Tuesday, September 24, 2019

Góc Trời Cổ Tích

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Gánh xiếc sơn đông mãi võ đang làm rộn ràng cả một góc chợ Cây Da. Một anh lực sĩ nằm trên bàn chông, trên bụng đặt một tảng đá. Một lực sĩ khác dùng búa tạ đập bể tảng đá mà người nằm dưới không hề hấn gì. Màn khác thì một anh lực sĩ dùng cây giáo dài ấn vào yết hầu một lực sĩ khác, cán giáo cong oằn mà yết hầu không bị thương tích… Nhiều tiếng thét lên, tiếng trầm trồ thán phục, tiếng hò reo tán thưởng vang dội. Bà Hai tỏ vẻ ngờ:

- Chắc bọn họ có bùa, nuôi ngải?

Ông Mười Mắm thì nói:

- Phép tắc gì đâu, chẳng qua họ luyện võ nên có công phu thôi!

Anh bảy Chà thì lý sự có vẻ khoa học lắm:

- Khi một lực tác động vào và tản đều trên bề mặt thì người ỡ dưới bề mặt ấy sẽ không bị thương!

Còn nhiều ý kiến khác nữa nhưng bị chìm lỉm vào tiếng loa rao bán thuốc của đoàn:

Cao đơn hườn tán

Một bán ba cho

Trị ho trị sảy

Sản hậu vàng da

Đàn ba kinh nguyệt

Đàn ông xụi liệt

Lậu hoặc di tinh

Trẻ con cam tích

Ghẻ lác đầy mình

Gìa bịnh đau lưng

Gối xương cốt nhức

Buồn bực tâm can

Uống vô một hoàn

Tiêu tan bịnh tật

Maị dzô…maị dzô..

Người lớp trong lớp ngoài móc túi mua, mấy bà thì thích tể, mấy ông thì mua hoàn ngâm rượu đặng “ông uống bà khen”…

Chợ có tự bao giờ không ai biết, chỉ biết nhóm họp vào các ngày mùng hai, mùng tư, mười ha, mười bốn…Dân các ấp Long, An, Thành, Thạnh, Mỹ, Tài… đều đổ về đây mua bán. Chợ còn là đầu mối bỏ nông sản, hoa quả… cho thành phố biển cách đó mươi cây số. Thành phố này vốn là một hải trấn tiền đồn quan trọng dưới thời Tây Sơn. 

Nhà ngoại của gã gắn liền với ngôi chợ này, thuở ấy người ta còn thuần hậu lắm! dù mua bán nhưng không có tranh giành, thủ đoạn; không có điêu toa gian dối… Thời ấy đời sống rất dễ chịu, công việc làm ăn dễ dàng. Khi Mỹ và đồng minh đổ vào thì việc mua bán laị càng thịnh hơn bao giờ hết. Ngôi nhà của ngoaị trở thành một quầy tạp hóa lớn nhất vùng bán đủ thứ hết nhưng chủ lực là: xi măng Hà Tiên, Bia con cọp Larue, Giấy quyến hiệu Thuyền Rồng, Trà Diệu Ký, sữa Guigo… Lính từ các trại quân đồng minh: Đaị Hàn, Phi Luật Tân…rất thích đến mua hay trao đổi đồ với tiệm của ngoại. 

Ngày tết thì khỏi phải nói, cả nhà như một xưởng bánh mứt. Con cháu, người làm… đều tốc lực làm bánh mứt, khó nhất vẫn là xăm gừng, xăm bí; những củ gừng gọt chuốt đẹp như bàn tay mỹ nhân rồi xăm cho mềm ra, rồi luộc và đem rim (dụng cụ xăm gừng là những khúc gỗ gòn, một đầu cắm đầy các cây kim may, nghề này xem ra giờ thất truyền); rồi còn đu đủ xanh cắt bông thược dược, cắt nơ…Mùi nước đường rim mứt bay thơm thoảng thoảng trong gió, ra tận ngoài chợ luôn! Bánh mứt ở tiệm của ngoại vừa đẹp vừa ngon nổi tiếng. Ngoài người mình ra, mấy anh lính đồng minh rất thích mua những cái bông thược dược rim từ đu đủ. Công việc mua bán thuận buồm xuôi gió, ngoại trở nên giàu có nổi tiếng khắp vùng.

Năm ấy khoảng đầu thập niên bảy mươi. Dì cùng với học sinh các trường Cường Để, quốc Học, Trưng vương… cắm traị ở vận động trường. Ông tỉnh trưởng đến chúc mừng. Bọn người bên kia cử thích khách đến ném bom. Ông tỉnh trưởng đứng trên đài cao nên không hề hấn gì nhưng học sinh thì chết la liệt, lớp vì bom lớp vì hoảng loạn dẫm đạp nhau. Dì cũng chết trong đám học sinh xấu số ấy. Người chết và bị thương nhiều đến nỗi nhà thương tỉnh không còn cả bông gòn và thuốc đỏ để sơ cứu. Đài truyền hình đưa tin, dân chúng kinh hoàng tiếc thương cho những người xấu số. ( không biết những kẻ thủ ác ra lệnh và thi hành ấy có bao giờ thấy hối hận chăng? chắc là không, vì hàng năm chúng vẫn tổ chức kỷ niệm chiến thắng, vẫn đeo huy chương đỏ khé trên ngực!) Ngoại tưởng chừng như suy sụp nhưng rồi công việc làm ăn laị bận bịu, thời gian dần dần xoa dịu nỗi đau… Cho đến một ngày kia, khi mà quốc gia sụm bà chè! lần này thì suy sụp thật, suy sụp vĩnh viễn! lần naỳ không phải mỗi ngoại sập tiệm mà tất cả đều sập tiệm! Mọi người khép nép hạ mình xuống, mai danh ẩn tích, bôi xóa vết tích thân phận, tẩu tán chôn giấu tài sản, che đậy ăn uống…Tất cả như cơn ác mộng giữa ban ngày!

Những năm sau đó mặc dù đóng tiệm nhưng ngoại vẫn mua bán lẻ tẻ vụng vặt để mưu sinh, bấy giờ cả nước thành một cái chợ trời khổng lồ, cái gì cũng mua, cái gì cũng bán…Nhưng luôn dòm trước ngó sau. Lúc bấy giờ gã cũng còn là một chú bé con, rất tò mò, hay nghe lóm chuyện người lớn, thích mò vào trong kho hàng cũ của ngoại để lục lạo tìm kiếm ( nhưng chẳng biết tìm cái gì mới lạ chứ!). Gã thích thú nhìn những két bia con cọp Larue chất cao tới nóc ( không biết hồi ấy người nhà uống hay bán lẻ mà vẫn còn những cái két chứa vỏ chai như thế?), những hộp nhựa to dài cả thước dùng đựng giấy quyến ( loại giấy dùng để vấn thuốc lá, nghe người lớn kể laị, những năm sau tháng tư đen ấy, mỗi cây giấy quyến này đổi một cây vàng), những thùng giấy cạc tông (carton) dùng chứa trà Diệu Ký ( một thương hiệu nổi tiếng thời ấy)…Cái kho hàng của ngoại như một góc trời cổ tích của gã. Mỗi ngày đi học về, gã vẫn thường chui rúc vào trong kho hàng ấy như chú bé đi tìm thế giới thần tiên trong truyện cổ tích ngày xưa.

Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 2/2019

No comments:

Blog Archive