Tuesday, September 17, 2019

HÀO SẢNG SÀI GÒN

1.

Thập niên 90.
Hàng tháng tôi thường về Sài Gòn thăm nhà, đặt chân xuống đất Sài Gòn vào khoảng 4 giờ sáng...lúc trời còn tối thui mùa đông hay tờ mờ sáng mùa hè.

Trong không gian còn trầm mặc tiếng chuông cong phu chùa Vĩnh Nghiêm-Công lý, hay tiếng chuông nhà thờ Chúa Cứu Thế-Kỳ Đồng vang vọng giục giã giờ lễ sáng...

Sài Gòn ...không khí buổi sáng sớm thường mát hoặc se se lạnh vào mùa lễ Noel.

Đường phố còn vắng xe cộ và thưa thớt người đi lại, chỉ có những chiếc xe daihatsu, xích lô máy, xe thồ chở rau rác, hàng hóa đến các chợ và người cần lao tất bật cuộc mưu sinh độ nhật .

Cái thú một thời trai trẻ của tôi khi về Sài Gòn là ...

Buổi tối thích cùng một hai người bạn cố tri tìm đến góc phố chợ ...ngồi lai rai vài xị với xíu-quách, hoành thánh bên xe hủ tiếu mì để xem cảnh sinh hoạt mua bán hàng chợ về khuya, nghe tiếng nhạc ngựa leng keng, tiếng vó khua lóc cóc của xe thổ mộ thồ rau trái từ Hốc Môn-Bà Điểm xuống bán đến 2-3 giờ sáng mới quay về, tiếng xe lam lăn bánh nặng nề chất đầy cần-xé trái cây trên mui và mùi dầu khói xả ra khét lẹt, đám bạn trẻ la cà đi chơi về khuya lúc không giờ, ghé lại sì sụp ăn uống, nói năng bá láp, giỡn hớt ì xèo ...

Buổi sớm mai thì thích lang thang đi tìm quán"cà phê kho" lưa thưa mấy ông già dậy sớm, mấy anh xe ôm chờ cuốc "mở hàng" đầu ngày...cùng nhau cà phê phì phèo điếu thuốc lá, rôm rả câu chuyện bốn phương ...để chiêm nghiệm cuộc sống ngày mới của cư dân lao động Sài Gòn -Nam Bộ có tiếng là hào sảng, bộc trực, khinh bạc, nghĩa tình...

Trong đó... có tôi ! lớn lên giữa Thành đô với cuộc sống chân tình, hòa hiếu lễ nghĩa và biết kính trọng nhân vị con người ...

-Biết mình sai...tự nhận tội, biết cúi đầu xin lỗi, không ương nghạnh -điên khùng- thách đố !

- Hễ...thấy người hối hận xin lỗi ...người Sài Gòn lòng dạ liền nguội lại đễ bao dung, xuề xòa... tha thứ bỏ qua !

Ai cũng tâm niệm trong lòng : " Đánh kẻ chạy đi, không đánh người trở lại ".
Một luật lệ bất thành văn mà người Sài Gòn ai cũng tuân thủ BẤT XUẤT NHƠN HẠ MÃ (không đánh người dưới ngựa) .

Cho thấy cách sống bình dị hiền hòa được người Sài Gòn ưa chuộng hơn hết !

Dzậy ... Mới là dân Sài Gòn thứ thiệt ! "chính hiệu con nai dzàng "...chớ !

2.
Tôi lặng lẽ ngồi vào cái bàn nhựa thấp dựa lưng vào góc tường :
- cho cái xây-chừng ...chị hai ! hổng đường nhen...

Chị chủ quán đang lui cui lau cái bàn.. dừng tay quay nhìn tôi một cách ngạc nhiên, rồi ... cười nói :
- ...chèng ơi !... ngộ dữ héng ! lâu lắm ...tui mới nghe lại cái câu này à nhen !

Chỉ cười cười :
- có ngay... chú hai !

Chỉ bưng ra cho tôi ly cà phê nóng bốc khói có cái dĩa bên dưới ...
- dạ, cám ơn chị...

Chỉ nhìn tôi như dò xét...coi..."thằng cha" này ...ở đâu tới, lạ hay quen!

Tôi lấy cái dĩa dưới ly...đậy lên miệng ly để giữ nóng, rồi thư thả lấy gói thuốc rút ra một điếu cầm tay với cái zippo, rồi chậm rãi cất cái dĩa qua bên, mới cầm ly lên nhấp một ngụm hết nửa ly, rồi lấy dĩa đậy ly lại...để cái chất đắng và cái nóng của cà phê lan tỏa trong cơ thể làm chống lại cái se se lạnh ngoài da ...thưởng thức cái hương vị "cà phê" thì ít mà muốn tìm cái sảng khoái... "kho" xa xưa ...thì nhiều !

Tôi chậm rãi ...xoay đầu điếu thuốc vỗ vỗ vào cái zippo rồi xé bỏ cái đầu lọc, đưa điếu thuốc lên môi, bật quẹt mồi ...

Tới đây thì chị chủ quán lấy làm lạ ...nghen ! và không còn "giữ" im lặng được nữa !

- chú ...xin lỗi...chú đâu phải người ở đây, ở xa tới chớ...phải hông !

Lưa thưa mấy ông anh già ngồi bàn gần nghe dzậy cùng quay nhìn về tôi...tôi phì cười... chậm rãi trả lời :

- hổng ở đây thì ở ...chắc-cà-đao ...hả chị... hai ! rồi cười...hahaha...

- hổng phải dzậy ...tui thấy chú lạ hoắc à !

- Dạ, nhà ông- bà già tui ở gần đây ...gần bốt điện cao thế trước nhà anh Đảng , anh Nhu...đó !

Tôi vừa nói vừa chỉ tay về hướng nhà mình...rồi nói tiếp :
- tui từ nhỏ thời ông Diệm cho tới lớn lên thời ông Thiệu ở đất Sài Gòn này, ...xưa nhà tui ở bên Nguyễn Thông ga Hòa Hưng depot xe lửa đó !...cho tới 75.

Sau 75, lớp trai tráng tụi tui "lang bạt kỳ hồ" đây đó ! tui dừng bước giang hồ ở thành phố biển... có dzợ con...sống ở ngoải luôn !...

Mặc cho...thời cuộc, cuộc sống nỗi trôi ...lòng người tráo trở đổi thay!

Lớp tụi tui chỉ tâm niệm với lòng mình cố giữ lại cái khí chất Sài Gòn- Nam Bộ...thẳng thắn bao dung " Thương người như thể thương thân "... thôi !

Rồi sau này, biết bao biến thiên sông núi "vật đổi sao dời "... của đất nước của xã hội.

- tới năm 90 thì nhà ông bà già tui bên Nguyễn Thông dọn về khu Lăng Ông-Bà Chiểu nầy ! thành thử chị thấy tui lạ... là phải mờ !

- tui ...tui ...xin lỗi chú héng !...má chú...bả tên gì ...nói là tui biết liền hà ! Ở đây ...ai tui lại hổng biết !

- dạ, má tui là bà...!

- chèng ơi ! Bà bác ...hả ! bả hiền, bả dzui dzẻ dễ thương lắm! Bả đi chợ dzìa là hay mua kẹo mua bánh cho bầy nhỏ ở xóm này, xấp nhỏ thương bả lắm...chú ơi ! Cứ bà goại...bà goại ...hà !

Dzậy chớ ...chú dzìa thăm ổng bả được... nhiêu bữa... tuần hông?

- dạ, cũng ở lại tâm sự dzới ông bà già một hai đêm rồi về ...còn công việc mần ăn nữa chớ !

- sớm mơi...còn cà phê bữa nữa... chớ chú ! Thiệt tình tui "phái" nghe chú kể chiện...xưa nghen !

- dạ, sớm mơi ...bữa nữa! Tui sẽ kể lại...cái thời cà phê kho... hào sảng Sài Gòn !

3
Năm Mậu Thân 68.
Trên đường đi ăn giỗ nhà bà con ở gần chợ Cây Gõ quận 6 ...hai cha con tôi ghé vào quán cà phê Năm Dưỡng đường Nguyễn Thiện Thuật nằm trong con hẻm nối ra đường Lý Thái Tổ, mới ở đầu hẻm đã thơm thoảng lại mùi cà phê dễ chịu, sảng khoái... đã cái lỗ mũi làm sao á !...liền nghe sáu câu vọng cổ phát ra từ cái máy đĩa chạy tours 45-78 của quán ( trong con hẻm này có nhà của nghệ sĩ đa tài Hùng Cường cư ngụ ).

Thực khách phần lớn là những người trung niên, lớn tuổi. Họ không những ghiền hương vị cà phê kho bao nhiêu năm kinh nghiệm mà ông chủ quán pha chế bằng cái siêu đất da lươn, bằng cái vợt vải sậm màu... mà họ còn ghiền cái giọng ca vọng cổ hề hề quen thuộc của nghệ sĩ Văn Hường được phát đi phát lại bài "Tư Ếch đi Sài Gòn" đến nỗi ai cũng thuộc nằm lòng...luôn! Nhất là mấy đứa nhỏ,nghe là tụi nó gân cổ ca theo liền...hà!

Họ còn ghiền cái chỗ ngồi hàng ngày, ghiền cái không khí bình dân cổ xưa của quán, ghiền..."cha nội"... hàng ngày ngồi sát bên, miệng" câm như hến "chỉ im im đọc báo, thưởng thức trà cà phê rồi gật gù mỉm cười , ghiền cái cách tán gẫu chuyện thiên hạ đa sự "xe cán chó, chó cắn xe" của mấy cha tài xế taxi...ghiền tám chuyện cá độ" trời mưa trời nắng "của mấy tay chơi bên cầu Nhị Thiên Đường, chuyện dân chơi tứ chiếng cầu Ba cẳng "choảng nhau tơi bời hoa lá"vì dành "ghệ"... ghiền nghe cái chuyện dài "Nhân dân Tự vệ"...của mấy cha xích lô, mấy chị vé số xí xọn..."ngồi lê đôi mách"... nhiều chiện !

Rồi mấy chả còn bày đặt học lóm vài câu...tiếng " các chú" để kêu cà phê, tính tiền cho vui cái lỗ... nhĩ ! Để lấy le dzới "bàn dân thiên hạ"!

Nào là ..."tài phé ...phế nại...xây phế nại...hắc xịt ...xà lẵm..."( cà phê đen lớn, cà phê ít sữa, cà phê sữa nhỏ, cà phê đá, gọi trà)

Nào là..."thảy xu(Tiều Châu)...xáo lúi(Quảng Đông: tính tiền) ...kỵ tố lúi..."(bao nhiêu tiền)

Nào là ..."hầm pà lằng kỵ tố ..."(cả thảy bao nhiêu tiền).

Cho ra vẻ ta đây cũng rành "sáu câu vọng cổ " ...cũng ..."chệt, chệt"...như ai chớ bộ !

Thấy cũng vui vui, bình dân thiệt bụng, chan hòa tình cảm bà con ta-tàu miệt Chợ Lớn !

Hễ thấy khách bước vô...ông chủ quán chậm rãi :
- giẫm mí dẹ ...(uống cái gì ).

- bỉ ngộ dách búi xây phế nại !(cho tôi một ly cà phê sữa nhỏ )

Ông chủ quán nhìn kỹ lạ quen, vai vắt cái khăn đi ra ...trên tay cầm cái dĩa men nhỏ bên trên có cái ly không và cái muỗng nhỏ, (trong ly có sẵn đường hoặc sữa ) là vì chủ quán biết cái gu uống gì, đậm ngọt của khách quen mà!( cái dĩa nhỏ men Lái Thiêu xanh trắng có hình sáu người ẩn sĩ (trúc khê lục dật), ly là loại ly thủy tinh ba khứa tròn nở miệng túm đáy.

Chủ quán tay cầm cái ấm nhôm cao cổ có vợt cà phê thơm nức mũi, trên đậy nắp. Chủ quán cầm vợt nhúng vợt lên xuống vài lần trong ấm rồi nghiêng vòi rót ra ly ...cà phê chớm miệng ly thì dừng tay "rất điệu nghệ ".
Trong khi đó, khách thản nhiên rút ra điếu thuốc thường là capstan, ruby... bình dân nghiện nặng thì bastos xanh, bastos đỏ ...tùy theo cái gu của mỗi người!

Khách xoay đầu điếu thuốc vỗ vỗ vào mặt đồng hồ hay cái zippo, rồi đặt điếu thuốc lên môi, bật zippo nghe "cong" mồi thuốc, rít...phà ra ngụm khói đầu tiên, rồi lơ mơ cầm cái muỗng quậy đường (sữa) ... cầm cái ly đỗ cà phê ra dĩa, cầm dĩa lên thổi phù phù cho nguội bớt rồi hớp một hai ngụm...lại đặt cái dĩa lên ly để giữ nóng phần cà phê còn lại !

Hút tàn điếu thuốc thì cà phê cũng vừa cạn trong ly, hớp thêm ngụm trà súc miệng là ...

- thảy xu !

- chẩu xìn...(về trước)

Như vậy, cho thấy cái thú uống cà phê dĩa của người xưa không phải là dân chơi, từng trải, điệu nghệ gì cả!

Uống cà phê dĩa không phải là mode mà là cách uống nhanh dành cho người bận công việc, giới cu-li lao động, không có thời gian hoặc thời gian hạn hẹp, bận rộn không rảnh rỗi ngồi nhâm nhi tán gẫu .

4.
Sài Gòn vào thập niên 60.
Giấc 4-5 giờ sáng trời thường se lạnh , lúc đó Sài Gòn dân số còn ít .Nhà máy, hãng xưởng sản xuất chưa phát triển nhiều, còn ít building, nhà cao tầng chưa nhiều , chưa bê-tông hóa đô thị, cây xanh cổ thụ còn nhiều dọc các con đường, có những năm mùa đông lạnh xuống 14-15 oC.

Uống cà-phê dĩa, thường là mờ sáng, chuẩn bị đi làm, giới tài xế taxi, xích lô máy, ba gác máy chở hàng hóa ra chợ sớm...ngừng lại làm "cái" cho ấm bụng đã!...trong khi xe dừng lại, tài xế vào quán kêu cà phê ...bạn hàng 1,2 người phụ nữ ngồi lại trên xe lấy ra gói xôi, trái bắp, cái bánh chưng ...ăn lót dạ ! Nhiều khi chưa kịp ăn xong thì tài xế ra xe nổ máy tiếp tục trực chỉ... chợ An Đông !

Nên uống cà-phê dĩa cho nhanh và đậy dĩa giữ nóng phần còn lại là động thái" khoa học thường thức".Khách hút tàn điếu thuốc cũng vừa cạn hết cà-phê trong ly, xong là :

- thảy xu !

- chẩu xìn !

Tự móc tiền đặt trên bàn rồi ra xe đi mần...

Trời trưa nắng, xế chiều ...thì dân ghiền thường là :
- hắc xịt !(cà phê đá)

- phay tí dách búi hắc xịt!(lẹ lẹ một ly phê đá)

làm cái cho mát cổ họng, có người tới cử mà hổng có cà phê "rót" dzô là... nhức cái đầu, hoa con mắt, đắng cổ họng, nói cà lăm, tay chân bủn rủn ... hổng làm được gì cả !

Mới thấy cái diệu kỳ, cái "thần sầu quỷ khốc" của... cà phê kho!
Ngộ...dữ héng! Cái dân Sài Gòn ...lạ thiệt !

Những người xưa ...còn cho là ngồi phải "chân trên ghế, chân chạm sàn" mới là đúng dân sành điệu ..."đi uống cà-phe !"

Nghiệm ra thì cũng chẳng phải dzậy !

Cách ngồi này là của giới bình dân miệt vườn, ở nhà sàn mùa nước nỗi ngồi chồm hỗm quen rồi !

Giới thương hồ sông nước, thập niên 60-70 từ lục tỉnh lên Sài Gòn cặp bến Bình Đông, Lê Quang Liêm, Chợ lớn để mua bán trao đổi cây trái hàng hóa lên về.

Khi lên Sài Gòn vẫn giữ cách ngồi cũ, thời gian sau thấy kỳ kỳ...vì lòi mấy cái đầu ngón chân đen đúa ra...lâu ngày thấy "nhột, nhột" cái bụng, "mắc cỡ muốn chết "...riết rồi bỏ hẳn cách ngồi này khi... "đi uống cà phe" !

Còn dân Sài Gòn chính hiệu, dù đi uống cà phê kho cũng ngồi ghế đẩu cao, lịch sự chân gác -chéo tréo- ngoảy.

Nhất là các thầy hai, thầy ba làm công chức, tư sở, hãng, xưởng ...tạt ngang làm cái cho đỡ ghiền thì lịch sự phải biết!

Từ cách cầm điếu thuốc tay vỗ vỗ đầu điếu thuốc vào cái quẹt zippo, rồi bật zippo cái "cong" mồi lửa, rít khói rồi ...nhả khói từ từ...tay bập bập gạt tàn... thủng thẳng nhấp cà phê từng ngụm...điệu nghệ thanh lịch làm sao á !

Cái chỗ ngồi uống cà phê cũng khá quan trọng, uống cà phê ngon phải có điếu thuốc ngon, ngồi đúng cái chỗ ngồi thường ngày, phải đúng bạn...mới ngon !...để cùng nhau "luận anh hùng", bàn thế sự ", bàn chuyện thiên hạ trên trời dưới đất ...mới ngon.

Bữa đó ! cái mặt mới tươi rói, mới sung sướng cả ngày ! Có gì bực mình...cũng...thôi mờ...bỏ qua đi tám !

Bữa nào tới trễ, ngồi không đúng chỗ cũ ...là khó chịu, là..." bữa nay... hổng thấy dzui !" nhìn cái bản mặt dàu dàu...như bị hốt trật hụi !

Khách lạ vào, biết chuyện thường phải hỏi :
- Dạ, chỗ này...có ai ngồi chưa huynh !

Khách quen đợi bạn cố cựu thường gật đầu...
- có người rồi !

Khách lạ tế nhị tìm chỗ khác .

Bữa nào quán đông, khách lạ vào xin ngồi ké, muốn đi trước ( khách chơi ngon muốn làm quen, còn dịp trở lại) thường xin phép anh em chung bàn ...

- dạ, bữa nay em xin mời quý anh !

Rồi quay vô trong :
- hầm pà lằng kỵ tố?

Móc tiền trả hết cả bàn, chào đi trước. Hôm sau trở lại, lạ thành quen ...
có người khác bao lại !...riết rồi thân !

Ở Sài Gòn... dân Sài Gòn là dzậy...mờ !
Ngộ...dữ héng !

5.
Bởi chỉ có ở Sài Gòn...chỉ có cà phê kho Sài Gòn mới là nơi hội tụ đủ mọi giới, đủ thành phần "thượng vàng hạ cám"! ...từ bình dân học vụ...đến trí thức doanh gia !

Gặp nhau trong chan chứa tình người, hòa hiếu vui vẻ, rộng lượng bao dung...đúng nghĩa của hai tiếng Sài Gòn!

Bởi chỉ có ở Sài Gòn... người ta mới xuề xòa, cởi mở, thiệt tình tìm đến nhau mà không phân chia thứ bậc, "không chiếu trên, chiếu dưới". Không xét nét nghi ngại, không làm tàng phách lối, không kẻ cả xỉa xói nhau, không lên lớp "anh,(chị)... chú", không định kiến sang hèn "mày- tao"...

Bởi chỉ có ở Sài Gòn... mới trước lạ sao quen cùng ngồi bên nhau "anh em-huynh đệ" "quàng tay bá cổ", uống cà phê giải bày tâm sự thật lòng, hoài niệm một thời xa xưa...phóng khoáng!

-" Tui nhớ ...hồi xưa...hồi xưa...ông già tui kể ...

- Qua... nói mấy em nghe :"tứ hải chi nội giai huynh đệ"... mờ !

- thôi ...bỏ qua đi tám !

- Em xin lỗi quý anh ! cho em "hỗn" bữa nay, em bận việc đi trước héng !( rồi quay vô quán kêu tính tiền )...Hầm pà lằng kỵ tố ?"

Bởi chỉ có ở Sài Gòn...cái không khí Sài Gòn mới có cái hào sảng Sài Gòn sinh ra lớp người phóng khoáng Sài Gòn vì đã thấm nhuần cái đạo lý làm người của đấng trượng phu Lục Vân Tiên và hào khí Nam Bộ!

"GIỮA ĐƯỜNG GẶP CHUYỆN BẤT BẰNG CHẲNG THA !"

Dù xa cách Sài Gòn đã 40 năm tôi vẫn không quên được Sài Gòn Xưa... nơi chốn thanh thản tình người, thật thà bộc trực, hào hiệp khí khái, rộng lượng bao dung...

Có dịp là tôi trở lại Sài Gòn...để sống lại nhịp sống từng giây từng phút cái không khí hào sảng Sài Gòn Xưa, dù là giờ đây Sài Gòn đã "thay da đổi thịt"...từ "tâm thức đến hành động" ...đã lột xác hoàn toàn!

SÀI GÒN Xưa... nơi đã nuôi dạy nhân cách làm người ... bao thế hệ chúng tôi !

Ngoài kia...trời Sài Gòn vẫn nồng nàn mưa nắng hai mùa, người Sài Gòn Xưa vẫn giang tay hào hiệp giúp đỡ người cô lữ phương xa, vẫn bao dung hào phóng che chở kẻ sa cơ lỡ vận .

SÀI GÒN Xưa ! vẫn...duyên dáng- quyến rũ- trìu mến- thiết tha -nồng nàn ... đáng trân trọng yêu quý mãi mãi... trong lòng tôi !

"SÀI GÒN ĐẸP LẮM ! SÀI GÒN ƠI ! SÀI GÒN ƠI !"(Y Vân)

TRƯƠNG HÙNG
6/2018

No comments:

Blog Archive