :

Dây kinh dị ác ôn hơn
Sợ xám mặt, ớn thấu xương sống mình
Sợi dây nhún nhảy bấp bênh
Dưới sâu thần tử ngó lên cười cười.

Tuột núi là môn chói tim cuối cùng, đó là một tấm vách dựng sừng sửng giửa trời cao khoảng 15, 20 m, bề ngang chừng 1,50m, đứng trên đỉnh tứ bề gió lộng , nghệ thuật đặt trọng tâm vào hai sợ dây và cái móc an toàn, một sợi được buột từ đỉnh

thả dài xuống mặt đất, sợi kia dùng để quấn quanh thắt lưng và háng rồi luồn vô cái móc . Khi tuột phải tuột đằng lưng, mặt dây vô vách, muốn nhanh hay chậm đều tùy vào bàn tay bóp hay nhả sợi dây luồn qua cái móc chử O :

Vách núi dựng đứng giửa trời
Chưa leo mà đã rã rời ngất ngư
Chưa tuột mà đã lừ đừ
Ba hồn chín viá sặc sừ rút lui

Và cuối cùng là đoạn đường chiến binh, môn học mà hầu hết SVSQ nào cũng ngao ngán. Đoạn đường này không dài mấy, chỉ non chừng một ngàn thước, nhưng đầy những chướng ngại vật mà ai cũng phải vượt qua. Nào là đu dây, vượt tường, leo lên cầu cao, chạy qua cầu khỉ, băng qua những bải lầy, đụn cát, nhảy qua gò, bay qua ụ, phóng qua hầm, vượt qua hố, chui xuống địa đạo, bò dưới hàng rào kẻm gai trong khi hỏa lực nó khạt rát trên đầu, lâu lâu lại nghe mìn nổ gần đâu đó! Đoạn đường chiến binh hiểm ác nữa là súng cầm tay, ba lô trên lưng, SVSQ phải chạy từ đầu cho tới cuối chặng đường, một người khoẻ mạnh cách mấy vượt hết đoạn đường này cũng phải tháo mồ hôi hột mà thở : 

Leo trèo, chạy, nhảy, phóng, bò
Vượt chướng ngại vật có trò lọi xương
Mình đi tám hướng mười phương
Bây giờ mới gặp đoạn đường chiến binh.

Đêm Di Hành, là một môn học cuối cùng trước khi mãn khoá, cả ba đại đội tập họp thành một tiểu đoàn trước Vũ đình trường rồi bắt đầu xuất phát, hướng về cổng 9 ra bãi, âm thầm lặng lẻ như một đoàn quân ma. đi qua những con đường, những ngọn đồi thấp, những rừng cây, những nơi chốn trong suốt gần 9 tháng trời đã đi qua. Buổi tối, trăng bắt đầu lên, xa xa những trái hỏa châu như những chiếc đèn lồng đong đưa trong gió, tỏa ra những ánh sáng mờ ảo, lạnh lẻo, vàng vọt. Khi chúng tôi từ trên đồi thả lài lài xuống dưới trủng thì gặp một cái hồ nước, vừa đi tới sát bên hồ thì tôi khá giựt mình vì cái đẹp lạnh lùng của bóng trăng vằng vặc dưới đáy nước nhìn ngược lên tôi bằng một ánh mắt cực kỳ hoang dại và mờ ảo đến lạ thường....

Cuối cùng vào nửa đêm tất cả bốn đại đội của Tiểu đoàn chúng tôi lần lượt trở về tập họp tại Vũ đình trường, sau khi kiểm điểm lại quân số và vũ khí, theo hệ thống quân giai trung đội báo cáo lên đại đội, đại đội báo cáo lên tiểu đoàn , tiểu đoàn báo cáo lên liên đoàn.

Thời gian, không gian và sự mệt mỏi đã đọng lại trong tất cả chúng tôi để thực sự trở thành những người lính, những sỉ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, những lực lượng mà mai đây sẽ tung ra khắp bốn vùng chiến thuật :

Cái tay cầm súng rả rời
Cái chân đạp trúng "bóng đời nhà binh" ... 

Sáng hôm sau vang rền những tiếng hô nghiêm nghỉ ,đứng lên ,quì xuống giửa sân Vũ đình trường đầy ngập người: là quan khách, là thân nhân, bạn bè, là người yêu của lính đến tham dự lễ mãn khoá.

Những SVSQ oai phong trong bộ đồ đại lễ, vai mang biểu chương , đầu đội caskette, một chân quì xuống nôn nao chờ các huynh trưởng đến gắn cấp bậc : "Chuẩn Úy"

Cái lon chuẩn úy nhìn qua,
Giống hai con cá vàng da vẩy vùng...

Và, sau đó, hàng ngàn tân sỉ quan hân hoan bước ra khỏi cổng trại trường Bộ Binh Thủ Đức mà không bao giờ trở lại. Họ như những con chim ra ràng bay đi khắp bốn vùng chiến thuật...

Để rồi những năm tháng sau này , có những cánh chim trở thành hồn tử sỉ, có những cánh chim trở thành người thương binh, có những cánh chim trở thành kẻ bị tù đày trong nước hay có những cánh chim đang sống ẩn dật ở một nơi không phải là quê hương xứ sở, đất nước của mình...

(Trích bài tùy bút của Thiếu Úy Tấn đăng trong tạp chí Phố Văn, xin mạn phép tác giả thân gởi đến các cựu quân nhân QLVNCH để nhớ lại những kỹ niệm khi thụ huấn tại Trường Bộ binh Thủ Đức).


No comments:

Blog Archive