CHIẾC ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ
Khi tôi 20 tuổi, tôi bán hàng thuê cho một hiệu đàn piano ở St. Louis. Một lần, chúng tôi lại nhận được một “đơn đặt hàng” là một bưu thiếp từ vùng Đông Nam Missouri. Trên bưu thiếp đó có viết: “Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đôla mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà”.
Qua nét chữ có thể đoán được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín mít tấm bưu thiếp, viết cả ra những diềm giấy còn thừa ở mặt trước cho đến khi chỉ còn chừa ra một khung nhỏ ghi địa chỉ.
Tất nhiên công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Nên chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.
Tuy nhiên, đến một ngày, ở vùng Đông Nam Missouri đó có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Vì tò mò, tôi muốn đến địa chỉ của bà cụ xem sao. Gần như giống hệt những gì tôi tưởng tượng: bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp cạnh cánh đồng.
Sàn căn lều rất bẩn. Gà thì chạy lung tung: không xe, không điện thoại, không nghề nghiệp. Chẳng có gì cả trừ một mái nhà, và đó cũng không phải là một cái mái tốt. Cháu gái của bà cụ khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá.
Tôi giải thích cho bà cụ rằng chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 6 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau. Cần có một cái đàn piano màu gụ đỏ, và thề thốt rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng.
Khoảng 2 năm sau, tôi mở được một công ty giao bán piano của riêng mình, và đôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Tôi bắt đầu nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng lờ những tờ bưu thiếp đó đi, vì tôi biết làm gì cơ chứ?
Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập về một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết mình có thể gây thua thiệt cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe ô tô chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10 đôla/tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần. Tôi đặt piano vào nơi ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà và cháu bé giữ cho bọn gà đừng nhảy lên đàn piano. Rồi tôi lên xe về công ty đinh ninh rằng thế là coi như mình đã cho không một cây đàn.
Nhưng cứ 10 đôla được gửi đến cho tôi rất đều đặn mỗi tháng. Cả 52 tháng. Đôi khi không chỉ là tiền giấy mà là những đồng xu được dùng băng dính đính vào bưu thiếp.
Nhận đủ tiền, tôi không có liên lạc gì với bà cụ nữa trong suốt 20 năm. Cho đến một ngày khi đi công tác ở Memphis, tôi ghé vào một nhà hàng để dùng bữa. Ở đó, tôi được nghe thấy tiếng đàn piano hay nhất mà tôi từng được nghe. Và do một cô gái rất xinh đẹp đang chơi.
Tôi lại gần cô ấy và đứng nghe nhạc. Khi chơi xong bản nhạc, chúng tôi nói chuyện với nhau, và thật như một điều kỳ diệu, đó chính là cô bé mặc váy vá trong căn lều nhỏ 20 năm trước.
Cô gái kể từ khi được bà đặt mua cho chiếc đàn piano màu gụ đỏ, cô đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và địa phương. Bây giờ cô đã có gia đình còn bà cô đã mất.
Tôi hỏi cô có biết chiếc đàn piano màu gụ đỏ có ý nghĩa như thế nào không. Cô gái nói hồi đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết có một chiếc đàn mà không hiểu gì nhiều. Nhưng tôi thì hiểu.
Cuối cùng, tôi bảo cô:
– Tôi rất mừng được gặp lại cô, còn bây giờ tôi phải đi về đây!
Và tôi thực sự phải đi về, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn bị nhìn thấy mình khóc ở nơi công cộng.
"Ai đó có thể ra đi, nhưng tình yêu của họ sẽ còn lại, mãi mãi…"
CÂY ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ - Phần 2
…Một buổi chiều, khi đi học về, tôi thấy Bà đang đợi trước cửa, khuôn mặt hồng lên vì sung sướng. Bà nắm chặt tay tôi dắt vào nhà, không nói gì.. Nơi đó, trong căn phòng gỗ tồi tàn cũ kĩ là một chiếc piano màu gụ đỏ mà tôi thường mong ước.
Tất cả như tan biến đi. Trước mắt tôi, cây đàn piano như một người bạn vĩ đại dang rộng vòng tay mời gọi. Như bị thôi miên, tôi rụt rè bước tới. Mùi gỗ mới làm tôi ngây ngất. Những phím đàn trắng muốt như thiên nga xếp thành hàng dài, bình thản và duyên dáng. Tôi đưa tay nhấn xuồng 1 phím đàn, rồi 2 phím, 3 phím,…những âm thanh trong trẻo, vang vọng. Căn phòng bỗng như tràn ngập ánh sáng. Tôi ngồi nhấn trên những phím đàn, say mê, cảm giác như mình là người nghệ sĩ đầy quyền năng trong bộ phim hoạt hình đã từng xem lúc trước, chỉ với tiếng đàn piano có thể làm cả khu rừng bị lời nguyền của mụ phù thủy làm héo tàn bỗng bừng sống lại.
Phải đến một lúc lâu, tôi chợt nhớ ra và giật mình quay lại: Bà vẫn đang đứng ngay cửa, mỉm cười hiền lành nhìn tôi, hai gò má nhăn nheo đẫm nước mắt…
Rồi từ đó, tôi đi học piano ở một thầy giáo già tốt bụng trong làng chung với những đứa trẻ giàu sang và xinh đẹp. Đôi lúc có những ánh mắt nhìn tôi lạ lẫm, như thể không hiểu được làm sao một đứa trẻ như tôi lại có thể hiện diện ở đây… Nhưng dường như tất cả lại tan biến khi tôi đặt tay lên phím đàn. Cuộc sống của tôi như thật sự bước sang một trang mới. Cả bầu trời mở rộng trước mắt. Những thanh âm trong trẻo làm từng ngày trôi qua tràn ngập trong ánh sáng. Tôi say sưa với những phím đàn, những giai điệu mới, những tác phẩm mới mà quên mất Bà đang ngày càng gầy đi, mà không nhận ra rằng từ lúc chiếc đàn piano xuất hiện, bữa ăn của chúng tôi bỗng ít lại và có lúc dường như Bà không ăn gì cả, rằng mỗi lúc nhận được tiền bán trứng Bà lại lo lắng, có lúc không ngủ được. Và những khi mùa đông đến, Bà vẫn chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ ky mà không bao giờ nghĩ đến việc mua một chiếc áo mới cho mình.
Thời gian trôi. Đến một ngày, tiếng đàn của tôi đã được ông chủ một nhà hàng sang trọng để ý. Ông nói rằng sẵn sàng trả lương thật cao cho tôi nếu tôi đến đánh đàn cho nhà hàng của ông mỗi tối. Mọi thứ đến như một giấc mơ, đến nỗi một lần nữa, bà tôi lại khóc…
Cho một ngày Bà bị bệnh rất nặng. Tôi hốt hoảng, cuống quýt, lo sợ không nói nên lời . Bà chỉ nắm chặt tay tôi, thều thào: “ Đàn cho bà nghe một bài, được không? Rồi bà sẽ khỏi bệnh thật nhanh thôi.”
Tôi quẹt nước mắt, đứng dậy, run rẩy bước đến bên cây đàn và hít một hơi thật sâu. Bất chợt một hơi ấm bình yên ở đâu đó chảy tràn trong ngực . Tôi nhìn qua, bắt gặp ánh mắt Bà đang nhìn tôi hiền từ, chờ đợi. Tất cả bỗng vụt tan biến như ngày xưa ấy, chỉ còn lại Bà, chiếc đàn piano màu gụ đỏ và tôi.
Và tôi ngồi xuống, đàn say sưa. “Lettre à ma mère” - Bài nhạc tôi thường chỉ đàn riêng duy nhất cho bà .Hơi thở tôi ấm nóng, tiếng đàn ấm nóng, tất cả hòa quyện như một ánh sáng ky diệu đưa tôi tan chảy trong tình yêu thương tràn ngập, như vòng tay ấm áp của Bà lúc trước…
Nốt nhạc cuối cùng vang lên. Tiếng tim tôi như vẫn còn đập theo một giai điệu nào đó, nồng nàn, chan chứa. Một lúc sau, tôi quay lại nhìn: Bà đang nằm, nhắm mắt, bình yên. Tôi lặng lẽ đến bên đắp chăn cho Bà thì bàng hoàng nhận ra: Bà đã ra đi, mãi mãi…
Rồi cuộc sống của tôi lại trôi đi, chỉ khác là không còn Bà nữa. Đôi lúc, tôi vẫn thường lấy tiếng piano để bù đắp khoảng trống quá lớn trong tim mình , nhưng dường như càng cố gắng lấp đầy, tôi lại càng thấy trống trải hơn , tuyệt vọng hơn. Tôi nép mình, lặng lẽ với những tiếng đàn, và tách mình khỏi tất cả.
♥ ♥ ♥
- Tiếng đàn của cô tuyệt quá. Nó làm tôi nhớ đến bà Margaret ở vùng này...
Tôi giật mình quay lại: Một người đàn ông đứng tuổi, có lẽ từ vùng khác tới, đang đứng nhìn tôi.
Tôi ngạc nhiên:” Ồ, thưa ông, đó chính là bà của cháu. Nhưng làm cách nào mà ông biết bà của cháu vậy?”
Người đàn ông lặng đi một chút như bất ngờ, rồi nói:” Ngày xưa, chính tôi là người đã bán chiếc đàn piano màu gụ đỏ cho bà của cháu.”
Đến lượt tôi như lặng đi. Trong ky ức non nớt của tôi là một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến nhà và nói với bà một điều gì đó, và khi ông ấy quay mặt đi, bàn tay bà bỗng nắm chặt vai tôi, run run, …
“ Thế bà của cháu bây giờ thề nào rồi?”-Câu hỏi đột ngột cắt đứt dòng suy nghĩ trong tôi. Và khi người khách biết rằng bà tôi đã mất, khuôn mặt ông bỗng buồn rười rượi. Một lúc lâu sau, ông nhẹ nhàng hỏi:” Thế cháu có biết ngày xưa bà cháu đã làm thế nào để mua được chiếc đàn trị giá như thế này vào thời đó không?”.
- Lúc đó cháu còn quá nhỏ, bà cũng không kể cho cháu biết…
Người khách rưng rưng:
- Để có được chiếc đàn này, bà cháu đã phải mua trả góp bằng tiền bán trứng gà hàng tháng trong suốt hơn 4 năm đó.
Tôi bàng hoàng, cổ họng như nghẹn lại, nước mắt chợt trào ra. Những ky ức ngày xưa tràn về: những bữa cơm bà chỉ lặng lẽ gắp đồ ăn cho tôi, những mùa đông bà co ro trong chiếc áo cũ ra thăm chuồng gà và những lúc bà nhìn tôi say sưa bên cây đàn, hiền từ, lặng lẽ…Tôi ôm lấy mặt mình, bật khóc. Người khách vòng tay ôm lấy tôi, dịu dàng :” Hãy sống thật xứng đáng với những gì cháu đã được nhận . Ta tin cháu sẽ làm nên những điều ky diệu, như bà của cháu”…
Và thời gian lại trôi đi…
***
Tôi mở một lớp dạy piano cho một trại trẻ mồ côi trong làng, những đứa trẻ kém may mắn hơn cả tôi lúc trước. Cuộc sống của tôi giờ đây lại tràn ngập ánh sáng, tràn ngập tiếng cười. Và có những lúc, khi ôm lấy những đứa trẻ, tôi chợt cảm nhận được hơi ấm vòng tay của Bà trọn vẹn như trước. Và tôi nhận ra: "Ai đó có thể ra đi, nhưng tình yêu của họ sẽ còn lại, mãi mãi…"
SƯU TẦM
(Bao Nguyen Quang st)
No comments:
Post a Comment