Wednesday, September 4, 2019

Đình Tụ Mây


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Làng tôi không có hình ảnh thi vị như: “ con sông bên lở bên bồi, cầu tre lắt lẻo hay mái đình, bến nước cây đa…”, làng tôi có vẻ hơi hướng thị thành hơn, nó nằm bên chợ, nhà ga, bến xe. Làng tôi cũng không có tên Nôm như những làng khác trên đất nước này mà chỉ có tên chữ. Làng tôi có cái tên rất hay, rất đẹp… Nó là tên của một địa danh mà bà Tây Lăng Vương Mẫu thết tiệc bàn đào ở trong Tây Du Ký. Không chỉ ở tên làng mà tên mọi địa danh quê tôi đều hoàn toàn tên chữ, nào là: Diêu Trì, Long Vân, Cảnh Dương, Phước An… đây là dấu ấn từ thời Minh Mạng. Ông vua ấy là quy chuẩn hoá ngôn ngữ danh tự và địa danh. Ông ấy mê Tàu, Hán hoá hết mọi thứ!

Làng tôi có một ngôi đình mà tên nó cũng đương nhiên là tên chữ, rất đẹp, rất hay. Khi gọi tên là hiện lên hình ảnh rất đẹp và nhiều ý nghĩa: mây tụ. Nếu qúy vị đọc sử xưa thì thường thấy dấu hiệu như: mây ngũ sắc, rồng bay lên, hương toả, kỳ lân xuất… để làm điềm báo tin trước một vị vua anh minh hay một thánh nhân ra đời…Có lẽ cũng từ cái kiểu thức này mà đình làng tôi có cái tên đẹp như vậy! Mặc dù làng tôi chẳng có quới nhân xuất, chẳng có hào kiệt hay anh thư nào cả ( may ra có những kẻ ngớ ngẩn ). Ngày xưa khi còn nhỏ cứ mỗi năm vào dịp Thanh Minh là ngày cúng đình rất long trọng, linh thiêng. Các bô lão người thì áo dài xanh đậm chữ thọ, người thì áo the khăn xếp… đứng ra tế lễ. Bọn con nít chúng tôi: thằng Tèo, thằng Tí, thằng Đực… hễ nghe tiếng trống chầu là chạy vô đình coi cúng đình và chờ được ăn cháo lòng, bánh hỏi. Thằng Tí lanh chanh chỉ vào tượng Nam Tào- Bắc Đẩu giải thích:

- Hai ông naỳ ghi tên và tuổi thọ của con người ở nhân gian đó!

Thằng Tèo thì tỏ vẻ nghiêm trang hơn, chỉ tượng Quan Công nói:

- Quan Thánh linh lắm đó, ai ăn thịt chó sẽ bị ông quở! ( cũng quái lạ thật, ông này là võ tướng vô cùng kêu căng ngạo mạn, coi người như rơm rác…Sử gia và triều đình Tàu tô vẽ đôn lên hàng thánh nhằm định hướng tư tưởng con dân trung thành với chúng. Vậy mà người Việt cũng mê muội thờ cúng, tin sái cổ!)

Xem các cụ già tế lễ lâu quá cả bọn mau chán bèn chia phe rượt bắt chạy quanh đình. Đình lớn và rộng lắm, cữa chính quay mặt ra cánh đồng, ngoài ra còn có cữa hậu và cữa hai bên. Bọn tôi thấy kinh thành trong các phim Hồng Kông đều liên tưởng đến đình mây tụ sao mà giống nhau thế. Buổi tối có hát bội miễn phí cho người làng và các làng bên cùng coi. Tuổi thơ chúng tôi trôi qua êm đềm bên đình. Rồi một ngày kia bỗng nhiên đình bị đóng cữa, không ai được vào trong; tiếp đó là người ta đập những phù điêu, những tượng trên nóc đình, quận cho xe đến chở Nam Tào- bắc Đẩu cùng toàn bộ trống, chiêng, cờ, xí… đi đâu mất tiêu. Rồi đình bị lấy làm nơi sản xuất mành trúc… Bọn chúng tôi chưng hửng, thế là mất một chỗ chơi, thế là từ nay không còn được coi cúng đình, không còn được ăn cháo lòng bánh hỏi miễn phí.

Ngày tháng qua nhanh như nước chảy mây bay, bọn chúng tôi lớn lên mỗi người tản mác bốn hương trời; sau hai mươi mấy năm, giờ gặp nhau trên NET rất vui nhưng dễ gì gặp laị nhau ở sân đình xưa. Danh ngôn Tây Phương có câu: “ không thể tắm hai lần trên một giòng sông”! Đúng vậy, Giòng sông phút trước đã qua, giòng sông phút sau chưa đến, giòng sông lúc này không phải là giòng sông khi nãy… Giòng đời cũng như giòng sông nó chảy mãi không ngừng. Nhưng nó về đâu? Nó chảy muôn nơi, nó về biển cả rồi nó sẽ quay laị nguồn cội nơi nó đã ra đi. Nó chở những hạt phù sa bồi đắp cho ruộng đồng bờ bãi mà nó đi qua. Nó hoà vào sông khác trước khi ra biển, thậm chí có những giòng sông chết trước được thấy biển cả, nó chết trong sa mạc. Dầu cho nó chết hay đựợc về biển cả thì moị giòng sông vẫn chảy tràn trong tâm tưởng của con người. Nó vẫn hiển hiện bên đời. Nó hoá thân thành những ly nước trong lành mà ta uống, nó là những gịot sương, nó là hơi nước ở trong trời đất này!

Một ngày kia lên Net, tôi laị thấy ngôi đình ngày xưa, vẫn con lân chầu trên các trụ biểu, vẫn mái tam quan và bậc tam cấp nhìn ra cánh đồng, Tiếc rằng cánh đồng giờ bị san lấp để chia lô bán hết rồi! Ngôi đình đây mà hồn các bô lão ngày xưa giờ nơi đâu?

Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 4/2018

No comments:

Blog Archive